Khi thức giấc Cúc hé mắt nhìn thì thấy bà già Rát-Gia đang ngồi lúi húi đun sôi sùng sục một chất lỏng gì màu nâu sậm. En lo ngại tự nhủ:
- Chẳng biết hôm nay mình có dịp trốn thoát được không đây? Bà già này liệu có đưa mình đi chăng? Hay cứ ở lì lại đây mãi thì nguy quá. Biết đến ngày nào…?
Nhưng sau đó, Cúc lại được yên tâm ngay khi ngó thấy tấm xiêm bằng lụa vàng, vòng hoa hồng treo sẵn trên một chiếc sào dài. Mụ Rát-Gia ăn mặc tươm tất khác hẳn ngày thường, lừ lừ tiến đến trước mặt em, tay bưng cái tô nhỏ đựng chất nước màu nâu hồi nãy:
- Người Kinh, da trắng lắm, không được phép leo cầu vồng. Vì thế, già phải nhuộm da của cháu đi cho giống hệt người Thượng mới được.
Cúc im lặng, để mặc bà già muốn làm gì thì làm. Em không có một cử chỉ hay lời nói nào để phải đối. Mụ Rát-Gia nhúng một miếng sơ dừa vào bát thuốc nhuộm rồi quét lên mặt, lên chân tay cô bé cái chất nước màu nâu nhơn nhớt nồng nặc mùi nghệ và mùi gì nữa mà Cúc không thể xác định được. Mấy phút sau, em đã biến khác hẳn, không còn là cô gái út xinh tươi của ông chủ mía Ngọc-San nữa, mà là một cô nhỏ người Thượng, nét mặt ngây ngô, chỉ có tia nhìn của đôi mắt là còn long lanh sáng.
Giờ đây chỉ còn việc thắng bộ xiêm vàng vào, choàng lên đầu vòng hoa hồng nữa là xong. Bước ra khỏi căn lều, phải đưa mắt tìm phương hướng thuận tiện để trốn thoát mới được. Ðang hân hoan với những ý nghĩ đó, Cúc bỗng giật thót mình: Mụ Rát-Gia lại bước tới, chìa vào mặt em một cái tô khác nhỏ hơn:
- Này cháu gái! Uống thuốc bổ cho khỏe này! Lẹ lên! Rồi già dẫn cháu gái lên đồi cỏ cháy lễ tạ thần linh! Mau lên!
Cô bé thản nhiên cầm bát nước. Hơi thuốc đắng chát, tê đầu lưỡi khiến Cúc nhăn mặt. Nhưng em quyết định sẽ chiều theo ý bà già để có dịp chạy trốn.
Chất nước khó uống vừa trôi qua ống thực quản, cô bé chợt cảm thấy đôi mắt mờ hẳn đi, đồng thời, trí óc mê mụi một cách kỳ dị, tưởng chừng như thân xác mình đang lơ lửng bay bay trên chín tầng mây trắng. Nhưng, trong giây phút mơ màng nửa tỉnh nửa mê đó, Cúc cũng vẫn nghe rõ rệt tiếng vó ngựa và rõ ràng có người cởi trói chân tay cho mình. Tuy rất lờ mờ không rõ rệt, Cúc vẫn hiểu được rằng người ta sửa soạn, chải đầu tóc, mặc xiêm mới, choàng vòng hoa lên đầu cho êm để đưa đi lễ tạ thần linh. Chưa đầy năm phút sau, thần trí và thể xác cô bé chợt nhẹ bổng như sợi tơ trời theo gió bay vào cõi mênh mông vô tận.
Cúc đã mê hẳn đi rồi…
Khi em giật mình thức tỉnh, đôi mắt mở thao láo, bốn phía đã đông nghẹt những người. Thanh niên thiếu nữ người Thượng đông vô kể, người nào người nấy đều quấn vòng hoa trên đầu, đứng im phăng phắc. Hơi thở họ cũng nhẹ hẳn đi, mắt người lên tầng không cao vút như hướng về một vị thần thiêng liêng nào đó. Bên tai, tiếng trống đồng bập bung, tiếng kèn lau rền rĩ hòa âm, đồng tấu một nhạc khúc dị kỳ.
Cô bé lại ngất đi, không biết gì nữa. Cúc không nghe cả tiếng ồn ào phía xa xa, không nghe cả tiếng mụ Rát-Gia đang vừa gọi vừa đập thật mạnh vào tay em để đánh thức.
Cuộc lễ thần bắt đầu. Theo tập tục, tạ thần linh bao giờ cũng được tổ chức trước khi mặt trời ló dạng. Trước cửa ngôi đền thờ rêu phong cỏ mọc có tới hai chục bậc thềm đá, một cái cầu tre được bắc qua con suối rộng chừng năm thước. Nói là cầu để cho có cái tên gọi mà thôi. Thực ra, đó chỉ là một cây tre lớn, thẳng tap, vỏ còn xanh nguyên, bắc từ bờ bên này qua bờ bên kia suối. Cây cầu gối đầu lên hai bờ cỏ non xanh êm, không có tay vịn gì hết ngoài một sợi dây bằng mây rừng giăng ngang, cao hơn mặt cây tre chừng một thước. Mỗi cơn gió thổi, sợi mây lại trao trao như võng đưa trông rùng rợn vô cùng. Mực nước suối không sâu nhưng chẩy xiết, bọt tung trắng xóa.
Ðối diện với sân đền bên kia bờ suối, đám người tụ tập đông đảo, hầu hết là đồng bào Thượng sùng bái thần linh, lẫn lộn khoảng gần hai chục người Kinh, những chủ nhân hoặc người nhà, con cháu các nhà doanh điền trong vùng, hiếu kỳ đến dự kiến. Mọi người hồi hộp đợi chờ. Nhất là mấy đồng bào Kinh. Họ băn khoăn tự hỏi: ’’Cây cầu chênh vênh, bất trắc thế kia, lại bôi đất sét ướt, trơn trợt như đổ mỡ, làm cách nào đám tín đồ này đi qua cho nổi. Nhất là những thiếu nữ xiêm vàng lướt thướt, cứ đi trên mặt đất bằng phẳng rộng rãi cũng đã đủ vướng rồi, huống hồ lại leo cầu vồng. Ngã tòm xuống suối là một điều chắc chắn. Tuy không đến nỗi chết đuối nhưng nhất định là sẽ bị uống nước no. Và gẫy chân, trẹo tay khi đụng phải đá ngầm dưới lòng suối là một điều chưa ai biết thế nào mà nói trước.
Các tín đồ được vinh dự leo cầu vồng tại đồi cỏ cháy hết thẩy đều đã phải niệm kinh, ăn kiêng cữ, dùng toàn cơm lạt, nghĩa là phải rất thanh tịnh mới được bước lên cầu.
Giờ đây, họ đang sắp một hàng dọc diễn hành chung quanh một cây đa cổ thụ ở bên kia bờ suối, mắt đăm đăm hướng về đầu cầu bên này, nơi tọa lạc đền thờ thần linh. Kẻ thì sắc diện ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất hồn, có cô thiếu nữ lại lộ vẻ sợ hãi, chân tay run rẩy như mắc chứng kinh phong.
Cuộc diễn hành kéo dài chừng nửa tiếng đồng hồ mới chấm dứt, theo hiệu lệnh bằng tiếng phèn la của ông chủ lễ. Ông chủ lễ là một nhân vật đã có tuổi, không phải người niên trưởng trong thôn bản, nhưng tư cách, tác phong cũng như dáng điệu, cử chỉ có vẻ như một ông thầy phù thủy, một ông thủ từ chuyên trông coi đền đài miếu mạo trong khu vực.
Khai mạc cuộc lễ tạ leo cầu vồng vinh dự ấy bao giờ cũng dành phần ông? Hai cẳng chân ông thầy khẳng khiu gầy guộc nhưng nhanh nhẹn vô cùng. Ông nhẹ nhàng bước trên cây tre trơn trượt, đôi mắt nhìn thẳng đền thờ, nhãn quang hiện rõ vẻ sùng kính tôn nghiêm như được thần linh phò hộ, đặt bàn chân thật chính xác, thật vững vàng trên cây tre, đạt chân xuống đất liền, tiến tới chân bậc đá, quỳ gối lễ tạ.
Thế rồi, thanh niên, thiếu nữ, ai nấy đều noi gương ông thủ từ làm lễ leo cầu vồng. Phái nam được đi trước. Năm sáu người, nét mặt rạng rỡ, đôi mắt long lanh hướng về ngôi đền cổ, thỉnh thoảng mới liếc thật nhanh ngó xuống cây tre. Họ thành công giữa sự kính phục hầu như nín cả hơi thở của đám người đứng dự kiến. Có người trổ tài, khi leo cầu vồng, lại đặt lên vai hai đứa con nít mà bước đi vẫn dễ dàng tới đích giữa tiếng hoan hô thích thú của mọi người.
Chợt có tiếng xì xào mỗi lúc một lớn. Một ứng viên tín đồ, chắc hẳn không tập dượt, không ăn chay niệm kinh, chuẩn bị đầy đủ trước, mới đặt chân lên đầu ‘’cầu vồng’’ đã luống cuống trông rất tức cười. Tiếng la ó từ đám đông nổi lên khiến anh ta không dám rút lui. Sau mấy giây ngập ngừng do dự, đương sự chệnh choạng, bước chưa được hai bước đã trượt chân, ngã tòm xuống suối. Sự kiện đó, theo quan niệm của các tín đồ, chứng tỏ thần linh chưa chấp nhận anh ta hoàn toàn trong sạch. Lần tới sẽ phải tiếp tục thử thách nữa sau một thời gian ăn chay, niệm kinh lại. Ðám khán giả lên tiếng chê bai. Vị chủ tế tức giận ra mặt, đứng bên kia đầu cầu la hét, chỉ tay xuống suối xua đuổi người tín đồ bị thần linh trách phạt ấy không chút nương tình. Tín đố kế tiếp được gọi lên thay thế. Anh này leo cầu vồng một cách nhẹ nhàng thành thạo, qua tới đích. Tiếng hoan hô lại nổi lên rầm rộ. Sau đó, cuộc lễ, cùng một lúc với thời gian ông chủ từ bước vào trong đền, tạm ngừng lại để ai nấy nghỉ giải lao.
Ðột nhiên, có tiếng ồn ào từ phía đầu cầu. Trong đám khán giả có người lên tiếng hỏi:
- Chi vậy? Cuộc lễ đến đây là chấm dứt hả?
Có tiếng người khác trả lời:
- Không phải! Hình như có một bà già điên dại đang cãi cọ gì đó với ông chủ lễ thì phải. Ông thầy từ chối không nhận tín đồ bà ta đưa tới.
Bà già điên đó đúng là mụ Rát-Gia. Và nữ tín đồ do mụ đưa tới để xin dự lễ ‘’leo cầu vồng’’ không phải ai khác: đúng là Cúc, con gái út con ông chủ đồn điền mía Ngọc-San.
Mụ Rát-Gia hét lớn át cả mọi tiếng xì xào từ đám đông hai bên bờ suối:
- Cháu gái tôi! Nó là cháu gái tôi mà! Tôi đã sửa soạn xiêm y cho nó chu đáo, bắt nó ăn chay niệm kinh đâu vào đấy rồi mà. Nhất định thầy phải cho nó leo cầu vồng. Thần Linh đã ghi tên chờ đợi nó mà! Từ chối không cho sao được!
Vị thủ từ cương quyết:
- Tôi đã bảo là không được! Bà nói con nhỏ này đã sẵn sàng? Ai làm chứng cho bà đây? Không thấy ‘’kẻ không trong sạch’’ hồi nẫy bị quở phạt đó sao?
- Cháu gái tôi đã niệm kinh, đã ăn chay tại nhà tôi mãi rồi. Thầy phải chấp thuận cho nó leo cầu vồng.
- Bà nên nhớ là: tôi chỉ thâu nhận các nam nữ tín đồ thành tâm với Thần Linh mà thôi Còn những kẻ nào chưa đến lễ tại đền thì không thể được coi là trong sạch được. Về đi! Về!
Từ đám đông có tiếng la ó nổi lên:
- Đúng đó! Ẩu quá! Dám coi thường thầy! Dám xúc phạm tới thần linh hả? Ô hê! Này thầy, thầy à! Cô nhỏ này không phải là người Thượng. Ô hê! Ai đã nhuộm da cho cô ta để giả mạo đây này! Coi kỹ lại đi này!
Hơn một trăm nam nữ tín đồ người Thượng đứng lẫn lộn với người đi xem cũng lên tiếng hò hét dữ dội:
- Hê! Hê! Bắt mụ già và cô nhỏ đó lại! Ngửa mặt chúng lên coi! Xúc phạm đến thần linh! Gớm thật! Liệng hai kẻ đó xuống suối! Liệng đi!
Trong chớp mắt, mấy chục bậc thang trước cửa đền đã đông nghẹt thiện nam tín nữ. Hai thanh niên người Thượng, một người túm chặt em Cúc, một người nhấc bổng mụ Rát-Gia, người trước, người sau phăng phắc bước tới phía cầu tre.
Trong đám khán giả người Kinh, chợt có tiếng con gái la thảng thốt:
- Ý kìa! Em Cúc!
Nhiều tiếng kêu gọi vang vang tiếp theo tiếng la ấy! Chớp mắt, mấy thanh niên thiếu nữ người Kinh đã chạy ùa về phía cô bé giả người Thượng. Đúng là ba cô gái con ông Ngọc-San: Huệ, Trà, Mai, có Hinh và Huy đi kèm hai bên. Hai cậu trai chen vai thích cánh rẽ đám đông lấy lối cho ba chị em tiến phăng phăng. Chưa hết! Theo sát đàng sau, kìa, rõ ràng bác An, bác Mẫn và anh Giang. Hinh giơ hai cánh tay khỏe mạnh đỡ Cúc. Cô bé còn say vì bát thuốc lá của mụ Rát-Gia. Ánh mắt nhìn vẫn ngây dại, tứ chi rũ xuống như đã kiệt hết hơi sức.
Hinh ghé vào tai cô bạn nhỏ:
- Cúc! Cúc! Tỉnh chưa Cúc? Hinh đây. Hinh này. Chị Huệ, chị Trà, chị Mai đây này! Cúc, Cúc tỉnh chưa? Tỉnh chưa, Cúc?
Nghe đến tên các chị Huệ, Trà, Mai, đôi mắt Cúc máy động. Đôi môi mỉm một nụ cười gượng gạo. Tiếng nói cô bé nhẹ phào như hơi thở.
- Đưa em chạy trốn ngay đi!
Đám người đông đảo sán đến gần. Có tiếng sì sào: các cô nhỏ này không phải tín đồ mà sao lại tới đây? Nhiều người sắc diện lộ vẻ giận dữ. Một số khác lại tò mò muốn xem rõ mặt cô gái Kinh ngụy trang thành thiếu nữ Thượng. Hinh và Huy phải hết sức vận dụng sức mạnh lên cánh tay mới dìu được Cúc đi quá đám tụ tập. Mai nói nhanh:
- Đừng sợ gì hết, nghe Cúc! Tụi mình đông lắm! Cúc yên tâm! Chút xíu nữa là em đã về tới nhà với ba được rồi.
Cúc mơ màng lẩm bẩm:
- Về với ba! Về với ba! Về trại mía Ngọc-San!... Hà… à…à!
Và cô bé gục đầu vào tay chị, ngất lịm đi.
Bốn Trung sĩ Cảnh Sát giơ tay gạt đám đông, miệng hô lớn:
- Dang ra! Dang ra! Yêu cầu đồng bào giải tán đi! Giải tán!
Một số người hốt hoảng lùi lại. Viên thủ từ lên tiếng nói với một nhân viên công lực:
- Chúng tôi tổ chức lễ tạ tại đền thờ trong bản của chúng tôi mà. Có mắc mớ gì mà…
Viên Trung sĩ Cảng Sát nghiêm sắc mặt:
- Tôi biết! tôi biết! Nhưng tại sao có một cô gái người Kinh ăn mặc như thế này lẫn lộn ở đây?
Viên thủ từ đưa tay chỉ mụ Rát-Gia:
- Trăm điều rắc rối đều do bà kia cả. Mụ vẫn thường lai vãng tới đâu quấy phá đủ thứ. Tôi nghi mụ ta khùng đó! Các ông có cần điều tra gì xin cứ việc hỏi mụ.
Viên Trung sĩ gật đầu:
- Thôi được! Chút nữa sẽ hay! Bây giờ các ông hãy dang ra, để chúng tôi đưa cô bé này về đã. Ngất đi rồi kia kìa!
Dứt lời, ông ta khẽ ra hiệu cho hai bác An, Mẫn. Hai người đỡ vai đưa Cúc ra phía ngoài. Bốn nhân viên công lực kèm sát hai bên.
Có tiếng xì xào:
- Cô út con ông chủ mía Ngọc-San đấy!
- Ồ, phải rồi, nhưng tại sao lại lạc vào đây chứ?
Khi đã đem Cúc ra tới quãng trống, mấy nhân viên công lực châu đầu thảo luận rất nhanh. Rồi, hai người đứng lại cùng với toán người nhà trông coi Cúc, hai người quay bước trở lại đám đông, bắt giữ mụ Rát-Gia. Hinh và Huy xin phép được đi theo.
Viên thủ từ nhắc lại câu nói hồi nãy:
- Mụ này điên thật đó các ông! Tôi đã ráng hỏi mà y thị không chịu nói gì hết trơn. Thật là lạ lùng: Không hiểu tại sao cô nhỏ kia lại lạc vào trong tay mụ được?
Viên chức Cảnh sát trưởng toán:
- Chúng tôi cũng cần biết rõ điều đó! Để đưa mụ ta về cuộc, chúng tôi sẽ hỏi cho ra.
Bỗng một thanh niên người Thượng, rẽ đám đông săm săm chạy tới bên mấy nhân viên công lực:
- Xin các ông đừng bắt giam bà già này. Tội nghiệp! Bà nội tôi đó! Bà nội tôi mắc bệnh dở người chẳng biết phải trái gì đâu.
Cậu trai út, con ông Mộng Bảo thoáng giật mình, khẽ nói vào tai anh:
- Gô-Ban! Tên này là Gô-Ban đó, anh Huy! A, thì ra Gô-Ban là cháu nội bà già quái ác này! Chính gã là thủ phạm trong vụ bắt cóc Cúc đấy!
Dứt lời, sắc mặt đỏ gay, đôi mắt quắc lên, tia nhìn thật thẳng, Hinh tiến lên một bước, dõng dạc nói với nhân viên công lực:
- Xin trình để mấy ông rõ. Chính gã này mới đích thực là thủ phạm trong vụ này. Xin các ông bắt giữ hắn ngay dùm. Các ông hỏi, gã sẽ phải khai hết sự thật. Chính gã đã nhúng tay trong vụ bắt cóc cô gái hồi nãy rồi đưa đến giao cho bà già này.
Một viên Trung sĩ cảnh sát nhận ra Hinh là con ông Mộng Bảo:
- Do đâu chú em lại biết được như thế?
- Tôi biết rõ tên này vẫn thù nghịch với các người bên trại mía Ngọc-San. Đã có lần tôi bắt được quả tang hắn âm mưu bàn soạn tìm cách làm hại ông Ngọc-San mà. Các ông cứ hỏi, chắc chắn gã sẽ phải nói hết
Bốn nhân viên công lực quay hỏi Gô-Ban. Gã lắc đầu không nói gì hết. Viên chức trưởng toán ra lệnh cho nhân viên dưới quyền dẫn Gô-Ban đi. Hắn không dám làm một cử chỉ gì để phản kháng. Mát-Ta cũng có mặt trong đám đông. Cô gái đáng thương chạy tới năn nỉ nhân viên công lực:
- Xin các ông tha cho anh ấy! Anh ấy là chồng chưa cưới của tôi đó! Anh không làm điều gì xằng bậy đâu, các ông ơi! Chính anh ấy lại còn muốn che chở bảo vệ cho cô nhỏ kia nữa đó. Xin các ông tha cho anh ấy. Dù các ông có hỏi, chắc là anh cũng không dám nói gì hết đâu.
Viên chức trưởng toán nghiêm giọng:
- Không dám nói gì hết? Được, để chúng tôi coi! Nếu anh ta vô tội chúng tôi sẽ thả ngay. Cô cứ yên trí! Anh ta không đi mất đâu mà lo.
Cảnh Sát dẫn mụ Rát-Gia và Gô-Ban đi rồi, đám tín đồ nam nữ người Thượng xúm lại bàn tán với ông thủ từ một lúc nữa rồi cuộc lễ lại tiếp tục như thường.
Trong lúc đó, chiếc xe hơi của ông Ngọc-San do anh Giang lái đưa Cúc và các bạn trẻ của chúng ta lăn bánh êm êm trên con đường đất đỏ tiến về trại mía. Cô gái út vừa thoát khỏi trại giam, được các chị cho uống mấy chai nước cam vàng, ăn hai ba chiếc bánh sữa, đã lấy lại được đôi phần sức lực. Trí nhớ của em cũng lần lần tươi mát trở lại.
Mai hỏi em:
- Lúc ở cây phượng hoa vàng, ai đã chộp bắt và rồi ai đã đưa Cúc tới chỗ bà già kỳ dị ấy?
- Tụi bắt cóc em đều bịt mặt bằng vải đen. Nhưng về sau em cũng nhận ra được đôi mắt nhìn lạ lùng của Gô-Ban.
Huệ, cô chị lớn lẩm bẩm:
- Vậy thì lạ quá! Bác An đã cho biết là Gô-Ban làm việc chăm chỉ và tận tâm lắm kia mà. Nhất là khi lửa cháy, anh ta đã tỏ ra sốt sắng can đảm hơn ai hết. Thật là khó hiểu vô cùng.
Chẳng mấy chốc, xe về tới địa phận trại mía. Phút sau, đã ngừng bánh trước khu nhà ở. Chị Dung chạy ra la lên như người điên. Chị điên vì vui mừng quá sức. Hai tay cứ đấm vào ngực bình bịch:
- Ý, trời! Em Cúc đã về rồi kìa! Cúc về rồi kia! Chị Dung biết ngay là hôm nay thế nào nhà mình cũng vui lắm mà! Trống ngực chị Dung cứ đập thình thình báo tin mừng suốt từ sáng sớm tới giờ! Trời ơi! Thú quá!... Ấy, mà sao em lại nhuộm nâu mặt đi và mặc xiên y như gái Thượng vậy, hả?
Huệ, cô chị lớn gạt ngay đi:
- Có im miệng đi không? Chị Dung chớ làm ồn lên! Chị không thấy em Cúc đang mệt lả người đi đây sao?
Mai chạy như bay vào hàng ba, reo to:
- Ba ơi, Cúc đã về này! Cúc về đây này, ba!
Ông Ngọc-San đang nằm nghỉ trên giường, chờ đợi các con. Để quên đi sự mong chờ khắc khoải, ông vùi đầu vào đọc báo. Nghe tiếng Mai la, ông hồi hộp buông tờ báo xuống. Hai cánh tay ông tự động giơ lên. Miệng ông bật thốt:
- Cúc, gái út của ba!
Cửa phòng mở toang. Cúc lao vào, ngã vật trong tay cha, sung sướng khóc nức nở.
Người cha ôm đầu con, đôi mắt nhìn mặt con chăm chú. Ông gượng cười ra tiếng để che giấu niềm xúc động trong lòng.
- Ý chà! Con gái ba trông đẹp quá! Kẻ nào dám thay hình đổi dạng con như thế này, hả?
Huệ cười vui nhìn cha:
- Thôi, để mai Cúc sẽ kể chuyện cho ba nghe. Bây giờ em nó còn mệt lắm. Cần phải tắm một cái, sau đó ngủ một giấc cho lại sức. Chị Dung! Hộ em một tay đi!
- Ừ, con nói đúng! Bây giờ ba yên trí quá rồi! Muốn chờ tới bao giờ thì chờ. Đúng là Trời Phật đã nghe thấu lời nguyện cầu của ba, khiến xui tai họa không còn giáng xuống đôi vai gầy yếu của các con nữa. Đi tắm, rồi ngủ một giấc đi con, Cúc! Sáng mai kể chuyện từ đầu tới cuối cho ba nghe!
Sáng hôm sau, từ nơi hàng ba trong tư thất của ông chủ mía Ngọc-San, lại như hồi nào, vang vang những tiếng nói chuyện cười vui của bốn cô con gái, nữ tứ tử cưng chiều của nhà điền chủ.
Bốn chị em kéo nhau lên phòng cha. Sau khi đã kể lại cho ông Ngọc-San nghe từ đầu tới cuối vụ bị bắt đi, đưa đến căn lều tối tăm ẩm thấp của bà già khùng Rát-Gia, bị bà ta bắt ép ‘’leo cầu Vồng’’ trên đồi cỏ cháy ra sao… Cúc ngưng nói, im lặng nhìn cha và các chị tới gần một phút. Rồi, em hắng giọng, sắc diện nghiêm hẳn lại:
- Ba ơi, chị Mai và con có một câu chuyện này muốn thú thực với ba!
Ông Ngọc-San cau cặp chân mày nhình đứa con yêu. Nội tâm người cha chợt vấn lên một niềm lo ngại:
- Được, con cứ nói, ba nghe đây. Việc gì thế?
- Về việc ‘’cây phượng hoa vàng’’ đó ba! Con muốn nói rõ cho ba biết vì lý do gì chị Mai và con đã trái lệnh ba…, - cô bé đưa mắt nhìn hai cô chị lớn, - cả các chị nữa. Em muốn thưa với ba và hai chị biết rằng, hai đứa em đã khám phá được một kho tàng báu vật chôn dấu trong khu vực sở mía của nhà ta. Nếu những điều chúng em giả thiết mà trở thành sự thật cả, thì kho tàng đó sẽ làm cho ba của chúng ta giàu có nhất trong vùng Đức Trọng này.
Ông Ngọc-San mỉm một nụ cười bao dung:
- Ồ! Hai con nhỏ gái út của ba sắp nói chuyện lăng nhăng… Thôi được, các con cứ nói đi, ba nghe!
Mai, đôi mắt sáng ngời, nói thay em:
- Bữa xẩy ra giông bão lớn đó ba. Bác sĩ Bích đuổi chúng con ra khỏi phòng không cho ở lại săn sóc ba. Buồn quá, chúng con mời lần mò ra coi cây xoài trốc gốc đổ saềp trúng xe ba ra sao! Ngay dười gốc, chúng con thấy một phiến đá hoa cương trên mặt khắc đầy chữ nho, ba à. Nhưng bên dưới những giòng chữ nho ấy lại có ghi chữ số chỉ tháng 3 năm 1916 và ba chữ Lầm chí Khả bằng quốc ngữ.
Ông Ngọc-San và hai cô chị lớn bật thốt:
- Lầm chí Khả!
Cúc, cô gái út điềm nhiên tiếp tục:
- Trong khi chờ đợi nhờ người đọc và giảng nghĩa dùm, chúng con mới đem cất giấu phiến đá đó để người khác không thấy được. Mà chỗ cất giấu thì còn đâu tốt và kín hơn gốc cây phượng hoa vàng? Chắc chắn không một người nào dám héo hánh tới đó vì từ trước đến nay ai ai cũng cho rằng cây ấy là của thần linh. Thế rồi, sau khi cất giấu xong xuôi, chúng con cứ lén tới gốc cây phượng hoa vàng luôn để lo việc tìm hiểu những hàng chữ nho ấy.
Người cha nghe câu chuyện con kể có vẻ hay hay, bắt đầu chú ý:
- Tìm hiểu? Tìm hiểu bằng cách nào? Các con có đứa nào biết chữ nho đâu?
- Đúng thế đó ba! Nhưng chúng con đã nói cho Hinh, con trai út bác Mộng bảo biết vụ phát giác của chúng con. Hình liền đưa hai đứa con lên Liên Khương nhờ cụ đồ Khải đọc, giảng nghĩa cho nghe. Và để bảo vệ bí mật, chúng con chứ chép ba chữ một. Đầu một chữ, giữa một chữ, cuối một chữ. Chúng con cứ làm đảo lộn thứ tự như thế. Nhưng ghi chép từ chữ thì chúng con ghi rất cẩn thận, không để sót một nét, không để sai một cái chấm nào.
Ông Ngọc-San mỗi lúc lại mỗi cảm thấy câu chuyện có một cái gì lạ lắm. Nhưng ngoài mặt vẫn không để lộ ý nghĩ thầm kín trong lòng, ông chỉ mỉm cười, vui vẻ lắc đầu bảo hai cô con lớn:
- Huệ, Trà, thấy các em con tinh không? Rồi sao? Những giòng chữ nho ấy nói gì vậy?
Cúc, ánh mắt sáng ngời, lôi từ trong túi ra một mảnh giấy gấp tư.
- Đây, ba nghe, nghe! Từ chỗ này đi về hướng Đông, đếm ba chục bước. Sáu bộ dưới đất, có một kho báu vật. Lầm chí Khả. Tháng 3-1916.
Mai:
- Chúng con đã đi từ gốc cây xoài đổ, chỗ cũ của phiến đá, thử đi thử lại có tới hai mươi lần. Lần nào như lần nấy, đều tới đúng gốc cây phượng hoa vàng hết, ba à!
Người cha gật đầu, trầm ngâm:
- Sự kiện này có điều rắc rối đây! Cây đó, ba đã có lệnh cấm không ai được lại gần. Nếu muốn đào bới thì phải làm sao đây? Cái này cần phải suy nghĩ cho thật cẩn thận mới được.
Huệ nghiêm sắc mặt nhìn hai cô em út:
- Gớm thật! Vậy mà Mai, Cúc không hở môi nói cho các chị biết chút xíu gì nghe! Có tới gần ba tháng nay, hai em ‘’gạt’’ chị và Trà ra ngoài, không tin tưởng gì hai chị gì nữa hết, nghe!
Cúc cười khanh khách:
- Chúng em phải ‘’trả thù’’ chứ! Hai chị cứ dành làm toàn việc lớn, không cho tụi em tham gia các gì hết trơn. Lại còn đuổi hai đứa đi chỗ khác chơi nữa. Thì đi chỗ khác chơi! Nhưng chúng em lại làm được việc hay: tìm ra phiến đá báo tin bí mật của cụ Lầm Chí Khả vị hải khấu anh hùng có họ hàng hơi hướm với nhà ta, chôn vùi dưới đất đã hơn nửa thế kỷ… Ha! Ha! Các chị thua rồi!
Trà, cô chị thứ hai gật đầu:
- Được, được! Các chị thua hai em! Nhưng chị muốn biết điều nầy! Tại sao khi biết được ý nghĩa bản tin tức đó rồi, các em lại để mãi đến tận hôm nay mới nói ra?
Mai cười ranh mãnh:
- Chúng em dành độc quyền làm vụ này mà. Chúng em cũng thích sớm ôm về cho ba những thoi vàng, thoi bạc để các chị ngán một phen chứ. Cái gì cũng “hai con nhỏ”, “hai đứa bé tí” đó! Nhưng Hinh lại khuyên chúng em nên chờ đợi đến khi nào các công nhân vui vẻ đi làm lại cái đã. Lúc đó mới có thể tổ chức đào bới tìm kiếm kho tàng được. Trong khi chờ đợi, em và Cúc cứ phải lén đến dòm chừng luôn luôn chỗ dấu phiến đá xem có còn nguyên vẹn không. Do đó, mọi việc đều phải giữ tuyệt đối bí mật.
Trà bĩu môi riễu cợt:
- Tuyệt đối bí mật! Tuyệt đối bí mật để đến nỗi bị bọn người bí mật xuất hiện rồi bắt em Cúc đem đi!
Ông Ngọc-San âu yếm nhìn hai cô gái nhỏ, bảo Trà:
- Thôi, đừng trêu em nữa! Hiện thời ba rất thắc mắc về câu chuyện các em con vừa kể. Phiến đá thông tin bí mật ghi tháng ba năm 1916. Điểm đó quả nhiên trùng hợp với thời gian cụ Lầm lưu lạc rồi tá túc tại vùng này.
Cúc, vẻ mặt nghiêm trọng:
- Đúng thế đó, ba! Con cũng vừa định nói cho ba chú ý đến chỗ đó thì ba đã biết trước rồi. Ngoài ra, chúng con lại còn nhờ Hinh, con bác Mộng Bảo đi hỏi một vị giáo sư dạy Sử Địa tại Liên Khương để xem ông ấy có tài liệu gì đặc biệt nói về đời tư vị bộ tướng này của Hùm Thiêng Yên Thế không. Kết quả hay lắm ba ơi! Đúng như lời ba vừa nói, Cụ Lầm có tới vùng Đức Trọng này vào năm 1916.
Mai kết luận một câu thật gọn:
- Vậy thì nhất định cụ đã đào đất cất giấu của cải ở đây rồi.
Người cha rạng rỡ nét mặt:
- Ba không ngờ hai đứa con gái ba lại thông minh tháo vát đến thế. Hai đứa lớn thì gần như là đảm đương hoàn toàn công việc trong xưởng nấu đường, ngoài bãi mía, hai con nhỏ út của ba lại lập kỳ công, khám phá, phát giác được phiến đá chúc thư bí mật của vị hải khấu anh hùng Lầm Chí Khả. Ba sung sướng khen ngợi các con. Rồi, bây giờ hai đứa lớn báo cáo công việc cho ba nghe coi! Tình trạng các anh em công nhân ra sao? Ngoài bãi mía rồi trong xưởng đường.
- Khá lắm rồi ba ơi! Mọi người giờ đây đã vui vẻ, vừa làm vừa chuyện trò ca hát vui lắm. Mấy ngày xáo trộn đó kể như đã hết. Hết hẳn rồi ba à.
Ông Ngọc-San nghiêm giọng, trách hai chị em:
- Bữa đó xẩy ra chuyện tày trời như vậy mà hai đứa dám giấu nhẹm đi không cho ba biết gì cả. Nếu hai anh em An, Mẫn không nói ra thì ba cũng chẳng biết trời trăng gì hết trơn. Đến nỗi ba cứ tưởng rằng mọi việc vẫn chạy đều, đâu đó vẫn êm đẹp cả.
Trà vui vẻ nhìn cha:
- Bây giờ thì đâu lại vào đấy như cũ rồi! Thêm nữa, việc em Cúc bị bắt đã khiến các anh em công nhân người Thượng xúc động vô cùng. Đa số họ cho là quá đáng cái lối trừng phạt tàn bạo đó. Xúc phạm đến chỗ đất cấm là không được, nhưng đối với người lớn kìa. Chớ với một em nhỏ gái, cái đó thật là ác quá.
Nhà điền chủ trở mình, gật đầu:
- Vậy thì, nếu mình có tổ chức đào bới tìm kho tàng chôn dấu dưới gốc cây phượng hoa vàng, chắc chắn sẽ không sợ họ nổi lòng căm phẫn nữa. Cha con mình có thể yên tâm về mặt đó. Thế nào? Bây giờ, hai đứa gái bé của ba! Các con vừa nói đến một vị giáo sư nào đó hiện đang dạy môn Sử Địa tại Liên Khương. Ba muốn gặp ông ta. Ông ta đọc nhiều sách chắc hẳn thế nào cũng biết tình hình dân cư tại vùng Đức Trọng này hồi năm 1915-1916. Và rồi may ra, ông ta có thể giúp chúng ta trong việc thi hành lời di ngôn của cụ Lầm Chí Khả.
Cúc sốt sắng:
- Ba muốn gặp ông giáo sư ấy? Có khó gì đâu! Chúng con chỉ việc báo cho anh Hinh biết. Anh ấy sẽ chỉ cách tìm gặp ông ta, ba à!
Ông Ngọc-San mỉm cười vui vẻ:
- Tìm được rồi, dẫn ông ấy đến nhà mình chơi. Và con nhớ bảo cả Hinh tới đây nữa, nghe! Theo ba nghĩ, thằng nhỏ con bác Mộng Bảo chắc thích thú khi được tham gia công việc khám phá mà chính nó cũng đã có công lớn trong lúc khởi đầu. Các con nghĩ sao?
Cúc nhào tới, ôm cổ cha, cười khanh khách:
- Ba đúng là ông bụt! Ông bụt yêu quý của chúng con! Đúng thế! Hinh thật là một người bạn tốt vô cùng. Trong việc này, anh ấy đã bày cách, khuyên nhủ chúng con nhiều điều rất khôn ngoan.
Ông Ngọc-San gật gật đầu, tia mắt chăm chú nhìn vào một điểm vô hình nào đó trên trần nhà.
- Và ba cũng chưa quên là chính Hinh và anh Huy nó đã trợ lực cho các chị con hôm đi cứu con về đó. Kể cũng đáng bật cười! Ông Mộng Bảo thường xuyên kình chống với ba. Nếu bây giờ biết được rằng các con mình lại rất thân thiết với mấy đứa con gái ‘’trâng tráo sấn sổ như con trai’’ chắc hẳn ông ta sẽ nổi trận lôi đình phải biết.
Người cha chấm dứt câu nói bằng một tiếng cười vui. Bốn cô con gái cũng bật cười như phá. Không hẹn mà bốn em cùng nhớ lại ngày ông láng giềng khó tính sang bên trại Ngọc-San, gây điều xích mích, ngang nhiên mạt sát các em chẳng chút nương tình. Năm cha con đang hàn huyên tâm sự, cánh cửa lắp ô kính đầu hàng ba chợt mở hé. Chị Dung bước vào, dắt theo một cô gái Kinh lai Thượng: Mát-Ta con gái bác An. Mát-Ta theo chị gia nhân, bước vào phòng ông chủ lớn, ngồi thụp xuống bên chân Huệ, cất giọng nói như người sắp khóc:
- Cô chủ! Tội nghiệp tôi mà cô chủ! Khổ quá! Cảnh sát bắt anh Gô-Ban đi rồi, cô chủ ơi! Tội nghiệp tôi mà cô chủ! Cô chủ từ trước đến nay vẫn tử tế lắm, tốt lắm, không làm hại ai bao giờ. Vậy, cô chủ xin cho chồng tôi về đi, nghe! Ngoài mặt thì anh ta đúng là kẻ nhúng tay làm mấy việc ác đó, nhưng sự thực anh ấy không phải kẻ thù của ông chủ lớn, của các cô chủ nhỏ đâu. Tôi nói thật đó! Tôi thề với các cô như vậy!
Cúc nổi giận, mặt đỏ gay:
- Không phải kẻ thù? Không phải kẻ thù thì tại sao lại bắt cóc tôi rồi đem giao cho mụ phù thủy bà nội anh ta! Tôi nhận ra anh ta rõ ràng mà.
Mát-Ta khóc sụt sịt:
- Phải rồi! Đúng thế! Đúng Gô-Ban đã cùng một người nữa bắt cô chủ út đấy. Nhưng là do lệnh của lão Khu-Ma-Ra. Lão Khu thuê tiền anh ấy để quấy phá trại mía Ngọc-San mà. Thực ra, Gô-Ban không muốn làm hại ông chủ lớn và các cô chủ nhỏ đâu. Mỗi lần phá hoại xong là anh ấy lại lập tức tìm cách chạy chữa cho ông chủ lớn đỡ bị thiệt hại. Và trước khi làm các việc xấu theo lệnh của lão Khu, bao giờ anh ấy cũng sai tôi đi báo cho các cô chủ biết đặng đề phòng đó.
Huệ hơi cảm động, đặt tay lên vai cô gái Thượng:
- Được rồi! Mát-Ta đứng lên đi! Và nói lại cho thật rõ ràng để ông chủ lớn và chúng tôi nghe coi!
Ông Ngọc-San đưa mắt nhìn nghiêm khắc:
- Ừ, nói lại cho rõ coi! Tại sao lão Khu lại dính líu tới vụ này chứ? Hả?
Mát-Ta tái xanh sắc mặt:
- Thưa ông chủ lớn! Gô-Ban đã nói cho tôi biết là ông Khu-Ma-Ra chỉ muốn cho tất cả các công nhân bên trại này nổi lên chống đối, bỏ việc làm để mía, đường phải hư hết. Nhất là từ khi ông chủ lớn bị tai nạn thì lão mừng lắm. Lão cho rằng trại Ngọc-San thế nào cũng suy sụp. Thế là lão liền sai Gô-Ban gây ra điều rắc rối cho trại của ông chủ suy sụp lẹ hơn. Nhưng, ông ta quên không tính đến chuyện các cô chủ nhỏ rất can đảm. Thế rồi, xẩy ra chuyện cây thiêng bị xúc phạm. Chuyện đó có lợi cho việc làm xấu của lão lắm.
Ông Ngọc-San giận quá la lớn:
- Và cái tên Gô-Ban đã nghe lời lão quỷ ấy xúi giục thợ bên này đình công rồi chính nó đã phóng hỏa đốt xưởng đường của ta phải không? Hừ! Thằng chồng chưa cưới của mày đúng là đồ bất lương độc ác, nghe chưa Mát-Ta? Ta không hiểu tại sao cha mày lại không biết điều ấy chứ!
Mát-Ta run rẩy nắm tay ông chủ:
- Ông chủ lớn đừng la, đừng la! Nghe tôi nói này, ông chủ lớn! Gô-Ban bảo với tôi rằng: nếu anh ta từ chối không nghe lời lão Khu, lão sẽ tìm kẻ khác. Rồi lỡ kẻ khác ấy lại ra công gắng sức làm cho được việc thì còn tai hại không biết chừng nào. Chắc các cô chủ nhỏ còn nhớ chứ? Cứ mỗi lần sắp xẩy ra chuyện gì là các cô lại được báo tin trước, có đúng thế không? Gởi thơ báo tin về sức khỏe của cô chủ út lúc bị bắt đi cũng là do tôi đấy.
Huệ gật đầu, ánh mắt xót thương. Nhưng chỉ một thoáng, giọng nói của em lại gay gắt:
- Nhưng chính Gô-Ban đã bắt và dẫn em Cúc tới chỗ bà già điên! Điều đó không thể tha thứ được!
Mát-Ta ngồi gục mặt buồn rầu thất vọng vì không thuyết phục được người nghe. Giọng nói của nàng ta run run thiểu não:
- Anh ấy đưa cô chủ tới đó vì anh biết trước rằng thế nào bà cụ cũng sẽ đưa cô chủ tới đồi cỏ cháy. Một mặt, anh ấy sai tôi tới báo ngầm cho các cô chủ nhỏ biết để tổ chức cứu thoát cô chủ út.
Ông Ngọc-San dịu hẳn nét mặt:
- Thôi được! Ông chủ tin Mát-Ta! Để nhờ Cảnh Sát hỏi lại Gô-Ban. Nếu hắn chịu thú thật hết, hắn sẽ được tha về. Và ông chủ cũng sẽ rút đơn, thôi không khiếu nại nữa.
Cô gái Thượng sung sướng đưa hai bàn tay nắm chặt tay ông chủ, miệng nói láu táu:
- Cám ơn! Cám ơn ông chủ lớn! Cám ơn bốn cô chủ nhỏ! Gô-Ban hứa với cháu là thôi không nghe lời lão Khu-Ma-Ra và cũng chẳng thèm lấy tiền bạc của ông ta nữa. Anh ấy bảo rằng chỉ thích được về làm việc với ông chủ lớn mà thôi.
Dứt lời, Mát-Ta đứng dậy, cúi đầu chào, quay nhanh ra cửa, chạy xuống cầu thang. Hai xâu vòng đồng, vòng bạc ở cổ chân kêu leng keng như tiếng reo vui.
Huệ mỉm cười nói với cha:
- Mát-Ta nó quý tụi con lắm, ba à! Quả thực nó cũng đã nhiều lần cố gắng vớt vát lại các điều lầm lỗi do chồng chưa cưới của nó gây ra.
Ông chủ mía nói với các con:
- Để ba gọi dây nói cho Cảnh Sát. Ba cho rằng rồi đây Gô-Ban sẽ quay về làm việc với chúng ta một cách tận tâm tận lực. Bây giờ, hai đứa út của ba lo việc đi liên lạc tìm gặp vị giáo sư trẻ tuổi dạy Sử Địa, hai chị lớn ai lo việc nấy. Đi đi các con! Ba có cảm tưởng sở trại của cha con mình lại bắt đầu vui vẻ như những ngày nào.
Bốn chị em quay ra. Ông Ngọc-San đưa mắt nhìn theo các con mãi cho tới khi tất cả đi khuất nơi đầu cầu thang. Đưa tay nhấc ống điện thoại, ông quay số gọi Cuộc Cảnh Sát Đức Trọng. Trong đầu ông chủ mía âm vang một ý nghĩ thật vui: “Lão quỷ Khu-Ma-Ra phen này thấy tên đồng lõa được trả tự do chắc phải lo lắng phát ốm lên được. Rồi thì “gậy ông lại đập lưng ông”! Gô-Ban, một khi hối cãi, sẽ quay lại tố giác lão, tất nhiên mình sẽ được biết nhiều tin tức hay…”
Trong khi tại trại mía Ngọc-San, chủ nhân, qua dây nói, nói chuyện với các nhân viên công lực, thì lão Khu-Ma-Ra, tay gian hùng, ngồi tỉ tê tâm sự với ông Mộng Bảo:
- Thú thực với ông anh, trong vụ bắt cóc đứa con gái của ông Ngọc-San, tôi có phần nào dính líu. Cũng tưởng là lao tâm khổ trí tất nhiên sẽ đạt được mục đích mong muốn. Ai ngờ công cuộc làm ăn lại kết thúc một cách thật tréo cẳng ngỗng tại đồi cỏ cháy. Chán quá! Mà rồi lại còn những hậu quả không hay nữa chứ. Tôi đang lo sốt vó lên đây.
Ông Mộng Bảo cau mày:
- Trời ơi! Bây giờ ông lại cả gan tổ chức bắt cóc con cái người ta. Mà nhất lại là con gái nữa! Sao ông vong mạng làm liều quá vậy? Mà thử hỏi, kết quả có lợi gì không?
- Ông yên tâm đi mà! Tôi có đích thân nhúng tay vào việc đó đâu mà lo! Nhưng thằng gà chết ấy lần này làm hư việc hết trơn rồi! Bắt được con bé, đem đi đâu giấu giếm không đem, nó lại dẫn tới gởi bà nội nó. Mụ già điên khùng đó lại dở rồ dở dại đem nó tới đồi cỏ cháy. Thế là đổ bể tùm lum để đến nỗi mất cả chì lẫn chài. Mụ khùng lại bị bắt luôn với thằng cháu nội gà chết nữa chứ! Trời ơi! Tôi cứ đinh ninh nó khôn lanh lắm mà lớ ngớ thế nào để đến nỗi… Nguy quá! Tôi lo ngại vô cùng. Cảnh Sát hỏi mà nó phun ra sự thật! Ai xúi bẩy, ai cho tiền để làm việc đó là chết tôi một cửa tứ rồi còn gì.
- À, thì ra chính ông đã gài thằng Gô-Ban qua bên trại Ngọc-San để thi hành thủ đoạn phá hoại đấy?
Lão Khu gật đầu ra vẻ đắc chí:
- Chứ còn gì nữa! Ông nói đứng! Và chắc ông anh vẫn chưa quên có một lần, tôi đã nói: “một khi con sâu đã nằm sẵn trong trái cây…”
- Tất nhiên trái cây ấy thế nào cũng sẽ bị thối ủng! Phải, phải! Tôi vẫn nhớ câu ông nói bữa nào. Tuy nhiên, việc ông làm hơi có vẻ quá đáng đấy nhé! Ông Khu-Ma-Ra ạ! Đối với Ngọc-San tôi vẫn có ý đố kỵ gần như là ghen tức vậy đó. Nhưng chỉ có vậy thôi. Đâu đến nỗi phải lợi dụng lúc ông ta ốm đau hoạn nạn, xuống tay tác hại đến cả lũ con gái ngây thơ vô tội của ông ta. Tôi không thể tán thành việc làm ám muội của ông.
Tay họ Khu bật cười rộ:
- Trời đất! Người Kinh các ông không thực tế chút nào. Thử hỏi: một khi trại mía Ngọc-San bị nguy ngập, đe dọa thường xuyên, hết tai họa này đến rủi ro khác, chủ lớn, chủ nhỏ bỏ đi hết trọi, không ai trông coi săn sóc, phải gọi người bán tống bán tháo đi. Lúc đó ông và tôi bỏ tí tiền mua lại với cái giá rẻ mạt thì ông có khoái không? Ông lại còn “không tán thành “ với “việc làm ám muội “ nữa. Các ông chỉ biết nói cho sướng cái miệng không hà!
Ông Mộng Bảo bực tức ra mặt:
- Cái đó là ý kiến riêng của ông! Phần tôi, không bao giờ tôi lại tranh đấu một cách ám muội như thế hết.
- Thôi đi mà! Tranh đấu? Tranh đấu cái gì? Có gì nữa mà tranh đấu. Phe mình thua đứt đuôi rồi còn gì! Con chim đầu đàn bị thương nặng, đã đứng ngoài vòng chiến. Đúng như vậy! Nhưng, nào ngờ lại còn có “nữ tứ tử” của lão ta. Mà phải công nhận là bốn con nhỏ chiến đấu rất hăng, rất lợi hại mới nguy cho bên mình chứ.
@by txiuqw4