sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 25

Dibs đã trải qua những ngày đen tối, em đã sống một thời trong bóng đen của cuộc đời. Nhưng em đã có cơ hội ra khỏi những thời kỳ buồn bã này và tự khám phá ra rằng em có thể đối phó với những bóng đen cũng như nắng ấm của cuộc sống mình.

Có lẽ có nhiều sự hiểu biết và nhiều vẻ đẹp hơn trong cuộc đời, khi nắng chói được làm dịu bớt nhờ những mảng bóng đen. Có lẽ có sự sâu xa hơn trong mối liên hệ giữa những người đã vượt qua cơn giông bão. Thứ kinh nghiệm không khi nào làm thất vọng hay làm buồn lòng hay gây xáo trộn là thứ kinh nghiệm tẻ nhạt, không chút thử thách, không đượm màu sắc. Kinh nghiệm lòng tự tin, tín ngưỡng và hy vọng là lúc chúng ta ý thức được sức mạnh nội tâm, lòng can đảm và sự an toàn. Chúng ta đều là những nhân cách được tăng trưởng và phát triển tùy thuộc vào những kinh nghiệm, những mối liên hệ, những suy nghĩ và xúc động của mình. Chúng ta là sự tổng hợp của những yếu tố được qui tụ lại để tạo tác nên một cuộc đời.

Bởi vì tôi nghĩ rằng câu chuyện của Dibs đáng được chia xẻ nên tôi đã đem trình bày những phần trích của tài liệu này cho sinh viên ở một số trường đại học, và nói chuyện tại các buổi họp chuyên môn.

Một hôm tôi nhận được một bức thư của một người học trò cũ:

“Em không thể không dành thời giờ để viết cho cô bức thư này. Em chỉ là một số trong số mấy trăm người theo học lớp cô – và có lẽ em cũng không phải là một khuôn mặt quen thuộc, nhưng xin cô tin em, em là một cái tai chăm chú, bây giờ em đang chờ ra trận một ngày gần đây.Trong trại một đêm em nghe lõm được một mẫu chuyện và cả quê hương, cả bầu không khí xâm nhập lòng em. Em vẫn nhớ cô vẫn thường nói rằng những điều quan trọng là những điều chúng ta còn nhớ sau khi đã quên đi tất cả những cái gì khác. Và một số kinh nghiệm có khả năng làm chúng ta thay đổi quan điểm. Đêm đó chúng em chán nản, buồn phiền, và tự hỏi còn nghĩ quẩn làm gì, Dibs đột ngột hiện diện. Một bạn ở bàn bên đang nói về Dibs. Cô có thể tưởng tượng là câu chuyện gây cho em phản ứng gì không? Em đến ngay bên anh ta. “Sao bồ lại nghe nói về Dibs?” Em hỏi anh ta. Anh ta nói cho em nghe. Không cùng lớp, không cùng năm, không cùng trường. Nhưng vẫn là đứa trẻ ấy, thế là đủ. Em không cần nói cho cô biết là câu chuyện làm em phấn khởi tới mức nào – không những đối với em và với tất cả những người có mặt – bởi vì hợp sức với nhau chúng em kể hết cho họ nghe câu chuyện về Dibs. Dibs đã trở thành một biểu tượng của mọi giá trị đối với chúng em – những giá trị về con người mà chúng em cố gắng bám lấy. Và có một người nói. “Có Dibs ở đây, chúng ta không thể thua cuộc được”.

Nhưng điều gây cho em ấn tượng là thấy Dibs có thực chất biết chừng nào – em có năng lực tích cực tới mức nào – em ấy đã trở thành một phần con người em như thế nào. Rồi em suy nghĩ về vấn đề giáo dục. Em có cấp bằng về quản trị và không biết nhiều về ngôn ngữ tâm lý và chắc chắn là em không hiểu hết những ý nghĩa tâm lý của ca này, nhưng lạy trời, Dibs là nhân vật thật duy nhất em gặp ở lớp học, nhân vật ấy đã dạy cho em thế nào là một người toàn diện –và còn dạy em hơn thế nữa. Em sẽ không bao giờ quên ba dòng chữ này: Bởi vì em nói là em muốn điều đó. Bởi vì cô nói là cô muốn điều đó. Bởi vì chúng ta nói rằng chúng ta muốn điều đó. Em đoán là Dibs chỉ muốn điều mà tất cả chúng ta muốn trên bình diện cả thế giới. Một cơ hội để cảm thấy mình là xứng đáng. Một cơ hội để trở thành một người mà người khác cần đến, được tôn trọng, được chấp nhận như một con người xứng với phẩm giá làm người.”

Gia đình Dibs đã dọn ra ngoại ô và tôi mất liên lạc với em. Nhiều năm qua đi. Rồi một hôm, một người bạn tôi dạy ở trường dành cho những trẻ xuất sắc đưa cho tôi xem một bức thư ngỏ đăng trên báo tường. Thư gởi cho ông Hiệu trưởng và Ban Giảng huấn của trường. Bạn tôi không biết gì về Dibs. Ông chỉ biết là tôi ưa thích theo dõi những bài bình luận do trẻ em viết chứng tỏ là các em có cơ hội xác định lập trường.Tôi đọc bức thư ngỏ in trên báo tường:

Đây là bức thư ngỏ nhằm phản kháng sự đuổi học gần đây của một người cùng lớp và là bạn của tôi. Tôi thật tình phẫn nộ về sự chai đá, sự thiếu hiểu biết và thiếu tình cảm của quí vị. Có dư luận xì xào là bạn tôi bị đuổi học tạm thời với lời khiển trách vì bạn ấy bị bắt đang gian lận trong khi thi. Bạn tôi nói là bạn tôi không gian lận và tôi tin lời bạn ấy. Bạn ấy nói là bạn ấy đang kiểm chứng lại một niên hiệu – một niên hiệu quan trọng trong lịch sử – và vì sự chính xác của niên hiệu là chủ yếu để xác định sự kiện, nên nó cần được kiểm chứng. Tôi nghĩ là quí vị không hiểu những lý do tại sao đôi khi chúng tôi lại làm những điều đó. Các Thầy Cô cho đó là một tội khi một người tìm cách kiểm chứng sự chính xác hay không? Các Thầy muốn bạn ấy nhận chìm sự nghi ngờ chính đáng của mình trong sự ngu dốt hay sao? Và mục tiêu của thi cử là gì? Có phải là để gia tăng kiến thức hay không? Hay thi cử chỉ là những dụng cụ dùng để đem lại sự đau khổ, tủi nhục và sự thương tổn nặng nề cho một người hết sức cố gắng để thành công?

Một thành viên của Ban Giảng huấn đã nói với bạn tôi trước một nhóm chúng tôi hôm qua rằng, nếu bước tiến của trường mau quá và anh ấy buộc lòng phải gian lận để theo kịp thì anh nên đi trường khác. Tôi thấy chính tôi cũng bị xúc phạm vì lời nhận định này. Tôi cảm thấy hổ thẹn về trường mình nếu trường không luôn luôn mở rộng cửa để bất kỳ người nào nếu muốn cũng có thể vào học với chúng ta. Trên đời này có những điều quan trọng hơn sự tỏ ra có uy quyền và quyền lực, quan trọng hơn sự trả thù, trừng phạt và đả thương người khác. Với tư cách nhà giáo dục, các Thầy Cô phải mở chìa khóa cánh cửa dốt nát, thành kiến và nhỏ mọn. Nếu bạn tôi không được xin lỗi về sự sỉ nhục mà bạn đã phải nhận lãnh khiến danh dự và lòng tôn trọng bị tổn thương và được nhận lại vào trường, thì tôi sẽ không trở lại trường nữa mùa thu năm nay.

Tôi thành khẩn quyết định hành động như vậy.

Kính thư,

Dibs

– Em ấy bao nhiêu tuổi? – Tôi hỏi.

– Mười lăm.

– Em ấy viết thư rất hay – tôi bình luận – Em ấy là người thế nào?

– Em ấy là một học sinh xuất sắc. Rất giàu ý kiến. Quan tâm đến mọi người và mọi việc. Rất tế nhị. Một người có tài lãnh đạo. Tôi nghĩ là chị thích sự phẫn nộ nổ bùng này. Vì em đã hành động theo những điều em tin tưởng. Nhà trường không muốn mất em. Chắc họ cũng phải theo đề nghị của em thôi – Anh cười – Chị có muốn giữ lại bài báo này cho bộ sưu tập những lời nói độc đáo, can đảm tranh đấu cho sự công bằng và bình đẳng của mọi người hay không?

– Cám ơn anh. Tôi thành khẩn quyết định hành động như vậy – Tôi tin điều đó.

LỜI GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ

Một tuần sau khi những buổi trị liệu bằng trò chơi kết thúc, một nhà tâm lý lâm sàng cho Dibs làm bài trắc nghiệm thông minh của Stanford – Binet. Em tỏ vẻ thích thú và có thái độ hợp tác. Em tạo được mối liên hệ tốt với người giám định mà em chưa bao giờ gặp. Kết quả của cuộc trắc nghiệm này cho thấy em có thông số thông minh ( IQ) là 168.

Một cuộc trắc nghiệm về khả năng đọc cũng được thực hiện vào giai đoạn này. Điểm về đọc của Dibs cũng vượt xa tuổi và cấp học của em nhiều năm. Em vẫn tiếp tục trả lời đúng tất cả những câu hỏi đặt ra cho em, khi em hoàn tất cuộc trắc nghiệm, em giải thích cho người giám định rằng em không đặc biệt quan tâm cái lối đọc “nhảy từ chuyện này sang chuyện khác mà em không có lý do”. Em nói với bà ta rằng khi em đọc em “thích một cái gì đó liên tục và hấp dẫn thật”.

Những điểm của trắc nghiệm cho thấy, Dibs là một đứa trẻ có tài năng đặc biệt và sử dụng những khả năng của mình một cách hữu hiệu.

Cha mẹ của Dibs đã ký giấy cho phép ghi băng tất cả những buổi trị liệu, và cho phép sử dụng những tài liệu đã thâu băng để nghiên cứu, để giảng dạy, để xuất bản, nếu nhà trị liệu cảm thấy là sự tường thuật ấy đóng góp cho sự hiểu biết hơn về trẻ em. Tôi không khi nào ghi âm lại bất cứ một buổi trị liệu nào nếu không có giấy phép của cha mẹ.

Cuốn sách này được viết dựa trên những cuốn băng đã thâu lại những buổi trị liệu. Những cuốn băng được sửa chửa để cải đổi những chi tiết có thể để lộ danh tính, để bỏ đi những đoạn giáo đầu không ăn nhập với câu chuyện, để tránh những điều lặp lại nhiều lần, để có được một bản tường trình trôi chảy. Sự đối thoại giữa Dibs và nhà trị liệu chủ yếu được giữ lại nguyên văn trong những buổi trị liệu tại Trung Tâm Hướng Dẫn Trẻ Em. Những lời nói của người mẹ cũng là nguyên văn nhưng không được kể lại đầy đủ vì có những chuyện riêng tư và có thể tiết lộ danh tính của bà, vả lại cũng không đặc biệt liên hệ tới Dibs.

Dù sao cũng không có những lời nào được viết lại mà không phát xuất từ miệng Dibs và miệng người mẹ. Nếu có cơ hội, một đứa trẻ thường có khả năng nói thật, nói thẳng. Một bà mẹ khi được tôn trọng, được thừa nhận, cũng có thể trở nên cởi mở, thành thực khi biết rằng bà sẽ không bị chỉ trích, không bị trách cứ.

HẾT


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx