Chris bỗng cảm thấy như đất sụt lỡ dưới chân nàng. Cuộc hội kiến lùng sục đánh hơi này, nàng nhận ra, thoắt đã trở nên màn thẩm vấn khắc nghiệt như sắt thép. " Kìa, Karl đang đứng ngay đó." Nàng hất đầu ra hiệu, tia mắt nàng đậu hững hờ trên lưng người giúp việc. Anh ta vẫn còn đánh bóng lò nướng bánh.
... " Còn Willie là vợ anh ấy," nàng nói tiếp. " Hai vợ chồng là quản gia của tôi." Anh ta vẫn tiếp tục đánh bóng... "Buổi chiều hôm đó họ được nghĩ việc và lúc tôi về đến nhà, họ vẫn chưa trở về. Willie... " Chris ngưng ngang.
" Wille làm sao ?"
" Ồ, không, chẳng làm sao cả." Nàng nhún vai lúc nàng rứt tia nhìn ra khỏi thớ lưng rắn chắc của người gia nhân. Lò nướng đã sạch boong, nàng nhận thấy. Thế tại sao Karl cứ chà hoài vậy?
Nàng nhón lấy một điếu thuốc. Kindeman châm lửa cho nàng.
" Như vậy là chỉ còn mỗi mình con gái cô biết được Dennings ra khỏi nhà lúc nào thôi."
" Thực sự đó là một tai nạn sao ?"
" Ồ, dĩ nhiên. Đây chỉ là vấn đề thủ tục thôi, cô MacNeil ạ, thủ tục thôi mà. Ông Dennings không hề bị cướp và ông không có kẻ thù, theo chỗ tôi biết thì không có ai, nghĩa là, nội trong quận Columbia này."
Chris ném một cái nhìn thoáng về phía Karl rồi đảo mắt ngay trở lại phía Kinderman. Không biết ông ta có để ý thấy không? Chắc là không? Ông ta đang bận sờ mó bức tượng chim.
" Nó có một cái tên, loài chim này này, nhưng tôi không sao nghĩ ra được. Một cái tên gì đó. " Ông nhận thấy Chris đang nhìn trừng trừng và có vẻ bối rối. " Thứ lỗi cho tôi, cô đang bận quá. Vâng, một phút nữa thôi là chúng ta xong. Nào, con gái cô, cô bé hẳn là biết lúc ông Dennings rời khỏi nhà chứ ?"
" Không, nó không biết đâu. Lúc đó nó đã được chích thuốc an thần với liều lượng mạnh."
" Ái chà, khốn khổ thân tôi, thật xấu hổ, xấu hổ quá." Đôi mi mắt ủ rũ của ông rỉ ra vẻ quan tâm. " Bệnh nặng à?"
" Vâng, tôi e rằng thế."
" Xin phép hỏi là ..." ông thăm dò với một dáng điệu tinh tế.
" Chúng tôi vẫn chưa được biết."
" Phải coi chừng gió lùa," ông lưu ý một cách xác quyết.
Chris có vẻ lúng túng.
" Một cơn gió lùa giữa mùa đông khi trong nhà đang hâm hấp nóng chính là một tấm thảm thần cho lũ vi trùng đó. Mẹ tôi thường bảo thế. Có lẽ đó là thần thoại dân gian. Có lẽ thế." Ông nhún vai. " Nhưng theo tôi, một thần thoại, nói đúng ra, cũng giống như một tờ thực đơn trong một nhà hàng Pháp sang trọng: một sự ngụy trang phức tạp, hào nhoáng che đậy cho một sự thật mà nếu thiếu sự ngụy trang đó, người ta sẽ không chịu nuốt trôi đâu, chẳng hạn như món đậu lima đó," ông ta hăng say thuyết.
Chris thoải mái lại. Con chó lông xù này chạy rong tuý lúy qua các cánh đồng bắp nay đã trở về đây.
" Đích thị là phòng cô bé rồi, đúng là phòng cô bé," ông trỏ lên trần nhà, " với cánh cửa sổ lớn nhìn ra dãy bậc cấp đó?"
Chris gật đầu.
" Nhớ đóng cửa sổ đó lại thì cô bé sẽ khỏe thôi."
" Vâng, thì cửa sổ đó lúc nào cũng đóng, cả các cánh cửa chớp của nó bao giờ cũng đóng thường xuyên." Chris bảo lúc ông ta đút một bàn tay to bè vào túi áo vét.
" Cô bé sẽ khỏe ngay thôi." Ông lập lại như dạy đời. " Chỉ cần nhớ điều này, cẩn tắc vô áy..."
Chris lại nhịp mấy ngón tay lên bàn trở lại.
" Cô bận quá. Thôi, chúng ta xong. Chỉ ghi chú một điều vào hồ sơ - thủ tục mà - là chúng ta xong hết."
Từ trong túi áo vét, ông rút ra một tờ chương trình nhàu nát, quay rô-nê-ô quảng cáo buổi trình diễn kịch bản Cyrano Dennings Bergerac do trường trung học tổ chức, bây giờ ông lại mò mẫm trong các túi áo khoác, thuỗn được một mẫu bút chì số 2 màu vàng, đầy vết răng mà đầu bút có cái vẻ như đã được chuốt bằng lưỡi kéo. Ông trải thẳng tờ chương trình trên mặt bàn, miết cho hết những vết nhăn. " Nào, bây giờ ta ghi một hai tên thôi." Ông thở phì phò. " Cái tên Spencer ấy viết với một chữ "c" phải không ?"
" Phải, c."
" Một chữ c." Ông lập lại, viết tên đó trên lề tờ chương trình. " Còn hai người quản gia? John và Willie ?"
" Karl và Willie Engstrom."
" Karl. Phải rồi. Đúng là Karl Engstrom." Ông hí hoái ghi hai tên đó bằng nét chữ thảo đậm, đen. " Bây giờ tới mục thời gian, tôi nhớ là..." Ông bảo nàng, giọng khản đặc, vừa lật qua bên kia tờ chương trình để tìm chỗ giấy trắng. " Thời gian qua, tôi - Ồ không, hượm đã. Tôi quên mất. Ờ phải, hai người quản gia. Cô đã bảo là họ về đến nhà lúc mấy giờ nhỉ ?"
" Tôi chưa nói điều đó. Này Karl, đêm qua anh về nhà lúc mấy giờ vậy ?" Chris gọi anh ta.
Người đàn ông Thụy Sĩ quay lại, gương mặt anh ta đầy bí hiểm. " Đúng chín giờ ba mươi phút, thưa bà."
" Ừ đúng rồi, anh bỏ quên chìa khoá mà. Tôi nhớ là tôi đã nhìn đồng hồ trong bếp lúc anh nhấn chuông gọi cửa."
" Anh đi xem một phim hay đấy chứ ?" nhà thám tử ướm hỏi Karl. " Tôi thì chẳng bao giờ đi xem phim theo nhận định của các mục điểm phim cả," ông giải thích riêng với Chris. "Nghĩa là theo kiểu mà thiên hạ nghĩ, khán giả ấy."
" Tôi đi xem Paul Scofield đóng trong phim "Lear", Karl tiết lộ với nhà thám tử.
" À, tôi đã xem phim đó rồi, thật là tuyệt tác. Tuyệt tác. Tuyệt tác."
" Vâng, tại rạp Crest," Karl nói tiếp. " Xuất sáu giờ. Ngay sau đó, tôi lên xe buýt ngay trước rạp và.."
" Xin cảm ơn, điều đó không cần thiết," nhà thám tử phác một cử chỉ phản đối. " Xin khỏi nói thêm."
" Tôi không thấy có gì phiền."
" Nếu anh cứ nhất định nói, thì... "
" Tôi xuống xe tại góc phố giữa Đại lộ Wisconsin và phố M. Có lẽ lúc chín giờ hai mươi phút. Sau đó tôi đi bộ về nhà."
" Coi kìa, anh không cần gì phải khai với tôi cả," nhà thám tử bảo anh ta, " nhưng dù gì thì, cũng xin cám ơn anh, anh thật hết sức chu đáo. Anh thích phim đó chứ ?"
" Phim rất hay."
" Đúng, tôi cũng nghĩ thế. Ngoại hạng thật. Chà, bây giờ thì... " ông ta quay lại Chris và tiếp tục hí hoáy trên tờ chương trình. " Tôi làm mất thì giờ của cô quá, nhưng công việc thì phải làm thôi." Ông nhún vai. " Vâng, chỉ một chút nữa là ta xong. Bi thảm... bi thảm thật... " Ông lắp bắp lúc ghi nhanh mấy đoạn đứt khúc trên mấy rìa giấy. " Thật là một tài năng. Một nhân vật hiểu biết con người, tôi tin như vậy, biết cách sử dụng họ. Với bao nhiêu là những yếu tố, những thành phần có thể khiến cho ông ta thành công hay, có lẽ, làm ông thất bại - như thể người quay phim, chuyên viên âm thanh, nhà soạn nhạc, bất cứ... xin sửa chữa giùm tôi nếu tôi nói sai, nhưng đối với tôi, hình như thời đại ngày nay một nhà đạo diễn có tầm cỡ cũng phải xếp suýt soát ngang hàng với một Dale Carnegie. Tôi nói có sai không ?"
Nhà thám tử đảo tờ chương trình sang một vị trí khác. " Chà, có lẽ các nhân vật lớn đều thế cả. Những người ở tầm cỡ ông ấy." Lại một lần nữa, ông ta lại hí hoáy viết. " Nhưng điểm chủ yếu vẫn là đám thương nhân, những thằng ở con sen, những kẻ quan xuyến những tiểu tiết vụn vặt mà nếu họ quán xuyến không đúng cách chúng sẽ trở thành lớn chuyện. Cô có nghĩ thế không?"
Chris ngắm mấy đầu ngón tay và buồn bã lắc đầu. " Khi Burke đã nổi nóng lên rồi thì ông ta chẳng phân biệt gì cả đâu." Nàng thì thào với một nụ cười gượng gạo, héo hắt. " Không đâu, thưa ông. Tuy nhiên, chỉ khi nào ông ta say thôi."
" Xong, chúng ta xong." Kinderman viết một chữ "i" cuối cùng. " Ồ, mà khoan đã," ông chợt nhớ. " Bà Engstrom. Họ đi và về chung với nhau à ?" Ông phát cử chỉ về phía Karl.
" Không, chị ta đi xem một phim của ban Beatles," Chris đáp ngay lúc Karl quay lại để trả lời. " Vợ tôi về sau tôi vài phút."
" Tại sao tôi lại hỏi điều đó ? Chẳng có gì quan trọng." Ông nhún vai lúc gấp tờ chương trình lại và đút vào túi áo vét cùng với mẫu bút chì. " Vâng, thế đó. Chẳng là khi về đến sở, thế nào tôi cũng chợt nhớ ra một điều gì mà lẽ ra tôi phải hỏi. Với tôi, điều ấy luôn luôn xảy ra. Ồ, tôi có thể gọi điện thoại cho cô được mà." Ông thở hầng hậc, đứng lên.
Chrsi đứng lên luôn với ông.
" Chắc tôi sắp đi khỏi thành phố hai tuần lễ," nàng bảo.
"Đợi được mà,"ông trấn an nàng. " Đợi được mà." Ông nhìn bức tượng chim với nụ cười âu yếm. " Ngộ, ngộ thật," ông nói. Ông nghiêng người nhấc bức tượng lên rồi lấy ngón cái cạo cạo dọc mỏ chim.
Chris cúi xuống nhặt một sợi chỉ trên sàn bếp.
"Cô có tìm được bác sĩ giỏi không ?" Nhà thám tử hỏi nàng. Bác sĩ để chữa cho con gái của cô ấy."
Ông trả lại bức tượng lại chỗ cũ rồi chuẩn bị cáo từ. Vẻ mặt rầu rĩ, Chris theo sau ông, tay cứ quấn sợi chỉ quanh ngón tay cái.
" Vâng, điều chắc chắn là tôi đã chán ngấy mấy ông bác sĩ rồi," nàng thì thào. " Dù sao, tôi cũng định đưa cháu vào một y viện nghe nói là rất nỗi tiếng về công việc như của ông đang làm đây, chỉ có điều là họ chỉ có điều tra xem xét các loại vi-rút thôi."
" Ta cứ hy vọng là họ sẽ làm việc đó tốt hơn tôi bội phần. Nó ở ngoài thành phố phải không, cái y viện này?"
" Vâng, ở ngoại ô."
" Một y viện tốt đấy chứ ?"
" Còn phải xem."
" Nhớ tránh gió lùa cho cháu bé."
Họ đã ra đến cửa trước. Nhà thám tử đặt tay trên núm cửa. " Vâng. Phải nói là tôi rất thích thú, có điều trong những tình huống như thế này... " ông cúi đầu và lắc quầy quậy. " Tôi rất tiếc, thật đó. Tôi thật rất lấy làm tiếc."
Chis khoanh tay nhìn xuống thảm. Nàng khẽ lắc đầu.
Kingderman mở cửa bước ra ngoài. Lúc quay lại Chris, ông đang đội mũ lên.
" Thôi, xin chúc con gái có nhiều may mắn."
" Cám ơn," nàng cười mòn mỏi. "Xin chúc cả thế giới được may mắn."
Ông gật đầu với một vẻ niềm nở dịu dàng xen lẫn buồn rầu, rồi lạch bạch bước đi. Chris cứ nhìn lúc ông ta đi nghiêng ngó đến bên một chiếc xe tuần cảnh đang đậu sẵn cạnh góc phố, trước mặt một vòi nước cứu hoả. Ông khoác một tay lên giữ mũ lúc một cơn gió lạnh như cắt từ phương nam lồng lộng thổi đến. Vành mũ ông vỗ phần phật. Chris đóng cửa lại.
Lúc đã ngồi vào xe tuần cảnh cạnh tài xế, Kingderman quay lại ngắm ngôi nhà. Ông có cảm nghĩ là ông vừa trông thấy có sự chuyển động nơi cửa sổ phòng Regan, một hình dáng mềm mại, nhanh nhẹn lướt nhanh qua thành cửa sổ rồi mất dạng. Ông không dám chắc. Ông chỉ nhác thấy ở vòng ngoài lúc ông quay lại thôi. Nhưng ông nhận thấy các cánh cửa chớp đều mở toang. Quái thật. Suốt hồi lâu, ông cứ chờ đợi. Không thấy ai xuất hiện. Chau mày, bứt rứt nhà thám tử quay lại, mở ngăn đựng bao tay, lấy ra một phong bì nhỏ màu nâu và một con dao nhíp bỏ túi. Mở một lưỡi dao nhỏ nhất ra, ông chận ngón tay cái phía trong lòng phong bì, rồi như một bác sĩ phẫu thuật, ông nạo lớp sơn trên bức tượng do Regan tạc từ dưới móng ngón tay cái ra. Lúc đã nạo xong và niêm phong bì lại rồi, ông gật đầu về phía viên trung sĩ điều tra ngồi sau tay lái. Họ vù đi.
Lúc họ lái xuống phố Prospect, Kingderman bỏ chiếc phong bì vào túi. " Cứ thong thả," ông lưu ý người trung sĩ vừa nhìn cảnh xe cộ lưu thông đùn đống ở trước mặt. " Đây là công việc chứ không phải đi chơi." Ông dụi mắt bằng mấy ngón tay mệt mỏi. "Ôi, thật chán cho đời," ông thở dài. " Thật chán cho đời."
° ° °
Tối hôm ấy, trong khi bác sĩ Klein đang chích cho Regan năm mươi miligam Sparine để bảo đảm cho cô bé được an ổn trong chuyến hành trình đi Dayton, thì trung uý Kingderman đứng trầm ngâm trong văn phòng, hai bàn tay úp thẳng trên mặt bàn lúc ông nhìn chăm chú mớ dữ kiện còn manh mún, rời rạc chỉ làm rối trí ông. Luồng sáng hẹp của một ngọn đèn bàn cũ kỹ lóe trên một mớ hỗn độn các báo cáo phúc trình. Không cò một nguồn sáng nào khác. Ông tin rằng như thế dễ giúp ông thu hẹp được điểm tập trung.
Kinderman thở rất khó khăn nặng nhọc trong bóng tối lúc tia nhìn của ông cứ di chuyển khi chỗ này, lúc chỗ khác. Sau đó ông hít một hơi thở rõ sâu và nhắm mắt lại. Bán xôn trí tuệ đây. Mại dô! Ông tự nhủ mình, giống như cách ông hay làm cứ khi nào ông muốn sắp xếp lại đầu óc để đón nhận một quan điểm mới. Dứt khoát là Mọi Thứ Phải Đi Bằng Hết!
Lúc mở mắt ra, ông đọc kỹ bảng báo cáo của chuyên viên nghiên cứu bệnh lý về trường họp Dennings:
"... rách cột sống cộng với sọ và cổ bị gãy, thêm vào đó nhiều vết đập, vết rách và trầy da, bị căng da cổ, bầm tím vùng da cổ, bị lột cơ bám da, cơ ức chũm, cơ gối, cơ hình thang và nhiều cơ nhỏ khác ở cổ, gãy xương sống và đốt xương sống, bị lột các dây chằng phía trước và phía sau cột sống..."
Qua cửa sổ, ông nhìn vào vùng đen tối của thành phố. Ánh sáng từ điện Capitol có mái vòm sáng ngời. Quốc Hội đang làm việc khuya. Ông lại nhắm mắt, hồi tưởng đến cuộc đối thoại của ông với chuyên viên bệnh lý của Quận hồi mười một giờ năm mươi phút vào đêm Dennings chết.
" Điều đó có thể xảy ra vì một cái ngã không ?"
" Không, rất khó có thể như thế được. Nội các cơ ức chũm không thôi cũng đã đủ tránh được điều đó rồi. Rồi người ta lại còn có cả các khớp khác nhau ở vùng cột sống cổ cần phải bị khuất phục trước đã, cũng như các dây chằng nối kết các xương lại với nhau nữa."
" Thế nhưng nói trắng ra thì điều ấy có thể xảy ra không ?"
" Dĩ nhiên lúc đó ông ta bị say rượu nên các cơ bắp này chắc chắn là có nới dãn phần nào. Có lẽ, nếu như lực phát sinh từ sự va chạm đầu tiên đủ mạnh và... "
" Có lẽ ông ta phải rơi từ độ cao từ bảy đến mười thước trước khi chạm đất ?"
" Đúng, chính thế, và nếu như ngay sau cú va chạm mà đầu ông ta lại kẹt phải một cái gì đó, nói một cách khác, nếu đã có sự can thiệp lập tức của động tác xoay đầu và thân mình xét như một đơn vị duy nhất thì có lẽ - tôi chỉ nói là có lẽ thôi - ta sẽ có được một kết quả giống như thế."
" Có thể có một người nào khác đã làm điều đó không ?"
" Có chứ, nhưng kẻ đó nhất thiết phải là một người có sức mạnh phi thường."
Kingderman đã kiểm chứng lời khai của Karl Engtrom liên quan đến nơi chốn anh ta đang có mặt lúc xảy ra cái chết của Dennings. Về thời gian của xuất chiếu phim thì rất khớp, cũng như lịch trình của một chuyến xe buýt thuộc quận Columbia vào đêm hôm ấy. Hơn nữa, người tài xế chiếc xe buýt mà Karl khẳng định là anh ta đã bước lên bên rạp chiếu bóng lại hết phiên trực ngay tại góc Đại lộ Wiscosin và phố M. nơi theo lời khai của Karl, anh đã xuống xe vào chín giờ hai mươi phút. Việc thay đổi tài xế đã diễn ra, và người tài xế hết phiên trực đã ghi vào sổ thời gian anh ta đến tại điểm bàn giao: đúng chín giờ mười tám phút.
Thế nhưng trên bàn giấy của Kingderman là một hồ sơ buộc tội Engtrom đề ngày 27 tháng Tám năm 1963, tố cáo rằng trong suốt thời gian nhiều tháng trời, Engstrom đã đánh cắp một số lượng ma tuý trong nhà một vị bác sĩ ở Beverly Hills nơi anh ta và Willie được mướn vào giúp việc lúc ấy.
"... . sinh ngày 20 tháng Tư năm 1921 tại Zurich, Thụy Sĩ. Cưới Willie nee Braun ngày 7 tháng Chín năm 1941. Con gái, Elvira, sinh tại thành phố New York ngày 11 tháng Giêng năm 1943, địa chỉ hiện tại không rõ. Bị cáo... "
Phần còn lại của hồ sơ nhà thám tử mới thấy điên đầu.
