sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương Kết -

Những bức thư giới thiệu của các giáo sư Roussel, Rémusot, Flache và Borriquet, viết với lời lẽ ngợi khen tốt đẹp nhất về bác sĩ Pierre Roland, học trò của các vị, đã được ông Marchand trình trước hội đồng công ty xuyên đại dương, được ủng hộ bởi các ông Poulin, thẩm phán toà án thương mại, Lenient, chủ đóng tàu lớn, và Marival, phó thị trưởng Le Havre, bạn đặc biệt của thuyền trưởng Beausire.

Bác sĩ trên tàu Lorraine còn chưa được chỉ định, và Pierre có hy vọng được bổ nhiệm trong vài ngày tới.

Bức thư báo tin đó được cô hầu Joséphine đem đến cho chàng, vào một buổi sáng, khi chàng vừa mặt xong.

Xúc động đầu tiên nơi chàng là xúc động của kẻ bị kết án tử hình được thông báo giảm án, và ngay lập tức chàng cảm thấy nỗi đau dịu đi một chút khi nghĩ tới việc ra đi và nghĩ tới cuộc đời êm lặng luôn đu đưa trên làn nước chảy trôi, luôn phiêu lãng, luôn lưu chuyển.

Giờ đây chàng sống trong nhà cha mẹ như người dưng câm lặng và dè dặt. Từ buổi tối chàng đã buột ra trước em trai điều bí mật xấu xa do mình phát hiện, chàng cảm thấy mình đã đập tan những mối ràng buộc cuối cùng với người thân. Một niềm hối hận dày vò chàng vì đã nói ra điều đó với Jean. Chàng tự đánh giá mình là khả ố, bẩn thỉu, độc ác, và tuy thế chàng thấy nhẹ mình vì đã nói ra.

Không bao giờ chàng còn gặp ánh mắt của mẹ hay của em. Để tránh né nhau, mắt họ đã có một độ linh hoạt kỳ lạ và có những mưu mẹo của kẻ thù địch sợ phải gặp nhau. Luôn luôn chàng tự hỏi "Bà đã có thể nói gì với Jean? Bà đã thú nhận hay là từ chối? Em mình tin cái gì? cậu ta nghĩ thế nào về mẹ? nghĩ thế nào về mình? Chàng không đoán được và phát khùng vì thế. Vả lại chàng gần như không nói với họ nữa, trừ khi có Roland, để ông ta khỏi hỏi han gì.

Nhận được lá thư báo tin bổ nhiệm, chàng đọc nó cho cả nhà, ngay hôm đó. Ông bố, vốn có xu hướng hoan hỉ về mọi sự, liền vỗ tay. Jean đáp bằng giọng nghiêm trang, nhưng lòng chan chứa vui mừng:

"Em hết lòng chúc mừng anh, vì em biết rằng có rất nhiều người cạnh tranh. Chắc chắn việc anh được là nhờ vào thư của các thầy dạy anh".

Còn bà mẹ cúi đầu nói khẽ:

"Mẹ rất vui sướng vì con thành công".

Sau bữa sáng, chàng đến văn phòng công ty, để hỏi han hàng ngàn điều, rồi chàng hỏi tên viên bác sĩ của tàu Picardie ngày mai lên đường, để nhờ ông ta cho biết mọi chi tiết của cuộc sống mới và mọi điều đặc thù ắt phải gặp trong cuộc sống ấy.

Vì bác sĩ Pirette đang ở trên tàu, chàng liền tới đó và được một chàng trai có bộ râu vàng hoe, trông giống em chàng, tiếp trong một phòng nhỏ. Họ chuyện trò hồi lâu.

Người ta nghe thấy trong lòng sâu âm vang của con tàu lớn mênh mông một sự tất bật mơ hồ và liên tục, nơi tưởng rơi của hàng hoá chất dưới hầm hoà với tiếng chân bước, tiếng người nói, tiếng máy móc vận chuyển các thùng hàng, tiếng còi của các đốc công và tiếng xích kéo lê hay quấn quanh trục nhờ hơi nước thở ì ầm khiến toàn thân con tàu lớn hơi rung rung.

Nhưng khi Pierre đã từ biệt người đồng nghiệp ở lại thấy mình ở ngoài phố, một nỗi buồn mới bỗng ập xuống chàng, bao phủ lấy chàng như những làn sương mù lang thang trên mặt biển, đến từ nơi xa thẳm và mang theo trong cái dày đặc không thể nắm bắt của chúng một cái gì bí ẩn và ô uế giống như làn hơi ôn dịch của những miền đất độc hại và xa xôi.

Trong những giờ phút đau khổ nhất chàng cũng chưa bao giờ cảm thấy mình bị đắm chìm trong một vũng lầy khốn khổ như thế này. Đó là vì vết cắt xé cuối cùng đã đứt hẳn, chàng không còn dính líu vào cái gì nữa hết. Trong khi nhổ bật khỏi lòng mình cái rễ của mọi tình thương yêu, chàng vẫn còn chưa chấp nhận nỗi thống khổ của con chó lạc loài nó vừa đột ngột choán lấy chàng.

Không còn là một nỗi đau tinh thần dày vò day dứt, mà là sự hoảng loạn của con vật không chốn nương náu, một mối lo âu vật chất của sinh thể lang thang không có mái nhà, mà mưa, gió, bão dông, mọi thế lực tàn bạo của vũ trụ sắp xông vào tấn công. Khi đặt chân lên con tàu thuỷ ấy, khi bước vào căn buồng nhỏ đung đưa trên sóng, xác thịt của một người xưa nay vẫn luôn ngủ trong chiếc giường bất động và yên ả bỗng nổi loạn chống lại trạng thái không an toàn của mọi ngày mai sắp tới. Cho đến giờ nó vẫn cảm thấy được chở che, cái xác thịt kia, bởi bức tường kiên cố ăn sâu vào lòng đất giữ lấy tường, và bởi niềmtin chắc được nghỉ ngơi ở đúng chỗ ấy,dưới mái nhà vững vàng trước gió. Giờ đây, tất cả những gì người ta vẫn ưa mạo hiểm khi đang ở trong sự ấm nóNgười của ngôi nhà kín cửa, sẽ trở thàh một hỉêm nguy và một khổ đau triền miên.

Chẳng còn mặt đất dưới chân, mà là biển cuộn sóng, gầm gào và nuốt trửng. Chẳng còn không gian quanh mình để dạo chơi, để chạy, để lạc trên đường mà là vài thước ván để bước đi như một kẻ tội đồ ở giữa những tù nhân khác. Chẳng còn cây cối, vườn phố, nhà, chỉ có nước và mây. Và chàng sẽ không ngừng cảm thấy con tàu kia lúc lắc dưới chân. Những ngày dông bão sẽ phải tựa vào vách, bám vào cửa, víu chặt lấy thành chiếc giường chật hẹp để khỏi lăn xuống đât. Những ngày biển lặng chàng sẽ nghe tiếng rung ì ầm của cánh quạt và sẽ cảm thấy con tàu mang mình đi đang trốn chạy, một sự trốn chạy liên miên, đều đặn, gây tức giận.

Và chàng thấy chàng bị kết án sống cảnh đời tù khổ sai lang bạt ấy, duy chỉ vì mẹ chàng đã buông mình cho một người đàn ông âu yếm.

Chàng bước đi về phía trước, giờ đây thẫn thờ suy nhược vì mối sầu ảo não của những người sắp xa xứ.

Chàng không còn cảm thấy trong lòng niềm khinh bỉ cao ngạo, mối căm ghét miệt thị đối với những người không quen đang đi qua, mà là một nỗi thèm muốn buồn rầu, muốn nói với họ, bảo họ rằng chàng sắp rời nước Pháp, muốn được nghe và được an ủi. Đó là, trong đáy lòng chàng, một nhu cầu bẽn lẽn của kẻ nghèo sắp chìa bàn tay, một nhu cầu dụt dè và mạnh mẽ muốn cảm thấy ai đó đau khổ vì mình ra đi.

Chàng nghĩ đến Marowsko. Chỉ ông già Ba Lan khá yêu mến chàng để có một xúc động thực sự và xót xa, và bác sĩ lập tức quyết định đến thăm ông.

Khi chàng bước vào cửa hiệu, lão dược sĩ đang nghiền bột thuốc trong một chiếc cối bằng đá hoa, lão giật mình và bỏ công việc đấy. Lão bảo:

"Chẳng bf thấy ông nữa thế?"

Chàng trai liền phân trần là mình phải tiến hành rất nhiều cuộc vận động, song không nói ra lý do, rồi chàng vừa ngồi xuống vừa hỏi:

"Thế nào, công việc làm ăn có được không?"

Công việc làm ăn không được. Sự cạnh tranh thật kinh khủng, người ốm vừa ít vừa nghèo ở cái khu lao động này, ở đây chỉ bán được loại dược phẩm rẻ tiền, và ở đây các bác sĩ chẳng kê những đơn thuốc hiếm và phức tạp nhờ đó người ta lãi được năm trăm phần trăm. Ông lão kết luận:

"Nếu cứ kéo ba tháng nữa như thế này, thì phải đóng cửa hiệu. Nếu tôi không trông mong ở ông, bác sĩ tốt bụng của tôi ạ, thì gã đã đi đánh giày rồi!"

Pierre thấy lòng thắt lại, và đột nhiên chàng quyết định giáng miếng đòn, vì phải thế:

"Ôi! Tôi..tôi…chẳng còn giúp gì được cho ông. Đầu tháng sau tôi rời Le Havre".

Marowsko bỏ kính ra, vì xúc động quá mạnh.

"Ông…ông…ông bảo cái gì thế?"

"Tôi bảo là tôi ra đi, bạn tội nghiệp của tôi ạ".

Ông già rụng rời, cảm thấy hy vọng cuối cùng của mình sụp đổ, và lão bỗng công phẫn chống lại con người mà lão đã đi theo, mà lão yêu mến, mà lão hết sức tin cậy, vậy mà người ấy bỏ rơi lão như thế này.

Lão lắp bắp:

"Nhưng mà ông không định cũng phản bội tôi đấy chứ, ông ấy?"

Pierre cảm thấy mềm lòng đến mức muốn ôm hôn ông lão:

"Nhưng tôi có phản bội ông đâu. Tôi không còn kiếm được việc làm ở đây và tôi ra đi, làm thày thuốc trên một con tàu xuyên đại dương".

"Ôi! Ông Pierre! Thế mà ông cứ hứa giúp cho tôi sống được!"

"Làm thế nào được? Bản thân tôi phải sống. Tôi chẳng có lấy một xu tài sản".

Marowsko lặp lại:

"Chuyện ông làm không tốt, không tốt. Tôi chỉ còn nước chết đói thôi, tôi ấy. Vào tuổi tôi, thế là hết. Không tốt. Ông bỏ rơi một lão già tội nghiệp đã theo ông đến đây. Không tốt"

Pierre muốn phân trần, phản đối, trình bày lý do, chứng minh rằng mình không thể làm khác, ông lão Ba Lan chẳng hề nghe, công phẫn vì sự đào tẩu ấy và cuối cùng ông ta nói, chắc hẳn có ý ám chỉ các sự kiện chính trị:

"Người Pháp cac ông không giữ lời hứa".

Thế là Pierre đứng dậy, đến lượt chàng mếch lòng, và nói với ông ta một cách hơi cao ngạo:

"Ông bất công, ông Marowsko ạ. Để quyết định điều tôi đã làm, phải có những lý do mạnh mẽ, và lẽ ra ông phải hiểu điều đó. Xin chào. Tôi hy vọng sẽ thấy lại ông biết điều hơn".

Và chàng đi ra.

"Thế đấy, chàng nghĩ, sẽ chẳng ai thành thật nhớ tiếc mình".

Ý nghĩ của chàng kiếm tìm, liên tưởng đến tất cả những người mình quen hay đã quen, và thấy lại, giữa tất cả các gương mặt diễu qua ký ức, gương mặt của cô hầu quán bia, người đã khiến cho chàng nghi ngờ mẹ chàng.

Chàng ngần ngại, hay còn cảm thấy hiềm sâu một cách bản năng đối với cô, rồi đột nhiên, quyết định, chàng nghĩ "Rốt cuộc, cô ta có lý" Và chàng tìm đường đến phố của cô.

Tình cờ quán bia đang đầy người và cũng đầy khói. Khách hàng, tư sản và thợ thuyền, bởi hôm ấy là ngày lễ, gọi, cười,gào, và bản thân ông chủ cũng phục vụ, chạy từ bàn này sang bàn khác, đem đi những cốc vại đã cạn và mang trở lại những cốc ly đầy bọt sủi.

Khi Pierre đã tìm được một chỗ, không xa quầy hàng, chàng chờ đợi, hy vọng cô hầu sẽ trông thấy và nhận ra mình.

Nhưng cô ta đi qua rồi đi lại trước mặt chàng chẳng hề đưa mắt nhìn, chân bước lon ton dưới cái váy, hơi đung đưa núng nính một cách dễ thương.

Cuối cùng chàng lấy một đồng bạc gõ lên bàn. Cô chạy tới:

"Ông dùng gì ạ?"

Cô ta không nhìn chàng, đầu óc miên man tính toán những thức uống đã phục vụ. Chàng nói:

"Thế nào, người ta chào hỏi bạn bè như vậy sao?"

Cô dừng mắt nhìn chàng, rồi bằng giọng vội vã:

"A, ông đấy ạ. Trông ông khoẻ. Nhưng hôm nay em không có thì giờ. Ông muốn một ly bia chứ?"

"Phải, một ly".

Khi cô đem bia tới, chàng lại nói:

"Tôi đến từ biệt em. Tôi sắp ra đi".

Cô trả lời thờ ơ:

"Thế à? Ông đi đâu?"

"Châu Mỹ"

"Người ta bảo đó là một đất nước đẹp".

Và chẳng có gì hơn nữa. Quả thật phải rất dại mới đi nói chuyện với cô ta vào ngày hôm ấy. Quán quá đông khách!

Và Pierre đi ra phía biển. đến con đập, chàng nhìn thấy thuyền Perle đang về, trên có bố chàng và thuyền trưởng Beausire. Thuỷ thủ Papagris chèo, còn hai người ngồi ở phía sau, đang hút ống điếu với một vẻ hoàn toàn hạnh phúc. Bác sĩ nghĩ khi nhìn họ đi qua "phước thay những kẻ khù khờ".

Và chàng ngồi xuống một chiếc ghế dài trên đê chắn sóng, cố làm cho mình mê mụ đi trong trạng thái lơ mơ vô tri vô giác.

Buổi tối, khi chàng về nhà, bà mẹ nói mà không dám ngước mắt nhìn chàng:

"Con cần phải sắm nhiều thứ để lên đường, và mẹ hơi lúng túng. Mẹ vừa đặt mua quần áo trong cho con và đã qua hiệu may để may y phục, nhưng con cần gì khác, những thứ mà có lẽ mẹ không biết chăng?"

Chàng mở miệng định nói "Không, chẳng cần gì hết", nhưng chàng lại nghĩ rằng ít ra cũng phải nhận một số đồ để ăn mặc cho tử tế, và chàng trả lời bằng giọng rất bình tĩnh:

"Con còn chưa biết, để con sẽ hỏi ở công ty".

Chàng hỏi, và họ đưa cho chàng danh sách những vật dụng cần thiết. Bà mẹ, khi nhận danh sách này từ tayc, nhìn chàng lần đầu kể từ lâu lắm, và trong đáy mắt bà có cái vẻ thật khiêm nhường, thật dịu dàng, thật buồn bã, thật van lơn của những con chó đáng thương bị đánh đập và đang xin tha.

Ngày mồng một tháng mười, tàu Lorraine, đến từ Saint-Nazaire, vào cảng Le Havre, để ngày 7 cùng tháng đi New York, và Pierre Roland phải đến nhận căn buồng nhỏ lênh đênh nơi từ giờ trở đi, cuộc đời chàng sẽ bị giam cầm.

Ngày hôm sau, khi ra ngoài, chàng gặp ở cầu thang bà mẹ đang đợi chàng và bà khẽ nói bằng một giọng chỉ hơi nghe rõ:

"Con có muốn mẹ giúp con dọn dẹp nơi con ở trên tàu không?"

"Không, cám ơn mẹ, xong hết rồi".

Bà thì thầm:

"Mẹ rất muốn xem căn phòng nhỏ của con".

"Chẳng bõ công. Xấu lắm và chật lắm".

Chàng đi qua, để bà ở lại rụng rời, người tựa vào tường, mặt tái nhợt.

Mà Roland, vừa thăm tàu Lorraine đúng ngày hôm đó, suốt bữa tối chỉ nói về con tàu đẹp tuyệt vời và rất lấy làm lạ là vợ mình chẳng hề muốn biết nó bởi con trai họ sắp ra đi trên tàu ấy.

Trong những ngày tiếp theo, Pierre không mấy khi sống trong gia đình. Chàng căng thẳng, dễ cáu, tàn nhẫn, và lời lẽ chàng thô bạo như quất vào hết thảy mọi người. Nhưng hôm trước ngày ra đi, đột nhiên chàng có vẻ thay đổi nhiều, dịu đi nhiều. Lúc hôn bố mẹ để lên ngủ trên tàu lần đầu tiên, chàng hỏi:

"Ngày mai bố mẹ đến từ biệt con trên tàu chứ?"

Roland reo:

"Có chứ. Có chứ, còn sao nữa. Phải không, Louise?"

"Thì chắc chắn rồi" bà nói thật khẽ.

Pierre lại nói:

"Tàu ra đi vào mười một giờ đúng. Phải có mặt ở đó muộn nhất là chín giờ rưỡi".

"Này! Ông bố reo lên, một sáng kiến. Từ biệt con xong, chúng ta chạy rõ nhanh ra thuyền Perle để đến đợi con bên ngoài đập và nhìn thấy con một lần nữa, phải không Louise?"

"Phải, chắc chắn rồi".

Roland lại nói:

"Như thế con sẽ không lẫn chúng ta với đám người đông chật trên đê khi các tàu xuyên đại dương ra đi. Chẳng thể nào nhận ra người thân trong đám đông ấy. Con thấy có được không?"

"Vâng, được. Đồng ý như vậy".

Một giờ sau, chàng nằm trong chiếc giường con của thuỷ thủ, hẹp và dài như chiếc quan tài. Chàng nằm đó hồi lâu, mắt mở, nghĩ về tất cả những gì đã diễn ra từ hai tháng nay trong đời mình, nhất là trong tâm hồn mình. Cứ đau đớn mãi và làm người khác đau đớn mãi, nỗi đau đầy gây gổ và quyết báo hận nơi chàng đã mệt mỏi, như lưỡi dao cùn đi. Chàng hầu như chẳng còn can đảm giận ai và giận bất cứ điều gì, và chàng buông cho sự phản kháng của mình trôi xuôi theo dòng theo kiểu cuộc đời mình. Chàng cảm thấy quá chán chường đấu tranh, chán chường đánh đập, chán chường căm ghét, chán chường hết thảy, đến mức không chịu nổi nữa và đã làm lòng mình tê liệt trong lãng quên, như người ta rơi vào giấc ngủ. chàng mơ hồ nghe thấy quanh mình những tiếng động mới mẻ của con tàu, những tiếng động nhè nhẹ chỉ hơi cảm nhận được trong đêm yên bình của bến cảng, và ở nơi vết thương cho đến lúc này ác nghiệt đến thế, chàng cũng chỉ còn cảm thấy cái nhoi nhói đau của những thương tích đang thành sẹo.

Chàng đã ngủ rất say, khi tiếng các thuỷ thủ đi lại hoạt động kéo chàng ra khỏi giấc nồng. Trời đã sáng, chuyến tàu hoả tốc hành chở cá biển tươi vừa đến bến, đưa hành khách từ Paris tới.

Thế là chàng đi vơ vẩn trên tàu giữa những con người tất bật, lo lắng, tìm kiếm phòng của mình, gặp nhau, hỏi nhau, và trả lời nhau hú hoạ, trong cái hốt hoảng của chuyến du hành mới khởi đầu. Sau khi chào thuyền trưởng và bắt tay người phụ trách quản trị, chàng vào phòng khách, ở các góc phòng đã có mấy người Anh đang lơ mơ ngủ. Gian phòng rộng lớn, tường cẩm thạch trắng kẻ những đường chỉ vàng đóng khung, dàn ra vô cùng vô tận trong các tấm gương, cảnh những chiếc bàn dài, hai bên là hai dãy dài tít tắp những ghế xoay bằng nhung đỏ thắm. Đây chính là cái phòng khách quốc tế trôi nổi rộng thênh thang, nơi những người giàu có của mọi châu lục ngồi ăn cùng nhau. Sự xa hoa giàu có của nó là sự xa hoa của các khách sạn lớn, các nhà hát, các nơi công cộng, sự xa hoa oai vệ và tẻ nhạt làm thỏa mãn con mắt các nhà triệu phú. Chàng bác sĩ định sang phần tàu dành cho hạng hai, bỗng nhớ ra tối hôm trước người ta đưa lên tàu một đoàn rất đông dân di cư, thế là chàng đi xuống sàn giữa. Vừa bước vào, chàng đã ngợp vì một mùi tanh tưởi của loài người nghèo khổ và bẩn thỉu, mùi hôi của thịt da trần trụi còn lộn mửa hơn mùi hôi của lông loài vật. Thế là, trong một loại đường hầm thấp và tối tăm, giống đường hầm trong các mỏ, Pierre nhìn thấy hàng trăm đàn ông, đàn bà và trẻ con nằm trên những tấm ván xếp chồng lên nhau hay lúc nhúc từng đống dưới đất. chàng chẳng phân biệt được các bộ mặt nhưng trông thấy lờ mờ cái đám đông nhớp nhúa ăn mặc rách rưới, cái đám đông những kẻ khốn cùng bị đời đánh bại, bị kiệt sức, bị đè bẹp, ra đi cùng một người vợ gày guộc và những đứa con tiều tuỵ, đến một miền đất xa lạ, nơi họ hy vọng không phải chết đói, có lẽ.

Và nghĩ đến công sức đã qua, công sức uổng phí, đến những nỗ lực vô tích sự, những cuộc đấu tranh hăm hở, ngày nào cũng bắt đầu lại một cách vô bổ, đến tinh lực tiêu hao ở những kẻ đói rách kia, họ lại sắp tái diễn nữa,chẳng rõ ở nơi nào, cái cảnh sống khốn cùng khả ố nọ, bác sĩ muốn hét lên bảo họ "Các người hãy cút xéo xuống nước cùng những ả mái và con cái các người đi thôi!" Và lòng chàng thắt lại vì xót thương đến nỗi chàng bỏ đi, không chịu đựng nổi việc nhìn thấy họ.

Bố chàng, mẹ chàng, em chàng và bà Rosémilly đã đang đợi chàng trong căn phòng nhỏ. Chàng nói:

"Sớm thế".

"Phải – bà Roland run giọng đáp – mọi người muốn có thì giờ thăm con một chút".

Chàng nhìn bà. Bà mặc đồ đen, như thể có tang và bỗng nhiên chàng nhận thấy mái tóc bà tháng trước còn hoa râm, nay đã bạc trắng.

Chàng rất vất vả mới xếp được cho bốn người ngồi trong nơi ở bé nhỏ của mình, còn chàng nhảy lên giường. Qua cánh cửa để ngỏ, họ thấy một đám người đông đúc qua lại như đám đông trong ngày hội, bởi hết thảy bạn bè của những người ra đi và một bầy đoàn những kẻ chỉ do tò mò, đã tràn lên con tàu lớn mênh mang. Người ta lượn trong các hành lang, trong các phòng khách, khắp mọi nơi, và những cái đầu thò vào tận căn buồng, trong lúc những tiếng nói thì thào bên ngoài "Phòng của bác sĩ đấy".

Pierre liền đẩy cánh cửa, nhưng vừa cảm thấy bị nhốt cùng những người nhà, chàng đã muốn mở ra lại, vì cảnh náo động trên tàu làm khuây được nỗi ngượng ngùng và sự im lặng nơi họ.

Cuối cùng bà Rosémilly muốn lên tiếng. Nàng bảo:

"Những cửa sổ nhỏ này lọt ít gió quá".

"Đó là một cửa sổ tròn" Pierre đáp.

Chàng chỉ ra bề dày khiến cho lớp kính có khả năng chịu được những va đập, chấn động dữ dội nhất, rồi chàng giảng giải hồi lâu về phương thức đóng mở. đến lượt Roland hỏi:

"Con có thuốc men ở ngay đây à?"

Bác sĩ mở một cái tủ và cho xem một kho chứa các bình nhỏ có tên la tinh viết trên những tờ nhãn vuông bằng giấy trắng.

Chàng lấy ra một chiếc bình để liệt kê tính năng của chất liệu bên trong, rồi bình thứ hai, thứ ba, và chàng giảng một giáo trình thực sự về trị liệu mà mọi nó ncv lắng nghe hết sức chăm chú.

Roland vừa lắc đầu vừa lặp lại:

"Hay thật đấy nhỉ!"

Có người gõ nhẹ vào cửa.

"Mời vào!" Pierre nói to.

Và thuyền trưởng Beausire xuất hiện.

Ông vừa nói vừa chìa bàn tay:

"Tôi đến muộn vì tôi không muốn làm phiền khi các vị thố lộ tâm tình".

Ông ta cũng phải ngồi lên giường. Và lại yên lặng.

Nhưng bỗng nhiên, thuyền trưởng lắng tai. Những hiệu lệnh vẳng đến ông qua vách phòng và ông thông báo:

"Đã đến giờ chúng tôi ra đi nếu muốn lên thuyền Perle để còn kịp thấy cậu ở lối tàu ra, và để chào tạm biệt cậu giữa biển".

Roland bố rất thiết tha với chuyện này, chắc hẳn để gây ấn tượng với hành khách trên tàu Lorraine, và ông ta vội vã đứng lên:

"Nào, tạm biệt nhé, con trai".

Ông hôn lên râu má Pierre, rồi mở lại cửa.

Bà Roland không nhúc nhích, và cứ cúi nhìn xuống, hết sức nhợt nhạt.

Ông chồng chạm vào cánh tay bà:

"Nào, nhanh lên, không bỏ phí được một phút nào đâu".

Bà đứng thẳng dậy, bước một bước về phía con trai và chìa ra cho chàng, lần lượt, đôi má trắng nhợt như sáp, chàng hôn lên đó chẳng nói một lời. Rồi chàng bắt tay bà Rosémilly, bắt tay em trai và hỏi em:

"Bao giờ chú làm đám cưới?"

"Em còn chưa biết chính xác. Chúng em sẽ làm cho nó trùng với một chuyến tàu của anh".

Cuối cùng tất cả mọi người ra khỏi phòng và lên lại boong tàu bộn bề đông đảo người xem, phu khuân vác, thuỷ thủ.

Hơi nước rống ì ầm trong cái bụng khổng lồ của con tàu dường như đang rung lên vì sốt ruột.

"Tạm biệt" Roland nói, vẫn vội vã.

"Tạm biệt" Pierre đáp, chàng đứng ở đầu một cây cầu gỗ nhỏ nối tàu Lorraine với bến.

Chàng lại bắt tay tất cả mọi người và gia đình chàng ra đi.

"Mau nào, mau nào, lên xe!" ông bố kêu lên.

Một xe ngựa chở thuê vẫn chờ họ, đưa họ đến mạn ngoài cảng, nơi Papagris đã chuẩn bị cho con thuyền Perle sẵn sàng ra khơi.

Không một hơi gió thổi, đó là một trong những ngày thu khô ráo và êm ả, mặt biển nhẵn lì có vẻ lạnh và rắn như thép.

Jean nắm lấy một cây chèo, lão thuỷ thủ cầm cây bên kia và họ bắt đầu chèo. Trên đê chắn sóng, trên các con đập, trên cả những cây cầu đá, một đám đông vô kể, ồn ào náo động, đang đợi tàu Lorraine.

Thuyền Perle đi qua giừa hai làn sóng người này và chẳng mấy chốc đã ở bên ngoài đê chắn sóng.

Thuyền trưởng Beausire, ngồi ở giữa hai người phụ nữ, cầm lái và ông ta bảo:

"Rồi các vị xem chúng ta sẽ ở đúng trên đường tàu đi, kia kìa, thật đúng".

Và hai người đang chèo cố sức chèo để ra được xa hết mức có thể. Bỗng Roland reo lên:

"Nó kia kìa! Tôi nhìn thấy khung buồm và hai ống khói của nó. Nó đang ra khỏi vũng đậu".

"Mạnh tay lên nào! Các con!" Beausire lặp lại.

Bà Roland lấy trong túi ra chiếc khăn tay đặt lên mắt.

Roland đứng, bám chặt lấy cột buồm, ông ta thông báo:

"Lúc này nó đang tiến ra phía ngoài cảng…Nó không nhúc nhícn nữa…Nó lại chuyển động…Chắc nó lấy tàu kéo…Nó đi..Hoan hô! Nó vào giữa các con đập! Có nghe thấy mọi người reo hò không? hoan hô!... Tàu Neptune kéo nó…bây giờ tôi trông thấy mũi của nó rồi…nó kia kìa, nó kia kìa..Mẹ kiếp, tàu ra tàu! Mẹ kiếp! Này, nhìn đi chứ!..."

Bà Rosémilly và Beausire quay mình lại, hai người đàn ông ngừng chèo, riêng bà Roland không động cựa.

Con tàu đồ sộ, được kéo đi bởi một tàu kéo rất khoẻ, trông như con sâu trước nó, đang tiến ra khỏi cảng một cách chậm rãi và vương giả. Và dân chúng Le Havre tụ tập trên các con đê, trên bãi biển, bên các cửa sổ, đột nhiên bị cuốn theo một đà bồng bột ái quốc, cất tiếng reo hò "Lorraine muôn năm!" hoan nghênh và tung hô cuộc khởi hành huy hoàng ấy, sự sinh nở ấy của một thành phố lớn miền duyên hải đang trao cho biển cả đứa con đẹp nhất của mình. Còn Nó, vừa vượt khỏi lối đi hẹp giữa hai bức thành đá hoa cương, cảm thấy cuối cùng đã được tự do, liền bỏ lại chiếc tàu kéo, và tiến lên một mình, như một quái vật khổng lồ chạy trên mặt nước.

"Nó kia kìa!... nó kia kìa!... " Roland vẫn hét "Nó tiến thẳng đến chúng ta!"

Còn Beausire, rạng rỡ, nhắc đi nhắc lại:

"Tôi đã hứa với các vị như thế nào, hả? có phải tôi biết rõ đường tàu đi không nào?"

Jean nói với mẹ, thật khẽ:

"Mẹ nhìn này, mẹ, nó đang lại gần".

Và bà Roland bỏ khăn ra khỏi đôi mắt nhoà lệ.

Tàu Lorraine tiến lại, mở hết tốc lực từ lúc ra khỏi cảng, dưới bầu trời trong sáng, yên bình. Beausire dương ống nhòm, thông báo:

"Chú ý! Cậu Pierre ở đuôi tàu, một mình, trông rất rõ. Chú ý!"

Cao lừng lững như trái núi và nhanh vùn vụt như xe hoả, con tàu, giờ đây, lướt qua gần như sát rạt thuyền Perle. Và bà Roland, cuống cuồng, hoảng hốt, giơ hai cánh tay hướng về nó, và bà nhìn thấy con trai của bà, con trai Pierre của bà, đội chiếc mũ lưỡi trai có nẹp viền, đang gửi cho bà bằng cả hai bàn tay những chiếc hôn từ biệt. Nhưng chàng đang ra đi, chàng đang xa dần, khuất dần, đã thành nhỏ xíu, mờ như một vết chấm nhạt nhoà trên con tàu khổng lồ. Bà cố nhận ra chàng thêm nữa rồi không còn phân biệt được.

Jean đã cầm lấy tay bà. Chàng nói:

"Mẹ nhìn thấy rồi chứ?"

"Ừ, mẹ nhìn thấy rồi. Anh con tốt biết bao!"

Và họ quay thuyền về hướng thành phố.

"Cha chả! Nó đi nhanh thật!" Roland tuyên bố với niềm tin chắc nịch đầy hoan hỉ.

Quả thật, con tàu đang nhỏ dần từng giây từng giây như thể tan đi trong đại dương. Bà Roland quay về phía nó, nhìn nó chìm nơi chân trời hướng về một miền đất lạ, ở đầu bên kia thế giới. Trên con tàu không gì có thể làm dừng lại ấy, trên con tàu lát nữa bà sẽ không nhìn thấy nữa, có con trai bà, đứa con trai tội nghiệp của bà. Và bà thấy dường như một nửa trái tim bà ra đi cùng với chàng, bà cũng thấy dường như đời bà đã hết, bà còn thấy dường như bà sẽ không bao giờ gặp lại con mình nữa. Chồng bà hỏi:

"Sao mình lại khóc nhỉ? Vì chưa đầy một tháng nữa nó sẽ về mà?"

Bà ấp úng:

"Tôi không biết. Tôi khóc vì tôi thấy khổ".

Khi họ về đến bờ, Beausire lập tức cáo từ để đến ăn trưa tại nhà một người bạn. Jean đi phía trước, cùng với bà Rosémilly, và Roland bảo vợ:

"Trông dáng nó cũng bảnh đấy chứ, thằng Jean nhà mình ấy".

"Vâng" bà mẹ đáp.

Và bởi lòng quá bối rối chẳng nghĩ đến điều mình nói, bà thêm:

"Tôi rất mừng là nó lấy bà Rosémilly".

Ông lão sửng sốt:

"Ơ! Thế nào cơ? Nó sắp lấy bà Rosémilly ư?"

"Vâng, chính hôm nay mẹ con tôi định hói ý kiến mình đấy".

"Này! Này! Thế chuyện ấy đã lâu chưa?"

"Ồ, không đâu. Mới vài ngày nay thôi. Jean muốn biết chắc được cô ấy nhận lời trước khi hỏi ý mình".

Roland xoa xoa tay:

"Tốt lắm. Tốt lắm. Tuyệt hảo. Tôi thì tôi hoàn toàn tán thành".

Bởi họ sắp rời bến tàu, đi vào đại lộ Francois I, vợ ông ngoảnh lại lượt nữa để nhìn biển khơi một lần cuối cùng. Nhưng bà chẳng còn thấy gì ngoài một làn khói nhỏ màu xám, xa xôi quá, mỏng mảnh quá. Cứ như một chút sương mù.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx