sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sông Đông êm đềm - Chương 182-183

Chương 182

Anh em tù binh bị giải đến thôn Tatarsky lúc khoảng năm giờ chiều. Trời đã sắp hoàng hôn, một trong những buổi hoàng hôn mùa xuân loáng cái là tắt ngay. Mặt trời đã sắp lặn, cái đĩa cháy rực của nó đã chạm tới viền đám mây xanh xanh xám xám lờm xờm trải dài đằng tây.

Ngoài phố, đại đội bộ binh của thôn Tatarsky đang kẻ đứng người ngồi tránh nắng dưới bóng ngôi nhà chứa thóc công cộng rất to. Đại đội nầy bị điều sang bờ bên phải sông Đông để chi viện cho các đại đội của trấn Elanskaia dạo nầy đang chống lại rất khó khăn sức tấn công của kỵ binh Hồng quân. Trên đường ra mặt trận, bọn lính thôn Tatarsky đã kéo cả đại đội tạt vào thôn để thăm gia đình và kiếm thêm ít đồ ăn thức dùng. Hôm ấy đáng là chúng phải lên đường rồi, nhưng lại nghe tin có một đoàn tù binh Hồng quân đang bị giải đỉ Vosenskaia, trong số đó có cả Miska Kosevoi và Kotliarov, mà tù binh cũng sắp qua thôn Tatarsky, vì thế chúng quyết định nán lại xem sao. Những tên đặc biệt đòi gặp mặt Miska và Kotliarov là những tên Cô-dắc có họ hàng với những gã đã bị giết cùng với Petro Melekhov trong trận đấu.

Bọn lính thôn Tatarsky dựa những khẩu súng trường vào tường kho thóc, đứa đứng đứa ngồi, thẫn thờ nói chuyện với nhau, hút thuốc, cắn hạt hướng dương. Bọn bô lão, đàn bà, trẻ con đứng vây chung quanh. Toàn thôn đều kéo nhau ra phố. Vài đứa trẻ bò lên những mái nhà luôn luôn theo dõi xem đã giải tù đến chưa.

Cuối cùng có một giọng con nít léo nhéo:

- Nhìn thấy rồi! Chúng nó đang bị giải tới rồi!

Bọn lính vội vàng đứng dậy, dân chúng trong thôn nhốn nháo, những lời trao đổi sôi nổi dội lên trầm trầm, mỗi lúc một to, tiếng chân những đứa trẻ chạy ra đón đoàn tù binh nghe rầm rập. Mụ vợ goá của gã Aleksey Samin vẫn còn chưa nguôi sau nỗi đau khổ mà mụ vừa phải chịu, và dưới ấn tượng mới mẻ của chuyện đó, mụ cứ gào lên như hoá ngộ.

- Cái lũ quân thù quân hằn đã bị giải tới rồi! - Một lão già nói bằng một giọng rất trầm.

- Nện nhừ tử cái bọn quỷ dữ nầy đi! Còn nhìn gì nữa, bà con Cô-dắc!

- Lôi chúng nó ra toà mà xử!

- Chúng nó đã hành tội bà con ta!

- Treo cổ thằng Kosevoi và thằng bạn của nó lên!

Ả Daria nhà Melekhov đứng bên cạnh mụ vợ của gã Anikey. Ả là người đầu tiên nhận ra Kotliarov trong đám tù binh bị đánh đập tàn tệ đang đi tới.

- Cái thằng trong thôn bà con đã bị giải tới đây nầy? Bà con hãy cho cái thằng chó đẻ nầy xem bà con là như thế nào? Bà con hãy ra mà hôn đón nó đi! - Lão quản đội trưởng áp giải gào lên khàn khàn, át cả những tiếng nhao nhao mỗi lúc một hung dữ và những tiếng kêu khóc của đám đàn bà. Rồi vẫn ngồi trên ngựa, lão giơ tay chỉ Kotliarov.

- Thế thằng kia đâu? Thằng Kosevoi Miska đâu?

Thằng Anchip con trai lão "Vua nói phét" len qua đám người, vừa đi vừa gỡ dây đeo súng trường trên vai xuống, làm khẩu súng lúc lắc đập cả báng và lưỡi lê vào người khác.

- Cùng thôn với bà con ta đây chỉ có một thằng thôi, ngoài ra không còn đứa nào nữa đâu. Nhưng nếu cần cho mỗi người một miếng thì thằng nầy cũng đủ chán… - Lão quản áp giải nặng nề đưa một bên chân qua mũi yên cầm chiếc khăn tay đỏ lau những giọt mồ hôi chảy đầm đìa trên trán.

