Suốt thời gian 23 năm hành nghề của Sherlock Holmes, tôi đã có 17 năm diễm phúc được cộng tác với anh, chọn lọc và lưu lại những ghi chép của anh ấy dưới một cách trình bày trong sáng hơn. Cũng hoàn toàn sai lạc nếu suy đoán rằng tất cả các vụ án mà Holmes điều tra đều là những cơ hội để anh ta tỏ rõ các năng khiếu đặc biệt về trực giác và quan sát của anh. Thường thường Holmes phải đổ mồ hôi mới hái được kết quả, nhưng đôi khi anh chỉ cúi xuống là có thể nhặt quả. Nhưng chính trong những vụ án mà Holmes khỏi phải trổ tài gì cả, ta mới thấy những trò bi thương nhất của loài người.
Một buổi sáng cuối năm 1896, tôi nhận được thư khẩn cấp của Holmes mời tôi đến đường Baker ngay. Khi vào nhà, tôi thấy anh ngồi trong phòng sặc mùi thuốc lá trước một người đàn bà đứng tuổi có dáng dấp một bà chủ nhà trọ ở thủ đô. Holmes giới thiệu:
- Anh Watson, đây là bà Merrilow ở quận South Brixton. Khói thuốc không làm phiền bà ấy đâu. Do đó anh có thể buông thả cái tật xấu của anh. Bà Merrilow có một câu chuyện rất hay để kể cho chúng ta nghe. Chuyện này có thể có những diễn biến mà anh cần chứng kiến.
- Rất sẵn sàng!
- Thưa bà, nếu tôi đi gặp bà Ronder như bà muốn, tôi cần có một nhân chứng. Do đó, bà phải thuyết phục bác sĩ Watson đây đi theo tôi
-Xin Chúa ban phước lành cho ông, thưa ông Holmes! - Bà chủ trọ nói lớn - Bà ấy rất cần gặp ông, cho nên ông có thể dẫn cả khu phố đi theo cũng được.
- Khoảng một, hai giờ chiều nay chúng tôi sẽ ra đi. Chúng tôi phải rà soát xem đã nắm vững các yếu tố của bài toán chưa. Bà nói rằng bà Ronder ở trọ nhà bà bảy năm, nhưng bà chỉ nhìn thấy rõ mặt bà ấy có một lần duy nhất?
- Là quá đủ, thưa ông Holmes!
- Mặt bà ta nát bấy hết à?
- Chúa ơi! Không thể gọi là cái mặt được. Người giao sữa cho tôi đứng ngoài cửa, nhìn thấy một lần: anh ta xúc động đến nỗi chai sữa tuột tay, đổ tứ tung. Hai ông hãy tưởng tượng thì biết mặt bà ấy ra sao! Khi tôi chợt nhìn thấy, bà ấy lập tức lấy tay che mặt ngay và nói: "Bà Merrilow, giờ đây thì bà đã hiểu tại sao tôi luôn luôn che mặt bằng tấm khăn voan".
- Bà có biết tí gì về quá khứ của bà ấy không?
- Không biết tí gì cả.
- Khi dọn tới, bà ta không đưa ra một giấy tờ nào sao?
- Không, thưa ông. Bà ta trả tiền mặt, lại trả trước rất nhiều, không hề cò kè. Vào thời buổi khó khăn này, một người nghèo túng như tôi không ngu dại bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng như thế!-Bà ấy có giải thích tại sao lại chọn nhà bà không?
-Nhà tôi xa đường cái, tương đối khá vắng vẻ. Ngoài ra, tôi lại không chồng, con. Tôi đoán bà ấy đã thử nhiều chỗ khác rồi. Cuối cùng thì bà ấy thấy căn nhà tôi hợp với bà ấy hơn.
- Bà có nói rằng bà ấy không để lộ mặt, trừ một trường hợp hoàn toàn ngẫu nhiên. Chuyện này khá dị thường đó. Do đó tôi hiểu vì sao bà tò mò.
-Đâu phải, thưa ông! Đối với khi mà tiền trọ thanh toán sòng phẳng… khó tìm một khách trọ bình lặng hơn, ít rắc rồi hơn.
-Vậy thì động cơ nào thúc đẩy bà tới đây?
- Sức khoẻ của bà ta, ông ạ. Dường như bà ta giữ một cái gì rất hãi hùng ở trong đầu. "Một sự giết người? Một cuộc ám sát?” Bà ấy la to về khuya như thế! Tiếng bà vang dội khắp nhà làm tôi sợ phát run! Sáng hôm sau, tôi tới thăm và nói: "Bà Ronder, nếu có điều gì u uất, bà nên tìm cha sở hoặc cảnh sát. Một trong hai người này sẽ giải quyết cho bà". Bà ấy đáp: “Xin đừng đề cập tới cảnh sát; còn cha sở thì không làm gì để thay đổi được quá khứ..." Rồi bà nói thêm: "Dù sao, tôi cũng nhẹ người nếu ai đó biết được sự thật trước khi tôi chết". Tôi bèn nói: "Nếu bà không muốn nhờ tới cảnh sát công thì bà hãy nhờ đến cái ông thám tử mà mọi người đều biết tiếng...". Bà đồng ý ngay: "Tôi cần loại người như thế! Tại sao tôi không nghĩ tới ông ấy sớm hơn? Bà vui lòng mời ông ấy đến đây. Nếu ông ta không chịu thì nhắc rằng tôi là Eugenia Ronder, vợ của Ronder, người dạy sư tử. Bà hãy nói như vậy, đồng thời cho ông ấy cái tên Abbas Parva". Bà ấy viết tên đó cho tôi rồi kết luận: "Cái tên này sẽ khiến ông ta tới, nếu ông ta đúng là người tôi tưởng tượng".
-Tôi sẽ tới! - Holmes nói - Được rồi, bà Merrilow. Tôi phải nói chuyện với bác sĩ Watson đến trưa mới xong. Khoảng 3 giờ chiều chúng tôi sẽ có mặt tại nhà bà.
Bà khách vừa ra khỏi nhà thì Sherlock Holmes nhào tới đống tài liệu chất dưới đất trong góc phòng. Vài phút sau, phòng khách xào xạc tiếng lật sách. Một tiếng hứ thoả mãn, báo cho tôi biết rằng Holmes đã tìm ra điều gì Anh ngồi bệt xuống nền nhà, xếp bằng giữa đống sách báo, trên đùi một tập báo đang mở rộng.
- Hồi đó, tôi cũng đã ăn ngủ không ngon, anh Watson? Anh hãy nhìn vào lời ghi chép bên lề thì biết. Tôi chú thích rằng tôi cũng chả kết luận được gì cả. Nhưng tôi chắc chắn là cảnh sát tư pháp đã lầm. Anh còn nhớ thảm kịch Abbas Parva không?
- Không còn nhớ tí gì cả.
- Lúc đó, anh còn sống chung với tôi. Cảm giác cá nhân tôi lúc đó chắc chắn là rất sơ sài vì người ta không tìm ra được bằng chứng nào. Ngoài ra, không bên nào thuê mướn tôi cả. Anh đọc mấy tờ báo này.
- Đề nghị anh tóm lược trước.
- Dễ thôi! Từ từ anh sẽ nhớ ra hết. Ronder là một trong những giám đốc của các đoàn xiếc thú nổi tiếng vào thời đó. Nhưng về sau Ronder đâm ra rượu chè nên toàn đoàn và cả bản thân ông ta đang xuống dốc, chính vào lúc đó thì thảm kịch xảy ra. Đoàn ngừng lại một đêm tại Abbas Parva, một làn nhỏ của vùng Berkshire, trên đường đến Wimbledon. Đoàn chỉ đóng trại, không trình diễn, vì dân số Abbas Parva quá ít, không đủ bù đắp chi phí buổi diễn. Trong những con thú, có một con sư tử Bắc Phi rất đẹp, tên là Vua Sahara. Ronder và vợ thường trổ tải trong chuồng nhất nó. Đây là một hình chụp trong một buổi trình diễn. Anh thấy rằng Ronder to như heo nọc trong lúc bà vợ lại tuyệt đẹp. Cuộc điều tra cho biết rằng vua Sahara đã có những biểu hiện đáng ngại từ lâu. Tuy nhiên vì thói quen của nghề nghiệp nên vợ chồng Ronder coi thường các triệu chứng đó. Mỗi đêm, hoặc Ronder, hoặc vợ anh ta đem thức ăn đến cho sư tử. Có khi hai người cùng đi, có khi chỉ một người. Không bao giờ họ để cho ai khác đi thay. Do đó, họ tin rằng con sư tử sẽ không bao giờ hung ác với những người vú nuôi nó. Đêm đó, cách đây 7 năm, cả hai cùng vào chuồng: Một tai nạn khủng khiếp xảy ra và các chi tiết của tai nạn này chưa bao giờ được soi sáng.
