Tình yêu có thể làm một tâm hồn đẹp hẳn lên. Oanh đã bảo:
- Không thể để Đích một mình ở đấy. Thế nào tôi cũng phải đi đón Đích.
Thứ và San hỏi:
- Bằng cách gì? Đích còn yếu thế, đi đường có thể nguy. Thà cứ để anh nằm nhà thương ở đấy còn hơn.
Oanh nằng nặc không nghe.
- Không! Không!... Thế nào tôi cũng phải đón Đích về. Chỉ tốn tiền tí thôi. Nhưng lúc này, tốn tiền cũng không nên tiếc. Tôi sẽ thuê xe nhỏ. Tôi sẽ thuê đốc tờ đi kèm ở dọc đường. Có lẽ tôi thuê tàu bay, nếu có thể thuê. Bằng cách gì thì bằng, thế nào tôi cũng phải thuê đưa được Đích về đây để thuốc thang. Tôi không thể để Đích chết khổ sở, xa mọi người, có một thân một mình như vậy...
Và Oanh khóc...
Nhưng Oanh khóc không lâu. Thứ thấy y có vẻ bận rộn hơn lên: viết thư, viết nhật kí, tính sổ sách, thúc học trò trả nốt tiền... Chỉ mấy hôm thôi. Rồi mọi thứ lại như thường, Thứ hay San có hỏi đến việc Đích về thì y trả lời gần như thể lạnh lùng:
- Đích đỡ rồi. Tôi đã viết thư cho ông thân Đích, để ông cụ sang đón Đích.
Y cắt nghĩa
- Tôi không thể bỏ công việc nhà trường mà đi được. Vả lại, tôi đón Đích về đây cũng có nhiều cái rầy rà. Tôi với Đích vẫn còn lửng lơ, chưa ra sao. Nếu tôi không báo cho đằng nhà Đích biết, không để cho gia đình nhà Đích thuốc thang, chạy chữa cho con, gia đình nhà Đích có thể trách tôi nếu chẳng may Đích có mệnh hệ nào. Không những thế, đối với đằng nhà tôi, tôi cũng khó nghĩ kia! Giá thử tôi và Đích đã cưới hỏi rồi, thì lại đi một lẽ. Tôi dễ xử hơn. Khổ một nỗi, đằng nhà Đích chưa chịu nói gì với ba tôi. Tôi chưa thể lấy địa vị một người vợ, hay chỉ như một người vị hôn thê thôi, mà thuốc thang cho Đích một cách đường hoàng. Tôi chỉ có thể lén lút.
Như vậy đó, nghĩa là Oanh đã nghĩ chín lại rồi. Y đã lại suy tính theo cái lối suy tính thông thường của mọi người. Thứ thấy mai mỉa quá. Y tự nhiên thương hại Đích, Đích đã đặt tình yêu lầm chỗ chăng? Ngoài ra, y cũng chẳng còn bận tâm về Đích lắm. Bởi vì y tin chắc rằng rồi Đích cũng chẳng thôi việc, chẳng về đâu. Bệnh Đích cũng sẽ qua đi. Lắm lúc Thứ lại ngờ rằng Đích đã bày ra chuyện đó, để thử lòng Oanh chơi.
San vẫn hằn học như thường. Y bảo:
- Đích mà còn ho lao, thì chúng mình cũng rất có thể ho lao. Tôi sợ lắm, Đích ho lao còn có tiền thuốc thang, còn có Oanh bỏ tiền thuốc thang cho. Chúng mình thì tiền đâu? Có lẽ chỉ đành nằm chết mà thôi!
Cả Thứ và San cùng thấy cần phải giữ gìn sức khỏe hơn. Trong khi giảng bài, họ đã nói sẻn hơn, nói nhỏ hơn. Họ cố không gắt gỏng, quát mắng học trò. Họ đi ngủ sớm hơn. Họ thấy căn phòng nhà ông Học ẩm thấp, hôi hám, không đủ khí trời. Họ bàn nhau khi bắt đầu những lớp hè, sẽ thuê một căn nhà khác...
Thứ đã nhận được thư trả lời của vợ. Liên nói mình có ốm hồi tháng Giêng, nhưng đã khỏi lâu rồi. Y đã khỏi như thường, đứa con cũng chịu chơi, cả nhà vẫn bình yên. Thứ cứ yên lòng ở Hà Nội mà dạy học, đừng sốt ruột, khi nào nghỉ sẽ về một thể... Liên nói thật chăng? Hay y sợ Thứ bận lòng nghĩ đến y mà giấu giếm? Thứ thấy nhớ vợ nhớ con. Y nhất định nghỉ trước Oanh và San nửa tháng. Oanh biết không ngăn nổi, hôm Thứ về, đành chỉ bảo:
- Chú mệt thì nghỉ trước đi cũng được. Nhưng tháng sau thế nào cũng phải lên. Các lớp hè tôi nhờ chú trông coi. Nếu Đích không về thì có lẽ tôi đi.
- Đó là chuyện của tháng sau. Bây giờ cô hãy để cho tôi nhẹ người một chút.
Thứ mỉm cười, bảo thế. Y muốn trút tất cả những cái gì bận óc, bận tâm, để lại sau lưng. Y muốn hưởng ba mươi ngày nghỉ ngơi hoàn toàn vui vẻ. Tuy vậy, y vẫn nơm nớp sợ. Biết đâu bao nhiêu cái bực mình lại không đang đợi y ở nhà quê? Có lần nào về đến nhà là y được yên đâu? Hết phái nghe bà kêu ca khóc lóc, bố cờ bạc, rượu chè, ăn ở bạc, y lại phải nghe mẹ sụt sịt, kể lể những cái lắm điều, những cái ác, cái tệ của bà. Có lần bà cụ giận con, nhịn ăn đến mấy hôm rồi nhất định chỉ nằm khóc cho đến chết đói mới thôi. Thứ phải năn nỉ, van bà đến nửa ngày mới làm được cho bà lại chịu ăn. Có lần, vừa trông thấy y, mẹ y đã hờ khóc om sòm, các em y cũng khóc theo, y như nhà có đám ma. Thì ra bà y với ông thân sinh ra y lại vừa mới cãi nhau một trận tưng bừng. Ông thân y tức mình, bỏ nhà đi, bà cụ rủa ông chết đường chết chợ. Còn bà mẹ y thì vật vã hờ chồng, để có cách mà chì chiết mẹ. Thật là lục đục. Thứ nhận ra rằng những sự lục đục ấy mới bắt đầu từ khi nhà y bắt đầu nghèo. Y lại biết rằng nếu bây giờ, nhà y chỉ đỡ túng hơn, mọi người đỡ lo, đỡ khổ hơn, là mọi sự lại êm ngay. Biết vậy mà chẳng biết làm sao. Y không kiếm ra tiền giúp đỡ ra đình. Y càng nghĩ lại càng khổ lắm. Liên hiểu nỗi khổ tâm của chồng như vậy. Y biết mỗi lần về mà gia đình không có sự thuận hòa, chồng bực tức vô cùng. Y rất thương chồng. Y thường cố chiều chồng, cố làm thế nào cho chồng được vừa lòng. Hiểu như vậy đấy, mà không hiểu sao một đôi lúc, y vẫn thấy cần phải trách móc, phải mỉa mai, phải lộ những ý nghi ngờ cho Liên khổ vì biết rằng chồng khổ. Y vẫn ghen bóng gió... Lần này, Thứ hứa trước với mình sẽ bỏ hẳn cái tật ấy đi. Y sẽ không có một lời nào khiến cho Liên phải buồn rầu. Y sẽ cố giữ cho nỗi sum họp được hoàn toàn trong trẻo. Và nếu bà y với mẹ y có giận nhau, thì y sẽ coi thế là thường, là một sự không đáng quan tâm, và y nhất định không vì thế mà bực bội...
Tuy đã định tâm như vậy, mà lúc về đến ngõ, y vẫn thấy ngực y như bị một khối nặng đè. Y thấp thỏm lo. Sân nhà im ắng thế kia! Biết đâu bà y lại không đang nằm rên ở trong màn và mẹ y đang ngồi sụt sịt trong xó bếp? Nhưng bước vào đến sân, y nhẹ hẳn người. Bà y đang vui vẻ đùa với con y. Trông thấy y, bà cụ reo lên thúc chắt chạy ra xin bánh. Đã lâu lắm, y không được thấy bà vui vẻ như thế bao giờ. Lòng y sáng quang ra. Nghe tiếng reo cười, bà mẹ y ở sau nhà cũng chạy về. Trông thấy bà và mẹ ngồi bên nhau, nói với nhau, y mừng rỡ đến nỗi mắt hơi ươn ướt. Nhưng ngồi một lúc, không thấy vợ đâu, y lại hơi lo. Liên vẫn ốm mà nằm bên nhà mẹ đẻ chăng? Y không hỏi, chỉ thầm mong bà hoặc mẹ tự nhiên nói cho y biết. Mãi mãi bà y mới hỏi:
- Dễ thường mẹ nó chưa về?
- Chưa, đến tối mịt kia.
Bà mẹ y đáp vậy. Thoáng nhận thấy y hơi có vẻ ngạc nhiên, bà bảo:
- Lớp này, cô ấy không dệt vải, cô ấy đi buôn.
Bà kéo dài tiếng ra. Giọng nói và môi miệng bà như có ý mỉa mai. Thứ cười nhạt, hỏi:
- Buôn gì?
Y vừa hỏi vừa xốc nách cho đứa con nó đứng lên. Giọng nói và nét mặt y bình thản như y chẳng để ý gì nhiều lắm. Y làm như thấy mẹ nói vậy thì cũng hỏi vậy chơi, hỏi để đưa đẩy câu chuyện nhiều hơn là muốn biết rõ ràng, và giá mẹ y không trả lời thì cũng được. Thật ra thì y đã hơi khó thở. Vẫn bằng cái giọng kéo dài ra, bà mẹ bảo:
- Buôn vải, chung với mợ giáo San.
Thứ tái mặt đi. Y bị xúc động mạnh quá, không còn che đậy nổi. Bà ngoại y cũng bảo:
- Cô ấy đi buôn ngay từ độ cuối Giêng. Tết, anh đi độ mấy hôm thì cô ấy ốm qua loa mất mấy ngày. Nhức đầu sổ mũi với ho qua quýt thôi, chứ có sao đâu. Thế mà nghe đâu cũng mất dăm đồng bạc thuốc. Cô ấy không dám sắc ở nhà, cô ấy về bên ấy sắc...
Thứ nghĩ bụng:
- Bao giờ mà chẳng vậy!...
Chính sách của bà ngoại y là không bao giờ uống thuốc. Bà vẫn bảo: "Nếu không có thuốc mà chết thì nhà nghèo chết sạch! Chỉ nhà giàu sống...". Lần nào ốm muốn uống thuốc, Liên cũng phải uống giấu giếm bên nhà mẹ đẻ... Y vẫn nghe bà ngoại nói:
- ... Từ đầu năm đến giờ, chẳng mấy khi cô ấy ở nhà. Nhiều khi thổi nấu cũng không nấu ở nhà đâu. Cô ấy thổi nấu bên ấy, ăn bên ấy, muốn đi đâu chán thì đi, rồi lại về bên ấy. Nhất là từ độ đi buôn với mợ giáo San. Ấy! Hôm nào cũng tối như thế này với hơn thế này cũng chưa buôn về...
Thứ chẳng nói gì. Y thấy như người chóng mặt. Tay y bủn rủn đến nỗi không đỡ được đứa con nữa, phải để nó ngồi xuống. Bà cụ vẫn kể lể đủ thứ về Liên, những rằng Liên cứng cổ, Liên cãi lại mẹ chồng, Liên ra sự chẳng cần ai, việc gì cũng tự quyền mình. Liên làm như bố mẹ chồng chẳng cho được Liên gì mà chồng cũng chẳng nuôi Liên thì Liên muốn làm gì mặc ý, không ai ngăn cấm được... Những điều ấy, Thứ chẳng cần nghe kĩ lắm. Có nàng dâu nào ở vừa được ý nhà chồng. Cứ như mắt y thấy nhiều lần, thì vợ y cũng là một người tốt nhịn lắm rồi... Nhưng điều quan hệ là Liên buôn chung với mợ San. Liên đi vắng suốt ngày! Thứ như có ở trong người cả một cái lò lửa đang bốc lên ngùn ngụt. Y muốn Liên về ngay lúc ấy, để y nhảy xồ ra, đánh đạp Liên túi bụi, cho hả giận...
Nhưng còn gì vô lý hơn thế nữa? - Một lúc sau, y nghĩ lại - Đi buôn có phải là một cái tội đâu? Y muốn cấm Liên ra đến ngoài ư? Sao y không lập ra những cung cấm để nhốt Liên vào? Sao y không bắt Liên, mỗi khi ra đến ngoài đường, phải đeo cái mạng che mặt như những người đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ ngày trước? Khi đọc sách báo, khi nghe nói đến cái tập tục kì dị ấy, chính y đã cho ngay là một cái tục dã man, chính y đã phải bất bình và buồn cười về cái lòng ích kỷ lố lăng như vậy. Nhìn ra những người xung quanh, y phục họ vô cùng. Tình yêu của những người nhà quê quần nâu áo vải kia, sao mà bình tĩnh thế! Hình như chẳng bao giờ họ ghen tuông. Vợ họ có thể đi suốt ngày, đi một phần đêm, làm ở ngoài đồng chung đụng với người đàn ông khác, cười cợt, nói đùa, nói bỡn với đàn ông... họ chẳng thắc mắc một mảy may. Họ chửi vợ, đánh vợ luôn, nhưng rất ít khi vì chuyện ghen tuông. Hình như họ cho rằng sự chung tình là một sự dĩ nhiên, người đàn bà lấy họ thì chỉ nghĩ đến họ thôi, không bao giờ nghĩ đến một người nào khác. Không bao giờ họ phải băn khoăn vì yêu cả. Thứ phục những tâm hồn bình lặng và lành mạnh ấy. Họ chỉ ghen khi nào có chứng cớ để ghen. Có lẽ công việc đồng áng, không khí ở bên ngoài, cái cảm giác thoáng đãng và rộng rãi, có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Máu họ trong, não cân họ vững vàng. Họ không có cái lối nghĩ vẩn vơ, cái trí tưởng tượng của kẻ ngồi bàn giấy. Nghĩ như vậy, lắm lúc Thứ ngờ mình loạn óc chăng? Có lẽ đó là ảnh hưởng của nhiều tiểu thuyết tình, những tiểu thuyết phân tách tâm lý mà y đã đọc. Y đã đem pha trộn tiểu thuyết với đời và cho như đời chỉ toàn những tâm trạng lôi thôi, rắc rối. Một thứ Đông ky xuất yếu ớt và bạc nhược. Một tình lang tiểu thuyết, vừa loạn thần kinh vừa đau ngực! Lãng mạn ôi là lãng mạn!... Y tự nhạo y như vậy và đỏ mặt. Y định bụng sẽ trò truyện với Liên vui vẻ như cho cái việc Liên đi buôn với vợ San là thường lắm.
Thứ không làm chủ được mãi. Y không đả động gì đến việc kia. Y đợi Liên khoe. Nhưng Liên chẳng nói gì. Thứ tự hỏi: tại sao Liên giấu giếm?... Tay y đang âu yếm nắm chặt cánh tay vợ, đột nhiên rủn mềm ra. Y im lặng một chút rồi khẽ hỏi:
- Mình đi buôn vải chung với chị San à?
- Vâng, tôi đi buôn những dạo trước kia, thôi đã lâu rồi.
- Sao vậy?
- Tính ra, cũng không ăn thua gì. Mình không có vốn phải đi vay nợ lãi, thành ra được đồng nào thì lãi nợ ăn gần hết. Mình chẳng còn được mấy.
Liên trả lời như vậy, rất tự nhiên. Y thôi buôn đã lâu rồi, thì không khoe được cái việc buôn với chồng làm gì nữa, cũng là thường. Tuy vậy, Thứ vẫn thấy muốn dò xét mãi.
- Thế sao mình về muộn thế?
- Tôi đi hái dâu cho nhà bên ấy. Bà bảo ở lại mà ăn cháo. Tôi không biết có mình về nên chẳng cần về sớm.
- Bà nuôi tằm à?
- Nuôi được hai ba lứa rồi. Tôi cũng có một ít, chung với bà.
Chỉ có thế thôi ư? Thứ đột nhiên lại xoay câu chuyện:
- Thấy nói chị San chuyến này thua bạc tợn phải không?
- Lớp trước kia!... Lớp này bận mùa màng, ai còn đánh bạc? Với lại nghe đâu hôm anh ấy về, anh ấy gắt nên chị ấy không dám đánh nữa.
- Biết đâu được đấy...
Liên biết ngay là Thứ lại sắp giở cái giọng mọi khi ra. Y nói chặn ngay
- Chắc mình lại ngờ tôi đi buôn với chị ấy thì cũng đánh bạc với chị ấy, phải không?
- Cái ấy thì chỉ có mình biết thôi, chứ tôi biết quái gì!
- Thế là mình ngờ tôi. Nhưng tôi chẳng đánh đâu. Đừng nghi ngờ mà khổ. Mình hay làm tội mình lắm. Nếu tôi không thật lòng, thật dạ với mình, nói lời mà chẳng giữ được lời, còn coi quân bài lá bạc hơn cả chồng con, thì tôi còn mặt mũi nào trông thấy mặt mình? Mình bắt tôi thề thế nào tôi cũng xin thề. Cái thân tôi, mình còn có thể ngờ, tôi chẳng thiết gì. Nhưng con của chúng ta thì mình không còn có thể ngờ tôi coi con chẳng ra gì. Thế mà tôi dám thề rằng nội tôi có đánh bạc trộm vụng mình một lần nào, trời cứ đừng cho nó làm con tôi nữa!...
Giọng Liên thành thật và cảm động. Thứ xấu hổ cho mình. Y bịt miệng Liên.
- Ai bắt mình thề? Tôi có trách gì mình mà mình phải thề bồi?
- Nhưng để mình nghi ngờ thì mình khổ. Mình khổ mọi cái rồi, lại phải khổ thêm một thứ ấy nữa ư?
- Nhưng tôi không nghi ngờ!
Y nói thật. Thấy vợ lấy con ra mà thề như vậy, y sẵn lòng tin ngay. Y đã biết Liên quý con như thế nào...
Nhưng sáng hôm sau, Liên vừa đi chợ được một lúc thì bà mẹ chồng vào. Bà ghé ngồi cạnh xuống giường con. Thứ biết lại sắp có chuyện gì, hơi khó chịu. Quả nhiên, sau một vài câu khơi mào, bà hỏi:
- Chuyến này về, có đem được dăm chục bạc không?
Thứ ghét những câu hỏi về loại ấy. Y không muốn tính toán với ai cái ngân sách riêng của y. Y trưởng thành rồi, y phải làm lấy mà ăn, y không muốn ai kiểm soát mình. Khi chỉ một mình y phải chịu trách nhiệm về những công việc của y thì tại sao người khác lại cứ muốn có quyền hỏi han đến đây? Y vẫn biết bà và mẹ hỏi, không phải để trách y không giúp các người đâu. Y có đưa các người cũng chẳng nhận nào. Nhưng các người cứ muốn y cay nghiệt với Liên trong việc tiền nong: "Chị ấy ăn cả tiêu rộng lắm, không chịu chắt chiu chắt nhặt đâu, có nhiều chỉ tổ chị ấy lại tiêu nhiều, anh phải giấu giếm chị ấy, để riêng ra, để phòng thân mới được...". Các người thường bảo thế. Thành thử để trả lời những câu các người hỏi về tiền nong, y thường phải nói dối luôn. Nói dối cũng là một cái gì mệt lắm. Giá bà hay mẹ đừng hỏi gì thì vẫn hơn.
Thứ ậm ừ đáp cho xong chuyện và tỏ ý không mặn mà gì lắm. Khác hẳn mọi lần, y miễn cưỡng về hùa với bà hoặc mẹ, kể những nết xấu của Liên. Bà mẹ có vẻ hơi phật ý. Bà cười nhạt, bảo:
- Tưởng có nhiều thì cho nó dăm chục, nó trả nợ đi. Nghe đâu nó vướng mất đến dăm chục bạc lãi năm phân. Không trả đi lãi nó chồng chất lên thì chết mất...
Thứ không chuyển động. Bà mẹ ngừng một chút, như để dò ý tứ con. Thấy y vẫn dửng dưng, bà chép miệng, bảo tiếp
- Chẳng biết nó buôn thua bán lỗ hay là thua bạc.
Bà hạ giọng cho thật thấp:
- Này! Mày ạ! Hình như lớp này cô ấy cũng đánh bạc ra việc đấy! Mà phỏng chừng thua, nên gắt như mắm thối, mà rạc người đi, trông như con khỉ ấy!
Thứ ôn tồn bênh vực vợ. Nhưng bà mẹ nhăn mặt bảo:
- Khốn nạn! Ai nói thì tôi cũng chẳng tin, nhưng chính con ở nhà nó nói thì còn sai làm sao được? Nó chẳng dám nói với tôi, nhưng khoe với lũ trẻ nhà này. Nó bảo: "Hôm đi ăn giỗ ở trên nhà bác Cảm tôi chỉ có hai xu, đặt ghẹ, mà lên được những ba hào, thế rồi mợ tôi bắt bế em tôi đi, cho mợ tôi đánh. Giá không phải bế em thì tôi còn được nữa...". Những lần khác thì chẳng biết đâu, nhưng lần ấy thì hẳn không còn chối vào đâu được nữa.
Chứng cớ rành rành rồi vậy. Trong người Thứ, đột nhiên như có một cái gì sụp đổ. Y tối tăm mặt mũi. Cổ y nghẹn lại. Y không còn nói được. Bà mẹ trông thấy con tím mặt, đoán một cơn dông bão sắp bùng ra, hơi hối hận. Bà vội can y:
- Nhưng mà thỉnh thoảng nó mới đánh chơi một lần thế, cũng chẳng sao. Chỉ sợ nó quen đi. Tôi bảo để anh bảo ban nó qua loa, chắc nó cũng thôi, chẳng dám đánh nữa đâu. Đừng làm ầm ĩ lên mà người ta cười cho đấy.
- Ai cười thì cười! Con nhất định không tha nó!
Y vùng dậy, chạy ra ngoài để khỏi phải nghe mẹ khuyên can. Y như tức cả với mẹ. Bà mẹ biết mình đã lỡ lời rồi, không sao kéo lại được nữa, len lén đi ra vườn làm cỏ, như lủi trốn. Thỉnh thoảng bà lại ngước đôi mắt lo lắng, nhìn trộm về nhà. Chắc bà ân hận lắm. Thứ cũng trông thấy thế. Y hơi hả dạ. Y cho như vậy là đáng kiếp!...
Liên về chợ. Y mua được một mẻ cá rô và hai chục bánh đa, định về nấu canh. Y hí hởn, nghĩ rằng chắc chồng sẽ mừng lòng. Muốn khoe chồng - và có lẽ đó cũng là một cách làm duyên, y tươi cười gọi chồng ra, nâng đội cho y. Thứ nhảy xổ ra. Y hất tay một cái, cái thúng đổ ụp về phía sau Liên. Liên mới kịp ngạc nhiên. Một cái tát đã giáng mạnh vào một má y, khiến y lặng người đi một cái. Y gượng dậy, nghẹn ngào, nhìn chồng một thoáng, rồi vùng chạy sang nhà mẹ đẻ. Thứ chạy vào buồng. Y đóng chặt cửa trước, cửa sau. Bà mẹ hoảng hốt chạy về, đập cửa thình thịch
- Con ơi! Mẹ van con! Mẹ van con!
Thứ tưởng như mình sắp tự tử ngay. Y nức nở. Liên lại xồng xộc chạy về. Thứ nghe như thấy y vừa thở vừa sa sả nói bên ngoài cửa
- Người hay thật! Tôi có tội gì thì cũng phải nói cho tôi biết chứ!... Rồi muốn đánh thì đánh, muốn chửi thì chửi, muốn đâm, muốn chém, muốn băm vằm tôi ra tôi cũng chịu. Tại sao tôi vừa ló mặt về, chẳng biết đầu đuôi xuôi ngược ra sao, đã lôi tôi ra mà đánh? Tôi phải cái tội gì cứ nói cho tôi biết!...
Chưa bao giờ Thứ nghe thấy Liên nói cái thứ tiếng đáng ghét y đang nói. Xưa nay Liên chỉ để cho Thứ trông thấy sự hiền từ, sự dịu ngọt, sự phục tùng. Không ngờ Liên cũng biết chan chát, the thé, bướng bỉnh và quyết liệt! Thứ ngồi trong buồng, chẳng nói gì, chỉ bĩu môi, khinh bỉ. Liên té tát mấy câu, rồi lại về bên nhà mẹ đẻ. Thứ nằm dí ở trong buồng cho tận đến chiều. Vào khoảng bốn giờ chiều, khi y đã tuôn khá nhiều nước mắt rồi, y mở cửa ra. Y đem đôi giầy ra tận ngoài hè, ngồi đánh xi cẩn thận, như sắp ra đi. Bà ngoại y, trông thấy thế, thở dài to thành một tiếng rên. Rồi bà lại gần y, mếu máo bảo y:
- Con ơi! Con nghĩ đến bà!... Thầy con đã thế rồi. Bà bây giờ xác gần kề miệng lỗ rồi, chỉ còn trông mong một mình con. Con thương lấy bà một chút.
Bà nói rồi khóc. Thứ cũng khóc, như mình định sắp ra đi để chẳng bao giờ về nữa thật. Bà bắt đầu khuyên giải.
- Thôi con ạ! Con cũng chẳng nên phẫn chí... Vợ con thế, cũng là hư thật, nhưng thời buổi bây giờ cũng chỉ có thế thôi. Thế, với còn tệ hơn thế nữa. Con xem đấy... Kia thử...
Bà kể cho Thứ nghe toàn những chuyện vợ nhà này hư, vợ nhà nọ hư. Và bà kết luận:
- Như thế mà cũng phải cắn răng vào mà chịu. Mắc cái số mình như vậy. Không lẽ mỗi chốc bỏ nhau. Mà bỏ nhau, đã chắc lấy được người hơn thế chưa?...
@by txiuqw4