sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

13. Nẻo đường con đi

Nẻo đường con đi

(Giải Nhất tháng 2 đợt 2)

Một lần, mẹ bảo tôi:

“Chân mày bây giờ là chân đi rồi, đất này không giữ được mày nữa”.

Tôi cười trừ, chẳng biết đáp lời mẹ sao cả. Mà có lẽ mẹ cũng không đợi chờ một câu trả lời từ phía tôi, bởi đây đâu phải là một câu hỏi, là mẹ muốn than thở một chút thôi. Cuộc đời con người là những chuyến đi dài không hẹn ngày trở lại, có những lần chia li mà nghẹn lòng vì biết từ đây sẽ là xa mãi, nếu có quay về cũng chỉ là ghé thăm. Tôi bắt đầu sống xa nhà từ khi chưa tròn mười bốn tuổi. Chưa đủ lớn khôn đã phải tự lo thân mình, bây giờ nghĩ lại mới thấy ngày đó bố mẹ tôi đã phải dũng cảm đến mức nào mới có thể đưa ra quyết định đó. Gần như không có bước đệm để chuẩn bị tinh thần, tôi lên đường với hành trang là một rương đồ lèn chặt, vài thùng sách và một giỏ thức ăn. Đồ đạc chẳng có bao nhiêu mà hai mẹ con ngồi soạn sửa suốt cả một đêm. Mười mấy năm trời, tôi đi theo con đường do bố mẹ vạch sẵn, không được và không cần tự quyết bất cứ việc gì. Đến khi đứng trước viễn cảnh sẽ chỉ có một mình trong những tháng ngày sắp tới, giữa cảm giác náo nức với “tự do” (dù chỉ một phần nào đó), tôi vẫn mơ hồ thấy hoang mang lo sợ.

Kể từ đó, cứ đôi ba tháng một lần, tôi lại ngồi xe bốn tiếng đồng hồ về thăm nhà. Mỗi lần chỉ ngủ ở nhà vài đêm, giường chưa kịp bén hơi đã phải quày quả ra đi. Lần nào cũng thế, kiểu gì mẹ cũng dúi thêm cho mấy bịch đồ ăn, đủ để tôi ăn rả rích cả nửa tháng trời mới hết. Không bao giờ tôi từ chối, cũng như những lần mẹ gọi điện thông báo rằng vừa mới kê lại cái giường trong phòng tôi sang góc khác cho bớt nắng, thay màu ga trải nệm, đổi loại rèm… tôi luôn cười hí hửng, “U cho thì con nhận”. Và mười lần như một, lần nào mẹ cũng dài giọng, “Mẹ biết thừa tính mày ngại từ chối mà”. Thực ra không phải tôi ngại từ chối, mà vì tôi biết mình vắng nhà liên miên, mẹ đâu có nhiều cơ hội chăm sóc mình. Mỗi lần như thế, giở bịch đồ ăn mẹ gói cho, nơi xa xôi vẫn được ăn những món mẹ làm, bỗng thấy yêu thương vẫn quanh mình ăm ắp.

Tôi nằm nói chuyện với mẹ, trong cái chăn thơm mùi nắng mới mẹ vừa giặt hôm qua. Mẹ bảo, ra trường thì về tỉnh làm, mẹ đã “giấm” sẵn cho một chỗ rồi, chỉ đợi tôi cầm được tấm bằng thôi. Im lặng một lúc lâu, tôi mới khẽ khàng bảo mẹ, con vẫn chưa có ý định nghỉ việc ở chỗ làm hiện tại. Bây giờ con vẫn còn trẻ, rất trẻ, con chỉ xin mẹ hai năm thôi, để con được làm những gì con muốn, được đi theo con đường mình chọn. Mẹ vùng dậy, trước khi bước ra khỏi phòng mẹ nói:

“Mày cứ lông bông như vậy người ta trông vào sẽ nói thế nào? Mày tưởng hai năm ngắn lắm sao, con gái có thì, mà cơ hội xin việc không phải lúc nào cũng sẵn. Cơm gạo chê không ăn thì kẻ khác hưởng, người ta đâu thể để thiu để mốc chỉ vì mày được…”.

Tôi biết mẹ giận lắm, nhưng mẹ vẫn xuống bếp, băm thịt, rang gà, giã lạc, chuẩn bị thức ăn để tôi mang đi. Mẹ vẫn tự tay sắp xếp đồ đạc cho tôi như cái đêm của gần mười năm về trước. Tôi đứng trên cầu thang nhìn xuống bếp, thấy mẹ vừa làm vừa đưa tay quệt nước mắt, bóng lưng mẹ gầy guộc dưới ánh đèn, chợt nhận ra mẹ mình thật sự không còn trẻ nữa rồi.

Sáng hôm sau tôi đi sớm, nhìn quanh không thấy mẹ đâu, chạy ra sau nhà thấy mẹ đang loay hoay cùng đàn nhím. Bình thường việc dọn rửa chuồng trại này là do bố làm. Tôi đưa mắt hỏi bố, bố thở dài quay đi. Cổ họng nghẹn đắng, tôi cắn khớp ngón tay, mãi một lúc sau mới nghẹn ngào, “Mẹ ơi, con đi đây”. Mẹ ngừng tay, gật đầu, không hề quay lưng lại. Gần mười năm sống xa nhà, mấy chục lần về thăm, đây là lần đầu tiên mẹ không ra tiễn tôi, lần đầu tiên mẹ không đáp lời khi tôi chào, lần đầu tiên mẹ không đứng bên hiên nhà dõi theo dù trời mưa nắng thế nào, cho tới khi xe tôi khuất tầm mắt mới thôi.

Tôi biết, rất khó khăn để mẹ chấp nhận đã đến ngày con mình rời hẳn khỏi vòng tay, không còn đi theo con đường bố mẹ vạch sẵn nữa. Rất khó khăn để chấp nhận cho con mình lao đầu vào một cuộc đua mà thắng thua thật khó phân định, từ bỏ cơ hội có được một cuộc sống an nhàn sung túc để thay vào đó là phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày. Mẹ buồn, tôi nào có vui, nhưng có những điều không thể tránh khỏi, dù sớm hay muộn, rồi cũng sẽ đến lúc mẹ không thể lo cho tôi được nữa. Năm tôi mười bốn tuổi, mẹ đã cắn răng đồng ý cho tôi đi học xa nhà, năm tôi hai mươi hai tuổi, liệu mẹ có thể chấp nhận để con mình bước sang một ngả khác hay không?

Tôi nổ máy, rồ ga lên đường. Mặt trời chưa lên, sương còn quẩn quanh khắp phố. Nhà tôi khuất dần. Bỗng tôi thấy một bóng người xuất hiện trong gương chiếu hậu. Đạp phanh dừng lại, xa xa dáng mẹ tôi đứng lặng dưới gốc cây hoa sữa mé hiên nhà. Tôi sững sờ, nước mắt vô thức chảy tràn. Mẹ tôi đó, người yêu thương tôi nhất trên đời, người mà tôi có thể chia sẻ mọi điều, có thể òa khóc tự nhiên, có thể bỏ qua tất cả lỗi lầm từ bé đến lớn của tôi, dù tôi đã làm mẹ buồn lòng đến thế. Mà tôi vô tâm, chỉ biết nhận thôi, nào đã đáp đền được mẹ chút gì…

Những tia nắng đầu tiên le lói, tôi lên đường, gió sớm buốt lạnh nhưng trong lòng vẫn thấy ấm áp. Chỉ cần mẹ vẫn đứng dưới mái hiên nhà lặng lẽ dõi theo thế thôi, đường dù dài đến đâu tôi cũng đủ can đảm bước tiếp, và dù đi xa tới đâu, tôi vẫn sẽ nhớ lối để quay về.

Yên Vũ

Hoằng Anh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx