1.
Hạ tuần tháng 11, địch mới chuyện Hai Long về khám Chí Hòa. Những anh chị em khác đã về đây trước một tuần.
Chưa bao giờ lưới lại có một cuộc gặp gỡ đông đủ như vậy. Lòng anh se lại khi nhìn thấy người nào cũng võ vàng sau những ngày bị giam cầm, tra tấn. Những người chúng đã nhắc tới tên trong các cuộc thẩm vấn đều có mặt. Tổn thất quá nặng nề.
Năm cán bộ điệp báo: Hai Long, Thắng, Hòe, Ruật, Đồng.
Ba hộp thư: bà Cả Nhiễm và anh Hiếu (con trai bà), cô Diệp, cô Lan.
Hai cán bộ giao thông đầu dây: chị Bẩy Huê, chị Tư Xung Phong.
Một giao thông viên bàn đạp: cô Út Dẻo.
Một giao thông viên nội thành: Cô Tuyến.
Và một số cơ sở cách mạng.
Những cán bộ điệp báo được giam chung tại phòng chính trị quốc gia. Địch không còn e ngại sự trao đổi giữa họ vì toàn bộ hồ sơ vụ án đã hoàn tất. Có tin phiên tòa án binh sẽ được tổ chức vào cuối tháng.
Hai Long tranh thủ nắm những lời anh chị em đã khai báo. Các điệp viên đều thực hiện đúng kế hoạch phương án 3. Không ai khai gì thêm ngoài những điều địch đã phát hiện. Thắng đã xác nhận cuốn băng ghi âm được lấy ra từ máy nghe trộm đặt tại nhà anh một thời gian dài. Anh đã có biện pháp phòng ngừa thường xuyên, nhưng vẫn để lọt vào máy một vài tiếng nói có quan hệ tới công việc. Sơ xuất lớn của họ là đã không phát hiện được hết bọn mật vụ bám sát nên để lộ quan hệ giữa những người trong lưới và một số cơ sở. Về tài liệu, địch chỉ mới biết những thứ Trọng lấy từ Tòa đại sứ Mỹ do chính nơi này phát giác, và bản phúc trình của Trọng sau khi anh đi Mỹ về do Thiệu nói ra. Địch không tìm hiểu được gì qua họ về tổ chức tình báo của ta. Một số hộp thư và cơ sở cách mạng vẫn được bảo vệ. Nguyên nhân đầu tiên là do một vài hoạt động thiếu cảnh giác của họ trong hai đợt Tổng tiến công Mậu Thân khi nghĩ rằng đây là trận đánh cuối cùng...
Không còn thời giờ để day dứt, nuối tiếc những sai lầm đã qua. Hai Long khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị cho trận đánh sắp tới.
Một số luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án đã đánh giá những can phạm chính khó thoát được án tử hình.
Hai Long thấy chỉ còn cơ hội độc nhất vùng lên chiến đấu là dùng phiên tòa để nêu cao uy thế cách mạng, khẳng định thắng lợi cuối cùng, tạo nên một sự rối loạn trong hàng ngũ địch, thể hiện niềm tin, niềm tự hào, lạc quan của những người chiến sĩ cách mạng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Anh cũng tính toán cách lật ngược ván cờ, dồn địch vào thế không dễ đưa ra những bản án quá nặng, đồng thời cố giữ cho mình một hình ảnh tốt về các mặt chính trị, tôn giáo, xã hội... chuẩn bị cho sau này nếu còn có dịp trở lại công tác.
Anh dự kiến địch sẽ quy vụ án vào những hoạt động gián điệp trong phạm vi Phủ tổng thống, ghép mình và các bạn vào tội phản nghịch quốc gia. Để đối phó lại, các anh cần phải chuyển thành một vụ án chính trị mang tính thời sự, có liên quan sâu rộng tới nhiều nhân vật Mỹ, ngụy cao cấp, tới nhiều cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy như Phủ tổng thống, chính phủ Mỹ, Tòa đại sứ Mỹ, tới nhiều tôn giáo lớn như Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hòa Hảo..., tới nhiều đảng phái như Việt Quốc, Đại Việt, Lực lượng Tự do dân chủ, Mặt trận Quốc giá dân chủ của Thiệu..., liên quan tới đường lối của Mỹ, Pháp, Vatican, giáo hội Mỹ, Mặt trận Giải phóng miền Nam, Việt Nam dân chủ Cộng hòa..., làm cho vụ án lan rộng ra phạm vi quốc tế, gắn liền với những giải pháp cho Việt Nam như hòa hợp, hòa giải dân tộc, chính phủ liên hiệp, lực lượng thứ ba...
Họ trao đổi với nhau rất kỹ về nội dung biện hộ của từng người tại phiên tòa. Hai Long sẽ nhân danh một chiến sĩ cách mạng, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng, một tín đồ Công giáo “tử vì đạo” phủ nhận quyền xét xử của phiên tòa đối với mình và không cần biện hộ. Ngược lại, các bạn anh sẽ chuẩn bị thật đầy đủ để nêu ra những sự việc quan trọng, cơ mật có liên quan tới những vấn đề nội bộ của Mỹ - ngụy, những nhân vật chớp bu, những cơ quan cầm đầu chính quyền, tôn giáo, đảng phái, những chủ trương lớn mà họ đã trực tiếp chứng kiến hoặc đích thân tham dự vào.
Họ bàn bạc từ trang phục, thái độ, cử chỉ ở phiên tòa, đến cách trả lời những phóng viên, ký giả, trước “quan tòa”.
Hai Long phân công Trọng, Hòe, Ruật là những người am hiểu luật pháp, cùng với Bửu Chương, Nguyễn Bỉnh Tuyên, hai người bị tình nghi liên quan, làm việc với các luật sư. Thắng và Hòe vốn là hai ký giả cùng với hai người bạn bị bắt oan, là nhà văn Cao Trần và nhà báo Phan Nghị sẽ tiếp xúc với những nhà báo, phóng viên các hãng thông tấn, chú trọng tranh thủ cảm tình của những nhà báo, phóng viên nước ngoài khi ra tòa.
Các anh chị em khác trong lưới cũng được bàn bạc chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cha Hoàng nhắn vào sẵn sàng ra trước tòa biện hộ cho Hai Long. Anh chuyển lời cảm ơn và khuyên ông bình tâm, không phải nhọc mình vì chuyện đó. Một kíp luật sư chọn lọc của khối Công giáo tuyên bố tình nguyện biện hộ cho anh không điều kiện, Hai Long cũng chuyển lời cảm ơn và khước từ. Nhưng đối với anh chị em trong lưới, anh bàn nên thuê những luật sư danh tiếng nhất của Sài Gòn thuộc khuynh hướng tiến bộ, những người đối lập với Thiệu, những người có cảm tình với lực lượng thứ ba. Nhiều luật sư như Trần Văn Tuyên, Trần Ngọc Liễng, Phan Tấn Chức, Lâm Lễ Trinh, Vũ Văn Huyền, Phan Thành Hy, Trần Văn Trai, Trương Tiến Đạt, Lê Thế Hùng, Lê Nguyên Phu, Dương Hồng Lương, Dương Mỹ Linh... lần lượt tới nhà lao gặp họ, và nhận lời.
Họ đã có thêm nhiều đồng minh chiến đấu trong trận đánh sắp tới. Nhưng họ vẫn tự xác định mình là những mũi chiến đấu chủ lực. Hai Long chuẩn bị cho các bạn những tài liệu cần thiết như những thủ bút của những nhân vật Mỹ, của Thiệu, cáa cha cố viết cho anh, để các bạn bất thần phơi bày trước tòa, không cho bọn chúng kịp ứng phó. Với những tài liệu, chứng cớ đã chuẩn bị, họ nhận thấy không một cơ quan quan trọng nào của Mỹ - ngụy, không một tổ chức tôn giáo, đảng phái, đoàn thể nào ở miền Nam là không dính líu vào vụ án này.
Hai Long bàn với Trọng thảo một bản tuyên bố gửi luật sư Lê Thế Hùng, là người sẽ biện hộ cho anh, sẽ công bố trước phiên tòa và phân phát cho báo chí.
Chiến thuật của họ tại phiên tòa là nhận làm những việc mà kẻ địch đã phát giác, do yêu cầu của chính Hai Long với tư cách là cố vấn của tổng thống, một người ngày đêm kề cận với tổng thống, đồng thời là một nhà lãnh đạo có uy tín của Thiên chúa giáo. Hai Long đã thu hút mọi nguy hiểm về phía mình, vì anh là người chịu trách nhiệm cao nhất trong lưới. Anh tin rằng, đối với cá nhân mình, địch sẽ có phần dè dặt. Anh cũng đã chuẩn bị chu đáo mọi biện pháp tiếp tục tiến công kẻ địch và đồng thời để cứu mình. Anh tin vào hiệu quả của đòn đánh trả trong cuộc chiến đấu sắp tới. Anh không hoàn toàn hết hy vọng có thể tiếp tục công tác. Nhưng lòng anh chợt se lại mỗi khi nghĩ tới trường hợp xấu nhất vẫn có thể xảy ra - một tấm băng đen bịt mắt và mấy phát đạn bên cọc hành hình! Như vậy có nghĩa là sự kết thúc vĩnh viễn. Anh đã sẵn sàng hy sinh từ lúc lên đường nhận nhiệm vụ. Nhưng anh chưa muốn kết thúc giữa lúc thua thiệt này, sự thua thiệt chỉ vì một sai sót nhỏ chứ không phải vì tài trí trong cuộc chiến đấu với kẻ địch. Anh biết dù có đạt thắng lợi cao nhất tại phiên tòa, anh cũng sẽ không tránh khỏi cuộc sống tù đày. Nhưng cuộc sống tù đày với hy vọng ngày trở về tiếp tục chiến đấu vẫn triệu lần đẹp hơn cái chết.
Văn phòng quản đốc nhà lao tới báo với Hai Long, có một luật sư đợi gặp anh ở phòng luật sư của nhà lao. Mình đã bao lần từ chối rồi mà họ vẫn cứ tới.
Hai Long hơi ngỡ ngàng khi nhận thấy những người đang ngồi chờ mình là vợ chồng Tú Uyên.
Chị nhìn thân hình gầy guộc của anh với vẻ vừa xót xa vừa trách móc. Chị đã làm tất cả cho anh, mà anh vẫn cứ cố tình không chịu tránh cảnh này.
Người chồng sốt sắng:
- Tụi em theo dõi tin tức từng ngày và rất lo cho anh. Còn gặp anh đây, là quá mừng rồi. nhưng vì sao anh không chịu nhận luật sư biện hộ? Vợ chồng em đã bàn kỹ với nhau, em tình nguyện làm việc này vì anh. Em đã trao đổi với nhiều bạn bè, trường hợp của anh không phải đã hết hy vọng. Anh hãy tin ở em. Như lời khuyến cáo của anh, em đã bắt đầu hoạt động cho lực lượng thứ ba...
- Cảm ơn anh chị, tôi hoàn toàn không tin ở cán cân công lý của chính quyền này, nên thấy không nên nhờ người biện hộ.
Tú Uyên nói:
- Đúng là như vậy, nhưng anh không nghĩ dù sao có luật sư vẫn hơn ư? Anh hãy tin vào sự chân thành và cố gắng của vợ chồng em. Hôm nay em tới đây với tư cách thư ký của một luật sư. Em sẽ thực sự làm công việc đó. Anh Ba Vân gửi lời thăm anh (chị nói lướt nhanh như một hơi gió thoảng)... Anh phải nhận lời đề nghị của anh Tường em đi...
Hai Long làm ra vẻ đắn đo. Anh cố giấu sự ngạc nhiên. Tú Uyên là một đồng đội của anh ư...? Hay Trung tâm thấy Tường là một luật sư tiến bộ nên tới nhờ bênh vực cho anh tại phiên tòa? Anh đã báo cáo về quan hệ của mình với Tú Uyên... Anh không thể bộc lộ với vợ chồng chị quyết định của anh chính là một phương sách cuối cùng để giúp anh còn có thể tiếp tục cuộc chiến đấu.
- Tôi đã cân nhắc rất nhiều... Tôi phải từ chối sự biện hộ của luật sư để hoàn toàn phủ nhận quyền xét xử của chế độ này đối với mình.
Trong gói quà của Tú Uyên để lại, anh tìm được một lá thư ngắn của Ba Vân nằm trong bao thuốc lá. Trung tâm chỉ thị cho anh duy trì tới cùng vị trí tôn giáo của mình, và biến phiên tòa thành một diễn đàn tố cáo Mỹ - ngụy, chuyển thành một vụ án chính trị.
Đây là ngày đẹp nhất sau 4 tháng trời anh bị bắt. Trung tâm vẫn luôn luôn ở lên anh, tiếp tục chỉ đạo anh từng bước, và tin vào đội ngũ chiến đấu của anh.
2.
Ngay 29-11-1969.
Trước 9 giờ, hội trường của Nha quân pháp tại số 3 đại lộ Bạch Đằng Sài Gòn, nơi tòa án quân sự mặt trận lưu động Vùng 3 chiến thuật mở phiên xử vụ án Huỳnh Văn Trọng, đã đông nghịt người. Các ghế không còn một chỗ trống. Những người không có chỗ ngồi, đứng như nêm cối chung quanh. Một đám dân chúng tụ tập trước cửa. Đội ngũ ký giả trong và ngoài nước đông chưa từng có trong bất cứ một phiên tòa nào, hơn một trăm người. Một ký giả giơ gói bánh mì khoe với bạn đồng nghiệp:
- Ăn trưa tại chỗ, vụ này thì không thể bỏ qua giây phút nào!
Suốt mấy tháng nay, việc bắt giữ một lúc cố vấn đặc biệt của tổng thống và phụ tá đặc biệt Phủ tổng thống cùng trên một trăm người có liên quan vì tội làm gián điệp cho Bắc Việt, đã làm xôn xao dư luận Sài Gòn và nước ngoài. Một chuyện chưa từng có trong lịch sử, hay là một trò chính trị “vắt chanh bỏ vỏ”, một âm mưu vu cáo loại trừ lẫn nhau? Vậy nội vụ là như thế nào? Lại có tin Nhạ đã bị hành quyết! Nhạ còn sống hay đã chết? Con người đã làm nên những chuyện động trời đó hình thù ra sao...? Chỉ một lát nữa, tấm màn bí mật sẽ bắt đầu được vén lên. Phiên tòa hứa hẹn nhiều chuyện ly kỳ, bất ngờ như báo chí đã nêu. Nó đã tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng.
Bé Liên đi cùng với mấy bạn gái học trường Trưng Vương tới theo dõi phiên tòa, ghé mắt nhìn cuốn sổ đăng đường, rồi kêu lên:
- Bay ơi, ba tao đầu sổ!
Mấy ký giả nghe tiếng, xô lại, khiến em phải lẩn mau vào đám đông.
Mọi người đổ ra cửa khi chiếc xe bịt bùng đưa những can phạm từ nhà lao tới.
Quân cảnh và cảnh sát dàn ra hai bên đường đề phòng, sát khí đằng đằng. Những cặp mắt đều đổ dồn về cánh cửa sát trên ô tô còn đóng kín. Những phóng viên lăm lăm chiếc máy ảnh trong tay, chờ cơ hội chớp một tấm hình độc đáo từ giây phút đầu tiên khi nhân vật chính xuất hiện.
Tên lính quân cảnh mở cửa sắt.
Một người bé nhỏ khoảng ngoài 40, trán cao, mắt sáng, mái tóc đã bắt đầu thưa, từ trên xe bước xuống. Anh bận sơ mi trắng, thắt một chiếc cà vạt màu nâu giản dị, quần đen, vẻ mặt tươi sáng, điềm đạm.
Trong đám đông vang lên nhiều ti tiếng gọi:
- Ba ơi!
- Thầy Bốn!
- Giáo sư Long!
- Anh Hai Nhã!
Người ta còn gọi anh bằng những tên khác.
Anh hơi dừng bước đưa cặp mắt mở to tìm người quen trong đám đông, mỉm cười vẫy tay chào một ai đó, rồi bước tiếp về phía hội trường.
- Vũ Ngọc Nhạ đây ư?...
Nhiều người hỏi nhau. Họ đều ngạc nhiên, vì cầm đầu tổ chức gián điệp nguy hiểm của Việt Cộng lại chỉ là một người nhỏ nhắn có nụ cười lành hiền, bộ mặt trung hậu.
Đi tiếp sau anh là một người cùng trạc tuổi, tầm thước, đeo cặp kính trắng gọng vàng, cũng mặc sơ mi trắng, quần xanh đen, đi giầy ba-ta, đôi mắt sắc sảo. Rồi tới một người khoảng trên 50, cao lớn, đeo kính trắng viễn, chững chạc trong bộ đồ lớn màu xanh, đi giầy đen, dáng điệu bệ vệ, đàng hoàng như một vị bộ trưởng, mà mọi người đều đoán ngay là Huỳnh Văn Trọng. Đi sau Trọng là một người còn cao lớn hơn anh, không còn ít tuổi nhưng với mái tóc cắt ngắn, đen nhánh, gương mặt sáng sủa, thân hình cân đối, rắn chắc, người ta dễ nghĩ đó là một vận động viên thể thao đã trải qua một thời thanh niên sôi nổi. Tất cả đều mang dáng vẻ trí thức.
Qua những tiếng gọi, những nụ cười và những cái vẫy tay đáp lại, đám đông đã nhận ra đi đầu là Hai Long, rồi tới Thắng, Trọng và Hòe.
Một thanh niên vui vẻ thốt lên:
- Việt Cộng đẹp trai quá ta!
Nhiều tiếng cười hưởng ứng.
Với những bộ quần áo chững chạc, những nụ cười, những cái vẫy tay,, họ giống như một phái đoàn vừa từ trên máy bay bước xuống, đang tươi cười đáp lễ những người ra đón nhiệt tình.
Trên đường đi vào hội trường, Trọng đã nhẹ nhàng đưa cho một phóng viên Tây Đức bản tuyên bố của mình. Một số đồng nghiệp lập tức bu lại quanh người bạn vừa gặp may. Người phóng viên Tây Đức tỏ ra hào phóng, sẵn sàng cho các bạn đồng nghiệp sao lại bản tuyên bố. Đây là tin tức đầu tiên của phiên tòa tới tay ký giả.
3.
Cả hội trường rì rầm bàn tán, bình phẩm về vẻ người và thái độ của những bị can, bỗng lặng đi khi có tiếng chuông báo hiệu vụ xét xử bắt đầu.
Viên trung tá già, bộ mặt sạm đen nghiệt ngã, ngồi ghế chánh thẩm tuyên bố khai mạc phiên tòa xét xử vụ án gián điệp Huỳnh Văn Trọng.
Bốn bị can chính là Hai Long, Trọng, Thắng, Hòe; ngồi ở hàng ghế đầu của những bị cáo. Sau lưng họ còn khoảng 40 người liên can. Thành phần luật sư biện hộ cho những bị can khá hùng hậu, gồm trên 20 luật sư danh tiếng của Sài Gòn.
Công tố ủy viên đọc bản cáo trạng dài dằng dặc suốt một tiếng rưỡi đồng hồ.
Đúng như Hai Long đã dự đoán, tội trạng của anh và các bạn được tập trung vào việc làm gián điệp với những vụ đánh cắp những tài liệu cơ mật của Phủ tổng thống, của Tòa đại sứ Mỹ, và chuyển giao cho phía bên kia những tin tức chiến lược rất nguy hại cho an ninh quốc gia. Người cầm đầu là Vũ Ngọc Nhạ, một cán bộ tình báo của Bắc Việt được tung vào Việt Nam cộng hòa từ sau Hiệp định Genève năm 1954. Những bị can chính là Nhạ, Trọng, Thắng và Hòe đều bị ghép vào trọng tội phản nghịch quốc gia.
Những người dự phiên tòa theo dõi thái độ các bị can khi nghe đọc bản cáo trạng có liên quan tới sinh mệnh mình, thấy họ đều tỏ vẻ thản nhiên. Đôi lúc, họ còn đưa mắt nhìn nhau và hơi nhếch mép cười. Người ta cho rằng họ không lo sợ vì có đủ những bằng chứng và những luận cứ chắc chắn để bác lại những lời buộc tội.
Từng can phạm lần lượt ra trước tòa.
Vũ Ngọc Nhạ được gọi tên đầu tiên. Anh mỉm cười đứng lên rời ghế bị cáo, đi cùng tên lính quân cảnh ra trước vành móng ngựa.
Viên chánh thẩm đọc một đoạn dài trong bản cáo trạng rồi hỏi anh có phải là người cầm đầu lưới tình báo A.22, được Bắc Việt tung vào Việt Nam cộng hòa từ năm 1954, với âm mưu lấy cắp những tin tức chiến lược để cung cấp cho phía bên kia hay không?
Hai Long đáp gọn bằng một tiếng:
- Đúng.
Sự nhận tội dễ dàng của anh khiến những người dự phiên tòa đều ngạc nhiên.
Viên chánh thẩm lại đọc tiếp một đoạn khác nói về việc anh đã tổ chức đưa nhiều người vào Phủ tổng thống, bố trí vào những cương vị trọng yếu, đưa người vào Tòa đại sứ Mỹ, đưa người sang Hoa Kỳ để thu thập những tài liệu, tin tức cho mình, rồi hỏi anh có công nhận đã làm những việc đó không.
Hai Long đáp:
- Công nhận.
Viên chánh án đọc tới đoạn liệt kê những tài liệu cơ mật Hai Long đã lấy cắp và chuyển giao cho phía bên kia, nửa chừng y ngập ngừng, dường như đụng tới một vấn đề mà y chợt nhận thấy đưa ra giữa một cử tọa đông đảo như thế này không có lợi.
Hai Long nhắc:
- Xin đọc tiếp.
Y cúi đầu giương mắt nhìn Hai Long bên trên cặp kính viễn với vẻ khó chịu, rồi lại đọc tiếp, và hỏi anh có nhận đã làm những việc đó không.
Hai Long đáp:
- Có.
Những tiếng “Đúng”, “Phải”, “Có” được lặp đi lặp lại trong quá trình trả lời, lúc đầu làm mọi người ngạc nhiên, nhưng sau đó họ rì rầm bàn tán và đôi lúc ồ lên trước những lời nhận tội quá đơn giản, dễ dàng của anh.
Hai Long đứng ung dung với nụ cười bất tận trên môi và tập giấy trắng từ khi tới tòa anh vẫn cầm trong tay, không biết để làm gì. Người ta cảm thấy anh không nghe những lời buộc tội mà chỉ chờ đọc hết rồi trả lời cho qua.
Viên chánh thẩm chợt nhận thấy với thái độ và cách trả lời đó, bị cáo đang biến cuộc xét xử “trang nghiêm” thành một trò cười. Y trỏ thẳng ngón tay vào mặt anh.
- Ông là một người nguy hiểm quá! Ông đã xâm nhập vào hàng ngũ chúng tôi để đâm sau lưng chúng tôi!
- Đây không phải là một câu hỏi và tôi không có nhiệm vụ trả lời! - Hai Long điềm đạm đáp lại.
Viên chánh thẩm hơi sững sờ. Viên thiếu tá ngồi ghế ủy viên chính phủ tìm cách đỡ đòn:
- Ông đã làm cách nào để có cảm tình của tổng thống Thiệu?
- Cái đó chỉ giữa tôi và ông Thiệu biết.
Nhiều tiếng cười.
Ủy viên chính phủ hơi mất bình tĩnh:
- Tại sao ông lại chui vô được Phủ tổng thống làm tới chức cố vấn?
Hai Long nhìn y giây lát. Lần đầu người ta thấy anh có vẻ cân nhắc không trả lời ngay. Rồi anh nói:
- Dinh nguyên thủ quốc gia là một nơi canh phòng nghiêm mật, không ai dễ “chui” vô! Tôi chỉ tới đó sau 3 lần ông Thiệu cử người vô nhà thờ Bình An, chuyển lời thỉnh cầu khẩn thiết. Người giúp ông Thiệu làm việc đó là cha Trần Ngọc Nhuận và ông Nguyễn Văn Kiểu, bào huynh của ông Thiệu.
Ủy viên chính phủ ngồi im. Viên chánh thẩm hỏi tiếp:
- Ông đã lợi dụng các linh mục thế nào để gây quan hệ với tổng thống Thiệu?
- Nếu các vị muốn, các vị vẫn có quyền đặt câu hỏi theo cách đó. Trong thực tế, tôi có nhiệm vụ giúp đỡ các lịnh mục cũng như giáo hội, vì tôi là một con chiên. Còn ông Thiệu thì lại rất cần sự giúp đỡ của giáo hội và các linh mục. Tôi có thể đưa ra ngay tại đây thư khen của Tòa thánh Vatican và thư cảm ơn của ông Thiệu về những việc tôi đã làm.
Y chuyển sang một vấn đề khác:
- Ông không phủ nhận mình là điệp viên của Bắc Việt được cử vô Nam, vậy ông có nhận là đã móc nối với ông Lê Hữu Thúy (tức Thắng) làm điệp viên để thu thập tin tức cho Cộng sản không?
- Ở cương vị cố vấn đặc biệt của tổng thống, tôi có đủ mọi loại tin tức, không cần tới sự giúp đỡ của ông Thúy. Tôi chỉ có quan hệ với ông Thúy trên quan điểm phục vụ quốc gia dân tộc, của những giáo dân có nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động hòa bình của Tòa thánh Vatican. Xin các vị lưu ý tới những điều tôi đã trả lời cơ quan an ninh không được nhắc tới trong bản báo trạng. Tôi đã từ chối sự giúp đỡ của các luật sư, và cũng không hề có ý định tự biện hộ tại phiên tòa này. Những việc tôi làm chỉ có lịch sử phán xét...
Thấy anh tỏ thái độ sẽ khước từ trả lời những câu hỏi như vừa rồi, và sự đối đáp của anh mỗi lúc càng gây nhiều phiền toái, viên chánh thẩm nói đề kết thúc:
- Ông là một điệp viên Cộng sản cực kỳ nguy hiểm!
Hai Long lại mỉm cười, nhẹ nhàng đáp lại:
- Tôi còn xa mới xứng đáng với danh hiệu một chiến sĩ Cộng sản...
Phiên tòa tạm dừng. Màn đầu đã diễn ra hết sức hấp dẫn, hứa hẹn sẽ tiếp tục những chuyện ly kỳ. Tiếng bàn tán ồn ào khắp hội trường, ngoài hành lang. Can phạm chính khước từ sự biện hộ trước những tử tội do tòa án nêu ra. Phong thái ung dung, nụ cười bất tận, những câu trả lời điềm đạm chứa đựng những điều nhiều người chưa hề biết, đã đem lại cho họ sự băn khoăn và những cảm tình đối với đương sự.
Những người bị ghép tội “phản nghịch quốc gia” không hề bắt gặp một ánh mắt hận thù nào trong đám đông tới dự phiên tòa. Bà Cả Nhiễm, hộp thư của Hai Long, một bà má miền Nam đã ngoài 60, bộ mặt đôn hậu, tươi cười vẫy đứa cháu gái nhỏ lại gần. Bố cháu, anh Lê Trung Hiếu, con trai bà, cũng ngồi trên ghế bị can. Bà đưa cho cháu chiếc khăn tay bà đã thêu trong những ngày ở nhà tù. Chiếc khăn viền xanh có một nhành hoa và con chim bồ câu với hai chữ Kim Chi, tên đứa cháu gái nội, thêu bằng chỉ đỏ ở góc. Nhiều ký giả xúm lại đề nghị được coi chiếc khăn.
4.
Trọng là người thứ hai được gọi ra trước vành móng ngựa.
Trái hẳn với Hai Long, bằng một thái độ tỏ ra tự kiềm chế của người bị hàm oan, anh từ tốn và rành rẽ bác lại những lời hỏi tội của viên chánh thẩm ngay từ đầu.
- Tôi là một tín đồ Công giáo, một người quốc gia yêu nước. Trong tình hình chiến tranh đã kéo dài tàn phá đất nước, theo ý tôi, con đường đúng nhất là con đường hòa hợp dân tộc mà những biến cố gần đây đang và sẽ chứng minh là đúng. Do đó, tôi và một số bạn bè, đã hy sinh cá nhân, đứng cạnh tổng thống Thiệu, nhận lấy một chức vụ rất nguy hiểm trong hiện tình, không ngoài mục đích thực hiện đường lối ấy với ông Thiệu. Tôi đã không ngần ngại hợp tác với bất cứ ai, dù là Hoa Kỳ hay Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, để sớm đem lại hòa bình cho đất nước chúng ta. Trong mọi sáng kiến, vai trò tiền phong là cần thiết. Vì quyền lợi của Giáo hội Việt Nam, mà tôi là một con chiên, tôi tự nhận lấy cái nhiệm vụ nguy hiểm ấy trước giáo hội và trước đất nước. Nếu quý tòa không nhận thấy sự cống hiến của tôi trong vai trò tiền phong ấy để sớm đem lại một giải pháp hòa bình tốt đẹp cho miền Nam Việt Nam, thì tôi sẵn sàng lãnh tất cả sự nghiêm khắc của quý tòa, như một người đã được cái vinh dự tử vì đạo cho tôn giáo của mình trong vụ án này. Tôi không dám tự so mình với các bậc tiền nhân, nhưng phải chăng tôi đã đóng vai trò tương tự như Lê Lai trong lịch sử...?
Viên chánh thẩm hỏi:
- Có phải ông Vũ Ngọc Nhạ đưa ông vào Phủ tổng thống với cương vị phụ tá để phục vụ cho những mục đích đen tối của mình hay không?
- Tôi cần phải nói rõ trước tòa là ông Nhạ không hề đưa tôi vào làm phụ tá cho tổng thống. Trước ngày bầu cử tổng thống, ông Nhạ đã gặp tôi với tư cách một lãnh tụ của Thiên chúa giáo, yêu cầu tôi dùng những quan hệ đã có từ lâu với Tòa đại sứ Mỹ, vận động người Mỹ ủng hộ cho ứng cử viên của Thiên chúa giáo đắc cử trong nhiệm kỳ tới. Người đó là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu. Ông Nhạ nói mình đã giành được sự thỏa thuận này với Hồng y giáo chủ Spellman và đặc phái viên của tổng thống Johnson. Tôi đã tuân theo chủ trương của giáo hội Việt Nam. Ông Thiệu rất lo lắng liên danh của mình có thể bị liên danh của ông Sửu và ông Kỳ đánh bại. Tôi cũng chia sẻ sự lo lắng đó. Ông Nhạ bảo tôi cứ yên tâm vận động Tòa đại sứ Mỹ, rồi ông sẽ tiến hành mọi việc cần thiết tiếp theo với người Mỹ. Tôi đã tiến hành có kết quả việc ông Nhạ trao, tổ chức cuộc gặp gỡ giữa đại diện của ông Thiệu là ông Nguyễn Văn Hướng với tòa đại sứ Mỹ, và đứng ra làm trung gian trong quan hệ giữa ông Thiệu và Tòa đại sứ Mỹ trong suốt cuộc vận động tranh cử. Sau ngày ông Thiệu đắc cử, tổng thống đã nhờ ông Hướng chuyển lời mời tôi vào làm phụ tá về chính trị và ngoại giao, đặc trách quan hệ giữa Phủ tổng thống với Tòa đại sứ. Tôi đã cảm ơn và từ chối. Chỉ tới 3 tháng sau, khi tổng thống Thiệu ra sức lệnh bổ nhiệm, tôi mới vô Phủ tổng thống lãnh nhiệm vụ... Tôi biết ông Nhạ trong cương vị cố vấn của tổng thống, phải góp ý kiến về nhân sự trong bộ máy chính phủ, ông Nhạ đã từng
đề cử ông Hướng làm thủ tướng, đã từng đề nghị một số người vào các cương vị bộ trưởng, tổng trưởng..., nhưng trường hợp của tôi không nằm trong trường hợp những người được ông Nhạ tiến cử.
- Có phải ông được ông Vũ Ngọc Nhạ trao nhiệm vụ sang Hoa Kỳ điều tra tình hình chính trị Mỹ có liên quan tới hòa đàm Ba Lê để cung cấp cho Việt Cộng không?
- Thưa quý tòa, tôi buộc phải nói cách đặt vấn đề như vậy là hoàn toàn không đúng. Sứ mạng mà tổng thống trao cho phái đoàn do tôi cầm đầu sang công cán tại Hoa Kỳ, là hết sức khó khăn và tế nhị. Vẻ bề ngoài, phái đoàn lãnh trách nhiệm đi cầu viện hậu chiến, nhưng thực chất bên trong là tiến hành điều tra, coi một khi đã thay đổi chiến lược ở Việt Nam, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, Mỹ có âm mưu loại trừ tổng thống Thiệu, là người có chủ trương cứng rắn, hay không. Tổng thống Thiệu rất lo lắng về vấn đề này. Chúng tôi có nhiệm vụ phải giải tỏa sự bất đồng giũa ông Thiệu và ông Johnson, đồng thời phải thăm đò xem người kế vị tại Nhà Trắng là ai, và phải tranh thủ bằng được sự ủng hộ của tổng thống Mỹ tương lai với cá nhân tổng thống Thiệu. Tôi nhớ trong cuộc gặp mặt trao nhiệm vụ cho phái đoàn trước ngày lên đường, có sự tham gia của đích thân tổng thống với bào huynh là ông Nguyễn Văn Kiểu, cùng với sự chứng kiến của cha Hoàng và cha Nhuận, ông Vũ Ngọc Nhạ ngồi ở ghế chủ trì đã nói với phái đoàn: “Hiện nay cái thế của Việt Nam cộng hòa đang chông chênh, ngôi vị của tổng thống có phần nghiêng ngửa, nhiệm vụ của phái đoàn đối với quốc gia, đối với việc phò trợ tổng thống rất nặng nề...”. Ông Nhạ đã gọi hội nghị này là hội nghị Đồng tâm, và động viên phái đoàn dốc lòng dốc sức chu toàn sứ mạng... Khi chúng tôi trở về phúc trình với tổng thống về chuyến công du, ông Nhạ đã ngồi cùng nghe với tổng thống. Những kết quả phái đoàn đem về rất khả quan. Chính ông Thiệu đã ngỏ lời tri ân phái đoàn và nói sau bao ngày lo lắng rầu rĩ, kết quả phái đoàn đem về khiến ông cảm thấy tươi trẻ lại... Tôi xin khẳng định trước tòa là ông Nhạ không hề trao cho chúng tôi nhiệm vụ thu thập tin tức cho Mặt trận Giải phóng.
- Vậy ông giải thích thế nào về những kế hoạch tuyệt mật mà ông đã cung cấp cho ông Vũ Ngọc Nhạ, như kế hoạch Kinh tế hậu chiến, kế hoạch Bình định và Xây dựng năm 1969, kế hoạch Phượng hoàng...?
- Tôi vào làm việc với tổng thống mười lần thì có tới sáu bảy lần thấy ông Nhạ cùng ngồi ở đó với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tôi không bao giờ nghĩ rằng ở cương vị của mình, mình lại có được những tin tức cơ mật mà chính ông Nhạ không biết. Những tài liệu mà quý tòa vừa kể có liên quan tới nhiệm vụ mà tổng thống đã trao cho tôi bằng văn bản trước ngày đi Mỹ. Trong đó, ông Thiệu đã ủy thác và trao quyền cho tôi tiếp xúc với các tổ chức chính quyền và tư nhân Mỹ quan tâm tới chương trình phát triển, nghiên cứu xã hội và kinh tế hậu chiến tại Việt Nam cộng hòa, và cung cấp cho họ những tài liệu có liên quan. Tòa đại sứ Mỹ sau khi đọc ủy nhiệm thư, đã trao cho tôi những tài liệu đó. Với ý thức trách nhiệm, tôi đã đưa trình những tài liệu đó với tổng thống và cố vấn trước khi đem đi. Tôi có thể trình ngay trước tòa ủy nhiệm thư của tổng thống Thiệu.
- Ông phủ nhận những lời khai đã biết ông Vũ Ngọc Nhạ có quan hệ với Cộng sản, và cả những cuộc gặp gỡ với Huỳnh Văn Tư từ mật khu vào đã được cơ quan an ninh chụp hình ghi lại?
- Tôi hoàn toàn không phủ nhận những điều tôi đã khai. Khi ông Nhạ cho tôi tiếp xúc với ông Tư, tôi đoán ông Tư là người của Mặt trận Giải phóng, từ đó tôi hiểu ông Nhạ có quan hệ với Mặt trận. Nhưng tôi cho rằng điều này không quan trọng. Tôi đã trực tiếp nhìn thấy ông Nhạ hàng ngày kề cận với tổng thống, thì ông Nhạ và tổng thống chỉ là một. Tôi đã có dịp coi thủ bút của ông Thiệu trong lá thư viết cho ông Nhạ bằng cây viết nguyên tử màu đen, tổng thống nhờ ông Nhạ cảm ơn các cha và những người bạn Mỹ. Trong lúc đường lối của Giáo hội Tòa thánh Vatican là tìm cách dàn xếp giữa những phe phái theo chính sách hòa giải dân tộc, mà bằng cớ mới nhất là những hoạt động vận động hòa bình của Đức cha Nguyễn Văn Bình và Đức cha Phạm Ngọc Chi do chính tòa thánh Vatican chấp thuận, thì cuộc tiếp xúc giữa ông Nhạ hoặc chính tổng thống với người phía bên kia chỉ là hoạt động bình thường. Tôi không bao giờ nghĩ rằng tán thành hòa bình, liên hiệp là đầu hàng! Là đương kim tổng thống, ông Thiệu phải tính tới nhiều đường đi nước bước. Tôi không tự cho phép được đi sâu tìm hiểu vấn đề này, sợ vô tình phanh phui những việc làm tổng thống cần giữ bí mật...
Trọng đã trả lời trong cả cuộc thẩm vấn bằng một logic chặt chẽ của một người đã tốt nghiệp đại học Luật và một cựu bộ trưởng Nội vụ. Những phóng viên, ký giả không ngừng tay ghi chép. Sự hoài nghi trong những người dự phiên tòa càng tăng trong lúc những can phạm luôn luôn tỏ ra bình tĩnh, tự tin, mà kẻ thẩm vấn thì không che giấu được sự bối rối.
Phiên tòa ngày 28 đã mang lại cho báo chí một cơ hội hiếm có. Tất cả những báo chí Sài Gòn ngày 29-11 đều đăng tin về phiên tòa với những dòng tít lớn ở trang nhất.
Báo Cấp Tiến đưa tít lớn: “Vụ án chính trị của thế kỷ. Trước tòa án Quân sự Mặt trận lưu động vùng 3 chiến thuật, hơn 100 ký giả trong và ngoài nước theo dõi ngay từ phiên tòa thứ nhất có thể kéo dài nhiều ngày và có thể có nhiều yếu tố bất ngờ”.
Báo Trắng Đen đưa tít: “Các bị can tươi cười như đi dự “đám cưới”. Người được các ký giả chụp hình nhiều nhất là Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng”.
Báo Tia Sáng đưa tít lớn: “Những sự kiện quá ly kỳ trong vụ án Huỳnh Văn Trọng. Chính Vũ Ngọc Nhạ là “sếp” của Huỳnh Văn Trọng, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe, Lê Hữu Thúy...”.
Báo Thời Thế đưa tít lớn: “Vũ Ngọc Nhạ là cố vấn của tổng thống Thiệu, từng tiến cử ông Nguyễn Văn Hướng làm Thủ tướng”.
Báo Điện Tín đưa tít lớn: “Vũ Ngọc Nhạ, một “cây” bất cần đời. Trước tòa, Vũ Ngọc Nhạ luôn luôn tươi cười tỏ ra “bất cần đời”! Trong lúc được tòa thẩm vấn, Nhạ cũng đã luôn luôn nói “ông Thiệu” chứ không lúc nào gọi bằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”.
Báo Quyết Tiến đưa tít lớn: “Sẽ có nhiều bất ngờ trong vụ án Huỳnh Văn Trọng? Vai trò chủ chốt thật sự là Vũ Ngọc Nhạ chứ không phải Trọng”. Tờ báo viết: “Những bị can chính đều cho rằng họ là những người theo đạo Công giáo, đều hoạt động theo đường lối của tòa thánh Va-ti-căng, nghĩa là tìm cách dàn xếp giữa hai phe phái theo chính sách hòa giải dân tộc... Riêng trường hợp của Nhạ, Nhạ còn nói rõ rằng ông ta được cả giấy khen của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đề cập tới những việc giúp ích của ông cho quốc gia. Quan trọng hơn, ông Nhạ còn nói rằng có cả giấy khen thưởng của tòa thánh Va-ti-căng. Vậy thì đâu là sự thật trong vụ này?..”.
5.
Phiên tòa tiếp tục họp sang ngày 29-11 còn thu hút đông đảo người tới dự hơn cả ngày mở đầu. Mọi người đều muốn biết những điều mới lạ đầy rẫy trong vụ án, và đặc biệt là tấn kịch lớn này sẽ kết thúc ra sao?
Những nhân vật chính đã trở thành quen thuộc với người dự. Tất cả bị can vẫn vui vẻ, tươi cười như ngày hôm trước trong y phục tề chỉnh. Những cô gái ăn vận còn có phần chải chuốt hơn. Họ hẳn biết cái gì đang chờ họ? Từ giới luật sư tin đồn đã lan ra: những can phạm chính khó thoát án tử hình?
Thắng rồi Hòe lần lượt ra trước vành móng ngựa. Bọn thẩm vấn đã khôn ngoan hơn ngày đầu, chúng rút kinh nghiệm và cố tránh chọc vào tổ ong bò vẽ. Nhưng chúng vẫn không tránh được. Thắng đã dựa vào đường lối vận động hòa bình của Vatican và sự hiểu biết sâu rộng các tôn giáo, đảng phái ở Nam Việt Nam, đưa tất cả vào cuộc và khẳng định những lần gặp gỡ trao đổi của anh với người phía bên kia vì mục đích hòa hợp, hòa giải dân tộc, không thể bị coi là tội lỗi!
Hòe xác nhận đã gần bó với Nhạ từ lâu trong nhiều hoạt động cho giáo hội, vì Nhạ là một nhà lãnh đạo Công giáo đức độ, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho giáo hội. Anh đã cung cấp cho Nhạ một số tài liệu về bình định nông thôn, ngân sách quốc gia, kinh tế hậu chiến, vì cho rằng Nhạ là một lãnh tụ Công giáo, trong lúc giáo hội đang chuẩn bị đưa người ra chấp chính, Nhạ cần có sự hiểu biết về mọi mặt tình hình của quốc gia. Anh đã đưa tài liệu bình định nông thôn cho Nhạ vào lúc Nguyễn Khánh cử Trần Thiện Khiêm tới nhà thờ Bình An khẩn cầu Nhạ ra làm tư lệnh địa phương quân, sau đó Nhạ đã kiên quyết khước từ. Theo cách đánh giá của anh thì những tài liệu này đối với Nhạ không có gì quan trọng, vì Nhạ đã từng làm cố vấn cho Ngô Đình Nhu, Nhạ thường xuyên quan hệ với cả Khánh và Khiêm. Anh kể đã có lần Nhạ cho mình xem chứng minh thư của Tổng bộ tự vệ Phát Diệm với chức danh là tình báo viên, do linh mục Hoàng ký. Cho tới lúc này, anh vẫn tin rằng nếu Nhạ là tình báo thì đó là công việc cần cho giáo hội chứ không phải là Mặt trận Giải phóng. Nhạ có quan hệ với người từ mật khu vào, người này anh đã gặp một vài lần, là nhằm mưu cầu sự hòa hợp, hòa giải dân tộc, hướng tổng thống Thiệu đi theo đường lối vận động cho hòa bình của Tòa thánh Vatican, chứ không phải là để làm gián điệp cho Việt Cộng! Anh cũng kể công mình đã hết lòng làm theo ý Nhạ để đưa Thiệu lên chấp chính.
Được sự cổ vũ của nhiều bạn bè có mặt trong giới báo chí, Hòe hưng phấn nói thêm:
- Trong vụ án này, tôi tự coi mình là người của giáo hội Việt Nam, cùng với ông Thiệu chuẩn bị cho một giải pháp thương lượng về Việt Nam, nay nếu phải hy sinh, tôi sẵn sàng nhận hậu quả, tôi không bao giờ phản lại quyền lợi của dân tộc, của đất nước, và không bao giờ phản lại ai hết! Những tuần trước khi bị bắt, CIA luôn luôn bám xe theo tôi và ông Nhạ mỗi lần vào Bình An, cả ông Nhạ và tôi đều biết sinh mệnh mình đang bị đe dọa, nhưng chúng tôi không hề có ý nghĩ né tránh.
Những can phạm tiếp theo được thẩm vấn rất nhanh. Nhưng vì số người quá đông nên kéo dài tới buổi chiều.
Các luật sư biện hộ trở nên lúng túng trước nhiều sự kiện bất ngờ xuất hiện vào giờ chót, và những bị can đều đã phủ nhận mọi lời buộc tội bằng những lập luận chặt chẽ, đặc biệt là những bằng chứng không thể bác bỏ.
Luật sư Trần Bá Thiệp, người được chỉ định biện hộ cho những can phạm không mướn luật sư biện hộ, lên tiếng trước:
- Các bị can Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy đều không chối tội, từ chối biện hộ nên tôi không muốn cãi cho vụ này, nhưng vì bị chỉ định, nên tôi phải làm nhiệm vụ của một luật sư. Các thân chủ của tôi bị kết tội phản nghịch đã không hề chối tội, không thỉnh cầu tha bổng hay khoan hồng, như thế vấn đề luật pháp không còn nêu lên làm gì, chỉ còn lại vấn đề lương tâm của quý tòa. Nhưng cũng xin quý tòa lưu ý những yếu tố chính trị, những chuyển biến của tình hình trong thời gian gần đây...
Luật sư Trần Ngọc Liễng nói:
- Là luật sư đứng ra biện hộ vụ này, tôi như con ếch ngồi đáy giếng mà miệng giếng đã bị tổng thống Thiệu đậy lại mất rồi. Đáng lẽ phải mời tổng thống ra làm nhân chứng, nhưng chắc chắn là tổng thống không ra. Vì vậy, các luật sư như những con ngựa bị người cầm cương che đôi mắt bằng hai cái lá đa, chỉ nhìn thấy phía trước mà thôi! Trước đây Ga-li-lê[1] tuyên bố là quả đất tròn, người đời lúc đó đòi đốt nhà ông, nhưng quả đất tròn thật. Tháng 8 năm 1963, tôi đã phải cãi cho trung tá Phan Trọng Chinh về vụ đảo chính hụt Ngô Đình Diệm năm 1960, ủy viên chính phủ đã xỉ vả như tát nước vào mặt Chinh. Trung tá Chính bị đầy ra Côn Đảo. Nay trung tá Chinh đã lên cấp tướng và được coi như một anh hùng dân tộc! Phải chăng đây là chuyện của một người bán nước chanh đã chỉ cốt vắt chanh bán cho khách lấy lời, còn vỏ chanh vứt xuống đất và không thèm biết số phận nó ra sao...?
Luật sư Lê Thế Hùng nói:
- Tất cả những “điệp vụ” mà người ta gán ghép cho thân chủ tôi[2] thực ra chỉ là những công vụ, mà bất cứ ai là phụ tá cho tổng thống cũng phải làm!... Ông Trọng đã nói: “Phải hy sinh cá nhân khi hợp tác với tổng thống Thiệu”. Ông nói là trước khi nhận lời làm phụ tá chính trị cho tổng thống, tổng thống Thiệu và ông đã đồng ý tìm sự hòa hợp dân tộc để đi tới hòa bình. Ông Trọng đã nói trước Tòa rằng ông không coi “hòa bình, liên hiệp là đầu hàng...”.
Luật sư Lâm Lễ Trinh nói:
- Đây không phải là một vụ án gián điệp, mà là vụ án chính trị, một vụ án chính trị không những quan trọng mà còn phức tạp... Phụ tá chính trị Huỳnh Văn Trọng đã thi hành nhiệm vụ của ông rất chu toàn và hữu hiệu. Vì hữu hiệu, nên mỉa mai thay, Huỳnh Văn Trọng phải vác chiếu ra tòa!
Lúc 20 giờ. Việc thẩm vần của tòa án và phần biện hộ của luật sư kết thúc. Bị can và người dự phiên tòa nghỉ trong hai tiếng chờ tuyên án.
Đến 22 giờ khuya. Tòa nhóm họp trở lại. Hội trường vẫn đông nghịt. Đội ngũ ký giả, những người quay phim vô tuyến truyền hình sau hai ngày làm việc mệt nhoài, bỗng năng động hẳn lên. Thời điểm quyết định đã tới.
Những can phạm được gọi tên ra đứng xếp hàng trước vành móng ngựa chờ nghe tuyên án. Hàng chục máy quay phim truyền hình và rất nhiều máy ảnh hướng vào họ. Nhiều bị can bỗng quay về phía sau giơ cao tay vui vẻ đùa giỡn trước những ống kính thu hình. Những máy ảnh chớp lia lịa, vì sợ giây lát sau đây khi đã tuyên án, hình ảnh này không còn lặp lại.
Viên lục sự tòa án đọc án từng người
Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe đều bị kết án chung thân khổ sai. Tám người khác bị kết án khổ sai từ 5 năm tới 20 năm.
Mỗi bị can sau khi nghe tuyên án đều quay lại tươi cười giơ tay vẫy chào những người tới chứng kiến. Tiếng cười mỗi lúc một to. Cuối cùng, tất cả đều quay lại reo hò. Hai Long nắm tay Trọng giơ cao chào mọi người. Những máy quay phim, thu hình, máy ảnh làm việc liên tục, ánh chớp liên hồi. Tất cả những người lĩnh án đều có nụ cười rộng mở như họ vừa may mắn giành một phần thưởng lớn. Thắng rồi Hòe nói to:
- Chúng tôi được vinh dự ra tòa lãnh án!
- Rất tiếc là không có án tử hình!...
Trọng nói:
- Tôi rất hài lòng. Tôi tưởng có ai bị án tử hình chớ!
- Xin đừng quên là tôi đã từng nhận giấy ban khen của Đức Giáo hoàng về công tác vận động hòa bình! - Hai Long nói.
Quân cảnh đưa họ dần dần ra khỏi phòng xử, lên xe trở về khám.
Hai Long hướng về những người thân nói lớn:
- Vụ tụi tôi chỉ có lịch sử phán xét... Các bạn cứ chờ xem, một trang mới sắp lật qua! Không còn lâu nữa đâu!
Quay về phía những ký giả và phóng viên nước ngoài, anh nói bằng tiếng Pháp:
- Ma mission est possible mais maintenant est impossible.[3]
Rồi nói tiếp với những ký giả trong nước:
- Cho tôi gửi lời về thăm ông Thiệu!
Anh đứng trên xe giơ tay kéo từng người lên.
Hòe vừa lên xe vừa quay lại nói bằng tiếng Pháp:
- Quelques mois seulement, nous reviendrons au Palaisde l Indépendance![4]
Thắng cũng nói:
- Chỉ vài tháng nữa thôi ! Phải về đây thì mới hoạt động được!
Trọng tiếp lời anh:
- Chúng tôi sẽ trở lại Thủ đô về thẳng dinh Độc Lập làm việc trước Tết!
Hòe đập tay vào thùng xe, nói lớn với các con qua cánh cửa sắt:
- Cười đi con! Cười đi con! Ba sẽ trở về!
Rồi anh lại nói tiếp một tràng tiếng Pháp:
- Mission accomp1ie, Ça nous paye, la mission pour notre pays sauveg rde pour l indépendance.[5]
Hòe muốn sửa lại lời nói lạc quan quá mức ban nãy của anh với những ký giả nước ngoài.
Xe chuyển bánh. Hai Long bám vào lưới sắt, nói to:
- Xin chào các bạn. Hẹn gặp lại!
Trong ánh đèn huỳnh quang, anh chợt nhìn thấy bé Liên đứng giữa mấy người bạn gái. Cho tới lúc anh đứng ở cửa xe, bé Liên vẫn còn vui vẻ giỡn bố bằng những câu đùa: “Ba được chụp hình nhiều quá!... Bữa nay ba cười rất trẻ!...”. Chắc bé Liên không biết có bố đứng sau mạng lưới sắt dày tối om. Anh nhận thấy đôi mắt của con gan góc, đượm buồn, đang cố dõi nhìn theo. Vợ anh không tới được phiên tòa vì chị lại sắp tới ngày sinh nở.
7.
Cơn sốt trên các báo chí vẫn tiếp tục.
Báo Thời Thế ngày 1-12 đưa tít lớn: “Vụ án gián điệp lớn nhất thời đại đã kết thúc”.
Báo Hòa Bình cùng ngày đưa tít lớn: “Vụ án Impossible đã kết thúc”. Mấy tiếng “vụ án Impossible” được nhiều báo nhắc tới để biểu lộ sự hoài nghi về tính chất của vụ án.
Các báo đăng tường thuật tỉ mỉ về phiên tòa, kèm thêm ảnh những can phạm. Những tấm ảnh đều rất đẹp. Không một can phạm nào lộ vẻ lo lắng, đăm chiêu. Nhiều người có nụ cười rộng mở.
Báo Chính Luận viết: “Vụ án này rất căng thẳng và quan trọng, vì qua hồ sơ, không một đảng phái chính trị nào, một nhân vật chính trị nào mà không liên quan ít nhiều đến vụ án, xấp hồ sơ đó nặng gấp 200 lần so với bản cáo trạng đã đọc...”.
Báo Sài Gòn Mới viết: “Báo chí ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử pháp đình đã không có chút không khí buồn thảm nào sau khi Tòa tuyên bố những bản án phạt nặng nề. Lần đầu tiên trong một vụ án quan trọng và trước những bản án nặng nề, người ta không hề ghi nhận một tiếng khóc nào hoặc một sự than vãn nào mà chỉ thấy những gương mặt vui thân và nghe những tiếng cười...”.
Đáng chú ý là bài xã luận của báo Chính Luận ngày 2-12. Dưới đầu đề: “Còn gì nữa? Sẽ ra sao?”, bài xã luận viết: “Vụ án được gọi là vụ án gián điệp lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Thế nhưng sự kết thúc này không giống như sự kết thúc của bất cứ một vụ án nào khác... Căn cứ vào nội dung vụ án đã được công khai xét xử, tính chất của vụ án rất quan trọng. Đây là những hành động phản nghịch có quy mô rộng lớn nhằm tạo điều kiện để đối phương thành công về chiến lược mà mục đích tối hậu là “đặt miền đất nước này dưới quyền đô hộ của họ”... Thật vậy, về tầm mức vụ án, một luật sư biện hộ cho một bị can chủ chốt, khi nhận định về tội trạng của thân chủ đã phải ước lượng: “trong tình thế nghiêm trọng này khó thoát tử hình...”. Thế nhưng không có bị can nào bị xử tới mức độ đó và dù rằng nếu đem mà so sánh thì cái giật mình của cựu bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Mắc Na-ma-ra[6] đã đưa tới một án tử hình, đã cao giá hơn là vụ phản nghịch hiển nhiên ngày nay đe dọa đến vận mạng của toàn quốc gia Việt Nam... Đối với đại sứ Bân-cơ[7], người đại diện chính thức cho nước Mỹ tại Sài Gòn, sự kết thúc của vụ án càng làm ông hài lòng... Tổng thống Thiệu cũng phải có cảm tưởng nhẹ nhõm về sự kết thúc của vụ án, nhất là một trong số bị cáo chủ chốt đã từng được ông bổ nhiệm giữ chức cố vấn... Sự nhẹ nhõm do sự kết thúc vụ án đem lại thật ra còn rộng rãi hơn. Bởi vì vụ án không phải chỉ liên hệ tới một số cá nhân, mà còn liên hệ tinh thần tới toàn thể tôn giáo, đoàn thể chính trị, tới cơ quan lập pháp và ít nữa là một xu hướng chính trị đang hình thành trong sự băn khoăn lựa chọn dứt khoát. Thế nhưng dù sao đi nữa, dù rằng thành tố được hưởng cảm giác nhẹ nhõm có đông đảo thế nào thì so tới toàn thể nhân dân miền Nam hiện còn đương đổ máu chiến đấu để hy vọng được một tương lai khá hơn, đó cũng chỉ là một phần nhỏ. Cái cảm giác của đại đa số là cái cảm giác bất an chợt nổi bật lên day dứt hơn, cái cảm giác đó không hề liên quan gì tới các yếu tố pháp lý, cũng không dính dáng gì tới các uẩn khúc chính trị. Nó rất mơ hồ nhưng lại rất thực tế: Còn gì nữa và rồi sẽ ra sao?...”.
Họ hài lòng vì đã đạt được một kết quả ngoạn mục, đã đánh trả địch một đòn gây chấn thương toàn thân vào lúc đã bị chúng đưa ra xét xử. Hai Long cảm thấy anh vẫn còn những điều kiện để tiếp tục hoạt động.
---
[1] Galileo Galilei (1564 - 1642): nhà toán học, thiên văn, vật lý học người Ý, cha đẻ môn động lực học
[2] Tức Huỳnh Văn Trọng
[3] Sứ mạng của tôi có thể hoàn thành nhưng nay thì không thể.
[4] Chỉ vài tháng nữa, chúng tôi sẽ trở lại dinh Độc Lập.
[5] Đây là cái giá mà chúng tôi phải trả cho một sứ mạng đã hoàn tất, bảo vệ nền độc lập của đất nước.
[6] McNamara
[7] Bunker
@by txiuqw4