Một khi dư luận cho rằng DeSalvo là sát thủ bóp cổ, thì sẽ tồn tại rất nhiều vấn đề pháp lý phải giải quyết trước khi có thể đưa anh ta ra tòa. Một cách tổng quát thì những lời thú tội của DeSalvo không thể được coi là chứng cứ duy nhất của vụ này.
Bailey, luật sư của DeSalvo, nói với Chưởng lý Brooke và Bottomly - người đứng đầu ban điều tra: “Khi tôi gặp DeSalvo thì đã có quá nhiều bằng chứng buộc tội, khiến anh ta không thể nào nộp tiền thế thân để ra tù. Giờ đây, theo yêu cầu của thân chủ, tôi phải chứng minh rằng anh ta đã gây ra tất cả các vụ giết người đó. Tôi hiểu DeSalvo sẽ không bao giờ ra khỏi tù, nhưng hãy làm sao để anh ta không bị xử tử. Tôi biết rõ, cả hai ông đều không muốn anh ta bị giết”.
Brooke không hề nghĩ đó là một đòi hỏi quá đáng, nhưng ông muốn suy nghĩ thêm. Lúc đó, ông đang tranh cử thượng nghị sĩ, và sẽ rất dở nếu để vụ xử DeSalvo xảy ra vào thời điểm tranh cử. Ít nhất thì Bailey cũng có thể có được phán quyết của tòa, rằng DeSalvo đang trong tình trạng thần kinh không ổn định và không thể bị xét xử.
Cuối cùng, ngày 10/1/1967, Albert DeSalvo bị đưa ra xét xử với tội danh gây ra vụ "người đàn ông mặc đồ xanh". Bailey giải thích: “Lý do mà tôi định đưa ra để thuyết phục quan tòa rằng Albert bị thần kinh, không thể xét xử được, rất đơn giản. Thông qua 13 vụ án mà anh ta thú nhận là đã gây ra, tôi hoàn toàn có thể chứng minh anh ta điên tới mức nào. Tôi sẽ kết hợp cả lời thú tội của anh ta và lời chứng của cảnh sát... Tất nhiên là vấn đề không hề bình thường: Ai lại bảo vệ một người phạm tội ăn cướp và tấn công bằng cách chứng minh rằng anh ta gây ra tới 13 vụ giết người?”.
Phiên tòa do thẩm phán Cornelius Moynihan điều hành, xem xét lời buộc tội của phía công tố, do ông Donald L. Conn đứng đầu. Conn đã mời 4 nạn nhân của vụ "người đàn ông mặc đồ xanh" tới. 4 người này cùng kể lại những câu chuyện tương tự nhau. Theo đó, DeSalvo đã tìm cách đột nhập, hoặc nói chuyện để thuyết phục các nạn nhân cho anh ta vào nhà. Sau đó, anh ta trói nạn nhân, lột quần áo và vuốt ve họ, nhưng không bao giờ hãm hiếp. Trong lúc phạm tội, anh ta còn sử dụng con dao hay khẩu súng đồ chơi trẻ con để đe dọa họ. Sau đó anh ta lấy đi những đồ trang sức quý giá của các nạn nhân.
Luật sư Bailey không kiểm tra lại lời khai của các nhân chứng vì ông thấy rõ rằng mình sẽ không được gì khi làm như vậy.
Trong lời tuyên bố mở đầu phiên tòa, Bailey cho biết ông không hề nghi ngờ việc DeSalvo là thủ phạm của các vụ án, và vấn đề duy nhất còn lại là “phải xác định xem anh ta có bị thần kinh hay không”. Ông đưa ra trước tòa nhân chứng của mình, bao gồm những chuyên gia có khả năng chứng tỏ sự không bình thường của Albert DeSalvo.
Conn phản bác, chỉ ra rằng việc thủ phạm tìm cách mở khóa các căn hộ và lừa dối dể chủ nhà cho phép vào nhà chứng tỏ anh ta không hề bị điên. Những người làm chứng của phía công tố cũng đồng ý với quan điểm đó, và khẳng định chỉ khi DeSalvo hãm hiếp nạn nhân thì đó mới là kết quả của một đầu óc không bình thường.
Trong nhiều giờ, bồi thẩm đoàn suy nghĩ về vấn đề đó. Họ cho rằng DeSalvo có tội và kết án anh ta tù chung thân.
Kết quả đó làm luật sư Bailey tức giận. Ông nói: “Mục tiêu của tôi là sát thủ bóp cổ được gửi tới một bệnh viện nào đó để các bác sĩ nghiên cứu xem tại sao anh ta lại giết người. Rất cần có một nghiên cứu như vậy để ngăn chặn những vụ án giết người hàng loạt có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”.
Cái chết khóa cửa bao bí ẩn
Mọi chuyện đã khép lại hoàn toàn, nếu như không xảy ra một chuyện chẳng lấy gì làm hay ho. Tháng 11/1973, Albert DeSalvo bị đâm chết trong thời gian thi hành án tại nhà tù Walpole. Đêm trước hôm bị giết, phạm nhân cố gắng liên hệ với Tiến sĩ Ames Robey và yêu cầu ông gặp mình ngay lập tức. Anh ta tỏ ra rất sợ hãi. Robey hứa sẽ gặp DeSalvo vào sáng hôm sau, nhưng đã quá muộn. Đêm hôm đó, anh ta bị giết hại.
Robey kể lại: “DeSalvo muốn gặp tôi cùng một phóng viên báo chí. Anh ta nói sẽ kể hết cho tôi nghe sát thủ bóp cổ ở Boston là ai và tất cả những gì liên quan. Trước đó một tuần, anh ta còn yêu cầu cho mình vào xà lim an toàn dưới sự bảo vệ đặc biệt. Điều gì đó đã xảy ra trong nhà tù. Tôi cho rằng anh ta muốn tiết lộ ngay tất cả, trước khi quá muộn. Nhà tù có đầy đủ những người canh ngục, nhưng không ai thích anh ta... Đêm hôm xảy ra án mạng, cửa tất cả các phòng giam đều mở. Trong khoảng giữa hai lần điểm danh phạm nhân vào tối hôm trước và sáng hôm sau, kẻ nào đó đã đâm dao xuyên tim DeSalvo”.
Các quan chức tin rằng cái chết này liên quan tới hoạt động mua bán ma túy trong tù của DeSalvo. Có 3 phạm nhân bị đưa ra xử về vụ này, nhưng phiên tòa bị hoãn hai lần.
Điều khó hiểu trong vụ án Albert DeSalvo là bài thơ hắn viết vài năm trước khi bị giết:
Đây là câu chuyện của sát thủ bóp cổ, một câu chuyện chưa từng được kể
Người tuyên bố đã giết 13 người phụ nữ, cả trẻ và già
Hắn cứ đi như vậy và chẳng ai biết hắn sẽ đi tới đâu
Hắn gây án giữa ban ngày, không để lại chút dấu vết
Dù trẻ hay già, các nạn nhân đều không nói được nữa
Sự thật về cái chết của họ không bao giờ được biết
Dù bệnh hoạn trong tâm hồn, hắn quá thông minh và sẽ không bao giờ bị phát hiện
Tiết lộ bí mật của hắn sẽ giúp hắn trở nên nổi tiếng
Nhưng là gánh nặng với gia đình hắn và làm mọi người cảm thấy nhục nhã
Nay hắn ngồi trong tù, sâu thẳm trong lòng là một điều bí mật mà hắn có thể kể
Người ta vẫn nghi ngờ, sát thủ bóp cổ đang nằm trong tù hay lang thang đâu đó ngoài kia?
Đúng như bài thơ mà DeSalvo đã viết nên, "sự thật về cái chết của các nạn nhân không bao giờ được biết". Và vụ án "sát thủ bóp cổ thành Boston" không có hồi kết, để đến nay, người ta vẫn tự hỏi: Phải chăng DeSalvo là thủ phạm? Hay Nassar? Cũng có thể, tên sát nhân chẳng phải là ai trong hai kẻ đó, mà là một người bí mật, đến giờ "vẫn lang thang đâu đó ngoài kia".
@by txiuqw4