Nghe xong báo cáo liên quan tới những cuộc gặp gỡ sắp tới của tôi với bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina, Ejov bất chợt đề nghị tôi tháp tùng ông ta đến BCHTƯ. Tôi đơn giản là bị choáng khi chiếc xe của chúng tôi đi vào Kremli. Sự kinh ngạc của tôi càng tăng thêm sau khi Ejov giải thích rằng đích thân đồng chí Stalin sẽ tiếp chúng tôi. Đó là buổi gặp gỡ đầu tiên của tôi với lãnh tụ. Tôi đã ba mươi, thế nhưng vẫn chưa học được cách kìm chế cảm xúc của mình. Tôi vui sướng phát điên và khó lắm mới tin nổi rằng nhà lãnh đạo đất nước muốn gặp gỡ một cán bộ tác chiến tầm thường. Sau khi Stalin bắt tay tôi, tôi không sao tập trung nổi để trả lời một cách khúc chiết những câu hỏi của ông. Mỉm cười, Stalin nhận xét:
- Đừng hồi hộp, anh bạn trẻ ạ. Hãy báo cáo những sự kiện cơ bản. Chúng ta chỉ có hai mươi phút thôi.
- Thưa đồng chí Stalin, - tôi đáp, - đối với một đảng viên bình thường, cuộc gặp gỡ với Người là một sự kiện vĩ đại nhất trong đời. Tôi hiểu rằng được gọi đến đây vì công việc. Sau một phút tôi sẽ trấn tĩnh lại và có thể báo cáo những sự kiện cơ bản với Người và đồng chí Ejov.
Stalin gật đầu, hỏi tôi về quan hệ giữa các nhân vật chính trị trong phong trào Ucraina lưu vong. Tôi miêu tả một cách ngắn gọn những cuộc tranh cãi vô bổ giữa các chính khách dân tộc chủ nghĩa Ucraina về vấn đề ai trong số chúng sẽ có vai trò trong chính phủ tương lai. Thế nhưng, hiểm hoạ là Konovalets, bởi hắn tích cực chuẩn bị tham gia cùng với bọn Đức vào cuộc chiến tranh chống lại chúng ta. Điểm yếu của hắn là áp lực thường xuyên từ phía chính quyền Ba Lan vốn muốn hướng phong trào dân tộc chủ nghĩa Ucraina ở Galitsưn chống cộng hoà Xô viết Ucraina.
- Ý kiến của các vị thế nào? - Stalin hỏi. Ejov giữ im lặng. Tôi cũng thế. Sau đó thu hết can đảm, tôi nói rằng lúc này chưa sẵn sàng để trả lời.
- Vậy thì sau một tuần, - Stalin nhận xét, - hãy trình các đề nghị của mình.
Cuộc tiếp kiến kết thúc. Ông bắt tay chúng tôi, và chúng tôi bước ra khỏi phòng làm việc.
Quay về Lubianka, Ejov lập tức chỉ thị cho tôi cấp tốc bắt tay vào công việc cùng với Spigelglaz soạn thảo các đề xuất. Ngày hôm sau Xlutsky, là phụ trách Cục đối ngoại, đã gửi bản dự thảo cho Ejov. Đó là kế hoạch tích cực cấy người vào OUN, trước hết, trên lãnh thổ Đức. Để làm việc đó, cần phái ba cán bộ NKVD Ucraina với tư cách học viên vào trường đảng Quốc xã. Chúng tôi có cảm giác là nhất thiết cùng với họ phải cử đi một kẻ theo phái dân tộc chủ nghĩa Ucraina đích thực, đồng thời không sáng dạ lắm để bảo hiểm. Ejov không hỏi một câu nào và chỉ nói đồng chí Stalin cho chỉ thị bàn bạc với Korxior và Petrovxky, họ có thể có những suy xét riêng.
Tôi cần lập tức đi Kiev, bàn bạc với họ và ngày hôm sau quay về Moskva.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra trong văn phòng của Korxior nơi Petrovxky cũng có mặt. Cả hai người đều thể hiện mối quan tâm với trò chơi hai mang do chúng tôi đề xuất. Thế nhưng họ quan tâm nhất là tuyên bố độc lập có thể xảy ra của cộng hoà Ucraina vùng Karpat độc lập. Đúng một tuần sau khi tôi quay về Moskva, lúc 11 giờ đêm, Ejov lại dẫn tôi vào văn phòng gặp Stalin. Lần này ở đấy có Petrovxky, điều không làm tôi kinh ngạc. Chỉ mất có năm phút tôi trình bày kế hoạch các hoạt động tác chiến chống OUN, nhấn mạnh rằng mục tiêu chủ yếu - lọt vào Abwehr thông qua các kênh Ucraina, bởi Abwehr là đối thủ chính của chúng ta trong cuộc chiến sắp tới.
Stalin đề nghị Petrovxky phát biểu. Ông này tuyên bố long trọng rằng tại Ucraina, Konovalets đã bị tuyên án tử hình vắng mặt vì những tội ác nghiêm trọng chống lại giai cấp vô sản Ucraina: hắn ra lệnh và tự mình điều khiển việc hành hình các công nhân của “Arsenal” Kiev vào tháng 1 năm 1918.
Cắt ngang ông, Stalin nói:
- Đó không phải là một hành động trả thù, cho dù Konovalets là gián điệp của phát xít Đức. Mục đích của chúng ta - chặt đầu phong trào phát xít Ucraina ngay trước cuộc chiến tranh và buộc những tên cướp này tiêu diệt lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành quyền lực. - Ngay đó ông quay về phía tôi với câu hỏi: - Thế còn sở thích, điểm yếu, sự gắn bó của Konovalets là thế nào? Hãy cố lợi dụng chúng.
- Konovalets rất thích kẹo sôcôla, - tôi đáp, nói thêm rằng dù tôi với hắn có đi đâu chăng nữa, trước hết là hắn mua một hộp kẹo rất sang.
- Hãy suy nghĩ kỹ về điều đó, - Stalin đề nghị. Trong suốt thời gian nói chuyện Ejov không thốt lên một lời. Chia tay, Stalin hỏi tôi, tôi có hiểu đúng hay không ý nghĩa chính trị nhiệm vụ chiến đấu đuợc giao cho tôi.
- Vâng, - tôi đáp và hứa với ông rằng sẽ hy sinh cuộc đời nếu cần để hoàn thành nhiệm vụ của đảng.
- Chúc thành công, - Stalin nói khi xiết chặt tay tôi.
Tôi được lệnh thủ tiêu Konovalets. Sau buổi gặp gỡ của tôi với Stalin, Xlutsky và Spigelglaz đã soạn thảo mấy phương án của chiến dịch.
Phương án thứ nhất dự trù rằng tôi sẽ bắn áp sát Konovalets. Thực ra, tay trợ lý Baranovxky biệt danh “Ngài kỹ sư” luôn luôn tháp tùng hắn. Tìm ra thời điểm khi tôi ở lại một mình với Konovalets, gần như là không thể.
Phương án thứ hai là làm sao để chuyển cho hắn “món quà giá trị” được lắp kíp nổ. Phương án này có vẻ đáng chấp nhận hơn: nếu cơ chế định giờ hoạt động tôt, tôi sẽ kịp rút lui.
Cán bộ phòng kỹ thuật tác chiến Timaskov nhận nhiệm vụ chế tạo thiết bị nổ bề ngoài trông giống một hộp kẹo sôcôla được trang trí phong cách Ucraina truyền thông. Toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ là tôi cần phải kín đáo ấn vào công tắc để khởi động cơ chế đồng hồ. Tôi không thích phương án này lắm, bởi cái hộp loè loẹt này chắc sẽ cuốn hút sự chú ý của Konovalets ngay. Ngoài ra, hắn có thể trao hộp này cho Baranovxky luôn luôn tháp tùng hắn.