Vị bác sĩ, mà lời khai của ông là điều kiện tất yếu giúp cho việc khởi tố có kết quả, bất ngờ - và không một lời giải thích - lại bãi nại.
Tại sao ông ta lại làm như vậy ?
Chỉ sau đó hai tháng, cặp vợ chồng Engstrom lại được Chris MacNeil mướn giúp việc nhà, điều đó cho thấy rằng vị bác sĩ đó đã có lời giới thiệu thuận lợi, đã có nhận xét tốt về cặp vợ chồng này.
Thế sao ông ta lại làm thế ?
Engstrom chắc chắn là có đánh cắp thuốc thật, thế mà một cuộc giám định y khoa vào thời gian vụ án lại không thể đưa ra được một dấu hiệu nhỏ nhất nào cho thấy là anh ta có nghiện ma tuý, thậm chí là có dùng các chất ấy.
Tại sao lại không ?
Mắt vẫn nhắm, nhà thám tử khẽ đọc "bài vè" của Lewis Carrol " Twa brillig and the slithy toves... " một trong những trò giải trí khác của ông.
Lúc đã đọc xong, ông mở mắt ra và dán tia nhìn lên điện Capitol có kiến trúc hình tròn, cố giữ cho đầu óc trống rỗng. Nhưng cũng như thường lệ, ông nhận thấy điều đó bất khả thực hiện. Thở dài sườn sượt, ông liếc xuống bản phúc trình của chuyên gia tâm lý học của sở cảnh sát về những vụ phạm thánh gần đây tại Thánh đường Ba Ngôi: " ... tượng... dương vật... phân người... Damien Karras... " mà ông đã gạch dưới bằng bút đỏ. Ông thở khò khè trong yên lặng rồi với lấy một tác phẩm biên khảo về thuật phù thủy, lật đến trang mà ông đã đánh dấu bằng một cái kẹp giấy:
"... Lễ Đen... một hình thức sùng bái quỷ dữ, lễ nghi thờ phượng, về đại thể gồm có (1) sự cổ vũ (bài "giảng thuyết" ) làm điều ác giữa vòng các tín hữu (2) giao hợp với ác quỷ và (3) hàng loạt các hành vi xúc phạm thần thánh khác nhau phần lớn đều mang tính chất tình dục vv..và vv... "
Kingdeman lật lướt qua một số trang, đến một đoạn có gạch dưới bàn về sự giết người trong lễ nghi thờ phượng của bọn phù thủy này. Ông đọc đoạn đó chậm rãi, vừa nhấm đầu ngón tay trỏ, và khi đã đọc xong, ông nhìn trang sách cau mày và lắc đầu. Ông ngước tia nhìn trầm tư lên ngọn đèn. Ông tắt đèn. Ông rời văn phòng, lái xe đến nhà xác.
Chàng thanh niên phụ trách ngồi ở bàn giấy, đang nhấm nháp một miếng xăng-uých bằng bột hắc mạch có kẹp dăm bông và phó mát, tay phủi mấy vụn bánh mì khỏi một trang ô chữ thì Kingderman đến bên anh ta.
" Dennings", nhà thám tử thì thào, giọng khản đặc.
Người phụ trách gật đầu, điền xong năm chữ cái trên hàng ngang ô chữ, rồi đứng dậy cầm miếng xăng uých đi xuống hành lang. Kingderman theo sau anh ta, mũ trên tay, theo sau cái mùi hột gà (mù tạt) phảng phất, đến mấy dãy tủ ướp lạnh, đến một phòng không mộng mơ dùng để chứa những đôi mắt mù loà.
Họ dừng lại ở hộc tủ số 32. Người phụ trách lạnh lùng kéo hộc tủ ra. Anh ta cắn bánh xăng uých, và một miếng ruột bánh lấm tấm sốt mayonnaise rơi khẽ khàng trên lớp vải liệm.
Trong một lúc, Kingderman cứ đăm đăm nhìn xuống, rồi chậm rãi và khẽ khàng, ông lật tấm vải liệm lên để phô bày ra cái mà ông đã thấy và vẫn không thể chấp nhận được.
Cái đầu của Burke Dennings bị vặn hẳn ra phía sau, mặt nhìn ra sau lưng!
@by txiuqw4