Tháng 8 - 1939 khối lượng thông tin tình báo vọt lớn đột ngột. Chúng tôi nhận được những tin tức tin cậy về việc các chính phủ Pháp và Anh không nóng vội giúp Liên Xô trong trường hợp chiến tranh với Đức. Điều đó hoàn toàn trùng hợp với các số liệu nhận được ba hay bốn năm về trước từ nhóm Cambrige. Theo các tin tức này, văn phòng hội đồng bộ trưởng Anh, chính xác hơn, Nevill Chamberlain và ngài John Saimon xem xét khả năng thoả thuận ngầm với Hitler để giúp y trong sự đối kháng quân sự với Liên Xô. Thông tin từ ba nguồn tin cậy ở Đức lưu ý đặc biệt: Đức quốc xã kiên quyết phản đối chống lại chiến tranh trên hai mặt trận.
Các chỉ thị nhận được buộc chúng tôi nhanh chóng xem xét các phương án hợp tác với các bên về việc chống trả sự gây hấn chiến tranh. Chỉ thị đề cập không chỉ đến các cuộc thảo luận từ đầu năm 1939 với Anh và Pháp, mà còn cả với nước Đức. Ở Đức, các tướng lĩnh Đông Phổ ủng hộ sự điều chỉnh các quan hệ hoà bình với Liên Xô.
Xem xét các khả năng lựa chọn tương ứng với các chỉ thị nhận được (hoặc hiệp ước hoà bình với người Anh và người Pháp, hoặc sự điều chỉnh hoà bình với Đức) tôi thậm chí không hình dung ra rằng các thương thuyết kinh tế được kết thúc băng hiệp ước về hợp tác của Berlin và Moskva. Khi tôi được thông tin về việc ngoại trưởng Đức sắp đến Moskva ngày 23 - 8 - 1939 - chỉ mấy giờ trước khi điều đó xảy ra, - tôi đã kinh ngạc. Sau khi Ribbentrop đến và mười ba giờ tiếp theo của việc ký kết Hiệp ước không tấn công (sự kiện này diễn ra trong điện Kremli vào hai giờ sáng ngày 24 - 8) đã trở nên rõ ràng: quyết định được phê chuẩn không phải là bất ngờ. Mục đích chiến lược của ban lãnh đạo Xô viết là tránh chiến tranh trên hai mặt trận bằng bất cứ giá nào - ở Viễn Đông và ở châu Âu. Đường lối ngoại giao như thế, không gắn với những tính toán, đã được thiết lập từ những năm 20, khi Liên Xô thực hiện hợp tác kinh tế và ủng hộ các quan hệ bình thường với Italia sau khi Benito Mussolini lên cầm quyền năm 1922. Lãnh đạo Kremli đã sẵn sàng thoả hiệp với bất cứ chính thể nào nhằm bảo đảm ổn định cho Liên Xô. Đối với Stalin và giới thân cận của ông việc biến Liên Xô thành một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới luôn luôn là sự ưu tiên.
Nhưng khả năng phát triển ổn định chỉ có thể sau khi hoàn tất tập thể hoá năm 1934. Trước đó chúng ta đã trải qua tuần tự nội chiến, nạn đói, sự điêu tàn. Và chỉ đến giữa những năm 30 công nghiệp hoá mới đem lại những thành quả ban đầu. Sự hùng hậu của quốc gia đang lớn mạnh được chứng tỏ trong những hoạt động quân sự thành công chống Nhật Bản, Mông cổ và Mãn Châu. Dù đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước hàng đầu thế giới, mặc dù thế chúng ta vẫn giữ thế cô lập, nó thể hiện một cách trực quan khi các cường quốc thế giới không cho chúng ta tham dự các quyết định mà quyền lợi của họ phụ thuộc vào đó. Tất cả các hiệp định về châu Âu và châu Á được phê chuẩn bởi các nước phương Tây và Nhật Bản đều gây tổn hại cho các quyền lợi của Liên Xô. Hiệp định Anh - Đức năm 1935 kêu gọi tái vũ trang lực lượng quân đội- hải quân Đức, và các hiệp định tiếp theo giữa các cường quốc thế giới về trang bị các loại vũ khí hiện đại cho các hạm đội của mình, thậm chí người ta không nhắc đến Liên Xô.
Phái đoàn Pháp và Anh đến Moskva mùa hè năm 1939 để thăm dò khả năng thành lập một liên minh có thể chống Hitler, bao gồm chỉ những nhân vật hạng hai. Như thế, đường lối của Stalin trong quan hệ với Hitler dựa trên sự suy đoán đúng đắn, rằng tính thù địch của thế giới phương Tây và Nhật Bản đối với thể chế Xô viết sẽ làm cho thế cô lập của Liên Xô càng nghiêm trọng.
Nhìn lại, không thể không đi tới kết luận rằng ba đồng minh tương lai - Liên Xô, Anh và Pháp - có lỗi trong việc cho phép Hitler triển khai thế chiến II. Thái độ không thân thiện và mâu thuẫn - đã cản trở sự thành công của thỏa hiệp giữa một bên là Anh và Pháp, với Liên Xô. Sự thoả hiệp hẳn đã cho phép chung sức ngăn cuộc xâm lăng của Hitler chống Ba Lan. Các sử gia thế chiến II không hiểu sao đã bỏ qua rằng các cuộc thương thuyết Anh - Pháp - Xô năm 1939 được bắt đầu trên thực tế theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Donald Maklin báo rằng phái đại diện của mình tới thủ tướng Anh Chamberlain với lời cảnh báo: sự thống trị của Đức ở Tây Âu hẳn là nguy hại cho các quyền lợi của cả Mỹ lẫn Anh. Roosevelt kích động Chemberlain để kìm chế Hitler tham gia vào các thương thuyết với những đồng minh châu Âu của Anh, kể cả Liên Xô. Các nguồn tin báo rằng chính phủ Anh tỏ vẻ miễn cưỡng với sáng kiến của Mỹ, vậy nên buộc phải gây sức ép lên người Anh, đề buộc họ chịu thương thuyết với chính quyền Xô viết về việc soạn thảo các biện pháp quân sự để đối chọi với Hitler.
Mặc dù vậy, sự nhanh chóng mà hiệp ước không tấn công được ký với Hitler, đã làm tôi sửng sốt: mới hai ngày, trước khi nó được ký kết, tôi nhận được lệnh tìm kiếm mọi cách có thể để điều chỉnh quan hệ hoà bình với nước Đức. Chúng tôi còn tiếp tục gửi những đề nghị chiến lược cho Stalin và Molotov, thế mà hiệp ước đã được ký: Stalin tự mình tiến hành thương lượng trong hoàn cảnh bí mật nghiêm khắc nhất.
Tôi không biết gì về các biên bản Hiệp ước Molotov- Ribbentrop, nhưng nói chung các biên bản bí mật loại này là sự thường nhất trong các quan hệ ngoại giao động chạm đến những vấn đề đặc biệt phức tạp. Trước ngưỡng cửa chiến tranh, chính phủ Anh đã ký những hiệp ước bí mật với Ba Lan - đề cập đến sự trợ giúp quân sự cho Ba Lan trong trường hợp chiến tranh với Đức. Năm 1993, ví dụ, một tờ nhật báo Đức đã đăng biên bản mật và ghi chép các cuộc nói chuyện bí mật giữa Gorbachov và thủ tướng Helmut Kol diễn ra ngay trước khi hợp nhất nước Đức. Và hiện giờ, khi đọc các biên bản mật Hiệp ước Molotov- Ribbentrop, tôi chẳng tìm thấy có gì bí mật trong chúng. Các chỉ thị dựa vào các hiệp định được ký kết, khá là rõ ràng và xác định: không chỉ lãnh đạo cơ quan tình báo, mà cả giới lãnh đạo quân đội và các nhà ngoại giao biết về chúng. Bản đồ thực tế sự phân chia Ba Lan, phụ lục cho biên bản ngày 28 - 9 - 1939, đã xuất hiện trên các trang Sự thật, thiếu chữ ký của Stalin và Ribbentrop, và cả thế giới đều có thể nhìn thấy nó. Ấy nhưng lúc đó nước Ba Lan đã bị chiếm đóng.
@by txiuqw4