Những tiếng rít, những tiếng la thét của bọn đàn bà mỗi lúc một to và đã lên tới mức căng thẳng cực độ. Daria len tới chỗ bọn lính áp giải và nhìn thấy khuôn mặt bị đánh đập đến xám lại như gang của Kotliarov chỉ cách mình có vài bước, ngay sau cái mông ướt đẫm của con ngựa của một tên áp giải. Đầu anh sưng to một cách kỳ dị, những món tóc bết máu khô dính vào nhau dựng lên cao bằng một cái thùng úp ngược. Da trán anh phồng mọng, nứt ra, hai bên má đỏ rực bóng nhoáng, và trên đỉnh đầu lại có hai chiếc găng len đặt trên một đám lầy nhầy như thịt đông. Có lẽ anh đã đặt hai chiếc găng tay ấy lên đầu để che những vết thương nhằng nhịt khỏi những tia nắng cắn da cắn thịt, khỏi ruồi nhặng và những đàn muỗi nhắt lúc nhúc trong không khí. Hai chiếc găng đã dính vào các vết thương, khô lại và cứ thế nằm trên đầu…

Anh hoảng hốt đưa mắt nhìn quanh như một con thú bị vây bắt, cố tìm vợ con nhưng lại sợ không dám bắt gặp cặp mắt của vợ hay của thằng con nhỏ. Anh chỉ muốn có thể van xin một người nào đó đưa vợ con mình đi chỗ khác nếu đang có mặt ở đây. Anh đã biết rằng mình sẽ không thể đi quá thôn Tatarsky nầy được, rằng đây chính là nơi mình sẽ chết, vì thế anh không muốn hai con người thân yêu chứng kiến cái chết của mình, nhưng đồng thời anh cũng mỗi lúc một thêm nóng lòng đợi chờ cái chết ấy. Anh gù lưng xuống, từ từ quay đầu rất khó khăn, đưa mắt nhìn một lượt những khuôn mặt quen thuộc của bà con cùng thôn, nhưng không hề bắt gặp một vẻ thương hại hay đồng tình nào trong một cặp mắt nào. Tất cả những đứa đàn ông và đàn bà Cô-dắc đều nhìn anh bằng những cặp mắt gườm gườm và hung hãn.

Chiếc sơ-mi màu cứt ngựa đã bạc phếch của anh phồng cứng lên, hơi cử động một chút là kêu loạt soạt. Bất kỳ chỗ nào trên cái áo cũng in những vết máu chảy nâu xịt. Máu cũng đầm đìa trên chiếc quần bông đột chỉ của Hồng quân, trên hai bàn chân rất to không giầy không ủng, với lòng bàn chân phẳng bẹt và những ngón chân méo mó.

Daria đứng lại trước mặt Kotliarov. Ả nghẹt thở vì lòng căm hờn dồn lên cổ, vì thương hại và vì nóng lòng chờ đợi một cái gì khủng khiếp sắp xảy ra đến nơi, ngay bây giờ. Ả nhìn vào mặt anh chằm chằm mà chẳng làm thế nào biết được rằng anh có nhìn thấy mình và nhận ra mình hay không?

Nhưng Kotliarov vẫn bồn chồn, rạo rực nhìn sục sạo trong đám người bằng một con mắt long lanh man rợ (con mắt bên kia đã sưng vù không nhìn thấy gì nữa), và bỗng nhiên con mắt anh dừng lại trên mặt Daria lúc nầy chỉ đứng cách anh có vài bước. Anh chập chững bước tới như một người đang say mềm. Anh đã mất quá nhiều máu nên đầu óc cứ đảo đồng, không còn tri giác nữa. Anh rất khổ não vì cái trạng thái nửa hư nửa thực, khi mà mọi vật chung quanh đều trở nên huyền ảo, khi mà đầu óc quay lộn, hai con mắt tối sầm lại trong một cảm giác tê dại đau khổ. Song với một cố gắng cực lớn, anh vẫn còn đứng được trên hai chân.

Sau khi nhìn thấy và nhận ra Daria, Kotliarov lảo đảo bước tới. Một cái gì chỉ có chút ít hao hao như một nét cười thoáng hiện trên cặp môi trước kia cứng rắn, nhưng bây giờ đã méo mó không còn ra hình thù gì nữa. Nhưng chính cái nhăn mặt phảng phất như một nụ cười ấy đã làm tim Daria đập thình thịch, dồn dập. Ả có cảm tưởng như trái tim của ả đang đập ở một chỗ nào ngay sát cổ họng.

Ả bước tới sát Kotliarov, thở hổn hển như kéo bễ, mặt mỗi lúc một thêm nhợt nhạt:

- Thế nào, chào bác, chào ông bạn đỡ đầu thân mến!

Giọng nói lanh lảnh và sôi nổi của ả, những thanh sắc khác thường trong câu nói làm đám người lặng đi. Và trong bầu không khí chết lặng vang lên một giọng trả lời trầm trầm nhưng cứng rắn:

- Chào bác, bác bạn đỡ đầu Daria!

- Bác hãy kể lại đi, bác bạn đỡ đầu thân mến, làm sao mà chồng tôi, người bạn đỡ đầu của bác… - Daria chợt cảm thấy nghẹt thở, phải áp hai tay lên ngực. Ả không còn đủ hơi nói thêm nữa.

Trong bầu không khí hoàn toàn chết lặng, căng thẳng đến cực độ, trong những phút nín tiếng chẳng có gì tốt lành ấy, ngay những hàng đằng sau cũng nghe thấy Daria hỏi nốt bằng một giọng chỉ hơi nghe ro:

- Bác đã hành quyết chồng tôi, đã giết anh Petro Panteleevich như thế nào?

- Không, bác bạn đỡ đầu ạ, tôi có xử tử bác ấy đâu?

- Sao lại không xử tử? - Giọng nghẹn ngào của Daria đã cất cao hơn. - Chính bác và Miska Kosevoi đã giết người Cô-dắc cơ mà? Có phải thế không?

- Không, bác bạn đỡ đầu ạ… Chúng tôi… chúng tôi không giết bác ấy đâu…

- Thế đứa nào đã làm cho chồng tôi phải từ giã cõi đời nầy? Thế nào, đứa nào hử? Nói đi!

- Hồi ấy là trung đoàn Damursky…

- Mày! Chính mầy đã giết! Anh em Cô-dắc nói rằng đã trông thấy mày trên ngọn gò! Hôm ấy mày cưỡi con ngựa trắng mà! Cái thằng đáng nguyền rủa, mày còn chối hay sao?

- Tôi cũng có mặt trong trận chiến đấu… - Bàn tay trái của Kotliarov đưa lên rất khó khăn tới ngang đầu, sửa lại hai chiếc găng tay dính khô vào vết thương. Giọng anh lộ rõ vẻ nghi ngại khi anh nói tiếp - Cả tôi cũng có mặt trong trận chiến đấu hôm ấy, nhưng người giết chồng bác không phải là tôi mà là Miska Kosevoi. Kosevoi đã bắn bác ấy. Tôi không phải chịu trách nhiệm về bác bạn đỡ đầu Petro đâu.

- Thế thì mầy, đồ quân thù quân hằn, mày đã giết những người nào trong thôn chúng tao hử? Thế con cái những ai đã vì mày mà trở nên côi cút hử? - Mụ vợ goá của gã Yakov "Móng lừa" đứng trong đám dân chúng gào lên the thé.

Rồi những tiếng đàn bà nức nở, kêu gào, kể lể khóc lóc những người đã chết lại vang lên, làm cho bầu không khí vốn dĩ đã sôi sục lại càng bị đun bỏng.

Sau nầy Daria kể lại rằng ả cũng không nhớ là làm thế nào mà trong tay ả lại có một khẩu súng trường của kỵ binh, và ai đã nhét khẩu súng ấy vào tay ả. Đến khi đám đàn bà cất tiếng gào khóc, ả bỗng cảm thấy trong tay mình có một vật gì là lạ. Ả không nhìn xuống, nhưng chỉ sờ qua cũng biết ngay rằng đó là một khẩu súng trường. Đầu tiên ả cầm lấy nòng súng để đánh Kotliarov bằng báng súng, nhưng đầu ruồi đâm vào lòng bàn tay làm ả đau, vì thế ả đã đưa tay xuống báng súng, quay khẩu súng lại rồi giương súng lên, thậm chí nhằm đầu ruồi vào bên trái ngực Kotliarov.

Ả nhìn thấy những gã Cô-dắc ở sau lưng Kotliarov đổ xô sang hai bên, để lộ bức tường bằng gỗ xám của kho thóc. Ả nghe thấy những tiếng kêu hốt hoảng: "Nầy? Làm bậy bây giờ? Giết nhầm người mình mất đấy? Hượm đã nào, đừng bắn vội!" Rồi sự chờ đợi và đề phòng rất là thú tính của quần chúng, những cặp mắt đổ xô nhìn vào ả nguyện vọng trả thù cho người chồng bị giết, và một phần cũng có cái sĩ diện hám danh bất thần nảy ra trong đầu óc ả, làm cho cảm thấy rằng mình sắp sửa có thể trở nên khác hẳn những mụ đàn bà khác rằng bọn đàn ông Cô-dắc đang nhìn mình bằng những cặp mắt ngạc nhiên, thậm chí sợ hãi, và đang chờ xem câu chuyện sẽ kết thúc ra sao, vì thế mình phải làm một việc gì khác thường, độc đáo, khiến mọi người đều phải kinh ngạc, tất cả các cảm xúc khác nhau ấy đã cùng một lúc thúc đẩy ả, xô ả, một cách nhanh chóng khủng khiếp tới chỗ làm một điều đã được quyết định sẵn ở một nơi rất sâu trong tiềm thức của ả, một điều mà ả không muốn, nhưng trong lúc nầy ả cũng không đắn đo được nữa. Ả ngập ngừng một lát, sờ sờ vào cò súng một cách rất thận trọng rồi bất thình lình, chính ả cũng cảm thấy bất ngờ, ả bóp mạnh một cái.

Súng giật làm ả lảo đảo rất mạnh, phát đạn nổ làm ả ù cả tai, nhưng qua kẽ hai con mắt nheo nheo, ả nhìn thấy rằng chỉ trong khoảnh khắc khủng khiếp, một khoảnh khắc khủng khiếp và không sao cứu vãn được, khuôn mặt Kotliarov đang run run bỗng biến đổi hẳn. Ả thấy anh dang hai tay ra rồi chắp lại như sắp sửa lao đầu xuống nước từ một chỗ rất cao, nhưng sau lại ngã vật ngửa ra, đầu giật bần bật rất nhanh như trong một cơn sốt rét, mười ngón tay của hai tay vươn rộng lẩy bẩy ra sức cào xuống mặt đất.

Daria ném khẩu súng đi và vẫn chưa nhận thức rõ ràng là mình vừa làm việc gì, ả quay lưng về phía người ngã vật xuống, sửa lại chiếc khăn bịt đầu, nhét lại những món tóc xoã ra ngoài, cử chỉ rất không tự nhiên trong cái giản dị bình thường của nó.

- Nhưng nó vẫn còn thở kìa… - Một gã Cô-dắc vừa nói vừa lánh cho Daria đi qua, dáng điệu quá ư săn đón.

Ả quay đầu nhìn lại, nhưng vẫn không hiểu người ta nói về ai và về chuyện gì. Rồi chợt ả nghe thấy một tiếng rên rất dài, rất đơn điệu, phát ra không phải từ trong họng mà như từ một chỗ nào rất sâu trong ruột gan, tiếng rên chốc chốc lại ngắt quãng vì những tiếng nấc lúc hấp hối. Mãi lúc ấy Daria mới hiểu ra rằng đó là Kotliarov đang rên rỉ và anh đang chết do bàn tay của mình. Ả bước rất nhanh, rất nhẹ nhàng qua kho thóc, đi về phía bãi họp, chỉ có vài người nhìn theo.

Sự chú ý của mọi người chuyển sang gã Anchip, con lão "Vua nói phét". Như trong một cuộc diễn tập, gã rón chân chạy rất nhanh đến chỗ Kotliarov đang nằm với chiếc lưỡi lê tuốt trần của khẩu súng trường Nhật, không hiểu sao phải cầm giấu sau lưng. Mọi cử chỉ của gã đều được tính toán kỹ càng và rất chuẩn xác. Gã ngồi xổm xuống, hướng mũi lê vào ngực Kotliarov và khẽ nói:

- Thôi chết đi cho rảnh, Kotliarov! - Gã nói xong đem hết sức ấn xuống cán lưỡi lê.

Kotliarov hấp hối rất lâu, anh chết rất chật vật. Cái thân hình tráng kiện, xương xẩu của anh không muốn chia tay với cõi đời chút nào. Ngay sau nhát lưỡi lê thứ ba, anh vẫn còn há to miệng ngáp ngáp, một tiếng kêu khàn khàn nặng nề phát ra từ sau những cái răng nhe ra, đỏ lòm những máu:

- A-a-a-! Chà cái thằng đổ tể nầy, cút mẹ mày đl! - Lão quản chỉ huy đội áp giải xô thằng con tên "Vua nói phét" ra rồi nâng khẩuNagan nheo mắt trái nhằm bắn, động tác rất thành thạo.

Phát súng nổ ra tựa như được dùng làm một hiệu lệnh. Bọn Cô-dắc vặn hỏi xong những người tù binh, bắt đầu đánh giết họ. Hoà lẫn với tiếng người kêu thét, những phát súng trường nổ ra khô khan, ngăn gọn…

Một giờ sau Grigori Melekhov phi ngựa về tới thôn Tatarsky.

Chàng đã đánh con ngựa đến chết. Trên con đường ra khỏi Ust-Khopeskaia, con ngựa đã quị xuống trên một chặng giữa hai thôn.

Grigori vác yên ngựa tới cái thôn gần nhất, kiếm được ở đấy con ngựa cái vào hạng tồi. Thế là chàng đã về muộn… Đại đội bộ binh của thôn Tatarsky đã kéo nhau lên ngọn gò, tiến về những thôn của trấn Ust-Khopeskaia, tới địa giới khu du mục của trấn Ust-Khopeskaia, nơi đang diễn ra những trận chiến đấu chống các đơn vị của sư đoàn kỵ binh Hồng quân. Toàn thôn chết lặng, không một bóng người. Màn đêm đã phủ lên các ngọn gò chung quanh thôn như một lớp sương màu đen. Từ bên kia sông Đông vẳng sang tiếng rì rầm của những đám tiêu huyền và bạch lạp…

Grigori cho ngựa tiến vào sân gia súc rồi đi vào trong nhà. Chẳng thấy đèn lửa gì cả. Trong bóng tối dày đặc chỉ nghe thấy tiếng muỗi vo ve và thấy nhấp nhoáng những chỗ mạ vàng trên mấy bức hình thánh treo ở góc chính. Grigori hít hít cái mùi xoa xuyến của ngôi nhà cha sinh mẹ đẻ, cái mùi mà chàng đã quen từ thời thơ ấu rồi hỏi:

- Có ai ở nhà không? Mẹ ơi! Dunhiaska đâu thế?

- Anh Griska! Có phải anh đấy không? - Có tiếng Dunhiaska hỏi ra từ nhà trong.

Vẳng ra vài tiếng chân đất bước lệt sệt rồi qua kẽ cửa thấy loáng thoáng cái bóng trắng trắng của Dunhiaska đang vội vã thắt dây lưng cái váy lót.

- Làm gì mà ở nhà đi ngủ sớm thế? Mẹ đâu rồi?

- Ở ta…

Dunhiaska nói đến đấy lại nín lặng. Grigori nghe thấy cô gái thở hổn hển đầy xúc động.

- Ở ta làm sao? Bọn tù binh bị giải qua đây đã lâu chưa?

- Họ bị giết rồi!

- Sa-a-ao?

- Bọn Cô-dắc đã giết họ… Chao ôi, anh Griska i Chị Daria nhà ta, cái của thối thây khô-ô-ốn kiếp ấy… - Trong giọng nói của Dunhiaska có thể cảm thấy những giọt nước mắt phẫn nộ, -… chính chị ấy đã tự tay giết Kotliarov, bắn bác ấy…

- Mày nói láo cái gì đấy hử? - Grigori vừa kêu lên vừa hốt hoảng túm lấy cái cổ áo lót thêu của em gái.

Hai lòng trắng con mắt của Dunhiaska long lanh mấy giọt nước mắt. Grigori nhìn thấy vẻ kinh hoàng lắng đọng trong tròng con mắt của em gái, biết rằng mình đã không nghe nhầm.

- Còn Miska Kosevoi? Còn Stokman?

- Không thấy có hai người trong đám tù binh.

Bằng những lời lộn xộn, Dunhiaska kể vắn tắt về chuyện tù binh bị giết hại, về Daria.

- Mẹ sợ không dám ngủ ở nhà với chị ấy nên đã bỏ sang bên láng giềng, còn chị Daria thì không biết đã đi đâu uống rượu rồi mới về say bí tỉ. Bây giờ đang ngủ…

- Ở chỗ nào?

- Dưới nhà thóc ấy.

Grigori đi xuống nhà thóc, mở toang cánh cửa. Daria nằm ngủ ngay dưới đất, váy tốc lên một cách rất là vô liêm sỉ, hai cánh tay thon thon dang rộng, má bên phải bóng nhoáng, đầy rớt rãi, mùi rượu nặng bốc ra nồng nặc từ cái miệng há hốc. Ả nằm vẹo đầu một cách rất không tự nhiên, má bên trái áp xuống đất, hơi thở nặng nề như kéo bễ.

Chưa bao giờ Grigori cảm thấy mình điên cuồng chỉ muốn chém giết như trong lúc nầy. Chàng mím chặt môi đứng vài giây phía trên Daria, miệng rên rỉ, người lảo đảo. Chàng nhìn cái thân hình nằm thườn thưỡn với cả một cảm giác căm ghét và kinh tởm không sao ghìm nén được. Rồi chàng tiến một bước, dẫm cái gót ủng đóng cá sắt lên khuôn mặt có cặp lông mày đen vòng cao như hai cánh cung của Daria và nói bằng giọng khán khàn:

- Đ… ồ... rắn độc?

Daria rên lên một tiếng, lẩm bẩm không biết những gì trong cơn say. Còn Grigori thì đưa hai tay lên ôm đầu, bỏ chạy ra sân, vỏ gươm đập lách cách trên ngưỡng cửa.

Ngay đêm ấy, chàng không tới thăm mẹ, ra ngay mặt trận.

Chương 183

Hai tập đoàn Hồng quân số 8 và số 9 không đánh tan nổi sức chống cự của các đơn vị Quân đội sông Đông trước vụ lũ mùa xuân để tiến sang bên kia sông Dones, nhưng họ vẫn cố tìm cách chuyển sang thế tấn công trên những khu vực riêng lẻ. Phần lớn các cố gắng ấy chỉ đi đến thất bại. Thế chủ động đã chuyển sang bộ chỉ huy sông Đông.

Cho tới trung tuần tháng Năm, trên Mặt trận Miền Nam vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Nhưng chẳng bao lâu những thay đổi ấy cũng đã xảy ra. Theo kế hoạch mà tên tướng Denisov cựu tổng tư lệnh Quân đội sông Đông cùng tham mưu trưởng của hắn là tên tướng Poliakov đã thảo ra, trong khu vực hai trấn Kamenskaia và Ust-Kalitvenskaia đã thực hiện xong việc tập trung các đơn vị mệnh dânh là binh đoàn xung kích. Chúng đã điều về khu vực nầy của mặt trận những lực lượng ưu tú nhất gồm những phần tử cốt cán đã qua huấn luyện của cái quân đội trẻ tuổi nầy, những trung đoàn vùng hạ du đã được thử thách: Gundorovsky, Georgievsky, vân vân. Tính sơ lược thì lực lượng của binh đoàn xung kích nầy gồm một vạn sáu ngàn tay gươm, tay súng, cộng thêm có hai mươi tư khẩu pháo và một trăm năm mươi khẩu súng máy.

Theo ý tên tướng Poliakov, đáng là binh đoàn nầy phải hiệp đồng tác chiến với các đơn vị của tên tướng Fitkelaurov hướng làng Makeevca, đánh tan sư đoàn Hồng quân số 12, rồi hoạt động bên sườn và trong hậu phương của hai sư đoàn 13 và Uralskaia, đột nhập vào địa hạt của khu Đông Thượng để hợp nhất với quân đội của bọn phiến loạn, và từ đó tiến quân tới khu Khopesky để "lấy lại sức khỏe" cho bọn Cô-dắc đang mắc cái bệnh Bolsevich.

Ở vùng gần sông Dones, chúng đang tích cực làm công việc chuẩn bị tấn công, chuẩn bị đột phá. Quyền chỉ huy binh đoàn xung kích được trao cho viên tướng Sekrechev. Phần thắng đã rõ ràng ngả về phía Quân đội sông Đông. Tướng Sidorin mới lên chỉ huy quân đội nầy thay tướng Denisov, tay chân của tên Krasnov, vừa về hưu, cũng có xu hướng dựa vào Đồng minh cũng như viên tướng Frikan Bogaevsky lại được bầu làm ataman nhiệm mệnh của quân khu. Cùng với những tên đại diện của các phái đoàn quân sự Anh và Pháp, chúng đã thảo ra những kế hoạch đại qui mô để tấn công về Moskva và quét sạch chủ nghĩa Bolsevich trên toàn lãnh thổ nước Nga.

Những tàu vận tải chở vũ khí đã cập bến những hải cảng trên bờ Hắc hải. Những chiếc tàu viễn dương không chỉ chở đến máy bay, xe tăng, trọng pháo, súng máy, súng trường của Anh và Pháp, mà cả những con la kéo xe cùng số lương thực, binh phục mất giá trị sau khi họ đã ký hoà ước với Đức. Các kho hàng ở Novorossisk đầy ắp những bó quần áo và quân phục cổ đứng màu xanh lá cây sẫm của quân đội Anh với hình con sư tử Anh đứng chồm hai chân trước in trên những chiếc khuy đồng. Bột mì, đường, chocolatte và rượu vang Mỹ được chất cao đến ngọn các nhà kho. Hoảng sợ trước sức sống bền bỉ của những người Bolsevich, châu Âu tư bản chủ nghĩa đã gửi không tiếc tay tới miền Nam nước Nga đạn pháo và đạn súng trường, chính số đạn mà các quân đội Đồng minh còn chưa kịp bắn vào quân Đức. Bè lũ phản động quốc tế đổ xô tới hòng bóp chết hẳn nước Nga Xô viết đang băng huyết… Bọn sĩ quan huấn luyện viên Anh và Pháp đến vùng sông Đông và sông Kuban dạy cho bọn sĩ quan Cô-dắc và sĩ quan của Tập đoàn quân tình nguyện các kỹ thuật lái xe tăng, bắn các kiểu pháo của Anh, chúng đang tưởng tượng mùi vị của ngày khải hoàn tiến quân vào Moskva…

Nhưng trong khi đó ở vùng Dones đang diễn ra những sự việc quyết định thắng lợi của cuộc tấn công năm 1919 của Hồng quân. Không còn nghi ngờ gì nữa, nguyên nhân căn bản làm cho cuộc tấn công vừa qua của Hồng quân bị thất bại đó là cuộc nổi loạn của dân Đông Thượng. Trong hai tháng ròng cuộc bạo động đã đục khoét của hậu phương mặt trận của Hồng quân như một cái ung, đòi hỏi phải luôn luôn có sự điều động các đơn vị, gây trở ngại cho việc liên tục tiếp tế đạn được và lương thực cho tiền tuyến, làm cho việc đưa thương bệnh binh về phía sau trở nên khó khăn. Riêng hai tập đoàn Hồng quân số 8 và số 9 đã phải điều gần hai vạn tay súng về trấn áp cuộc phiến loạn.

Vì không được biết rõ về mức độ đích xác của cuộc nổi loạn nên Uỷ ban quân sự cách mạng của nước cộng hoà đã không kịp thời áp dụng những biện pháp đủ kiên quyết để trấn áp. Đầu tiên người ta chỉ điều về vùng phiến loạn một số chi đội hay phân đội lẻ tẻ (chẳng hạn trường sĩ quan của Ban chấp hành trung ương toàn Nga đã phái đi một chi đội hai trăm người), những đơn vị không có đủ quân số, những đội đánh chặn nhỏ. Cả một đám cháy lớn đã nổ ra mà lại muốn dập tắt bằng cách múc từng cốc nước. Các đơn vị Hồng quân rời rạc bao vây cả một khu vực phiến loạn với đường kính lên tới một trăm chín mươi ki-lô-mét, hoạt động một cách độc lập, không có kế hoạch tác chiến thống nhất. Và tuy quân số chiến đấu chống quân phiến loạn có tới hai vạn năm ngàn tay súng, song vẫn không thu được những kết quả thực tế.

Mười bốn đại đội bổ sung, vài chục chi đội đánh chặn đã lần lượt được điều tới phong toả không cho cuộc phiến loạn lan rộng. Một số chi đội học sinh sĩ quan cũng được đưa tới từ Tambob, Voronez, Ryazan. Và mãi đến khi cuộc nổi loạn đã phát triển mạnh, khi quân phiến loạn đã được vũ trang bằng những khẩu súng máy và những khẩu pháo cướp được của Hồng quân, hai tập đoàn quân số 8 và số 9 mới rút trong biến chế của mình ra, mỗi tập đoàn quân một sư đoàn tiễu phạt có những đội pháo binh và súng máy phối thuộc.

Quân phiến loạn đã phải chịu những tổn thất nặng nề, nhưng chúng vẫn không bị đánh tan. Những tàn lửa của đám cháy trên vùng Đông Thượng đã bay cả sang cả khu Khopesky ở ngay bên cạnh. Bên đó đã nổ ra những cuộc bạo động của vài nhóm Cô-dắc không đáng kể do những tên sĩ quan lãnh đạo. Ở trấn Urinpinskaia, tên trung tá Alimov đã tập hợp được chung quanh bắn một số khá đông những tên Cô-dắc và sĩ quan đang lẩn trốn. Vốn là cuộc nổi loạn phải nổ ra đêm mồng một tháng Năm, nhưng âm mưu đã bị phát hiện kịp thời. Alimov cùng một số đồng đảng đã bị bắt tại một thôn của trấn Preobrazenskaia và bị xử bắn theo lời tuyên án của Toà án cách mạng. Cuộc bạo động như rắn không đầu, không thể bùng lên được nữa, vì thế các phần tử phản cách mạng của khu Khopesky đã không đạt được mục đích liên hợp với quân phiến loạn ở khu Đông Thượng.

Trong mấy ngày đầu tháng Năm, một chi đội của trường sĩ quan thuộc Ban cháp hành trung ương toàn Nga xuống xe lửa ở nhà ga Chervoko, tại đấy đã có sẵn vài trung đoàn hỗn hợp của Hồng quân.

Chervoko vốn là một trong những ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Đông - Nam, các ga nầy nằm sát khu vực phía tây của mặt trận phiến loạn. Trong khi đó bọn Cô-dắc ở các trấn Migulinskaia, Mekovskaia và Kazanskaia đã tập kết những lực lượng kỵ binh rất lớn tại địa giới trấn Kazanskaia, liều mạng đánh những trận hết sức táo bạo chống lại các đơn vị Hồng quân chuyển sang thế tấn công.

Trong trấn đang truyền đi những tin đồn nói rằng quân Cô-dắc đã bao vây Chervoko và sắp bắt đầu tấn công đến nơi. Tuy từ đấy đến mặt trận ít nhất còn có năm mươi vec-xta và phía trước còn có những đơn vị Hồng quân khác sẽ báo tin ngay một khi quân Cô-dắc mở được đột phá khẩu, nhưng trong trấn đã bắt đầu có tâm trạng hoang mang hốt hoảng. Các hàng ngũ Hồng quân đã dàn thành đội hình cũng rung động. Ở một chỗ nào đó sau nhà thờ chợt có tiếng ra lệnh oang oang: "Cầm su-u-úng!" Thế là dân chúng chạy rối cả lên trong các phố.

Té ra chỉ là một cuộc báo động nhầm. Có một đại đội kỵ binh Hồng quân tiến từ phía làng Malkovo về trấn mà lại tưởng là quân Cô-dắc. Các học sinh sĩ quan và hai trung đoàn hỗn hợp xuất phát về hướng trấn Kazanskaia.

Hai ngày sau hầu như toàn bộ, trung đoàn Kronstat vừa kéo đến chưa được bao lâu đã bị quân Cô-dắc tiêu diệt.

Ngay sau trận chiến đấu đầu tiên với các chiến sĩ trung đoàn Kronstat, quân Cô-dắc đã tổ chức một trận tập kích đêm. Vì không dám mạo hiểm đến chiếm cái thôn mà quân phiến loạn vừa rút bỏ, trung đoàn phải nghỉ đêm trên đồng cỏ sau khi đã đặt những vọng gác và bộ tiêu bí mật. Đến nửa đêm, vài đại đội kỵ binh Cô-dắc đã bao vây trung đoàn, làm như phát huy một hoả lực điên cuồng, nhưng thật ra là khua những cái mõ rất to bằng gỗ! Ban đêm, quân phiến loạn thường khua những chiếc mõ ấy để giả làm tiếng súng máy: nói chung thì hầu như không thể phân biệt được tiếng mõ với tiếng hoả lực súng máy thật.

Đến khi các chiến sĩ trung đoàn Kronstatsky bị bao vây nghe thấy trong bóng đêm mịt mùng tiếng nổ liên hồi của vô số những khẩu "súng máy", tiếng các bộ tiêu của họ nổ súng như điên, tiếng quân Cô-dắc la thét, tiếng huyên náo và tiếng vó ngựa rầm rập của những đợt sóng tấn công kỵ binh mỗi lúc một gần, họ đã chạy tán loạn ra sông Đông, cố chọc thủng vòng vây nhưng lại bị quân Cô-dắc xung phong đánh bật trở lại. Trong toàn quân số trung đoàn chỉ sống sót vài người bơi được qua sông Đông mênh mông vì cơn lũ mùa xuân.

Sang tháng Năm, tất cả các lực lượng tăng viện mới của Hồng quân bắt đầu kéo từ sông Dones tới mặt trận của quân phiến loạn: sư đoàn Kubanskaia số 33 đã kéo tới nơi và lần đầu tiên Grigori Melekhov cảm thấy toàn bộ sức mạnh của một đòn tấn công thật sự.

Các chiến sĩ Kuban liên tiếp đánh đuổi sư đoàn Một của chàng, không cho lấy lại hơi một phút nào. Grigori rút bỏ hết thôn nọ đến thôn kia, chạy về phía bắc, về sông Đông. Chàng nán lại một ngày ở gần trấn Karginskaia, trên địa giới vùng sông Tria, nhưng sau đó, dưới áp lực của một lực lượng địch quá lớn, chàng bị bắt buộc không những phải rút bỏ Karginskaia, mà còn phải tức tốc xin viện binh.

Koldrat Medvedev điều tới cho chàng tám đại đội kỵ binh thuộc sư đoàn của hắn. Những tên Cô-dắc bên hắn đều được trang bị đầy đủ lạ lùng. Tất cả đều dồi dào đạn được, quần áo chỉnh tề, giầy ủng rất tốt. Mọi thứ đều đã được lột trên người các chiến sĩ Hồng quân bị bắt làm tù binh. Tuy trời nóng nhưng nhiều gã Cô-dắc trấn Kazanskaia vẫn diện áo da ngắn. Hầu như tên nào cũng có súng ngắn hay ống nhòm… Quân Cô-dắc trấn Kazanskaia đã chặn được ít lâu sức tấn công bất chấp mọi trở ngại của sư đoàn Kubanskaia số 33. Nhân tình hình đó, Grigori quyết định đi Vosenskaia một ngày vì Kudinov cứ khẩn khoản mời chàng về họp cho kỳ được.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx