1. Mồi nhử của việc thanh toán nhóm Tukhatrevxky
Tháng 5 - 1937 nhóm Tukhatrevxky gồm tám người là tinh hoa của giới chỉ huy quân sự Liên Xô bị bắt, người ta buộc tội họ phản quốc, làm gián điệp và âm mưu quân sự bí mật lật đổ chính phủ. Qua hai tuần, và theo tuyên án của toà án quân sự tất cả họ bị xử bắn. Sự tàn sát hàng loạt trong quân đội bắt đầu như thế mà kết quả là ba mươi lăm nghìn nhà chỉ huy quân sự chịu nạn.
Người nổi tiếng nhất trong các tướng lĩnh quân đội là nguyên soái Mikhail Nikolaevich Tukhatrevxky một thời gian dài là thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu. Từ các tài liệu hiện nay được công khai thấy rõ rằng sự buộc tội chống Tukhatrevxky và các nhà lãnh đạo quân sự khác của đất nước được ngụy tạo theo chỉ thị của Stalin và Vorosilov.
Có ba giả thuyết, tại sao Stalin đi tới sự thanh toán này. Giả thuyết thứ nhất các là thông tin giả của các cơ quan đặc biệt Đức và Tiệp đã thuyết phục được Stalin hay ngờ vực và bộ trưởng Quốc phòng của ông ta là Vorosilov, rằng Tukhatrevxky và một loạt tướng lĩnh khác giữ các tiếp xúc bí mật với các giới quân sự Đức. Chính Khrusev nhắc lại giả thuyết này trong phát biểu của ông ta với sự phê phán Stalin tại đại hội đảng lần thứ XXII năm 1961.
Nhưng các tiếp xúc với người Đức nên xem xét trên nền sự hợp tác quân sự chặt chẽ Xô - Đức vào những năm 1920 - 1930. Một giai đoạn dài sự hợp tác quân sự của Đức và Liên Xô bất ngờ bị Stalin cắt đứt năm 1933 với lý do giả trá rằng người Đức bí mật chia sẻ với người Pháp thông tin về các mối liên hệ đó. Trong khi đó nhóm các nhà hoạt động quân sự Xô viết đứng đầu là nguyên soái Tukhatrevxky nhận thấy sự có lợi của những tiếp xúc này và hi vọng sử dụng các công nghệ quân sự tân tiến của họ. Từ phía Đức cũng tồn tại mối quan tâm đối với quan hệ Liên Xô, dù theo những ý đồ khác. Các nhà quân sự cao cấp xuất thân từ Đông Phổ, đi theo người sáng lập đế chế, tướng Hans von Beck. Sau thất bại trong thế chiến I tướng von Beck nhiều năm chuyên tâm phục hồi bộ máy quân sự Đức và nghiên cứu tư tưởng chiến lược mới. Chính ông ta phát biểu trước giới lãnh đạo Đức ủng hộ cải thiện các mối quan hệ với Liên Xô, chỉ ra rằng mục đích chính của nước Đức trong trường hợp chiến tranh không để xảy ra hoạt động quân sự trên cả hai mặt trận.
Giả thuyết thứ hai họ trở thành nạn nhân vì có trí tuệ vượt khá xa Vorosilov và có quan điểm riêng về các vấn đề xây dựng quân đội. Tukhatrevxky và nhóm của ông đâu như không đồng tình với Stalin và Vorosilov về vấn đề chiến lược của các cải cách quân đội, mà theo điều đó, Stalin sợ các đối thủ, những người có thể cạnh tranh quyền lực, đã quyết định thanh toán họ.
Giả thuyết thứ ba, người ta tiêu diệt các nhà quân sự do sự thù địch từ xưa giữa Tukhatrevxky và Stalin, vốn có các quan điểm khác nhau về trách nhiệm trong cuộc chiến tranh với bạch vệ Ba Lan vào năm 1920. Tukhatrevxky cho rằng Hồng quân thất bại trên ngưỡng cửa vào Varsava vì Stalin và Vorosilov đâu như từ chối ném các phân đội kỵ binh trợ giúp cho Tukhatrevxky.
Quan điểm của tôi về thảm kịch này khác hẳn. Tôi nhớ tháng 8 - 1939 những tin tức từ Đức cho thấy lãnh đạo quân sự Đức đánh giá cao tiềm năng của Hồng quân, làm tôi ngạc nhiên một cách dễ chịu. Trong một tài liệu mà chúng tôi bắt được, nguyên nhân cái chết của nguyên soái Tukhatrevxky được đánh giá là do tự cao quá độ và bất đồng ý kiến với nguyên soái Vorosilov, người chia sẻ một cách vô điều kiện mọi quan điểm của Stalin.
Phê chuẩn danh mục tài liệu tình báo dành cho Stalin, Beria cho vào đấy một câu từ tài liệu này:
“Việc loại trừ Tukhatrevxky chỉ rõ rằng Stalin kiểm soát trọn vẹn tình hình trong Hồng quân”, - có thể, nhằm nịnh bợ lãnh tụ, khi bằng chính cách đó nhấn mạnh tầm nhìn xa trông rộng của ông ta trong sự loại bỏ Tukhatrevxky một cách kịp thời.
Tôi cũng nhớ những bình phẩm của Beria và Abakumov, trong những năm chiến tranh là chỉ huy phản gián quân sự XMERS, chịu trách nhiệm về mặt chính trị của các lực lượng vũ trang. Cả người này lẫn người kia đều nói về sự khó chịu của Tukhatrevxky và giới thân cận của ông, những kẻ dám nghĩ rằng dường như Stalin theo đề nghị của họ, sẽ cách chức Vorosilov. Theo lời Beria, chỉ một sự kiện này đã chỉ rõ ràng rằng các nhà quân sự, vi phạm thô bạo trật tự đã thiết lập, đưa ra những yêu cầu vượt ra ngoài giới hạn trách nhiệm của họ. Lẽ nào, ông ta nói, họ không biết chỉ có Bộ Chính trị và không ai khác có quyền đặt vấn đề về sự thay đổi bộ trưởng Bộ Quốc phòng? Ở đây người ta cũng nhớ lại, Abakumov nhấn mạnh, rằng Tukhatrevxky và những người của ông ta đã cho phép mình gọi dàn nhạc quân đội đến phục vụ ở biệt thự riêng.
"Bên trên” đã xử sự nghiêm khắc như thế nào, tôi biết từ nguyên soái Saposnikov, người thay Tukhatrevxky. Đang chiến sự, vào giai đoạn rất nặng nề của các trận đánh gần Moskva, xét tính khẩn cấp các tin tức từ hậu phương Đức, đôi lần tôi báo cáo tài liệu trực tiếp với ông, bỏ qua các kênh thông thường. Và mỗi lần ông lại nhã nhặn chỉ cho tôi biết: “Anh bạn ạ, những số liệu tình báo quan trọng anh nhất thiết cần phải thể hiện trước hết trong các báo cáo của NKVD và ban lãnh đạo chính trị của đất nước. Stalin, Beria và đồng thời bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải biết trọn vẹn về công việc chung của chúng ta”.
Còn một tình huống có vai trò trong số phận Tukhatrevxky: ông có quan hệ xấu đối với Saposnikov. Cuối những năm 20 Tukhatrevxky, như người ta nói với tôi, tiến hành mưu mô chống lại Saposnikov nhằm chiếm vị trí Tổng tham mưu trưởng. Nhân thể, Saposnikov là một trong các thành viên đặc biệt của Toà án Tối cao, toà đã tuyên án tử hình Tukhatrevxky. Ông, Budennưi và chánh án Ulric là những người duy nhất của Bộ Tổng tham mưu thoát khỏi bị thanh trừng.
Tôi tưởng tượng rằng Tukhatrevxky và nhóm của ông trong cuộc đấu tranh nhằm tác động đến Stalin đã rơi vào bẫy. Trong những buổi gặp gỡ thường xuyên với Stalin, Tukhatrevxky chỉ trích Vorosilov, Stalin khen sự chỉ trích này, gọi nó “có tinh thần xây dựng”, và thích bàn bạc các phương án cất nhắc và gạt bỏ mới. Ông ta cũng thích xem xét các cách tiếp cận khác nhau đối với tư tưởng quân sự. Tukhatrevxky cho phép mình tự do bàn luận tất cả moi thứ đó không chỉ sau các cánh cửa kín, mà còn tung các tin đồn về trong ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Ngắn gọn, ông và các đồng nghiệp của ông, theo ý Stalin, đã đi quá xa. Sau khi NKVD báo cáo với chính phủ về các tin đồn đang lan ở thủ đô, điều đó đã làm giới lãnh đạo đất nước lo lắng. Thậm chí những nhà sử học cháy bỏng khát khao vạch trần các sai lầm của Stalin, cũng không thể không thừa nhận rằng các tài liệu vụ án Tukhatrevxky chứa những chứng cứ khác nhau liên quan đến các kế hoạch phân bổ lại trong giới lãnh đạo quân sự đất nước.
Trong các lưu trữ của Hồng quân được công bố có thể đọc, ví dụ, thư của Vorosilov ngày 5 - 6 - 1937 có chữ ký của chỉ huy ban thư ký Bộ Quốc phòng Xmorodinov. Trong nó chứa đựng yêu cầu chuyển cho NKVD các bản sao thư từ của Tukhatrevxky gửi giới lãnh đạo quân sự. Và dù trong tài liệu không có chỉ thị gì, thấy rõ rằng trong tiến trình “điều tra”, Tukhatrevxky kiên quyết phản bác lại các lời cáo buộc, trong khi đó viện dẫn tới tài liệu khẳng định rằng không có bất đồng ý kiến nào cả về các vấn đề quân sự giữa ông, Vorosilov và Stalin.
Tukhatrevxky khẳng định rằng ông tiếp xúc với các đại diện quân sự Đức tuyệt đối theo nhiệm vụ của chính phủ. Ông tìm mọi cách chứng minh rằng luôn luôn nhìn thấy nghĩa vụ của mình ở sự thực hiện không suy suyển các mệnh lệnh.
Giả thuyết của Khrusev về việc Stalin “đã nuốt” phải thông tin giả của Đức, khơi gợi thanh trừng Tukhatrevxky, dựa trên cơ sở những điều bịa đặt của kẻ vượt tuyến người Liên Xô Krivitsky, tác giả cuốn Tôi từng là điệp viên của Stalin xuất bản năm 1939. Krivitsky làm việc cho NKVD và tình báo quân đội tại Tây Âu và trong cuốn sách của mình viết rằng NKVD nhận được thông tin mật về một âm mưu từ tổng thống Tiệp Eduard Benes và từ điệp viên của chúng ta Xkoblin (mật danh “Chủ trại”), nguyên là tướng bạch vệ, từng tham gia nội chiến. Krivitsky buộc tội Xkoblin là ông ta chuyển cho Liên Xô thông tin giả của Đức về những tiếp xúc bí mật của Tukhatrevxky với các giới quân sự Đức. Muộn hơn tướng Sellenberg, chỉ huy tình báo nước ngoài của Hitler, trong các hồi ký của mình cũng viết rằng người Đức ngụy tạo các tài liệu trong đó Tukhatrevxky nổi lên như một điệp viên của họ. Trước chiến tranh, theo lời ông ta, các tài liệu được lén ném cho người Tiệp, và Benes chuyển thông tin nhận được cho Stalin.
Đối với tôi đó là chuyện huyễn hoặc. Những tài liệu tương tự chẳng phát hiện thấy trong lưu trữ của KGB hay lưu trữ của chính Stalin.
Nhưng nếu phục hồi lại tuần tự các sự kiện, thì có thể trông thấy rằng Xkoblin như một điệp viên Gestapo lần đầu tiên được viết trên báo Sự thật năm 1937. Bài báo đã được thoả thuận với ban lãnh đạo tình báo và được đăng nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những lời buộc tội về sự liên đới của tình báo Xô viết tới vụ bắt cóc tên tướng Miller.
Vụ án hình sự chống lại Tukhatrevxky dựa trên chính những lời khai của ông, và tuyệt đối thiếu các chứng cứ khép tội cụ thể nhận được từ nước ngoài. Nếu tồn tại những tài liệu như thế, thì với vai trò phó chỉ huy tình báo trước khi xảy ra chiến tranh, chắc chắn tôi đã nhìn thấy chúng hoặc biết về sự tồn tại của chúng. Sự gợi nhớ duy nhất về “dấu vết Đức” trong vụ Xkoblin là viện dẫn thủ thuật dối trá của ông ta mà nhờ đó nhử được tướng Miller đến phòng hẹn mật tại Paris. Xkoblin nói với Miller về “các tiếp xúc của Đức” vốn rất quan trọng đối với công tác bí mật của bạch vệ lưu vong. Miller gặp không phải người Đức, mà là Kixlov (mật danh “Finn”, trưởng nhóm điệp viên NKVD ở Paris và Spigelglaz (mật danh “Duglax”).
Nhân thể, bất chấp các giả thuyết của các sự kiện, trong những cuốn sách nổi tiếng ở phương Tây của Christofer Endru và Gordievxky, John Jiziak và Krivitsky, Xkoblin không tham gia vào việc loại bỏ tướng Kutepov, tiền nhiệm của Miller. Chiến dịch năm 1930 này được cơ quan tình báo của Xerebrianxky tiến hành. Kutepov bị bắt giữ tại trung tâm Paris bởi ba điệp viên của ta cải trang làm cảnh sát Pháp. Họ giữ Kutepov lại trên phố với lý do kiểm tra giấy tờ và cưỡng chế nhét vào xe. Kutepov ngờ điều không lành, đã chống cự. Trong lúc vật lộn y bị một cơn đau tim và đã chết. Y được chôn ở ngoại vi Paris trong sân nhà của một điệp viên tình báo Xô viết.
Và thế, thực tế không có những số liệu gì về những tiếp xúc trái phép của Tukhatrevxky với người Đức. Thế nhưng trong lưu trữ có nhiều tổng luận của báo chí nước ngoài và phát biểu của lãnh đạo các nước phương Tây về âm mưu của Tukhatrevxky.
Tháng 7 - 1937 đại diện sứ quán Liên Xô ở Tiệp Khắc Alexandrovxky báo về Moskva phản ứng của tổng thống Benes, người được mô tả bởi các sử gia Xô viết là kẻ “chân tình với những ý định tốt đẹp nhất đã bán đứng Tukhatrevxky cho Stalin, không ý thức được rằng ông ta chuyển cho chính quyền Xô viết những tài liệu do người Đức ngụy tạo”. Thế nhưng các tài liệu lại nói hoàn toàn về điều khác.
Theo bác cáo của Alexandrovxky, Benes không tin dường như Tukhatrevxky là gián điệp và làm loạn. Theo lời Benes, Tukhatrevxky “có thể tính đến chuyện lật đổ Stalin, khi chỉ dựa vào Iagoda - bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô”. Dựa vào thông tin của đại sứ Tiệp ở Berlin, Benes chỉ ra: Tukhatrevxky đơn giản là ủng hộ sự tiếp tục hợp tác Xô - Đức vốn bị cắt đứt do việc Hitler lên cầm quyền. Rõ ràng, Benes không xem lời buộc tội Tukhatrevxky làm gián điệp là nghiêm túc, nhưng cảm thấy rằng theo nguyên nhân này nọ nguyên soái Tukhatrevxky bị bài xích, và góp phần mình vào sự làm giảm niềm tin Tukhatrevxky, bởi ông ta đang cần sự ủng hộ của Stalin. Ông ta cũng như Beria muốn cho thấy sự tán thưởng trọn vẹn của mình với quyết định của Moskva trừ khử Tukhatrevxky. Trong nhật ký Alexandrovxky dẫn lời phát biểu của Benes nói về Tukhatrevxky như về một kẻ phiêu lưu và là một người không đáng tin. Nói chung Benes ủng hộ sự thanh toán Tukhatrevxky, nhưng không đóng vai trò gì trong sự loại bỏ và bắt giữ ông.
Như tôi còn nhớ, trong văn bản vụ “Khutor” có nhắc đến việc Benes tháng 4 - 1937, ngay trước khi gạt bỏ Tukhatrevxky, đã nói bóng gió với đại diện sứ quán Alexandrovxky và trưởng nhóm tình báo ở Praha Piotr Zubov, rằng không loại trừ khả năng hiệp định quân sự giữa Liên Xô và Đức, bất kể những bất đồng ý kiến, một phần do các liên hệ đã được Tukhatrevxky thiết lập vào những năm 20 - 30. Vậy mà chỉ ngày 4 - 7 - 1937, sau vụ tử hình Tukhatrevxky, Benes mới kể về những tiếp xúc “nào đó” của đại sứ Tiệp ở Berlin với các đại diện quân sự Đức mà đâu như diễn ra vào tháng 1 - 1937 với Alexandrovxky. Theo lời ông ta, Benes không báo cho chúng ta là người Tiệp có thông tin về sự có mặt tại Đức một nhóm có các nhà quân sự ủng hộ sự tiếp tục các quan hệ Xô - Đức từng được thiết lập từ những năm 20.
Từ đại sứ của mình ở Berlin Benes nhận được một báo cáo chứa những ẩn ý mơ hồ của các tướng lĩnh Đức về các quan hệ bí mật với giới lãnh đạo Hồng quân. Mục đích của Đức làm người Tiệp sợ và phải tin rằng họ đừng hòng tính đến sự ủng hộ của Hồng quân trong sự đối đầu với nước Đức về vấn đề số phận của Sudet. Đó là vào tháng 7 - 1937 - một năm trước tối hậu thư của Hitler đối với Benes, đòi hỏi Sudet sáp nhập vào nước Đức. Trong nhật ký của mình vị đại sứ ghi rằng Benes đã xin lỗi ông vì đã không chia sẻ với lãnh đạo Xô viết những thông tin đó.
Từ các tài liệu của vụ việc đã sáng tỏ mục đích cuộc gặp gỡ tháng 7 giữa đại diện sứ quán Alexandrovxky, trưởng nhóm tình báo NKVD Zubov và Benes.
Hiện nay nội dung cuộc trao đổi của Benes với Alexandrovxky bị phủ nhận. Một tình huống khác quan trọng hơn cả bị giấu nhẹm: năm 1935 Liên Xô và Tiệp Khắc đã ký những hiệp ước bí mật về hợp tác của các cơ quan tình báo. Để quyết định vấn đề này đại tá Morabets phụ trách tình báo Tiệp đã sang Moskva. Sự hợp tác tình báo Liên Xô và Tiệp Khắc, sự trao đổi thông tin thoạt đầu do Tổng cục tình báo Hồng quân, còn từ năm 1937 do NKVD. Năm 1938 Benes yêu cầu Stalin ủng hộ các hành động về việc lật đổ chính phủ Stoiadinovich tại Belgrad vốn tiến hành đường lối thù địch đối với ban lãnh đạo Tiệp Khắc.
Theo chỉ thị đặc biệt của Stalin để ủng hộ cuộc đảo chính tại Belgrad năm 1938, NKVD được giao tài trợ cho các phần tử vũ trang - sĩ quan Xécbi - những kẻ tổ chức cuộc đảo chính này. Nhóm trưởng tình báo Zubov đi sang Belgrad để chuyển tiền cho những kẻ mưu loạn, đã tin chắc rằng những người được tình báo Tiệp chọn lựa cho hành động này - là những tên phiêu lưu, không dựa vào thực lực, và đã không trao cho họ 200 nghìn đôla. Chiến dịch không thành này chiếu ánh sáng lên các liên hệ của Benes và Stalin từ trước đến giờ không ai rõ. Mục đích của Benes là nhận được sự ủng hộ trọn vẹn phía Stalin cả ở vùng Balkan lẫn ở châu Âu nói chung. Đấy là lý do tại sao khác với người Anh và người Pháp, ông ta không thể hiện thái độ đối với vụ tử hình nguyên soái Tukhatrevxky và làn sóng thanh trừng trong bộ chỉ huy quân sự Hồng quân.
Bi kịch là ở chỗ Stalin và sau này là Khrusev, Brejnev và Gorbachov đã sử dụng tin tức của nước ngoài để bôi nhọ thanh danh các đối thủ của mình vào giai đoạn tranh giành quyền lực gay gắt. Vào lúc bình thường các tổng luận của báo chí nước ngoài chẳng được xem có một ý nghĩa gì nghiêm túc, nhưng một số thời điểm nó là chứng lý nhằm đánh giá sự “lệch lạc” của họ với đường lối của đảng. Thêm nữa nguyên tắc này thậm chí được củng cố bằng một sắc lệnh đặc biệt của BCHTƯ.
Năm 1989 Boris Eltsin trong chuyến công du đầu tiên sang Mỹ đã bị buộc tội say rượu, khi chỉ viện dẫn báo chí nước ngoài. Năm 1990 các tài liệu này có vai trò trong mâu thuẫn giữa Gorbachov và Sevardnadze, cựu ngoại trưởng. Việc sử dụng những mẩu cắt từ báo chí nước ngoài chỉ được chặn lại vào tháng 11 - 1991 - ngay trước sự kết thúc “kỷ nguyên Gorbachov”. Làm điều đó là Ingatenko, Tổng giám đốc TASS, khi cấm chuyển theo kênh TASS về chính phủ những tổng luận đặc biệt chứa đựng sự bôi nhọ các nhà lãnh đạo của chúng ta.
Vào những năm 30 chúng ta có cảm tưởng: rằng bất kỳ ai chống lại chính phủ hay lãnh đạo đảng, trước hết là chống chính Stalin, cũng như chiến hữu của ông ta - Bộ trưởng Vorosilov - là kẻ thù của nhân dân. Chỉ tôi mới thấm hiểu tính đểu giả các nhận xét của Beria và Abakumov về Tukhatrevxky. Lãnh đạo tối cao biết quá rõ: tất cả những cáo buộc chống ông là bịa đặt. Họ thích giả thuyết về cuộc mưu phản bởi vì nếu không họ buộc phải chấp nhận rằng nạn nhân những vụ thanh trừng trên thực tế là đối thủ trong cuộc chiến vì quyền lực. Một sự chấp nhận như thế hẳn làm tổn hại hình tượng của đảng cầm quyền.
Điều mà năm 1937 được coi là tội ác nghiêm trọng - tôi ý nói sự cáo buộc trong sự thiếu chuyên nghiệp của Vorosilov, điều Tukhatrevxky cho phép bản thân nói lên - hai chục năm sau khi chết được minh oan, đã không đúng nữa. Đồng thời chẳng ai giải thích những lý do đích thực của sự kiện. Trong các thông báo chính thức chỉ xuất hiện những trích dẫn mơ hồ về “những sai lầm có chỗ” trong đường lối trừng phạt, những kẻ có lỗi bị nêu danh chỉ là Ejov và tay chân của ông ta.
@by txiuqw4