Nhà báo nổi tiếng, nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn đã ra đi, để lại cho mọi người sự tiếc thương và sự ngưỡng mộ vô hạn. Giới thiệu bài viết sau đây của một đồng đội thuộc thế hệ đàn em của ông, những người làm báo VietNamNet xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt một CON NGƯÒI, một nhân cách, một nhà báo bậc thầy, một nhà tình báo anh hùng.
Các thế hệ chiến sỹ trong lực lượng an ninh chính trị chúng tôi vẫn gọi thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn với cái tên rất đỗi yêu thương, “anh Hai Trung”.
Với Hai Trung, hơn 20 năm là phóng viên của các tờ báo lớn nước ngoài như: hãng thông tấn Reuters, tuần báo Times, nhật báo New York Herald Tribune, nhật báo The Chritian Science Monitor cũng là thời gian ông là nhà tình báo chiến lược xuất sắc thu thập một khối lượng tin tức khổng lồ, phân tích nhiều thông tin quý báu về chiến lược chiến thuật của đối phương - những thông tin vô cùng hữu ích cho công cuộc giải phóng và thống Tổ quốc Việt Nam.
Làm báo và làm tình báo, hai nhiệm vụ ấy đã hỗ trợ cho nhau tạo thành sức mạnh hết sức lợi hại và to lớn đối với Phạm Xuân Ẩn. Có điều kiện đi và tiếp xúc nhiều, ông nắm được những thông tin cơ mật ngay trong đầu não của đối phương, giúp cấp cao nhất của Cách mạng và Quân đội Giải phóng đề ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời.
Còn nhớ, trước 1975, Bộ Chính trị , Quân ủy Trung ương rất băn khoăn trước đứng trước câu hỏi lớn và cần phải có lời giải đáp - "liệu ta mở cuộc Tổng tấn công, Mỹ có quay lại không?". Đại tướng Hoàng Văn Thái nhớ lại: Lúc đó, có 3 nhiệm vụ lớn đặt ra cho Bộ Quốc phòng. Trong đó có nhiệm vụ cần phải giải đáp ẩn số: khả năng can thiệp của Mỹ thế nào khi ta đánh lớn và nguỵ quân, nguỵ quyền đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Câu trả lời này được lực lượng tình báo triển khai đến các mạng lưới và Phạm Xuân Ẩn là người đã giải mã chính xác, xuất sắc, qua phân tích thu thập các tin tức: “Mỹ dứt khoát không đưa quân trở lại miền Nam". Nguồn thông tin này cùng với những nguồn khác đã giúp Trung ương đề ra quyết tâm chiến lược “Giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Sau này ông được tặng thưởng huân chương cao quý vì câu trả lời ấy.
Ông sinh năm 1927 ở Biên Hòa trong gia đình một viên chức cao cấp. Cha là người miền Nam, một kỹ sư làm ở Sở Công chánh. Mẹ là Hoàng Thị Thu Nhạn, cô gái Hà Đông vùng quê lụa nổi tiếng. Trong con người cậu bé Phạm Xuân Ẩn mang hai bản sắc văn hóa, tạo cho cậu cái mạnh mẽ, ngang tàng và cái tinh tế sâu lắng, dí dỏm của cả hai vùng đất.
Chuyện về nơi ông sinh nghe cứ như… đùa: sinh tại nhà thương điên. Ông kể rằng, là công chức trắc địa nên bố có điều kiện giao du rộng rất được quan đầu tỉnh và các công chức Pháp ở Biên Hòa nể trọng. Ông được giao phụ trách việc đo đạc, định hạng ruộng đất, đồn điền cả một vùng miền Đông màu mỡ đang khai phá nên ai cũng muốn cầu cạnh, làm thân. Khi biết vợ ông sắp sinh, vị giám đốc của Nhà thương điên Biên Hòa bèn tế nhị mời bà vào nơi mà nhà cầm quyền thực dân Pháp tự hào là khu điều trị bệnh tâm thần lớn nhất Đông Dương có bác sĩ người Pháp trực tiếp đỡ đẻ. Chính tấm giấy khai sinh của cậu “khác đời” vì những người chứng sinh toàn là các quan đốc tờ Tây, và cha là công chức cao cấp của Pháp, trở thành giấy “thông hành” có giá trị để sau này Phạm Xuân Ẩn có ngay sự thuận lợi bước đầu trong hoạt động tình báo.
Tuy sinh tại Biên Hòa nơi có Văn miếu Trấn Biên đất học của cả một vùng, nhưng thời niên thiếu cậu bé Ẩn sống tại Sài Gòn, sau về Cần Thơ học trường “College de Can Tho”. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông bỏ học và tham gia tổ chức Thanh niên Tiền Phong.
Như bao thanh niên Việt Nam yêu nước khác, chàng trai 18 tuổi Phạm Xuân Ẩn háo hức tham gia vào Thanh niên Tiền Phong do đồng chí Phạm Ngọc Thạch tổ chức. Đối với chàng trai đã “Âu hóa” Phạm Xuân Ẩn, nếu nói hăng hái thôi chưa đủ mà phải nói là háo hức vì được sống trong không khí hừng hực của những ngày sục sôi cách mạng. Trong những ngày sục sôi đó, ông được chọ n đi đào tạo ở một trường quân sự. Kết thúc khóa huấn luyện quân sự đầu tiên với loại xuất sắc, ông trở thành một chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn tham gia đánh giặc khắp bưng biền miền Tây Nam Bộ .
Năm 1946 Phạm Xuân Ẩn được lệnh về Sài Gòn làm nhiệm vụ khác. Đó chính là bước đầu tiên của cuộc đời làm người chiến sỹ tình báo. Với cương vị mới là nhân viên ở sở quan thuế Sài Gòn, ông có thể nắm và kịp thời báo cho cách mạng về tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự và quân đội viễn chinh do Pháp đưa từ mẫu quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam về Pháp. Những báo cáo đầy đủ được gửi ra Bộ chỉ huy Quân sự Miền và những “món quà” ông nhận được là những trận công đồn, những trận đánh lớn tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đốt phá, tịch thu, nhiều vũ khí, trang bị của kẻ thù.
Phạm Xuân Ẩn trên đường phố Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Năm 1952, ông nhận được thư của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Phạm Xuân Ẩn trên đường phố nguyên là người đứng đầu Thanh niên Tiền Phong trước đây và bây giờ là Ủy viên của Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ trực tiếp gọi ra chiến khu. Nhiệm vụ của ông là phải bằng mọi cách khai thác các mối quan hệ sẵn có để tiếp cận cho được Bộ Tổng hành dinh Quân đội Liên hiệp Pháp nắm cho được các ý đồ chiến lược về chính trị , quân sự, an ninh, kinh tế của thực dân Pháp. Sau đó, ông Mười Hương (Trần Quốc Hương, người tổ chức đầu mối của Phạm Xuân Ẩn tiếp tục giao cho ông nhiệm vụ mới, quan trọng: bám sát nhóm cố vấn Mỹ MAAG để nắm ý đồ của Mỹ .
Năm 1957, ông được tổ chức, trực tiếp là Mai Chí Thọ và Mười Hương giao nhiệm vụ sang Mỹ học báo chí chuẩn bị cho nhiệm vụ sau này.
Trong hai năm học ở Mỹ, ông cố gắng tiếp thu nghiệp vụ . Vốn là người có trí nhớ và nhanh nhẹn, ông tiếp thu kiến thứ c rất nhanh, được các thầy cô giáo quí mến. Ông đặt ra nhiệm vụ cho mình là phải mở rộng quan hệ chuẩn bị cho công tác sau này. Có một chuyện trở thành bài học đầu đời khi làm nghề tình báo. Do học giỏi nên được cô giáo Mỹ dạy môn phóng sự điều tra chú ý. Cô thường hỏi đủ thứ chuyện, chẳng hạn như chuyện anh học tiếng Anh ở đâu, ai dạy mà nói và viết chuẩn như vậy. Cô còn hỏi mục đích học làm báo để làm gì?...
Sau này mãn khóa học, đã tin cậy nhau rồi cô mới thổ lộ: Cô đã từng hoạt động tình báo ở Đức. Cô phát hiện ra cách sống của người thanh niên Phạm Xuân Ẩn gần giống như những người cộng sản mà cô đã gặp ở Đông Âu, đó là không chơi bời, nhậu nhẹt…
Rút kinh nghiệm sâu sắc về chi tiết này, khi về nước (tháng năm 1959) trở thành ký giả, ông đã cố biến mình thành một... playboy (tay chơi) giao du rộng rãi với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội...và cùng rất “sành điệu”. La cà khắp các vũ trường, các nhà hàng sang trọng và thậm chí trong túi lúc nào cũng có vài tấm ảnh của các em cave (vũ nữ) ăn khách nhất lúc bấy giờ ...
Về nước, nhờ những mối quan hệ , ông được Trần Kim Tuyến giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị văn hóa xã hội (thực chất là cơ quan mật vụ trực thuộc Phủ Tổng thống) biệt phái sang làm việc tại Việt Tấn Xã, phụ trách những phóng viên ngoại quốc làm việc tại đây.
Từ đây Phạm Xuân Ẩn càng có điều kiện để quan hệ . Với vỏ bọc là phóng viên tuần báo Mỹ Times, và các hãng thông tấn khác ông đã giao du rộng rãi với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội, là "người của CIA ", Phạm Xuân Ẩn nắm được nhiều nguồn tin quan trọng trong quân đội, cảnh sát, cơ quan tình báo.
Ở nhiệm vụ là nhà báo, nhiều tin tức ông viết cho báo chí đã trở thành những bài “đinh” trên các trang báo. Có một chuyện xảy ra ông còn nhớ mãi: “Khi tin “Thủ tướng Phan Huy Quát có thể bị thay thế ” của ông được loan tải trên báo chí thế giới, thì đích thân tổng giám đốc cảnh sát quốc gia gọi tôi lên gặp. Ông ta hăm dọa rồi mua chuộc đủ điều nhưng tôi vẫn kiên quyết giữ kín được nguồn tin. Mãi đến khi Phan Huy Quát thực sự bị loại tôi mới hết bị làm khó dễ, nhưng “Tổng nha” lại cho người “để mắt” tới tôi rất dữ!”.
Bằng con mắt của người chiến sỹ tình báo, những tin tức từ báo chí, từ cộng sự và đặc biệt từ quan chức trong chính quyền đã giúp anh hơn 20 năm trời hoạt động trong lòng địch đã thu được một khối lượng tin khổng lồ, chính xác giúp Bộ Chính Trị , Quân ủy Trung ương có được cái nhìn toàn diện, để ra những quyết định chính xác “Khối lượng những tin tức tình báo đồ sộ bằng nguyên bản kèm theo những phân tích đánh giá sắc sảo mà Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp cho Tổng hành dinh kháng chiến trong suốt hơn 20 năm, không có bất cứ điệp viên nào ở bất cứ thời đại nào trên thế giới có thể làm nổi” như lời một nhà báo nhận định về ông.
Là một nhà tình báo chiến chiến lược tài năng ông được cấp trên, đồng nghiệp đánh giá rất cao, tổ quốc và nhân dân ghi công xứng đáng.
Trả lời phỏng vấn trên báo The New Yorker, Ông Mai Chí Thọ đã nói: "Lúc bấy giờ Đảng rất nghèo, nhưng chúng tôi nghĩ việc làm này có nhiều lợi ích. Phạm Xuân Ẩn là người đầu tiên chúng tôi gởi anh sang Mỹ để học biết cái văn hóa của những người thay thế Pháp làm kẻ thù của chúng tôi ... Phạm Xuân Ẩn là một người toàn hảo cho công tác này. Đó là một việc làm thành công lớn của chúng tôi... Phạm Xuân Ẩn có được những nguồn tin tốt nhất và được phép tiếp cận các thông tin mật. Sau chiến tranh, chúng tôi phong tướng cho Phạm Xuân Ẩn và danh hiệu Anh hùng Quân đội Nhân dân. Không cần phải nói thêm những chi tiết gì nữa, chỉ điều ấy thôi cũng đủ nói lên tầm quan trọng của những gì Phạm Xuân Ẩn đã làm cho quê hương của anh."
Phạm Xuân Ẩn ở Mỹ (1957-1959)
Tướng Nguyễn Đức Trí, nguyên thủ trưởng cơ quan tình báo Miền kể rằng khi nguyên bản toàn Bộ các kế hoạch về chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ được chuyển ra Hà Nội, TBT Lê Duẩn đã biểu dương cơ quan tình báo quân sự và coi đây là "chiến công có tầm cỡ quốc tế".
Con người, cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn cũng được chính nhiều “người phía bên kia” khâm phục.
Cựu chuyên viên thẩm vấn của CIA, tác giả cuốn sách Decentinterval ("Khoảng Cách Thích Đáng") nói về sự sụp đổ hỗn loạn của Sài Gòn năm 1975, nói: "Phạm Xuân Ẩn được quyền sử dụng tin tức tình báo chiến lược. Điều đó ai cũng thấy rõ. Nhưng không ai hoạt động âm thầm sau lưng chúng ta mà đã gây nhiều tác hại như Phạm Xuân Ẩn."
McCulloch từng là giám đốc các văn phòng của Time ở châu Á nói: "Tôi có căm giận Phạm Xuân Ẩn không sau khi tôi biết qua những hoạt động gián điệp của anh? Hẳn nhiên là không. Tôi nghĩViệt Nam là quê hương của anh. Nếu trường hợp đổi ngược lại, tôi cũng sẽ phải làm như anh mà thôi. Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp của tôi và là một phóng viên sáng giá. Phạm Xuân Ẩn có một sự hiểu biết tinh tường về hiện tình chính trị Việt Nam, và đáng chú ýlà những tin tức tài liệu của anh chính xác một cách lạ thường"
David Haberstam, tác giả của quyển sách Making of a Quagmire ("Một thế Sa lầy đang Thành hình") nói về Chiến tranh Việt Nam, một bạn thân của Phạm Xuân Ẩn tại báo Time, nhận xét: "Câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn nhắc lại tất cả những câu hỏi căn bản do Graham Green từng nêu ra trong tác phẩm “Người Mỹ Thầm lặng” (The Quiet American): Thế nào là sự trung thành? Thế nào là lòng yêu nước? Thế nào là sự thật? Anh là ai khi anh nói những sự thật ấy?" Và Halberstam kết luận: "Có hai mặt trong Phạm Xuân Ẩn mà chúng ta không thể hiểu được. Nhìn lui dĩ vãng, tôi thấy ông là một con người bị xé làm đôi ở phiá giữa."
Thomas A. Bass, báo The New Yorker, viết: "Ẩn là một người 'Việt Nam Thầm lặng', một mẫu người tiêu biểu với một lý tưởng cách mạng thuần thành. Anh thường nói anh không bao giờ dối ai, rằng anh cung cấp những bài phân tích chính trị cho báo Time mà anh đã gởi cho Bắc Việt. Anh là một người bị xẻ đôi có lòng trung chính cao độ, một người sống với sự giả dối nhưng lại nói toàn sự thật."
Còn người đứng đầu chế độ Sài Gòn đánh giá như thế nào về Phạm Xuân Ẩn? Ông ta thực sự bị nhà báo tài giỏi, nhà tình tình báo tài ba này đánh lừa, khi nói: "Phạm Xuân Ẩn là ký giả chống cộng số 1 của miền Nam".
Jean - Claude Pomonti trong cuốn sách "Một người Việt Nam trầm lặng (Un Vietnamien bien tranquille)" kể về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Phạm Xuân Ẩn: Tin ông Phạm Xuân Ẩn làm tình báo đã khiến khá nhiều quan chức CIA cao cấp phải hổ thẹn vì họ từng dựa trên những ý kiến của ông Ẩn để ra quyết định.
Tên tuổi Phạm Xuân Ẩn đã cùng với những tên khác như: Hoàng Minh Đạo, Vũ Ngọc Nhạ, Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Huỳng Văn Trọng … đã trở thành “huyền thoại”, mãi mãi là niềm tự hào của ngành tình báo quân sự Việt Nam. Các nhà báo Việt Nam cũng hãnh diện với người đồng nghiệp kính yêu của mình, nhà báo bậc thầy Phạm Xuân Ẩn. Xin kính cẩn ngiêng mình vĩnh biệt ông và tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.
@by txiuqw4