1.
Tên gia nhân đã đứng chờ sẵn cúi đầu chào khách, rồi mở đôi cánh cổng nặng nề mời khách vào.
Hai Long nhìn thấy trước mặt mình, cách một cái sân rộng là một ngôi nhà giống như một từ đường, phía trong sâu thăm thẳm.
Đàn bồ câu đậu dày đặc trên sân. Những con chim rất dạn người, quệt cả cánh vào chân khách.
Khi Hai Long bước lên nhà tiền sảnh, tiếng chim yến ríu rít. Những con vẹt liến thoắng: “Chào khách! Chào khách!”
Từ cỗ xa-lông chạm, một người đứng dậy đi ra. Y mặc áo chùng thâm, quần trắng, mái tóc chải ngược, hơi thấp và mập, thoáng nhìn hao hao giống Ngô Đình Diệm. Người ta nói Cẩn ở nhà thưởng mặc áo cộc tay, quần lá tọa cháo lòng, đi guốc mộc... Đúng như lời Dư nói ban nãy, bữa nay, Hai Long được coi là khách quý.
Hai Long cung kính cúi đầu. Cẩn cũng cúi đầu đáp lễ. Y thong thả quay lại xa-lông, chìa tay về phía khách:
- Mời anh ngồi.
Đôi mất y nhìn anh sắc lẹm.
Hai Long vẫn đứng chắp hai tay, đưa mắt nhìn ngọn đèn đỏ trong gian nhà thờ:
- Xin phép ông cố vấn cho tôi viếng Chúa.
Cẩn rời chiếc ghế, đưa Hai Long vào nhà trong đến trước bàn thờ. Hai Long làm dấu thánh giá rồi quỳ xuống lâm râm cầu nguyện.
Khi anh đứng lên, Cẩn toan dẫn anh quay ra.
- Tôi xin được viếng cụ cố ông.
Cẩn lại dẫn anh đến trước bàn thờ Ngô Đình Khả. Hai Long ngước nhìn bức ảnh vị đại thần triều Nguyễn treo trên bàn thờ, rồi cung kính vái bốn vái.
Khi quay lại, anh nhận thấy mặt ông Cậu lộ vẻ hài lòng.
- Giờ xin phép ông cố vấn cho tôi được vấn an cụ cố bà.
Cẩn hơi sững lại. Ông Cậu có bà mẹ già mắc bệnh bại liệt nằm bất động quanh năm như một thây ma. Vì bà già nằm đã quá lâu sinh bẳn tính, con cháu, người hầu hạ trong nhà đều mệt mỏi, ngại gần, chỉ mong cho cụ sớm về chầu Chúa. Cậu Út thương mẹ nhưng bận công việc, bà cụ thường nằm thui thủi một mình.
Cẩn lưỡng lự rồi dẫn Hai Long sang căn nhà bên. Một căn buồng cửa sổ đóng kín, không có ánh sáng mặt trời. Bà già sợ nhiều ánh sáng nên chỉ cho thắp một ngọn đèn dầu nhỏ. Không khí âm u, lạnh lẽo. Trên chiếc giường lớn trải nệm, hai cánh màn the ban ngày đã được vén lên, một thân hình mỏng dính khuất dưới chiếc chăn đơn. Một cái sọ người lơ thơ trên đầu ít sợi tóc bạc, đảo con ngươi trong hố mắt sâu trũng nhìn ra.
Hai Long chắp tay vái ba vái rồi nói:
- Con sắp mình cầu nguyện Đức Mẹ phù hộ cho cụ cố bà đặng bằng an trong Chúa.
Bà lão gật đầu. Khuôn mặt già nua, u sầu như bừng sáng. Nguồn vui từ người mẹ già ốm đau dường như lan truyền sang cậu con út. Cẩn lộ vẻ xúc động:
- Cụ cố tui bịnh lâu ngày, không ra vô được, không ngồi dậy được, nói năng cũng khó khăn, tui xin thay mặt thân mẫu đa tạ thịnh tình của anh.
Hai Long lại vái chào bà cụ, rồi đi theo Cẩn quay trở về phòng khách.
Mấy con vẹt ở nhà tiền sảnh lại đua nhau “Chào khách! Chào khách!”.
2.
Cẩn thong thả rót nước trà vào chén tống rồi san qua chén quân, hai tay nâng chiếc chén nhỏ xíu mời khách.
Y ngồi ngay ngắn trên ghế, giữ đúng lễ với kẻ sĩ.
Cô hầu gái mang hộp trầu và một hộp mây khảm đựng những điếu thuốc Cẩm Lệ đã vấn sẵn, vê hai đầu. Người ta còn gọi Cẩn là “Cậu Út trầu”, vì Cẩn suốt ngày bỏm bẻm nhai trầu.
Cẩn mời Hai Long ăn trầu. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Hai Long rất tiếc phải từ chối nói mình không biết ăn trầu. Cẩn lại mời Hai Long thuốc lá Cẩm Lệ. Anh lấy một điếu đánh diêm châm thuốc hút, chờ xem thái độ của chủ nhân.
Cẩn nhanh chóng nhai giập miếng trầu với đôi hàm răng chắc khỏe, cặp môi dày được nhuộm đỏ, cả mặt y hồng lên. Mặt mũi y nhìn kỹ cũng phương phi. Y không có râu. Riêng đôi mắt sâu của hắn làm Hai Long lo ngại. Đôi mắt có cặp đồng tử khi to khi nhỏ, luôn luôn thay đổi, từng lúc lại lóe lên những ánh tàn nhẫn và hiểm độc.
Y nói từ tốn:
- Tui đã đọc tờ trình của anh, và sau đó đã gửi vô Sài Gòn. Bữa ni, mời anh tới ta đàm luận thêm. Tui chưa thiệt biết rõ anh... Cộng sản hay không Cộng sản, nhưng đã nghĩ làm điều thiện mang lợi ích cho giáo hội thì đều là con chiên của Chúa phải không anh?
Cái nhìn của y làm anh ớn xương sống. Hai Long tự bảo mình phải trấn tĩnh. Anh nhấp một chút nước trà đậm chát rồi đáp:
- Thưa ông cố vấn, trước hết tôi xin cảm tạ ông cố vấn đã xếp đặt cho tôi buổi hạnh ngộ này. Đã phó hồn xác trong tay Chúa, tôi chỉ biết làm đẹp lòng Chúa từ lời nói đến việc làm. Hôm nay, được diện kiến ông cố vấn cũng là cơ duyên. Tôi mong làm đẹp lòng ông cố vấn hơn nữa.
Cẩn ngồi nghe, cặp mắt như mắt thú đang rình mồi, im lặng, với tay lấy một điếu thuốc.
Hai Long nói tiếp:
- Năm ngoái, Ban sáng lập Hội Khổng học chúng tôi ra Cửa Thuận, mang theo báo cáo của Hội, cá nhân tôi rất muốn xin yết kiến ông cố vấn để xin huấn thị về việc của Hội. Ngoài ra, còn muốn trình bày với ông cố vấn một vài vấn đề không nằm trong phạm vi văn hóa. Tiếc rằng tôi cùng đi với bốn anh em, không tiện tách riêng. Ngẫu nhiên, nay lại được ra Huế và đến Phú Cam một cách đặc biệt..., tôi không biết làm thế nào để hầu chuyện ông cố vấn được danh chính ngôn thuận...
Hai Long thẳng thắng nhìn đôi mắt Cẩn với quyết tâm không để bị uy hiếp.
- Ờ... ờ. - Cẩn hơi lúng túng - Bọn chúng chưa nói với anh răng? Bữa ni anh là khách quý của tui. Có chi anh cứ nói.
Hai Long như cố nén một tiếng thở dài:
- Chúa sắp đặt tất cả? Như vậy là Chúa đã thưởng công cho tôi. Tôi dã có diễm phúc tới vùng địa linh nhân kiệt này, nơi Ngô chí sĩ dựng nghiệp lớn. Tôi vừa được nhìn thấy nhà thờ Phú Cam xưa nhất xứ Huế. Tôi lại vừa được chiêm bái cụ cố ông, một đấng trung thần. Ai chẳng biết câu “Đày vua không Khả, đào mả không Bài!”. Tôi đã được chiêm ngưỡng cụ cố bà là đức hiền mẫu của những vị đang “thừa thiên hành đạo” và vinh hạnh cho tôi là được diện kiến ông cố vấn, đạo đời nhất quán, Đức cha Lê vẫn thường nhắc...
Mặt Cẩn mỗi lúc một nở nang:
- Anh có thường gặp Đức cha Lê không? - Cẩn xen ngang.
- Dạ... thưa tôi là phụ tá của Người. Trong tờ trình tôi đã viết nhiều ý kiến là do tôi tiếp thụ của Đức cha.
- Đức cha có nói gì về tui không?
- Có chứ ạ. Người thường xuyên trao đổi với tôi về những nhà lãnh đạo Việt Nam cộng hòa, về ông cố vấn, Ngô tổng thống và ông bà Nhu.
- Đức cha nói những chi? - Cẩn tỏ vẻ sốt ruột.
- Xin ông cố vấn cho phép tôi nói thật.
- Răng chi mà ngại! Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau mà!
Hai Long vẫn ra vẻ ngập ngừng. Cẩn thúc giục:
- Đã nói không ngại chi mô! Hay dở cũng cứ nói!
- Đức cha nhận xét: tổng thống thanh liêm, đạo đức, nhưng cố chấp, không chịu nghe lời khuyên răn của bất cứ ai. Ông Nhu kiêu căng, coi trời bằng vung, chỉ nghe lời vợ. Mà bà Nhu thì đi quá xa phạm vi gia đình, vượt sang lĩnh vực chính trị, quốc gia, khiến thiên hạ dị nghị nhiều. Chỉ có ông Cẩn là người trực tính, thì lại ở xa. Ngài nói ông cố vấn biết cầu hiền, trọng nghĩa theo lối xử thế của người quân tử. Ngài chê ông Nhu không biết trọng hiền nên không tập hợp được lực lượng.
Cẩn bỏm bẻm nhai trầu, những đường gân, bắp thịt bên quai hàm chuyển động. Mặt y càng đỏ hồng. Đôi mắt y không chớp. Y lặng nghe như nuốt từng lời. Thấy Hai Long dừng lại, Cẩn hỏi:
- Đức cha còn nói chi về tổng thống?
- Đức cha nói Ngô chí sĩ là người có chí, có đức nhưng không thực việc, tất cả đều phó thác cho ông Nhu, ông Út Cẩn thì chỉ lo việc miền Trung, nên hiện nay quốc sự có nhiều điều dáng lo ngại.
Cặp mắt của Cẩn đã dịu lại, không còn ánh lên những cái nhìn xoi mói, độc ác.
- Bây chừ tui nói cho anh rõ vì sao có cuộc gặp gỡ ni. Thằng Hiếu bắt anh, thằng Dư nó giam anh, tui có biết chi mô! Tới khi tui coi báo cáo của anh, tui mới giựt mình là thằng Dư cũng coi báo cáo đó. Bọn hắn đâu là người được biết chuyện đại sự! Nếu coi anh là cán bộ Cộng sản, thì tui cứ mặc cho thằng Hiếu, thằng Dư mần chi thì mần. Nhưng tui đặc phái thằng Duyệt đến tận nơi, nhơn danh tui mời anh, thì không phải chuyện bình thường. Cũng là kỳ ngộ. Bữa ni, ta sẽ bàn đại cuộc...
Cẩn ngừng nói khi nhìn thấy cha Hồng từ ngoài đi vào. Cha thường lui tới nên bọn gia nhân canh gác đã coi cha như người nhà.
Cẩn đứng dậy hơi lúng túng.
Nhìn thấy Hai Long, cha vừa ngạc nhiên vừa tỏ vẻ vui mừng. Cha tiến lại bắt tay, rồi ngồi xuống cạnh anh.
Cha Hồng quay sang phía Cẩn:
- Bữa nay tôi định tới gặp ông cố vấn để nói chuyện về thầy phụ tá của Đức cha Lê, không ngờ lại gặp cả thầy ở đây... Tôi nghĩ là chuyện này chắc đã được ông cố vấn biết và giải quyết.
Cẩn vui vẻ:
- Thưa cha, con vừa nói cho anh Hai hay, việc bọn hắn bắt bớ anh Hai con có biết chi mô! Rứa là đánh nhau vỡ đầu mới nhận họ! Nhưng gặp được người của Đức cha Lê cũng là điều hay. Con đang bàn với anh Hai về chuyện Đức cha. Khi mô mà gia đình họ Ngô quên công ơn của Đức cha và giáo dân Phát Diệm.
- Thật là Chúa an bài!
- Con không hiểu tại sao lại có sự bất đồng kéo dài giữa tổng thống với Đức cha Lê? Cũng không hiểu tại sao, Tòa thánh lại lạnh nhạt với Việt Nam cộng hòa?
- Về việc chính trị thì ông cố vấn cứ bàn luận với thầy phụ tá của Đức cha, - Cha Hồng vui vẻ quay về phía Hai Long - Sáng mai, thầy Hai tới xem lễ rồi ghé lại dùng bữa với chúng tôi, mới có mấy ngày mà anh em cứ nhắc thầy Hai luôn.
Cha Hồng đứng dậy cáo từ ra về.
Mọi việc dang diễn ra như “Chúa đã an bài”, Hai Long thầm nghĩ.
3.
Cẩn đi ra chỗ tủ đứng, mở cánh cửa lấy ra một bì thư lớn, đem lại đặt ở góc bàn. Y ngồi ngẫm nghĩ một lát như để nhớ lại một điều gì, rồi hỏi Hai Long:
- Cha Lê có nhận định tình hình đúng như bốn điều anh đã viết trong ni không?
Hai Long biết trong bì thư có tờ trình của anh.
- Bản nhận định của tôi là sự tổng hợp ý kiến của Đức cha Lê, cha Hoàng, và những điều tôi thu lượm được khi Đức cha cử tôi làm đại diện tiếp xúc với các nhân vật và đoàn thể thuộc nhiều khuynh hướng chính trị ở Việt Nam cộng hòa. Điều này tôi đã viết trong tờ trình.
- Rứa theo anh, bốn nguy cơ đã diễn biến đến đâu?
- Chế độ Việt Nam cộng hòa đã được củng cố nhiều nhưng đang gặp những nguy cơ lớn đe dọa do có sự rạn nứt ngay từ bên trong. Đức cha và tôi lo chế độ có thể lâm nguy, nhanh hay chậm là do sự phát triển của những nguy cơ và những biện pháp giải nguy của tổng thống.
- Anh trình bày rõ thêm về từng nguy cơ.
- Nguy cơ thứ nhất là lực lượng thân Pháp nằm ngay trong các giáo phái, các đảng quốc gia, trong guồng máy hành chính và quân đội. Lực lượng này còn nằm im chờ thời cơ. Họ đang muốn lôi kéo Đức cha đứng về phía họ. Đức cha hơi than phiền là tổng thống quá mạnh tay đối với lực lượng này.
- Anh nói tiếp nguy cơ thứ hai.
- Đó là lực lượng của Mỹ đối lập với tổng thống. Khi thời cơ đến, họ sẽ đứng lên thay thế tổng thống. Họ chính là những con bài của Mỹ. Tỷ dụ như Phan Quang Đán mà Mỹ đã đưa về nước cùng tham chính với tổng thống, là một lá bài dự trữ của Mỹ. Đán đã từng liên lạc với Đức cha từ năm 1945, và hiện nay Đán đang tìm sự hậu thuẫn của Đức cha và khối Công giáo. Cha đã cử tôi tiếp xúc với Đán. Đán rất lạc quan, cho tôi biết mối quan hệ chặt chẽ giữa Đán với đại sứ Durbrow ở Sài Gòn và nhiều nghị sĩ Mỹ đảng Dân chủ như Mansfield, Fulbright. Người Mỹ bảo Đán cứ chuẩn bị sẵn sàng để thay thế tổng thống. Cha Lê cho rằng, thế và lực của tổng thống hồi 1954 không lớn bằng thế và lực của Đán hiện nay. Vậy mà năm 1954 Mỹ đã đưa Ngô chí sĩ về chấp chính được, thì bây giờ nếu Mỹ dùng Đán, Đán sẽ nắm quyền được.
- Còn nguy cơ thứ ba?
- Nhiều đoàn thể quốc gia và những phần tử đã từng ủng hộ tổng thống tích cực ngay từ năm 1945, và từ năm 1954 đến nay, ở trong quân đội và trong chính phủ cộng hòa, nhưng họ đã bất mãn vì nhiều lẽ. Có người rút về sống ẩn dật. Nhiều người kết bè đảng với đám thân Pháp và bọn đối lập thân Mỹ. Có người đã ngang nhiên tỏ ra chống tổng thống. Những phần tử bất mãn này liên lạc với Đức cha và khối Công giáo...
- Họ là những ai? - Cẩn xen ngang.
- Số này không ít. Tạm kể nhóm Trần Văn Lắm, Nguyễn Văn Châu, Đỗ Mậu, v.v... Rất đáng tiếc một kẻ như Đỗ Mậu, tài hèn, sức mọn, được tổng thống thương yêu tin cậy cho làm đến giám đốc an ninh quân đội, mà đã không tri ân tổng thống lại còn bất mãn, âm mưu liên minh với bọn đối lập, dựa vào Công giáo để chống chế độ... Đây là ba mối lo ngại cho chế độ, mà Đức cha cho rằng ngày càng trầm trọng.
- Trong ba điều này, - Cẩn lại hỏi - Đức cha coi điều nào là quan trọng nhất?
- Ngài e ngại nhất là bọn đối lập được Mỹ yểm trợ. Mỹ dùng Đán khác nào gí mũi gươm vào sườn tổng thống. Bọn bất mãn với tổng thống như được khích lệ. Vô hình chung Đán tập hợp được lực lượng định chống đối lật đổ tổng thống. Cha Hoàng và tôi được Đức cha Lê trao nhiệm vụ tiếp xúc với ba lực lượng ấy, nắm vững tình hình báo cáo với Đức cha.
Cẩn ngồi thần người. Y chợt nhận ra điếu thuốc sâu kèn chỉ còn dính ở môi dưới sắp tắt, phải bập bập môi hai ba lần, chúm miệng hít mấy hơi dài lửa mới cháy đỏ.
Hai Long nói tiếp:
- Vẫn phải tính đến nguy cơ thứ tư. Nói ra sự thật này thì đau xót lắm! Ai ngờ đâu một nguy cơ lớn đối với chế độ lại xuất phát ngay từ giáo hội Công giáo ta. Xin ông cố vấn bình tâm mà nhận xét mới thấu suốt được. Việt Nam cộng hòa đã được 50 quốc gia trên thế giới công nhận và đặt ngoại giao trên hàng đại sứ, thế mà Tòa thánh La Mã chỉ đặt quan hệ với nước ta ở cấp lãnh sự. Phải gắng vận động Tòa thánh nâng cấp lên hàng đại sứ để tăng thêm thế lực ngoại giao của ta trên trường quốc tế. Tòa thánh ủng hộ đưa cha Cassaigne, rồi cha Hiền làm giám mục địa phận Sài Gòn, công khai chống đối tổng thống. Tòa thánh hậu thuẫn cho giáo phẩm Việt Nam chống đối chính phủ kiểm soát Chủng viện Sài Gòn, và còn trực tiếp can thiệp với tổng thống về việc này. Cha Vũ Đình Trác là cha di cư, chủ nhiệm báo Đường Sống, dùng ngay phương tiện báo đó để hạ uy tín của tổng thống. Cha Hồ Văn Vui, là cha trong Nam, công khai mạt sát chế độ và tổng thống ngay trên tòa giảng trong buổi lẽ sáng chủ nhật ở nhà thờ Đức Bà trước dinh Độc Lập. Cha Vui lại là cha có uy tín nhất đối với các linh mục và giáo dân ở miền Nam!
Cẩn ngừng nhai trầu, đôi môi đỏ quét trầu mím lại. Những động mạch hai bên thái dương y giật giật.
Hai Long tiếp tục nói với giọng rầu rĩ, than thở:
- Tòa thánh ngấm ngầm chống ta, bên ngoài thì lạnh nhạt gần như muốn cô lập hóa ta, bên trong thì phóng tay cho các đấng giám mục, linh mục và giáo dân Sài Gòn chống đối ta bàng lời nói và hành động cụ thể. Một số giám mục, linh mục di cư tiêu biểu cho Công giáo di cư cũng tỏ vẻ bất đồng với tổng thống. Giáo hội có thái độ như thế thì người ta sẽ nghĩ ra sao trong khi mọi thông điệp của tổng thống đều kết thúc bằng câu “Xin ơn trên phù hộ chúng ta!”.
Cẩn vuột ngược tóc, bóp chặt hai bàn tay với nhau, buột miệng:
- Chà..! Dữ hỉ?
- Thái độ của giáo hội Công giáo quả thật đã gây bất lợi cho ta về mặt nội chính và ngoại giao, làm nội bộ nứt rạn, bạn bè nghi ngờ, làm tăng thế lực của kẻ thù. Cả ba lực lượng chồng đối đều thăm dò, theo dõi thái độ của Tòa thánh La Mã, của giáo hội Công giáo, nhất là Tòa giám mục Sài Gòn đối với tổng thống. Thậm chí họ còn liên lạc và dựa vào Công giáo, cụ thể là Đức cha Lê để âm mưu lật đổ tổng thống. Đó cũng là một nguy cơ rất trầm trọng.
Trán Cẩn lấm tấm mồ hôi. Y lẩm bẩm:
- Đán nó được nhiều phiếu nhất ở quận Nhì trong cuộc bầu cử quốc hội khóa V ở Sài Gòn vừa rồi. Phan Khắc Sửu, Nguyễn Châu cũng được nhiều phiếu. Toàn những kẻ đối lập!
Bỗng Cẩn ngước nhìn Hai Long, mắt lại lóe lên những tia độc ác:
- Còn Đức cha Lê...! Chả lẽ cứ bất đồng mãi với tổng thống ư?
Già néo đứt dây, Hai Long nghĩ. Chớ có dồn con thú đến đường cùng.
- Thưa ông cố vấn, chính đây cũng là một điều tôi mong mỏi được trình bày trong cuộc diện kiến này. Đây chính là chỗ hiểu lầm to lớn và tai hại nhất cho mối thân tình giữa Đức cha và tổng thống. Là người luôn luôn gần gũi Đức cha, tôi biết rõ Đức cha bất đồng với tổng thống chính vì muốn ủng hộ tổng thống. Đức cha sẽ ủng hộ tổng thống đến cùng. Đức Cha vừa phải tuân theo đường lối của Tòa thánh La mã, phải chăm lo quyền lợi lâu dài cho giáo hội Công giáo, vừa phải bảo vệ tổng thống là một chiến sĩ Công giáo mà ngài ủng hộ từ năm 45 đến nay. Ngài nhìn xa thấy rộng, nhiều lần khuyến cáo tổng thống nhưng tổng thống không quan tâm, nên ngài lo ngại và bất bình. Thật cũng đáng tiếc là những bất đồng này làm cho Tòa thánh La Mã càng xa cách tổng thống, giáo hội Việt Nam tách dần tổng thống...
Hai Long chắp hai tay:
- Thưa ông cố vấn, nhân tháng Đức Mẹ lên Trời, được thánh linh soi sáng, tôi cầu nguyện Chúa phù hộ cho tôi nói lên sự thật, và tôi đã viết lên sự thật. Lời nói và việc làm của tôi đã hoàn tất. Tôi xin cảm ơn Chúa, cảm ơn ông cố vấn về buổi hội ngộ này.
Cẩn vội giơ tay ngăn không cho Hai Long đứng dậy:
- Không lẽ anh chỉ vẽ cho tui thấy nguy cơ như trái núi trước mắt, rồi anh bình thản nói rằng đã hoàn tất công việc của anh? Rứa coi sao được! Câu chuyện bữa ni mới được một nửa... Bay đâu! Cho mang chè lên.
Dưới nhà, tiếng “dạ” ran.
Một lát, người hầu gái nhanh nhẹn bưng vào một khay chè đậu ván.
Cá đã cắn câu, Hai Long nghĩ.
4.
Cách đấy gần một tháng, Lê Vượng được lệnh mang theo toàn bộ hồ sơ của Hai Long lên gặp ông Cậu. Mấy hôm trước bọn tay chân báo cho hắn biết, Hai Long đã nhiều lần chuyện trò riêng với Dư.
Vụ Cầu Lửa tiếp đến việc này khiến cho hắn khá lo lắng.
Ông Cậu nằm trên chiếc ghế xích đu ở hàng hiên, bảo Vượng vào phòng khách, rồi quay đầu vào nhìn tập hồ sơ đặt trên bàn, hỏi:
- Răng các thầy lại bắt Vũ Đình Long?
- Trình ông Cậu, một nhân viên của ông Hiếu bắt gặp Hai Long ở Sài Gòn, nhận đúng là y đã phục vụ cho quân đội Bắc Việt, làm tới chức thị ủy trong Đảng. Không hiểu răng mà y lại chui vô đây, trở thành nhân viên Sở Công chính của ta, nên ông Hiếu cho bắt để tra hỏi. Chính Hai Long đã thú nhận tất cả. Theo lệnh của ông Cậu, bày tui có mang hồ sơ vô.
- Hắn là con cái Đức cha Lê mà lại là Cộng sản, lạ hỉ?
- Dạ... Khi ông Hiếu cho bắt thì chưa nắm được điều đó. Lúc hắn trình bày giấy tờ, chứng minh thư, giấy chứng nhận của Tổng bộ tự vệ Phát Diệm, ảnh chụp với Đức cha Lê..., qua sưu tra, ông Hiếu mới rõ y có quan hệ mật thiết với cha Hoàng và Đức cha Lê. Bày tui truy hỏi, thì y khai ngày trước theo Việt Minh kháng chiến mấy năm vì khi đó còn thanh niên bồng bột. Tới chỉnh huấn 1952 thấy rõ vấn đề kỳ thị giai cấp, kỳ thị tôn giáo, y bỏ Đảng, bỏ quân đội quay về Ninh Bình với Đức cha. Khi gia đình y ở vùng Việt Minh bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, y vô Hà Nội rồi xung vô quân đội Pháp.
- Đúng rứa thì có chi mà phải đưa ra đây?
- Dạ... Vấn đề của hắn khá phức tạp. Bày tui có nhờ ông Lê Quang Tung coi giùm cho ở nhà thờ Bình An, thì biết Hai Long còn có tên là Hoàng Đức Nhã, tên này do cha Hoàng đặt. Y được đưa từ Pháp về, có quan hệ với rất nhiều nhân vật, nhiều tổ chức đối lập với chế độ. Y chuyên đi các nơi móc nối xây dựng lại lực lượng tự vệ cho Phát Diệm... Những chuyện này y giấu nhẹm, mãi gần tới đây mới chịu khai ra. Nếu y không phải là Việt Cộng nằm vùng, thì cũng có nhiều khả năng là “đơ Bê”[1] của Pháp đưa về để cùng các cha phá chế độ. Bày tui dang tiếp tục điều tra.
Cẩn trầm ngâm rồi hỏi:
- Y có đúng là giáo dân không?
- Dạ, đúng giáo dân. Ở Bình An, giáo giáo dân gọi y là thầy Bốn. Y tỏ vẻ ngoan đạo. Cũng còn những điều phải gặp trực tiếp các cha hỏi mới rõ. Nhân viên của ông Hiếu thì nói giải phóng thị xã Thái Bình vẫn còn thấy y ở vùng Việt Minh, nhưng y lại có đủ giấy tờ, ảnh chụp chứng thực thời gian đó y đã ở trong quân đội Pháp. Chỉ có Đức cha Lê mới xác nhận được chuyện ni.
- Đức cha đã biết các thầy bắt người của Đức cha chưa?
- Dạ, chưa.
- Bắt mấy tháng rồi?
- Dạ, hơn chín tháng.
Cẩn lúc lắc đầu, rồi lại hỏi:
- Anh có biết trong Công giáo, thầy Bốn là chức chi không?
- Dạ, chuyện đạo bày tui không rành. - Vượng đáp với vẻ sượng sùng.
- Lên chức thầy Sáu thì sẽ thành linh mục đó. Các anh không nói chuyện với Đức cha được mô! Chuyện xin ý kiến Đức cha hãy để đó... Anh vẫn chưa tin Vũ Đình Long?
- Bày tui chưa thực yên dạ nếu chưa hỏi rõ được mọi chuyện.
- Để hồ sơ hắn đó, tui coi. Tạm thời cứ đối xử cho phải chăng. Thả lỏng y ra, theo dõi, thẩm tra... hỉ?
- Dạ, dạ... Bày tui hiểu ý ông Cậu...
Tờ trình của Hai Long được Cẩn đặc biệt chú ý vì nó chứa đựng một số điều y không biết. Đọc xong, Cẩn nảy ra ý định gửi vào Sài Gòn. Như vậy sẽ làm được cùng một lúc mấy việc. Một là, báo cáo một văn bản quan trọng. Hai là, để trong đó xác định Hai Long là người thế nào; bộ máy mật vụ của Ngô Đình Nhu theo dõi rất sát khối giáo dân Phát Diệm. Ba là, mượn người khác làm hộ mình một việc mình chưa làm được. Lâu nay, Cẩn muốn góp ý với hai anh một số vấn đề về lãnh đạo đất nước nhưng lần nào cũng bị Nhu gạt đi, viện cớ Cẩn ở xa không nắm được tình hình. Nghĩ tới điều này, Cẩn rất thích thú.
Khay chè đậu ván đã được bưng đi. Cô hầu mang trà mới.
Hai Long lại vui vẻ nhận điếu thuốc Cẩm Lệ từ tay ông Cậu. Mỗi lần hút một hơi, anh cảm thấy muốn nấc lên, người nôn nao.
Cẩn nói:
- Tui phải cảm ơn anh vì sự phò trợ của anh quý giá vô cùng. Không phải chỉ mình tôi nói rứa. Bản nhận định của anh, tui đã trình vô Sài Gòn. Ông Cụ và ông cố vấn Ngô Đình Nhu trong nớ cũng chú ý đặc biệt. Bây chừ ông Cụ và ông cố vấn cho người ra hỏi thêm chi tiết, anh phải giúp tui nữa chớ? Anh và tui còn nhiều duyên nợ. Mời anh qua bên ni, ngồi cạnh tui, tui chỉ cho anh coi.
Hai Long rời chiếc ghế của mình đi sang ngồi sánh vai với Cẩn.
Cẩn mở bì thư, lấy ra tờ trình của Hai Long, lật từng trang, ngón tay ngắn ngủi và bụ bẫm của y chỉ những chữ, những vòng khuyên, những dấu hỏi viết bằng hai loại chì màu đen và màu đỏ.
- Chữ màu đỏ là bút phê của ông Cụ. Chữ màu đen là của ông cố vấn Ngô Đình Nhu... Anh cũng đừng để tâm là ông cố vấn kiêu ngạo như lời trách của Đức cha.
Hai Long chăm chú xem. Ngô Đình Diệm lo ngại bọn đối lập dựa vào Mỹ và những hoạt động của cánh Phan Quang Đán. Ngô Đình Nhu muốn biết rõ nhiều điều. Y muốn nắm tình hình của lực lượng thân Pháp và thái độ của Pháp đối với tổng thống Diệm, đối với Mỹ. Y chú ý đến các cha cố Pháp dòng Thừa sai[2] và băn khoăn về thái độ của Tòa thánh La Mã.
Diệm gạch một nét chỉ đỏ dưới những chữ “bọn đối lập dựa vào Mỹ”, và hai nét đậm dưới tên Phan Quang Đán kèm theo một dấu thập. Nhu khoanh ba vòng mấy chữ “Mỹ hóa giáo hội Công giáo Việt Nam” và tên của Cassaigne. Y khuyên hai vòng mấy chữ “sĩ quan thân Pháp nằm im chờ thời cơ”, đồng thời lại gạch dưới và đánh thêm một dấu hỏi ở bên lề. Nhu đóng khung đoạn “thái độ lạnh nhạt của Tòa thánh Vatican, chống đối của Tòa giám mục Sài Gòn, Đức cha Lê bất đồng với tổng thống” và đánh ở bên lề ba dấu hỏi.
Cẩn nhắc Hai Long:
- Anh coi cho kỹ!
- Tôi đã nắm được những điều tổng thống và ông cố vấn ngô Đình Nhu cần làm rõ thêm.
- Ông Cụ và ông cố vấn biểu tui hỏi anh, rứa là trong nớ chú ý đặc biệt lắm đó? Bây chừ anh giúp tui làm một bản khác thật đầy đủ, chi tiết như anh nói chuyện với tui từ sáng đến chừ... Chừng nào anh sẽ giúp tui cho xong?
- Xin ông cố vấn 3 ngày.
- Rứa là tốt. Anh sẽ mang vô đưa tận tay tui. Không cho đứa mô coi! Ông cố vấn Nhu chưa biết chi về anh nên mới phê “hỏi thêm chi tiết”, rứa không phải ông kiêu ngạo mô!
- Đến Chúa cũng phải đội mão gai nữa là...
Chợt nhận ra mình đang vui nên lỡ lời, Cẩn có thể cho mình là kiêu ngạo hoặc hỗn xược, Hai Long vội nói tiếp:
- Tôi tài sơ trí thiển được ông cố vấn quan tâm đến, cho tôi đóng góp vào đại cục, Chúa còn phải chịu cực hình vì quân Phi-la-tô[3] hung dữ để cứu rỗi loài người thì tôi dâu dám từ nan.
Cẩn cười xòa:
- Răng mà thằng Hiếu lại kiếm được anh, để rước về đây cho tui?
Câu nói của Càn vừa giống như một lời tán thưởng lại vừa giống như một câu hỏi.
- Trình ông cố vấn, lúc đầu tôi bị bắt vì tội kháng chiến, tội Cộng sản. Có người Việt Nam nào vào ngày đó mà lại chịu khoanh tay, khi quân Pháp kéo vào đã cướp xong Sài Gờn lại muốn giành luôn cả Hà Nội! Đức cha Lê còn nhận làm cố vấn cho Chính phủ Cụ Hồ!... Còn bây giờ thì các ổng giữ tôi, vì tôi là con cái của Đức cha Lê và cha Tổng. Tôi cứ nghĩ rằng, cái giá phải trả cho mấy năm đi với Việt Minh đã quá đủ rồi. Không ngờ có ngày lại phải nhắc tới những chuyện quá đau lòng.
Mặt Hai Long trở nên rầu rĩ.
Cẩn an ủi:
- Trong kháng chiến chống Pháp, gia đình tui còn phải tiếp tế cho bộ đội, Đức cha Thục hồi ở Vĩnh Long cũng phải ra thăm vùng Việt Minh. Những chuyện ngày đó bây chừ kể chi! Nhân gặp đây thì nói một câu cho vui, chớ chuyện của anh tui biết cả rồi... Chừ anh về gắng giúp tôi. Ba ngày nữa ta gặp lại nhau. Ông Cụ và ông Nhu đều rất trông đó...
---
[1] 2e Bureau: Phòng Nhì, cơ quan mật vụ quân đội Pháp
[2] MEP: mission étrangère de Paris.
[3] Pilate
@by txiuqw4