sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sông Đông êm đềm - Chương 149-150

Chương 149

Petro vừa quét dọn chuồng bò xong. Hắn phủi những sợi rơm vụn bám trên đôi găng không có ngón, vừa bước vào trong nhà thì có tiếng then cửa lách cách ở phòng ngoài.

Mụ Lukinhitna bước qua ngưỡng cửa, đầu trùm một chiếc khăn dạ đen. Mụ bước những bước rất ngắn, vào nhà mà không chào hỏi gì cả, cứ lon ton đi tới chỗ Natalia đang đứng bên chiếc ghế dài trong bếp và quì sụp xuống trước mặt nàng.

- Mẹ? Mẹ yêu của con! Mẹ làm sao thế? - Natalia cố nâng cáỉ thân hình nặng thêm ra của mẹ, kêu lên, giọng lạc hẳn đi.

Mụ Lukinhitna không trả lời mà chỉ đập đầu bình bịch xuống nền đất và gào lên khóc chồng chết bằng một giọng khàn khàn hết sức đau khổ:

- Ới ông ơi là ông ơ-ơ-ơi! Ông bỏ mẹ con tôi ở lại sống với ai thế nầy… ông ơi là ông ơ-ơ-ơi!

Những người đàn bà đồng thanh gào lên, hai đứa trẻ cũng khóc thét lên, làm Petro phải quờ tay lên cái bếp lò nhỏ, với lấy túi thuốc rồi bỏ chạy ra phòng ngoài. Hắn đã đoán ra đầu đuôi câu chuyện.

Hắn đứng ngoài thềm một lát, hút thuốc, chờ cho những tiếng gào khóc trong nhà lắng đi rồi mới quay vào trong bếp, khắp sống lưng lạnh buốt, rất khó chịu. Mụ Lukinhitna vẫn úp chiếc khăn ướt đến vắt được ra nước lên mặt, kể lể:

- Chúng nó đã bắn chết mất ông Miron Grigorievich nhà tôi rồi! Con đại bàng không còn sống trên đời nầy nữa rồi! Chỉ còn lại mấy mẹ con tôi goá bụa côi cút mà thôi! Bây giờ thì con gà con vịt cũng có thể hà hiếp chúng tôi! - Rồi mụ lại chuyển sang hú lên như chó sói - Cặp mắt yêu dấu của chồng tôi đã nhắm lại rồi? Không bao giờ còn được trông thấy ánh sáng nữa rô-ô-ồi?

Natalia ngất đi. Daria phải lấy nước lạnh vã vào mặt nàng. Bà Lukinhitna đưa tạp dề lên lau nước mắt. Từ nhà trong, chỗ ông Panteley Prokofievich đang ốm nằm đấy, vẳng ra tiếng ho sù sụ và tiếng nghiến răng rên rỉ…

- Bác thông gia ơi, bác hãy vì Chúa cứu thế! Bác hãy vì đấng sáng thế, bác thông gia yêu quí ơi, bác hãy lên Vosenskaia đem hộ chồng tôi về, dù chỉ còn là cái xác! - Mụ Lukinhitna như điên lên, nắm lấy hai tay Petro, áp chặt lên ngực mình. - Bác hãy đem hộ ông ấy về… Chao ôi, lạy Nữ hoàng nhân từ cứu nạn! Chao ôi, tôi không muốn ông nhà tôi bị thối rữa trên ấy, phải chết không được chôn cất tử tế.

- Bà nói gì vậy, bà nói gì vậy, bà thông gia? - Petro lùi ngay lại như tránh một người bị ôn dịch. - Sao lại có thể nghĩ ra được cái chuyện mang ông ấy về. Đối với tôi, cái mạng của tôi còn quí hơn nhiều! Mà tôi tìm được ông ấy ở đâu bây giờ?

- Xin bác đừng từ chối, bác Petro yêu quí? Bác hãy vì Chúa cứu thế!

Petro nhay nhay một món ria và cuối cùng cũng nhận lời. Hắn quyết định lên Vosenskaia tìm một lão Cô-dắc quen biết và nhờ lão giúp mình thử đi tìm xác Miron Grigorievich. Đến đêm thì hắn lên đường.

Trong thôn đã lên đèn, nhà nào cũng bàn tán sôi nổi cái tin: "Chúng nó bắn người Cô-dắc!".

Petro dừng xe bên cạnh toà nhà thờ mới, trước cửa nhà một người đồng đội của bố, nhờ lão giúp mình đi đào xác lão thông gia.

Lão kia vui vẻ nhận lời ngay:

- Nào thì ta đi. Tôi đã biết ở chỗ nào rồi. Mà thông thường chúng nó chôn cũng không sâu đâu. Chỉ có điều là làm thế nào tìm thấy ông ấy bây giờ? Chỗ ấy đâu phải chỉ có một mình ông ấy? Hôm qua đã xử bắn mười hai thằng đao phủ, những đứa hành quyết người mình dưới chính quyền "Kadet" ấy mà. Nhưng phải thoả thuận một điều là công việc xong xuôi bác phải có một chầu rượu ra trò đấy nhé! Được không bác?

Đến nửa đêm, hai người mang hai cái xẻng và một cái đòn khiêng phân ra bên lề trấn, băng qua bãi tha ma, tới khu rừng thông, nơi chấp hành các án tử hình. Tuyết rơi lất phất. Những cành liễu đỏ lồm xồm sương muối lạo xạo dưới chân. Petro lắng nghe từng tiếng động và cứ rủa thầm chuyến đi nầy của mình, hắn rủa mụ Lukinhitna, rủa cả lão thông gia vừa về với ông bà ông vải. Khi tới gần đám thông non đầu tiên sau một gò cát cao, lão Cô-dắc đứng lại:

- Ở một chỗ nào gần đây thôi…

Hai người đi thêm chừng trăm bước. Một đàn chó trong trấn vừa sủa vừa hú bỏ chạy tán loạn. Petro quẳng cái cáng xuống, khẽ nói bằng một giọng khàn khàn:

- Chúng ta quay về thôi! Mặc mẹ lão ở đây vậy! Lão nằm chết ở đâu mà chẳng được? Chao ôi, sao mình lại dính vào chuyện nầy làm gì? Cũng chỉ tại con mụ yêu tinh ấy cố vật nài cho kỳ được!

- Tại sao bác lại đâm ra sợ như thế? Thôi đi đi! - Lão Cô-dắc cười có vẻ chế nhạo.

Hai người đi đến nơi. Bên một bụi liễu đỏ già cành đâm ngang dọc, có một chỗ tuyết bị dẫm chặt xuống, lẫn với cát. Từ chỗ ấy có những vết chân người toả ra lẫn với những vết chân chó lỗ chỗ…

Petro nhìn thấy một lão có bộ râu đỏ lòm, nhận ra Miron Grigorievich. Hắn nắm lấy cái dây lưng bằng vải, lôi lão thông gia lên rồi đặt vào cái cáng. Lão Cô-dắc kia vừa húng hắng ho vừa lấp đầy cái hố, rồi nâng thử tay cáng, bất giác lầu bầu:

- Đáng là phải đánh cái xe trượt tuyết đến rừng thông mới đúng. Chúng mình thật là hai thằng ngu! Con lợn rừng nầy ít nhất cũng nặng đến năm pút. Mà tuyết lại khó đi.

Petro mở rộng hai cái chân không bao giờ đi nữa của xác chết rồi cầm lấy tay cáng.

Hắn uống rượu bí tỉ trong nhà lão Cô-dắc cho đến khi trời rạng. Miron Grigôrievit thì nằm cuộn tròn trong một tấm nàm cửa, trên chiếc xe trượt tuyết. Vì say rượu nên Petro đã buộc con ngựa vào chiếc xe đó và nó phải đứng đấy suốt thời gian. Nó vểnh tai thở phì phì, cố hết sức giằng dây buộc mõm và vì ngửi thấy mùi xác chết nên nó không động tới một chút cỏ khô nào.

Phía mặt trời mọc mới sáng ra một chút, vẫn còn xám xám, Petro đã về tới thôn. Hắn đánh ngựa chạy qua bãi cỏ, không cho nghỉ một phút nào. Phía sau, đầu Miron Grigorievich cứ đập bồm bộp vào cái ván hậu, Petro phải dừng xe hai lần để lấy những nắm rơm dính bết đệm xuống dưới đầu lão. Hắn đã đưa lão thông gia về thẳng nhà lão. Grivka, đứa con gái yêu của lão chủ nhà vừa qua đời ra mở cổng rồi nhảy phắt sang bên tránh chiếc xe chạy trốn ra sau một đống tuyết. Petro vác xác lão thông gia lên vai như một túi bột, mang vào căn bếp rộng thênh thang và nhẹ nhàng đặt lên cái bàn đã trải sẵn một tấm khăn đay. Mụ Lukinhitna đầu tóc rũ rượi bò lết đến gần hai cái chân người chết vẫn còn đi đôi tất trắng nghiêm chỉnh, đúng như của những người chết. Mụ khóc đã hết nước mắt, giọng khê đặc:

- Ông chủ ơi, tôi cứ tưởng ông sẽ đi chân ông về, nào ngờ người ta phải khiêng ông về như thế nầy. - Mụ thều thào nói rất khẽ rồi khóc nấc lên, tiếng khóc nghe giống tiếng cười một cách lạ lùng.

Petro vào nhà trong đỡ tay cụ Grisaka ra. Ông cụ đi chập chững, lảo đảo, cứ như dưới chân cụ không phải là sàn nhà mà là đất lầy lũng nhũng. Nhưng rồi cụ đi khá rắn rỏi đến gần cái bàn và đứng lại trên đầu thằng con:

- Chà mầy đã về đấy à, Miron! Té ra bố con ta lại được trông thấy mặt nhau như thế nầy đây, con ạ… - Cụ làm dấu phép, hôn vừng trán giá băng, vàng ệch vì bùn dính bê bết. - Miron yêu quý ạ, rồi cũng chẳng bao lâu cả tao nữa… - Giọng ông cụ cất cao dần đến rít lên. Rồi như sợ mình sắp buộc miệng nói ra một điều gì bí mật, cụ vội đưa nhanh tay lên bịt miệng mình, cử chỉ chẳng có vẻ gì là của một người già, cuối cùng cụ gục xuống cái bàn.

Một cơn chuột rút làm họng Petro tắc lại như bị chó sói cắn vào cổ. Hắn rón rén lui ra sân gia súc, chỗ con ngựa bị buộc bên thềm.

Chương 150

Sông Đông ra khỏi những quãng sâu sóng yên gió lặng thì chảy tới một vùng cát nông. Ra đến đấy, dòng nước chảy ngoằn ngoèo, lặng lờ chao đảo, tràn đều ra ngoài hai bên bờ. Từng đàn cá bụng đen kéo nhau đi kiếm mồi trên đáy cát rắn; đêm đêm cá chiến lên chỗ nông tìm những thức ăn bổ béo hơn, cá chép cựa quậy trong những toà lầu mầu xanh lá cây của chúng ở khoảng sình lầy; cá thạch ban và cá lăng đuổi theo đàn cá nhép, cá ngạnh sục trong đám sò ốc; thỉnh thoảng lại quẫy tung một đám nước màu xanh lá cây, hiện ra dưới vừng trăng in hình rất lớn, ngoáy cái ngạnh màu vàng óng bóng loáng rồi lại rúc cái đầu râu ria rộng bè bè vào đống vỏ sò để đến sáng hôm sau vẫn còn ngủ gà ngủ gật ở một chỗ nào đó dưới cái gốc cây chìm cong queo đen sì bị nước ăn nham nhở.

Nhưng ở nơi lòng sông hẹp lại, sông Đông bị chèn hai bên phải nạo sâu xuống dưới đáy, nó gầm lên tức tối, ào ào dồn xô những làn sóng bạc đầu. Sau những chỗ núi nhô ra lòng sông, luồng nước chảy thành những xoáy nước trong những chỗ lòng chảo. Ở những chỗ ấy, nước như có phép yêu ma, cứ xoáy tròn một cách khủng khiếp, hễ mắt nhìn vào là bị hút xuống mãi.

Ngày tháng đã trôi từ đoạn nông bình an vô sự đến nơi nước xói sâu lòng sông hẹp. Quân khu Đông Thượng đang sôi sục. Hai luồng sức mạnh xô vào nhau, dân Cô-dắc nháo loạn đâm đầu vào xoáy nước. Những người còn trẻ và tương đối nghèo thì trù trừ nghi ngại, vẫn còn mong chờ chính quyền Xô viết lấy lại hoà bình, song bọn bô lão thì chủ trương tấn công và đã công khai nói rằng bên Đỏ muốn tiêu diệt cho hết người Cô-dắc.

Ngày mồng bốn tháng Ba, Kotliarov triệu tập đại hội nhân dân toàn thôn Tatarsky. Ít khi thấy dân chúng đến đông như thế nầy. Có thể vì Stokman đã đề nghị với Uỷ ban cách mạng ra đại hội sẽ chia cho các hộ nghèo nhất những tài sản mà bọn lái buôn bỏ chạy theo bọn Trắng đã đề lại. Trước khi họp đại hội thôn đã xảy ra một cuộc to tiếng gay gắt giữa Stokman và một cán bộ Quân khu. Anh chàng từ Vosenskaia tới và được uỷ quyền đem về khu số quần áo mà thôn đã tịch thu. Stokman nói với anh ta rằng Uỷ ban cách mạng không thể nộp ngay số quần áo đó được vì mới hôm qua đã phát hơn ba mươi chiếc áo ấm cho một đoàn xe chở thương binh và bệnh binh Hồng quân. Anh chàng trẻ tuổi kia lập tức giật giọng quát Stokman:

- Ai cho phép anh phát các quần áo tịch thu?

- Chúng tôi đã giải quyết không cần hỏi ý kiến ai cả.

- Nhưng anh có quyền gì phát tán tài sản nhân dân?

- Nầy, đồng chí đừng quát lác, đừng nói năng hồ đồ như thế.

Chẳng ai phát tán cái gì đâu. Những cái áo khoác lông chúng tôi tạm phát cho dân công vận tải vẫn còn giữ lấy biên nhận đây. Họ đem các chiến sĩ Hồng quân tới trạm, hết chặng đường rồi sẽ đem áo về trả lại. Còn anh em chiến sĩ thì gần như trần truồng, đưa họ đi trong lúc trên mình họ chỉ có độc chiếc áo ca-pốt mỏng manh thì khác gì đưa họ tới chỗ chết. Tôi làm thế nào không phát cho được? Hơn nữa quần áo đã nằm trong kho từ lâu mà có dùng làm gì đâu.

Stokman cố nén giận để giải thích và thật ra câu chuyện cũng có thể giải quyết xong một cách nhẹ nhàng, nhưng anh chàng mặt non choẹt kia nói giọng lạnh như tiền, tuyên bố dứt khoát:

- Anh là ai hử? Là chủ tịch Uỷ ban cách mạng à? Tôi bắt giữ anh? Bàn giao ngay công tác cho phó chủ tịch! Tôi sẽ giải anh ngay lên Vosenskaia. Biết đâu trong chuyện nầy anh chẳng đã ăn cắp nửa chỗ tài sản đó, còn tôi…

- Đồng chí có phải là đảng viên không? - Stokman hỏi, mắt lác xệch đi, mặt tái nhợt như xác chết.

- Chuyện đó không can gì đến anh! Công an đâu! Bắt lấy nó và giải gay lên Vosenskaia! Trao cho đội công an Quân khu, nhớ lấy giấy biên nhận.

Gã thanh niên lừ mắt nhìn Stokman.

- Lên trên đó tôi sẽ nói chuyện với anh. Anh sẽ biết tay tôi, đồ chuyên quyền làm bậy!

- Đồng chí! Đồng chí điên rồi à? Đồng chí cũng phải hiểu rằng…

- Không nói gì nữa! Câm ngay!

Kotliarov còn chưa kịp nói xen một lời nào vào cuộc cãi lộn thì đã thấy Stokman lù lù với tay lên khẩu Mauser treo trên tường, cử chỉ rất đáng sợ. Gã thanh niên trợn tròn con mắt, đầy vẻ kinh hoàng.

Nhanh như cắt, gã hích mông đẩy cánh cửa rồi ngã lăn ra, lưng nảy bần bật suốt mấy bậc thềm, rồi bò lên chiếc xe trượt tuyết. Trong lúc xe chưa chạy ra khỏi bãi thôn, gã cứ thúc vào lưng người đánh xe, chốc chốc lại ngoái đầu nhìn lại, rõ ràng là sợ có người đuổi theo.

Tiếng cười trong Uỷ ban cách mạng dội như sấm vào các khung cửa sổ. Anh chàng Davydka khỏe cười lăn lộn trên bàn, người co rúm. Nhưng mí mắt Stokman vẫn còn giật giật rất lâu như lên cơn thần kinh, mắt lác hẳn đi.

- Không thể như thế được, cái thằng đốn mạt đến thế! Chà, cái thằng khốn nạn! - Trong khi anh nhắc lại, những ngón tay cuốn điếu thuốc lá vẫn còn run bần bật.

Stokman ra dự cuộc họp cùng với Miska và Kotliarov. Người đứng trên bãi họp đông nghìn nghịt. Kotliarov thậm chí cảm thấy tim mình nhoi nhói một cách khó chịu. "Họ đến họp đông như thế nầy không phải là không có chủ tâm gì đâu… Cả thôn đều kéo ra bãi họp". Nhưng khi anh bỏ mũ bước vào trong vòng người thì nỗi lo lắng của anh được đánh tan ngay. Bọn Cô-dắc sẵn sàng tránh ra nhường lối cho anh đi. Mặt mọi người đều dè dặt, bình tĩnh, ánh mắt của một số người thậm chí còn có vẻ vui thích. Stokman đưa mắt nhìn một lượt đám Cô-dắc. Anh chỉ muốn làm cho không khí bớt căng thẳng, muốn khêu gợi cho quần chúng trao đổi ý kiến với mình và cũng bắt chước Kotliarov bỏ cái mũ da đỉnh đỏ có tai xuống. Anh nói to:

- Thưa các đồng chí Cô-dắc! Từ ngày thôn ta thành lập được chính quyền Xô viết, đến nay đã được một tháng rưỡi. Nhưng cho đến bây giờ Uỷ ban cách mạng chúng tôi vẫn nhận thấy về phía các đồng chí có một vẻ như thiếu tin tưởng đối với chúng tôi, thậm chí còn tựa như thù địch nữa là khác. Các đồng chí không đến dự các buổi họp, trong các đồng chí còn lưu truyền những tin đồn, những lời phao đồn vô nghĩa lý nói rằng hình như chính quyền Xô viết sẽ đem bắn tất cả mọi người, rằng có những sự ngược đãi của chính quyền Xô viết đối với các đồng chí. Đã đến lúc chúng ta cần phải trao đổi với nhau, như người ta thường nói là cởi mở tấm lòng ra mà nói chuyện với nhau, đã đến lúc cần xích lại gần nhau hơn! Chính các đồng chí đã tự bầu ra Uỷ ban cách mạng của mình. Kotliarov và Kosevoi là hai anh em Cô-dắc, cũng là người trong thôn các đồng chí, vì thế giữa các đồng chí với nhau không thể có một điều gì không nhất trí. Trước hết tôi xin kiên quyết thanh minh rằng các tin đồn do những kẻ thù của chúng ta gieo rắc nói rằng bà con Cô-dắc sẽ bị đem ra xử bắn hàng loạt, đó chỉ là một điều vu khống không hơn không kém. Mục đích của những kẻ tung ra lời vu khống đó rất rõ ràng: chúng nó muốn gây xích mích giữa bà con Cô-dắc và chính quyền Xô viết, đẩy các đồng chí sang hàng ngũ bọn Trắng một lần nữa.

- Anh bảo không bắn giết à? Thế bảy người kia đi đâu cả rồi! - Trong mấy hàng cuối có những tiếng kêu lên.

- Các đồng chí, tôi không nói rằng không có xử bắn. Chúng tôi đã xử bắn và sẽ còn xử bắn những kẻ thù của chính quyền Xô viết, còn xử bắn tất cả những kẻ muốn đem cái chính quyền của bọn địa chủ áp đặt lên đầu chúng ta. Chúng ta đã lật đổ vua Nga, đã chấm dứt chiến tranh với nước Đức, đã giải phóng nhân dân khỏi chế độ nông nô không phải để cho làm như thế. Cuộc chiến tranh với nước Đức đã đem lại cho các đồng chí những gì? Hàng ngàn anh em Cô-dắc bị giết, để lại vợ goá con côi, khánh kiệt hoang tàn…

- Đúng đấy?

- Chuyện ấy thì đồng chí nói đúng lắm?

- Chúng tôi chủ trương làm cho không còn có chiến tranh nữa. - Stokman nói tiếp. - Chúng tôi ủng hộ tình hữu nghị giữa các dân tộc! Trái lại dưới chính quyền vua Nga, chúng nó đã dùng bàn tay của các đồng chí để đi đánh chiếm đất đai cho bọn địa chủ và tư bản, để chính nhờ đó mà làm giàu thêm cho những thằng chúa đất và chủ nhà máy. Ở sát ngay bên hông các đồng chí có thằng địa chủ Litnhitki đấy. Ông nội nó đã được cấp bốn ngàn đê-xi-a-chim đất vì có tham gia cuộc chiến tranh năm Một nghìn tám trăm mười hai. Còn ông nội của các đồng chí thì đã nhận được gì? Đầu các cụ đã rơi trên đất Đức! Máu các cụ đã tưới cho đất Đức!

Bãi họp rộn hẳn lên. Tiếng ồn ào lắng dần, nhưng lập tức có người gầm lên ngay:

- Đúng lă-ă-ắm!

Stokman đưa mũ lên lau mồ hôi trên cái trán hói, rồi cất giọng kêu lên:

- Tất cả những kẻ cầm vũ khí chống lại chính quyền công nông, chúng ta sẽ tiêu diệt cho kỳ hết! Những tên Cô-dắc trong thôn các đồng chí vừa bị xử bắn theo lời tuyên án của toà án cách mạng là những kẻ thù của chúng ta. Tất cả các đồng chí đều biết như thế. Nhưng đối với các đồng chí là những anh em lao động, những người đồng tình với chúng tôi, chúng tôi sẽ kề vai sát cánh với các đồng chí, cùng đi bên nhau như những con bò trên luống cày. Chúng ta sẽ đoàn kết với nhau để cày mảnh đất gieo trồng đời sống mới, và sẽ bừa thật kỹ mảnh đất nầy, để làm cho các luống cày của chúng ta sạch quang, không còn một sợi cỏ dại nào của thời xưa, không còn một kẻ thù nào nữa! Để chúng nó không mọc rễ lại được nữa! Để chúng nó không thể mọc át cái mầm non của cuộc sống mới!

Stokman nghe thấy những tiếng rì rầm cố ghìm nén, nhìn thấy những nét mặt sôi nổi, biết rằng lời mình nói đã làm dân chúng Cô-dắc cảm động. Anh đã không nhầm: đã bắt đầu có được một cuộc trao đổi cởi mở.

- Đồng chí Yosif Davydovich ạ! Chúng tôi biết rõ đồng chí lắm, vì trước kia đồng chí đã có một dạo sống trong thôn chúng tôi, đối với chúng tôi đồng chí cũng chẳng khác gì anh em bà con. Đồng chí đừng ngại chúng tôi, đồng chí hãy nói thật là cái chính quyền của đồng chí muốn làm gì chúng tôi? Tất nhiên chúng tôi ủng hộ chính quyền nầy, những thằng con chúng tôi đã bỏ mặt trận, nhưng chúng tôi lại là những con người tăm tối, chúng tôi không nhìn rõ cái chính quyền của đồng chí nó ra sao…

Lão già Griadnov nói rất dài dòng nhưng cũng rất khó hiểu. Lão cứ rào trước đón sau, lẩn quẩn loanh quanh như những vết chân cáo, xem ra chỉ lo vạ miệng thì khốn. Gã cụt tay Alexandr Samin không nhịn được nữa:

- Tôi có thể nói được không?

- Anh cứ nói đi! - Kotliarov đồng ý, những lời trao đổi đã làm anh xúc động.

- Đồng chí Stokman, đồng chí hãy bảo trước cho tôi biết tôi có thể muốn nói gì thì nói được không?

- Đồng chí cứ nói đi.

- Nhưng các đồng chí không bắt tôi chứ!

Stokman mỉm cười, chỉ xua tay mà không nói gì.

- Nhưng phải với điều kiện là đồng chí đừng nổi giận mới được! Đầu óc tôi vốn giản đơn: trong bụng nghĩ như thế nào thì nói toạc ra như thế thôi.

- Em trai gã Alexandr là Marchin đứng phía sau hoảng lên cứ kéo cái ống tay rỗng của thằng anh, khẽ nói:

- Thôi đi sao lại ngốc thế? Thôi đi, không nói nữa, kẻo chúng nó lại để ý bây giờ. Anh sẽ bị ghi tên vào sổ đen đấy, anh Aleksey?

Nhưng gã kia giằng ra, quay nhìn đám người tụ họp, hai con mắt nháy lia lịa, vết sẹo trên má giật giật.

- Thưa chư vị Cô-dắc? Tôi sẽ nói và các vị nhận xét xem những lời tôi nói là đúng hay có thể là sai. - Gã xoay người trên gót chân một cách rất quân sự, quay nhìn Stokman, mắt nheo lại một cách rất giảo quyệt. - Tôi thì tôi hiểu như thế nầy: hễ nói là phải nói theo lương tâm. Đã chém thì phải chém cho thẳng tay? Vì thế tôi sẽ nói ngay là tất cả mọi người Cô-dắc chúng ta đang nghĩ gì, và tại sao chúng ta oán giận người cộng sản… Thưa đồng chí, vừa nãy đồng chí nói rằng các đồng chí không đánh vào người dân cày Cô-dắc, vì họ không phải là kẻ thù của các đồng chí. Các đồng chí chống lại bọn giàu có và tựa như đứng về phía người nghèo. Nhưng đồng chí hãy bảo, bắn giết mấy bà con trong thôn chúng tôi như thế có đúng không? Lão Korsunov thì tôi không nói làm gì, vì lão đã từng làmataman, suốt dời cưỡi lên đầu lên cổ người khác. Còn như lão Apdevich "Vua nói phét" thì làm gì nên tội? Cả Kasulin Matvey nữa? Và Bogatyrev? Maidanikov? Còn Korolev nữa? Cả bọn đều tăm tối, giản đơn, vô tích sự chẳng khác gì chúng tôi. Họ chỉ được tập cầm cán cái cày chứ chưa được cầm quyển sách bao giờ. Trong số đó còn có những người mũ chữ nữa là khác. Toàn bộ văn chương chữ nghĩa bất quá chỉ được chữ A, chữ B. Nếu những con người như thế có nói điều gì không phải thì chẳng nhẽ vì thế mà đem họ ra nhằm trên đầu ruồi hay sao? - Aleksey lấy lại hơi, ngả hẳn người về phía trước, cái ống tay rỗng của chiếc trermen đập lên ngực, miệng gã méo xệch đi. - Các đồng chí bắt họ, những kẻ chỉ nói vài lời càn bậy, đem họ đi xử tử, nhưng lại không động gì đến bọn lái buôn! Bọn lái buôn đã đem tiền ra cho đồng chí để chuộc lấy cái mạng của chúng nó! Chứ chúng tôi thì còn lấy gì mà chuộc, quanh năm suốt đời rúc đầu vào hòn đất, có được trông thấy tờ giấy bạc bao giờ đâu! Mấy bà con vừa bị bắn chết ấy có lẽ sẽ đem bán con bò cuối cùng, miễn là giữ được cái mạng, nhưng các đồng chí có bắt họ nộp chiến phí đâu? Họ đã bị bắt và bị cách ngay cái mạng. Mà tất cả chúng tôi đều biết rõ những việc xảy ra trên Vosenskaia như thế nào rồi. Trên ấy tất cả những thằng lái buôn, cố đạo đều còn nguyên vẹn. Và ở Karginskaia thì có lẽ chúng nó cũng còn nguyên vẹn. Những việc xảy ra khắp nơi chúng tôi đều được nghe tin. Tiếng lành nằm nhà, còn tiếng dữ bay khắp gầm trời!

- Đúng đấy! - Phía sau chỉ có một người kêu lên.

Những tiếng lao xao dội lên, át cả tiếng Aleksey. Gã chờ một lát rồi không để ý tới cánh tay Stokman đang giơ lên, vẫn tiếp tục la to:

- Chúng tôi cũng hiểu rằng chính quyền Xô viết có thể là tốt thật, song những người cộng sản ngồi chễm chệ trên các cương vị công tác lại muốn thừa cơ dìm chết chúng tôi! Họ muốn trả thù chúng tôi về cái chuyện năm Một nghìn chín trăm linh năm[256] Những lời như thế chúng tôi đã được nghe ở miệng những người lính Hồng quân. Vì thế giữa chúng tôi, chúng tôi nghĩ như thế nầy: bọn cộng sản muốn làm tuyệt nòi người mình, muốn treo cổ tất cả chúng mình lên, để trên vùng sông Đông không còn bóng vía một thằng Cô-dắc nào nữa. Đó là những lời tôi nói để cho đồng chí nghe đấy! Bây giờ thì tôi như một thằng say rượu: trong bụng có cái gì đều tuôn hết ra đầu lưỡi. Mà tất cả chúng tôi đều đang say vì mong muốn sống một cuộc đời tươi đẹp vì oán hận các đồng chí, oán hận những người cộng sản!

[256]  Trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản năm 1905 ở Nga, binh sĩ Cô-dắc đã bị Nga Hoàng đưa đi đàn áp nhân dân một cách thảm khốc. (N.D)

Aleksey lẩn sâu vào trong đám những chiếc áo lông ngắn. Bãi họp nằm lặng đi giờ lâu dưới bầu không khí đầy kinh hoàng.

Stokman vừa bắt đầu nói thì trong những hàng cuối đã có người hét to ngắt lời anh:

- Đúng đấy! Người Cô-dắc đang oán hận đấy! Các đồng chí hãy nghĩ xem hiện nay trong thôn đang có những câu hát như thế nào. Nói thẳng ra thì không phải ai cũng dám nói thẳng ra đâu, còn những bài hát thì người ta vẫn cứ hát. Bài hát thì không ai truy nã được. Có một bài theo điệu "Trái táo nhỏ" như thế nầy:

Samova đang sôi,

Cá đang chìm,

Kadet đến,

Chúng ta sẽ kêu.

- Có điều phải kêu đấy!

Có người phá lên cười rất không đúng lúc. Đám người nhốn nháo.

Người ta thì thào, người ta bàn tán…

Stokman chụp mạnh cái mũ lên đầu, móc trong túi ra bản danh sách mà Miska đã viết rồi kêu to:

- Không, không đúng như thế đâu! Những người đi theo cách mạng thì không có gì đáng oán hận cả! Lý do vì sao những kẻ thù của chính quyền Xô viết trong thôn các đồng chí bị xử bắn là như thế nầy. Các đồng chí hãy nghe đây? - Rồi anh đọc rành rọt, ngắt từng đoạn:

DANH SÁCH NHỮNG KẺ THÙ CỦA CHÍNH QUYỀN XÔ VIẾT BỊ BẮT VÀ GIẢI LÊN TRAO CHO UỶ BAN ĐIỀU TRA THUỘC TOÀ ÁN CÁCH MẠNG SƯ ĐOÀN 15 INDENSKAIA

Bên cạnh hai họ Melekhov và họ Bodovskov còn có mấy dòng ghi chú nhưng Stokman không đọc:

Số… Họ, tên, phụ danh…. Lý do bị bắt… Ghi chú

1) Korsunov Miron Grigorievich - cựu ataman, nhà giầu, làm giầu bằng sức lao động của người khác.

2) Sinilin Ivan Apdevich - Tung ra những luận điệu tuyên truyền lật đổ chính quyền Xô viết.

3) Kasulin Matvey Ivanovich - như trên

4) Maidanikov Semion Gavrilov - Đeo lon, hô to ngoài phố những lời chống chính quyền

5) Melekhov Panteley Prokofievich - Uỷ viên Cơ-rúc Quân khu

6) Melekhov Grigori Pancheleevich - Thiếu uý, có tư tưởng chống đối - phần tử nguy hiểm.

7) Kasulin Andrey Madveev - Tham gia vụ xử bắn các chiến sĩ Hồng quân Cô-dắc của Pochenkov

8) Bodovskov Fedot Nhikiphorov - Như trên.

9) Bogatyrev Ackhip Madveev - Trùm trưởng nhà thờ. Tuyên truyền chống chính quyền ở vọng gác. Xúi giục nhân dân và bọn phản cách mạng.

10) Korolev Dakha Leonchev - Không chịu nộp vũ khí. Phần tử không thể tin cậy.

"Chưa bắt được ba kẻ thù nầy của chính quyền Xô viết vì hai tên vừa bị cắt đi làm dân công tải đạn lên trấn Bokovskaia. Còn Melekhov Panteley thì đang bị thương hàn. Hai tên thứ nhất về tới thôn sẽ lập tức bắt giải ngay lên khu. Tên thứ ba sẽ bị bắt ngay sau khi khỏi bệnh".

Bãi họp lặng đi trong vài giây rồi bất thần nổ ra những tiếng la thét ầm ĩ:

- Không đúng?

- Láo! Chúng nó có nói những lời chống chính quyền!

- Những thằng như thế thì phải bắt giữ lại!

- Thế thì cứ nhìn vào miệng người ta hay sao?

- Họ bị vu oan giá hoạ đấy thôi?

Stokman lại nói thêm. Mọi người nghe anh nói với một thái độ có vẻ như chú ý, thậm chí còn có những tiếng kêu tán thành, nhưng cuối cùng, khi anh nêu vấn đề chia tài sản của những kẻ chạy theo bọn Trắng thì người ta chỉ trả lời bằng cách nín thinh.

- Tại sao bà con ta cứ như ngậm nước trong miệng thế? - Kotliarov bực tức hỏi.

Đám người chạy ùa ra lối về như những viên đạn ghém Xemka, một anh chàng bần nông vào hạng nghèo nhất, biệt hiệu là "Đầu gang", ngập ngừng tiến lên vài bước, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thế nào, lại vung chiếc găng tay không có ngón:

- Bọn chủ nhà chúng nó về thì tha hồ mà run![257]

Stokman còn định khuyên mọi người đừng nên giải tán vội, nhưng Miska, mặt trắng bệch như bột bánh, đã rỉ tai Kotliarov:

- Mình đã bảo là chúng nó không nhận đâu. Đem các tài sản ấy đốt sạch đi ngay còn hơn là chia cho chúng nó!

[257]  Nguyên văn: tha hồ mà hấp háy con mắt. (N.D)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx