sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Kỳ 3: Câu Chuyện Về Kho Vàng

Xung quanh câu chuyện quan hệ với gia đình ông ĐàmY có nhiều uẩn khúc, liên quan đến những vấn đề riêng tư nhạy cảm của gia đình ông sau này. Đó là một bí mật, nhưng không phải là bí mật của ngành tình báo, mà là bí mật về số phận của những người thân của ông, có lẽ “người ngoài” không nên biết. Ông chỉ nói rằng , ông Đàm Y không có con trai, ông ta muốn lo mọi chuyện cho ông Ba Quốc để sau này ông Ba Quốc lo cho ông ta lúc tuổi già. Câu chuyện đó mang nhiều tình tiết hết sức tế nhị, nhưng đại khái là hai bên có một sự thỏa thuận... Trở lại chuyện rắc rối từ cơ quan công an Hà Nội. Mặc dù ông ĐàmY có nghi ngờ ông Ba Quốc là Việt Minh, nhưng ông ta vẫn can thiệp không cho Vũ Đình Lý ra lệnh bắt ông Ba Quốc. Vì vậy ông mới được yên ổn.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Địch tổ chức một đợt di cư ào ạt vào Nam. Ông được lệnh theo theo quân Pháp vào Nam tiếp tục hoạt động. Nhưng có một vấn đề gay cấn không biết làm sao giải quyết được. Đó là hồ sơ nghi vấn ông làm Việt Minh vẫn đang ở chỗ Vũ Đình Lý. Với hồ sơ đó, khi vào Nam chắc chắn ông sẽ bị bắt ngay. Chỉ có cách duy nhất là nhờ ông ĐàmY. Và ông Y đã giúp ông. Với thế lực của mình, ông Đàm Y đã nói với Bạch Văn Luy, là Chánh án tòa án tối cao lúc đó, rút toàn Bộ hồ sơ nghi vấn của ông ra khỏi cơ quan công an, chỉ để lại hồ sơ hành chánh. Và ông đã vào Nam với tư cách là người trong ngành công an của Pháp cùng một bản lý lịch hoàn toàn “trong sạch”, không dính đến Việt Minh.

Ông bảo, khi nhận nhiệm vụ làm tình báo quân sự, khi vào hậu phương của địch ông phải làm hai chức năng : Thứ nhất là báo tin tức về địch, thường xuyên và đột xuất. Thứ hai là “hành động cách mạng”, bằng cách : vô hiệu hóa âm mưu thủ đoạn của địch chống phá ta, phát hiện cán Bộ của ta làm tay sai cho địch và kích động, khai thác mâu thuẫn nội Bộ địch. Muốn làm được “hai chức năng” đó, phải “chui” thật sâu, “leo” thật cao vào các cơ quan cơ mật của đối phương. Đó là việc hoàn toàn không dễ chút nào. Ông nghĩ mãi chuyện đó trong đầu. Khi xuống Hải Phòng để lên tàu vào Nam, ông tìm cách làm quen với những người “có máu mặt”. Tình cờ ông gặp được một người Tây lai, đó là Ginard, Trưởng phòng nhì của Pháp. Anh ta nói với ông rằng anh ta biết người Pháp đang có kế hoạch chuyển một số vàng rất lớn về Pháp. Anh ta gợi ý: “Nếu ông quen ai có thế lực, tôi sẽ cho biết cụ thể về kế hoạch đó. Tôi muốn có tiền hoa hồng”. Thế là tự nhiên ông có được một “bửu bố i”.

Vào Sài Gòn, ông làm việc ở Nha Công an Nam phần, nhiệm vụ là làm kế toán. Tất nhiên ông không hài lòng với việc đó. “Làm kế toán thì không thể có điều kiện làm đại sự được”, ông nghĩ. Ông cố tìm cách làm sao có thể vào sâu các cơ quan cơ mật của địch. Và ông nhớ đến “vụ vàng” của Ginard. Để khai thác được vụ này, việc đầu tiên là phải tìm xem ở đây ai là người có thế lực nhất bên cạnh gia đình Ngô Đình Diệm. Qua nhiều người, ông biết người đó là Trần Kim Tuyến, là Trưởng ban công tác đặc biệt Phủ Tổng thống (Sở Nghiên cứu chính trị xã hội) . Nhưng tiếp cận với Trần Kim Tuyến không phải dễ. Ông lại phải tìm hiểu những ai là người thân của Trần Kim Tuyến. Biết được Kiều Văn Lân, chủ nhiệm báo Tự Do là bạn thân của Trần Kim Tuyến. Ông đến làm quen với ông Lân. Khi quen biết rồi, ông nói với ông Lân về “vụ vàng”. Và ông Lân báo ngay việc đó với Trần Kim Tuyến. Ngay ngày hôm sau, Trần Kim Tuyến gọi ông cùng ông Lân đến. Ông nhớ lại : “Sau khi nghe tôi nói chuyện này, bác sĩ Tuyến bảo tôi dẫn Ginard đến gặp ông ta. Tôi tới cư xá Pháp tìm Ginard và đưa Ginard đến gặp bác sĩ Tuyến. Kết quả là, sau khi nghe Ginard nói cụ thể , bác sĩ Tuyến báo cáo với Ngô Đình Nhu, rồi giao nhiệm vụ cho tôi cùng với Ginard tới Ngân hàng tìm hiểu và theo dõi xem bao giờ thì người Pháp chuyển vàng xuống tàu và vàng sẽ được chuyển như thế nào. Tôi mang theo 3 “đàn em” - những người người lính comando cũ, theo tôi từ Hà Nội, đó là Châu “gối”, Quạ “đen” và Thạch Sanh. Lúc đó lại xảy ra một sự cố...”.

Ông kể tiếp : “Trên đường đi tới Ngân hàng, tôi và 3 người của tôi đột nhiên bị bắt. Người bắt chúng tôi là đại úy Nguyễn Đức Xích, trưởng phòng nhì của Lữ đoàn an ninh Phủ Tổng thống. Người ra lệnh bắt là trung tá Lữ đoàn trưởng Lý Thái Như. Tôi bị giam ở một buồng trên lầu, còn 3 người của tôi bị giam ở dưới trại giam. Tôi rất phân vân, không hiểu vì sao mình bị bắt. Tôi đi làm việc cho Phủ Tổng thống mà bị người của Phủ Tổng thống bắt. Tôi nghĩ thế là hết rồi, chắc là địch đã phát hiện ra tung tích, tôi đã bị lộ...”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx