Vậy là em đi lấy chồng.
Bà nội bảo, đời con gái cũng cần một lần được hỏi cưới cho đỡ tủi. Tất cả những gì Hưng chỉ nói được mà không làm được thì sau khi gặp Tùng, em đã được nhận đầy đủ.
Đám ăn hỏi em có lẽ là đám to nhất ở cái xóm Đường Tàu này. Mười một xích lô rồng rắn chở mười một thanh niên bê vác cơ man nào là đồ lễ. Sau này đi ra ngoài, đến các tỉnh thành khác, em được nghe nhiều người nói rằng không ở đâu có cái kiểu cưới hỏi ngông cuồng như ở thành phố quê mình. Riêng cái khoản lợn thôi, không phải là một cái đầu, cũng không phải là con lợn sữa vài cân nằm lọt thỏm trong chiếc mâm đồng, mà phải là con lợn tạ quay vàng, nằm chồm hỗm trên một phản gỗ dài hết cả chiếc xích lô. Hoặc bánh ga tô thì phải ba tầng, đường kính tầng đế rộng cả mét, mặt giữa tầng trên cùng đắp kem hình một đôi trai gái đang ôm nhau nhảy múa. Hay như xôi vò cũng vậy, cả một núi gạo dẻo trộn lẫn với đỗ xanh, hạt sen, vun khéo trên một chiếc mâm đồng, lại trồng trên nóc một con gà sống thiến mỏ ngậm hoa hồng.
Và pháo nổ rượu nồng.
Và Tùng xúng xính trong bộ comlê màu vàng sậm.
Và em phổng phao, hơn hớn trong chiếc áo dài trắng thêu bông thược dược.
Để rồi bảy ngày sau đó, hơn hai chục chiếc xe máy xanh đỏ đến rước em đi.
Một đám cưới khách toàn đầu đinh và đeo kính màu.
Một đám cưới chỉ hút duy nhất một loại thuốc lá hê rô.
Một đám cưới có cả dao găm, súng lục được mang theo trong đoàn người phù dâu, phù rể.
Bà cười móm ma móm mém. Em thì hơi có một chút lưu luyến. Bà bảo, tiên sư bố cô, có chết mà được một lần người ta đến đón rước thế cũng đáng. Thôi nào, ra xe mà về với người ta đi. Từ nay đêm hôm bà không phải lo ngay ngáy nữa.
Đoàn xe dâu vòng vèo chạy qua những con ngõ nhỏ của xóm Đường Tàu trong ánh nhìn ngạc nhiên của không ít người. Đó cũng là đoàn xe sặc sỡ, hoành tráng và hợm hĩnh nhất thời bấy giờ. Những chiếc cúp đèn tròn, đèn vuông, yên liền, yên rời, số tròn số dẹt biểu tượng giàu có của một thời nối đuôi nhau nổ bành bạch, xì khói trắng, bốc mùi khét lẹt đưa em ra khỏi xóm nghèo.
Rồi đoàn xe dâu ấy chầm chầm tiến qua khu phố ga. Em thoáng nhìn thấy Hưng đang níu kéo một người đàn ông hói đầu ở cổng ga. Mồm miệng Hưng tía lia. Tay chân Hưng chỉ chỏ, ra hiệu. chắc đang gạ gẫm bán một món đồ trộm cắp nào đó mới kiếm được đêm qua. Em kịp nhìn thấy chân Hưng vẫn đi đôi giày thể thao mà em đã để ngay ngắn dưới gầm giường vào cái hôm Tuấn chợ bị tàu kẹp chết. Tự nhiên lúc ấy em thấy mình ngu quá. Một người như thế mà em lại có thể yêu đương, dâng hiến, chờ đợi, khát khao, bảo bọc thì chỉ có ma xui quỷ khiến em mới làm thế thôi. Lúc ấy em cũng thoáng nghĩ đến anh. Mỗi khi nhìn thấy anh Đinh là em không thể không nghĩ đến anh. Anh Đinh hôm ấy không đưa dâu. Anh ấy đứng ở cửa nhà em, nhìn đoàn xe dâu đi xa rồi lặng lẽ lên xe đạp, đạp về cơ quan. Lúc ấy anh ở đâu? Có bao giờ, vào một lúc nào đó, trong anh xuất hiện ý nghĩ rằng, em lên xe hoa thì như thế nào và mặc quần áo cô dâu thì sẽ ra sao không? Chắc anh chả nghĩ gì đâu anh nhỉ. Thời điểm đó anh cũng đã có người yêu rồi. Bởi vì sau khi em lấy chồng một thời gian thì anh cũng lấy vợ. Anh có yêu vợ anh không? Liệu có bao giờ anh nói với vợ anh rằng, anh từng ôm con bé Hương Ga nhảy qua mũi tàu hỏa không?
Sau này em cũng đã hỏi Tùng rằng, tại sao Tùng lại yêu em? Tùng cắn vào môi em, ngặm bầu vú em, một tay ôm lấy eo em, một tay đỡ dưới gáy em, trong tư thế nghiêng nghiêng chồng vợ như thế, bảo rằng, thì ở trong trại, nghe thằng Châu nói về em như một bà tiên ấy. Chả hiểu sao anh nghĩ là anh sẽ rất thích em nếu gặp. Trong phòng giam mà tưởng tượng về một cái gì đó tốt đẹp thì có thêm cớ để mà sống. Và anh đã sống để gặp em.
“Chứ không phải suýt chết vì ỉa chảy?”.
Tùng cốc nhẹ lên đầu em. Rồi Tùng nằm ngửa ra, thở mạnh, khuôn mặt trở nên trầm ngâm, ừ, khủng khiếp thật, nếu thằng Châu không kiếm thuốc cho thì chắc chết. Năm đó đã là năm thứ chín rồi. Chín năm trong tù thì sự sống cũng chả còn được bao nhiêu. May mà được ra sớm, chứ lĩnh đủ mười bốn năm thì không còn thiết sống nữa.
“Thế tại sao lại giết người ta?”
Tùng không trả lời. Em cũng chỉ hỏi để mà hỏi. Em không cần câu trả lời. Cũng như anh trai em vậy, anh ấy sẽ không bao giờ nói là vì sao anh ấy lại giết người cả. Vì nói ra thì nó vô lý lắm. Cái lúc ấy cần phải đánh thì đánh, cần phải chém thì chém, và nếu ai đó có phải chết thì chết. Như một cái lẽ tự nhiên vậy thôi. Tùng vẫn nằm ngửa ra giường, dang chân dang tay, buông lỏng toàn thân, mắt nhìn lên trần nhà, thở mạnh. Em chưa thấy ai có lối thở như của Tùng cả. Không phải thở dài, không phải thở hắt ra, cũng không phải thở nén, thở đều, thở đứt hơi, mà là thở mạnh, thở như đưa cả nỗi niềm trong người quảng ra khỏi lỗ mũi vậy. Cái gì ở Tùng cũng quá khổ. Nhìn vào đâu trên người Tùng cũng thấy xương xẩu. Chân tay nghêu ngao. Đi đứng lòng khòng. Đến dáng nằm cũng có vẻ vướng víu. Và tiếng thở thì như hắt cả khối ẩn ức vào lòng em vậy.
Em leo lên người Tùng. Em nằm sấp lên bụng và ngực Tùng. Em rất thích được nằm trên người Tùng như thế. Em thường ngóc đầu dậy ngắm nhìn khuôn mặt gồ ghề, xương xẩu của Tùng. Em muốn sờ nắn những vết sẹo dọc ngang trên cơ thể Tùng, muốn dò hỏi những tháng năm cầu bơ cầu bất, vỉa hè bãi chợ, ra tù vào trại của Tùng. Tùng vật em xuống, kẹp chặt em trong hai đùi. Tùng thường đưa cái của anh ấy vào trong em từ phía sau hoặc từ dưới lên. Ngay cả những lúc quỳ trước em, đổ bóng lên người em, dồn dập vào ra trong em, em vẫn cảm nhận được sự gượng nhẹ từ Tùng. Tùng sợ cái khung người quá khổ sẽ đè bẹp em, nghiến nát em, tổn thương em. Tùng dẻo dai nhưng không mạnh bạo. Sự đều đặn của Tùng như mồi lửa kiên nhẫn đưa vào khối nước đá trong em làm chúng tan chảy. Sự tan chảy ấy trở thành thác lũ quay lại cuốn phăng Tùng đi.
Em thường nhìn thấy những vết sẹo của Tùng nhảy múa khi cơn khoái cảm trong em rừng rực cháy. Có những vết thâm đen, có những vết đỏ bầm, có những vết trắng nhợt, có những vết hằn dấu chỉ khâu. Em cuồng lên trước những vết sẹo ấy. Em ôm hôn chúng, nâng niu chúng, liếm láp chúng, mê mải tung hứng chúng trên da thịt mình. Có lần em đang ôm ấp chúng thì Tùng bảo em dừng lại. Có tiếng Tính dao mổ tặc lưỡi ngoài cửa phòng. Tùng khẽ mặc quần áo vào rồi đi ra ngoài, nhẹ như một con mèo. Em nằm chờ mãi. Rồi em ngủ lúc nào không biết. Em tỉnh dậy khi thấy Tùng đang nằm bên cạnh và khẽ đưa vào trong em trong tư thế nghiêng nửa người. Em tận hưởng cho đến khi nhận ra cái rùng mình của Tùng mới thôi. Và em chìm vào giấc ngủ vùi. Khi tỉnh dậy em giật mình thấy máu vương trên tóc mình. Máu dính cả ra chăn chiếu, khô bết lại. Em tưởng đó là thứ huyết đàn bà lỡ quên ngày chẳng may vương ra. Nhưng không phải. Em quay sang Tùng. Anh ấy vẫn đang nằm ngủ, hai mắt nhắm nghiền. Em nhận ra một bên cánh tay của Tùng bị băng bó. Lớp băng tạm bợ, xô lệch, đông cứng máu khô. Máu đã từ đó mà thấm sang người em, loang ra khắp giường trong cơn ái ân mê man đêm qua. Em vội ôm lấy Tùng, hôn lên cặp mày rậm, hôn lên cánh mũi gồ ghề chạy xuống chiếc miệng rộng, hôn lên chiếc cằm lún phún râu. Rồi em sờ nắn khắp cơ thể anh ấy, như đang tìm kiếm vết đau trên da thịt mình vậy. Tùng khẽ mở mắt, rồi nằm im cảm nhận những va chạm trìu mến của em. Em dỡ băng ra thay rửa cho Tùng. Mắt Tùng lim dim, thỉnh thoảng lại khẽ nhăn mặt vì đau.
- Sao lại thế này?
- Bọn nó quây thằng Châu. Một mình thằng Tính không dám vào. Anh phải vào. Xong việc, tưởng không sao. Về đến gần nhà mới thấy máu ra nhiều...
- Vết chém hơi sâu. Có cần phải khâu không?
- Không sao đâu. Da thịt anh lành mà.
Em chỉ nhớ là trong em lúc đó dâng lên cảm giác xót xa. Giá có thể làm điều gì đó cho vết thương của Tùng lành lại. Giá có thể làm điều gì đó cho những vết sẹo trên người Tùng tan biến đi. Giá có thể làm điều gì đó để xóa sạch những thương tích hằn trên da thịt Tùng. Giá có thể... ôi, em cứ cầu mong những điều viển vông thôi. Em chỉ muốn nói rằng, nếu san sẻ bớt những đau đớn mà Tùng phải chịu đựng, em sẵn sàng nhận về mình những vết cắt cứa kia.
- Tay đau như thế mà đêm qua về vẫn còn cố...
- Anh sợ em phải nằm chờ lâu. Anh muốn mọi việc bình thường, như không có gì xảy ra.
- Máu rây đây ra người ta đây này...
- Thế à? Để anh lau cho em nhé. Ái chà. Bây giờ mới thấy đau. Em cho thuốc gì vào thế?
Em đã có một cuộc sống chồng vợ như thế đấy. Em thường xuyên phải xức thuốc cho Tùng. Nhiều lúc nhìn những vết thương trên người Tùng mà em xót xa đau đớn như chính mình bị đâm chém vậy. Sao đao búa lại cứ nhằm vào cái thể xác kia mà giáng xuống thế? Ai nặn ra xương thịt này để bao nhiêu cái đau cứ tìm đến mà dày vò thế?
Hôm vợ Tính đi cũng là một hôm hãi hùng trong em. Từ lúc máy bay cất cánh em đã thấy Tính trở nên lầm lì. Đêm đó Tính chán đời, uống rượu say mèm rồi hai tay hai dao đến cướp sòng bạc của Cộc ba tai. Nhiều người ngăn không được. Tùng hay tin vội cùng Châu phi xe đến. Cuộc loạn đả đã diễn ra. Cũng may là Tính chưa bị xiên phát nào. Em vẫn nằm trong căn phòng này. vẫn chờ đợi Tùng “đi ra ngoài một tí rồi về” như bao lần. Và chỉ một tí thôi. Đủ để đánh tháo được Tính ra khỏi cuộc hỗn chiến đẫm máu ấy. Đủ để Tính được đưa về nhà trong trạng thái ngất ngư, đặt mình xuống giường là lăn ra ngủ như chết. Đủ để Tùng lê bước về đến phòng ngủ với em thì ngã lăn ra bất tỉnh. Một nhát xiên rất ngọt. Ngay ổ bụng dưới. Em vội kéo Tùng lên giường. Vạt áo chỉ rách một lỗ rất nhỏ. Trong lúc đánh nhau Tùng đã không để ý đến nhát đâm này. Máu rỉ ra, chảy xuống cạp quần. Em lấy dao cắt tung quần của Tùng ra. Em lần theo vết máu xem còn vết thương nào không. Em thấy Tùng lả đi, mặt trắng bệch. Một mình em vần Tùng đến phát mệt. Như một cái xác không hồn. Nặng khủng khiếp. Em gọi xe cấp cứu và tìm người đưa Tùng đi viện.
Khi đã yên tâm rằng Tùng không thể chết, em trở về căn phòng của mình với nỗi chán chường, hoang hoải. Em mệt mỏi lắm rồi nhưng em vẫn không được ngả mình xuống chiếc giường kia mà nghỉ ngơi. Nhìn đâu cũng thấy màu đỏ nhức nhối. Tới góc nào cũng hít phải mùi tanh lợm giọng. Em giơ tay tắt điện đi, muốn ngồi một mình trong bóng tối để không phải nhìn thấy gì cả. Đêm bao quanh căn phòng. Đêm chụp lên em sự đọa đầy đen tuyền khủng khiếp. Em không chịu nổi. Em lại bật đèn lên. Rồi em hì hụi lau những vệt máu loang lổ dưới nền nhà. Lau mãi không thấy hết. Máu còn dính đầy nơi thành giường, chỗ bậu cửa, trên chăn gối, trên cả tóc tai, mặt mũi, quần áo của em nữa. Em cứ lau, cứ chùi, cứ rửa, cho đến khi nằm vật ra và thiếp đi.
Em chợt nhận ra rằng, phòng ngủ của em quá nhiều máu, cứ thế này thì chả khác gì căn phòng của một cặp vợ chồng đồ tể. Có phải vì thế mà em khó có thai, khó giữ nổi trong bụng mình hình hài một con người? Người ta bảo các linh hồn khi tìm cửa để đậu vào thường tránh những nơi có máu người. Em cũng sợ máu, sợ lắm, nhưng sao máu lại cứ ám vào đời em thế hả anh? Cái giá để trở thành một đại ca như Tùng phải trả bằng nhiều máu quá. Máu ấy sau bao nhiêu năm mới biến thành khu đất ở đường bao để trên đó mọc lên một nhà hàng Sóng Biển khang trang, rộng lớn?! Máu ấy sau bao nhiêu lần vương vãi mới đưa Tùng bước lên hàng vương bá trong giới giang hồ?! Máu ấy gọi thêm bao nhiêu máu nữa mới đủ để Tùng phải chết trong máu vào một cái ngày định mệnh nào đó trong đời?!
Từ ngày em đi lấy chồng, Đinh ít gặp em hơn. Có một lần Đinh gọi điện cho em, bảo rằng mẹ anh vừa bị ngã gãy tay, anh lại đang đi học, không có ai chăm bà cụ cả, em có muốn đi thăm không? Em hẹn Đinh đứng chờ ở cổng cơ quan, em chạy xe qua đó đón. Em biết là mẹ anh bị huyết áp thấp. Từ ngày bố anh mất, sức khỏe mẹ anh sa sút đi nhiều. Anh Đinh bảo với em rằng bố mẹ anh lấy nhau muộn, nên con cái chưa kịp trưởng thành mà các cụ đều đã già. Em tưởng anh là con một, nhưng Đinh bảo, anh còn có một người anh nữa, đi bộ đội và hy sinh ở bên Campuchia. Nhiều lúc anh cũng muốn lấy vợ để mẹ anh có người nhờ cậy nhưng anh cứ học hành suốt nên chưa cưới được. Hôm qua mẹ anh ngã mà không ai biết. Anh ở trên trường thấy nóng ruột mới điện cho Đinh. Khi Đinh đến thì mẹ anh đã tự mình leo được lên giường, nằm thiếp đi. Đinh đưa cụ vào viện và hôm sau rủ em đến thăm.
Đinh đưa em đến khoa chấn thương, dẫn em tới trước cửa phòng mẹ anh. Em thấy khuôn mặt Đinh có vẻ suy tư rất lạ. Với em, Đinh ít có thái độ này. Lúc em đi ra hành lang vứt rác, Đinh chạy theo kéo tay em, bảo: “Ba ngày tới anh đi công tác, em cố gắng chạy ra chạy vào viện trông nom bà cụ giúp anh được không?”. Em hỏi Đinh: “Sao anh không báo cho anh Nhân để anh ấy xin về chăm mẹ?”. Đinh bảo: “Nó đang thi, anh hứa với nó rồi, muốn để nó yên tâm thi cho xong. Vì anh có việc đột xuất nên mới phải nhờ em”.
Ba ngày ấy em trở thành bạn gái của anh Đinh. Mẹ anh cứ khen em khéo, khen anh Đinh là “có cô bạn gái nhanh nhẹn quá cơ”. Em chả biết nói thế nào. Em không muốn đóng vai kịch này. Thực lòng em chỉ mong mẹ anh chóng khỏi hoặc anh Đinh mau về. Mẹ anh bị bó bột ở tay, sinh hoạt hơi bất tiện một chút, nhưng nhìn chung sức khỏe cụ không đến nỗi nào. Nhắc đến anh, bà cụ có vẻ ngậm ngùi. “Chả biết đến bao giờ thằng Nhân nhà bác mới có bạn gái?”. Em nhớ là mẹ anh nói câu này không chỉ một lần.
Đến ngày thứ ba thì anh về. Khi ấy em đang ngồi ở hành lang nhìn ngắm bâng quơ. Chợt trông thấy anh đang ngơ ngác từ ngoài cổng đi vào. Em vội chào mẹ anh rồi chạy lên khu nhà nằm ở phía trước khoa chấn thương. Em đứng ở đầu hồi nhà bí mật quan sát anh. Anh vừa đi vừa hỏi phòng. Em chờ cho đến khi anh bước vào đúng căn phòng có mẹ anh rồi em mới về. Những ngày sau đó em cứ chờ điện thoại của Đinh mãi mà không thấy. Chả biết bà cụ sẽ được anh thu xếp chữa trị và bố trí người chăm nom như thế nào? Tất nhiên anh đã về rồi thì em không cần phải lo gì nữa. Em chỉ tò mò về cuộc sống của anh và bà cụ thôi. Nhưng cả chục ngày sau đó em không nhận được tin tức gì của Đinh. Mãi đến khi vô tình gặp mẹ Đinh ở cổng chợ, em mới biết là Đinh đã bị bắt vì dính líu vào một vụ buôn lậu nào đó. Giọng mẹ Đinh thật thiểu não: “Thế là hết rồi cháu ạ. Nghe nói người ta đang xử lý. Nếu nặng thì phải đi tù, còn nhẹ thì cũng phải ra khỏi ngành”.
Em đón nhận thông tin ấy bằng một thái độ rất bàng quan. Em có cảm giác Đinh sinh ra không phải để làm công an. Đinh là con người thực tế, ham vui, ham chơi, ham giàu, ham nhiều thứ trên đời. Đinh phóng khoáng và thích tự do. Đinh cũng có máu yêng hùng. Lần thứ hai bị kỷ luật nhưng số Đinh vẫn còn may mắn chán. Người ta chỉ cho Đinh ra khỏi ngành thôi chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau này Đinh thú nhận với em rằng ba ngày Đinh đi công tác ấy chính là đi áp tải hàng lậu từ biên giới về. Cứ tưởng với bộ cảnh phục trên người thì chuyến hàng ấy sẽ trót lọt. Ai ngờ người ta đã giăng lưới chờ sẵn từ lâu rồi. Em bảo: “Nếu anh Nhân không về thì em chả biết làm thế nào với bà cụ”. Đinh hỏi em: “Sao hôm ấy không gặp Nhân?”. Em không trả lời được. Gặp để làm gì? Em biết nói gì với anh? Anh sẽ nói gì với em? Chúng ta biết nói gì với nhau? Thì em đã bảo là anh và em như hai đường ray tàu mà, cứ chạy về phía trước nhưng chẳng thể nào gặp được nhau.
Năm sau em nghe tin anh về nhận công tác ở đội trọng án của sở. Rồi lại hay tin anh lấy vợ, sinh được một cậu con trai. Người như anh đúng là sinh ra để hưởng những điều tốt lành. Em mừng cho anh. Và em mong một ngày nào đó em cũng được hạnh phúc như anh.
@by txiuqw4