Anh còn nhớ cái lần đầu tiên gặp em kể từ ngày em vượt biên bất thành phải quay trở về không?
Hôm đó em nhìn thấy anh trước tiên. Anh đi với Đinh. Hai người vào chợ Ga làm gì đấy, chẳng hiểu sao lại lạc xuống hàng hương của em. Em đã rất muốn tránh. Nhưng cái bàn thì quá thấp, không thể chui xuống mà lấp được. Cũng lại quá cao, chẳng thể nhảy qua mà lánh về phía cuối chợ được. Đúng lúc đó thì Đinh nhìn thấy em. Đinh kéo tay anh, chỉ về nơi em đứng. Em nhận ra anh sững người lại. Lúc đầu anh hơi ngơ ngác. Rồi anh cười. Đó là nụ cười của một chàng trai đúng nghĩa chứ không còn là cái nhếch mép gượng gạo của một cậu thiếu niên nữa. Anh đi như chạy đến bên em. “Diệu! Diệu làm gì ở đây?”. Anh hỏi rồi anh lúng túng trước câu hỏi của mình. Anh nhìn cái bàn bày đầy các loại hương to nhỏ cùng vàng mã của em như có vẻ gì đó áy náy lắm. Rồi anh lại đặt một câu hỏi khác. Hình như anh hỏi em ra đây bán hàng lâu chưa thì phải. May mà Đinh nhảy qua cái bàn, đứng cạnh em, cầm mấy bó hương lên hỏi tía lia: “Dạo này em ra đứng chợ à? Có bán được không? Mẹ anh cũng bán hương ở cuối chợ kia kìa. Anh tưởng em chỉ ở nhà bán giao?”.
Vâng, cứ nói chuyện như anh Đinh thế có phải dễ cho em hơn không! Trước Đinh em trở về đúng là em hơn. Chứ trước anh, em thấy hồn mình cứ như đang lạc đi đâu ấy. Em bảo nhà em bây giờ chỉ còn mỗi mình bà nội làm hương thôi. Em không học nữa nên ra đây bán hương cho bà. Đinh bảo, anh nghe chuyện buồn của nhà em rồi. Thôi, cố gắng quên đi mà sống em ạ. Bọn anh ra trường rồi. Em còn học thì năm nay là cuối cấp. Lớp 10 là cái năm cuối cùng của phổ thông. Vui lắm. Mà thôi. Ra chợ buôn bán cũng được. Đi học thì mơ mộng thế thôi, rồi ai cũng phải ra đời mà kiếm sống hết em ạ.
Trong lúc Đinh nói chuyện với em, anh chỉ đứng nhìn em với một bộ mặt không biết là vui hay buồn, cảm thông hay xót xa, bồi hồi hay chán nản, thương hại hay coi thường. Em không dám nhìn thẳng vào anh. Em chỉ dám nói chuyện với Đinh và cố tỏ ra bình thường trước anh. Trông anh chững chạc ra nhiều. Đã hơn một năm rồi em mới lại gặp anh. Anh mặc bộ đồng phục màu cỏ úa, vừa vặn chứ không lụng thụng như hồi học phổ thông, nên trông anh to lớn lên rất nhiều. Nét học trò vẫn còn phảng phất trên gương mặt anh. Em hỏi các anh ra trường rồi, giờ làm gì? Anh Đinh bảo bọn anh đang học bên huyện Nguyên Dương. Em hỏi học cái gì? Đinh bảo học ngành công an. Em ngỡ là Đinh đùa em. Một kẻ đã từng vượt biên như em nghe thấy hai từ “công an” là khiếp lắm. Nhưng hóa ra anh học công an thật. Đinh lại nhảy qua bàn, trở lại bên anh, bảo: “Tao qua chỗ bà già xin ít tiền. Mày đứng đây chờ tao nhé”.
Đinh đi rồi, em mới dám nhìn trực diện vào anh. Anh bảo bên công an thành phố vào trường tuyển những học sinh cuối cấp, anh và Đinh trúng tuyển, được vào học ở trường nghiệp vụ của sở đóng bên huyện Nguyên Dương. Em chưa một lần sang huyện đó. “Nó cách xa thành phố hơn ba mươi cây số nhưng phải ở tập trung, không được về nhà đâu”, anh bảo vậy. Anh và Đinh sẽ học ở đó mười hai tháng. Các anh vào được ba tháng rồi, hôm nay vừa thi xong môn bắn súng, được nghỉ ba ngày, tranh thủ về nhà xin tiền và đồ ăn lên trường. Nói đến chuyện đó anh có vẻ ngại, đưa tay lên gãi đầu. Anh bảo đói lắm. Mà tập vất vả lắm. Lúc nào cũng thấy thiếu ngủ. Ăn bao nhiêu cũng không thấy no. Rồi anh hỏi em sao không học tiếp. Em lắc đầu: “Em không còn tâm trí đâu mà học nữa. Với lại em còn phải giúp bà bán hương kiếm sống”. Thì một buổi đi chợ, một buổi đi học cũng được mà. Em bảo: “Em có học giỏi như anh đâu mà bỏ thì tiếc”.
- Sao Diệu lại nghĩ thế. Có học có hơn. Còn một năm nữa thôi, không lấy được cái bằng cấp ba thì phí lắm.
Anh vẫn không thôi thuyết phục em. Nhìn mặt anh lúc ấy chân thành lắm. Em bảo cái cặp sách của buổi học cuối cùng mà anh đưa em về vẫn còn. Bà em để trên gác bếp ấy. Mạng nhện giăng và bụi phủ dày. Anh bảo thế thì về tìm lại sách vở đi. Còn thiếu sách gì anh sẽ kiếm cho. Sách của anh giữ tốt lắm, vẫn còn nguyên từ năm lớp 8 đến giờ.
- Nhưng chắc gì nhà trường đã cho em học lại.
- Thày hiệu trưởng quý anh lắm. Để anh đến gặp thày xin cho em học lại. Học bạ chắc nhà trường vẫn giữ...
- Nhưng mà...?
- Còn "nhưng" gì nữa?
- Sao anh lại tốt với em vậy?
“Sao anh lại tốt với em vậy?”. Chả hiểu sao em lại buột miệng nói với anh câu đó. Anh đỏ mặt. Em cũng thấy hai má mình nóng ran lên. Lẽ nào anh có cảm tình với em? Hay là anh thương hại em? Anh đã biết gì về hoàn cảnh gia đình em chưa? Anh có biết em trở về đây nhưng với một tâm hồn méo mó và một cơ thể thiếu nữ bị tàn phá nặng nề? Còn em thì từ lâu đã tự giết chết cảm xúc của mình rồi. Em không cho phép mình được nghĩ đến anh. Đã tưởng em chẳng còn biết lúng túng trước anh nữa, vì anh thuộc về một thế giới khác, em không bao giờ với tới. Sao hôm nay gặp lại, vẫn có gì đó chao nghiêng trong sâu thẳm lòng em thế này?
Không biết mặt anh sẽ còn đỏ bao lâu nữa nếu Đinh không quay lại. Đinh hồ hởi khoe: “Được ba chục mày ạ. Đủ sống rồi. Phải ra chợ mới xin được, về nhà có người này người kia, phức tạp lắm”. Em biết nhà anh Đinh không khá giả gì. Mẹ và bố dượng anh ấy vốn “rổ rá cạp lại” nên họ có cả con anh, con em, con chúng ta. Anh Đinh là con riêng của mẹ nên thường được mẹ dúi cho tiền tiêu vặt. Lần này Đinh rủ anh ra chợ cũng chỉ với mục đích ấy thôi. Nhưng lại tạo nên một cuộc gặp gỡ khó xử như thế này. Một cuộc gặp mà em không hề nghĩ đến. Và anh, chắc cũng không nghĩ đến.
“Về đi!”. Đinh hất hàm nói với anh vậy. Anh gật đầu. Đinh giơ tay về phía em: “Anh về Diệu nhé!”. Rồi Đinh quay lưng bỏ đi về phía cổng chợ. Anh tiến sát lại bàn, nói nhỏ với em: “Tối mai anh qua nhà Diệu chơi nhé. Anh được về ba ngày. Có gì sáng mai anh qua nhà thầy hiệu trưởng thăm thầy. Anh sẽ xin cho em học lại. Mọi chuyện khác hãy quên đi Diệu ạ. Anh biết tất cả những gì xảy ra với em rồi. Coi nó như một cái nạn nhỏ. Anh đi đây. Thế nhé!”
Thế nhé. Cái lời hẹn ấy đủ làm run rẩy bất cứ một con tim thiếu nữ nào. Em cũng không là ngoại lệ. Và em chờ đợi.
Nhưng nỗi đợi chờ ấy chưa qua khỏi một ngày đã tuột khỏi em. Ngay buổi chiều hôm sau thôi, khi em còn đang cố thả lỏng người mỗi khi nghĩ đến hai từ “Thế nhé!” ngọt ngào, thảng hoặc của anh thì bà em hớt hơ hớt hải chạy ra chợ gọi em về. “Con ơi, con về ngay. Có người ở trại mang tin của anh con về”. Em vội vã dọn hàng để về cùng với bà. Bà cứ vừa đi vừa lấy tay áo chấm mắt. Sao bà lại khóc, có tin của anh con thì phải mừng chứ? Mừng cái tổ cha mày. Con ơi là con. Nó chết xanh cỏ trong trại rồi. Hu, hu... Bà ngồi sụp xuống ôm mặt khóc. Em chạy lại đỡ bà dậy. Bà đang khóc thảm thiết là thế, bỗng bà đứng thẳng dậy, đi phăm phăm về phía trước. Em chạy theo sau bà, nghe thấy bà lẩm bấm: “Bà không khóc, bà không khóc nữa, con khổ nhiều quá rồi. Bà phải cứng rắn để con khỏi buồn...”. Sau này em mới hiểu bà thương em mà phải nhịn khóc. Bà là chỗ dựa cho em sống, nếu bà không gượng đứng lên như thế thì em còn biết tựa vào ai mà đi bên lề cuộc đời này?
Anh em chết vì ốm ở trong trại. Tin đã báo về rồi nhưng chả hiểu sao không đến được gia đình. Người bạn ở cùng phòng giam với anh trai em ra trại sau khi anh ấy chết được hai tháng. “Nó biết anh sắp ra nên dặn anh là mang cái vòng này về cho em. Chắc nó biết là không sống được lâu nữa. Bệnh đường ruột mà ở trong trại là dễ đi lắm. Sức nó lại yếu...”.
Em nghe mà không biết là mình sẽ phải bày tỏ cảm xúc như thế nào? Anh trai em có chết thì cũng khác gì sự vắng mặt của anh ấy suốt mấy năm qua? Tính cách anh ấy không để lại ấn tượng gì đặc biệt trong em kể từ hồi anh ấy còn ở nhà. Bây giờ anh ấy không tồn tại trên cõi đời này nữa, thì em vẫn nghĩ rằng anh ấy đang thực hiện một chuyến đi xa thôi. Còn cái vòng. Vòng gì vậy? “Vòng i nốc. Nó tự làm đấy. ở trại chả có gì ngoài mấy bộ quần áo cũ, có mỗi cái vòng này là quý giá nhất. Cũng là quý ở cái tình cảm thôi. Đeo nó, em nhớ là mình từng có một người anh trai...”. Bạn tù của anh trai em vẫn cứ nói về cái tình cảm xa vời nào đó từng hiện hữu trong gia đình em. Em cầm lấy cái vòng, xỏ vào tay, muốn khóc mà không khóc được, bỗng thấy thương bà quá. Em phải là chỗ dựa cho bà chứ? Em phải cứng rắn lên chứ. Em phải quên đi mình là con gái chứ. Em phải hội tụ trong mình đầy đủ tính cách của bố, của mẹ, của anh trai em để có thể lo được cho bà lúc tuổi già chứ. Em quay ra bảo với người vừa đưa cho em chiếc vòng: “Cảm ơn anh, chuyện anh trai em sẽ kể sau, bây giờ mời anh dùng cơm với hai bà cháu em”.
Bà đã tranh thủ từ lúc nào, lục tìm tấm ảnh chứng minh thư của anh trai em lồng vào góc khung bày lên bàn thờ, rồi làm bát cơm quả trứng đặt lên đó. Khói hương ngan ngát từ đó bay ra. Trong lúc em ngồi nói chuyện, bà lúi húi làm cơm. Em biết bà cũng đang mải lắng nghe chuyện về đứa cháu đích tôn của bà nhưng không dám lại gần. Bà muốn giấu đi đôi mắt đỏ hoe. Anh bạn tù của anh trai em tên là Hưng, biệt hiệu là Hưng mã. Nhìn Hưng mà em cứ mường tượng ra đó là anh trai em. Đầu cắt bốc, nham nhở, khuôn mặt gày gò, xanh xao, ánh mắt cụp xuống nhiều hơn là ngước lên, đôi môi thâm, hàm răng trắng, dáng người dong dỏng, giọng nói hơi khàn. Có một điều chắc chắn là anh Hưng này nói nhiều hơn anh trai em. Còn tại sao lại là Hưng mã thì anh ấy giải thích ngay rằng toàn thân anh ấy được xăm trổ rất kỳ công, đẹp như hàng mã.
Trước khi vào trại Hưng cũng lê la bến xe bến tàu như anh trai em. Hưng đi trại lần này là tăng hai, án trộm cắp. Hưng bảo anh trai em vẫn thường khoe với anh em trong phòng về cô em gái xinh đẹp, bản thân Hưng cũng háo hức muốn gặp mặt, và khi gặp rồi thì còn thấy đẹp hơn trong tưởng tượng. Đúng là tuổi trăng rằm, cái mặt lúc nào cũng tươi, nụ cười lúc nào cũng hé, giọng nói lúc nào cũng thanh, dáng đi thì mềm, làn da thì trắng, mái tóc thì dày, cái eo thì nhỏ... Lúc đầu em cũng hơi ngạc nhiên về khả năng ăn nói của Hưng. Sau này em mới nhận ra rằng Hưng nói rất hay. Hay như một thứ nước đường mà bất kỳ ai cũng có thể uống. Hưng chỉ học hành vài lớp thôi. Nhưng lại nói năng rất văn hoa. Chính em cũng đã có lúc mê mẩn thứ văn hoa sáo rỗng ấy. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn bây giờ, đài đã đọc xong chương trình Câu chuyện cảnh giác, em mới chợt nhớ ra là chưa hỏi xem nhà anh Hưng ở đâu?
- Anh không có nhà. Anh ở với ông chú từ khi còn bé. Sau lần đi trại đầu tiên về, ông ấy đã không nhận anh nữa. Cát bụi lại trở về với cát bụi thôi. Đời sinh ra anh thì đời sẽ nuôi anh. Hôm nay ngủ nhờ nhà em một đêm. Mai anh sẽ tìm lại đám bạn cũ. Chúng nó cũng đang mong anh về lắm...
Bà em nghe thấy thế vội đi sắp chỗ ngủ cho Hưng. Chắc bà đang tìm lại cảm giác được chăm sóc đứa cháu nội ngày nào. Ngồi trong nhà mãi, nóng nực quá, em và Hưng mang ghế ra ngoài cửa ngồi, vừa hóng gió vừa nói chuyện. Em không biết rằng nỗi đợi chờ của em đã vì thế mà tan biến nơi đầu ngõ. Em cũng giật mình chợt nhớ ra là anh hẹn đến nhà em vào tối nay. Thế mà gần mười giờ đêm rồi chả thấy anh đâu. Em ngồi ngoài cửa nói chuyện với Hưng mà cứ có ý ngóng anh. Hưng không hiểu điều đó, thỉnh thoảng thấy em không tập trung vào câu chuyện, anh ta lại hỏi: “Em buồn ngủ rồi à?”. Em cũng muốn đi ngủ lắm rồi. Nhưng em cố nán lại để chờ xem anh có đến không. Anh bảo anh được về có ba ngày thôi. Chiều mai anh lên trường rồi. Tối nay mà anh không đến thì chắc là anh sẽ không gặp em nữa. Hay là anh đến gặp thầy hiệu trưởng mà không xin được cho em nên anh ngại? Hay là anh chỉ nói cho vui vậy chứ em chả đáng để anh phải quan tâm? Hay là anh bận bịu công việc gì đấy ở nhà mà không thể đến được? Hay là anh ốm? Hay là anh ngại dây dưa với một con bé thuộc thành phần “có vấn đề” như nhà em?...
Hóa ra mọi suy đoán của em đều sai. Chính anh chàng Hưng “mã” chết tiệt kia đã cản bước chân anh bước vào nhà em. Anh đã cùng Đinh mang tin vui tới cho em, nhưng thấy có một thanh niên lạ trong nhà lại tưởng đối tượng nào đó đến tán tỉnh em. Anh bảo với Đinh: “Thôi đi ra đầu ngõ uống nước, tí nữa vào, Diệu đang tiếp khách”. Nhưng uống nước chán chê rồi, đến khi quay lại vẫn thấy em cùng thanh niên trẻ kia ngồi ngoài cửa như những đôi lứa đang tán tỉnh nhau. Anh Đinh cứ giục vào còn anh thì ngại ngần không muốn gặp em trước mặt người con trai kia. Sau này Đinh nói với em rằng, Đinh phát cáu với anh. Đinh bảo nếu không vào thì về. Anh lẳng lặng chở Đinh về. Sau đó anh đạp xe một mình quay trở lại ngõ nhà em. Đã muộn lắm rồi. Thế mà anh vẫn thấy em ngồi với người con trai lạ trước cửa nhà. Anh nghĩ rằng em đã chả coi cái tin vui mà anh mang đến ra gì cả. Em không chờ đợi sự có mặt của anh. Em đã thuộc về thế giới của chợ búa, của yêu đương lăng nhăng, của sự vào đời quá sớm chứ không còn thuộc về thế giới của sách vở, của học đường, của những khát vọng tuổi trẻ như anh. Anh cứ chần chừ ở đầu ngõ như thế rất lâu.
Rồi anh bỏ về.
Một tuần sau thì bà em nhận được giấy báo của trại giam. Họ thông báo cho gia đình biết anh trai em bị ốm chết, mời người nhà vào thăm phần mộ, nhận lại một số tư trang của “phạm nhân xấu số”. Đường xá xa xôi, lại nghe Hưng bảo tư trang của một thằng tù thì có gì đâu ngoài vài ba bộ quần áo cũ, thế là bà cháu em không ai vào. Bà bảo, nhà mình bây giờ đang túng quá, có bao nhiêu dồn cả cho bố mẹ mày đi rồi, thôi để nó nằm đấy vài năm, bà tích cóp được ít tiền rồi sẽ vào đưa cốt nó về quê cho nó nằm với các cụ nhà mình.
Em không có ý kiến gì. Nếu nghĩ đến cái gọi là nắm xương tàn của người thân thì em nghĩ nhiều đến hai nắm xương của bố mẹ em giữa biển cả bao la kia hơn. Mà em cũng không còn đầu óc đâu để nghĩ về bổn phận của người sống với người chết nữa anh ạ. Cuộc đời đã lại bắt em phải đối mặt với rất nhiều những điều phức tạp khác. Em dùng từ “phức tạp” là hơi kiểu cách. Phải nói là “khốn nạn” mới đúng. Và chẳng hiểu sao, cứ trước một sự cố của đời em, thì anh xuất hiện. Anh luôn là hiện thân của sự cứu vớt muộn mằn. Vì số phận em trớ trêu? Vì ông trời trêu ngươi? Hay vì kiếp này em không có duyên với anh? Em không biết. Em không lý giải được. Chỉ biết rằng một cái tát của số phận nữa đã lại giáng xuống người em.
Sau cái đêm chờ đợi anh một cách vô vọng ấy, em ra chợ bán hương, nhưng đó là buổi đi chợ lương thiện cuối cùng của em, để rồi sau đó em có tên là Hương "Ga".
Và anh chính là người đã âm thầm chứng kiến cái sự thay tên đổi hiệu, mở đầu cho một phần đời khác ấy của em.
Anh còn nhớ không?
@by txiuqw4