Châu Tín vâng lệnh Lữ Nhạc cầm gươm đến trước thành.
Quân Châu trông thấy vào báo:
- Có một đạo sĩ đến khiêu chiến.
Tử Nha bảo:
- Mấy hôm nay không giao chiến, nay có đạo sĩ đến chắc là gặp phải việc không hay.
Liền quay sang hỏi các tướng:
- Có ai dám ra trận đầu?
Kim Tra thưa:
- Ðệ tử xin ra sức.
Tử Nha gật đầu.
Kim Tra cầm bửu kiếm ra thành, thấy đạo sĩ mặt xanh, áo xanh, tóc đỏ, liền lướt tới hỏi lớn:
- Ðạo nhân tên chi, dám đến đây phá rối?
Châu Tín nói:
- Ta ở Cửu Long đảo, họ Châu tên Tín, không phải vô cớ mà ta đến đây đâu, vì nghe các ngươi cậy phép Ngọc Hư hại người nên mới phải xuống đây cho biết ai cao ai thấp.
Nói rồi chém liền.
Kim Tra đưa gươm ra đở.
Hai bên giao đấu một hồi, Châu Tín bỏ chạy, Kim Tra đuổi theo.
Châu Tín liền lấy cái Khánh trong túi giơ lên ngay mặt Kim Tra gõ bốn tiếng.
Kim Tra lắc đầu vài cái, chạy thẳng về thành la hoảng hốt:
- Ðau đầu quá! Ðau đầu quá!
Tử Nha thấy mặt Kim Tra nhợt nhạt như tờ giấy vàng, thất kinh hỏi:
- Vì cớ nào lại hốt hoảng như vậy?
Kim Tra thưa hết các việc cho Tử Nha nghe, rồi chạy ra sau dinh ôm đầu nằm vùi, rên rỉ không dứt.
Hôm sau thì có quân vào báo:
- Có đạo sĩ khác đến khiêu chiến.
Tử Nha hỏi:
- Có ai dám ra trận chăng?
Mộc Tra xin đi.
Tử Nha gật đầu.
Mộc Tra vừa ra thành đã thấy một đạo sĩ ba chòm râu dài đuộc, gương mặt tợ rằm, mặc áo vàng, đầu chừa hai vá, liền hét lớn:
- Ngươi tên họ là chi, dùng tà thuật gì làm cho anh ta đau đầu?
Ðạo sĩ nói:
- Ngươi lầm rồi. Ta là Lý Kỳ, còn người làm cho anh ngươi nhức đầu là Châu Tín đạo huynh ta đấy.
Mộc Tra nổi giận nói:
- Như thế chúng bay đều là một lũ tà ma ngoại đạo cả.
Nói rồi chém một nhát. Lý Kỳ tiếp đánh được bảy hiệp liền xách gươm chạy dài.
Mộc Tra theo đuổi, Lý Kỳ lấy cây phướng đưa ngay mặt Mộc Tra rung lên ít cái, Mộc Tra toàn thân lạnh toát, run cầm cập không đuổi theo nổi nữa.
Lý Kỳ liền trở về thành.
Còn Mộc Tra hết lạnh tới nóng, cởi áo đi về ra mắt Tử Nha, miệng la ôi ối:
- Nguy rồi! Chắc chết! Chắc chết!
Tử Nha hỏi.
- Vì sao lại rên la như vậy?
Mộc Tra nói không được, nhào xuống đất mình nóng hực như lửa than.
Tử Nha bảo quân sĩ đỡ Mộc Tra ra sau dinh dưỡng bệnh.
Ðoạn hỏi các quan lược trận:
- Vì sao có việc lạ lùng?
Quan lược trận thưa rõ mọi việc xảy ra, Tử Nha không hiểu hai đạo sĩ này đã dùng phép gì xưa nay chưa hề nghe thấy, lòng buồn bã vô cùng.
Lý Kỳ về trại, Lữ Nhạc hỏi:
- Bửa nay ngươi đánh với ai?
Lý Kỳ thưa:
- Ðệ tử giao đấu với Mộc Tra, đùng phướng phép rung lên thì Mộc Tra bại tẩu.
Lữ Nhạc vui vẻ, ngâm lên bài thơ:
Chẳng uổng công rèn luyện
Cho hay phép rõ ràng
Luyện trong lò tâo hóa
Rung trước mặt nhân gian
Rồng cọp đều kinh hãi
Yêu tinh thấy kinh hoàng
Thần tiên vương phép ấy
Táng mạng cũng không toàn
Lữ Nhạc ngâm dứt, Trịnh Luân bước đến thưa:
- Phép ấy chưa bắt được ta tướng nào, sao đệ tử nghe thầy khen như vậy?
Lữ Nhạc nói:
- Ngươi chưa rõ sự mầu nhiệm của nó, phép ấy lợi hại phi thường, tuy dùng nó dễ dàng, mà giết tướng không biết bao nhiêu. Cần gì phải cầm gươm vào trận dùng sức giao tranh.
Trịnh Luân nghe nói khâm phục chẳng cùng.
Hôm sau, Lữ Nhạc truyền Châu Thiên Lân:
- Ngươi đi đánh một chuyến kẻo từ trên núi xuống đây mà ngồi nhà mãi cũng buồn.
Châu Thiên Lân tuân lệnh cầm gươm đến trước thành kêu lớn:
- Trong thành Tây Kỳ có ai giỏi thì ra đánh với ta?
Tử Nha vừa rồi thấy hai tướng bị thương lạ, nên nhăn mặt làm thinh.
Lôi Chấn Tử bước tới thưa:
- Ðệ tử xin ra thành trừ đứa phách lối ấy.
Tử Nha nói:
- Ngươi phải cẩn thận chớ khinh địch.
Lôi Chấn Tử tuân lệnh kéo quân ra ngoài thấy một đạo sĩ mặt đỏ, choàng áo hồng bào liền hỏi:
- Ngươi là người quái gở, từ đầu đến đây hại anh em ta mang bệnh?
Châu Thiên Lân cười lớn:
- Ngươi đừng đem tướng mạo kỳ quái ra đây mà dọa ta? Ta không bao giờ biết sợ ai. Ta là Châu Thiên Lân ở Cửu Long đảo, còn ngươi tên họ là gì, khai cho ta biết.
Lôi Chấn Tử nói:
- Ta coi ngươi như cỏ rác, tài phép bao nhiêu mà dám cự với ta là Lôi Chấn Tử.
Nói rồi cất cánh bay lên, cầm kiếm đập xuống.
Châu Thiên Lân đưa gươm ra đỡ, nhưng ở trên đánh xuống lợi hơn ở dưới đánh lên, Châu Thiên Lân cự được ít hiệp rồi bỏ chạy. Lôi Chấn Tử bay theo bị Châu Thiên Lân dùng gươm phép chỉ lên, làm cho Lôi Chấn Tử sa xuống đất, thất kinh bỏ chạy về thành.
Tử Nha thấy Lôi Chấn Tử chạy hoảng vào tướng phủ, vội hỏi:
- Vì sao vậy?
Lôi Chấn Tử làm thinh, chỉ lắc đầu hai cái đã ngã xuống đất.
Tử Nha xem xét không thấy có dấu vết gì cả, không biết tại sao bị thương, liền khiến quân khiêng ra sau dinh tịnh dưỡng:
Còn Châu Thiên Lân về thưa với Lữ Nhạc:
- Ðệ tử ra khiêu chiến, đánh với Lôi Chấn Tử, chưa đầy vài hiệp, đệ tử lấy guơm phép chỉ một cái, Lôi Chấn Tử mang bệnh sa xuống đất tức thì.
Lữ Nhạc rất đẹp lòng, khen ngợi không dứt.
Bữa sau, Lữ Nhạc sai Dương Văn Huy ra trận.
Quân vào báo:
- Có một đạo sĩ lại đến khiêu chiến ngoài thành.
Tử Nha thất kinh nghĩ thầm:
- Mỗi ngày chúng đổi một người, chẳng khác trận Thập Tuyệt trước kia, không biết chúng đông đến bực nào?
Long Tu Hồ thưa:
- Hôm nay đệ tử xin ra trận
Tủ Nha nhận lời.
Long Tu Hồ nhảy phóng ra ngoài thành, thấy một đạo sĩ mặt chầy đen như lọ, râu tóc dựng ngược lên, mình mặc hắc bào, hai con mắt sáng giới, liền hỏi:
- Ai đến khiêu chiến đó?
Dương Văn Huy thấy một con quái vật cầm binh, thất kinh hỏi:
- Ngươi là giống gì mà hình thù quái gở?
Long tư Hồ nói:
- Ta là học trò của Khương Thừa Tướng tên là Long Tu Hồ.
Dưong Văn Huy nổi giận giơ gươm báu chém liền, nhưng bị Long Tu Hồ quăng đá tới tấp, không dám xáp vào, phải dang ra xa tránh né.
Ðược một lúc, Dương Văn Huy trá bại, Long Tu Hồ đuổi theo.
Dương Văn Huy lấy cây roi phép vụt Long Tu Hồ một cái, Long Tu Hồ kinh hãi chạy riết vào thành, hai tay vẫn liệng đá hoài không thôi, làm cho các vách tường bị lở. Khi xông đến tướng phủ, Long Tu Hồ vẫn còn quăng đá rầm rầm.
Tử Nha thấy vậy thất kinh liền khiến quân bắt trói lại.
Quân sĩ tuân lệnh dừng câu móc giật Long Tu Hồ té nhào.
Long Tu Hồ sôi bọt mép, không nói được nửa lời, đôi mắt trợn ngược, cứ nhìn thẳng lên trời mà thôi.
Tử Nha không rõ các đạo sĩ ấy dùng phép gì, ngồi buồn than với Dương Tiển:
- Thầy ta có nói ta bị ba mươi sáu đạo binh đến đánh Tây Kỳ, đến nay ta tính đã được ba mươi đạo rồi. Chẳng ngờ có bốn đạo sĩ dùng phép độc hại bốn đệ tử như vầy, biết làm sao trừ nổi.
Bỗng có quân vào báo nữa:
- Ngoài thành có một đạo sĩ ba con mắt đến khiêu chiến.
Dương Tiển nói:
- Năm ngày có năm người đến khiêu chiến, chẳng biết bên binh Thương có bao nhiêu đạo nhân Triệt giáo, xin sư thúc ra thành dò xét tình thế mới có cách cự địch được.
Tử Nha khen phải, liền khiến các đệ tử đồng theo mình bảo vệ.
Lữ Nhạc thấy Tử Nha ra trận, quân ngũ tề chỉnh, tướng tá uy nghiêm, lòng khen thầm:
- Thật chẳng khác Phong Hậu đời xưa.
Còn Tử Nha trông thấy dưới cây phướng vàng có một đạo sĩ ba con mắt, mình mặc hồng bào, cởi con lạc đà tròng mắt vàng, tay cầm gươm báu thì hét lớn:
- Ðạo huynh từ đâu đến đây, cớ gì lại đánh bọn đệ tử tôi bị thương?
Lữ Nhạc nói:
- Ta là Lữ Nhạc ở Cửu Long đảo, quyết đến đây bắt ngươi.
- Ðạo huynh là người tu hành há chẳng biết lẽ trời xưa nay hễ thuận thì còn nghịch thì mất. Bởi Trụ Vương vô đạo, trời khiến giang sơn nhà Thương thuộc về nhà Châu. Hiện nay non Kỳ phụng gáy, thánh chúa ra đời, các chư hầu đều trổ tài hào kiệt phò minh quân, thế mà đạo huynh lại đi phò bạo chúa, chống với số trời làm chi?
Lữ Nhạc cười lớn:
- Bởi ngươi ỷ Xiển giáo thần thông, khinh khi Triệt giáo, nên ta sai bốn đồ đệ ta ra trước để ngươi thấy lợi hại thế nào. Cho nên hôm nay ta thử sức với ngươi cho biết tài cao thấp.
Tiếp đó Lữ Nhạc ngâm một bài thơ:
Học trò Triệt giáo trước là ta
Luyện phép huyền công đâu phải tà?
Học độn ngũ hành là chuyện nhỏ
Thập thông vạn pháp mới tay già
Nghe lời Công Báo lòng thêm tức
Phải đến Tây Kỳ hại Tử Nha
Nếu đã biết thời mau sớm liệu
Hàng đầu cho dứt việc can qua
Tử Nha nghe ca cười lớn, nói:
- Nếu vậy đạo huynh nghe lời Thân Công Báo mà đến đã chẳng khác Triệu Công Minh và các tiên nương ở Tam Tiên đảo. Mấy người ấy rốt cuộc cũng không còn. Nay đạo huynh đến đây lại bước theo con đường ấy.
Lữ Nhạc nổi giận mắng:
- Tử Nha, ngươi tài phép bao nhiêu dám buông lời kiêu ngạo. Lời Thân Công Báo nói với ta quả không sai.
Nói rồi giục lạc đà đến giơ gươm chém Tử Nha.
Tử Nha đưa gươm ra đở.
Dương Tiển cầm thương giục ngựa đến trước, hét:
- Xin sư thúc khoan giao đấu đã. Ðể đệ tử bắt nó.
Nói rồi đâm Lữ Nhạc một giáo thật mạnh. Na Tra, Hoàng Thiên Hóa cũng xông vào vây Lữ Nhạc vào giữa.
Trịnh Luân thấy Hoàng Thiên Hóa, tức giận muốn canh hông, than:
- Thật uổng công hết sức, mình đã bắt được cha con Hoàng Thiên Hóa đem về, chủ tướng lại lén thả mất.
Than rồi giục thú đến cản Hoàng Thiên Hóa lại, hét:
- Hoàng Thiên Hóa! Có ta đến đây.
Hoàng Thiên Hóa thấy mặt cừu nhơn nổi giận xông vào hổn chiến.
Na Tra sợ Hoàng Thiên Hóa bị Trịnh Luân bắt nữa, liền lướt tới kêu lớn:
- Hoàng công tử hãy đánh với Lữ Nhạc, để tôi bắt Trịnh Luân cho.
Nói rồi xông vào cự chiến với Trịnh Luân.
Trịnh Luân biết không thể thâu hồn Na Tra được nên bỏ miếng cũ, lại coi chừng Càn Khôn Quyện.
Còn Dương Tiển đánh với Lữ Nhạc, có Hoàng Thiên Hóa giúp sức. Kế đó lại có Thổ Hành Tôn cũng xông vào vây Lữ Nhạc.
Lữ Nhạc thấy tướng Châu mỗi lúc một đông, nhắm một mình khó cự, liền rùng mình một cái, hiện ra ba đầu sáu tay. Một tay cầm Hình Thiên Ấn, một tay cầm phướng hình ôn, một tay cầm gươm Chỉ ôn, một tay cầm chuông Ôn dịch, còn hai tay nữa cầm song kiếm chống cự với ba tướng.
Tử Nha xem thấy kinh hãi, Dương Tiển biết Tử Nha sợ quá liền giục ngựa ra ngoài, gọi Kim Mao đồng tử đưa đạn vàng và cung, nhắm bắn vào cánh tay Lữ Nhạc.
Hoàng Thiên Hóa cũng giục Kỳ Lân nhảy trái ra ngoài, lấy Hỏa Long Tiêu nhắm vào đùi Lữ Nhạc quăng tới.
Tử Nha thấy vậy cũng quăng roi Ðả Thần Tiên lên.
Lữ Nhạc bị ba bửu bối tấn công một lúc, liền nhào xuống lạc đà độn thổ trốn mất..
Trịnh Luân thấy Lữ Nhạc bại tẩu, lớ quớ bị Tử Nha đâm một giáo nhằm chả vai, gần sa xuống lưng thú nên phải bỏ chạy.
Tử Nha truyền lịnh thu quân về thành.
Lúc ấy cha con Tô Hộ đứng trước cửa dinh, thấy Trịnh Luân bị thương, Lữ Nhạc bại tẩu, mừng rỡ nhủ thầm:
- Ðáng kiếp! Những đứa ỷ tài ỷ phép.
Lữ Nhạc chạy về dinh thở dốc vì bị roi Ðả Thần Tiên đánh trúng đổ hào quang.
Bốn đệ tử đứng xung quanh hầu hạ, than thở:
- Không dè sư phụ ra trận nầy rủi quá.
Lữ Nhạc nói:
- Chẳng hề chi ta có thần dược.
Nói rồi lấy bầu thuốc uống mấy viên, tinh thần sảng khoái như trước.
Lữ Nhạc nói:
- Khương Thượng tuy thắng được một trận, nhưng không thể cứu nổi cả thành..
Vừa nói vừa lấy thuốc thoa cho Trịnh Luân. Chốc lát Trịnh Luân cũng lành mạnh như cũ.
Ðến canh ba, Lữ Nhạc truyền bốn người đồ đệ, mỗi người lãnh một bầu thuốc ôn đơn, độn thổ đến thành Tây Kỳ. Còn Lữ Nhạc cởi Lạc đà đến đó điều khiển. Trong thành Ðông, Tây, Nam. Bắc đều vải ôn đơn là thứ thuốc độc vô cùng tai hại. Qua đến canh năm mấy thầy trò mới về trại.
Bấy giờ thành Tây Kỳ bị nhiểm độc, các ao giếng đều đầy cả ôn đơn nhưng quân sĩ không biết cứ dùng nước ấy mà nấu ăn. Vua quan, văn võ, tướng sĩ, dân chúng đều một loạt mắc bệnh không dậy nổi. Chỉ hai ngày, trong thành không còn một người dậy nấu cơm, nhà không thấy khói, đường vắng người đi, chỉ nghe tiếng rên rỉ mà thôi.
Các đệ tử tiên gia cũng đều mang bệnh ấy chỉ trừ Na Tra, bởi cốt bông sen, Dương Tiển có huyền công nên mạnh dạn như thường.
Na Tra vào thăm Võ vương còn Dương Tiển lo chăm sóc Thừa Tướng. Ai nấy mặt mày xụi lơ.
Na Tra nói với Dương Tiển:
- Nội thành chỉ có anh em ta khỏi bệnh, nếu Lữ Nhạc kéo binh đến cướp lấy, làm sao?
Dương Tiển nói:
- Không hề chi đâu. Ðây chắc là tai nạn của sư thúc, chớ Võ vương là chơn thánh, phước đức như sông núi, chắc cũng có thần tiên đến cứu.
Hai người lo lắng đêm ngày, chạy ra chạy vào các nơi để săn sóc.
Còn Lữ Nhạc sau khi vải thuốc độc xuống thành Tây Kỳ trở về đến với Tô Hộ:
- Ta giúp Tướng quân thành công, khỏi dùng đến gươm giáo, giết trọn thành Tây Kỳ.
Tô Hộ ngồi làm thinh, tỏ vẻ không tin.
Bữa sau Trịnh Luân thưa với Lữ Nhạc:
- Tôi coi thành Tây Kỳ vắng vẻ không một bóng người thấp thoáng, chắc tướng sĩ đều mang bịnh hết, xin sư phụ cho tôi đem một đạo binh đến phá thành bắt tướng, trả thù cho sư phụ.
Lữ Nhạc nói cũng được, bằng không nội trong năm ngày nữa trong thành cũng chết rục.
Trịnh Luân liền kéo binh ra quyết đột nhập vào thành rửa hận.
Na Tra trông thấy thất kinh nói với Dương Tiển:
- Binh Thương kéo đến quá đông chúng ta không còn một tên lính thủ thì thành, cự sao lại.
Dương Tiễn nói:
- Ðể tôi làm kế này cho binh địch phải lui.
Nói rồi hốt đất và nhổ cỏ vải lên mặt thành, miệng niệm thần chú, tức thì hóa ra muôn binh ngàn tướng đứng trên mặt thành chật ních.
Trịnh Luân vừa kéo binh đến, thấy binh tướng đông hơn trước nên chẳng dám phá thành, liền kéo quân trở về thưa với Lữ Nhạc.
Lữ Nhạc lấy làm lạ, sai người đi thám thính xem hư thiệt thế nào.
Còn Dương Tiển làm phép ấy chỉ tạm đỡ mà thôi, trong một giờ ba khắc thì binh tướng biến mất, thành Tây Kỳ trở lại cảnh vắng vẻ như cũ.
Na Tra lo sợ, nếu binh Thương biết được chắc khó lòng gạt gẩm.
Bỗng nghe trên không có tiếng hạc kêu, rồi Huỳnh Long chơn nhơn hạ xuống.
Dương Tiển và Na Tra đều bước ra làm lễ.
Huỳnh Long chơn nhơn hỏi Dương Tiển:
- Thầy ngươi đã tới chưa?
Dương Tiển thưa:
- Thầy tôi chưa thấy đến.
Huỳnh Long chơn nhơn vội vào thăm Tử Nha, Võ vương, rồi trở lên mặt thành thì thấy Ngọc Ðảnh chơn nhơn vừa đến.
Huỳnh Long hỏi:
- Sao đại huynh đến trể vậy?
Ngọc Ðảnh nói:
- Tôi hóa hào quang bay, nên không theo kịp cánh hạc.
Nói rồi quay qua bảo Dương Tiển:
Nay Lữ Nhạc dùng chất ôn độc hại thành Tây Kỳ, ngươi phải qua Hỏa Vân động ra mắt Tam Thánh đại sư xin thuốc về đây mới cứu nổi.
Dương Tiển tuân lệnh đằng vân thẳng đến động Hỏa Vân.
Ðộng này mây xanh tám cõi, mây phủ bốn phương, hoa cỏ muôn màu, trông đẹp mắt lắm.
Dương Tiển đến nơi không dám vào, đứng chờ ngoài cửa cả buổi mới thấy một đạo đồng bước ra, Dương Tiển đón lại nói:
- Tôi là Dương Tiển, học trò Ngọc Ðảnh chơn nhơn nay thầy tôi dạy tôi đến đây ra mắt Tam Thánh lão gia, xin đạo huynh làm ơn thưa lại
Ðạo đồng hỏi:
- Ngươi biết Tam Thánh là ai mà dám kêu Ðại lão gia?
Dương Tiển bái và thưa.
- Ðệ tử biết không rõ.
Ðạo đồng nói:
- A ngươi không biết thì ta không chấp làm gì. Ba vị Thánh nhân gọi là Tam Hoàng tức là: Phục Hy, Thần Nông và Huỳnh Ðế.
Bây giờ Dương Tiển mới rõ nói:
- Thật tôi dốt nát, nếu không nhờ đạo huynh dẫn giải tôi không sao hiểu thấu.
Ðồng tử vào động, giây phút trở ra nói:
- Ba vị hoàng gia đợi ngươi vào ra mắt.
Dương Tiển vào động, thấy ba ông, ông ngồi giữa có mọc cặp sừng, ông ngồi bên tả mặc áo da cọp màu xanh lá cây, ông ngồi bên hữu đội mão như vua. (Ấy là Phục Hy ngồi giữa, Thần Nông ngồi bên tả, Huỳnh Ðế ngồi bên hữu. Vì các triều vua ấy qua đến triều Huỳnh Ðế mới bắt đầu có áo mảo.)
Dương Tiển quỳ tâu:
- Tôi là Dương Tiển, vâng lệnh thầy tôi là Ngọc Ðảnh chơn nhơn đến lạy Hoàng gia xin thuốc.
Vua Phục Hy hỏi:
- Ngươi muốn xin thuốc gì?
Dương Tiển nói:
- Lữ Nhạc là đồ đệ của Triệt giáo xuống thần giúp Tô Hộ đánh Tây Kỳ, chẳng biết dùng tà thuật gì mà làm cả thành từ quan quân đến dân chúng đều đau hết, không một người dậy nổi. Xin Hoàng gia lấy lòng nhân đức cứu dân.
Vua Phục Hy nói với Thần Nông:
- Chúng ta làm vua, kế chế ra bùa Bát quái, người nếm thuốc cứu dân, sau nữa chế ra lễ nhạc giáo hóa, thế gian chẳng hề ly loạn.
Nay vận nhà Thương đã suy, bốn biển giặc giả bởi Trụ Vương dâm bạo, nên trời khiến nhà Châu ra đời, thế mà Thân Công Báo cải mệnh trời, thỉnh Tà đạo xuống trần sát hại sinh linh, thật là đại ác. Ngự đệ cũng nên cứu giúp Võ vương để chứng tỏ nghề thuốc không phải vô ích.
Thần Nông đáp:
- Hoàng huynh nói phải lắm.
Liền vào sau dinh lấy ba viên thuốc hòa với nước, truyền đem về cứu thành.
Dượng Tiển tâu:
- Cả thành hơn mấy trăm vạn người, làm sao chỉ có ba viên thuốc mà cho uống khắp được?
Thần nông nói:
- Dân chúng trong thành nhiểm bệnh ôn dịch do Lữ Nhạc chế ra ôn đơn mà ám hại. Bệnh nay không cần uống thuốc, cứ đem thuốc ấy về rảy bốn cửa thành, tự nhiên hơi độc phải tan.
Dương Tiển lấy thuốc từ tạ ra đi, Thần Nông gọi lại nói:
- Hãy khoan. Ta cho ngươi giống cỏ đem về Tây Kỳ truyền bá trong dân chúng, hễ ai nghe mắc bệnh truyền nhiễm thì tìm cỏ ấy mà uống ắt hết bệnh.
Thần Nông nói rồi ra sau động nhổ một cây cỏ trao cho Dương Tiển.
Dương Tiển tâu:
- Xin Hoàng gia cho đệ tử biết cỏ ầy tên gọi là chi, để về nhân gian truyền bá.
Than Nông phán:
- Hãy nghe ta ngâm bài kệ nầy:
Cho hay Lữ Nhạc hại lê dân
Ôn dịch truyền ra độc thấu gân
Một vị Sài hồ sanh núi báu
Trị tiêu truyền nhiểm hiệu như thần
Dương Tiển lạy tạ, cầm vị thuồc Sài hồ và ba viên thuốc độn thổ trở lại Tây Kỳ thưa các việc với Ngọc Ðảnh chơn nhơn.
Ngọc Ðảnh chơn nhơn truyền đem thuốc rảy bốn mặt thành, dân chúng đều hết bịnh.
Thuốc thần hiệu nghiệm mau như chớp
Bệnh dịch tiêu trừ mạnh thể xưa
Cách bảy bữa sau, Lữ Nhạc nói với các đệ tử:
- Nhắm chừng hôm nay thành Tây Kỳ đã chết hết rồi.
Tô Hộ nghe nói buồn bả, đêm ấy lén đến thành Tây Kỳ dò xét, binh tướng trên thành vẫn nhộn nhịp như thường cờ xí rộn ràng, giáo gươm lởm chởm.
Tô Hộ nghĩ thầm:
- Mấy tên đạo sĩ nầy chỉ được khoe khoang và dối gạt, ta làm nhục một bữa cho chừa thói ấy.
Nghĩ rồi trở về dinh, cho mời Lữ Nhạc đến, hỏi:
- Phép của thầy có linh nghiệm chăng?
Lữ Nhạc nói:
- Tôi luyện phép ôn đơn đã ba ngàn năm, linh nghiệm như thần, không thể nào tả nổi.
Tô Hộ cười thầm nói:
- Nếu thuốc linh nghiệm tại sao đến hôm nay thành Tây Kỳ quân sĩ vẫn đông nghẹt, tướng tá vẫn mạnh như hùm, dân chúng qua lại trên thành đông như hội.
Lữ Nhạc nghe nói ngạc nhiên:
- Lẽ nào có chuyện như vậy?
Tô Hộ nói:
- Thì việc trước mắt, tôi làm sao nói dối được. Tôi đâu phải là kẻ thần tiên dùng phép để gạt gẩm người ta.
Lữ Nhạc ra trước dinh, nhìn qua phía thành Tây Kỳ thấy quân tướng lao xao, chẳng khác lúc trước, kinh ngạc nói:
- Mấy hôm nay tôi luôn luôn sai ngươi thám thính thấy trên thành vắng vẻ, không một tiếng chó sủa, không một bóng người, tại sao hôm nay có việc lạ lùng. Liền đánh tay xem mới biết rõ các việc, liền hét lớn:
- Ngọc Ðảnh chơn nhơn sai người đến Hỏa Vân động xin thuốc về cứu cả thành rồi.
Nói rồi truyền bốn người đồ đệ và Trịnh Luân, mỗi người lảnh ba ngàn binh thừa lúc quân dân trong thành mới ngoắc ngoải kéo vào giết một trận cho biết tay.
Trịnh Luân tuân lệnh vào xin binh đi phá Tây Kỳ.
Tô Hộ biết Lữ Nhạc không thể nào đánh lại Tử Nha nên cấp cho một muôn hai nhân mã.
Châu Tín lãnh ba ngàn binh sĩ kéo đến Ðông môn. Châu Thiên Lân lãnh ba ngàn binh mã kéo đến Tây môn. Lý Kỳ lãnh ba ngàn quân kéo qua cửa Nam môn. Dương Văn Huy lãnh ba ngàn quân kéo sang cửa Bắc môn với Lữ Nhạc, còn Trịnh Luân đi sau ứng tiếp
khi ấy Na Tra đứng trên thành thấy binh Thương kéo tới liền thưa với Huỳnh Long chơn nhơn:
- Trong thành binh tướng mới mạnh, còn yếu lắm, nay binh Thương đến vào thành, biết làm sao cự lại?
Huỳnh Long chơn nhơn nói:
- Ngươi đừng lo. Ta đã có cách đối phó.
Nói rồi sai Dương Tiển lên cửa Ðông, mở hết cửa thành cho địch kéo vào, lại sai Na Tra đến cửa Tây mở bét cửa thành cho địch tràn vào, còn Ngọc Ðảnh chơn nhơn và Huỳnh Long chơn nhơn một người mở cửa phía Bắc, một người mở cửa phía Nam, đứng chờ binh Thương vào thành hổn chiến.
@by txiuqw4