Hình như toàn đoàn đều bị đánh thức vào giữa đêm bởi tiếng gào rống của con thú và tiếng la khủng khiếp của bà Ronder, mọi người hối hả cầm đèn chạy ra khỏi lều. Một cảnh tượng hãi hùng xuất hiện trước mặt họ: Ronder nằm sóng soài, sọ bị bể, da đầu bị tét, ở cách chuồng sư tử độ 10 yard và cửa chuồng mở toang. Gần cửa, bà Ronder nằm dưới chân con thú đang há miệng gào rống. Nó đã quào nát mặt bà đến nỗi ít ai tin là bà sẽ thoát chết. Nhiều nghệ sĩ của đoàn dưới sự hướng dẫn của Leonardo, lực sĩ, và anh hề Griggs dùng gậy lùa con sư tử vào chuồng. Người ta đoán rằng vợ chồng Ronder dự định vào chuồng, nhưng cửa mới mở, con thú đã nhảy ra vồ họ. Cuộc điều tra không phát hiện thêm điều gì, chỉ biết rằng bà vợ liên tục la lớn trong cơn mê sảng: "Đồ hèn, Đồ hèn", lúc được khiêng ra xe. Phải sáu tháng sau, bà mới lấy lại sức khoẻ để làm chứng. Nhưng cuộc điều tra bị xếp bỏ do phán quyết của toà cho rằng Ronder chết vì tai nạn.
-Có giả thiết thứ hai à? - Tôi hỏi lớn.
- Sao lại không? Anh chàng Edmunds, thuộc sở cảnh sát Berkshire có để ý đến vài chi tiết nhỏ. Chú bé này khá lắm! Sau đó chú lại thuyên chuyển qua Allahabad. Đấy là lý do tại sao lúc đó tôi để ý tới vụ án: Chú bé đến đây, hút thuốc và thảo luận.
- Người gầy, tóc vàng.
- Thấy chưa, từ từ anh nhớ lại mà!
- Chú ấv để ý cái gì?
-Tôi và chú ấy đều thắc mắc. Diễn lại sự việc thì thấy không ổn. Anh hãy đứng ở quan điểm con sư tử. Khi được thả ra, nó sẽ làm gì đây? Nó lao tới, nhảy một, hai cái là tới sát Ronder, Ronder quay lưng chạy thoát thân, nhưng con sư tử quật vào ót ông ấy làm ông ngã lăn. Nhưng thay vì tiếp tục thả rong chơi, sư tử lại quay trở lại tìm bà Ronder đứng gần cửa chuồng, cào nát mặt bà ta. Lại còn tiếng thét của bà ấy hình như trách ông chồng. Thử hỏi con người xấu số này làm được gì để cứu bà. Vậy, bà đã trách ai?
- Lý luận đúng lắm.
- Còn một chi tiết khác luôn ám ảnh tôi, khi tôi nhớ lại vụ án này. Dù ít đù nhiều chúng ta cũng biết rằng trong lúc con sư tử gào rống và bà Ronder la hét còn có một tiếng đàn ông la thất thanh.
- Có lẽ là Ronder?
- Làm sao được, cái sọ vỡ rồi, ông này không đủ sức để la to như thế. Ít nhất có đến hai nhân chứng xác nhận rằng có tiếng la khác của một người đàn ông, ngoài ông Ronder.
- Tôi đoán rằng toàn trại đều la hét... Đối với phần còn lại, có lẽ tôi có thể giải thích được.
-Thật ư?
- Hai vợ chồng người dạy thú đứng cách chuồng 10 yard lúc con sư tử đi ra. Người chồng muốn chạy trốn thì bị quật nhào. Người vợ nảy ra sáng kiến chạy ngược vào chuồng, đó là cách duy nhất để ẩn náu. Ngay khi bà ấy đến cửa chuồng thì con thú đã vồ và quật ngã bà. Bà bực chồng vì ông này chạy trốn làm con thú bực dọc. Nếu cả hai đều trực diện với con thú thì có lẽ họ dương oai được Đó là lý do tại sao bà ấy la "đồ hèn"!
- Tuyệt hay, Watson! Nhưng miếng pha lê còn dính cọng rơm.
- Cọng rơm nào?
- Nếu cả hai người đều đứng cách chuồng đến 10 yard thì làm sao con sư tử ra được?
- Có thể họ bị một kẻ thù mở cửa cho con thú ra.
-Và tại sao con thú đã tấn công họ rất dã man trong lúc nó quá quen với họ, thường đùa giỡn với họ trong chuồng?
- Có thể có một kẻ thù đã chọc giận nó trước rồi?
Holmes suy tư một lúc.
- Giả thiết của anh có cơ sở, anh Watson! Edmunds tiết lộ với tôi là khi đã uống rượu, Ronder quậy dữ lắm, hắn cầm roi rượt tất cả những ai dám cưỡng lại. Có thể xem các tiếng la "Đồ quái vật" mà bà Ronder thường la trong đêm khuya là những hồi tưởng liên quan đến những trò thô bạo của người chồng quá cố. Thôi, đoán già đoán non có ích gì, khi chúng ta chưa có đủ dữ kiện trong tay. Giờ đi ăn trước đã.
Xe ngựa bỏ chúng tôi xuống trước nhà bà Merrilow. Bà ta đã đứng choán cửa chân chúng tôi lại, năn nỉ đừng nói hoặc làm điều gì để bà phải mất một người khách trọ sộp. Trấn an bà xong, chúng tôi đi theo bà, leo lên cầu thang có trải đệm đã xơ xác. Cửa phòng hôi mùi mốc vì không thoáng. Sau gần một đời nhốt thú dữ trong chuồng, ngày nay người khách trọ như bị định mạng trả miếng lúc xế chiều.
Bà Ronder ngồi trên một ghế bành đã lung lay, trong một góc tối tăm. Mấy năm bỏ nghề làm dáng bà sồ sề ra. Tuy nhiên, với thân hình tròn trịa hấp dẫn hiện tại, cho thấy xưa kia bà là một phụ nữ đẹp cân đối. Chiếc khăn voan dày cộm che kín mặt mày, cắt ngang làn môi, để lộ một cái miệng tuyệt hảo và cái cằm trái xoan thanh tú. Giọng nói thanh tao cũng là yếu tố làm xao xuyến lòng người.
- Tên của tôi đâu có xa lạ gì với ông, phải không ông Holmes? - Bà ấy nói - Tôi rằng thế nào ông cũng đến.
- Vâng, thưa bà. Nhưng tôi không hiểu tại sao bà biết tôi lưu ý đến chuyện của bà.
- Tôi biết điều đó khi tôi bình phục lại và được ông Edmunds thẩm vấn. Tôi đâu có nói sự thật. Có lẽ tôi nên nói thật ngay từ lúc đó.
-Tại sao bà lại nói dối với ông ấy?
-Tại vì mạng sống của một người nào đó đang tuỳ thuộc vào lời khai của tôi. Tuy đó là một người không xứng đáng, nhưng tôi không muốn lương tâm tôi bị giày vò.
- Bây giờ bà hết áy náy rồi chứ?
- Hết rồi, vì người đó đã chết.
-Vậy, tại sao bây giờ bà không tới cảnh sát khai hết những gì bà biết?
- Tại vì còn một người nữa có liên quan. Đó là tôi. Tôi không thể chịu đựng được cái tai tiếng rùm beng. Tôi không còn sống bao lâu nữa, nhưng tôi muốn chết một cách thanh thản. Tôi muốn tìm một người có trí phán đoán đúng đắn lắng nghe tôi kể lại câu chuyện gớm ghiếc để khi tôi chết rồi, mọi chuyện đều được hiểu rõ ràng.
- Bà quá khen tôi, thưa bà? Nhưng tôi là một người có trách nhiệm. Có thể sau khi nghe bà xưng tội, tôi lại thấy có bổn phận phải đi khai báo với cảnh sát.
- Tôi không nghĩ như thế, ông Holmes. Tôi hiểu rõ tính khí và phương pháp làm việc của ông. Tôi đã theo dõi việc làm của ông từ mấy năm nay. Trong những ngày cuối cùng, cái thú độc nhất còn lại của tôi là đọc sách báo. Tôi sẽ có thể bị rắc rối, nhưng mặc kệ. Sau khi đã kể hết với ông, tâm trí tôi sẽ thanh thản.
- Bạn tôi và tôi rất hân hạnh nghe bà nói.
Bà ta đứng lên, tới hộc tủ lấy ra một tấm ảnh. Đó là ảnh của một lực sĩ, một diễn viên nhào lộn rất đẹp trai. Ông ta khoanh tay trên một bộ ngực nở nang, cười nhẹ dưới bộ râu ngạnh trê rậm rạp cười của "một tay bẻ biết mấy cành thiên hương".
- Leonardo đấy, - Bà ta nói.
- Leonardo, người khổng lồ của gánh xiếc làm nhân chứng?
- Đúng rồi. Còn đây, là ảnh chồng tôi.
Một bộ mặt gớm ghiếc: một con heo phị, hay đúng hơn một con gấu mang mặt người. Ta thấy rõ ràng cái miệng sôi sục sự thô bạo. Còn đôi mắt ti hí hiếm có. Một loại đâm thuê chém mướn.
- Hai ảnh này sẽ giúp các ông hiểu đời tôi. Tôi là nghệ sĩ nghèo của gánh xiếc, khôn lớn lên bằng cơm gạo của đoàn. Tôi nhảy vòng lúc chưa tới 10 tuổi. Với cái dục vọng của con người đàn ông đó, vào một ngày khốn nạn nọ, tôi trở thành đàn bà và tôi kết hôn với ông ấy. Kể từ đó tôi sống đời địa ngục. Ông ta là con quỷ có trọng trách hành hạ tôi. Mọi người trong đoàn đều hay biết. Ông ấy bỏ bê tôi, chạy theo những người đàn bà khác. Tôi mà than thì ông ấy trói lại, quất roi da. Mọi người đều thương hại tôi và nguyền rủa ông ta. Nhưng họ làm gì được? Họ sợ ông ấy như quỷ dữ. Lúc nào cũng hung tợn, còn khi say thì ông ta có thể giết người. Biết bao lần rắc rối với công lý vì đánh người hay bạc đãi thú. Nhưng vì ông giàu sụ nên tiền bạc đỡ qua cả. Các diễn viên thượng thặng bắt đầu xa lánh ông và đoàn xuống dốc, sống lay lắt qua ngày nhờ Leonardo, tôi, cùng chú bé hề Jimmy Griggs. Đâu còn gì thích thú để đùa cợt, nhưng thằng bé cũng cố gắng giữ trọn vai trò.
Leonardo đi vào đời tôi ngày càng sâu. Anh ấy đẹp trai như ông đã thấy. So với chồng tôi, anh ấy là thiên thần. Anh ấy thương hại tôi, giúp đỡ tôi. Cuối cùng thâm tình biến thành tình yêu, càng ngày càng sâu đậm và đam mê. Cái tình yêu mà tôi luôn mơ tưởng nhưng không bao giờ hy vọng thụ hưởng. Chồng tôi nghi ngờ, nhưng đê hèn, ông ấy sợ Leonardo. Ông ấy trả thù bằng cách hành hạ tôi nhiều hơn. Một đêm nọ, do tôi la hét dữ dội nên Leonardo chạy tới xe vợ chồng tôi và suýt có thảm kịch xảy ra. Sau đó, tình nhân tôi và tôi thấy rõ rằng điều đó không thể tránh khỏi. Chồng tôi không đáng được sống.
Leonardo tổ chức khéo lắm. Tôi không nói để trút bớt tội mình vì chúng tôi cùng quyết tâm làm mọi chuyện để cùng nhau lập lại cuộc đời.
Anh ta làm một cái chuỳ có gắn năm đinh sắt dài ở đầu, giống hệt các vuốt sư tử nhằm giáng một đòn chí tử xuống Ronder mà cuộc khám nghiệm sẽ lầm lạc.
Trời tối như mực khi vợ chồng tôi theo đúng lệ đem thức ăn cho sư tử. Leonardo núp sau chiếc xe kéo mà vợ chồng tôi phải đi qua trước khi đến chuồng. Anh ấy quá chậm nên khi chúng tôi đến gần chuồng, anh ấy mới sẵn sàng và rón rén lần mò đi theo. Tôi nghe tiếng chuỳ vung lên và chồng tôi ngã xuống. Tôi mừng một cách hoang dại và chạy tới mở khoá chuồng.
"Và lúc này mới xảy ra chuyện kinh tởm cho tôi. Có lẽ hai ông cũng hiểu rằng thú dữ đánh hơi mùi máu rất nhanh và mùi máu đánh thức bản năng hung bạo của chúng. Ngay khi tôi vừa rút các song sắt, con sư tử nhào ra vồ lấy tôi. Leonardo đã có thể cứu tôi nếu anh ấy chạy tới lấy chuỳ đập. Nhưng anh ta mất bình tĩnh. Tôi nghe anh ta la rồi anh quay lưng chạy thoát thân... đúng ngay lúc nanh con thú cắm sâu vào mặt tôi. Hơi thở nồng nặc và hôi thối của con thú làm tôi gần chết ngáp nên tôi chỉ cảm thấy cái đau nhẹ. Tôi lấy tay gỡ hai cái hàm đồ sộ máu me của con thú vừa kêu cầu cứu. Tôi ý thức được toàn đoàn đều rung động và tôi nhớ rõ một nhóm người gồm Leonardo, Griggs và nhiều nữa kéo tôi ra khỏi vuốt con thú.
Khi tôi bình phục, tôi soi kiếng và lúc đó tôi nguyền rủa con sư tử ... Tôi nguyền rủa nó không tiếc lời vì... nó không giết tôi luôn. Rồi tôi chỉ còn một nguyện vọng: che kín bộ mặt ghê tởm này và sống kín một nơi không thân bằng quyến thuộc nào phát hiện được. Chúng tôi im lặng hồi lâu. Rồi Holmes đưa bàn tay dài của anh ta ra vuốt bàn tay của Eugenia với một mối thông cảm.
- Bà là người đáng thương? - Holmes nói - Định mệnh quả khắt khe, khó dò. Còn Leonardo thì sau này ra sao?
- Tôi không gặp lại anh ấy và không được tin tức gì về anh ấy. Có lẽ tôi sai lầm khi đã buông tha anh ấy chăng Nhưng tình yêu của người đàn bà không dễ dàng tan biến. Tuy anh ấy bỏ cho tôi bị sư tử quào, tuy anh ấy bỏ chạy thoát thân, nhưng tôi không nhẫn tâm đưa anh ấy đoạn đầu đài. Về phần tôi, tôi không lo nghĩ những gì xảy ra cho tôi. Còn gì hãi hùng hơn cuộc đời hiện tại của tôi.
- Ông ấy đã chết?
- Anh ấy chết đuối tháng trước. Tôi biết tin này qua báo chí.
- Sau vụ án mạng, ông ấy đã làm gì với cái chuỳ 5 đinh?
- Thưa ông Holmes, tôi chẳng biết gì cả. Nhưng gần chỗ chúng tôi đóng trại có một cái hầm khai thác đá vôi, nước đọng thành ao sâu. Có lẽ nó chìm xuống đáy ao này.
- Ồ, giờ đây thì nó đâu còn gì quan trọng nữa. Nội vụ đã xếp lại rồi.
- Đúng thế! - người đàn bà lặp lại. - Nội vụ đã xếp lại rồi!
Chúng tôi đã đứng lên để ra về. Đột ngột, Holmes quay về hướng người đàn bà đau khổ.
- Cuộc đời của bà không thuộc quyền của bà đâu - Holmes nói - Bà phải bảo trọng nó!
- Nó còn ích lợi cho ai?
- Tại sao bà nói xàm thế! Một bệnh nhân cam chịu số phận là một cái gương quý giá nhất trong cuộc đời thiếu nhẫn nại này.
Cách đối đáp của bà Ronder thật hãi hùng. Bà tháo khăn voan, bước ra ánh sáng:
- Tôi tự hỏi không biết ông có chịu đựng được nó không?
Thật là kinh tởm. Không có từ ngữ nào để mô tả cái khuôn mặt khi nó đã hoàn toàn tan nát. Hai con mắt long lanh cực đẹp giữa một cảnh hoang tàn rợn người. Holmes đưa hai tay lên trong cử chỉ thương hại và phản đối thái độ trắng trợn đến tàn nhẫn của người đàn bà. Hai ngày sau, khi tôi đến nhà, Holmes hãnh diện chỉ cho tôi một lọ dung dịch màu xanh lơ để trên lò sưởi. Tôi cầm lên xe. Lọ có dán nhãn "thuốc độc". Một mùi hạnh nhân dễ chịu toát ra khi tôi mở nút.
- Acid pruxic?
- Đúng rồi - Holmes đáp - Nó được gửi tới bằng đường bưu điện. “Tôi gửi tới ông cái cám dỗ tôi. Tôi nghe theo lời ông chỉ dạy”. Đó là bức thư gửi kèm Watson à, tôi tin rằng chúng ta có thể nói ra tên của người đàn bà can đảm đã gửi bưu kiện này.
Hết.
@by txiuqw4