sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 28 (Kết)

THÁNG THỨ 61 - 72 (5 - 6 TUỔI)

Quá trình chuyển đổi cuối cùng

David Melton, một nhà tâm lý học cho rằng: “Trong thời gian 5 năm đầu đời, cha mẹ phải dành nhiều thời gian để hướng dẫn và dạy dỗ trẻ trước khi tham gia các hoạt động ở thế giới bên ngoài. Việc quan tâm chăm sóc một cách chu đáo cho trẻ trong khoảng thời gian ngắn ngủi này sẽ giúp trẻ trở thành một người nhạy cảm, tò mò, thích khám phá, nhiệt tình học hỏi. Hơn thế nữa, trẻ sẽ là một người biết yêu thương, quan tâm tới người khác, thông minh, sáng tạo và khôn lớn, trưởng thành”.

Phát triển về thể chất

• Lớn lên

Sự phát triển của các bộ phận trên cơ thể vẫn chưa cân đối với nhau, phần chân sẽ dài nhanh hơn những bộ phận khác, phổi có tỷ lệ nhỏ hơn các cơ quan khác và trái tim sẽ phát triển rất nhanh. Các phần cơ lớn sẽ phát triển mạnh hơn so với những phần cơ nhỏ. Vì vậy, trẻ 5 tuổi vẫn chưa sẵn sàng để viết chữ.

Trẻ 5 tuổi sẽ liên tục vận động, nói to, nhưng nhìn chung vẫn dễ dạy bảo hơn lúc 4 tuổi. Trẻ sẽ chạy nhanh hơn, leo trèo được cao hơn, cảm thấy tự do hơn, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và thích thú với cuộc sống. Trẻ đã hiểu về nhịp điệu khi nhảy múa, thích nhào lộn… Chúng ta có thể nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của trẻ qua những hoạt động hàng ngày.

Trẻ tuổi này đã biết đi xe đạp ba bánh, nhưng nhiều trẻ cũng đã sẵn sàng để học cách đi xe đạp hai bánh. Trước khi tròn 6 tuổi, trẻ có thể đi được xe đạp hai bánh, trẻ sẽ biết ngồi lên xe, giữ thăng bằng và dừng xe lại. Cả bé trai và gái đều thích chơi nhào lộn, nhảy nhót, trồng cây chuối, nhảy cao được khoảng 60 - 90 centimét, leo lên cầu trượt rồi trượt xuống bằng cách dốc đầu xuống trước, treo người trên không…

Trẻ 5 tuổi học được cách nắm, ném, và đá đủ để có thể chơi nhiều loại bóng với các bạn cùng lứa tuổi. Các em rất thành thạo với việc chạy đuổi theo trái bóng tại những khoảng sân rộng.

• Biết vẽ tranh theo mẫu

Trẻ 5 tuổi có thể cầm được bút chì giống như người lớn, có thể vẽ hình theo mẫu như vẽ các hình tròn, hình chữ thập, hình vuông. Khi trẻ được khoảng 5,5 tuổi sẽ vẽ được hình tam giác nhưng trẻ vẫn chưa thể vẽ được hình thoi. Trẻ tuổi này có thể vẽ được hình người gồm các bộ phận như đầu, thân, chân, tay và khuôn mặt. Trẻ cũng có thể vẽ ngôi nhà có một cửa ra vào, nhiều cửa sổ và có thể có một cái cây trong bức tranh đó nữa. Trẻ có thể nói trước với người lớn rằng trẻ sẽ vẽ tranh gì trước khi đặt bút như “Con sẽ vẽ khu vườn”.

Trẻ 5 tuổi có thể viết được tên của mình và viết được một số chữ cái. Các bé có thể sâu được kim có lỗ lớn và biết khâu vá nữa.

Phát triển về ngôn ngữ

Trẻ 5 tuổi đã nói sõi và hiểu chuyện hơn. Trẻ đã biết dùng đại từ nhân xưng và sử dụng vị ngữ đúng cú pháp, có thể đặt câu đúng ngữ pháp, nói chuyện được trong một thời gian khá dài, là chuyên gia kể chuyện, thích kể những chuyện trong gia đình cho cô giáo nghe và kể chuyện ở trường học cho cha mẹ nghe.

Mặc dù trẻ sẽ đồng ý để người khác đọc sách cho nghe, nhưng trẻ vẫn thích tách ra ngồi riêng để xem sách một mình hoặc “đọc” theo cách riêng của mình. Trẻ sẽ chọn từ hoặc câu mà mình biết, có thể nhớ được nội dung ở từng trang sách, đôi khi còn nhớ được cả một cuốn sách. Trẻ thích những truyện hài hước, đặc biệt là những câu chuyện kể về những con vật có khả năng làm được những việc giống con người.

Trẻ có cách ghi nhớ giống như con vẹt, con khướu; thích hát những bài hát có giai điệu và phần lời vần với nhau, hoặc những từ lặp đi lặp lại; thích xem quảng cáo trên tivi, chương trình thiếu nhi và thích hát những bài hát học được ở trường. Đôi khi trẻ tự hát, nhưng nhiều lúc cần phải khuyến khích.

Trẻ 5 tuổi đã giải thích được ý nghĩa của các danh từ từ những hoạt động hàng ngày mà trẻ được tiếp xúc trực tiếp như sữa dùng để uống, xe tải dùng để chở đồ, táo để ăn, trái bóng dùng để ném… Các bé sẽ thắc mắc về ý nghĩa của các từ mới, đặc biệt là các danh từ trừu tượng mà mình chưa biết. Trẻ thích đặt các câu hỏi để thu thập thông tin nhưng không nhiều như khi 4 tuổi, những câu hỏi của trẻ đã rõ mục đích hơn, ví dụ: “Cái này dùng để làm gì ạ?”, “Cái này sử dụng như thế nào ạ?”, “Cái này có nghĩa là gì ạ?”.

Phát triển về trí tuệ

Trẻ 5 tuổi bắt đầu học cách kết nối những điều mà trẻ biết với thực tế đang diễn ra tại thời điểm hiện tại cho phù hợp với những trải nghiệm của bản thân. Trẻ bắt đầu biết chờ đợi “ngày mai”, trẻ cũng đã hiểu từ “nguyên nhân” và “kết quả” một cách đơn giản hơn và không bị nhầm lẫn với nhau nữa. Trẻ đang ở độ tuổi nhớ được nhiều hơn. Trẻ ở độ tuổi này vẫn cần có thêm rất rất nhiều cơ hội để học cách sử dụng cả 5 giác quan trong việc điều khiển ý nghĩ và mục tiêu từ những kinh nghiệm cụ thể. Bởi trẻ 5 tuổi chưa thể xử lý được những ý nghĩ mang tính trừu tượng, vẫn phải nhờ đến các thầy cô ở trường mẫu giáo cung cấp thêm những đồ vật và những trò chơi mà trẻ chưa có cơ hội được thực hiện ở nhà.

Phát triển về tâm sinh lý

Phần lớn trẻ 5 tuổi đã có tâm lý vững vàng và có những biểu hiện thông minh hơn, tự tin vào bản thân hơn… Ngoài ra trẻ độ tuổi này thường bắt chước các hành vi của mọi người. Các bé sẽ khóc ít hơn trẻ 4 tuổi, nhưng vẫn gào khóc khi bực bội hoặc bị làm trái ý.

• Lớn rồi vẫn mút tay

Phần lớn trẻ sẽ bỏ thói quen mút ngón tay cái khi được 5 - 6 tuổi. Việc cho trẻ vẫn còn mút tay đi gặp gỡ giao lưu với những trẻ cùng lứa tuổi hoặc những trẻ lớn hơn là điểm khởi đầu giúp các bé giảm bớt những hành vi như thế này. Bởi những trẻ lớn tuổi hơn thường tỏ thái độ không thích hoặc không chấp nhận một bạn chơi mà vẫn còn mút ngón tay. Trẻ lớn hơn sẽ nghĩ rằng nên dùng những ngón tay để chơi trò chơi, leo trèo, nghịch ngợm trong vườn trẻ và chơi bóng sẽ vui hơn với việc lấy ngón tay ra mút.

Trong trường hợp trẻ 5 tuổi vẫn còn mút ngón tay, cha mẹ cũng không nên quan trọng hóa việc mút ngón tay của trẻ, bởi đây là đặc điểm bình thường của trẻ độ tuổi này. Song, nếu trẻ mút tay liên tục, đó sẽ là dấu hiệu cho cha mẹ biết đã có điều bất thường, có thể trẻ cần đến sự giúp đỡ, hoặc là trẻ không thể tìm ra cho mình một việc hoặc trò chơi nào thú vị để chơi. Một số trẻ mút ngón tay theo từng giai đoạn, đang mút tay trẻ có thể dừng một thời gian để rồi lại tiếp tục mút. Do đó, cha mẹ phải tìm hiểu xem có điều gì làm cho trẻ phải bận tâm hay không và quan trọng là cha mẹ không được mắng trẻ, càu nhàu, cáu gắt cả ngày hoặc phạt trẻ vì trẻ mút ngón tay rất say sưa.

• Sợ cái chết

Không ít trẻ 5 tuổi biết sợ cái chết. Đây là một việc quan trọng, cha mẹ phải thừa nhận sự thật là cái chết là điều tất yếu sẽ xảy đến với tất cả mỗi con người, nhưng không nên làm cho trẻ sợ cái chết tới mức ám ảnh. Nhiều bậc cha mẹ cố gắng tránh nói đến sự thật mà bản thân thấy không thoải mái trong đó có cả cái chết.

Khi trẻ bị mất đi cha hoặc mẹ, anh, chị, em, một người thân nào đó, bạn bè hay những con vật nuôi như chó hay mèo, cha mẹ nên giúp trẻ vượt qua nỗi đau mất mát đó. Có thể sẽ phải mất một khoảng thời gian để trẻ bày tỏ tâm trạng đau đớn trước mất mát ngay lúc đó. Các chuyên gia về trẻ em đưa ra ý kiến rằng trẻ nên được biết về cái chết trước khi trẻ được chứng kiến cái chết trong cuộc sống và quá trình nhận biết về cái chết của trẻ phải diễn ra từ từ.

Những kinh nghiệm đầu tiên về cái chết mà trẻ gặp có thể là cái chết của những con vật nuôi trong nhà như chó hoặc mèo, hoặc có thể sẽ nhìn thấy xác của những con vật trên đường phố, ven đường hoặc ở nơi khác. Tâm trạng đau đớn của trẻ sẽ giảm đi rất nhiều nếu cha mẹ giúp trẻ bằng cách tỏ thái độ cảm thông, thực sự hiểu trẻ.

Phát triển về các trò chơi

• Thích xây dựng và sáng tạo những cái mới mẻ. Trẻ 5 tuổi là nhà trò chơi học, thích xây dựng và sáng tạo đồ vật, thêm vào đó trẻ cũng có sức khỏe dồi dào. Trẻ thích chơi xếp hình, vẽ những bức tranh đơn giản. Sản phẩm từ đất sét hoặc đất nặn của các bé trông rất đẹp mắt. Cả bé trai và bé gái 5 tuổi đều có thể chơi một trò chơi yêu thích từ ngày này sang ngày khác.

• Khi trẻ định vẽ tranh hoặc tô màu, trong ý nghĩ của trẻ đã có sự chuẩn bị trước rằng sẽ vẽ những gì vào giấy trước.

Trẻ tuổi này thích cắt giấy và dùng keo dán lại, thích vẽ tranh, vẽ hình, xâu hạt cườm, tạo ra những đồ vật khác nhau từ những mảnh giấy vụn hay vải vụn và thích các hoạt động do nhà trường tổ chức.

• Xếp hình thành những hình thù khác nhau là trò chơi được cả bé trai và bé gái đều thích. Các bé gái sẽ xếp thành những ngôi nhà cho búp bê, các bé trai sẽ xếp thành máy bay, nhà để xe, đường phố, cầu, cống, hầm đường…

• Chơi trò chơi tìm cặp đôi một cách chính xác, dùng thời gian ngắn hơn. Trẻ có thể ghép những bức tranh có khoảng 26 miếng ghép một cách dễ dàng.

• Thích sự thử nghiệm. Trẻ 5 tuổi cả trai và gái đều thích sử dụng những đồ dùng thí nghiệm để thử nghiệm những điều đơn giản như kính lúp, nam châm, ánh sáng đèn và kính hiển vi…

• Sẵn sàng chơi trò giả tưởng bất kỳ lúc nào. Trẻ 5 tuổi sẵn sàng chơi trò giả tưởng mọi lúc, chỉ cần có sự kích thích từ môi trường sống là nhà cửa, con người và cộng đồng dân cư đông đúc.

Việc chơi trò giả tưởng của trẻ 5 tuổi phản ánh sự việc đang diễn ra tại gia đình, chợ, cánh đồng, nhà máy, phản ánh nhận thức về những điều kỳ thú của tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, sao, mây hoặc gió. Khi trẻ có những suy nghĩ bất chợt, trẻ sẽ cố gắng diễn đạt cho mọi người hiểu. Những chuyện về cái chết, sự giết chóc, sự đau ốm, tai nạn mà trẻ hình dung ra thường xuất phát từ thực tế, không nhất thiết phải là sự tưởng tượng. Trẻ 5 tuổi lúc nào cũng hết sức thích thú với những tưởng tượng của bản thân.

• Thích chơi búp bê và sẽ chơi liên tục. Cả bé trai và bé gái đều thích chơi những ngôi nhà của búp bê với quần áo, thức ăn và giường ngủ… Việc đóng giả làm bác sĩ hay y tá sẽ giảm hơn so với một năm trước.

• Thích nghĩ ra những điệu nhảy mới. Cả bé trai và bé gái đều thích nghĩ ra những điệu nhảy khác nhau khi nghe nhạc và cùng tham gia các trò chơi theo nhịp hoặc điệu nhạc một cách vui vẻ, thích thú. Trẻ thích ghép lại thành ban nhạc, đóng kịch và thường đóng vai mà bản thân đã từng được nghe kể một cách rất tự nhiên và sống động.

Phần lớn, trẻ em cần có người lớn ở bên cạnh trông chừng. Trong khi trẻ đang chơi, nếu xảy ra vấn đề như một bé nào đó bị đối xử không đúng hoặc các bé cãi vã, đánh nhau, người lớn nên can thiệp ngay.

Tế bào gương và các trò chơi tự do của trẻ

Trong não của chúng ta đều có những tế bào gương (Mirror Neuton), là những tế bào nằm ở phía dưới thùy trước của não (Inferior Frontal Cortex) có nhiệm vụ tổ chức các cử động cơ thể trong việc thực hiện hoạt động. Ngoài ra tế bào này còn có nhiệm vụ tìm hiểu các hành vi thông qua 5 giác quan. Chính việc hiểu này sẽ quy định các hành vi của chúng ta để phản ứng lại một cách phù hợp, và đây cũng là nguồn gốc của việc hiểu được ý định ẩn bên trong các hành vi, là nguồn gốc của việc tạo dựng các mối quan hệ xã hội và những bí mật khiến con người có những đặc điểm, tính cách giống hoặc phù hợp với người khác trong xã hội vốn được quy định bởi con người và môi trường sống.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Ngoài ra tế bào này còn đóng vai trò quan trọng trong việc học ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết và học tập những kỹ năng khác nhau từ cách nấu nướng, các hoạt động thường ngày, đạo đức, lối sống và cả sự am hiểu về ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật và văn hóa của con người.

Do đó, khi trẻ có cơ hội được tự do vui chơi một cách thoải mái, kết quả nhận được chính là việc trẻ được thể hiện hết mình mà không phải giấu giếm điều gì. Đồng thời tế bào gương còn thực hiện nhiệm vụ đọc những ý định ẩn giấu bên trong các hành động của các bạn mà mình chơi cùng, giúp hiểu được người khác (empathy) và điều này sẽ rất có lợi cho trẻ để:

• Dùng làm công cụ để thay đổi bản thân sao cho phù hợp với người khác.

• Hiểu được ý định của người khác.

• Tác động đến những hành vi của trẻ.

Khi trẻ đã phát triển tới tuổi này, mặc dù đã hiểu biết nhiều hơn, nhưng trẻ vẫn cần tình thương yêu, sự quan tâm, chăm sóc và sự động viên từ cả cha và mẹ để chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới một cách tự tin, vững vàng để trở thành một con người toàn diện.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 5 - 6 TUỔI

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Đi theo đường thẳng và không bị lệch được khoảng 3 mét;

• Đứng và chạy bằng đầu ngón chân được nhiều phút;

• Bật nhảy cao bằng hai chân, nhảy lò cò và bật nhảy được một đoạn xa;

• Trèo leo, trượt, xoay người một cách thành thạo, trẻ có thể điều khiển được các cử động của bản thân một cách dễ dàng;

• Biết ném, đá và bắt bóng;

• Đi được xe ba bánh và sẵn sàng học tập cách đi xe hai bánh (thường thì trẻ 6 tuổi có thể đạp xe hai bánh một cách thành thạo);

• Khi xuống cầu thang đã có thể bước liên tục.

Các phần cơ nhỏ

• Điều khiển được bàn tay và các ngón tay, cầm bút chì, bút lông, màu sáp một cách chuẩn xác;

• Mới chỉ biết phân biệt tay trái và tay phải của bản thân;

• Vẽ người bao gồm các bộ phận như chân, tay, đầu, thân;

• Vẽ tranh ngôi nhà với cửa ra vào, cửa sổ, mái nhà; trẻ còn biết nói trước rằng trẻ sẽ vẽ cái gì;

• Vẽ được các hình tròn, hình chữ thập, hình vuông, (Khoảng từ 5,5 tuổi sẽ vẽ được thành thạo);

• Có thể đã biết tô, viết một vài chữ cái;

• Có thể xâu được những chiếc kim với lỗ lớn;

• Khâu được sợi len vào một tấm nhựa được đục sẵn các lỗ.

Phát triển về ngôn ngữ

• Nói thành thạo và đúng ngữ pháp, nhưng vẫn còn một số phụ âm chưa phân biệt được rõ ràng như s, v, ph;

• Giải thích được nghĩa của các danh từ;

• Quan tâm đến những từ mới, cố gắng tìm ý nghĩa của từ;

• Thích đọc, ghi nhớ những truyện yêu thích và thường vừa minh họa, vừa kể chuyện khi ở với bạn hoặc một mình;

• Thích học thuộc hoặc hát những bài hát có lời vần với nhau;

• Nhớ tên họ, địa chỉ nhà; một số trẻ còn có thể nhớ được ngày, tháng, năm sinh của mình.

Phát triển về mặt xã hội

• Thích làm cho cha mẹ và những người lớn trong nhà hài lòng;

• Thân thiết với cha và nghe lời cha hơn mẹ;

• Chơi với bạn;

• Biết như thế nào là trưởng nhóm, biết cách nêu ý kiến, nhường nhau đồ chơi, biết đến tình bạn và biết chơi một cách công bằng;

• Biết cho, nhận và chia sẻ;

• Biết thể hiện, quan tâm và kết bạn;

• Thích những câu chuyện vui vẻ, hài hước.

Phát triển về trí tuệ

• Thích tìm tòi và khám phá;

• Đếm các ngón tay liên tiếp từ tay này sang tay kia và nói được số lượng ngón tay, biết xếp các đồ vật thành đôi;

• Hiểu kích thước và những từ chỉ số lượng, ví dụ như một nửa - tất cả, lớn - bé, nhiều hơn - ít hơn, cao nhất - thấp nhất;

• Biết phân biệt các đồ vật theo kích cỡ, màu sắc, hình dáng và những gì phù hợp với nhau;

• Thích chơi các trò chơi ghép tranh, Domino;

• Bày tỏ sự quan tâm đến nghề nghiệp như có thể nói: “Con muốn làm bác sĩ”.

Phát triển về tâm sinh lý

• Biết sợ độ cao, sợ chó, sợ chết;

• Giải thích về sự sợ hãi và những lo lắng tốt hơn;

• Thích được tự do, muốn được mọi người đối xử như người lớn;

• Thể hiện sự quyết tâm và tự tin vào bản thân hơn và muốn được tự quyết định;

• Chấp nhận sự trừng phạt công bằng;

• Vẫn có những biểu hiện thích có được đồ đạc của người khác, đôi khi trẻ sẽ giấu hoặc làm hỏng đồ đạc của người khác;

• Khi căng thẳng thích kéo mũi, cắn móng tay, bịt mũi, chớp mắt liên tục, lắc đầu, ậm ừ trong cổ họng,…;

• Mút ngón tay trước khi đi ngủ hoặc khi cảm thấy mệt mỏi;

• Quan tâm đến những việc liên quan đến: sự sinh ra, đám cưới, cái chết…

Phát triển về vận động

• Biết tưởng tượng và tư duy phức tạp hơn;

• Nghĩ trước được rằng khi chơi ghép hình mình sẽ ghép thành hình gì;

• Có thể chơi một mình hoặc chơi với nhóm 1 - 3 bạn;

• Chơi trò chơi ghép tranh có khoảng 26 miếng một cách thành công;

• Bắt đầu quan tâm đến những sự việc xảy ra tại thời điểm hiện tại hơn là những truyện cổ tích dành cho trẻ nhỏ hoặc những câu chuyện mà trước đây trẻ từng thích;

• Suy nghĩ lựa chọn những đồ vật khác nhau để sáng tạo hay lắp ghép thành những hình thù hoặc đồ vật khác nhau.

Phát triển riêng theo lứa tuổi

• Thường bị đau bụng trong thời gian ở trường bởi phải thích nghi hoặc ăn những món ăn bản thân không thích;

• Tự tắm tốt hơn trước, tự đi vệ sinh;

• Quan tâm đến việc vệ sinh mặt, cổ, tóc hơn các bộ phận khác…;

• Biết nói “thích” hay “không thích” ăn cái gì;

• Tự ăn dễ dàng và không hay làm rơi vãi như trước;

• Dùng thìa, dĩa thành thạo;

• Tự mặc quần áo như biết cài những khuy áo lớn;

• Chưa thể buộc dây giày và thắt nơ được;

• Vẫn còn gặp vấn đề với việc cài khuy áo nhỏ;

• Thích làm vệ sinh cá nhân hàng ngày một mình;

• Thường gặp ác mộng và sợ ban đêm.

HẾT

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên

Du Ca – Nhocmuavn

(Duyệt – Đăng)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx