sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 18 - Bồ Câu Và Rắn

1.

Cha Hoàng đã ra bản tuyên ngôn ủng hộ Hội đồng quân nhân cách mạng (tên mới của Hội đồng tướng lãnh cách mạng).

Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân cùng kéo xuống nhà thờ Bình An tỏ lòng tri ơn về bản tuyên ngôn, và đề nghị sự ủng hộ tiếp tục đối với Hội đồng.

Nhìn thấy Hai Long, Mai Hữu Xuân reo lên:

- Bonjour camarade![1]

Y lao tới ôm chầm lấy Hai Long, rồi quay lại giới thiệu với Đôn và Kim:

- Thầy phụ tá Hai Long mà tôi dã nói với các “sếp” đó! Nếu không có thầy Hai thì tôi và chưa chừng cả hai “sếp” đã là tù nhân của Ngô Đình Nhu rồi. Tôi không ngờ thằng Tung, thằng Hiếu lại “chiếu cố” đến mình! Khi nghe anh Hai báo tin, tôi hoảng hồn. Lúc đó mới thấy rõ mấy thằng mật vụ bám mình nhằng nhằng từ bao lâu nay... Mình cũng tài lắm chớ! Mình cho chúng lạc hướng và hết nghi luôn. Có như vậy mới ngồi chung được với các anh trong Hội đồng, mới tóm được cả Ngô tổng thống và Ngô cố vấn!...

Mai Hữu Xuân cười vang, rồi lại nắm tay Hai Long rung rung một hồi.

- Rất tri ơn anh! Gặp lúc hiểm nghèo, mới biết ai bạn, ai thù.

- Tôi chỉ làm nhiệm vụ của một giáo dân Phát Diệm. Các anh đã hiểu rõ nỗi khổ của Tổng bộ tự vệ Phát Diệm dưới thời ông Diệm, ông Nhu.

Xuân lại tiếp tục giới thiệu với Đôn và Kim:

- Anh Hai Long là người có tấm lòng, nhưng cũng là người rất có bẻn lãnh. Anh đi lại Phủ tổng thống bao lâu mà Nhu có mảy may nghi ngờ đâu! Mà còn bảo vệ được cho cả chúng ta. Đức cha Lê và cha Tổng chỉ là người chủ xướng, còn người thực thi mọi kế hoạch, trực tiếp quan hệ với Tòa Khâm, tòa đại sứ, và các phe phái đều là do thầy Hai Long. Ông đại tá Lucien Conien nói thầy Hai là một con người rất intéressant[2], trao đổi với thầy rất bồ ích.

Đôn và Kim thay nhau vỗ về Hai Long. Đôn nói:

- Tôi rất mong anh cộng tác chặt chẽ với Hội đồng chúng tôi.

- Đó là nhiệm vụ mà cha Tổng đã trao cho tôi...

Cuộc gặp gỡ giữa cha Hoàng và các tướng lĩnh diễn ra rất hồ hởi. Biết xứ đạo Bình An nghèo, các tướng đã mang theo cả sâm banh và rượu Martell. Mai Hữu Xuân trổ tài mở sâm banh. Đôi bên nâng cốc hết đợt này đến đợt khác. Tiếng cười từng lúc lại ran lên như pháo.

Cha Hoàng không uống được rượu nhiều, chỉ cầm ly nhấm nháp lấy vui.

Nửa chừng, cha Hoàng bỗng rất đầy một ly rượu Martell, rồi nói:

- Bây giờ tôi nâng cốc chúc mừng sức khỏe một người có công lớn với giáo hội Phát Diệm và với cả Hội đồng quân nhân cách mạng: thầy Pierre Vũ Đình Long.

- Chúng tôi vừa cảm ơn ông phụ tá trước khi gặp cha Tổng. - Đôn xen vào.

Cha Hoàng tươi cười nói tiếp:

- Thầy Hai Long mang tên thánh là Pierre, cũng là thánh Phê-rô, là người đã cầm gậy và chìa khóa dẫn ông Cẩn, ông Nhu và ông Diệm tới cửa Thiên đàng.

Ha, ha, ha, ha...! Tiếng cười sảng khoái bật lên sau lời chúc của cha Hoàng.

- Thiên đàng ở đây đồng nghĩa với hỏa ngục! – Xuân nói thêm một câu vô duyên.

Tất cả bọn họ đang tưng bừng nhảy múa quanh mấy các xác chết. Văng vẳng bên tai Hai Long vẫn có tiếng chào “bonjou camarade!” của Xuân? Không phải! Đó là tiếng của Nhu. Ngày đầu gặp anh, Nhu đã cất tiếng chào đó. Cùng với sự chào dón vui mừng, Nhu đã nhận anh là bạn, là chiến hữu như Xuân hôm nay. Anh đang sống giữa một thế giới lừa lọc, và mỗi ngày càng nhìn rõ tính chất tàn bạo của nó. Cuộc đấu tranh giành quyền lực diễn ra không thương tiếc. Tất cả những người hôm nay đang vui mừng chúc tụng nhau, coi nhau như những người thân thiết nhất, ngày mai có thể ngay lập tức bắn giết nhau. Anh cũng đang tham dự trò chơi với họ vì quyền lợi của cách mạng. Anh phải sử dụng tất cả những thủ đoạn của họ, hơn thế, còn phải sử dụng một cách rất tinh vi. Vì mỗi kẻ ngồi đây giữa thế giới của họ, đều có những lực lượng, điều kiện để tự bảo vệ khi bị tiến công. Còn anh, tại đây là một kẻ đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, thì trơ trụi một mình với hai bàn tay trắng. Anh còn phải tiếp tục trò chơi này cho đến ngày tàn cuộc để bảo vệ sinh mệnh của mình, đè giành chiến thắng. Mỗi thủ đoạn này đã gặm mòn tâm não anh, làm hao tổn khí huyết anh, mang lại cái vui khi nó đạt hiệu quả như ý muốn, cũng có những lúc như lúc này, nó làm anh đắng miệng và chán ngán. Anh còn phải tiếp tục trò chơi này cho đến bao giờ...

2.

Một ngày sau khi tin đảo chính ở Sài Gòn được công bố ở Mỹ, Lệ Xuân từ Los Angeles gọi điện đàm trực tiếp với Trần Văn Đôn.

Lệ Xuân vẫn chưa tin vào cái chết của chồng:

- Ở đây có nhiều tin đồn về đảo chính ngày hôm qua ở Sài Gòn... Ông cho tôi biết tin chính xác về tình hình của tổng thống Ngô Đình Diệm và chồng tôi, ông cố vấn Ngô Đình Nhu.

- Ông Diệm và ông Nhu đều không còn nữa. Đây là một việc xảy ra ngoài ý muốn của chúng tôi. Mong bà thông cảm.

Lệ Xuân lặng người một lát, hỏi tiếp:

- Ba con tôi ra sao?

- Các cháu đều bình an vô sự. Người Mỹ săn sàng đưa các cháu sang Roma. Bà hãy đến đó gặp các cháu.

- Còn ông Cẩn?

- Theo ý của Hội đồng quân nhân cách mạng, ông Cẩn sẽ được xét xử theo luật pháp của Việt Nam cộng hòa.

- Hội đồng quân nhân cách mạng gì các ông? Các ông là những tên lừa thầy, phản chủ! Tướng lĩnh các ông đã bao lần thề thốt trung thành với tổng thống, cuối cùng các ông quay lại giết thầy, hại chủ! Các ông là những kẻ đốn mạt...

- Xin bà chớ nói quá lời. Tôi thông cảm với tâm trạng hiện thời của bà. Tôi xin nhắc lại là những việc không may đó xảy ra ngoài ý định của Hội đồng, trong đó có cá nhân tôi. Nếu bà tiếp tục lăng mạ, tôi buộc phải cắt đứt cuộc nói chuyện...

Lệ Xuân im lặng rồi lại hỏi:

- Bao giờ tôi gặp các con?

- Các cháu sẽ được đưa ngay sang Roma tới chỗ Đức cha Ngô Đình Thục.

- Tôi có thể trở về dinh Gia Long để thu thập một số tài sản riêng tư không?

- Dinh Gia Long đã bị tàn phá hết, ở đó không còn gì nguyên vẹn... Cũng xin nói để bà biết, Hội đồng quân nhân cách mạng đã quyết định tịch thu toàn bộ tài sản của gia đình ông Diệm, ông Nhu và ông Cẩn.

- Trời sẽ hại các ông!...

Trong đám người miệng luôn luôn giả đạo đức, Lệ Xuân là kẻ thành thực hơn cả. Người đàn bà không tin vào đạo lý giáo lý này thường không tỏ ra cao đạo, không giấu giếm những tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của mình.

Người Mỹ đã dành cho Lệ Xuân một đặc ơn. Ba con của Lệ Xuân được Mỹ chở bằng máy bay từ Sài Gòn, sang Roma để gặp lại mẹ. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, Lệ Thủy con gái của Lệ Xuân, đã chết vì một tai nạn ô tô ở Paris.

Minh Lớn trở thành quốc trưởng kiêm chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng với 11 tướng tham gia, trong đó có Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Mai Hữu Xuân... Nhưng chỉ 3 tháng sau, cả Hội đồng với những quyền lực tối cao này, đã tan thành mây khói, vì bị Nguyễn Khánh lật đổ bằng một cuộc phản đảo chính, gọi là “chỉnh lý”. Đôn, Kim, Xuân, Đính... trở thành tù nhân của Khánh. Cuộc vật lộn, tranh giành quyền lực trong giới quân sự miền Nam Việt Nam chưa hề dừng lại.

Khi đảo chính nổ ra, Ngô Đình Cẩn vội chạy trốn vào nhà Dòng Chúa Cứu thế ở Huế. Nhưng Cẩn nhận ra ở đây không an toàn, lại tới tòa lãnh sự Mỹ xin cư trú chính trị. Người Mỹ lần này tỏ ra rất coi trọng đạo lý. Đại sứ Mỹ Cabot Lodge tuyên bố những người như Cẩn không đáng được cư trú, và ra lệnh trao Cẩn cho chính phủ Việt Nam cộng hòa, với điều kiện phải đưa Cẩn ra tòa theo dúng thủ tục pháp lý, không đối xử tàn tệ, và không giết Cẩn nếu chưa xét xử ở tòa. Trong thời gian Cẩn bị giam giữ, Khánh đã làm thủ tướng, bảo Cẩn nếu y chịu chuyển giao toàn bộ số tiền gửi ở những ngân hàng nước ngoài cho mình, đổi lấy tiền Việt Nam, thì sẽ được tha bổng. Cần biết nếu đã chuyển hết tiền cho Khánh, sau đó nhất định Khánh sẽ thủ tiêu mình để phi tang. Cẩn từ chối và bí mật làm di chúc chuyển toàn bộ tiền của mình ở các ngân hàng nước ngoài cho những tổ chức từ thiện tôn giáo, và trao tờ di chúc đó cho một tu sĩ vào thăm y ở nhà giam. Ít lâu sau, Cản ra tòa và lãnh án tử hình.

Đơn xin ân xá của Cẩn bị quốc trưởng Dương Văn Minh bác. Khi ra trường bắn, thấy người cháu gái khóc lóc, Cẩn nói: “Không có gì đáng buồn mà phải khóc lóc!.. Cậu không có gì oán thán hết. Làm chính trị thì phải biết sẽ có ngày như thế ni!”.

Nguyễn Khánh ra lệnh cho an ninh quân đội điều tra về cái chết của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Người phụ trách an ninh quân đội lúc đó là Mai Hữu Xuân. Đại úy Nhung bị bắt. Khi bị tra hỏi, Nhung khai Minh Lớn đã ra lệnh cho y giết Diệm và Nhu. Sau khi bắn Diệm, y còn bồi tiếp cho Diệm thêm mấy nhát dao găm. Nhưng chỉ vài ngày sau, người ta thấy xác Nhung treo cổ trong nhà giam bằng một sợi dây giầy. Vụ điều tra coi như kết thúc.

Một cuộc truy lùng ráo riết những người cầm đầu các tổ chức đảng Cần lao - Nhân vị của Ngô Đình Nhu đã diễn ra. Nhiều tay chân cũ của Nhu bị cầm tù hoặc thủ tiêu.

Khối Công giáo ở miền Nam Việt Nam rất hoang mang sau cái chết của Diệm. Họ đã mất một người cầm đầu chế độ theo đạo Thiên chúa, vô cùng sùng đạo, kiên quyết đưa Thiên chúa giáo thành quốc đạo, kiên quyết duy trì một chính quyền ở Nam Việt Nam với chỗ dựa là những người theo đạo Thiên chúa.

Trong năm 1963, nhân dân và lực lượng vũ trang ta ở miền Nam đã phá hủy hoàn toàn một nửa trong số hơn 6.000 ấp chiến lược địch đã xây dựng. Chúng ta đã giành lại toàn bộ số dân vùng giải phóng bị địch lấn chiếm từ cuối năm 1962 và đầu năm 1963. Chúng ta đã phá thế kìm kẹp và giải phóng 2/3 số thôn ấp trên toàn miền Nam Việt Nam. Phần quan trọng của những thắng lợi trên đã giành được vào nửa cuối năm 1963, đặc biệt là sau khi chính quyền Diệm bị lật đổ.

Ngày 21-12-1963, bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara đi kiểm tra tình hình Nam Việt Nam về đã báo cáo tổng thống Mỹ một cách rất bi quan: “Chiều hướng hiện nay, trừ phi có sự thay đổi trong 2, 3 tháng tới, nếu không, may lắm sẽ dẫn tới việc trung lập hóa và có khả năng nhiều hơn là Nam Việt Nam trở thành một quốc gia dưới quyền kiểm soát của Việt Cộng”.

3.

Nhà thờ Bình An trở lại yên tĩnh, vắng vẻ sau những ngày sóng gió của chế độ Diệm. Bình An đã sửa chữa được nhà thờ, xây dựng thêm nhà trường, không còn bị o ép vì bọn mật vụ, nhưng đời sống của giáo dân vẫn lam lũ vì trước sau Bình An vẫn là một xứ đạo nghèo.

Cha Lê sang Roma chưa trở về.

Cha Hoàng như trẻ lại trong những ngày đảo chính. Cha đã hoàn toàn trả được hận thù xưa, một mối hận thù không thể nào hòa giải. Nhưng rồi cha cảm thấy buồn, vì cha đã mất đi một nguồn kích thích rất mạnh về mặt tinh thần trong cuộc sống. Cha không còn đối tượng để đấu tranh, không còn một đối thủ biết đánh giá đúng mình, luôn luôn quan tâm, tìm mọi cách để hạn chế mình, nhưng cũng hết sức tôn trọng mình, luôn luôn cầu thân, luôn luôn phải lo sợ và chiều chuộng mình. Với những tướng lĩnh trẻ mới lên cầm quyền, tuy họ tỏ ra kính trọng cha, nhưng họ cũng dễ quên cha. Số người lui tới với cha rất đông đúc trước đây, nay thưa thớt hẳn. Cha già trở lại rất nhanh vì cảm thấy mình đang nhanh chóng đi vào quên lãng.

Một ngày đầu xuân, Hai Long đến gặp cha Hoàng tại nhà thờ Bình An.

Cha chánh xứ lại tự tay đun nước, rang lạc vỏ, pha trà ngồi đàm đạo với Hai Long trong văn phòng vắng vẻ.

Hai Long hỏi:

- Thưa cha, tình hình này theo cha rồi sẽ ra sao? Giải phóng gần đây hoạt động rất mạnh.

- Còn rối loạn, mất ổn định kéo dài.

Cha Hoàng ngồi thần người, vẻ ngao ngán nói tiếp:

- Mỹ không tìm được con bài nào hơn Diệm và Nhu. Những người tài giỏi đều đi theo Cộng sản!

- Thưa cha, Mỹ thay ngựa một để dùng ngựa bầy.

- Vì bỏ chúng chung vào một rọ, nên chúng sẽ đá nhau không biết đến bao giờ!

- Như vậy Phát Diệm ta được chi trong những chuyện vừa qua?

- Trước mắt là được sự bình an và quên lãng. Còn sau đó... thì như lời cha Lê: đón đợi cơn hồng thủy! Cha Lê đã đi xa, yên phần cha. Mình thì già rồi. Mình chỉ lo cho thầy và giáo dân ta!

- Thưa cha, việc ông Diệm, ông Nhu đã xong, con muốn lại trở về dạy học, ngày ngày sớm tối vui vầy với đám đầu xanh tuổi trẻ, hơn là chìm nổi trong cuộc đời dâu biển. Tổng thống Mỹ mượn tay người Việt Nam giết tổng thống Việt Nam cộng hòa. Ông Diệm chết kéo theo cả cái chết của ông Nhu, ông Cẩn. Nhưng rồi lại đến lượt chính tổng thống Mỹ bị người Mỹ giết. Máu gọi máu cho đến bao giờ? Cuộc tranh giành quyền lực chính trị, những mưu mô, thủ đoạn quả là dáng sợ!...

Cha Hoàng nói:

- Chúa đã muốn vậy thì phải tuân theo ý Chúa...

- Thời gian qua, con đã làm một số việc mà con rất băn khoăn. Con không hiểu mình làm điều lành hay điều ác? Chúa dạy khi bị tát má bên này thì hãy chìa nốt má bên kia. Người cầu Đức Chúa cha tha tội cho kẻ ác sắp đóng đinh Người lên cây thập giá. Người lòng lành vô cùng, nên đã để lại đạo cho đời. Con chiên của Chúa muốn theo gương Người, nhưng lại còn phải bảo vệ đạo...

- Bảo vệ giáo hội. - Cha Hoang nhắc thêm.

- Dạ. Trước khi đi Roma, cha Lê dặn dò con: “Ta luôn luôn bơi giữa hai dòng nước, phải lựa chiều mà chuyển dòng cho nhanh để tránh khỏi bị chết chìm, chỉ có Đức tin là không thay đổi!”. Con rất lo dầm mình quá lâu trong cuộc đấu tranh này, một ngày kia, con sẽ trở thành một người khác, không còn giống con người cũ của mình. Vì vậy con muốn quay về dạy học và hoàn thành tiếp bản luận văn về thần học mà con đã chuẩn bị từ lâu.

- Thầy quá mệt mỏi muốn rút lui rồi ư! Với tuổi thầy thì e quá sớm... Chưa được đâu! Thầy còn phải làm tiếp nhiều việc cho Phát Diệm ta, cho giáo hội. Tòa thánh ở Sài Gòn cũng muốn thế. Chúa đã an bài...

Cha chánh xứ chăm chú nhìn Hai Long, hơi nhếch mép cười nói tiếp:

- Thầy “hiền lành như bồ câu và khôn lanh như rắn!”.

Cha Hoàng đã mượn lời Đức chúa Jésus dạy các tông đồ để nhận xét anh.

4.

Một ngày đầu mùa Xuân 1964, A.22 lên đường ra căn cứ. Ngồi trên chiếc xe đò chạy về Bình Dương, lòng anh lâng lâng một niềm vui dịu ngọt. Đã 5 năm anh xa “quê hương” thứ hai này. Quê hương giống như một làng chài ở giữa biển khơi đầy bão tố, luôn luôn thay đổi giữa muôn trùng những con sóng dập vùi. Lúc này nó ở dâu...? Còn quê hương thứ nhất của anh trên miền Bắc? Cái làng nhỏ ở Thái Bình, không còn một mái nhà nguyên vẹn sau kháng chiến chống Pháp, bây giờ ra sao? Những người con của nó chắc lại đang nô nức lên đường tiếp tục cuộc chiến đấu mà cha ông họ đã khởi đầu từ thời Cần Vương xa xưa, cho tới những ngày có Đảng tới nay. Thoáng đã gần 10 năm anh xa miền Bắc. Miền Bắc rất gần mà cũng rất xa, lúc nào cũng hiện ra trước mắt trên con đường dài mà anh không ngừng dấn bước, nhưng chưa biết bao giờ mình sẽ tới đích.

Bầu trời hôm nay quang đãng hơn, màu trời cũng thắm thiết hơn. Những vườn cây trái Lái Thiêu như xanh hơn, xao động hơn dưới ánh nắng ban mai và những làn gió sớm.

Xe tới tỉnh lỵ Bình Dương, đỗ xế tòa thị chính. Cô gái mặc áo lụa hồng, tay xách chiếc túi màu xanh, ngồi cách anh hai hàng ghế, đưa mắt kín đáo nhìn anh, rồi xuống xe. Anh lẳng lặng đi theo cô gái, đảo một vòng quanh chợ Bình Dương, rồi đi về phía bờ sông.

Họ xuống xuồng máy sang sông. Cô gái dẫn anh vào một gia đình cơ sở. Họ ra khỏi gia đình này với mỗi người một chiếc xe đạp. Khoảng một giờ sau, anh đã nhận thấy trên dọc đường những dấu hiệu của một sự thay đổi lớn qua cuộc đảo chính vừa rồi. Ở nhiều trạm canh, không nhìn thấy bọn lính đứng gác. Hàng rào dây thép gai ở nhiều ấp chiến lược bị phá tan hoang.

Họ để lại xe đạp tại một ấp nhỏ, rồi lên một chiếc xe ngựa. Trên xe, chỉ có anh và cô gái. Bác lái xe đứng tuổi lặng lẽ cho xe chạy trên con đường đất gập ghềnh xuyên qua các ấp. Quá trưa, xe dừng lại ở một ấp nằm giữa cánh đồng. Hàng rào kẽm gai quanh ấp đã được dọn sạch. Cô gái đưa anh vào một nhà dân. Một thanh niên mặt bộ quần áo bà ba den, đã nồòi chờ họ. Cô gái mỉm cười, nói với anh câu đầu tiên từ khi họ ra đi:

- Anh Hai thay đồ rồi đi tiếp.

Cô chia tay với anh. Chiếc xe ngựa vẫn chờ cô ở đầu ấp.

Người thanh niên đưa anh một bộ quần áo bà ba, một chiếc khăn bông để trùm đầu và một cái nón lá. Anh đoán ở đây đã là vùng của ta, hoặc ít ra cũng là một vùng “xôi đỗ” nhưng chính tại nơi đây anh lại càng cần giấu kỹ bộ mặt của mình. Vì còn lâu mới tới lúc anh thực sự trở về.

Từ đây, họ bắt đầu đi trên những bờ ruộng nhỏ, hoặc lội tắt ngang cánh đồng và những mương lạch. Anh phải có gắng để người thanh niên không nhận thấy cuộc sống lâu ngày ở thành thị đã biến mình thành một kẻ trưởng giả. Tuy vậy, người thanh niên đôi lúc cũng phải chậm bước và ngoái đầu lại, nhìn anh mỉm cười.

Xế chiều, họ tới một ấp gần bìa rừng.

Người thanh niên dưa anh vào một ngôi nhà nhỏ ở ven ấp.

- Anh Hai coi bộ mệt dữ. Nhà này không có người, anh bỏ khăn trùm ra, rồi ra giếng rửa mặt, rửa chân tay cho mát. Lát nữa sẽ có cán bộ tới.

Khi Hai Long từ giếng trở về, thì thấy trong nhà có người. Người đó bước vội ra, đứng ngay người trước cửa, giơ nắm tay trái lên mang tai. Kiểu chào của những chiến sĩ Việt Minh ngày đầu cách mạng. Kiểu chào anh đã dùng khi ở trại Tòa Khâm.

- Anh Mười!

Hai Long bàng hoàng, nghẹn ngào không nói nên lời.

Họ lao tới ôm chầm lấy nhau hồi lâu. Hai Long thấy mắt mình mờ đi. Anh chớp vội cho những giọt nước mắt rơi xuống. Anh Mười là người chỉ đạo anh từ những ngày đầu vào Nam công tác. Giờ đây, anh là người từ thế giới bên kia trở về. Bao nhiêu người như anh đã không còn nữa.

Hai Long ở lại cứ ba ngày.

Anh báo cáo với anh Mười toàn bộ công tác mấy năm qua, tự kiểm điểm nghiêm khắc những ưu, khuyết điểm của mình để chuẩn bị cho chặng đường sắp tới. Anh Mười vừa được tổ chức giải thoát một cách cực kỳ khó khăn sau cuộc đảo chính, lại trở về tiếp tục công tác cũ. Anh phổ biến cho Hai Long những Nghị quyết mới của Đảng và trao đổi về nhiệm vụ của Hai Long.

Gia đình cơ sở chuẩn bị cho họ một con cá lóc và một xị rượu đế trong bữa cơm tạm chia tay.

Anh Mười cầm chén rượu trong tay, ngắm nhìn Hai Long hồi lâu rồi nói:

- Cậu có nhiều thay đổi. Gặp lại cậu lần này mình thấy rõ bóng dáng cửa một Thầy Bốn! Mình lo đến ngày thống nhất đất nước cậu sẽ đi tu...

Anh cất tiếng cười sảng khoái.

- Tôi đang cố gắng để trở thành một con chiên kính Chúa và yêu nước, tốt đạo đẹp đời, chỉ chừng ấy cũng đủ khó rồi!

Họ cùng chạm chén để chúc mừng nhau tiếp tục dấn bước trên một chặng đường mới của cuộc chiến đấu thầm lặng, mà họ đã biết trước còn vô cùng gian nan hơn chặng đường họ vừa trải qua...

---

[1] Chào bạn!

[2] hay


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx