sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10

Không khí trong nhà đã ẩm và hôi mốc, mà không khí trong mùng lại càng ẩm hơn và hôi mốc hơn. Nhưng Quít trằn trọc mãi không phải vì thế. Nàng thuộc loại người nằm xuống là nắm tay lại rồi ngáy pho pho bất cứ ở đâu, nằm đây chớ cỡ như mà nằm trên vỉa hè nàng cũng ngủ say được như thường.

Đó là một thứ người ham ăn no ngủ kỹ không lo cau trổ muộn, không lo già hết duyên, thế mà đêm nay, nàng lại có vấn đề, có bài toán cần phải giải lý.

Đó là nỗi cô đơn mà nàng vừa nghe thấy từ mấy hôm nay và tình yêu vừa chớm.

Cô đơn? Vâng. Nàng chợt nghe rằng con người ngoài ăn, mặc, ở, còn cần thứ khác nữa là tình thương. Con người cần sống với người thân, hay ít lắm cũng sống với người quen xung quanh họ.

Người thân yêu của nàng là cha mẹ nàng thì đã không còn từ lâu. Chồng con thì không có. Láng giềng lại tẩy chay nàng, nàng cảm nghe như vậy từ lúc làm cái nghề bẩn thỉu của nàng, nhưng chỉ mới thấy rõ ràng đây thôi, sau đêm bố ráp, đi trốn và trở về xóm.

Bạn đồng nghiệp của nàng chúng nó quây quần sống với nhau dưới sự che chở của bọn ma-cô, cũng đỡ buồn thật đó, nhưng chúng nó lại bị bọn nầy vắt như vắt nước chanh, chúng nó làm được rất nhiều tiền mà không hưởng bao nhiêu, y như là một lũ nô lệ phải trả nợ tới già.

Phản ứng tiêu cực của người trong xóm làm cho nàng đâm sợ. Nếu bây giờ mà nàng đổi xóm và tiếp tục hành nghề thì rồi cũng bị tẩy chay nữa.

Quít có cảm giác rằng nàng bơ vơ trên một hoang đảo, nàng lại cảm giác rằng mình bị giam cầm giữa bốn bức tường lạnh, tường ấy xây bằng sự e dè, sự thờ ơ lãnh đạm, sự khinh miệt của người xung quanh.

Rồi cô gái bạc mạng nầy buồn vô hạn mà nhớ lại không khí ấm cúng nơi nhà hai Tâm. Căn nhà trống trơn, nhưng nàng lại thèm ở, vì trong đó có cái gì đầy lắm, cái đó là hai Tâm, là tấm lòng của hắn nó mới thật là tấm lòng, chớ không phải là tấm lòng đóng kịch của lũ ma-cạo hay tấm lòng một mùa của hai đời chồng của nàng.

Khi một người bị đẩy ra ngoài lề xã hội, họ mới thấy cần xã hội và bản năng hợp quần của họ sống lại mãnh liệt, họ nghe thèm con người hơn bao giờ cả.

Quít không bao giờ chán đời. Trái lại nữa, nàng ham sống vô cùng, nhưng tới đây nàng mới chợt thấy là mình sống nhơn tạo, nên thèm sống thật.

Nhưng mà đã trễ quá rồi! Hai Tâm đã biết! Chỉ có một đường là tìm một hai Tâm thứ nhì, hoàn toàn mù tịt về dĩ vãng của nàng. Nhưng hai Tâm thật là hiếm hoi, mà nếu có, phải lâu lắm mới tìm ra.

Trong khi đó thì nàng cứ cần ăn cơm và cần ra khỏi tình trạng cô lập.

Đổi chỗ ở, sống sạch sẽ nơi cái xóm mới ấy, rồi đi nhảy dù nơi khác, như nhiều đứa đã làm, có phải là giải pháp hay hay chăng?

Cũng không thể được. Mấy đứa làm như vậy, vẫn bị đẩy ra lề xã hội như thường. Người xóm mới, họ sẽ đặt dấu hỏi, sẽ thắc mắc một cô gái không mua gánh bán bưng gì cả mà vẫn có tiền ăn xài như vợ "các thầy".

Có đứa sáng ra đi đúng 7 giờ mười lăm, trưa về đúng 12 giờ trưa, rêu rao rằng chúng nó làm ở hãng Mitac, hãng Cotab loạn xà ngầu mà vẫn bị lật tẩy như thường.

Bọn áo dài thì khoe làm cô ký. Nhưng khi xóm giềng nhờ làm đơn giùm thì rơi mặt nạ ngay, bởi cô ký gì mà viết không nổi một lá đơn!

Bọn áo bà ba khiêm tốn hơn, xưng làm phu dán bao thuốc kia mà còn phải lộ chơn tướng nữa là.. bởi luôn luôn con người hớ hênh, sơ sót, một chị phu lại dám mua nho tươi hằng kí lô để ăn chơi, ăn bom, ăn lê cả ngày như con nhà giàu.

Vào tổ chức của bọn ma-cô thì ổn hơn thật đó. Có cần "làm mặt" chúng nó sẽ kiếm giùm cho một anh chồng trá hình. Anh chồng ấy bảnh trai như dân thầy thì các cô mà có mặc sang như bà hoàng, có ăn xài đế vương cũng chẳng ai nghi kỵ gì. Ngặt lại phải nuôi cái anh chồng mắc dịch ấy hắn luôn luôn nghiện thuốc phiện, hay nghiện rượu Tây, nghiện cờ bạc, làm trối chết cũng không đủ cung phụng cho nó.

Bọn chồng trá hình đó mới tàn nhẫn làm sao chớ! Chúng nó lãnh lương mỗi ngày. Gặp ngày khô queo cũng phải chạy cho ra tiền, vay mượn với bất cứ số lãi nào để nạp cho chúng nó, không thôi chúng nó sẽ đập cho nát thân bồ liễu.

Sống như thế, nó đỡ bơ vơ phần nào, chỉ hơi phiền là tay không rốt cuộc vẫn huờn tay không mãi như thế cho đến lúc phấn lợt hương phai. Hơi phiền ở cái chỗ đó nhưng dầu sao vẫn khỏi nhọc xác phải kho cá nấu cơm, khỏi phải ăn cơm nguội lót lòng.

Nhưng không hiểu sao Quít, nghe không thích lối sống ấy nữa.

Hình như là nàng có một món nợ nào, một món nợ mà cả chủ nợ lẫn con nợ đều đã quên từ lâu lắm rồi, quên trong đáy tiền kiếp xa xôi của nàng, nhưng nàng vừa nghe tiếng đòi nợ văng vẳng đâu đây.

Tiếng gọi của chủ nợ mơ hồ như tiếng gọi từ âm ty vọng lên, nhưng rất khó chịu vì nó vang thường xuyên bên tai nàng.

Hình như chủ nợ không ai xa lạ mà chính là mẹ nàng đó. Mẹ nàng đã dạy nàng làm vợ, làm mẹ. Không, bà không bao giờ có nói trắng ra như vậy, nhưng Quít đã hiểu ý ngầm của bà là như vậy.

Từ cái vụ vá một cái áo rách, đến việc nấu một nồi canh chua, tắm một đứa em nhỏ mỗi mỗi bà đều dạy cho Quít thành thục, không phải để rồi ăn không ngồi rồi như ngày nay.

Bà chủ nợ ấy không hề đòi món nợ áo cơm, mà chỉ đòi nàng tiếp tục làm những gì mà muôn triệu người đàn bà khác đã làm từ muôn đời muôn kiếp rồi.

Trước đây, lúc mới sẩy vời, thỉnh thoảng Quít cũng có nghe tiếng gọi ấy, nhưng mà sáng thức dậy hồi mười giờ, rút trong mền ấm lúc bên ngoài trời mưa dầm, rồi trưa lại tới bữa ăn ra hiệu mà ăn, khỏi phải làm cá cho bẩn tay, cho tanh mũi, có áo quần dơ thì vứt cho tiệm giặt họ giặt, khỏi rát da non của đôi bàn tay trắng, tất cả những thứ ấy không bà vợ, bà mẹ nào được hưởng cả, mà nó lại thú vị biết bao nhiêu!

Nhưng mà. nàng cứ nghe làm sao ấy! Nàng thích chịu đựng bao nhiêu cực nhọc trong đời làm vợ để được một thứ gì bù lại, mà cái thứ gì đó, chỉ có anh chụm lửa đầu máy hỏa xa là có được thôi.

Cái mà nàng ngỡ không cần, cái tình thương, tình yêu, bỗng dưng sao giờ nàng lại thèm nó quá đi như là kẻ bị giam trong ngục thèm một điếu thuốc lá.

Đồng hồ nhà ai đang gõ. Quít lắng tai nghe, đếm từng tiếng một, cho đến tiếng thứ mười. Thình lình lắng nghe tiếng giày đinh vang lên ngoài ngõ nên không còn nhớ đồng hồ tiếp tục đổ nữa hay không.

Quít biết đó là ai rồi. Không, nhứt định không phải lính tráng đâu, vì họ không đi bố ráp đơn thân độc mã như vậy. Chắc chắn là một người khách, thuộc hạng dân thầy cá kèo nên mới đi giày đóng đinh và mới không biết lịch sự không buồn nhẹ bước để tránh quấy rầy giấc ngủ của hàng xóm.

Đây là thứ thầy góp tiền chỗ chợ, thầy loong-toong, thầy cai thầu, tóm lại những người mới biết mặc âu phục mà chưa có được cá tinh thần thanh lịch mà bộ Âu phục bắt phải có.

Quít quên mất việc tắt đèn mà nàng trù tính trước rồi. Kẻ ấy ngập ngừng bước như để tìm nhà, rồi giây lát hắn quả quyết tiến tới trước cửa nhà nàng, đấm lên đó mấy cái.

Bọn Quít không yên thân cũng vì lũ khách cá kèo nầy, chúng nó không hề biết cái đẹp của sự kín đáo là gì, chớ thật ra bọn nầy vẫn biết thân, cố hết sức để tránh làm ồn.

Quít giả đò ngủ, nín khe. Nhưng kẻ ấy động cửa rầm rầm như ăn cướp phá nhà và chửi thề om trời:

- Đ.. m.. còn đèn sao lại nín thinh?

Quít vụt tìm được một ý hay. Nó đi chơn không ra cửa rồi nói nho nhỏ:

- Anh làm ơn chờ khi khác vậy. Có chồng em ở nhà. Anh ấy là lính nhảy dù lại ghen ghê lắm!

Nghe đến nghề nghiệp của chồng cô bé, anh khách le lưỡi rồi hoảng hồn co giò nhảy đi thật lẹ.

Quít tình cờ đã phát minh ra được một lá bùa hộ mạng rất linh nghiệm trong thời gian mà nàng đang hoang mang nầy. Nàng sẽ được yên thân cho đến khi nào nàng quyết định đời nàng.

Sáng ra, khi Quít thức dậy thì nếp sống bên ngoài đã náo nhiệt từ lâu rồi. Nghe tiếng chuông leng keng của anh bán cà rem cây trước cửa nhà nàng thì nàng biết đã hơn chín giờ rồi.

Bánh cuốn chả lụa, xôi, cháo, bánh mì thịt, tất cả những thứ quà sáng ấy đã hết sạch hồi tám giờ. Kế đó là tàu hủ, món quà trung gian giữa bữa điểm tâm và quà trưa, rồi kế đó là chè đậu, cà rem cây v.v...

Quít nghe thèm cà-phê lắm nên vội đi rửa mặt để lại quán Tư Mẹo mà ngồi.

Tuy nhiên nàng mở cửa trước khi trang điểm để đuổi khí ẩm trong nhà ra, không khí tù hảm lâu ngày nó đã đè nặng lên ngực nàng suốt đêm nay khó chịu lắm, cần phải phóng thích nó ra để rước không khí mới bay theo gió mới mà vào.

Đang đứng khom lưng cạnh khạp rước, Quít nghe thím hai Nỉ la ó om sòm từ ngoài cửa nhà nàng.

- Trời, bà hoàng, giờ nầy mới thức. Người ta đợi gần chết hè!

Quít mắng:

- Đợi để mượn tiền hả? Đồ cố lì?

Nhưng khi nàng ngước mắt lên, nàng thấy thím ta tay bưng ly cà phê sữa, tay cầm một miếng bánh mì chiên, nàng bớt ác cảm với thím ngay và hối hận lắm.

- Mua cho tôi đó hử?

- Ừ, cưng cô như cưng mèo, thấy không?

Quít đâm lo. Con mẹ nầy mà phục dịch nàng như thế nầy; hẳn là để nịnh nàng hầu để mượn tiền. Nhưng bánh mì chiên ngon lắm, nhứt là trong lúc nàng thèm, mà cà phê sữa nóng lại càng ngon hơn, nhứt là trong lúc nàng lên cơn ghiền, nên nàng liều mà nhận ân huệ của người đàn bà khó chịu rồi hãy hay, y như con chuột không nhịn được miếng thịt nướng thơm tho gắn trong bẩy mà nó biết là rất nguy hiểm.

Quít yếu đuối tinh thần như vậy, không trách nàng đã sa lầy.

Nhưng nàng đã lo sợ hão? Thím hai Nỉ chẳng những không mượn tiền, lại còn rủ nàng đánh bài, thế nghĩa là thím ta đang có tiền.

Ở không mãi, thật chán phèo, và vừa bước xuống giường là Quít đã nghe sờ sợ sự trống rỗng và tự hỏi xem nên làm gì cho qua một ngày, qua hai ngày, qua ba bốn ngày sau đó. Thế nên nàng hoan nghinh liền lối giải trí mà thím hai đề nghị.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx