sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 10

THÁNG THỨ 11

TẠO NỀN TẢNG XÂY DỰNG TÍNH KỶ LUẬT CHO TRẺ

Ở tháng thứ 11, trẻ thích được tự đứng nhất, việc điều khiển cơ thể để đứng thẳng của trẻ đã tốt hơn. Khi trẻ đứng vững được trên đôi chân của mình sẽ dẫn tới việc sử dụng đôi tay thành thạo hơn. Sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này là việc thử nghiệm các điều cấm kỵ. Nếu cha mẹ dứt khoát từ chối những việc có thể gây nguy hiểm, trẻ sẽ bắt đầu học cách để kiểm soát bản thân.

Các phát triển chung

Trẻ đứng vững để tự tin bước đi. Phần lớn trẻ ở tầm tuổi này đều đã biết đứng và có thể ngồi xổm, hoặc cúi xuống nhặt đồ chơi ở dưới sàn mà không phải ngồi xuống trước. Không những thế, trẻ cũng có thể vừa cúi vừa quay sang các bên để nhặt đồ chơi dưới sàn. Những hành động này chứng tỏ trẻ rất quan tâm tới chiều sâu và khoảng cách cũng như kết quả một số việc làm. Như điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ làm rơi đồ vật xuống dưới sàn? Đồ vật đó sẽ vỡ, gẫy, nẩy lên hay phát ra tiếng động?…

Quan trọng là bạn sẽ thấy trẻ có thể đứng lên bằng cách lấy một tay chống xuống đất rồi nâng người lên, khác hẳn với những tháng trước là trẻ phải chống hai tay nâng người lên.

Kinh nghiệm từ việc đứng giúp trẻ phát triển những kỹ năng khác. Ví dụ như khi trẻ cúi mặt nhìn qua háng, việc tìm trọng tâm để giữ thăng bằng dạy cho trẻ biết thêm một cách bò khác là bò mà chân tay duỗi thẳng, vừa bò vừa nghiêng mông sang trái, sang phải (Đôi khi chúng ta vẫn gọi là “bò nhổm mông”). Kỹ năng tiếp theo là bò lên xuống cầu thang. Trẻ sẽ bò lên cầu thang rồi đứng xoay qua xoay lại một lát, khi xuống trẻ sẽ làm như lao đầu xuống vì trẻ chưa biết cách xuống. Cha mẹ có thể làm cửa chắn đường lên, xuống ở cầu thang, nhưng đây cũng chỉ là cách ngăn chặn tạm thời bởi không lâu sau trẻ sẽ tự mở được cửa. Cách tốt nhất là cha mẹ hãy dạy cho trẻ biết bò xuống cầu thang bằng cách quay mông lại rồi trườn xuống.

Tại sao trẻ vẫn chưa đứng được?

Trong tháng này, một số trẻ vẫn chưa tự đứng được. Nhưng đây không phải là vấn đề. Đôi khi trẻ sẽ phát triển chậm hơn ở một số kỹ năng. Quan trọng là người mẹ phải chú ý xem việc chậm biết đứng hoặc đi của trẻ không phải do có sự bất thường ở chân của trẻ. Bởi một số trẻ chậm biết đứng hoặc đi có thể do khớp gối có vấn đề như gập vào, cong ra hay chân vòng kiềng hoặc gan bàn chân không có phần lõm vào. Nếu thấy sự bất thường, cha mẹ hãy nhanh chóng xin ý kiến của bác sĩ nhi khoa để tìm hướng giải quyết. Ngoài ra khi lựa chọn giày, dép cho trẻ, cha mẹ nên lựa chọn những đôi vừa vặn với chân của trẻ để giúp trẻ đi đứng dễ dàng, những đôi giày, dép quá rộng sẽ làm cho trẻ dễ bị ngã và không đi thẳng được.

• Thích thú với việc tập đi. Một số trẻ khám phá ra chiếc xe tập đi của mình, đó chính là chiếc ghế nhỏ trong nhà. Ban đầu có thể trẻ sẽ vô tình bám hoặc dựa vào khiến chiếc ghế di chuyển được. Vậy là lúc này trẻ đã biết rằng chính trẻ làm cho nó di chuyển được và mải mê với việc đẩy ghế. Thực tế, nhiều mẹ cũng thường mua xe tập đi cho trẻ vì nghĩ rằng chúng sẽ giúp trẻ tập đi được. Cha mẹ cần lưu ý rằng, trước khi cho trẻ sử dụng xe tập đi, bạn nên hình dung ảnh hưởng của chúng đối với bé con, đặc biệt là sự an toàn vì khi sử dụng rồi, trẻ có thể khó chịu vì xe thường đi nhanh và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của trẻ. Điều này cũng khiến các bà mẹ cảm thấy căng thẳng.

Tiến sĩ Braselton đã viết về trường hợp một trẻ bị buộc sử dụng xe tập đi đến nỗi trở thành đứa trẻ hết sức ngỗ ngược. Khi sử dụng xe tập đi, đứa trẻ này đã thiếu sự tiếp xúc với đồ vật ở xung quanh, trẻ chỉ lao người đi thẳng, sang trái, sang phải hay lao xe vào những đồ vật trong nhà, va vào hết cái nọ đến cái kia mà không có ai đến với trẻ và trẻ cũng không dừng lại được. Đến khi dừng lại được, trẻ gào khóc như bị tách rời khỏi một đồ vật quan trọng nhất đời vậy.

Thông thường nếu trẻ đến tuổi sẵn sàng tập đi, trẻ sẽ tập trung năng lượng dự trữ của cơ thể để tập đi. Nhưng nếu trẻ không phải tự tìm tòi rèn luyện cách đi của riêng mình bởi có đồ vật hỗ trợ, những năng lượng và sự cố gắng của trẻ sẽ bị kìm hãm lại và gây cho trẻ sự căng thẳng, khó chịu.

• Hiểu hơn về những mối quan hệ của các đồ vật. Nếu trước đây, bạn từng chỉ cho trẻ nhìn thấy con chim rồi tự kêu “chíp chíp” hoặc chỉ tay lên trời và nói rằng máy bay, thì lúc này trẻ cũng sẽ chỉ tay lên trời để nói cho bạn biết. Đây là những điều mà trẻ học được từ việc bắt chước các hành vi trước đó của bạn.

• Vẫn rất thích chơi với gương. Mặc dù đã biết được sự khác biệt giữa hình ảnh phản chiếu của chính mình và bóng của cha mẹ trong gương với người thật song trẻ vẫn thích ra đứng trước gương, nhìn bóng của đồ vật yêu thích trong gương để biết rằng đã nhầm khi đưa tay chạm vào mặt gương.

• Biết bắt chước cách nói và cách mặc quần áo. Trẻ thường để ý khi được mẹ mặc quần áo cho và hợp tác rất tốt bằng cách chui người vào áo hay cho chân vào ống quần, trẻ biết cho chân vào giầy hoặc biết tự cởi tất ở chân ra. Về ngôn ngữ trẻ sẽ bắt chước cách phát âm, giọng điệu và cả sắc mặt biểu cảm của cha mẹ. Trong tháng này, trẻ có thể nói được khoảng 3 âm tiết giống các từ “ma”, “mẹ”, “măm”, nhưng những gì trẻ phát âm ra thường không có nghĩa.

Bám mẹ

Giai đoạn tập đi là giai đoạn trẻ thấy hứng thú với mọi vật, đồng thời đây cũng là thời kỳ trẻ vừa muốn tự do nhưng lại vừa rất bám mẹ. Trẻ thường bám mẹ không rời, bắt chước mọi hành vi của mẹ. Bạn sẽ thấy trẻ chăm chú theo dõi bạn cả ngày. Nếu bạn đội khăn lên đầu khi làm việc nhà, trẻ sẽ tìm một mảnh vải hoặc miếng giẻ lau để đội lên đầu. Trẻ sẽ bắt chước mẹ lau bàn, lấy thìa khuấy bột hoặc cố gắng cầm chổi đưa qua đưa lại trong không khí như khi bạn đang quét mạng nhện vậy….

Việc bám mẹ có thể giảm bớt bằng việc bám anh, chị hoặc bố. Trẻ sẽ bắt chước cách chơi đồ chơi của anh chị như dùng búa gõ cộc cộc xuống nền nhà một cách thích thú, cầm bút chì màu vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Khi anh cầm tay để dạy trẻ cách cầm bút cho đúng, trẻ sẽ giật tay lại và phản đối. Cho dù trẻ vẫn chưa chịu nhưng sự cố gắng sau đó sẽ giúp trẻ cầm bút vẽ gần giống cách mà anh, chị dạy cho trẻ.

Phần lớn trẻ ở tuổi này rất gắn bó với cha. Trẻ sẽ ước lượng thời gian nào cha đi làm về. Cha làm những việc không giống với bé nhưng nếu để trẻ làm theo, chắc chắn bé sẽ nghĩ mình là người làm đúng. Cha cười và nói ít hơn mẹ, nhưng cha có thể bế trẻ lên làm những việc lạ, hấp dẫn và vui hơn. Đặc biệt bé trai thường thích những trò chơi mạnh mẽ của cha như được nhảy nhót trên chân cha, được cha bế tung lên, bế xốc bé lên để quay vòng tròn, ngồi lên lưng bắt cha làm ngựa. Cha càng thực hiện các động tác một cách mạnh, trẻ càng thích thú. Điều này có thể thấy rõ qua thái độ phản đối của trẻ khi cha muốn đọc báo.

Trên đây là một phần sự thật mà hầu như trẻ nào cũng phải trải qua. Người cha giúp cho các bé trai có cơ hội chứng tỏ bản tính nam giới trong khi các bé gái bắt đầu nhận biết được giới tính nữ của mình.

Cái gì cũng “không”

Từ tháng trước, trẻ đã biết từ chối bằng cách lắc đầu, nhưng trẻ lắc đầu với mọi thứ, ngay cả với thứ mà trẻ muốn. Cha mẹ nên dạy cho trẻ học cách sử dụng từ “không” cho đúng văn cảnh, có thể bắt đầu bằng sự khác nhau giữa “ngoan” và “bướng”. Ví dụ: “Là bé ngoan sẽ không bướng” để trẻ làm những việc mà mẹ chấp nhận như trẻ sẽ giơ bình sữa đã uống hết lên khoe với mẹ với nét mặt tự hào để mẹ khen, điều này có nghĩa là mẹ thừa nhận việc bé làm. Trẻ sẽ biết được ý nghĩa của từ “không” khi trẻ nói và từ “không” khi mẹ nói trong các câu lệnh đơn giản được thể hiện qua cả nét mặt và giọng nói.

Giai đoạn đầu trẻ sẽ cố gắng thử nghiệm từ “không” của bạn bằng cách trêu tức như kéo váy hoặc giũ tung đống quần áo mới được gấp ra và nếu bạn vẫn không quan tâm, trẻ sẽ nghĩ ra “độc chiêu” để thu hút sự quan tâm của bạn như trẻ sẽ bò ra phía quạt hay định thò ngón tay vào ổ cắm vì trẻ biết rằng chắc chắn mẹ sẽ ngăn cản.

Rèn luyện để thành một đứa trẻ ngoan ngoãn

Để trẻ ở độ tuổi này ngoan ngoãn, biết nghe lời không khó. Nó phụ thuộc vào sức khỏe của trẻ và mối quan hệ tốt đẹp giữa trẻ với cha mẹ và việc cha mẹ tạo cơ hội cho trẻ phát triển và học hỏi một cách tự do (Ngoại trừ những việc có thể gây nguy hiểm). Tiến sĩ Mary D. Ainsworth thuộc trường Đại học John Hopkins cho rằng việc dạy dỗ của mẹ như mật độ của các mệnh lệnh và việc kìm hãm hoạt động thể chất của trẻ không phải lúc nào cũng khiến trẻ tuân theo (đơn giản là việc liên tục ra lệnh, ngăn cấm không có tác dụng). Ngược lại, nếu càng cho trẻ tự do bao nhiêu, trẻ càng có thể kiểm soát được những hành vi của mình bấy nhiêu.

Phương pháp huấn luyện trẻ

Đôi khi cha mẹ nên quyết liệt dùng từ “không” hơn với trẻ, ví dụ như tuy đã khuya nhưng trẻ vẫn liên tục gọi cha, gọi mẹ cho tới khi cha mẹ phải đến với trẻ. Trong tình huống khó chịu như vậy, cha mẹ nên bình tĩnh. Có nhiều trẻ 11 tháng tuổi thích gây rối, nếu không được như ý muốn sẽ nằm lăn ra đất gào khóc, đạp chân liên tục vì trẻ biết rằng đây là cách để trẻ chiến thắng được cả thế giới.

Lần đầu tiên có thể cha mẹ sẽ nhún nhường trẻ, nhưng chỉ một lần là đủ bởi nếu bạn chịu thua bé những lần tiếp theo, bé sẽ dùng cách này để điều khiển bạn và sẽ thể hiện bất cứ khi nào không vừa lòng.

Thay vì trừng phạt trẻ, cha mẹ nên để trẻ giãy đạp dưới sàn mà không cần để ý tới. Có thể trẻ sẽ đập đầu, giãy đạp mạnh hơn nhưng các bạn không phải giật mình, cứ bình thản vì cuối cùng, không có ai dỗ, trẻ sẽ tự động nín.

Trong nhiều trường hợp cha mẹ nên trả lời “không” với trẻ một cách cương quyết. Có thể trẻ sẽ quay ra nhìn sắc mặt của bạn xem bạn có cấm trẻ thật không. Nếu thấy bạn thực sự không đồng ý, có thể trẻ sẽ mếu một lúc nhưng cuối cùng cũng quay đi tìm đồ khác để chơi. Làm được như vậy, dần dần trẻ sẽ biết được điều gì nên, điều gì là không nên.Có một số trẻ ý thức rõ những đồ vật nào bị cấm không được chơi nhưng một số khác vẫn tiếp tục quyết tâm chơi những đồ vật vốn có thể gây nguy hiểm như bàn là, ổ cắm điện. Trong những trường hợp này, cha mẹ phải từ chối dứt khoát, không thể nhân nhượng mà chiều theo trẻ.

Chìa khóa quan trọng để trẻ sẵn sàng có kỷ luật đó là không nên quá nghiêm khắc trong việc dạy trẻ và không nên bắt trẻ thực hiện những kỹ năng sớm hơn quá trình phát triển tự nhiên. Cha mẹ nên chờ đợi, tạo cơ hội cho trẻ được tự do phát triển, học hỏi và lưu ý một số trường hợp đặc biệt có thể gây nguy hiểm cho trẻ, hoặc trong trường hợp liên quan tới niềm vui của các thành viên khác trong gia đình. Chỉ cần như vậy, trẻ sẽ rất hợp tác với cha mẹ.

Tiến sĩ Mary D. Ainsworth còn phát hiện ra những phẩm chất tốt của người mẹ như nhạy cảm với con, thừa nhận và hợp tác với con sẽ có tác dụng khiến trẻ nghe lời mẹ hơn. Bà đã chỉ ra cụ thể như sau:

Người mẹ nhạy cảm: Có thể hiểu được trẻ một cách tinh tế, đúng mực và có sự tương tác trước những phản ứng và sự cố gắng trong việc giao tiếp của trẻ. Thêm vào đó, người mẹ nhạy cảm còn nhìn thấy những điều khác từ các kỹ năng của trẻ, trái ngược hoàn toàn với những người mẹ cứng nhắc luôn bắt trẻ làm theo ý mình và thích xen vào thế giới riêng của trẻ mà không để ý đến nhu cầu của trẻ.

Người mẹ thừa nhận con: Chấp nhận mọi hành vi của trẻ mặc dù một số hành vi bị coi là không thể chấp nhận được ở những người mẹ khác. Người mẹ nào cũng yêu quý con, nhưng có một số người mẹ rất dễ cáu giận, khi trẻ làm điều gì không vừa ý thì thường la mắng quát tháo trẻ ngay lập tức. Những người mẹ thừa nhận con thì khác, họ sẵn sàng chấp nhận thực tế phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng con mà không được giận dữ, phải bỏ một số hoạt động, sở thích cá nhân vì con.

Người mẹ hợp tác với con: Tránh việc áp đặt mong muốn của bản thân vào con, hạn chế tối đa việc sắp xếp không gian cũng như lịch trình sinh hoạt để kiểm soát con. Nếu cần trẻ thực hiện theo mong muốn của mình, những người mẹ hợp tác với con sẽ tỏ thái độ hòa nhã, dịu dàng để trẻ chấp nhận mong muốn đó một cách dễ dàng hơn. Điều này khác hoàn toàn với bà mẹ thích xen vào thế giới riêng của con. Chính vì không hiểu được rằng trẻ cũng là một con người có nhu cầu và hoạt động cá nhân nên những bà mẹ này luôn dùng quyền làm mẹ để ép con vào trong khuôn khổ mà mình đặt ra mà không để ý tới nhu cầu, tình cảm và các hoạt động để con được tiến bộ.

Vậy bạn là người mẹ như thế nào?

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 11

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Tự đứng bằng cách duỗi thẳng chân, chống tay nâng người lên hoặc tìm điểm tựa và cúi người được;

• Đang ngồi xổm có thể đứng lên được và biết bò lên cầu thang;

• Nếu được dắt một hoặc hai tay sẽ đi được.

Dáng ngồi

• Biết ngồi xổm và cúi người xuống.

Các phần cơ nhỏ

• Cầm được bút chì tô tô, vẽ vẽ;

• Có thể cho thìa vào miệng được;

• Dùng tay làm được lần lượt nhiều việc, có thể làm nhiều việc cùng lúc như ngồi xổm, một tay cầm đồ chơi rồi chuyển sang tay kia;

• Có thể kéo được tất ở chân ra, cởi được dây giày ra.

Phát triển về ngôn ngữ

• Vẫn chưa nói được thành từ nhưng có thể phát âm được 2 - 3 từ có nghĩa;

• Bắt chước cách phát âm, ngữ điệu, cách nói của người khác; bắt chước việc bày tỏ thái độ tốt hơn việc phát âm; ngoài các từ “mẹ”, “ma”, còn nói được một số từ khác;

• Bắt đầu hiểu rằng mỗi từ có ý nghĩa khác nhau;

• Biết rằng mỗi từ chỉ đặc điểm của đồ vật, ví dụ: Nếu bạn nói “máy bay” thì trẻ sẽ chỉ lên trời.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Chỉ đồ vật qua tấm kính trắng;

• Cố gắng nhặt đồ vật từ bên cạnh gương;

• Kiểm tra mối quan hệ giữa các đồ vật bên trong và vỏ hộp, cho tay vào hộp rồi nhặt đồ vật ra;

• Biết mở nắp lọ hay nắp hộp;

• Cho những đồ vật nhỏ như kẹp quần áo, quân cờ… vào bát rồi lại lấy được ra ngoài;

• Biết bắt chước nhiều hơn;

• Biết rằng nếu làm việc này thì điều gì sẽ xảy ra;

• Biết so sánh một hoạt động bằng cách cho nó diễn ra ở bên trái hoặc bên phải; hai tay có thể làm hai việc khác nhau;

• Biết đến mối quan hệ liên quan, ví dụ như mèo con phải kêu meo meo, khi nhìn thấy chim thì sẽ chỉ lên trời;

• Quan tâm đến các hình ảnh trong sách vở.

Phát triển về mặt xã hội

• Nhìn bóng của đồ vật trong gương;

• Thích ngồi chơi giữa nhóm các anh chị;

• Bám mẹ, chứng tỏ nhu cầu cần được mẹ thừa nhận, cố gắng để mẹ chú ý bằng cách kêu gọi hoặc phản đối;

• Biết nghe lời, biết kiềm chế thái độ của bản thân;

• Cố gắng để người khác thừa nhận bằng cách tránh làm những việc mà người khác không đồng tình;

• Nhiều khi bất hợp tác, phản đối cách dạy có ý ép buộc;

• Không cho ai lấy đồ chơi của mình;

• Ý thức được sự sở hữu, không thích để người khác di chuyển đồ của mình;

• Biết được ý nghĩa của từ “không”, đã biết hối hận khi làm sai;

• Thử trêu mẹ và thử nghiệm lời cấm đoán của mẹ;

• Bắt chước cách di chuyển của người lớn và những trẻ khác;

• Thử chơi và so sánh với trẻ khác.

THÁNG THỨ 12

BƯỚC RA THẾ GIỚI RỘNG LỚN

Đến tháng này nhiều trẻ đã bắt đầu biết đi. Việc biết đi giúp trẻ khám phá thế giới rộng lớn hơn, điều này đồng nghĩa với việc người mẹ phải luôn chú ý tới sự an toàn cho trẻ. Biết đi là một thành công đáng tự hào nhất của trẻ kể từ khi ra đời, song sự tự do này sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi người lạ mặt và sự xa cách với mẹ nhiều hơn.

Chăm chú bước đi

Khi đủ 1 tuổi, nhiều trẻ đã biết đi. Việc biết đi mang lại nhiều kết quả hơn cả mong đợi. Bé con muốn đi cùng với ai cũng được, đi đâu tùy thích, được khám phá mọi đồ vật ở bất kỳ ngóc ngách nào bằng cách thức hiệu quả và nhanh hơn việc bò rất nhiều, hơn nữa còn được tự do, thoát ra khỏi tầm kiểm soát của người lớn.

Mặc dù rất bằng lòng với sự tự do này nhưng trẻ vẫn cảm thấy sợ hãi. Trẻ sẽ sợ khi phải xa mẹ hoặc khi gặp người lạ nhiều hơn.

Việc biết đi của trẻ là một điều đáng tự hào nhất kể từ khi mở mắt chào đời cho đến tháng thứ 12 này. Nhưng khi bước những bước đi đầu tiên trẻ thường dễ gặp tai nạn nếu không có sự giúp đỡ của người khác. Chính vì vậy, cha mẹ phải giữ tay trẻ cho tới khi trẻ đủ tự tin bước đi thì mới thả tay ra. Lúc này, trẻ có thể tự bước đi được nhưng chỉ được vài bước lại ngã bởi trẻ sợ mẹ sẽ bỏ đi chỗ khác.

Không lâu sau, trẻ đã biết áp dụng những kinh nghiệm trong việc giữ thăng bằng đã được tích lũy khi được 6 tháng bằng cách quay trái, quay phải, vung tay để tập ngồi. Trẻ sẽ dang tay rồi quay cánh tay thành vòng tròn như để tạo lực đẩy, dùng sức lực của toàn bộ hệ vận động để đứng lên rồi bắt đầu bước từng bước một theo chân mẹ. Mắt trẻ sẽ tập trung nhìn về đích phía trước, nhíu mày như đang rất tập trung, bước đi lắc lư, các ngón chân bám chặt xuống mặt sàn, hét lên vui sướng rồi ngã sấp xuống khi chuẩn bị vung tay ra.

Trong vòng 1 tuần đầu tiên, trẻ sẽ dang tay đi khám phá khắp nhà. Chú hề tý hon của cha mẹ sẽ giơ tay lên cao, chân căng ra, bước đi loạng choạng như ông thủy thủ già có đôi chân vòng kiềng, bước đi liêu xiêu khắp nhà, thỉnh thoảng lại vấp vào miếng giẻ lau hay vấp nền nhà… Trẻ sẽ thấy thú vị với việc ngã rồi sau đó lại đứng dậy đi tiếp. Nếu không bị vấp nữa, trẻ sẽ tiếp tục bước đi một cách thích thú.

Trẻ sẽ biết cách đi chậm lại. Không lâu sau, trẻ sẽ quay được người theo các góc, các hướng và đặc biệt hơn là trẻ đã biết cách dừng lại. Việc đang đi rồi dừng lại có thể coi là một thành công đáng tự hào của trẻ. Trước đó trẻ chỉ có thể dừng lại khi bị ngã xuống hoặc ôm chân hay tay của người đi ngang qua. Lúc này, trẻ đã tự dừng lại được theo ý muốn nên rất hăng say thực hành bài tập này.

Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, trẻ sẽ thay đổi từ một người nhút nhát, muốn làm việc gì đó nhưng lại không dám thành một người bạo dạn, không chần chừ trước mọi việc. Những lời khen ngợi và động viên của cha mẹ giúp trẻ tự tin bước tiếp và bước được xa hơn. Khi không có bàn tay của mẹ dìu dắt, trẻ sẽ bước đi liêu xiêu, đôi lúc bị ngã, mông đập xuống sàn, phải dừng lại nhưng trẻ sẽ đứng lên, bắt đầu lại và lặp đi lặp lại như vậy trong cả ngày. Cha mẹ rất ngạc nhiên trước sự cố gắng và dành tất cả thời gian vào việc tập đi của trẻ. Sự vui sướng và thành công sẽ hiện lên trong ánh mắt và khuôn mặt trẻ. Trẻ sẽ dốc toàn bộ sức lực vào việc tập luyện để đến một ngày có thể leo lên đi trên chiếc bàn giữa nhà mà trước đây vì sợ hãi nên chỉ bò chơi bên dưới mà thôi.

Trẻ sẽ tự hào trước thành công này trong một thời gian dài. Nếu gặp người lạ mặt hoặc ở một địa điểm lạ trẻ sẽ không chịu đi. Vì vậy, cha mẹ cũng nên chuẩn bị trước tình huống này. Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng bò là cách mà một trẻ mới biết đi vẫn sử dụng mỗi khi muốn di chuyển nhanh hoặc ở những địa điểm lạ.

Giúp trẻ tự tin bước đi

Để giúp trẻ tự tin bước đi, cha mẹ hãy khen ngợi và động viên trẻ. Đối với những trẻ mà chân còn yếu, cha mẹ có thể cho trẻ ngồi vào những chiếc xe ô tô dành cho trẻ em để trẻ có cơ hội dùng chân đạp. Đầu tiên có thể trẻ sẽ dùng cả hai chân để đạp cho xe di chuyển, nhưng sau đó dần dần trẻ sẽ lần lượt đạp từng chân để xe chạy. Sự luyện tập của chân như thế này sẽ giúp cho trẻ tập đi dễ dàng hơn. Sau khi đã tự tin bước đi, tiếp theo trẻ sẽ biết cách kết hợp nhiều động tác cùng lúc trong khi bước đi như vẫy tay chào tạm biệt, cầm đồ chơi…

Trẻ dùng tay thành thạo hơn

Đến thời điểm này trẻ đã làm được nhiều việc hơn. Một trong những lý do là xương cổ tay và xương các ngón tay của trẻ đã cứng hơn. Trẻ có rất nhiều việc cần dùng đôi bàn tay. Khi mới được 6 tháng, mắt và tay của trẻ bắt đầu liên kết được với nhau, trẻ chỉ cần liếc qua là đã cầm được đồ vật lên, còn ở độ tuổi này, trẻ có thể cầm được đồ vật lên trong khi mắt nhìn sang hướng khác.

Trước đây khi nhìn thấy cái gì nếu muốn cầm lên trẻ phải dùng cả bàn tay để nắm lại, nhưng đến tháng này trẻ có thể cầm những vật nhỏ chỉ bằng bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ. Ngoài ra, trẻ còn biết về hạn chế trong việc sử dụng cơ cánh tay và bàn tay. Nếu lúc 6 tháng tuổi, trẻ phải dùng cả hai tay thì lúc này bé chỉ cần dùng một tay.

Phần lớn trẻ ở độ tuổi này sẽ dùng tay phải để làm cái này cái kia và dùng tay trái để cầm đồ hay đặt đồ xuống. Khi được khoảng 4,5 tháng, trẻ sẽ dùng cả hai tay như nhau, nhưng đến tháng này, khoảng 70% trẻ em sẽ nhận đồ từ người khác bằng tay phải. Lúc ăn, nhặt đồ hoặc khi mút tay trẻ cũng cho ngón tay bên phải vào miệng.

Một số trẻ 12 tháng tuổi có thể cầm được vài thứ đồ trên tay cùng một lúc, khi cha mẹ đưa cho món đồ thứ ba trẻ đã biết ôm hai đồ chơi đầu tiên vào ngực để tay còn lại lấy đồ chơi khác. Nếu biết mở rộng cánh tay để ôm đồ ra nữa, trẻ sẽ giữ được thêm đồ chơi. Trẻ khác biệt với các loài động vật khác ở chỗ biết dùng tay cầm, nắm ôm đồ và làm nó di chuyển được. Tới thời điểm này trẻ đã thay đổi không gian cũ thành một thế giới mới mà ở đó trẻ có thể đi đến lấy những vật trẻ thích.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx