sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

2. Mỗi ngày 1 entry - Tạp văn hàng quán

Mỗi ngày 1 entry - Tạp văn hàng quán

‐ Cháu ăn bát mấy (cái)?

‐ Bát 3 (cái) cô ạ.

* * *

Tôi gắn bó với quán bánh rán vỉa hè này từ hồi lớp 6, nghĩa là khi vừa chuyển nhà từ trung tâm thành phố ra vùng ngoại thành, hồi đó nơi này còn heo hút lắm. Và vào lúc đó, người ta còn chuộng những quán ăn vỉa hè kiểu này, tôi nhớ có ba quán ăn sát nhau tôi và chị gái thường hay ngồi, đôi khi cả mẹ tôi nữa, đó là một quán chè bưởi, một quán bánh trôi nước và quán bánh rán này.

Chè hồi đó ngon lắm, chẳng hiểu sao bây giờ ăn ở đâu tôi cũng không tìm lại được cảm giác ngon miệng như thế, cốt dừa rất thơm, cùi bưởi giòn và ngon, chè không quá đặc, không quá loãng, ăn rất vừa miệng. Có lẽ cũng chính bởi sự hụt hẫng vì mất cảm giác cũ nên tôi cũng mất dần sở thích ăn chè bưởi vốn có. Bây giờ thì, ăn chè gì cũng được, chỉ để giải khát, tôi cũng không hứng thú lắm.

Quán bánh trôi nước thì khá đặc biệt với tôi. Tôi nhớ những năm đầu cấp hai, mẹ tôi vẫn thường đưa tôi đi học, thi thoảng, bà thường chở tôi ghé qua quán bánh trôi, miễn cưỡng ăn cùng tôi một đĩa, tôi thì hai, cũng là do bà biết sở thích của tôi. Tôi nhớ cái mùi vị thơm ngon của đĩa bánh trôi mới vớt, ấm ấm, ngọt ngọt. Cũng nhờ quán bánh trôi này và sở thích ăn uống đặc biệt đó mà tôi có bài bình luận bài thơ ʺBánh trôi nướcʺ của Hồ Xuân Hương khá hay, bây giờ cũng chẳng còn nhớ nổi đã được bao nhiêu điểm. Có ngắm nhìn tất cả các công đoạn làm bánh mới hiểu hết thế nào là ʺ.. thân em vừa trắng lại vừa tròn, bảy nổi ba chìm với nước non...ʺ.

Rồi thời gian trôi đi, một phần cũng do chủ quán không làm nữa, phần vì người ta đã đập bỏ chợ Bưởi gần đó hàng trăm năm tuổi để xây một chợ trung tâm bốn tầng to hoàng tráng, khiến những hàng quán kiểu này dần biến mất. Quán chè giờ đã thôi bán, nhà chủ dường như không còn mặn mà với việc làm chè, giờ chỉ chuyên bán rau thơm và lá thuốc để tắm. Quán bánh trôi thì biến mất hẳn, tôi cứ băn khoăn tự hỏi gia đình đó đã chuyển đi đâu và có còn làm bánh trôi nước nữa không, dù sao, qua nhiều lần ăn quán và nói chuyện, tôi cũng biết chút ít thông tin về hai chị em gia đình đó, gọi là có chút thân tình. Giờ nơi đó mọc lên một quán chè học sinh, có lần tôi đã thử vào ăn, thấy thật nhạt nhẽo và vô vị. Chỉ còn quán bánh rán này...

* * *

Tính ra tôi đã gắn bó với quán được hơn chục năm rồi. Chủ quán là chị Hoa, một người phụ nữ rất Việt Nam, dáng người mảnh khảnh, tính vui vẻ và chịu khó. Nghe chị kể chuyện, quán đã bán được hai chục năm có lẻ. ʺCũng gọi là gia truyền đấy nhểʺ ‐ tôi đùa, ʺỪ, gia truyền chứ, bán từ thời mẹ chị màʺ ‐ chị nói. Có lần tôi đến ăn thấy mấy chị em cô cháu trên ngực đều cài tấm nhựa màu đen, nom chị suy sụp lắm mà vẫn gượng cười bán hàng. ʺNhà có tangʺ ‐ tôi nghĩ. Tôi đoán mẹ chị mất, mà cũng chẳng tiện hỏi, dù sao, tôi cũng chỉ là một khách hàng bình thường, dù là khách quen. Tôi cũng chẳng nhớ nổi bà cụ trông ra sao, chỉ nhớ mang máng đã từng gặp cụ rồi, hồi tôi còn nhỏ lắm, lớp 6, lớp 7 gì đó.

Có đợt người ta mở rộng đường Lạc Long Quân gần đó, tôi ngại bụi, ngại đường xấu, nên quành ra đi đường khác về nhà, thoắt cái cũng độ nửa năm mới quay lại quán. Thì ra quán đã chuyển đi, cách nơi cũ khoảng gần 1 cây số. Rộng rãi và thoáng mát hơn nhiều, vẫn ngoài đường như thế, chỉ mất đi cái thú ngắm nhìn người ta tất tả đi chợ mỗi khi ngồi ăn bánh rán. Chả là nơi cũ nằm đối diện chợ Bưởi, thành ra, ngồi ăn bánh rán, dù vô tình hay hữu ý thì cũng buộc phải ngắm nhìn khung cảnh chợ búa tấp nập bên kia đường.

Một lần tôi vào ăn quán, bỗng dưng thấy có cảm giác khác khác trong cái nhìn của mấy chị em bán quán, thì ra họ nhận ra tôi trên truyền hình. ʺCó phải em dẫn chương trình trên TV không?ʺ ‐ phải rất vất vả vượt qua sự ngại ngùng chị mới hỏi tôi. ʺDạ, phải chị ạ, chương trình giải trí ấy màʺ. ʺĐấy, tao đã bảo là đúng mà, cái con này, cứ bảo không phảiʺ ‐ chị quay ra nói với cô em. ʺCậu này là khách quen của quán, ăn cũng được mấy năm rồi ấy nhỉ?ʺ. ʺDạ, em ăn ở đây từ năm lớp 6ʺ...

* * *

Gần đây tôi mới lại ra quán, ở cái tuổi 20+ của tôi, có vẻ người ta thích chú ý đến những điều nhỏ nhặt xung quanh chăng, hay tại tôi nhiều chuyện, hay hiếu kỳ, nên cứ hay ngồi vừa ăn bánh rán vừa trò chuyện với mấy chị em cô cháu.

‐ Em đang làm ở đâu?

‐ Dạ, em còn là sinh viên, năm cuối rồi, em đang thực tập.

‐ Cháu học ở đâu?

‐ Trường Kinh tế cô ạ.

‐ Kinh tế quốc dân hả?

‐ Dạ.

‐ Sao chị không đầu tư làm hẳn cửa hàng, kinh doanh cho được nhiều, cứ ʺvỉa hèʺ mãi thế này à? Em vào Sài Gòn thấy có người giàu lên từ nước sâm, bánh mỳ đấy.

‐ Tại chị không thích thôi, cũng có người muốn liên danh sản xuất đấy chứ, chị chỉ lo công thức và sản xuất bánh, người ta lo chỗ tiêu thụ, có cửa hàng cửa hiệu hẳn hoi. Mà chị không muốn. Bán thế này, thích hơn, đủ ăn là được rồi.

‐ Gớm, mới ngồi một tý mà đã bán cả hai chục chiếc, bán thế này, chẳng mấy mà giàu ‐ tôi đùa.

‐ Ừ, tiền không biết để đâu cho hết ấy chứ.

‐ Mấy chị em cô cháu tối về là chỉ ngồi đếm tiền thôi, khỏi ăn uống gì cả ‐ cô của chị chêm vào.

‐ Chị bán từ mấy giờ?

‐ Từ khoảng 9 giờ sáng, đến 7 giờ tối là nghỉ.

‐ Bán thế lời lãi tính thế nào?

‐ Thì tính theo cân thịt, cân bột, nói chung là sản xuất nhỏ, chứ có phải cửa hàng đâu mà tính theo số lượng bánh.

‐ Để em tính xem nào..

‐ Này, có khi nó lại là dân thuế đấy, đang tính thuế cho mấy cô cháu ‐ một chị khách hàng đùa chen vào.

Tôi chỉ biết cười trừ. Tôi chỉ muốn tính thử xem thu nhập của mấy chị em ra sao, cuộc sống với họ thật giản đơn mà hạnh phúc quá, chị có một gia đình nhỏ, một người chồng luôn yêu thương chăm sóc, và những đứa con. Ngoài kia người ta cứ bon chen, xô đẩy nhau, âu cũng vì miếng ăn, vì tiền, xét tới cùng cũng chỉ mong được hạnh phúc, vì với họ, hạnh phúc là được thoả mãn những nhu cầu mua sắm hàng ngày, mà nhu cầu của con người có bao giờ là hết. Thành ra, ngoài xã hội, cuộc sống thật khó khăn, phức tạp. Vậy mà trong quán bánh rán nhỏ này, tiếng cười và niềm hạnh phúc bừng lên trong từng câu nói...

* * *

‐ Hôm qua em ra chẳng thấy quán đâu.

‐ Ừ, chị nghỉ bốn ngày, nhà có việc.

‐ Có việc thì phải treo bảng thông báo chứ, cứ tưởng sợ bị tính thuế, trốn sang chỗ khác rồi... Ha ha.

Cứ thế, cuộc sống dường như chậm lại nơi quán bánh rán này. Tôi, một sinh viên 23 tuổi sắp ra trường, đang đứng trước những quyết định quan trọng của cuộc đời, hình như tìm thấy chút ấm áp và yên bình nơi đây. Có lẽ, bởi vậy mà không chỉ tôi mà rất nhiều những người khách thích đến ăn bánh rán ở đây chăng.

* * *

p.s: Ý định ban đầu là chỉ viết một tạp văn nho nhỏ, nhưng những dòng chữ cứ như tự tuôn ra, chắc tại lâu lâu mới có dịp nghĩ về quá khứ. À, quán bánh rán bây giờ nằm trong ngõ 242 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bạn nào muốn thử một lần chậm lại, tách khỏi cuộc sống ngoài kia thì đến với quán nhé. Bánh rán cũng ngon lắm. Hai ngàn rưởi một chiếc.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx