1. Vụ sát hại Kirov. Huyền thoại và đầu cơ chính trị
Khi một kẻ vượt tuyến hay ai đó trong số chính khách chết, ngay lập tức người ta đưa những giả thiết khác nhau nhất. Nguyên nhân tự nhiên nhất của cái chết hay môtíp được lý giải logic của vụ giết người thường vẫn bị chôn vùi dưới những tầng dối trá vì bị che đậy và âm mưu thanh toán lẫn nhau.
Thí dụ cổ điển trong quan hệ này là cái chết của Kirov, nhà lãnh đạo Đảng ở Leningrad, bị giết năm 1934.
Kirov bị giết bởi Nikolaev. Vợ của Nikolaev, Milda Draule, là người phục vụ trong ban thư ký của Kirov ở Xmolnưi. Dĩ nhiên, đội bảo vệ cho Nikolaev vào Xmolnưi nhờ thẻ Đảng. Nhân thể nói thêm, dùng thẻ Đảng có thể đi vào bất cứ cấp bậc nào của Đảng, trừ BCH ĐCS Liên Xô (bolsevich). Ở Xmolnưi, cũng như ở các cơ quan tỉnh uỷ khác, không có hệ thống thẻ ra vào đối với các đảng viên, và Nikolaev chỉ cần chìa thẻ Đảng của mình là lọt vào được nơi kẻ lạ bị cấm.
Từ cô vợ làm việc ở NKVD trong bộ phận chuyên trách các vấn đề tư tưởng và văn hoá vào những năm 1933 - 1935 (nhóm của cô ta, phụ trách Nhà hát lớn và nhà hát opera và ba lê Leningrad về sau mang tên Nhà hát X.M. Kirov), tôi biết rằng Kirov rất yêu phụ nữ, và ông có nhiều tình nhân ở Nhà hát lớn và Nhà hát Leningrad. Sau vụ sát hại Kirov, Phòng NKVD đã làm sáng tỏ một cách chi tiết các quan hệ gần gũi của ông với các nữ nghệ sĩ.). Milda Draule phục vụ tại mấy buổi chiêu đãi của Kirov. Người phụ nữ trẻ quyến rũ này là một trong những “bạn gái” của ông. Chồng cô ta Nikolaev nổi bật bởi tính cách khó gần, đã gây sự với lãnh đạo và kết quả là bị khai trừ khỏi Đảng. Qua vợ mình, y cầu xin sự giúp đỡ của Kirov, và ông tác động việc phục hồi Đảng của y và thu xếp cho y làm việc ở quận uỷ. Milda định đưa đơn ly dị, và ông chồng ghen tuông đã giết “đối thủ”. Vụ giết người này bị Stalin lợi dụng tối đa để tiêu diệt các đối thủ của mình. Cái được gọi là âm mưu của bọn Trốtkít mà nạn nhân là Kirov, ngay từ đầu đã được chính Stalin dựng nên. Stalin, và sau đó là Khrusev và Gorbachov, xuất phát từ các quyền lợi riêng và mong làm lãng sự chú ý khỏi những thất bại của sự lãnh đạo đất nước, cố giữ thanh danh Kirov như một hiệp sĩ can trường và trong sạch. ĐCS đòi hỏi các thành viên của mình không tì vết trong đời tư, không thể tuyên cáo rùm beng rằng một trong những trụ cột của nó, nhà lãnh đạo tổ chức Đảng ở Leningrad, trong thực tế lại mắc vào quan hệ với những phụ nữ có chồng.
Các giả thiết chính thức được đăng trên báo chí, tự thân là sự bịa đặt từ đầu đến cuối. Giả thiết của Stalin nằm ở chỗ là các nhà lãnh đạo NKVD Leningrad Medved và Zaporojets theo lệnh của Trotsky đã giúp Nikolaev. Đối với Stalin cái chết của Kirov tạo nên một huyền thoại tiện lợi về một âm mưu bí mật, điều cho phép ông đổ sự thanh trừng xuống đầu kẻ thù và đối thủ của mình. Giả thiết của Khrusev là thế này: Nikolaev giết Kirov nhờ sự trợ giúp của Medved và Zaporojets theo lệnh Stalin. Nhưng các tài liệu chỉ ra rằng, Zaporojets bị xem là nhân vật chủ chốt trong số kẻ âm mưu và dường như liên hệ với Nikolaev theo tuyến NKVD, vào thời gian ấy bị gãy chân và đang chữa trị tại Krưm. Nảy ra câu hỏi: có thể nào một trong số nhà lãnh đạo chuẩn bị cuộc mưu loạn, lại vắng mặt lâu đến thế vào thời kỳ quyết định các sự kiện bi thảm?
Khrusev, nhấn mạnh sự kiện rằng nhiều nhà lãnh đạo Đảng nài Kirov tranh cử chức Tổng bí thư tại đại hội Đảng lần thứ XVII, buộc tội Stalin trong việc Stalin đã quyết định thủ tiêu Kirov khi biết về phái đối lập này. Đối với Khrusev một giả thiết như thế cho khả năng trình thêm một lời buộc tội trong danh mục dài dằng dặc những tội ác của Stalin. Không hề tồn tại các tài liệu và chứng cứ khẳng định sự liên đới của Stalin hay bộ máy NKVD tới vụ sát hại Kirov. Kirov không là kẻ cạnh tranh của Stalin. Ông là một trong những người theo Stalin kiên định, đóng vai trò tích cực trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa xét lại trong Đảng, không khoan nhượng với bọn xét lại và về mặt này không hề có chút khác biệt nào với những chiến hữu khác của Stalin.
Giả thiết của Khrusev sau này được khuyến khích và thừa nhận bởi Gorbachov như một bộ phận của chiến dịch chống Stalin. Che giấu các sự kiện đích thực, các nhà lãnh đạo mưu toan cứu vớt thanh danh của ĐCS, tìm những nhân vật có tiếng trong Đảng bị coi là đối nghịch với lãnh tụ. Được tạo ra huyền thoại về hạt nhân ở BCHTƯ đứng đầu là Kirov đã đối kháng với Stalin và những người chung chí hướng của ông.
Toàn bộ gia đình Nikolaev, Milda Draule và mẹ cô, bị xử bắn sau vụ mưu sát hai hoặc ba tháng. Milda và gia đình cô, những nạn nhân vô tội của sự chuyên chế, không được minh oan trước 30 - 12 - 1990, khi vụ án của họ nổi lên trên mặt báo chí Xô viết. Các quan chức cao cấp NKVD, đặc biệt là những người biết rõ về đời tư của Kirov, thừa biết: nguyên do vụ sát hại ông là sự ghen tuông của ông chồng bị lừa dối. Nhưng không ai trong số họ dám cả gan nói về điều đó, bởi nhẽ giả thiết về âm mưu chống Đảng do chính Stalin đưa ra và phản bác nó là vô cùng nguy hiểm. Trước cái chết của Kirov, không hiếm khi có thể bắt gặp Stalin trên phố Arbat có Vlaxich - chỉ huy cận vệ và hai vệ sĩ, tháp tùng, ông thường ghé thăm nhà thơ Demian Bednưi, đôi khi thăm người quen sống trong các chung cư. Các nhân viên NKVD và cựu chiến binh có huy hiệu “Nhân viên Treka danh dự” trên đó vẽ thanh chắn và lưỡi kiếm, và chứng chỉ về nó, có thể đến Lubianka không bị ngăn trở; họ có quyền đi lại khắp nơi, trừ các nhà tù. Toàn bộ hệ thống này bị thay đổi không chậm trễ: vụ sát hại Kirov là cái lý để siết chặt sự kiểm soát mà chẳng bao giờ bị nới lỏng thêm nữa.
Sự đầu cơ nhân cái cái chết của Kirov vẫn tiếp diễn vào những năm 60. Tôi nhớ những lá thư nặc danh khẳng định rằng, kẻ sát nhân đích thực đã kịp tẩu thoát. Dmitri Efimov, Bộ trưởng an ninh Latvia vào những năm 40, sau chiến tranh đã kể với tôi là đã nhận được lệnh tìm kiếm kẻ giết Kirov, đâu như ẩn nấp tại một thị trấn nhỏ của Litva. Các nhân viên của ông ta đã tìm ra được tác giả của bức thư nặc danh, vốn trở thành tín hiệu cho các vụ kiếm tìm. Gã là một kẻ say rượu. Thế nhưng sự điều tra đã được tiến hành dưới sự giám sát trực tiếp của Ban thanh tra Đảng trực thuộc BCHTƯ ĐCS Liên Xô.
Kết luận của Ban kiểm tra TƯ về cái chết của Kirov vẫn không được đăng báo. Chỉ sau khi vào tháng 7 - 1990 uỷ ban nổi tiếng về thanh trừng bị giải tán, Viện Công tố đã chuyển bản phản đối giám sát lên Toà án Tối cao Liên Xô đề nghị minh oan cho các thành viên gia đình Nikolaev. Vụ án chỉ khép lại vào ngày 30 tháng 12 1990, khi tất cả các thành viên của gia đình Nikolaev được minh oan chính thức bởi Toà án Tối cao Liên Xô, Quyết định của toà ghi nhận rằng không có một âm mưu nào cả với mục đích sát hại Kirov và tất cả “đồng lõa” của Nikolaev đơn giản là những người quen của Kirov hay nhân chứng những vụ ăn chơi của ông ta.
Nhưng thậm chí lúc ấy, với hệ thống này cái gọi là quốc gia pháp quyền, cả Medved lẫn Zaporojets đều không được minh oan từ họ không được xóa bỏ những lời buộc tội phản quốc, trong đó có âm mưu sát hại Kirov và hợp tác với tình báo Đức và Latvia. Nguyên do là đâu? Viện Công tố đơn giản là sợ đưa vấn đề này ra, bởi Medved và Zaporojets bị xem là có tội trong các cuộc thanh trừng được tiến hành vào giai đoạn đầu các các vụ thanh lọc của Stalin.
Trong các nhà sử học của Đảng từ lâu ngự trị cái quan niệm rằng tình sử của Milda Draule với Kirov đã kết thúc bằng sự ghen tuông của chồng cô ta, Nikolaev, nổi tiếng về và tính gây gổ nóng nảy. Nếu công bố, sẽ trình ra trước dư luận một bức tranh không đẹp về cuộc đời tư Kirov và chính điều đó huỷ hoại nguyên lý thiêng liêng của Đảng - không bao giờ hé mở bức màn bí mật về đời của các uỷ viên Bộ Chính trị và không đào bới đống áo quần bẩn của họ.
Ngày 4- 11- 1990 báo “Sự thật” đăng những tài liệu mới của KGB và Viện Công tố về vụ án Kirov, trong đó khẳng định rằng vụ sát hại ông ta có tính chất thuần tuý cá nhân, dù không thổ lộ các chi tiết và mục đích của tội phạm. Tờ Sự thật thậm chí không nhắc đến tên Milda Draule. Trong ấn phẩm chứa đựng lời buộc tội quy cho Iakovlev đã từ bở chức vụ chủ tịch ban thanh tra của Đảng có nhiệm vụ điều tra các vụ thanh trừng của Stalin, người dường như kìm hãm việc minh oan cho gia đình Nikolaev và những người vô tội bị khép đã tham gia vào âm mưu.
Iakolev nổi giận đã đáp lại cũng thông qua tờ báo ấy (số ra ngày 28 - 1 - 1991), cho đến giờ ông ta vẫn tin vào sự tồn tại của âm mưu giết Kirov và một số giả thiết là vụ mưu sát này được dự tính như thế nào. Đồng thời Iakovlev không nhắc tới cả Milda Draule lẫn về cái có vẻ là ý đồ đưa Kirov thay thế Stalin làm Tổng bí thư tại đại hội Đảng lần thứ XVII.
Trong cuốn sách Stalin: chiến tích và bi kịch Dmitri Volkogonov viện tới những tin đồn về tình sử của Milda Draule với Kirov, nhưng bác bỏ chúng như những lời vu khống. Các tài liệu chỉ ra các quan hệ đặc biệt giữa Milda Draule với Kirov mà chúng tôi biết được từ vợ tôi và tướng Raikhman, lúc ấy là lãnh đạo phản gián tại Leningrad, có trong các tin tức từ các chỉ điểm viên NKVD trong Nhà hát Leningrad. Các nữ diễn viên ba lê trong số tình nhân của Kirov cho Draule là đối thủ và không thể hiện sự kiềm chế đúng mực trong những lời nói của mình, đã bị tống vào trại tập trung vì “sự vu khống và tuyên truyền phản Xô viết”... Tên Kirov và ký ức về ông là thiêng liêng. Trong mắt nhân dân, Kirov là mẫu mực về một nhà bolsevich cứng rắn, người trung thành vói Stalin và, tất nhiên thôi, chỉ kẻ thù mới có thể giết chết một con người như thế. Lúc ấy tôi không một phút giây ngờ vực vào sự cấp thiết bảo vệ hình tượng của Đảng cầm quyền và không hé lộ các sự kiện đích thực liên can đến vụ sát hại Kirov.
Chúng tôi, những chiến sĩ Treka, một cách không chính thức được gọi là những người nhận về mình vai trò thợ phụ việc của cách mạng, nhưng dẫu sao cũng trải qua những tình cảm mâu thuẫn khác nhau nhất. Vào những ngày ấy tôi thành thực tin - và đến giờ vẫn tiếp tục tin, - rằng Zinoviev, Kamenev, Trotsky và Bukharin là kẻ thù thực sự của Stalin. Trong phạm vi của hệ thống độc tôn mà họ là một bộ phận, cuộc đấu tranh với Stalin có nghĩa là sự đối kháng với hệ thống Đảng - nhà nước. Xem họ như những kẻ thù của chúng ta, tôi không thể có một sự đồng cảm nào đối với họ. Vậy nên tôi mới có cảm giác rằng nếu những lời buộc tội đưa ra chống lại họ, có phóng đại đi nữa, thì điều đó cũng chỉ là vặt vãnh. Vốn là người cộng sản theo lý tưởng, tôi nhận thức quá chậm toàn bộ tính quan trọng của các vụ việc “vặt vãnh” kiểu này và vẫn tiếc nuối mình đã không đúng.
Một cách có ý thức hay không, nhưng chúng tôi đã cho phép lôi kéo bản thân vào công việc của bộ máy thanh trừng khổng lồ, và mỗi một người chúng tôi có nghĩa vụ ăn năn vì những khổ đau của những người vô tội. Các quy mô những cuộc thanh trừng này làm tôi khiếp sợ. Hôm nay khi đưa ra sự đánh giá lịch sử đối với thời ấy, thời những cuộc thanh trừng hàng loạt - mà nó động đến cả quân đội, giới nông dân và công chức, - tôi nghĩ chúng có thể tương tự những vụ tàn sát được thực hiện dưới thời cai trị của Ivan Groznưi và Piotr Đệ nhất. Không vô cớ người ta gọi Stalin là Ivan Groznưi thế kỷ XX. Thật bi thảm là đất nước ta có những truyền thống quá tàn khốc như vậy.
Stalin nhào nặn vụ án Kirov cho các quyền lợi cá nhân, và “âm mưu" chống Kirov được ông thổi phồng thật khéo. Ông ngụy tạo “vụ âm mưu to lớn” không chỉ chống Kirov, mà còn là chống lại chính ông. Vụ sát hại Kirov ông biết cách lợi dụng để dọn đi những kẻ mà ông nghi ngờ là những đối thủ tiềm năng hay những người đối lập công khai, điều mà ông đơn giản là không thể chịu đựng nổi. Thoạt đầu rơi vào số “những kẻ mưu phản” là những người quen của Nikolaev, sau đó - gia đình Draule, sau nữa đến lượt Zinoviev và Kamenev, ban đầu bị qui trách nhiệm đạo đức vì vụ giết người, còn sau nữa bị buộc là tổ chức trực tiếp nó. Các đồng nghiệp và người quen của Nikolaev bị liệt vào phái chống đối Zinoviev. Sau đó Stalin quyết định thoát khỏi Iagoda và những nhân vật có chức tước biết được sự thật. Họ cũng bị lôi kéo vào “cuộc mưu phản” và bị tiêu diệt. Muộn hơn người ta biến Iagoda thành nhà tổ chức chủ chốt vụ sát hại Kirov, và như Raikhman kể với tôi, Stalin, sợ bại lộ các môtíp riêng tư “sự trả thù” của Nikolaev, thậm chí đã ra lệnh theo dõi bà vợ góa của Kirov cho đến chết.
Trong hoàn cảnh tương tự nói sự thật về Kirov là không thể. Không ai ở bậc cao quyền lực có thể cản trở, Stalin lợi dụng vụ sát hại này vào các mục đích của mình. Về sau vụ án Kirov bị ỉm đi vì lợi ích chính trị hay bị lợi dụng nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của xã hội tới tình trạng kinh tế và chính trị bị xấu đi. Mỗi đợt điều tra mới, tuân theo các đòi hỏi chính trị, chỉ đẻ thêm sự dối trá, càng làm khó hơn cho các thế hệ tương lai khả năng tái lập lại các sự kiện đích thực. Tôi tin chắc: vụ sát hại Kirov là hành vi trả thù cá nhân, nhưng đưa ra công luận sự kiện này - có nghĩa là có hại cho Đảng vốn là công cụ của quyền lực và mẫu mực của đạo lý cao cả đối với những người dân Xô viết.
@by txiuqw4