Sử dụng vỏ bọc của mình - tôi được biên chế là điện báo viên trên tàu hàng “Silca”, - tôi đã gặp gỡ với Konovalets ở Antwerp, Rotterdam và Havre những nơi hắn vẫn đến theo hộ chiếu Litva giả mang tên Novae. Vào những năm 30 chính quyền Litva thường xuyên cung cấp cho các thành viên OUN hộ chiếu nước ngoài giả.
Trò chơi tiếp diễn hơn hai năm đã sắp sửa kết thúc. Đang là mùa xuân năm 1938, và chiến tranh có vẻ là không thể tránh khỏi. Chúng tôi biết: trong thời gian chiến tranh, Konovalets sẽ lãnh đạo OUN và ở về phía bọn Đức.
Trên đường đi gặp Konovalets, tôi kiểm tra công việc của mạng lưới các điệp viên ngầm của chúng tôi ở Hà Lan mà trong nhiệm vụ của họ có việc chuẩn bị phá hoại trên các tàu biển của Đức và Nhật neo đậu tại châu Âu, chuyển vũ khí và nhiên liệu cho chính thể Franko ở Tây Ban Nha. Phụ trách mạng lưới này là Ernst Vollveber mà tôi được rõ hồi ấy dưới mật danh “Anton”. Dưới sự chỉ huy của ông, một phần, có nhóm người Ba Lan có kinh nghiệm làm việc vói kíp nổ tại các mỏ. Những người này trước đây di tản sang Pháp và Bỉ do thất nghiệp ỏ Ba Lan, nơi chúng tôi lôi kéo họ cộng tác để tham gia các vụ phá hoại trong trường hợp chiến tranh. Tôi được lệnh kiểm tra những thợ nổ mìn người Ba Lan. Vollveber hầu như không nói tiếng Ba Lan, thế nhưng phương ngữ miền Tây Ucraina của tôi là hoàn toàn đủ để giao tiếp với những người của mình. Tôi đã gặp một nhóm gồm 5 điệp viên Ba Lan tại cảng Bergen của Na Uy. Tôi nghe báo cáo về chiến dịch trên tàu chở hàng “Xtefan Batory” của Ba Lan xuất phát sang Tây Ban Nha với lô hàng vật liệu chiến lược cho Franko. Nó đã không đến được đích do bị chìm ở Biển Bắc sau đám cháy trong khoang tàu vì quả bom do người của chúng tôi gài đã phát nổ.
Vollveber gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Một đảng viên cộng sản Đức, ở nước Đức ông phục vụ trên hạm tàu, lãnh đạo cuộc binh biến của thuỷ thủ chống thủ tướng năm 1918. Toà án binh khép tội chết, nhưng ông kịp trốn được, ban đầu sang Hà Lan còn sau đó sang Bắc Âu. Sau đó ông bị chính quyền Thuỵ Điển bắt, và Gestapo lập tức đòi trao trả ông. Thế nhưng ông nhận được quốc tịch Liên Xô, vậy nên đã không diễn ra việc trục xuất ông từ Thuỵ Điển sang Na Uy bị Đức chiếm đóng. Sau Hiệp ước Molotov - Ribbentrop năm 1939, ông sang Moskva và nhận lệnh tiếp tục chuẩn bị các vụ phá hoại trong cuộc chiến không thể tránh khỏi với Hitler. Tổ chức của Vollveber có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến của Na Uy. Vollveber và những người của ông quay về Moskva những năm 1941 - 1944, đã giúp chúng tôi trong việc chiêu mộ các tù binh Đức cho các chiến dịch tình báo của chúng tôi.
Sau khi kết thúc chiến tranh Vollveber một thời gian đứng đầu Bộ An ninh Quốc gia Cộng hoà Dân chủ Đức. Năm 1958 do mâu thuẫn giữa ông và Khrusev, Ulbrikht đã gạt Vollveber khỏi chức vụ đang nắm giữ. Chuyện như thế này. Vollveber kể với Xerov, chủ tịch KGB lúc ấy, về các bất đồng ý kiến trong ban lãnh đạo Cộng hoà Dân chủ Đức, cho rằng đó là thái độ thân phương Tây đối lập với đưòng lối của phong trào cộng sản quốc tế. Xerov báo với Khrusev về cuộc nói chuyện đó. Còn ông này trong bữa ăn trưa kèm uống rượu tràn lan, đã nói với Ulbrikht:
- Tại sao anh lại có một bộ trưởng an ninh quốc gia đi nói về bất đồng quan điểm trong nội bộ đảng? Đó chính là sự tiếp diễn truyền thống của Beria và Merkulov mà Vollveber đã gặp gỡ trong những năm 40 khi thường sang Moskva.
Ulbrikht hiểu cần phải làm gì, và không chậm trễ sa thải Vollveber vì “hành vi chống đảng”, ông mất khi vẫn bị thất sủng, vào những năm 60.
Cuối cùng thiết bị nổ dưới dạng hộp kẹo được chế tạo xong, trong đó cơ chế hẹn giờ không cần khởi động bằng một công tắc đặc biệt. Vụ nổ sẽ diễn ra đúng nửa giờ sau khi thay đổi vị trí hộp từ thẳng đứng sang nằm ngang. Tôi cần giữ hộp ở trạng thái thứ nhất trong túi áo vét rộng của mình. Được dự trù là tôi sẽ chuyển “món quà” này cho Konovalets và rời khỏi địa điểm trước khi quả mìn bắt đầu hoạt động.
Spigelglaz đi cùng tôi vào văn phòng của Ejov, người muốn tiếp riêng tôi trước chuyến đi. Khi chúng tôi rời khỏi, Spigelglaz nói:
- Trong trường hợp chiến dịch thất bại hoặc có nguy cơ bị bắt, cậu cần hành động như một người đàn ông chân chính, để trong bất cứ trường hợp nào cũng không rơi vào tay cảnh sát.
Thực tế đó là mệnh lệnh phải chết. Có ý là tôi phải sử dụng đến khẩu súng lục “Valter” mà ông đưa cho tôi.
Spigelglaz ở chỗ tôi hơn tám giờ bàn các phương án. Ông cấp cho tôi vé tàu hoả theo mùa có hiệu lực hai tháng trên toàn bộ lãnh thổ Tây Âu, và cũng trao cho tôi hộ chiếu Tiệp Khắc giả và ba nghìn đôla mà thời ấy là một món tiền lớn. Theo lời khuyên của ông, tôi nhất thiết phải thay đổi bề ngoài của mình sau “sự rút lui”: mua mũ phớt, áo choàng trong một cửa hàng gần nhất.
Trước hành trình từ Murmanxk tôi đọc trong “Sự thật”, rằng Xlutsky qua đời đột ngột vì một cơn đau tim.
Cái chết của Xlutsky cho đến nay vẫn được tính vào số những bí mật chưa khám phá dưới thời Stalin và số phận các nhà lãnh đạo NKVD. Xlutsky bị bệnh tim nặng, có lúc ông nằm trên đivăng tiếp khách trong văn phòng mờ tối. Thiết nghĩ, ông đã bị liệt vào số người bị thủ tiêu trong tiến trình thanh trừng bởi Stalin với lãnh đạo Ủy ban an ninh quốc gia (**) đã làm việc cùng với Ejov. Như đã rõ, từ những cuộc hỏi cung Ejov, việc điều tra chỉ ra rằng Xlutsky bị hại bằng cách tiêm thuốc độc do người phụ trách phòng thí nghiệm chất độc của NKVD Alekhin thực hiện. Thế nhưng đối với tôi điều đó là ít có khả năng, cần gì diễn một tấn kịch với mũi tiêm cưỡng chế cho một bệnh nhân đau tim nặng ai cũng biết ngay tại văn phòng thứ trưởng Bộ Nội vụ Frinovxky, trước một số nhân chứng. Và, cuối cùng, điều chủ yếu, em trai Xlutsky, cán bộ phòng tác chiến Trại tập trung của NKVD (GULAG), cũng là bệnh nhân tim, đã chết năm 1946 do một cơn đau tim kịch phát trong lúc ăn trưa tại nhà ăn ngay trước mắt các đồng nghiệp. Vì thế tôi nghi ngờ các lời khai của Ejov, Frinovxky, Alekhin về hoàn cảnh cái chết của Xlutsky được họ đưa ra trong tiến trình điều tra có kèm tra tấn được gọi trong giấy tờ chính thức là “các biện pháp tác động thể lực” trong những năm 1938 -1940.
Tôi kính trọng sâu sắc Xlutsky như một nhà lãnh đạo tình báo giàu kinh nghiệm, về mặt nhân cách đơn thuần, ông luôn luôn chú ý đến tôi và Emma. Con người này có nhiều công lao lớn. Chính ông vào thời của mình đã đánh cắp được ở Thuỵ Điển bí mật kỹ thuật sản xuất vòng bi cầu. Đổì với nền công nghiệp chúng ta điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xlutsky được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ. Cùng với Nicolxky (sau đó đã nổi tiếng với tên là Orlov), trưởng ban tình báo kinh tế, năm 1930 hay 1931 họ đã gặp gỡ ông vua diêm Thuỵ Điển Ivar Kriuger. Tống tiền ông ta bằng cách là dọa sẽ cho diêm rẻ tràn ngập thị trường phương Tây, họ đòi cho chính phủ Xô viết một khoản chuyển nhượng là ba trăm nghìn đôla Mỹ. Thủ đoạn thành công, và đã nhận được tiền.
Tôi nghiên cứu một cách chăm chú nhất một lộ trình có thể tháo chạy tại các thành phố, nơi có thể diễn ra cuộc gặp gỡ giữa tôi và Konovalets. Đối với mỗi thành phố tôi có một kế hoạch chi tiết. Thế nhưng trước chuyến đi cuối cùng gặp Konovalets đã nảy ra những vấn đề bất ngờ. Đáp lại hồi chuông của tôi từ Na Uy hắn bỗng đề nghị để chúng tôi gặp nhau ở Kile (nước Đức) hoặc hay hơn là tôi bay đến gặp hắn ở Italia trên máy bay Đức mà hắn sẽ phái đến đón tôi. Tôi trả lời là tôi không chủ động thời gian: dù thuyền trưởng là thành viên tổ chức Ucraina, nhưng lần này tôi không thể rời tàu quá 5 giờ. Lúc đó chúng tôi thoả thuận là sẽ gặp nhau tại Rotterdam, ở hiệu ăn “Atlanta” nằm không xa bưu điện trung tâm, tất thẩy chỉ mất mười phút đi bộ từ nhà ga xe lửa. Trước khi lên bờ ở Rotterdam, tôi nói với thuyền trưởng, người đã nhận chỉ thị thực hiện tất cả mọi điều hành của tôi, rằng nếu tôi không quay về tàu lúc bốn giờ chiều, ông ta cần cho tàu rời đi không có tôi. Timaskov, người chế tạo thiết bị nổ, tháp tùng tôi trong chuyến đi nàv và lắp ngòi nổ mười phút trước khi tôi rời tàu. Còn ông ta thì ở lại trên tàu. (Sau này Timaskov trở thành trưởng phòng kỹ thuật tác chiến, chính ông đã thiết kế ra mìn từ trường. Wilhelm Kube thống đốc người Đức của Beloruxia chết bởi loại mìn đó năm 1943. Sau chiến tranh thế giới thứ hai ông là cố vấn của du kích quân Hi Lạp trong thời gian nội chiến.)
Ngày 23-5-1938, sau cơn mưa thời tiết ấm áp và rực nắng. Mười hai giờ kém mười. Khi dạo trong ngõ gần hiệu ăn “Atlanta”, tôi nhìn thấy Konovalets ngồi bên bàn cạnh cửa sổ chờ tôi đến. Lần này hắn đi một mình. Tôi bước vào nhà hàng, ngồi xuống cạnh hắn, và sau cuộc nói chuyện ngắn chúng tôi hẹn lại gặp nhau ở trung tâm Rotterdam lúc 17 giờ. Tôi trao cho hắn món quà, hộp kẹo sôcôla, và nói rằng tôi cần quay về tàu. Rời đi, tôi đặt cái hộp trên bàn bên cạnh hắn. Chúng tôi bắt tay nhau, và tôi đi ra, cố kìm cái mong muốn bản năng là bỏ chạy ngay tức khắc.
Tôi nhớ khi ra khỏi hiệu ăn, tôi ngoặt sang phải vào một hẻm phố mà dọc hai bên có vô số cửa hàng. Ngay trong cửa hàng đầu tiên bán quần áo nam, tôi đã mua một cái mũ phớt và chiếc áo khoác màu sáng. Ra khỏi cửa hàng, tôi nghe một âm thanh như tiếng nổ lốp xe. Mọi người quanh tôi chạy về phía hiệu ăn. Tôi vội vã ra ga, ngồi ngay lên chuyến tàu đầu tiên đi sang Paris nơi buổi sáng trong metro nhất thiết có người tôi quen biết phải đón tôi. Để đội phục vụ tàu không nhớ được tôi, tôi đã xuống một ga cách Rotterdam một giờ tàu chạy, ở nơi gần biên giói Bỉ, tôi gọi bữa trưa trong một hiệu ăn địa phương, nhưng không thể chạm đến thức ăn vì đầu đau khủng khiếp. Tôi vượt biên giới bằng taxi - lính biên phòng không để ý một chút nào đến hộ chiếu Tiệp của tôi. Cũng trên chiếc taxi đó tôi đi đến Brussels, nơi tôi phát hiện ra là đoàn tàu đi Paris vừa rời khỏi. Cũng may, chuyến tiếp theo xuất phát khá nhanh, và đến tối tôi đã ở Paris. Mọi sự qua đi không chút sơ sẩy. Tôi nhớ, ở Paris tại quầy đổi ngoại tệ trong khu vực ga, tôi đã bị đánh lừa khi đổi một trăm đôla. Tôi cho rằng tôi không nên dừng lại trong khách sạn để khỏi phải qua đăng ký: Con dấu Hà Lan trong hộ chiếu tôi được đóng khi qua biên giới, có thể làm cảnh sát để ý. Cơ quan phản gián chắc chắn sẽ kiểm tra tất cả những ai từ Hà Lan vào Pháp.
Tôi qua buổi tối khi dạo trên các đại lộ quây quanh trung tâm Paris. Để giết thì giờ, tôi vào rạp chiếu phim. Sáng sớm, sau nhiều giờ đi bộ, tôi ghé vào hiệu cắt tóc cạo râu và gội đầu. Sau đó tôi vội vã đến điểm hẹn quy ước từ trước để có mặt tại bến metro lúc mười giò sáng. Khi tôi bước ra đưòng ke, thì lập tức trông thấy nhân viên tình báo của chúng tôi Agaiants, bí thư thứ ba của sứ quán Liên Xô ở Paris, ông ta đã bỏ đi, nhưng nhận ra tôi, lập tức quay lại và ra hiệu đi theo ông. Chúng tôi bắt taxi đến rừng Boulogne nơi chúng tôi ăn sáng và tôi trao cho ông ta khẩu súng ngắn của mình và một mẩu giấy nhỏ mà nội dung cần chuyển về Moskva bằng mật mã. Mẩu thư viết: “Quà đã tặng. Gói hàng hiện giờ tại Paris, còn lốp chiếc ôtô tôi đi du lịch đã nổ trong khi tôi đi dạo các cửa hàng”. Không có khái niệm gì về nhiệm vụ của tôi, Agaiants dẫn tôi đến địa chỉ mật ở rìa Paris nơi tôi ở lại suốt hai tuần.
Trên báo không có lấy một dòng về sự cố ở Rotterdam. Thế nhưng các báo Nga lưu vong viết tràn về số phận tương lai của Ejov: theo ý họ, ông ta đã bị phán quyết như nạn nhân tiếp theo của chiến dịch thanh trừng. Đọc điều đó, tôi không thể không cười thầm: “Thực ngây ngô làm sao. Tất thẩy mới hai tháng trước đây con người này vừa chúc tôi thành công trong việc thi hành nhiệm vụ, và thêm nữa, tự tôi thấy đồng chí Stalin hoàn toàn tin cậy ông ta”.
Từ Paris theo các giấy tờ Ba Lan giả tôi đi ô tô và tàu hoả sang Barcelona. Báo chí địa phương đưa tin về sự cố lạ lùng ỏ Rotterdam, nơi tên thủ lĩnh phái dân tộc chủ nghĩa Ucraina Konovalets đi du lịch với hộ chiếu giả, đã chết trong vụ nổ trên đường phố. Trong các bản tin của báo được nêu ba giả thuyết: ông ta bị giết, hoặc bởi những người bolsevich, hoặc tập đoàn Ucraina cạnh tranh, hoặc, cuối cùng, những người Ba Lan đã thủ tiêu ông ta - để trả thù cho cái chết của tướng Peratsky.
Số phận cũng sắp đặt để Baranovxky, từ Đức đến Rotterdam gặp Konovalets một giờ sau vụ nổ, đã bị bắt bởi cảnh sát Hà Lan vốn nghi ngờ y trong vụ ám sát này, nhưng khi người ta đưa y đến quân y viện và chỉ thi thể người chết, y kêu lên: “Ôi lãnh tụ của tôi!” - điều đó, cùng với vé tàu hoả, là đủ để thuyết phục cảnh sát trong sự vô tội hoàn toàn của y.
Ngày hôm sau vụ nổ, cảnh sát Hà Lan có Baranovxky đi kèm đã tiến hành kiểm tra nhân viên tất cả các tàu Xô viết đang đậu ở cảng Rotterdam. Chúng tìm kiếm người được chụp trên tấm ảnh mà chúng có trong tay. Đó chính là tấm ảnh tay thợ ảnh rong ở Berlin chụp. Baranovxky biết rõ rằng Konovalets định gặp người đưa tin - điện báo viên sẽ đến Tây Âu từ một con tàu Liên Xô. Thế nhưng y hoàn toàn không tin chắc rằng đó chính là tôi. Cảnh sát
Hà Lan biết về cú điện thoại gọi Konovalets từ Na Uy và, lẽ tự nhiên, nghi ngờ rằng điệp viên đã gọi cho hắn. Thực ra, không ai biết chắc, ai là người Konovalets gặp vào cái ngày đen đủi đó. Khi xảy ra vụ nổ trên đường, không có ai bên cạnh hắn cả. Nhân thân của hắn vẫn không được cảnh sát Hà Lan làm sáng tỏ cho tới tận đêm khuya khi con tàu “Silca” của tôi từ lâu đã rời bến cảng Rotterdam. Cái chết của Konovalets gây nên sự chia rẽ trong OUN. Số phận những tên cầm đầu OUN làm việc thời Konovalets, thành ra bi kịch trong những năm 1939-1945. Trong tiến trình tranh giành quyền lực nội bộ OUN giữa Bandera được Đức giải thoát năm 1939, và Melnikov, kẻ thừa kế chính thức của Konovalets, những tay súng và chiến hữu lừng danh của Konovalets đã chết. Quân Bandera bắn chết Baranovxky, Xtsiborxky, Xusko ở Jưtomir và Lơvov vào những năm 1942-1943. Tay súng Lemec bị chúng tiêu diệt ở Poltava năm 1942.
Ở Tây ban Nha tôi dừng lại ba tuần như một lính tình nguvện Ba Lan trong thành phần đơn vị du kích quốc tế thuộc quân đội cộng hoà do NKVD lãnh đạo.
_____
[**] Từ đây, chúng tôi sẽ dùng chữ viết tắt MGB - (ND).
@by txiuqw4