sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Miếng Giữa Làng

Ở quê tôi, khi đi ăn cỗ, các bà, các mẹ thường chọn ngồi chung một mâm. Khi đó, họ chia nhau thịt, xôi, gói vào lá chuối mang về cho con cháu. Họ chỉ ăn cơm với canh và món xào. So với những bữa ăn hằng ngày, thế là đã xôm rồi. Thịt, xôi, họ mang về cho con cháu. Thế là thành thói quen với bọn trẻ. Khi có mẹ, có bà đi ăn cỗ, chúng cứ đứng chờ ở ngõ để được ăn phần.

Tôi rời khỏi làng quê, mang theo ký ức sống động, ngọt ngào về phần xôi thịt mẹ gói trong lá chuối. Nhờ có chút thành đạt trong nghề nghiệp, tôi hay được mời đi ăn tiệc. Tôi ăn tiệc đứng, tiệc ngồi, tiệc Pháp, tiệc Bỉ, tiệc Mỹ, tiệc Hàn... Tôi đi ăn không phải vì tôi thèm ăn mà vì tôi muốn biết mùi vị thức ăn của họ như thế nào. Đi đến lần thứ bảy thì tôi thôi không đi nữa. Tôi thôi không đi không phải vì tôi đã chán các món ăn của họ mà vì khi đến đó, cái bản năng muốn gói xôi, gói thịt mang về cho con của người đàn bà trong tôi lại trỗi dậy. Miếng ăn ở trong miệng tôi không còn ngon nữa vì tôi còn mải tìm cách để gói mấy cái xúc xích, mấy cái bánh ngọt... Mắt tôi liếc ngang liếc dọc. Liếc chỗ nào tôi cũng chạm phải ánh nhìn. Thế là tôi sợ, tôi không dám, để khi đi về, tôi tiếc hùi hụi. Thì thôi, tôi không đi nữa.

Bữa tiệc này thì tôi muốn đi vì đến đó, tôi sẽ được gặp nhiều bạn bè và đồng nghiệp. Sau phần lễ đặc sịt chữ trong phòng, ngoài hành lang, người ta đã bày sẵn đồ ăn. Một nhóm phụ nữ gặp mặt là ồn ào tranh nhau nói nhưng cũng không quên kiếm cái ăn. Chúng tôi kéo nhau đến dãy bàn cuối hành lang thưa người. Điều đập vào mắt tôi đầu tiên là tất cả các lon bia và lon nước ngọt đều đã được bật nắp. Tôi băn khoăn nghĩ, sao đã có người đến đây uống hết cả thế này? Tôi thò tay lấy một lon nước ngọt, nước còn đầy ắp trong lon. Để kiểm chứng, tôi cầm một lon bia, bia cũng còn đầy ắp trong lon. Tôi không hiểu. Một vị quan to bước đến, hỏi han công việc của chúng tôi. Tôi muốn làm một chủ nhà mến khách. Tôi đi dọc dãy bàn tiệc để tìm một lon bia hoặc nước ngọt chưa mở để mời vị quan kia, nhưng tịnh không có lon nào còn nguyên nắp. Tôi đành quay trở lại, cầm một lon bia còn nguyên bia nhưng đã bật nắp, mời vị quan: “Xin lỗi bác, cháu không hiểu vì sao họ lại đi mua loại bia đã bật nắp thế này ạ!” Một nhà thơ đứng cạnh tôi phì một cái, bia trong mồm bắn ra thành hơi. Ho xong một chập, nhà thơ nọ quay sang tôi, nói: “Cái nhà cô này, suýt làm tôi chết sặc. Cô ngố thật hay là giả nai đấy?” “Anh xỏ xiên gì tôi thế? Tôi chỉ không hiểu tại sao người ta lại đi mua loại bia đã bật nắp thế này, nó hả hết, uống không ngon đã đành, lại còn tạo cho người ta cái cảm giác ngờ ngợ rằng có ai đó vừa phun nước bọt vào.” “Cô này đúng là chưa biết gì rồi. Đó là sáng kiến của ông chủ bữa tiệc đấy! Ông ấy bảo các bữa tiệc trước, nhoằng một cái đã không còn lon bia nào. Thì ra các cha đã thó vào túi. Vậy thì giải pháp để khắc phục tình trạng đó là bật hết nắp ra. Đố cha nào dám thó vào túi.” Ô hô, thật là sáng kiến hay hết chỗ nói. Chỉ có điều, tay bợm bia nhất cũng không thể uống nổi thứ bia đã bị bật nắp để tênh hênh kia. Chỉ khổ mấy người quét dọn, phải lấy một cái thùng to xả bia để lấy lon bán với giá hai trăm đồng một cái.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx