Khi ấy đạo sĩ bước đến nói:
- Ăn uống no say rồi về đây trêu ta đó hay sao?
Võ Dực tiên nói:
- Bẩm đạo sĩ! Tôi chỉ ăn có ba cái bánh sao bây giờ đau bụng quá chắc phen này tôi chết mất.
Ðạo sĩ vẫn điềm nhiên nói:
- Nếu ăn vào không chịu thì mửa ra, có gì đâu mà rên la.
Võ Dực tiên nghe nói vội moi cổ cho mửa ra. Nhưng lạ lùng tay khi mửa ra thì cục nào cục nấy như trứng gà, dính liền nhau như dây chuỗi khiến cho Võ Dực tiên thất kinh, mặt cắt không còn chút máu.
Bỗng đạo sĩ lau mặt hét lớn:
- Võ Dực tiên! Thật là đồ quái tặc. Ngươi đã nhìn ra ta chưa?
(Ðạo sĩ ấy là Nhiên Ðăng, khi nãy sợ Võ Dực tiên biết nên phải lau mặt giả hình, nay lau mặt hiện nguyên hình lại).
Võ Dực tiên thất kinh, sửng sốt nhìn Nhiên Ðăng không nói một lời.
Nhiên Ðăng điểm tay vào mặt mắng:
- Ngươi là loài yêu nghiệt! Tử Nha vâng lệnh Nguyên Thỉ xuống phạt Trụ phò Châu để cứu muôn dân trong cảnh binh lửa, sao ngươi dám cãi mệnh trời, đánh Tử Nha, lại còn muốn ăn thịt ta nữa.
Mắng rồi, phất tay áo bảo Huỳnh Cân lực sĩ:
- Ðem treo cổ thằng nầy vào cội tòng chờ khi phạt Trụ rồi phân xử nó sau.
Võ Dực tiên nghe nói, khóc lóc, năn nỉ:
- Xin đạo sư tha tội cho kẻ lầm đường. Bởi tôi nghe lời xúi giục nay quá ăn năn, không dám phá Tây Kỳ nữa.
Nhiên Ðăng nói:
- Nếu ngươi đã biết ăn năn. Vậy ngươi chịu làm đệ tử ta thì ta tha tội cho.
Võ Dực tiên cúi lạy nói:
- Ðệ tử xin theo thầy tu niệm cho thành chánh quả.
Nhiên Ðăng chỉ tay một cái, xâu chuỗi rơi xuống đất.
Võ Dực tiên mới hay một trăm lẻ tám cái bánh mình vừa ăn đó là xâu chuỗi hột.
Nhiên Ðăng thâu chuỗi xong dẫn Võ Dực tiên về núi Linh Tựu.
Nói về núi Cửu Tiên, động Ðào Nguyên, ông Quảng Thành Tử bấy giờ đang ngồi trong động, bỗng thấy Bạch Hạc đồng tử đem trát đến.
Quảng Thành Tử lật ra xem thì thấy Nguyên Thỉ viết: Tử Nha gần bái tướng, các đệ tử phải đến Tây Kỳ mà đưa.
Quảng Thành Tử xem xong tạ ơn, Bạch Hạc đồng tử bay về động.
Quảng Thành Tử thầm nghĩ:
- Nay Tử Nha gần đem binh đánh năm ải, ta nên cho Ân Giao xuống Tây Kỳ giúp đỡ Tử Nha trước thăm xứ sở, sau giết Ðắt Kỷ trả thù cho mẹ.
Nghĩ rồi, kêu lớn:
- Ân Giao đâu, ra ta dạy việc.
Ân Giao đang ở sau động, nghe thầy kêu vội chạy vào quì thưa:
- Thầy đòi con dạy việc chi?
Quảng Thành Tử ân cần nói:
- Võ Vương nay hội chư hầu tại Mạnh Tân để phạt Trụ. Vậy nay đã đến lúc con trả được thù. Thầy muốn sai con xuống Tây Kỳ giúp Tử Nha phạt Trụ, ý con nghĩ thế nào?
Ân Giao thưa:
- Cha con nghe lời Ðắt Kỷ và gian thần giết vợ lại còn làm cho mẹ con phải thác oan. Thù ấy không bao giờ nguôi. Nay thầy cho đi, con đâu dám trái.
Quảng Thành Tử vui vẻ nói:
- Vậy con hãy ra sau động Ðào Nguyên, dựa gành Sư Tử tìm một binh khí đem về đây đặng thầy truyền võ nghệ và phép tắc đặng xuống núi lập công báo thù.
Ân Giao vâng lịnh ra đi. Ði đến cầu đá, bỗng thảy một cái động như đền đài lầu các.
Ân Giao nghĩ thầm:
- Xưa nay thầy không cho ta đến chốn này, nay sai đến tìm binh khí, thật là chuyện lạ. Nhưng chẳng lẽ thầy lại hại ta. Cứ nhắm mắt ta vào đại thử xem sao.
Nghĩ rồi, Ân Giao bước qua cầu đá, từ từ đẩy cửa bước vào, thấy trong động có bốn ghế đá và một cái bàn, trên bàn có bảy hột đậu hơi thơm bốc lên nghi ngút.
Ân Giao không thể nhịn được, liền đưa tay bóc ba thử một hột, thấy thơm ngon khác thường, nên Ân Giao ăn hết không còn một hột. Ăn uống xong, Ân Giao ngồi nghĩ:
- Thầy sai đi tìm binh khí, ta lại trái lời vào đây phá phách, thật là tội lớn.
Nghĩ rồi liền lên bước ra khỏi động, trở lại cầu đá. Bỗng nơi vai Ân Giao kêu rắc một tiếng, Ân Giao giật mình nhìn lại thấy vai mình mọc thêm hai cánh tay. Tiếp đó bốn cánh tay mọc thêm nữa, và hai cái đầu ở cổ lòi ra cộng tất cả là ba đầu sáu tay.
Ân Giao sảng sốt, không biết vì cớ gì, bỗng nghe trước có tiếng Bạch Vân đồng tử gọi lớn:
- Sư huynh! Thầy cho đòi anh vào hầu lập tức.
Ân Giao trợn con mắt nhìn Bạch Vân đồng tử chẳng ngờ lại có thêm một con mắt giữa trán nữa, tức là Ân Giao có ba đầu mà ba con mắt.
- Sư huynh hiện quỷ rồi!
Quảng Thành Tử bước ra thấy Ân Giao như vậy đã không quở trách lại vỗ tay khen:
- Nhà Châu có phước lớn nên mời khiến tướng dữ ra phò. Việc nầy lạ lắm, nhưng chưa hề chi.
Nói rồi dắt Ân Giao ra động Ðào Nguyên dạy nghề đánh kích.
Khi Ân Giao đã thành thục, Quảng Thành Tử lại trao các bửu bối như Phiên Thiên Ấn, Lạc Hồn Chung, Thư Hùng kiếm cho Ân Giao và nói:
- Ngươi xuống Tây Kỳ trước, ít ngày nữa ta cũng đến sau.
Ân Giao lảnh các báu vật, lạy tạ.
Quảng Thành Tử nói:
- Ta còn một lời nay cần dặn dò ngươi. Ta đã trao hết bửu vật cho ngươi tức là ta mong ước ngươi giúp Võ vương, thâu năm ải phạt Trụ cứu dân, nếu một mai người cãi lời ta, làm khác đi sẽ bị tru diệt.
Ân Giao thưa:
- Công sư phụ dạy dỗ bao nhiêu năm trời, lẽ nào con dám cải mạng, vả lại cha tôi bạo ngược, giết vợ hại con, thù Ðắt Kỷ chưa phai trong lòng, con quyết chí xuống đầu Châu hiệp lực với sư thúc đánh năm ải, phá Triều Ca, bắt Ðắt Kỷ bằm xương trả oán.
Quảng Thành Tử nói:
- Nhưng tình đời hay thay đổi, trần thế ảnh hưởng xấu xa, thì chỉ sợ xa thầy, con bị sa ngã.
Ân Giao nói:
- Nếu con đổi lòng, con sẽ bị lưỡi cày cầy nát thây.
Quảng Thành Tử nghe nói mừng rỡ.
Ân Giao từ giã độn thổ xuống thành Tây Kỳ.
Ði được một đỗi, Ân Giao trồi đầu lên gặp một hòn núi lớn, hoa quả xanh tươi, bả tòng rậm rạp. Ân Giao chưa biết đây là đâu, lơ láo nhìn thì nghe trong rừng rậm có tiếng thanh la khua vang, rồi bên rừng xuất hiện một tướng cỡi ngựa hồng, có ba con mắt, tay cầm cặp bản lang nha xông tới hét lớn:
- Người ba đầu tên chi, dám đến đây dọ thám dinh trại ta!
Ân Giao nói.
- Ta là Thái tử Ân Giao có việc đi ngang qua đây, sao ngươi dám vô lể.
Tướng ấy nghe nói liền bước xuống ngựa chấp tay tung hô vạn tuế và hỏi:
- Ðiện hạ có việc gì lại đi qua núi Bạch Long nầy?
Ân Giao nói:
- Ta vâng lịnh sư phụ xuống Tây Kỳ giúp Tử Nha.
Nói chưa dứt lời đã thấy một tướng khác cũng ba con mắt, nhưng có ba chòm râu dài, mặt tợ dồi phấn, đầu đội ngân khôi, mang bạch giáp cỡi ngựa kim, cầm giáo xông đế hỏi lớn:
- Ai đó vậy?
Người mặt xanh đến trước nói:
- Ân Ðiện hạ đấy, hãy xuống ngưụa ra mắt cho mau.
Người mặt trắng liền xuống yên làm lễ, rồi nói:
- Xin mời Ðiện hạ về trại.
Ân Giao thấy hai người đối xử thâm tình như vậy, không từ chối, theo về trời lập tức. Ðến nơi, hai người mời Ân Giao ngồi lên cao, rồi cùng nhau quì móp dưới đất.
Ân Giao vội đỡ hai người dậy, và nói:
- Nhị vị tướng quân tên họ là chi?
Người mặt xanh thưa:
- Tôi là Ôn Lương, còn người ấy là Mã Thiện, lâu nay chiếm cứ núi này làm kế mưu sinh.
Ân Giao nói:
- Ta xem hai vị đều là tay hào kiệt, tại sao không giúp nước lập công, hưởng lộc triều đình, mà sống với núi non hư danh tiết. Nếu hai vị theo tôi xuống Tây Kỳ, phò Châu đánh Trụ, tôi hết lòng hướng dẫn.
Người mặt trắng thưa:
- Ðiện hạ là dòng dõi Thành Thang, tại sao lại phò Châu đánh Trụ, xin dạy cho chúng tôi biết.
Ân Giao nói:
- Khí số nhà Thương đã hết, Châu Võ vương ra đời. Vả lại cha ta bạo ngược, làm nhiều việc thất đức, nên vận nước đổi dời. Ta không thể cãi mệnh trời theo phò kẻ dữ.
Mã Thiện và Ôn Lương đều khen phải, hối quân dọn tiệc đãi.
Ân Giao, khen điểm binh mã, dựng cờ Châu, cùng nhau kéo đi một lượt.
Ðoạn quân đi được hai mươi dậm, qua khỏi núi Bạch Long thì bỗng có tiền quân chạy trở lại báo tin:
- Có một đạo sĩ cỡi cọp đến đây, xin ra mặt điện hạ.
Ân Giao truyền quân đóng trại, rồi mời đạo sĩ vào.
Ðạo sĩ xuống lưng hùm, vào yết kiến Ân Giao.
Ân Giao hỏi:
- Ðạo trưởng từ đâu đến, có điều gì chỉ dạy?
Ðạo sĩ nói:
- Ta là đệ tử núi Côn Lôn, họ Thân, tên Công Báo, vì thấy điện hạ đi ngang đây nên phải vào yết kiến. Chẳng hay điện hạ kéo binh đi đâu vậy?
Ân Giao nói:
- Tôi vâng lệnh sư phụ xuống Tây Kỳ giúp đỡ Tử Nha.
Thân Công Báo vừa cười vừa nói:
- Ðiện hạ nói gì ta không rõ. Vua Trụ là người thế nào đối với điện hạ?
Ân Giao nói:
- Trụ vương là cha đẻ của tôi.
Thân Công Báo cười mỉa mai:
- Thật là chuyện lạ lùng! Trên thế gian ta chưa thấy người con nào lại giúp người dưng đánh cha mình. Ai bày ngươi làm cái chuyện ngỗ nghịch ấy?
Ân Giao nói:
- Tuy Trụ vương là cha tôi, song khi số nhà Thương đã hết. Võ Vương là vua chân chánh, thiên hạ đều phục tùng, mệnh trời định, tôi đâu dám cãi lại.
Thân Công Báo nói:
- Cha ngươi làm những việc gì gọi là ác!
Ân Giao nói:
- Cha tôi ham dâm vô đạo, giết vợ hại con, không lo việc trị dân, chỉ nghĩ đến tửu sắc.
Thân Công Báo nói:
- Trụ vương thất đức đã đành, nhưng kẻ sai ngươi xuống trần giết cha, phản chúa thì kẻ ấy còn vô đạo hơn Trụ vương nhiều. Cha mẹ là tình thiêng liêng, dù có lỗi đạo với con, con cũng không nên trách, huống hồ lại giúp cho người dưng đi giết cha mình thì còn đạo lý gì nữa. Trời nào lại bảo con phải giết cha là thuận theo lẽ trời!
Ân Giao làm thinh có vẻ nghĩ ngợi.
Thân Công Báo thấy Ân Giao có vẻ xiêu lòng, nói tiếp:
- Cha ngươi tuổi đã già, không bao lâu nữa cái cơ nghiệp kia sẽ về tay ngươi sửa trị, ngươi dại khờ tin theo lời phỉnh phờ của bọn vô đạo, giúp người khác để đoạt lấy cơ nghiệp mình thì không còn gì dại dột hơn.
Ân Giao nói:
- Ðạo trưởng luận cũng có lý, song thầy tôi đã dạy, tôi không thể trái lời.
Thân Công Báo nói:
- Ngươi đừng mê muội, tưởng những kẻ dạy dỗ ngươi là nhơn đức. Họ không có gì nhơn đức cả. Nếu họ nhân đức thì không khi nào họ sai ngươi xuống giết cha ngươi, không khi nào họ đem Thái Cực Ðồ đốt em ngươi là Ân Hồng thành tro bụi, trong lúc Ân Hông đã ăn năn hối lỗi trước giờ chết.
Ân Giao nghe nói thất kinh hỏi:
- Em tôi vì sao mà chết?
Thân Công Báo nói:
- Người ta biểu em ngươi đi giết cha ngươi, em ngươi không chịu làm việc bất hiếu, nên đã bị Tử Nha dùng Thái Cực Ðồ đốt ratro.
Ân Giao nghe nói rối lòng, hỏi:
- Chuyện ấy quả thật như vậy sao?
Thân Công Báo nói:
- Ta không bao giờ nói dối, việc ấy thiên hạ ai cũng biết. Bây giờ Trương Sơn đang cầm binh đánh Tây Kỳ, nếu không tin ngươi xuống đó hỏi Trương Sơn thì rõ.
Ân Giao nghe nói tủi lòng khóc lớn.
Thân Công Báo nói:
- Ngươi cứ xuống Tây Kỳ, nếu quả Ân Hồng không bị giết thảm thiết như vậy, thì ngươi sẽ đầu Châu, còn đúng như lời ta nói, thì ngươi phải giữ bổn phận làm con, làm anh, đem thân giúp nước rửa thù, thì mới gọi là nghĩa là nghĩa. Ta sẽ đi tìm một người tài phép xuống giúp ngươi.
Nói rồi cởi cọp đi thẳng.
Ân Giao ngại ngùng, tuy kéo binh xuống Tây Kỳ mà lòng ngổn ngang trăm mối:
- Em ta không cừu oán với ai, lẽ nào người ta xử tệ như vậy? Nếu Tử Nha quả thiệt giết em ta, ta quyết rửa thù cho hả giận.
Khi Ân Giao đến Tây Kỳ đã thấy dinh trại binh Thương đóng tại đó.
Ân Giao sai Ôn Lương đến hỏi, thì quả là trại của Trương Sơn.
Bấy giờ Trương Sơn trong ngóng Võ Dực tiên đã hai ngày mà không thấy trở lại, lòng buồn bực không yên, bỗng thấy quân vào báo:
- Có một vị tướng đến mời Nguyên soái ra mắt Ðông cung điện hạ.
Trương Sơn ngồi ngẫm nghĩ:
- Ðông cung điện hạ là Ân Giao mất tích đã lâu, sao nay có mặt nơi Tây Kỳ?
Nghĩ rồi truyền tướng ấy vào trại.
Ôn Lương bước vào ra mắt, Trương Sơn hỏi:
- Tướng quân từ đâu đến, có việc chi cần dạy?
Ôn Lương đáp:
- Tôi vâng lịnh điện hạ Ân Giao, mời tướng quân ra mắt.
Trương sơn nói:
- Ðông cung trước kia bị gió bay mất, lẽ nào còn Ðông cung sao?
Lý Cẩm ngồi một bên quay lại nói với Trương Sơn:
- Có lẽ là sự thật, xin Nguyên soái đến đó xem thiệt hư lẽ nào cho biết.
Trương Sơn y lời cùng Lý Cẩm theo Ôn Lương ra khỏi trại.
Ôn Lương vào trước thưa với Ân Giao:
Trương Sơn đã tuân lệnh điện hạ đến đây.
Ân Giao truyền cho vào, Trương.Sơn vào đến nơi thấy một người ba đầu sáu tay ngồi trước điện, liền hỏi:
- Chẳng hay điện hạ thuộc tông phái nào?
Ân Giao nói:
- Ta là Nhứt điện Ân Giao.
Rồi thuật các chuyện cũ xảy ra tại Triều Ca cho Trương Sơn nghe.
Trương Sơn mừng rỡ, làm lễ bái yết.
Ân Giao nói:
- Tướng quân có rõ chuyện Ân Hồng chăng?
Trương Sơn thưa:
- Nhị điện đem binh chinh phạt Tây Kỳ, bị Tử Nha dùng Thái Cực Ðồ đốt nát thành tro rồi.
Ân Giao khóc rống lên một tiếng, nhào xuống đất chết ngất. Các tướng đỡ dậy khuyên giải.
Ân Giao nói:
- Em ta tình cốt nhục làm sao quên thù nầy được.
Nói rồi bẻ gãy cây cờ lịnh tiển, thề rằng:
- Nếu ta không giết Khương Thượng để báo thù cho em ta thì ta sẽ như cây cờ nầy.
Sáng hôm sau, Ân Giao kéo binh ra trận kêu tên Tử Nha ra thành hội kiến.
Quân vào báo, Tử Nha dẫn binh tướng ra thành, Na Tra thấy hai tướng theo hầu và Ân Giao đều có ba con mắt, liền nói nhỏ với Tử Nha:
- Ba người này có chín con mắt, cộng thành bốn người rưỡi.
Ân Giao lướt tới hỏi lớn:
- Tử Nha là ai?
Tử Nha giục Tứ Bất Tướng đến đáp:
- Ta là Thừa Tướng Tử Nha đây, còn ngươi tên họ là chi?
Ân Giao hét:
- Ta là Nhất điện Ân Giao. Sao ngươi dám dùng Thái Cực Ðồ hại em ta thành tro.
Tử Nha nói:
- Ấy là lỗi tại Ân Hồng. không phải ta muốn sát hại.
Ân Giao nổi giận, gầm lên một tiếng, không thèm tranh luận với Tử Nha, lướt tới đâm Tử Nha một kích.
Na Tra vung giáo cản lại, nói:
- Có ta cùng ngươi đối địch, chớ làm hỗn với sư thúc ta.
Ân Giao đánh với Na Tra được ít hiệp, lấy Phiên Thiên Ấn quăng lên đánh nhằm vai Na Tra một cái gần muốn sụm, Na Tra té xuống xe. Hoàng Thiên Hóa vung song chùy đến cản lại, các tướng Châu cứu Na Tra về thành.
Hoàng Thiên Hóa đánh với Ân Giao được ít hiệp bị Ân Giao dùng chuông Lạc Hồn rung lên, Hoàng Thiên Hóa tâm thần hỗn loạn nhào xuống đất, bị Trương Sơn lanh tay bắt trói.
Hoàng Phi Hổ thảy con bị bắt nóng lòng giục Thần ngưu đến đánh.
Ân Giao không thèm giao tranh, lấy Lạc Hồn rung vài cái, Hoàng Phi Hổ mê man té xuống lưng trâu, bị Mã Thiện, Ôn Lương bắt trói nữa.
Dương Tiễn thấy Ân Giao dùng Lạc Hồn chung sợ Tử Nha lâm nguy, liền giống chiêng thu quân về thành.
Tử Nha bại trận, về trước trướng ngồi buồn bã, Dương Tiển bước đến thưa:
- Thật là lạ lùng.
Tử Nha hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Ân Giao dùng Phiên Thiên Ấn đả thương Na Tra, phép ấy là của Quảng Thành Tử sư bá, tại sao Ân Giao có được?
Tử Nha nói:
- Chẳng lẽ Quảng Thành Tử cho Ân Giao mượn bửu bối đánh ta?
Dương Tiển nói:
- Thừa Tướng đã quên câu chuyện Ân Hồng rồi sao. Biết đâu trong trường hợp nầy cũng xảy ra câu chuyện đáng buồn như vậy.
Tử Nha ngồi làm thinh ngẩm nghĩ không nói.
Bấy giờ Ân Giao thắng trận về dinh, truyền đem cha con Hoàng Phi Hổ đến trước trướng, hỏi:
- Ngươi là ai đó?
Hoàng Phi Hổ nói:
- Ta là Võ Thành vương Hoàng Phi Hổ.
Ân Giao lấy làm lạ, hỏi lại:
- Tây Kỳ cũng có Hoàng Phi Hổ sao?
Trương Sơn nói:
- Chính là Hoàng Phi Hổ ở Triều Ca, phản chúa đầu Châu, gây ra chinh chiến. Nay cha con nó bị Ðiện hạ bắt, thật lưới trời lồng lộng thưa mà chẳng lọt.
Ân Giao nghe rõ, vội bước xuống mở trói cho Hoàng Phi Hổ và nói:
- Người nầy là ân nhân của ta. Trước kia nếu không nhờ Võ Thành Vương thì anh em ta đã mất mạng rồi, đâu còn sống đến ngày nay
Hoàng Phi Hổ hỏi:
- Ðiện hạ trước kia bị gió thổi bay đi mất, sao ngày hôm nay trở về được?
Ân Giao không dám nói rõ tên thầy mình, sợ đối phương biết được nguồn gốc, nên nói trớ rằng:
- Hai đó ta được một vị tiên ở Hải đảo cứu đem về nuôi, nay ta xuống đây quyết rửa hờn cho em ta. Còn tướng quân sao lại đầu Châu.
Hoàng Phi Hổ nói:
- Trụ vương càng ngày càng vô đạo, sát hại trung thần, ham dâm lạc họa, đến nhị vị Ðiện hạ là tình máu mủ mà Trụ Vương còn đem chém đi, huồng hồ chúng tôi chỉ là lũ bộ hạ.
Ân Giao không đợi Hoàng Phi Hổ nói hết ngắt lời:
- Thôi được, ta không hạch hỏi việc đó làm gì, mỗi người có một ý muốn riêng, phản Trụ hay phò Trụ là do lòng ngưỡng mộ của Tướng quân, trước kia Tướng quân tha anh em ta khỏi chết, nay ta đáp đền ơn ấy. Vậy từ nay Tướng quân đừng ra trận giao tranh với ta nữa, vì nếu bắt được lần thứ hai ta sẽ chiếu quân luật xử trị.
Cha con Hoàng Phi Hổ không dám nói nhiều lời, cúi đầu tạ ơn, trở về dinh thuật lại mọi việc với Tử Nha.
Hôm sau, Ân Giao nóng lòng ra binh bắt Tử Nha báo thù.
Mã Thiện thưa:
- Xin cho tiểu tướng ra binh bắt Tử Nha cũng được, cần gì phải nhọc sức Ðiện hạ.
Ân Giao nhậm lời, Mã Thiện kéo quân ra thành khiêu chiến.
Quân vào báo, Tử Nha hỏi:
- Có tướng nào đám ra bắt Mã Thiện chăng?
Ðặng Cửu Công liền cầm đao lên ngựa kéo binh ra khỏi thành, thấy viên tướng có ba con mắt, đang diệu võ dương uy, liền nỏi:
- Ngươi tên họ là chi mà dám vô lễ như vậy?
Mã Thiện nói:
- Ta là đại tướng quân Mã Thiện.
Ðặng Cửu Công không xưng tên, lướt ngựa tới chém đùa.
Mã Thiện đưa thương ra đở. Ðánh được vài hiệp, Ðăng Cửu Công dùng sức mạnh áp đảo cây thương của Mã Thiện rồi bắt sống Mã Thiện ném xuống đất hối quân trói lại dẫn về thành.
Tử Nha thấy bắt được tướng địch, truyền dẫn vào.
Mã Thiện đứng trợn ba con mắt nhìn Tử Nha.
Tử Nha nạt lớn:
- Thất phu, đã bị ta bắt sao không chịu quỳ?
Mã Thiện cười lớn, mắng:
- Phản tặc! Ngươi là đối thủ của ta, kẻ thù của chủ tướng ta, nay bắt được ta muốn làm gì thì làm, tại sao nghĩ đến chuyện quỳ lạy.
Tử Nha nổi giận truyền Nam Cung Hoát đem ra ngoài xử trảm.
Nam Cung Hoát tuân lệnh, đem Mã Thiện ra ngoài chém một đao, chẳng ngờ đầu Mã Thiện không rụng, lưỡi đao chém xong thì đầu Mã Thiện liền lại như cũ.
Nam Cung Hoát thất kinh, vào báo lại với Tử Nha:
- Thật là quái gở. Tôi vâng lệnh chém Mã Thiện một nhát, nhưng nó không rơi đầu.
Tử Nha lấy làm lạ liền dắt các tướng ra khỏi dinh, đến pháp trường xem thử.
Các tướng không tin mỗi người chém một nhát, nhưng không ai chém đứt đầu Mã Thiện được. Cứ lưỡi đao vừa xớt qua cái đầu của Mã Thiện liền lại như cũ. Vi Hộ nổi xung giơ Gián ma xử đập trên đầu Mã Thiện một cái, Mã Thiện vẫn như không. Ai nấy le lưỡi lắc đầu, không biết dùng cách gì giết Mã Thiện cho được.
Tử Nha nói:
- Các ngươi hãy đùng lửa Tam muội mà đốt thế nào đến cũng tan xác, ta xem chắc là loại yêu quái gì đây.
Na Tra, Mộc Tra, Kim Tra, Lôi Chấn Tử họp lực dùng lửa Tam muội đốt một hồi, Mã Thiện thấy lửa cháy cười lớn nói:
- Thôi ta kiếu các ngươi trở về kẻo đã làm mất thì giờ các ngươi nhiều lắm rồi.
Lời nói vừa dứt, Mã Thiện đã biến mất.
Tử Nha xem thấy chẳng vui, trở vào trướng cùng các tướng thương nghị.
Dương Tiển thưa:
- Tôi xin qua núi Cửu Tiên hỏi thăm sư bá Quảng Thành Tử về việc Ân Giao, sẳn tiện đến núi Chung Nam mượn kiếng chiếu yêu của Vân Trung Tử đem về đây rọi thử Mã Thiện là giống gì hóa xác thì mới trừ nó được.
Tử Nha nhậm lời, Dương Tiển liền độn thổ qua núi Cửu Tiên vào động Ðào nguyên làm lễ Quảng Thành Tử.
Quảng Thành Tử nói:
- Ta vừa sai đệ tử ta là Ân Giao đến giúp Tây Kỳ, không biết nó đã tới chưa?
Dương Tiển nói:
- Phải Ân Giao là người trẻ tuổi có ba đầu sáu tay không?
Quảng Thành Tử nói:
- Chính là nó đó. Ta sai nó xuống trước còn ta thì đợi ngày Tử Nha đăng đàn bái tướng đem binh phạt Trụ ta sẽ đến tiển hành.
Dương Tiển nói:
- Thế thì rối lắm!
Quảng Thành Tử hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Dương Tiển nói:
- Ân Giao không vâng lời sư bá xuống giúp Tây Kỳ, mà cầm binh đánh lại Khương Thừa Tướng, dùng Phiên Thiên Ấn đánh Na Tra gần sụm vai, nội thành không ai dám cự, nên tôi phải lên đây hỏi thăm sư bá dạy lẽ nào.
Quảng Thành Tử nghe nói hét lớn:
- Súc sinh! Nó cãi lời ta chắc sanh họa ra! Ta giao hết bửu bối cho nó để giúp Tây Kỳ, ngờ đâu nó lại làm loạn.
Dương Tiển nói:
- Trước kia Ân Hồng cũng cải lời Xích Tinh Tử sư thúc, và cuối cùng cũng mang họa.
Quảng Thành Tử nói:
- Thôi, ngươi về trước, ta sẽ theo chân xuống Tây Kỳ ngay bây giờ.
Dương Tiển từ tạ độn thổ thẳng sang núi Chung Nam, vào yết kiến Vân Trung Tử, thưa:
- Nay có một người đánh Tây Kỳ gọi là Mã Thiện, chém, đốt đều chẳng chết, không biết vật gì hóa hình, nên tôi phải đến mượn kiếng chiếu yêu của sư thúc đem về rọi thử, xong việc xin trả lại.
Vân Trung Tử nhậm lời, trao kiếng phép cho Dương Tiển.
Dương Tiển tạ ơn độn thổ thẳng về thành Tây Kỳ.
Tử Nha thấy Dương Tiển trở về mừng rỡ hỏi:
- Ngươi đến hỏi thăm Quảng Thành Tử việc ấy ra sao?
Dương Tiển thuật hết mọi chuyện, và nói:
- Ðệ tử đã muợn được kiếng chiếu yêu của sư thúc Vân Trung Tử, ngày mai thế nào cũng bắt được Mã Thiện.
Tử Nha mừng rỡ, liền sai Dương Tiển dẫn binh đến dinh Thương khiêu chiến để tìm tông tích Mã Thiện.
Dương Tiển kéo binh đến trước cửa dinh, gọi lớn:
- Mã Thiện, chớ khoe tài, hôm nay ta đến lấy đầu ngươi đây.
Quân vào báo, Ân Giao sai Mã Thiện cầm binh.
Mã Thiện mới ra khỏi trại, Dương Tiển đã lấy kính chiếu yêu rọi vào mặt, thấy trong kiếng hiện lên một ngọn đèn đỏ rực, mỉm cười nghĩ thầm:
- A, té ra nó là ngọn đèn hiện thân, hèn chi chém không đứt, đốt không sợ.
Nghĩ rồi cầm giáo lướt tới đâm liều.
Mã Thiện rước đánh được ba mươi hiệp.
Dương Tiển trá bại chạy dài, Mã Thiện không đuổi theo, trở về dinh thưa với Ân Giao:
- Dương Tiển đánh một lúc bỏ chạy, tiểu tướng sợ chúng dùng mưu nên không đuổi theo.
Ân Giao nói:
- Ðại tướng cầm binh phải biết tùy thời tùy lúc, biết người biết ta, đó mới là người trí.
Nói rồi truyền quân mở tiệc vui vầy, khao thưởng tướng sĩ.
Còn Dương Tiển thấy Mã Thiện không đuổi theo cũng thu binh vào thành.
Tử Nha hỏi:
- Mã Thiện là vật gì biến hình?
Dương Tiển nói:
- Nó hiện ra trên mặt kiếng một ngọn đèn sáng rực, không rõ lý lịch thể nào.
Vi Hộ nói:
- Theo tôi biết thì có ba ngọn đèn lâu năm, một ngọn nơi cung Huyền Ðô, một ngọn nơi cung Ngọc Hư, một ngọn tại núi Linh Tựu. Chưa chắc ngọn nào thành hình, xin Dương huynh đi dò xét mới biết được.
Tử Nha nói:
- Như vậy Dương tướng quân phải ra công một lần nữa, đến các nơi ấy hỏi thăm.
Dương Tiển tuân lệnh, tức thì độn thổ đến cung Ngọc Hư trước.
Ðến nơi thấy Bạch Hạc đồng tử đứng trước động, Dương Tiển hỏi:
- Chẳng hay ngọn đèn trong cung Ngọc Hư còn hay tắt?
Bạch Hạc đồng tử chạy vào trong xem lại. rồi đáp:
- Ngọn đèn lưu ly của Thiên Tôn vẫn còn cháy.
Dương Tiển biết không phải, liền giã từ Bạch Hạc đồng tử đến núi Linh Tựu, vào động Huyền Giác làm lễ Nhiên Ðăng.
Nhiên Ðăng hỏi:
- Ngươi có chuyện gì đây?
Dương Tiển hỏi:
- Ngọn đèn lưu ly của đạo trưởng còn cháy không?
Nhiên Ðăng nhìn lên bàn thấy đèn tắt, liền nói lớn:
- Con yêu này trốn đi rồi.
Dương Tiển trình hết các việc, Nhiên Ðăng nói:
- Ngươi về trước, ta sẽ theo sau.
Dương Tiển từ tạ Nhiên Ðăng, độn thổ trở về.
Tử Nha được Dương Tiển thưa hết các việc, mừng rỡ vô cùng.
Bỗng có quân vào báo:
- Quảng Thành Tử đạo nhân đến xin ra mắt.
Tử Nha liền ra rước vào.
Quảng thành Tử chịu lỗi, và nói:
- Bần đạo không ngờ sự đại biến. Ân Giao tắc tệ, tội ấy thật do bần đạo thất trách. Ðể bần đạo gọi nó vào đây tạ tội.
Tử Nha nói:
- Nhờ Ðạo huynh giúp đỡ tôi kẻo công việc trể tràng.
Quảng Thành Tử liền đến trước dinh Thương gọi lớn:
- Ân Giao ra đây cho ta bảo.
@by txiuqw4