sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4 -

Giấc ngủ thấm đẫm sâm banh và rượu thuốc chắc đã khiến chàng nguôi dịu và bình tĩnh lại. vì chàng thức dậy với trạng thái tâm hồn rất khoan dung. Chàng vừa mặc quần áo vừa thẩm định, cân nhắc và thâu tóm những xúc cảm của mình tối hôm trước, tìm cách rút ra thật rành mạch và thật đầy đủ các nguyên nhân thật sự, thầm kín, các nguyên nhân riêng tư đồng thời với các nguyên nhân bên ngoài.

Quả thật rất có thể cô hầu bàn đã có ý nghĩ xấu, một ý nghĩ thực thụ của gái điếm, khi biết tin chỉ một trong những con trai nhà Roland được thừa kế một người lạ, nhưng những hạng người ấy bao giờ chẳng có những mối nghi ngờ tương tự, đối với mọi phụ nữ lương thiện, mà chẳng có lấy một tý tẹo lý do? Ta há chẳng nghe thấy, mỗi khi họ cất lời, là họ rủa xả, vu khống, nói xấu tất cả những người phụ nữ mà họ đoán là không thể chê trách được điều gì? Mỗi lần người ta nêu ra trước mặt họ ai đó không thể công kích, là họ nổi giận, y như người ta lăng nhục họ, và kêu lên "A! Phải rồi! Tôi biết những người đàn bà có chồng của anh, trong sạch lắm đấy! Họ còn nhiều nhân tình hơn cả chúng tôi, chỉ có điều họ giấu đi vì họ giả dối. A! Phải rồi, trong sạch lắm đấy!"

Ở bất kỳ trường hợp nào khác, chắc chắn chàng không hiểu, thậm chí không cho rằng có thể có những lới bóng gió kiểu ấy về bà mẹ tội nghiệp của chàng, tốt đến thế, giản dị đến thế, đường hoàng đến thế. Nhưng tâm hồn chàng bị khuấy đục vì cái chất ghen tuông đang lên men trong chàng. Đầu óc kích động quá đỗi, có thể nói là đang rình rập, ngoài ý muốn của chàng, mọi điều làm hại được em trai thậm chí có lẽ đã gán cho ả bán bia nọ những dụng ý khả ố không có nơi ả. Có thể là chỉ riêng trí tưởng tượng của chàng, cái trí tưởng tượng mà chàng chẳng hề điều khiển, nó không ngừng vượt ra ngoài ý chí của chàng, đi lông bông, táo tợn, phiêu lưu và âm hiểm trong thế giới vô cùng vô tận các ý tưởng và thỉnh thoảng đem từ đó về những ý không dám nói ra, những ý đáng hổ thẹn, mà trí tưởng tượng, cất giấu trong chàng, ở đáy tâm hồn chàng, ở những nếp quanh co không dò thấu, như những của ăn cắp, có thể là chỉ riêng trí tưởng tượng ấy đã tạo nên, đã bịa ra mối ngờ ghê gớm kia. Trái tim chàng, chắc chắn thế, trái tim của chính chàng có những bí mâ/t đã tìm thấy trong mối ngờ xấu xa nọ một phương kế để tước đi của em chàng cái gia tài mà chàng ghen tị?

Giờ đây, chàng nghi ngờ bản thân, và gạn hỏi mọi bí ẩn trong tư tưởng mình, như những người sùng tín gạn hỏi lương tâm họ.

Dĩ nhiên, bà Rosémilly, tuy trí thông minh hạn chế, vẫn có sự mẫn cảm, cái tinh ý và cảm quan tế nhị của phụ nữ. Vậy mà, nàng không có ý nghĩ kia, bởi nàng đã uống, một cách hoàn toàn giản dị, để tưởng nhớ hương hồn Maréchal quá cố. Nàng sẽ không làm điều đó, nếu như thoảng vương một chút nghi ngờ. Bây giờ chàng không hồ nghi nữa, niềm bất mãn không cố ý về cái gia tài rơi xuống em mình, và chắc chắn là cả tình yêu kính cẩn của chàng đối với mẹ, đã khích động những băn khoăn nơi chàng, những băn khoăn hiếu thuận và đáng trọng, nhưng thái quá.

Đưa ra kết luận này, chàng thấy hài lòng, như người ta hài lòng vì một hành động tốt đẹp đã hoàn tất, và chàng quyết tỏ ra dễ thương với tất cả mọi người, bắt đâu từ ông bố mà cái thói tật, các điều khẳng định ngây ngô, các quan niệm tầm thường và sự kém cỏi quá lộ liễu khiến chàng không ngừng bực tức.

Chàng không về muộn giờ ăn trưa và chàng làm cả nhà thích thú vì tài trí và tính tình vui vẻ của mình.

Mẹ chàng phấn khởi bảo:

"Pierrot của mẹ, con chẳng ngờ được là con ngộ và hóm đến thế nào đâu, khi con muốn".

Và chàng nói, tìm ra những lời dí dỏm, làm mọi người cười vì dựng rất tài tình chân dung bè bạn của gia đình. Beausire là mục tiêu cho chàng chế nhạo, bà Rosémilly cũng bị riễu đôi chút, nhưng một cách kín đáo, không ác lắm. Và chàng vừa nhìn em trai vừa nghĩ "Này, bênh cô ta đi chứ, chú khờ, chú giàu thật đấy, song anh vẫn luôn át chú khi nào anh thích"

Lúc dùng cà phê, chàng bảo bố:

"Hôm nay bố có sử dụng thuyền Perle không?"

"Không, con trai ạ".

"Con lấy thuyền đi với Jean-Bart được chứ?"

"Được mà, con muốn lấy đến bao giờ thì lấy"

Chàng mua một điếu xì gà ngon, ở hàng đầu tiên chàng gặp, và chân bước vui vẻ, đi xuống phía cảng.

Chàng nhìn bầu trời trong trẻo, rực sáng, màu lam nhạt, được gió biển gột rửa, làm tươi mát.

Lão thuỷ thủ Papagris, gọi là Jean-Bart, đang ngủ gà gật trong lòng con thuyền mà ngày nào lão cũng phải chuẩn bị sẵn sàng vào giữa trưa, nếu họ không đi câu buổi sáng.

"Hai ta đi nào, ông chủ!" Pierre nói to.

Chàng trèo xuống chiếc thang sắt bến tàu rồi nhảy vào trong thuyền.

"Gió gì?" chàng hỏi.

"Vẫn gió ngược, cậu Pierre ạ. Ra khơi là có gió thuận đấy"

"Thế thì, lên đường thôi, ông lão".

Họ trương buồm mũi, rút neo lên, và con thuyền, được thả, lướt từ từ về phía đập, trên mặt nước bình lặng của bến cảng. Làn gió nhẹ từ phía đường phố thổi xuống đỉnh lá buồm, thật êm đến mức người ta chẳng cảm thấy gì hết, và con thuyền Perle dường như có hồn do một sự sống riêng, sự sống của những con thuyền, được một sức mạnh huyền bí ẩn giấu trong mình đẩy đi. Pierre đã cầm cán lái, và, răng cắn điếu xì gà, hai chân duỗi trên ghế dài, mắt lim dim dưới ánh nắng chói loà, chàng nhìn những thanh gỗ to quét hắc ín của con đê chắn sống sượt qua bên mình.

Khi họ tới được mỏm con đập phía Bắc che chắn cho mình, và trổ ra khơi, làn gió, mát hơn, lướt trên mặt, trên tay chàng bác sĩ như một cái vuốt ve lành lạnh, đi vào lồng ngực chàng đang mở ra, qua một hơi thở dài, để uống lấy nó, và gió thổi căng phồng lá buồm nâu, làm cho con thuyền Perle chúc xuống và trở nên nhanh nhẹn hơn.

Jean-Bart bỗng kéo lên lá buồm tam giác, mà hình ba cạnh no gió trông như một cánh chim, rồi sải hai bước đến đuôi thuyền, lão tháo chiếc đà vẫn neo vào cột buồm.

Thế là, bên mạn con thuyền đột nhiên rạp xuống, và giờ đây chạy hết tốc lực, là tiếng róc rách êm êm của nước đang cuộn sóng và trôi nhanh.

Mũi thuyền xẻ mặt biển, như một lưỡi cày cuồng dai, và làn sóng, cuốn lên, uyển chuyển và trắng xóa những bọt, uốn vồng rồi rơi xuống, như đất cày nâu và nặng nề trên cánh đồng rơi xuống.

Mỗi lần gặp sóng, những đợt sóng ngắn và gần nhau, một chấn động lại lay chuyển con thuyền Perle từ ngọn lá buồm tam giác đến chiếcđòn lái rung rung trong tay Pierre, và khi gió thổi mạnh hơn trong vài giây, những con sóng chóm cạp thuyền như sắp tràn ngập nó. Một tàu khí chở than từ Liverpool đang buông neo chờ nước triều, họ đi vòng đằng sau nó rồi họ lần lượt thăm thú những con tàu đang đậu, rồi họ ra xa hơn một chú để nhìn bờ biển trải dài.

Suốt ba giờ đồng hồ, Pierre, bình thản, điềm tĩnh và hài lòng, lang thang trên mặt nước rungr rinh, điều khiển cái vật bằng gỗ và bằng bải buồm đi đi lại lại, tuỳ ý chàng, theo những ngón tay chàng ấn xuống, như một con thú có cánh, lanh lẹ và dễ bảo.

Chàng mơ màng vơ vẩn, như người ta thường mơ màng vơ vẩn trên lưng ngựa hay trên boong tàu, nghĩ đến tương lai của chàng, nó sẽ đẹp đẽ, nghĩ đến sự êm đềm được sống một cách thông minh. Ngay ngày mai, chàng sẽ hỏi vay em trai một ngàn năm trăm francs, trong ba tháng, để đến ở ngay căn hộ xinh đẹp trên đại lộ Francois-Đệ nhất.

Lão thuỷ thủ bỗng nói:

"Sương mù kìa, cậu Pierre, phải quay về thôi".

Chàng ngước mắt và nhận thấy ở hướng Bắc một bóng màu xám, sâu thẳm và nhẹ nhàng, che một bầu trời và bao phủ mặt biển, đang tiến nhanh về phía họ, như một đám mây rơi từ trên cao xuống.

Chàng trở buồm, và xuôi gió đi về phía đập, theo sau là làn sương mù ruổi nhanh và bắt kịp chàng. Lúc sương mù đuổi kịp thuyền Perle, bọc lấy con thuyền trong sự dày đặc khó nhận biết của nó, một cái rùng mình ớn lạnh lan khắp chân tay Pierre, và một mùi khói mùi mốc, thứ mùi kỳ quặc của sương mù biển, khiến chàng mím miệng lại để khỏi phải nếm cái đám mây ẩm ướt và giá buốt này. Khi con thuyền trở về chỗ đậu quen thuộc trong cảng, toàn thành phố đã chìm lấp dưới màn hơi nước li tuổi, chẳng rơi mà vẫn thấm ướt như mưa và trườn trên các ngôi nhà, trên các đường phố tựa một dòng sông đang trôi.

Pierre, chân tay lạnh cóng, vội về nhà và nằm vật xuống giường để lơ mơ ngủ cho đến bữa tối. Lúc chàng xuất hiện ở phòng ăn, thì mẹ chàng đang bảo Jean:

"Hành lang sẽ đẹp mê hồn. Chúng ta sẽ để hoa ở đó. Rồi con xem, mẹ sẽ chịu trách nhiệm trông nom và thay hoa mới. Khi nào con chiêu đãi tiệc tùng, cảnh sẽ thần tiên lắm".

"Mẹ và em đang nói về cái gì vậy?" chàng bác sĩ hỏi.

"Về một căn hộ tuyệt vời mẹ vừa thuê cho em con. Một của quý, một tầng lửng trông ra hai phố. Có hai phòng khách, một hành lang lắp kính và một phòng ăn nhỏ hình tròn, thật là diêm dúa đối với một chàng trai chưa vợ".

Pierre tái mặt đi, một cơn giận bóp nghẹt tim chàng.

"Cái ấy ở đâu vậy?"

"Đại lộ Francois Đệ nhất".

Chàng không nghi ngờ gì nữa, và ngồi xuống, nổi xung đến mức muốn hét lên "Thế này thì quá lắm! Vậy ra cái gì cũng chỉ còn dành cho hắn thôi!"

Mẹ chàng, rạng rỡ, vẫn đang nói:

"Mà con tưởng tượng xem, mẹ đã thuê được với giá hai ngàn tám trăm francs đấy. Họ đòi ba ngàn nhưng mẹ bớt được hai trăm, vì ký kết thuê ba, sáu hoặc chín năm. Em con ở đấy sẽ rất tuyệt. Chỉ cần trong nhà lịch sự là một luật sư làm giàu được. Cái đó thu hút khách hàng, hấp dẫn họ, giữ họ, khiến họ nể trọng và làm cho họ hiểu rằng một người ở vào chỗ như thế thì lời lẽ phải đắt giá".

Bà ngừng mấy giây, rồi nói tiếp:

"Phải tìm cái gì từa tựa như vậy cho con, giản dị hơn nhiều vì con tay trắng, nhưng dù sao cũng phải khá dễ thương. Mẹ cam đoan với con rằng điều đó sẽ giúp ích cho con nhiều lắm".

Pierre trả lời với giọng khinh khỉnh:

"Ồ! Con, thì co sẽ thành đạt nhờ lao động và khoa học".

Bà mẹ nài:

"Ừ, nhưng mẹ cam đoan là một nơi ở xinh xắn dù sao cũng giúp ích cho con nhiều".

Vào giữa bữa ăn, chàng hỏi đột ngột:

"Bố mẹ đã quen biết ông ta như thế nào, ông Maréchal ấy?"

Lão Roland ngẩng đầu lên và tìm tòi trong ký ức:

"Hượm đã, bố không còn nhớ được nhiều. Lâu quá rồi. À, phải. Bố nhớ ra rồi. Chính mẹ con đã quen ông ta tại cửa hàng, có phải không Louise? Ông ấy đến đặt làm cái gì đó, thế rồi thường hay quay lại. Bố mẹ đã biết ông với tư cách khách hàng trước khi quen biết với tư cách bạn bè".

Pierre đang ăn món đậu, dùng đầu nĩa xiên từng hạt một cứ như thể đâm chúng, và lại nói:

"Việc quen biết này là vào thời kỳ nào?"

Roland lại tìm, nhưng không còn nhớ được gì, liền cầu cứu trí nhớ của vợ:

"Năm nào nhỉ, Louise, chắc mình không quên chứ, mình nhớ giỏi lắm kia mà? Xem nào, đó là…là…vào năm năm lăm hay năm năm sáu? Kìa, tìm đi chứ, mình hẳn phải biết rõ hơn tôi".

Quả thật bà có tìm tòi một lát, rồi bằng giọng bình thản và vững chắc:

"Đó là vào năm năm mươi tám, mình ạ. Lúc ấy Pierre lên ba. Tôi tin chắc là tôi không nhầm, vì năm ấy thằng bé bị sốt tinh hồng nhiệt, và Maréchal mà ta mới quen sơ sơ, đã giúp ta rất nhiều".

Roland reo lên:

"Đúng rồi, đúng rồi, thậm chí ông ấy còn rất tuyệt! Mẹ con đã mệt mỏi quá sức, còn bố thì bận ở cửa hàng, nên ông ấy đã đến hiệu thuốc lấy thuốc cho con. Quả là một tấm lòng trung hậu. Rồi khi con khỏi, con không hình dung được ông ấy mừng thế nào và ôm hôn con thế nào đâu. Chính từ dạo ấy mà bọn ta thành bạn thân".

Và cái ý nghĩ đột ngột, dữ dằn này bỗng xuyên vào tâm hồn Pierre như một viên đạn chọc thủng và xé rách "Nếu ông ấy đã biết mình trước, đã hết lòng với mình đến thế, nếu ông ấy yêu mình và hôn mình nhiều như thế,nếu mình là nguyên nhân để ông ấy kết thân với bố mẹ mình, thì tại sao ông lại để toàn bộ gia sản cho em mình và không để gì cho mình?"

Chàng không đặt câu hỏi nữa, và cứ ủ ê, miên man hơn là suy nghĩ, giữ trong lòng một niềm áy náy mới, hãy còn mơ hồ, mầm mống âm thầm của một nỗi đau mới.

Chàng ra ngoài sớm và lại đi vớ vẩn qua các phố. Đường phố bị vùi lấp dưới lớp sương mù làm cho bóng đêm thành nặng nề, mờ đục và tanh tưởi. Cứ như thể một làn hơi ôn dịch ập xuống mặt đất. Ta nhìn thấy nó đi qua trên những ngọn đèn khí tựa như dập tắt chúng đi từng lúc. Những viên đá lát đường trơn như trong những tối có băng giá và mọi mùi hôi hám dường như phả ra từ bụng các ngôi nhà, xú khí của các hầm, hố, cống, các bếp nghèo, để hoà trộn với mùi gớm guốc của đám sương mù lang thang kia.

Pierre, lưng khom, hay tay đút túi, không muốn ở ngoài đường khi trời lạnh thế này, bèn đến nhà Marowsko.

Dưới ngọn đèn khí thức canh cho lão, dược sĩ già vẫn đang ngủ. Nhận ra Pierre, mà lão yêu với tình cảm trung thành khuyển mã, lão rời khỏi trạng thái mê mệt, đi lấy hai chiếc ly và mang rượu phúc bồn ra. Bác sĩ bảo:

"Thế nào, rượu mùi của ông đến đâu rồi?"

Ông già Ba Lan giảng giải là bốn quán trong số các quán giải khát chủ chốt của thành phố nhận giới thiệu để lưu hành rượu ra sao, rồi tờ Hải đăng bờ biển và tờ Tín Hiệu Le Havre sẽ quảng cáo giúp lão, đổi lấy một số dược phẩm cho các biên tập viên sử dụng như thế nào.

Sau hồi lâu im lặng, Marowsko hỏi xem có phải quả nhiên Jean đã sở hữu gia tài rồi phải không, đoạn lão còn đặt hai ba câu hỏi mơ hồ về cùng đề tài ấy. Lòng tận tuỵ của lão đối với Pierre, lòng tận tuỵ hay nghi ngại, nổi giận chống sự thiên ái nọ. Và Pierre ngỡ như nghe thấy lão suy nghĩ, chàng đoán, hiểu, đọc được trong đôi mắt lảng tránh của lão, trong giọng nói ngần ngừ của lão, những lời đi đến cửa miệng song lão không nói ra, sẽ chẳng hề nói ra, lão vốn thận trọng đến thế, dụt dè đến thế, tinh ma đến thế.

Giờ đây chàng không hồ nghi nữa, ông già đang nghĩ "Lẽ ra ông không nên cậu ta nhận cái gia tài ấy, nó sẽ khiến người ta đồn đại không hay về mẹ ông". Có lẽ lão cho rằng Jean là con của Maréchal cũng nên. Dĩ nhiên lão cho là như thế! Sao lão lại không cho là thế chứ, bởi điều ấy có vẻ như thật, như đúng, hiển nhiên biết chừng nào? Nhưng bản thân chàng, là Pierre, đứa con, từ ba hôm nay chàng chẳng đấu tranh hết mình, với mọi sự tinh vi của con tim, để đánh lừa lý trí, chàng chẳng đấu tranh chống mối ngờ vực kinh khủng này đấy thôi?

Và đột nhiên, nhu cầu được ở một mình để nghĩ ngợi, để tranh luận chuyện đó với bản thân, để xét một cách dũng cảm, không áy náy băn khoăn, không yếu đuối, cái điều có thể có và quái đản kia, nhu cầu này bỗng lại chi phối chàng đến mức chàng đứng dậy mà cũng chẳng uống ly rượu phúc bồn, xiết tay lão dược sĩ sững sờ và lại dấn mình vào sương mù ngoài phố.

Chàng tự nnủ "Tại sao ông Maréchal ấy lại để toàn bộ tài sản cho Jean?"

Giờ đây không phải lòng ghen ghét khiến chàng tìm điều ấy nữa, không phải lòng ganh tị tự nhiên và hơi thấp kém chàng biết là nó ẩn náu trong mình và đã ba ngày ngay chàng chống lại, mà là nỗi khiếp sợ một điều quái gở, khiếp sợ bản thân mình tin rằng Jean, rằng em trai mình là con của người đàn ông nọ!

Không, chàng không tin điều ấy, thậm chí chàng không thể đặt ra cho mình câu hỏi tội lỗi ấy! Tuy nhiên, mối hoài nghi nhẹ thoảng này, thật khó tin nạy phải được gạt khỏi chàng, hoàn toàn, mãi mãi. Chàng cần được sáng tỏ, được tin chắc, chàng cần được an tâm hoàn toàn, vì trên đời chàng chỉ yêu có mẹ.

Và một mình lang thang đơn độc giữa đêm tối, chàng sắp tiến hành trong hồi ức, trong lý trí, cuộc điều tra tỉ mỉ sẽ đưa đến sự thật rõ rành. Sau đó là chấm dứt, chàng sẽ không nghĩ đến nữa, không bao giờ nữa. Chàng sẽ đi ngủ.

Chàng nghĩ ngợi "Nào, trước hết hãy xem xét các sự việc, rồi mình sẽ nhớ lại mọi điều mình biết về ông ta, về thái độ của ông đối với em mình và với mình, sẽ tìm kiếm mọi nguyên nhân có thể đưa tới niềm thiên ái kia…Ông đã thấy Jean ra đời ư? Đúng, nhưng ông biết mình trước. Nếu ông đã từng yêu mẹ mình bằng mối tình câm lặng và kín đáo, thì ông phải thích mình hơn vì chính nhờ mình, nhờ bệnh sốt tinh hồng nhiệt của mình mà ông thành bạn thân của bố mẹ mình. Vậy theo logic, ông phải chọn mình, phải có với mình một tình thương mến mạnh mẽ hơn, trừ phi ông cảm thấy với em mình, khi nhìn nó lớn dần, một sức hâp dẫn, một niềm ưa mến riêng mang tính bản năng".

Thế là trong ký ức, với sự căng thẳng tuyệt vọng của toàn bộ tư duy, của toàn bộ sức mạnh trí tuệ, chàng tìm cách dựng lại, nhìn lại, nhận biết lại, hiểu thấu con người ấy, cái con người đã từng đi qua trước chàng, mà lòng chàng thờ ơ, trong suốt những năm chàng ở Paris.

Nhưng chàng cảm thấy việc đi bộ, động tác nhẹ của bước chân, có phần khuấy rối các ý nghĩ, cản trở sự cố định của chúng, làm giảm tầm của chúng, che mờ ký ức của chàng.

Để nhìn dĩ vãng và những sự kiện chưa biết bằng con mắt sắc, không bỏ sót cái gì, chàng cần phải bất động, ở một chốn rộng rãi và trống vắng. Và chàng quyết định đến ngồi trên con đập, như buổi tối nọ.

Tới gần bến cảng, chàng nghe thấy ngoài biển khơi một tiếng than ai oán và thê thảm, giống như tiếng bò mộng rống, nhưng dài và mạnh hơn. Đó là tiếng kêu của còi máy, tiếng kêu của những con tàu lạc trong sương mù.

Một cái rùng mình làm rung chuyển thịt da chàng, co thắt tim chàng vì tiếng kêu nguy cấp ấy đã vang dội trong tâm hồn và cân não chàng, đến mức chàng ngỡ chính bản thân mình thốt ra nó. Một tiếng khác tương tự lại rền rĩ, xa hơn một chút, rồi còi máy của cảng, rất gần, đáp lại chúng, ré lên một hồi xé lòng.

Pierre sải bước đến con đập, không nghĩ gì nữa, hài lòng là đã đi vào bóng tối sầu thảm và đang la rống này.

Khi đã ngồi ở mỏm con đê chắn sóng, chàng nhắm mắt lại để khỏi nhìn thấy những cụm lửa điện mờ hơi sương, khiến tàu có thể vào cảng ban đêm cũng không nhìn thấy ánh sáng đỏ của ngọn hải đăng trên con đập phía Nam, mà người ta chỉ hơi hơi nhận ra. Rồi xoay nửa người, chàng tì khuỷu tay lên bờ đá và úp mặt vào hai bàn tay.

Ý nghĩ của chàng, tuy chàng không nói ra miệng cái tiếng này, cứ lặp lại như để vời gọi, để triệu về, để khích động vong hồn ông ta: "Maréchal…Maréchal…" Và trong bóng tối của hai mí mắt hạ xuống, đột nhiên chàng nhìn thấy ông y như chàng từng quen biết. Đó là một người sáu mươi tuổi, có chòm râu bạc xén nhọn, hàng lông mày rậm, cũng bạc trắng. Ông không cao cũng không thấp, có vẻ niềm nở, cặp mắt xám và dịu dàng, cử chỉ nhã nhặn, dáng dấp của một con người trung hậu, giản dị và dễ cảm. Ông thường gọi Pierre và Jean là "các con thân mến", không bao giờ tỏ ra ưa riêng người nào, và thường mời cả hai đến ăn tối.

Và Pierre, với sự bền bỉ của con chó lần theo một dấu vết đã bay hơi, bắt đầu tìm kiếm những lời lẽ, cử chỉ, giọng điệu, ánh nhìn của con người đã không còn trên trần thế. Dần dần chàng thấy lại được ông, trọn vẹn, trong căn hộ phố Tronchet khi ông mời hai anh em chàng dùng bữa.

Hai người hầu gái phục vụ ông, cả hai đều già, họ đã thành thói quen, có lẽ từ lâu lắm rồi, gọi "Cậu Pierre" và "cậu Jean".

Maréchal giơ hai tay cho hai chàng trai, tay phải cho chàng này, tay trái cho chàng kia, gặp đâu hay đấy tùy cách họ bước vào. Ông bảo:

"Chào các con, các con có tin gì của bố mẹ không? Còn ta, họ chẳng bao giờ viết thư cho ta".

Họ trò chuyện, êm ả và thân tình, về những điều bình thường. Trong đầu óc con người này chẳng có gì xuất chúng, nhưng có rất nhiều sự thuần hậu, thú vị và duyên dáng. Chắc chắn đó là người bạn tốt của hai anh em, một trong những người bạn tốt mà ta chẳng nghĩ đến mấy vì ta cảm thấy họ rất đáng tin cậy.

Giờ đây các kỷ niệm ùa vào đầu óc Pierre. Nhiều lần thấy chàng ưu tư, và đoán được cảnh nghèo sinh viên, Maréchal đã tự ý tặng chàng và cho chàng mượn tiền, có lẽ khoảng vài trăm francs, mà cả người nọ lẫn người kia đều quên đi và chẳng bao giờ trả lại. Vậy là người ấy vẫn luôn yêu mến chàng, luôn quan tâm đến chàng, bởi ông băn khoăn về những nhu cầu của chàng. Thế thì…thế thì tại sao lại để toàn bộ gia tài cho Jean? Không, không bao giờ ông tỏ ra rõ ràng thương mến em hơn anh, bận tâm về người này hơn người nọ, có thái độ âu yếm chàng này kém chàng kia…Thế thì…thế thì…thì ra ông có một lý do mạnh mẽ và thầm kín để cho Jean tất cả - tất cả - và không cho Pierre gì hết?

Càng ngẫm nghĩ, càng sống lại quá khứ những năm gần đây, chàng bác sĩ càng thấy sự phân biệt giữa hai người là khó có thực, khó tin.

Và một nỗi đau gay gắt, một mối lo âu khó tả đi vào lồng ngực chàng, làm tim chàng chuyển rung tựa một tàn vật dãy dụa. Các động cơ dường như vỡ nát, và máu trào qua ào ạt, phóng túng, lắc cho con tim chao đảo hỗn loạn.

Thế là, khe khẽ, như người ta nói trong cơn ác mộng, chàng thì thầm "Cần phải biết, Chúa ơi, cần phải biết".

Giờ đây, chàng tìm xa hơn, vào thời gian trước nữa khi cha mẹ chàng còn ở Paris. Nhưng các gương mặt tuột khỏi chàng, điều này làm rối các hồi ức. Đặc biệt chàng hăm hở tìm lại Maréchal với mái tóc vàng, hạt dẻ hay là đen? Chàng không làm được vì gương mặt cuối cùng của con người ấy, gương mặt ông già đã xóa mờ mọi gương mặt khác. Tuy nhiên, chàng vẫn nhớ rằng ông mảnh dẻ hơn, ông có bàn tay dịu dàng và hay mang hoa tới, rất hay mang tới, vì cha chàng không ngừng nhắc "Lại hoa! Nhưng ông điên rồi, ông bạn thân mến, ông đến sạt nghiệp vì hoa hồng mất".

Maréchal đáp "Thôi mà, tôi thích như thế".

Và đột nhiên giọng của mẹ chàng, của mẹ chàng vừa mỉm cười vừa nói "Cám ơn bạn", xuyên qua óc chàng, rành rọt đến mức chàng tưởng mình đang nghe thấy. Vậy ra bà đã từng thốt lên rằng thường xuyên, ba tiếng ấy, thành thử chúng khắc sâu vào ký ức con trai bà như thế!

Vậy là Maréchal mang hoa đến, ông, con người giàu có là quý ngài, là khách hàng, mang cho bà chủ hiệu bé nhỏ, vợ nhà kim hoàn tầm thường nọ. Ông có yêu bà hay không? Làm sao ông lại thành bạn của những nhà buôn này được nếu như ông không yêu người vợ? Đó là một người có học thức, đầu óc khá tinh tế. đã bao lần ông trò chuyện về thi ca và thi nhân với Pierre! Ông không hề thưởng thức các nhà văn với tư cách nghệ sĩ, mà với tư cách nhà trưởng giả rung cảm. Chàng bác sĩ thường mỉm cười về những xúc động ấy, mà chàng cho là hơi ngây ngô. Giờ đây chàng hiểu rằng con người đa cảm kia không bao giờ có thể, không bao giờ, là bạn của cha chàng, của người cha hết sức thiết thực, hết sức tầm thường, hết sức thô lậu, với ông tiếng "thi ca" có nghĩa là ngu dại.

Vậy ông Maréchal ấy, trẻ trung, tự do, giàu có, sẵn sàng cho mọi vấn vương cảm mến, một hôm, đã vô tình bước vào một cửa hiệu, có lẽ vì để ý thấy cô bán hàng xinh đẹp. Ông đã mua, đã trở lại, đã chuyện trò, mỗi ngày một thân tình hơn, và trả gía bằng việc mua hàng thường xuyên, cho cái quyền được ngồi trong nhà ấy, được mỉm cười với thiếu phụ và bắt tay người chồng.

Rồi về sau…về sau…ôi! Chúa ơi… về sau?...

Ông đã yêu mến và vuốt ve đứa con đầu lòng, con của nhà kim hoàn, cho đến khi đứa sau ra đời, rồi ông cứ bí ẩn không sao dò nổi cho đến khi chết, rồi,nấm mồ đã khép, thịt da rữa nát, tên tuổi xoá khỏi các tính danh người sống, toàn bộ con người biến đi vĩnh viễn, không còn gì phải giữ gìn, phải e sợ và che giấu, ông đã tặng toàn bộ gia sản cho đứa con thứ hai! Tại sao? Con người ấy thông minh…ông ta tất phải hiểu và tiên đoán được rằng ông có thể, rằng ông sẽ hầu như chắc chắn khiến người ta cho rằng đứa con ấy là của ông – Vậy ông làm ô danh một phụ nữ? Lẽ nào ông lại làm điều đó nếu Jean không phải con trai ông?

Và đột nhiên một hồi ức chính xác, ghê gớm xuyên qua tâm hồn Pierre. Xưa tóc Maréchal vàng vàng như tóc Jean. Bây giờ chàng nhớ lại một bức chân dung nhỏ trước kia chàng từng nhìn thấy, ở Paris, trên mặt lò sưởi phòng khách, và hiện nay đã biến mất. Nó ở đâu? Thất lạc hay giấu đi? Ôi! Nếu chàng cầm được nó chỉ trong một giây thôi! Có lẽ mẹ chàng đã cất giữ nó trong cái ngăn kéo không ai biết, nơi nó nta cất các di vật tình yêu.

Khi nghĩ như thế, nỗi thống khổ của chàng trở nên xót xa đến mức chàng thốt rên lên, một tiếng rền rĩ ngắn thường buột ra khỏi cổ họng do những nỗi đau quá gay gắt. Và đột nhiên, như thể nghe thấy chàng,như thể hiểu chàng và đáp lại chàng, còi máy trên đập bỗng hú lên sát cạnh chàng. Tiếng rống của loài quái vật linh dị, vang rền hơn sấm, tiếng gầm hoang dã và dữ dội tạo ra để át tiếng của gió của sóng, truyền lan trong bóng tối trên mặt biển vô hình chìm lấp dưới sương mù.

Thế là, gần xa, qua màn sương, những tiếng ré tương tự lại cất cao trong đêm. Thật đáng hãi hùng, những tiếng gọi ấy, thốt ra từ những con tàu lớn mù loà.

Rồi tất cả lại ngừng bặt.

Pierre đã mở mắt và chàng nhìn, kinh ngạc thấy mình ở đó, tỉnh khỏi cơn ác mộng. Chàng nghĩ:

"Mình điên rồi, mình nghi ngờ mẹ mình". Rồi một làn sóng yêu thương và cảm động, hôi hận, nguyện cầu và ảo não, tràn ngập lòng chàng. Mẹ chàng! Từng hiểu biết bà như chàng hiểu, làm sao chàng lại có thể ngờ vực bà? Chẳng phải là tâm hồn, chẳng phải là cuộc sống của người phụ nữ giản dị, trinh khiết và trung thực ấy còn trong trẻo hơn làn nước hay sao? Khi người ta đã nhìn thấy bà và đã biết bà, làm sao lại chẳng đánh gía bà là không thể nghi ngờ? Thế mà chàng, đứa con trai, đã ngờ vực bà! Ôi! Nếu như chàng có thể ôm bà trong vòng tay lúc này, chàng sẽ hôn bà, vuốt ve bà đến thế nào, chàng sẽ qùy xuống như thế nào để xin tha tội!

bà mà lại phản bội cha chàng, bà ư? Cha chàng! Dĩ nhiên, đó là một con người trung hậu, đáng trọng và chính trực trong công việc làm ăn, nhưng trí óc chẳng bao giờ vượt quá được cửa hiệu của mình. Làm sao mà người phụ nữ xưa kia rằng xinh đẹp, chàng biết điều đó và nay người ta còn thấy điều đó, được phú một tâm hồn tế nhị, giàu yêu thương và dễ cảm, lại chấp nhận vị hôn phu rồi làm chồng, một người đàn ông khác biệt với mình đến thế?

Tìm kiếm làm gì? Bà đã lấy cũng như các thiếu nữ lấy chàng trai có gia tư do họ hàng giới thiệu. Ngay sau đó họ đã đến ở cửa hiệu của họ tại phố Montmartre, và người vợ trẻ, ngự trị ở quầy hàng phấn chấn vì tinh thần của gia đình mới, vì ý thức tế nhị và thiêng liêng về lợi ích chung nó thay thế cho tình yêu, thậm chí cho cả niềm thân ái trong phần lớn các cặp vợ chồng thương nhân của Paris, đã bắt tay vào làm việc với tất cả trí thông minh tích cực và tinh tế cho sự thành đạt mà cửa hàng kỳ vọng. Và đời bà đã trôi đi như vậy, đơn điệu, bình thản, trinhthục, không tình thương mến!...

Không tình thương mến? Có thể nào một người phụ nữ lại không hề yêu? Một phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, sống ở Paris, đọc sách, vỗ tay hoan nghênh những nữ diễn viên chết vì tình trên sân khấu, người phụ nữ ấy có thể đi từ tuổi mới lớn đến tuổi già mà con tim không một lần rung động? Giá ở một phụ nữ khác, chàng sẽ không tin điều đó, tại sao chàng lại tin điều đó ở mẹ mình?

Dĩ nhiên, có thể bà đã yêu, như một phụ nữ khác! Bởi tại sao bà lại không giống một phụ nữ khác, dù bà là mẹ chàng?

Bà đã từng trẻ trung, với mọi nỗi yếu lòng nên thơ làm xao động trái tim những con người non trẻ! Bị giam hãm, bị cầm tù trong cửa hiệu bên một người chồng tầm thường thô thiển và lúc nào cũng nói chuyện buôn bán, bà đã mơ những ánh trăng, những chuyến du lịch, những chiếc hôn trao trong bóng chiều. Thế rồi một hôm, một người đàn ông đã bước vào như những khách si tình trong sách bước vào, và đã nói năng như những người ấy.

Bà đã yêu người đó. Sao lại không chứ? Đấy là mẹ chàng! Thế thì, cứ phải mù loà và ngu độn đến mức gạt đi sự hiển nhiên vì đấy là mẹ mình sao?

Bà có từng trao thân không? Có chứ, bởi người ấy đã không có bạn tình khác, có chứ, bởi ông ta đã thuỷ chung với người phụ nữ luống tuổi đi và xa cách, có chứ, bởi ông ta đã để lại toàn bộ gia sản cho con trai của mình, cho con trai của họ!

Và Pierre đứng dậy, run lên vì một cơn thịnh nộ đến mức chàng muốn giết chết ai đó! Cánh tay chàng giang ra, bàn tayc xoè rộng thèm đánh, thèm làm bầm dập, nghiền nát, bóp nghẹt! Ai? Tất cả mọi người, cha chàng, em chàng, người đã chết, mẹ chàng!

Chàng lao mình lên để trở về nhà. chàng sẽ làm gì đây?

Vừa lúc chàng đi ngang qua một tháp nhỏ gần bên cột tín hiệu, thì tiếng ré chói tai của còi máy ập vào mặt chàng. Sự kinh ngạc nơi chàng dữ dội đến mức chàng suýt ngã và lùi lại đến tận lan can đá. Chàng ngồi xuống đó, không còn sức lực, rã rời vì cơn chấn động ấy.

Con tàu đáp lại đầu tiên hình như ở rất gần và đang tiến đến lối vào cảngã, bởi nước triều dâng cao.

Pierre ngoảnh lại và nhận ra con mắt đỏ mờ sương của nó. Rồi, dưới ánh sáng lù mù của đèn chiếu nơi bến cảng, một bóng đen lừng lững in hình giữa hai con đập. Phía sau chàng, giọng người gác, giọng khàn khàn của thuyền trưởng già về hưu, hét lên:

"Tên tàu?"

Và trong sương mù, giọng người hoa tiêu đứng trên boong, cũng khàn khàn, đáp:

"Santa – Lucia"

"Nước nào?"

"Ý".

"Cảng nào?"

"Naples".

Và Pierre ngỡ nhìn thấy trước cặp mắt rối loạn của chàng, vầng lửa của núi Vésuve, trong khi dưới chân hoả diệm sơn, đom đóm lượn lập loè trong những lùm cây cam miền Sorrente hay miền Castellamare! Đã bao lần chàng mơ những tên quen thuộc ấy, như thể biết phong cảnh nơi đó! Ôi! Nếu chàng có thể ra đi, ngay tức khắc, đến bất kỳ nơi nào, và không bao giờ trở lại, không bao giờ viết thư, không bao giờ cho biết chàng ra sao! Nhưng không, chàng phải về, về ngôi nhà của bố mẹ và ngủ trong giường của mình.

Mặc, chàng sẽ không về, chàng sẽ đợi trời sáng. Chàng thích tiếng còi tàu. Chàng lại đứng dậy và bước đi như một sĩ quan đang phiên trực trên boong.

Một con tàu khác, đồ sộ và bí ẩn, tiến đến sau con tàu thứ nhất. Đó là một tàu Anh từ Ấn độ về.

Chàng còn nhìn thấy nhiều tàu khác đi tới, cái nọ sau cái kia lần lượt ra khỏi bóng tối âm u. Rồi, vì sương mù ẩm ướt đến không chịu nổi, Pierre lại cất bước về hướng thành phố. Chàng rét quá nên bước vào một quán rượu của thuỷ thủ để uống một ly grog[1], rồi khi chất rượu mạnh cay và nóng đã làm bỏng vòm miệng và cổ họng, chàng cảm thấy trong mình tái sinh một niềm hy vọng.

Có lẽ chàng đã lầm? chàng biết rõ quá đi chứ, cái sự vô lý lông bông vớ vẩn của mình! Chắc hẳn chàng đã lầm? Chàng đã gom nhặt các chứng cớ như cách người ta dựng một cáo trạng chống một kẻ vô tội bao giờ cũng dễ kết án khi ta muốn cho là họ có tội. Khi nào ngủ được một giấc, chàng sẽ nghĩ khác hẳn.

Thế là chàng về nhà đi ngủ, và, cố tình mãi, cuối cùng chàng thiếp đi được.

Chú thích:

[1] Đồ uống nóng gồm rượu mạnh có pha chanh, nước mía


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx