sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 08

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 8

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Biết bò;

• Có thể tiến về phía trước bằng cách lê mông hoặc bám vào các đồ vật trong nhà để giữ thăng bằng và đi men;

• Đứng được nếu lưng dựa vào tường;

• Bám vào các đồ vật để đứng lên;

• Phải có người giúp thì đang đứng trẻ mới có thể ngồi xuống được;

• Khi giữ cho trẻ đứng lên, chân của trẻ sẽ bước về phía trước.

Dáng ngồi

• Tự ngồi thẳng lưng được khá lâu, khi ngồi một chân sẽ duỗi ra còn một chân gập lại;

• Đang bò hoặc nằm có thể tự chống tay để ngồi lên được.

Các phần cơ nhỏ

• Dùng ngón tay cái với ngón tay trỏ hoặc với ngón tay giữa để nhặt đồ;

• Cố gắng nhặt hạt cườm nhỏ hoặc sợi dây;

• Cầm đồ chơi lắc qua lắc lại được ít nhất 3 phút.

Phát triển về ngôn ngữ

• Bắt chước các giọng nói khác nhau, đôi khi trẻ “nói chuyện” một mình;

• Đôi khi trẻ gào to lên;

• Nhai tóp tép;

• Nói các từ lặp như “ma ma”, “chip chíp”;

• Quay mặt hay quay người nếu nghe thấy âm thanh quen thuộc như có tiếng ai gọi tên mình hoặc tiếng chuông điện thoại.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Khám phá đồ vật và chú ý đến độ rộng, độ dài và độ sâu;

• Nhìn vào tay khi thực hiện các cử động như cầm, vứt đồ đi;

• Khám phá đặc điểm mặt trong và mặt ngoài của các đồ dùng để đựng bằng cách nhặt một đồ vật nhỏ thả vào lòng chúng rồi lấy ra;

• Tìm được đồ vật bị giấu sau tấm màn (Trẻ nhìn thấy bạn cất vào chỗ đó);

• Nhớ được sự việc và hành động của bản thân;

• Nhớ được các bước của một sự việc đơn giản;

• Bắt chước các điệu bộ của người khác;

• Quan tâm đến mối quan hệ giữa cơ thể và sự di chuyển của bản thân và của người khác;

• Tự giải quyết được những vấn đề đơn giản;

• Cầm, tiếp xúc và khám phá đồ vật trong tay rồi so sánh với đồ vật có hình dáng khác;

• Biết phân biệt sự khác nhau;

• Bắt đầu có những cách ghi nhớ và học tập riêng;

• Tự tiến đến để lấy đồ vật rồi cho vào miệng cắn, nếm.

Phát triển về mặt xã hội

• Đánh, cười hay thơm bóng của mình trong gương;

• Sợ người lạ mặt, sợ xa mẹ và rất bám mẹ;

• Hét to để thu hút sự chú ý;

• Đẩy, gạt bỏ những thứ không thích;

• Biết cách làm cho cha mẹ phải lấy những đồ vật mà mình muốn;

• Quan tâm đến việc chơi và thích đồ chơi.

THÁNG THỨ 9

Trứng dựng đổ… Luộc trứng ăn[6]

[6] Câu ca dao của Thái Lan nói về việc tập đứng của trẻ.

Trẻ thường tập ngồi vào tháng thứ 6, bắt đầu bò và đứng vịn vào tháng thứ 7 - 8, bước tiếp theo trong tháng thứ 9 này là giai đoạn bé sẽ tập chững. Ngoài ra trẻ cũng sử dụng khoảng thời gian trước khi biết đi này để luyện tập thêm cơ bắp và học nghệ thuật hòa nhập với xã hội.

Các phát triển chung

Trẻ có thể ngồi lên từ tư thế nằm bằng cách nghiêng đầu, chống tay đẩy thân ngồi dậy. Một số trẻ có thể ngồi xuống từ tư thế bò. Một số khác có thể ngồi được từ cả 2 tư thế.

Trí nhớ và khả năng về trí tuệ của bé con cũng phát triển mạnh trong thời gian này. Nhiều khi trẻ cảm thấy chán việc khám phá thế giới xung quanh bởi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bằng ấy kỹ năng mà thôi. Những trẻ nhỏ tuổi hơn sẽ không cảm thấy chán nản bởi tất cả mọi thứ đều mới mẻ đối với bé. Nhưng trẻ 9 tháng tuổi có thể nhớ được trò chơi của ngày hôm qua, nếu trò nào hay, sáng hôm sau trẻ sẽ đòi chơi lại.

Khi trẻ chơi trò xếp hình được khoảng 2 lớp, trẻ đang học về số lượng và suy nghĩ về các bước trong trò xếp hình đó. Trẻ cần điều khiển được cơ tay để nhặt từng miếng xếp hình xếp chồng lên nhau cho đúng về hình dáng và vị trí. Việc này phụ thuộc vào sự cần cù và kiên nhẫn vì có thể chỉ thành công trong rất ít lần mà thôi, song nếu xếp được đúng ý, trẻ sẽ rất vui.

Tuy nhiên, nếu con bạn không làm được theo những tiêu chí nói trên thì bạn cũng không nên lo lắng bởi phần lớn trẻ 9 tháng tuổi thích khám phá những điều khác nhau, đặc biệt giữa trẻ năng động và trẻ trầm tính sẽ rất khác nhau về sở thích. So với nửa năm đầu tiên của cuộc đời, những sự khác nhau này bắt đầu thấy rõ rệt hơn ở tháng thứ 9 bởi đến thời điểm này thì não và hệ thần kinh của trẻ đã phát triển thành hệ thống hơn, hơn nữa trẻ đã kiểm soát được tốt hơn hoạt động của cơ thể.

Những trẻ trầm tính thường yên lặng ngồi chơi đồ chơi cả ngày. Trẻ có thể chỉ di chuyển để lấy những đồ chơi ở gần bằng cách chống một tay xuống sàn, đổ trọng tâm cơ thể vào đầu gối và mông của bên tay đó, chân còn lại chống đầu gối xuống sàn. Nếu chán việc nhìn những hình ảnh ở góc thấp thì thay vì phải tập đứng hoặc đi, trẻ chỉ đưa mắt nhìn khắp lượt hoặc nghiêng đầu để đổi góc nhìn.

Nhiều trẻ có thể mang đặc điểm trái ngược hoàn toàn với những gì nói ở trên, nghĩa là có thể tự đứng lên mà không cần vịn vào cái gì. Trẻ có thể tự nhiên chổng mông đứng lên được hoặc di chuyển trong tư thế chổng mông như vậy. Ngoài ra, trẻ 9 tháng tuổi còn thích bò lên cầu thang. Bạn nên dạy trẻ cách bò xuống cho đúng phương pháp nghĩa là quay lưng trườn xuống.

Dạy trẻ tập đứng

Khi đã bò vững, trẻ sẽ bám vào những đồ vật lớn hoặc vật ở gần người rồi dùng lực cánh tay kéo người đứng lên. Khi đứng được rồi, trẻ sẽ rất thích đứng lên ngồi xuống, tập chững. Mẹ có thể hỗ trợ cho trẻ bằng cách:

• Sắp xếp một chỗ rộng rãi, có đồ vật để trẻ bám vịn. Sàn nhà nên trải tấm lót mềm để giảm lực va chạm khi trẻ bị ngã.

• Gọi tên trẻ và giơ đồ chơi lên để dụ cho trẻ đứng lên lấy.

• Giúp trẻ đứng lên và bám vào đồ vật để trẻ có thể học cách bước đi, hoặc để trẻ đứng sau đó cầm vào cánh tay trẻ, trẻ có thể sẽ bước đi được vài bước.

• Lúc mặc quần mặc áo cho trẻ cũng là thời gian để luyện cho trẻ tập đứng, chỉ cần cho trẻ đứng bám vào vai bạn trong khi bạn mặc quần áo cho bé và kéo dài thời gian đứng của trẻ bằng cách trò chuyện, làm như vậy sẽ giúp trẻ không còn chán việc chỉ đứng vịn đơn thuần.

• Những đồ chơi có thể kéo, đẩy cũng có thể giúp trẻ tập bước đi. Bạn hãy kéo đồ vật làm mẫu cho trẻ.

• Một chiếc gương lớn cũng làm cho trẻ cảm thấy thích thú với việc tập đứng.

Tình trạng sợ những đồ vật mới

Khi trẻ tập đứng hay tập leo trèo thì hiển nhiên tầm mắt của trẻ sẽ cao hơn khi trẻ nằm và ngồi. Đây chính là thời điểm trẻ phát hiện ra khoảng trống và phát hiện này khiến cho trẻ sợ độ cao. Ngoài ra trẻ còn biết đến khoảng cách từ việc với tay chạm vào đồ vật và trẻ biết rằng giữa trẻ và đồ vật có một khoảng cách để đồ vật dịch chuyển về phía trẻ. Điều này cũng có nghĩa là trẻ cũng hiểu ra rằng trẻ có thể bị ngã xuống bất kỳ lúc nào.

Vì vậy, một số trẻ thấy sợ những đồ vật có thể chuyển động như ghế xoay, búp bê cử động trong khi trước đó trẻ không hề sợ, một số trẻ còn sợ đến mức khóc thét lên. Cách giải quyết cho việc này là bạn nên đến gần trẻ, ôm trẻ vào lòng và nói rằng “Nó không làm gì con đâu”. Khi những đồ vật đó không còn di chuyển, bạn nên thử rủ trẻ lại gần và chạm vào đồ vật một lần nữa. Bé con sẽ dần dần chiến thắng sự sợ hãi và chơi với chúng một cách thoải mái.

Sự sợ hãi có thể biểu hiện khi trẻ tắm, tay trẻ sẽ nắm chặt vào thành chậu trong khi trước đó trẻ rất thích nghịch nước. Nguyên nhân có thể do lúc này trẻ đã lớn hơn nên bạn thay chiếc chậu tắm mới to hơn khiến trẻ thấy lạ lẫm, sợ hãi. Nếu tình trạng này xảy ra, bạn nên cho trẻ tắm cùng bạn trong bồn tắm lớn, bạn vừa ôm trẻ vừa tắm cho trẻ để trẻ dần lấy lại được tự tin và tháng sau trẻ có thể lại tắm được một mình trong chiếc chậu to.

Một số trẻ rất khó để hòa đồng được với anh hay chị cho dù ở tuổi này trẻ đã có thể kiểm soát bản thân tốt hơn cả về việc phát ra âm thanh lẫn cử động của cơ thể, nhưng trẻ cũng nhạy cảm với những đứa trẻ khác. Trẻ sẽ cảm thấy những đứa trẻ khác di chuyển nhanh hơn, nói giỏi hơn, trẻ không thể đoán biết trước được nên cảm thấy sợ và không tự tin. Trẻ càng ít được tiếp xúc với trẻ con thì càng nhạy cảm với những em bé lạ mặt. Trẻ sẽ nhìn chằm chằm vào các bạn hoặc anh, chị đang chơi xung quanh và có thể giật mình khi nghe thấy tiếng hét. Chỉ cần đứa trẻ lạ mặt đó di chuyển đến gần mình, trẻ sẽ trốn đi vì sợ. Cha mẹ nên từ từ mở rộng thế giới cá nhân của trẻ để trẻ hòa nhập với xã hội bằng cách tạo ra thật nhiều cơ hội để bé con của mình tiếp xúc với những đứa trẻ khác. Đây vốn là việc làm không có gì khó vì bình thường ở độ tuổi này trẻ sẽ chú ý tới trẻ con hơn người lớn và thích trẻ nhỏ hơn những trẻ lớn.

Vai trò của người mẹ đối với sự sợ hãi của trẻ

Như đã nói sự sợ hãi của trẻ nảy sinh trong quá trình khám phá thế giới mới nhưng người kích thích sự sợ hãi lấn chiếm vào tâm hồn của trẻ lại chính là người mẹ hoặc người thân cận.

Người mẹ khiến trẻ trở nên nhút nhát là người mẹ hay cằn nhằn, bao bọc trẻ quá mức cần thiết; hay quá nghiêm khắc và kích động trẻ quá mức hoặc thường tỏ ra không vừa lòng với trẻ và đặc biệt là người mẹ có nhiều con và hay thiên vị.

Những trẻ có mẹ với đặc điểm như trên thường xuyên cảm thấy lo lắng và muốn được quan tâm. Những trẻ này thường rơi vào trạng thái sợ hãi. Ví dụ như trẻ ở độ tuổi này bắt đầu học uống sữa bằng cốc, người mẹ cảm thấy vất vả với việc cho trẻ bú sữa bằng bình nên cai bình sữa cho trẻ trong khi trẻ vẫn thích hoặc quen với bình sữa. Việc bị ép cai bình sữa làm cho trẻ không yên tâm và cảm thấy bị bỏ rơi.

Trong việc tập cho trẻ uống sữa bằng cốc, bạn nên sử dụng biện pháp bắt chước, cụ thể là: Bạn hãy cầm một chiếc cốc và cho trẻ cầm một chiếc, sau đó bạn làm động tác như đang uống để trẻ làm theo, sau đó bạn mới từ từ cho thêm sữa vào cốc mỗi lần một ít. Ngoài ra, khi trẻ tắm bạn cũng nên cho trẻ cầm theo chiếc cốc của mình để nghịch nước nhằm quen dần với việc dùng cốc và luyện dùng cơ tay. Với phương pháp này trẻ sẽ chấp nhận một cách dễ dàng vì ít bị ép buộc.

Việc tạo cảm giác thoải mái và kích thích đúng cách là điều rất quan trọng đối với trẻ ở độ tuổi này, tuy nhiên trên thực tế lại không hề dễ dàng để thực hiện. Nguyên tắc đơn giản chỉ là bạn hãy bày tỏ thái độ khen ngợi trẻ và tương tác với trẻ ngay tức thì bằng lời nói và hành động nhẹ nhàng. Nếu bạn chần chừ, trẻ sẽ tự giải quyết vấn đề bằng cách khóc lóc, tủi thân.

Những phương pháp giúp cho trẻ chống lại sự sợ hãi đó là việc biến sự sợ hãi thành trải nghiệm quý báu. Ví dụ như khi bò, thường thì trẻ sẽ nóng vội, vội vàng bò đi đến mức va đầu vào đồ vật rồi khóc thét lên. Thật ra phản ứng của trẻ không xuất phát từ việc trẻ bị đau, có thể chỉ hơi đau nhưng nguyên nhân chính là do trẻ bị giật mình. Điều bạn nên làm lúc này là ôm ngay trẻ vào lòng, hay vỗ nhẹ vào mông, vào lưng và nhẹ nhàng bế trẻ trong tư thế thoải mái, hoặc bạn có thể bật cười trước hành động của trẻ vì tiếng cười sẽ giúp xóa tan bầu không khí căng thẳng và trẻ có thể sẽ cười theo bạn.

Lúc nào nên giúp đỡ trẻ

Khi lớn hơn, trẻ càng cần phải tự giúp đỡ bản thân nhiều hơn, vì vậy việc cha mẹ giúp đỡ và xen vào hoạt động của trẻ phải phù hợp với lứa tuổi. Một nhà tâm lý học người Mỹ đã nghiên cứu và chỉ ra rằng việc cha mẹ xen vào hoạt động của con không đúng cách sẽ khiến trẻ khó chịu, cảm thấy thất bại và đó là lý do trẻ khóc lóc.

Vậy cách thức đúng đắn là như thế nào?

• Trước tiên bạn phải biết với độ tuổi của trẻ thì phần lớn trẻ đã làm được những tiêu chuẩn gì, rồi so sánh với con bạn xem bé còn thiếu kỹ năng nào. Sự thiếu hụt đó chính là điểm bạn phải can thiệp.

• Bạn phải hiểu rằng, ngay lập tức khiến một người không biết trở nên biết là điều không thể. Ngay lập tức bạn bắt trẻ phải làm được việc này, việc khác mà không có nền tảng từ trước chắc chắn là điều không tưởng. Trẻ phải học dần dần theo từng bước. Đây chính là thời điểm người mẹ phải thể hiện vai trò trong việc giúp đỡ trẻ. Ví dụ như bạn sẽ chỉ cho trẻ thấy rằng có đồ vật được giấu đi bằng những cách như: 1) Lấy đồ vật giấu đằng sau tấm rèm hoặc một nơi nào đó cho bé thấy, sau đó bạn cầm đồ vật ra cho trẻ xem. 2) Có thể dùng phương pháp kích thích trẻ bằng cách cầm tay trẻ lấy đồ vật bị giấu để trẻ biết rằng trẻ làm được. 3) Dùng cách dụ bằng việc di chuyển đồ vật ra xa nhưng vẫn trong tầm mắt của trẻ để trẻ tự xử lý tình huống.

Trước khi sử dụng một trong ba cách nói trên, bạn hãy chắc chắn rằng trẻ không thể xử lý được các tình huống này và mỗi phương pháp sẽ tạo dựng cho trẻ những kỹ năng học hỏi khác nhau. Ngoài ra, cũng phải nhắc thêm rằng bạn nên lựa chọn thời gian và thời điểm thích hợp để xen vào một cách tự nhiên nhất, phù hợp với hoạt động của trẻ.

• Việc dạy trẻ nên tạo cho trẻ cảm thấy tự hào với bản thân, để trẻ làm bằng tâm trạng tự nguyện và sẵn sàng. Khi được tham gia các hoạt động một cách thoải mái, tự khắc trẻ sẽ nhận biết và học hỏi từ các hoạt động đó. Nhưng nếu bị ép buộc, hoặc bị đặt vào tình thế mọi thứ đã hoàn chỉnh, xong xuôi, trẻ không phải sử dụng đến khả năng hoặc sự cố gắng nào, trẻ sẽ không thấy tự hào, không biết bản thân có thể làm được như người khác hay không. Điều này tạo nên cho trẻ tính cách yếu đuối, chỉ biết dựa vào người khác, không biết tự xử lý tình huống.

Biết tự giúp đỡ bản thân

Trẻ không nhất thiết cần sự giúp đỡ của cha mẹ 24/24 giờ, trẻ sẽ cố gắng tự giúp bản thân mặc dù đôi khi sẽ tỏ ra sợ hãi. Nếu đạt được thành công sau mỗi lần thử nghiệm sẽ là trải nghiệm mới hết sức ấn tượng và trẻ sẽ tiếp tục đặt ra mục tiêu mới để rèn luyện như trẻ có thể xử lý nỗi sợ hãi của mình bằng cách đứng dậy và ngồi xuống rồi lặp đi lặp lại hành động này. Trẻ có thể bò lên cầu thang và vứt con búp bê yêu thích xuống, sau đó sẽ từ từ bò xuống nhặt con búp bê lên rồi lại ném xuống lần nữa. Những hành động này thường được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Việc tự giúp đỡ bản thân của trẻ ở độ tuổi này còn tạo điều kiện cho trẻ nghĩ đến những kinh nghiệm cũ. Ban đầu trẻ có thể sợ hãi và yêu cầu sự bảo vệ của mẹ. Nhưng khi gặp trường hợp tương tự, trẻ sẽ dần dần trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn vào môi trường và bản thân bạn để cuối cùng trẻ có thể tự giúp đỡ bản thân.

Tập cho trẻ chơi với anh, chị

Trong khi học cách điều khiển hệ cơ trên thân thể, trẻ sẽ học cách tự bảo vệ mình và cách sở hữu bằng việc tranh giành đồ vật từ người khác. Trẻ sẽ giành đồ từ tay anh, chị và khi anh, chị tỏ thái độ giận dữ, trẻ sẽ trả lại đồ.

Trẻ ở tầm tuổi này vẫn chưa thể điều khiển được cảm xúc và sự căng thẳng, khi chơi với những trẻ lớn hơn, trẻ thường hay có xích mích đến mức khóc lóc vì bị giành đồ chơi, bị trêu chọc… Nhưng bạn cũng không nên quá lo lắng vấn đề này tới mức tách trẻ ra không cho chơi với người khác bởi việc chơi cùng trẻ khác có rất nhiều tác dụng và quan trọng đây là cách để trẻ tập tôn trọng người khác.

Các bậc cha mẹ đừng quên rằng mỗi trẻ có tính cách riêng, một số trẻ hiền lành, một số khác lại nghịch ngợm. Cha mẹ chắc chắn phải là người hiểu rõ tính cách của con mình hơn người khác. Bởi vậy chính các bạn sẽ là những người xem xét xem nên điều chỉnh các kiến thức trong sách vở như thế nào cho phù hợp với trẻ.

Đây chính là một nhiệm vụ của những người làm cha làm mẹ.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 9

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Bò được thành vòng tròn, có thể bò được lên cầu thang;

• Khi bò, một tay vẫn được cầm đồ;

• Có thể bò mà chân tay chống thẳng được;

• Đứng được khi có người khác giữ, một số trẻ có thể tự đứng trong chốc lát;

• Một số trẻ có thể tự đứng lên mà không cần bám vịn vào đồ vật;

• Đứng lên rồi có thể tự ngồi xuống được;

• Biết đi men.

Dáng ngồi

• Ngồi vững trên ghế;

• Ngồi thẳng lưng mà không bị ngã;

• Tự ngồi dậy thoải mái;

• Có thể biết ngồi xuống khi đang đứng.

Các phần cơ nhỏ

• Dùng ngón tay cái và ngón trỏ nhặt những đồ vật nhỏ;

• Biết vỗ tay hoặc lấy hai đồ vật đập vào nhau;

• Bắt đầu biết dùng ngón trỏ để chỉ, chọc, ngoáy vào lỗ;

• Khi chơi trò xếp hình thì có thể xếp được 2 lớp.

Phát triển về ngôn ngữ

• Nắm bắt được âm vực giọng nói;

• Bày tỏ cảm xúc và yêu cầu bằng âm thanh;

• Bắt chước việc phát âm, dùng lưỡi để phát âm;

• Nói được một số từ có ý nghĩa như “ma má”, “pa pá”…;

• Có thể nói được từ 1 - 2 âm tiết trùng nhau;

• Nghe người khác nói chuyện và nghe nhạc;

• Có thể hiểu và trả lời được 1 - 2 từ như “không”;

• Làm theo các mệnh lệnh đơn giản như “Lấy gối ra”…

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Sợ độ cao;

• Quan tâm đến các mặt của đồ vật;

• Nhặt đồ vật nhỏ bằng ngón trỏ và ngón cái, nếu nhặt đồ to sẽ dùng cả hai tay;

• Tìm đồ vật khi thấy người khác đem giấu;

• Chán những kích thích lặp đi lặp lại;

• Nhớ được những trò chơi đã từng chơi;

• Lần lượt nhặt từng đồ vật rồi đập vào nhau;

• Sẽ bỏ một đồ vật xuống đất hoặc cho vào miệng để cầm đồ vật thứ ba;

• Thu hút sự chú ý và bắt đầu bướng bỉnh.

Phát triển về mặt xã hội

• Nhớ được bóng của mình và mẹ trong gương;

• Rất thích trở thành nhân vật trung tâm trong gia đình, nếu được mọi người vỗ tay hoặc khen ngợi sẽ lặp lại hành động cũ;

• Bắt đầu biết học cách tự bảo vệ và thể hiện quyền sở hữu, sẽ phản ứng lại nếu bị tranh giành đồ;

• Có thể nhạy cảm với trẻ cùng trang lứa, nếu thấy bạn khóc có thể sẽ khóc theo;

• Coi trọng tâm trạng và dáng điệu của người khác;

• Tự nghĩ ra cách chơi;

• Chọn đồ chơi.

Lịch trình hàng ngày

• Tự cầm bánh mỳ hoặc miếng hoa quả cho vào miệng;

• Tự cầm được bình sữa, uống sữa hoặc nước bằng cốc có quai cầm;

• Có thể sợ, không dám nghịch nước.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx