sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRẠC GẦN BỐN mươi, dong dỏng cao. Toàn bộ xương của ông được bao bởi một lớp thịt và da không được dày cho lắm. Tất cả được "gói" kín hở bên ngoài bởi chiếc áo sơ mi phong phanh bạc màu và một chiếc quần đã sờn mòn nhiều chỗ, mà chỗ mòn nhiều nhất là cái đũng đã được vá và hai cái ống thừa đã được cắt để ở nhà khâu lại thành cái túi, có thể bỏ được sách vở hay những thứ đại loại như thế.

"Cách!"

Một tiếng kêu khô như tiếng màn chập của máy ảnh khiến người đàn ông giật mình vội quơ lấy cái mũ vải chụp vào đầu, ngước lên. Không tin ở mắt mình, ông hốt hoảng tìm cái kính như một thói quen. Nhưng không có thói quen bỏ kính vô chiếc túi áo bạc màu và chiếc quần cụt ống, ông đành giương mắt ra nhìn chằm chằm vào người khách lạ đang đứng trước mặt.

- Mời ngài đi xe.

Câu chào mời cũng là một thói quen, nhưng nó được phát âm bằng tiếng nước ngoài rất chuẩn và lịch sự.

Người khách cũng lịch sự không kém, nở một nụ cười cám ơn rồi tính bước bộ tiếp. Bất chợt ông khựng lại, hỏi:

- Ông không phải là người bản xứ à?

- Tôi là người bản xứ chính gốc

Người khách đưa tay gãi nhẹ lên đầu, một sợi tóc nào đó rung rung rồi một chuỗi những tín hiệu vang lên "tít tít" rất nhỏ, cùng lúc với đôi mắt chớp sáng liên tục.

- Ông là người đạp xích lô?

- Vâng, mời ông đi xe

- Ô kê, đi thì đi!

Người khách bước lên xe nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến nỗi người đang ghìm xe phía sau có cảm tưởng như ông ta không có trọng lượng. Thật ra người khách kia là ai? Ông ta ăn mặc và dáng dấp không khác bất cứ ai đang đi trên phố. Sở dĩ người đạp xích lô nhận ra người khách lạ là do quan sát đôi mắt và trên đầu ông ta luôn luôn có những hoạt biểu hiện khá đặc biệt.

Sau đây là câu chuyện trao đổi của họ trên đường, khi cả hai cùng đi chung một đôi chân:

- Ông là người ở xa tới đây?

- Vâng! Xin ông cứ nói tiếng bản xứ, tôi có thể dùng tiếng nước ông thành thạo.

- Ồ, xin lỗi. Tôi quên mất ông có khả năng đó, ông Phi Pho ạ!

Người đạp xe gãi tai. Người khách đưa một ngón tay lên, làm như ông ta có thể thấy được người ngồi sau trên ngón tay đó.

- Ông biết tôi à?

- Vâng, tôi có theo dõi tất cả những hoạt động của ông trên Địa cầu qua báo chí và truyền thanh truyền hình. Ông đã đạt phần nào ý muốn của mình?

- Lần này nữa cũng không

Người khách buồn bã trả lời, người đạp xe tò mò:

- Bao giờ ông lại trở về hành tinh Sao Xanh?

- Xe của ông đi được chứ?

- Ông tính về hành tinh Sao Xanh bằng chiếc xích lô này à?

- Vâng, được chứ?

- Cũng được thôi - người đạp xe hóm hỉnh trả lời - nhưng còn phương tiện của ông?

- Cũng có thôi - người khách học theo giọng - nhưng nhân thể muốn mời ông là thượng khách đến viếng hành tinh chúng tôi một chuyến.

- Tuyệt vời lắm ông Phi Pho ạ. Vậy thì trước hết tôi muốn mời ông đi thăm thành phố này một vòng đã.

- Cám ơn ông, công việc ấy thì tôi đã làm một mình rồi, nhưng để được đi dạo và chuyện trò thân mật với ông hẳn là một điều thú vị. Ông đặt vấn đề với tôi ra sao?

- Ông muốn nói tới chuyện gì?

- Chi phí cho chuyến du lịch này.

- Ồ, bình thường thì cũng có đấy. Nhưng ông có gì để trả cho tôi nào?

- Người ta thường trả gì cho ông?

- Tiền.

- Tiền là gì?

- Là một phương tiện để trao đổi hàng hóa.

- Và để thanh toán các dịch vụ nữa chứ?

- Vâng, như ông đã kiểm tra lại "bộ nhớ" của mình rồi đó. Cái thứ mà tôi chắc chắn trong túi ông không có, vì chúng ta sinh hoạt ở hai hành tinh khác nhau.

- Xin ông cho tôi mượn mẫu cái thứ mà ông đòi hỏi!

- Tôi biết ông có thể lấy mẫâu và in ngay trên tay ông được nhưng như thế chẳng có giá trị gì!

Sao lại chẳng có giá trị gì?

- Nó chỉ có giá trị... đi tù. Tiền phải được in và phát hành bởi ngân hàng nơi lưu hành nó cơ, ông ạ!

Người đạp xe quan sát thấy những sợi tóc trên đầu ông khách có những hoạt động không bình thường, biết rằng trong ông ta đang còn nhiều vấn đề.

- Như vậy, ngoài tiền tệ là những tờ giấy có giá trị quy ước ra thì hành tinh các ông có thứ gì khác gọi là quý giá?

- Quý giá à, nhiều lắm chứ. Chẳng hạn như con người và...

- Không, tôi chỉ muốn nói giá trị về kinh tế, thứ gì các ông cho là quý giá?

- Kim cương, vàng...

- Kim cương thì chúng tôi đã biết và có thể tổng hợp chúng dễ dàng như người ta nhào bột và nướng bánh. Còn vàng là cái gì?

- Là một thứ quý kim... Tiếc quá, tôi không có một ly nào trên tay để có thể cụ thể với ông... A, kia rồi có tiệm vàng ở góc phố, ta có thể tới xem.

- Tôi muốn cầm nó trên tay có được không?

Cũng được, ông cứ vào hỏi xem rồi trả lại không mua.

Chiếc xích lô đậu lại trước cửa tiệm vàng nơi góc phố, người khách đi vào và chỉ một lát sau trở ra đã có kết quả:

- Tôi đã biết được tỷ trọng và độ nóng chảy của thứ kim loại này. Ở hành tinh chúng tôi chẳng dùng thứ này để làm gì cả. Vật liệu xây dựng thì dở, vật dụng sinh hoạt trong nhà thì nặng. Vắn tắt, chúng là những thứ phế thải chất thành đống ở khắp mọi nơi, cái thứ mà ông nói là quý như vàng ấy!

Có xạo không đó, cha nội? - Người đạp xe thầm nghĩ và mỉm cười.

Cuộc đối thoại lại nối tiếp khi người khách đã trở về vị trí cũ.

- Ông không tin về những điều tôi nói à?

Đã ai nói gì đâu? Người đạp xe hơi bối rối khi biết ý nghĩ của mình không chỉ nằm trong đầu, nó đã dễ dàng bị người khác moi ra.

- Thế ông có tin chính vì những thứ vô dụng mà ông vừa kể đó mà ở hành tinh chúng tôi, người ta có thể chém giết lẫn nhau, chà đạp nhau, bán rẻ nhau... Nói chung là người ta không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn nào để có thể sở hữu chúng? Với họ, chính nó là nguồn hạnh phúc và đau thương triền miên từ bao đời nay...

- Chỉ có thế mà ông đã nói tới đau thương và hạnh phúc?

- Vâng, chỉ có thế!

- Còn thể thao?

- Hơn thế nữa chứ?

- Người ta kinh doanh thể thao, tổ chức thể thao để quảng cáo hàng hóa và mưu đồ chính trị.

Còn bộ môn bóng đá tuyệt vời?

- Khó mà lường được sự phát triển của nó đến giới hạn nào. Có thể tự nó sẽ hủy diệt khi biến chất thể thao

Có thể như thế được ư?

- Ông cứ thử tưởng tượng coi, khi các trận đấu chỉ quan tâm tới hiệu quả tỷ số bàn thắng thua, các trận đấu luôn hòa nhau với tỷ số 0 - 0. Rồi các hiệp phụ và những quả sút luân lưu, 10 quả hiệu quả như 10, cũng bất phân thắng bại. Người ta sẽ chơi trò bốc thăm để giải quyết các trận đấu giành chức vô địch chăng?

- Không còn thể thao, chỉ còn may rủi của trò chơi lôtô. Thật đáng tiếc! Ở hành tinh chúng tôi, bóng đá đang là hạnh phúc của mọi người. Chắc ông cũng đã rõ phần nào, trước đây hành tinh chúng tôi buồn bã lắm khi mọi thứ giải trí đã trở thành nhàm chán. Ăn ngon, mặc đẹp, du lịch, vui chơi... không còn là nhu cầu vì ai cũng có thể đạt được mong nuốn của mình một cách dễ dàng như nhấn nút điều khiển mọi thứ xung quanh. Có thời kỳ khủng hoảng, chúng tôi đã bày trò chơi chiến tranh để tìm cái "thú đau thương" nhưng rồi mọi thứ vũ khí dù tối tân và khủng khiếp độc hại tới đâu cũng đều bị chế ngự, thành thử mọi người chỉ còn biết nhìn nhau mà... cười buồn bã. Chỉ cho đến khi chúng tôi liên lạc được với Địa cầu và du nhập được trò chơi trái banh da trên sân cỏ thì bộ mặt của hành tinh chúng tôi mới hoàn toàn đổi khác.

- Các ông có những huấn luyện viên của Địa cầu chứ?

- Hoàn toàn không. Nhờ trên một ngàn trận đấu qua đĩa ghi hình mà chúng tôi tình cờ trao đổi được với Địa cầu, đến nay tự chúng tôi đã hoàn chỉnh được bộ môn bóng đá, luật chơi và kỹ thuật chơi.

- Ông nói đến sự tình cờ là sao?

- Đúng là sự tình cờ. Vì thoạt đầu chúng tôi thỏa thuận trao đổi với một cơ quan văn hóa, họ cung cấp cho chúng tôi một triệu đĩa ghi hình các bản nhạc và ban nhạc nổi tiếng Địa cầu, nhưng không hiểu vì lý do gì họ đã để lẫn vào một ngàn đĩa ghi hình loại khác. Chính những đĩa hình lẫn đó lại có giá trị tuyệt vời đối với chúng tôi.

- Còn những bản nhạc và những ban nhạc?

- Toàn là những trò... rỗi hơi. Ở chỗ chúng tôi những thứ này chỉ dành cho cỏ cây và muông thú trong rừng.

- Hơi đụng chạm nhau đấy nhé!

- Ông vẫn không tin chúng tôi à?

Rõ ràng là vị khách này có khả năng đọc được ý nghĩ của kẻ khác. Không còn nghi ngờ và cũng thôi giật mình, người cho "đi chung chân" liếc về phía bên trái đường, đề nghị:

- Chúng ta ghé qua chỗ này một chút nhé!

- Để làm gì?

- Vào tiệm hớt tóc.

- Để làm gì?

- Như thế này nè…

Một động tác nhấp nhấp hai ngón tay như cái kéo xỉa vào tóc.

- Nô nô... ffff... jjjj... zzzz...

Vị khách ôm lấy đầu và hốt hoảng phát ra những âm thanh như... chạm mạch, những sợi tóc dựng đứng phát quang rối loạn trong nhấp nháy rồi tit... tit... một chập trước khi xuội lơ trở lại bình thường. Hàng ngàn sợi tóc, mỗi sợi tóc không phải để làm duyên làm dáng hay làm giàu cho các hãng mỹ phẩm hoặc dầu gội, mà từng sợi tóc một hình như đều có nhiệm vụ riêng, khiến cho cái đầu trở thành siêu việt. Tóc của người ta "có lý" thế, "là góc con người", sao "cái tóc" mình chỉ để vò, để bứt và... nuôi gàu, chán quá!

Hù chơi để biết người biết ta, người đạp xích lô nhấn mạnh pê-đan cho chiếc xe tiếp tục lăn và câu chuyện trái bóng cũng tiếp tục lăn theo.

- Mọi người trên hành tinh ông ở đều có cảm tình với bóng đá chứ?

- Phải nói là si mê mới đúng. Hầu như sân cỏ có ở khắp mọi nơi, già trẻ lớn bé đều chơi bóng rất điệu nghệ. Cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, nhà máy nào cũng thành lập đội bóng riêng và quanh năm đều là mùa bóng. Thậm chí các nhà dưỡng lão phong trào bóng đá cũng không kém sôi nổi. Các đội U60, U80, U90... tranh giải vẫn nẩy lửa như ai. Nhưng đặc biệt phải kể tới các đội U nhí trong nhà trẻ!

- Các bé nhà trẻ cũng có đội bóng sao?

- Chập chững biết đi là các đội U2. Hàng năm, đây là giải lý thú nhất và được nhiều người quan tâm nhất.

- Thật tuyệt vời, với phong trào mỗi công dân là một cầu thủ như thế, hẳn nền bóng đá ở quê hương ông phải đạt tới trình độ siêu lắm nhỉ?

- Chúng tôi từ lâu vẫn ao ước được so tài với Địa cầu để có thể khẳng định tài năng của mình. Sứ mệnh của tôi lần này vẫn không ngoài mục đích ấy, nhưng cả lần này nữa cũng đều thất bại.

- Với Liên đoàn Bóng đá Thế giới?

- Họ nghi ngờ về tinh thần thể thao của hành tinh chúng tôi.

- Còn các Câu lạc bộ?

- Họ quá quan tâm đến vấn đề thù lao, không thể giải quyết.

- Ồ, thật đáng tiếc, ông Phi Pho ạ. Nhưng đã đến xứ sở chúng tôi, ông còn hy vọng gì không?

- Tôi chỉ dự tính lên truyền hình đọc lời giã biệt Địa cầu rồi về quê hương xin từ chức.

- Xin ông kiên nhẫn một chút nữa, ông Phi Pho ạ.

- Ông có thể giúp tôi được gì chứ?

Người đạp xe kéo phanh dừng lại, giọng từ tốn:

- Thưa ông, tôi có một đội bóng…

Người khách nhảy xuống, mừng rỡ:

- Và ông là huấn luyện viên?

- Là người sáng lập, nhà dìu dắt và đồng thời là huấn luyện viên.

Người khách gãi đầu lia lịa. Toàn thể tóc tai ông dựng đứng lên cùng với đôi mắt chớp sáng liên tục thay đổi muôn màu. Hình như đang có sự sắp xếp hay điều chỉnh lại những dữ liệu sao cho có tính phù hợp liên tục.

- Có thế chứ. Ngay lúc đầu "bộ nhớ" của tôi đã có những nghi vấn. Không phải là phu đạp xích lô, ông chỉ là một nhà thể thao chuyên luyện tập cơ bắp đôi chân bằng xích lô, đúng thế không?

- Không phải vậy, ông Phi Pho ạ. Tôi e rằng "bộ nhớ" của ông phải chỉnh lại hoàn toàn.

- Thế nghĩa là sao?

- Thể thao chỉ là giải trí và đạp xích lô để kiếm sống, còn nghề chính của tôi là dạy học cơ, ông ạ!

Hoàn toàn nằm ngoài dữ kiện "bộ nhớ" của người hành tinh Sao Xanh, ông ta lúng túng vuốt xuôi mái tóc đặc biệt của mình và xin được bắt tay một người Địa cầu đáng khâm phục:

- Rất nóng lòng muốn nói chuyện với ông về đội bóng mà ông dìu dắt.

- Đó là những tuyển thủ trẻ, rất trẻ. Họ chơi bóng đá không chỉ bằng đôi chân mà bằng tất cả những ước mơ xanh của con người muốn vươn tới những đỉnh cao của sự tiến bộ và lòng nhân ái...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx