sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

5. Sáp Nhập Các Nước Cộng Hoà Baltic Và Tây Ucraina Vào Liên Xô

Phụ trách tình báo của NKVD ở Riga Tritsaev về Moskva, đã báo cáo những quan hệ căng thẳng bên trong chính phủ Latvia đầu tiên là giữa tổng thống Ulmanis và Bộ trưởng quân sự Balodis. Mâu thuẫn này đã làm đổ vỡ tính ổn định của thể chế hiện hành đang nằm dưới sức ép của chúng ta và của Đức. Người Đức, hoàn toàn tự nhiên, dựa vào những kẻ trung thành trong các nhà lãnh đạo kinh tế và các giới làm ăn, trong khi đó chúng ta tính đến ảnh hưởng trong các nhóm cánh tả liên hệ với ĐCS và các công đoàn. Dù ở đấy có gì đi nữa, Latvia, cũng như các quốc gia khác của vùng Baltic, về thực chất là vùng đệm giữa Liên Xô và Đức. Kế hoạch thành lập liên minh rộng rãi khi trong chính phủ cần phải có đại diện những quyền lợi của Đức lẫn của Liên Xô, cũng được bàn trong buổi gặp tại văn phòng Molotov ở điện Kremli. Biết về một phương án như thế, tổng thống Latvia Ulmanis phản đối gay gắt, trong khi đó bộ trưởng ngoại giao Wilhelm Munters bất ngờ tán thưởng. Tình cảnh trong nước cộng hoà càng bị hun nóng thêm do phong trào đình công được chúng ta ủng hộ đang lan rộng. Khủng hoảng kinh tế bị chìm sâu thêm bởi cuộc chiến tranh đã bắt đầu: các mối quan hệ thương mại với Anh và Tây Âu bị cắt đứt.

Tritsaev và Vetrov, cố vấn đại diện chính trị của ta ở Riga, tới chỗ tôi, và Vetrov đề nghị đánh vào lòng kiêu hãnh của Munters người mà thanh danh ở Berlin khá vững chắc do những cuộc gặp gỡ thường xuyên với Ribbentrop. Với Ulmanis, thì chính phủ của ông ta không còn có uy tín đặc biệt nữa vì những sai lầm trong kinh tế và thái độ nhún nhường mà nó giữ đối với các doanh nhân Đức ở Riga có tinh thần sô vanh. Các tay thương nhân này mua lại tất cả những gì giá trị ở nước cộng hoà, lợi dụng những ưu thế mở ra trước họ do sự cắt đứt các liên hệ buôn bán của Latvia với Tây Âu. Nhân thể, gần bảy mươi phần trăm hàng hóa xuất khẩu của Latvia đi sang Đức thực chất theo giá thấp. Tôi thông báo cho Beria và Molotov rằng chính phủ Latvia dựa vào không chỉ của các tổ chức quân đội, mà còn vào các lực lượng cảnh sát chủ yếu gồm con em các chủ trang trại và các tiểu thương.

Theo sự tin tưởng của chúng tôi, ngoại trưởng Munters là nhân vật lý tưởng để đứng đầu một chính phủ có thể dung hòa quyền lợi của Đức lẫn quyền lợi của Liên Xô. Khi ông ta bắt những tờ báo chính của Latvia đăng ảnh Molotov (nhân kỷ niệm sinh nhật 50 tuổi), chúng tôi nhìn nhận điều đó như sự sẵn sàng của ông ta thiết lập các tiếp xúc riêng với Molotov. Phản ứng của chúng tôi không hề chậm trễ: lập tức tôi được trao hộ chiếu ngoại giao với tên là Matveev, còn Munters được thông tin về việc Matveev, cố vấn đặc biệt của Molotov, muốn gặp gỡ với ông ta để làm một trung gian. Những thông điệp không chính thức giữa ông ta và Molotov sẽ được trao cho ban lãnh đạo Xô viết. Đã là tháng 6 1940 và cần gấp rút hành động. Chính vì thế tôi sang Riga trên một máy bay chiến đấu của Liên Xô. Ở Riga tôi và Vetrov đã có cuộc viếng thăm bí mật Munters, trong thời gian cuộc gặp gỡ, chúng tôi thế hiện mong muốn của chính phủ Liên Xô làm sao nhanh nhất tiến hành sắp xếp lại thành phần chính phủ của nước cộng hoà mà trong đó để ông, Munters có thể đứng đầu chính phủ mới trung lập.

Chuyến đi thăm của tôi là một phần của chiến dịch tổng hợp về việc nắm giữ kiểm soát chính phủ Latvia. Lãnh đạo chiến dịch là Merkulov thứ trưởng thứ nhất của Beria, người đã bí mật bay sang Riga trước tôi để điều phối kế hoạch hành động tại chỗ. Ở tại Riga dưới danh nghĩa cố vấn của Molotov, tôi báo cáo tất cả với Merkulov người vốn có đường dây trực tiếp bằng điện thoại với Molotov và Beria. Trong khi đó tối hậu thư được chuyển cho chính phủ ở Riga. Kết quả là tổng thống Ulmanis buộc phải rời chức vụ, các đơn vị Xô viết chiếm Latvia và cựu tổng thống bị bắt. Tình huống đã thay đổi. Người Đức bị kéo quá sâu vào các chiến dịch quân sự ở phía Tây đã không kiểm soát được các sự kiện diễn ra tại Latvia. Nhân điều đó Molotov và Stalin quyết định đặt lên vị trí lãnh đạo các quốc gia vùng Baltic không phải những người được cả hai bên vừa ý (ví dụ như chính Munters), mà là những người tin tưởng gần gũi với ĐCS. Thật ra, những dự định ban đầu cho việc thành lập các chính phủ trung lập, một số người vẫn được giữ. Thí dụ, các tướng lĩnh Latvia và Estonia được phong hàm tương tự quân hàm trong Hồng quân, còn Munters dù là bị bắt, nhưng người ta không làm điều đó ngay lập tức.

Cùng với Vetrov tôi đến dinh thự của Munters nơi chúng tôi đã lường trước mọi biện pháp để đóng gói tài sản của ông và lặng lẽ chở tất cả các thành viên gia đình ông về Moskva. Từ đấy họ được chở về Voronej, nơi Munters được làm giáo sư tại trường đại học Tổng hợp Voronej. Chúng ta chính thức đưa tin cho phía Đức rằng chúng ta vẫn xem Munters là một nhân vật chính trị lớn. Dưới sự kiểm soát của chúng ta, ở Moskva trong bữa ăn trưa, ông gặp các đại diện Đức, nhưng số phận ông đã bị định đoạt, và ông đã không trở thành được thậm chí là thủ tướng bù nhìn của chính phủ. Năm 1941 khi bắt đầu chiên tranh với Đức, Munters bị bắt và bị kết án tù giam dài hạn vì những hoạt động thù địch đối với chính phủ Liên Xô. Theo sự đưa đẩy lạ lùng của hoàn cảnh tôi đã gặp Munters ở nhà tù Vladimir cuối năm 1958 hay đầu năm 1959 gì đó. Khi người ta tha ra, ông ta ở lại sống tại Vladimir. Khi về hưu ông đăng các bài báo trên Tin tức chứng minh tính cấp thiết liên minh của Latvia với Liên Xô.

Số phận các quốc gia vùng Baltic mà thoạt đầu được sắp đặt tại Kremli và Berlin trong nhiều điểm giống số phận các nước Đông Âu bị phán quyết tại Yalta. Sự giống nhau ở đây đến kinh ngạc: cả trong trường hợp này lẫn trường hợp kia, bằng một hiệp ước sơ bộ dự định thành lập các chính phủ trung lập thân thiện với cả hai bên. Chúng ta cần một vùng đệm tách chúng ta khỏi môi trường ảnh hưởng của các cường quốc, và chúng ta thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận đối kháng tàn khốc trong những khu vực nơi đến cuối chiến tranh có các đơn vị Hồng quân. Tôi lặp lại, với mục đích xây dựng chủ nghĩa cộng sản, Kremli nhìn thấy chủ yếu là bằng mọi cách củng cố sự hùng cường của nhà nước Xô viết. Chúng ta chỉ có thể đóng vai cường quốc thế giới trong trường hợp nhà nước có một sức mạnh quân sự đầy đủ và đủ sức bắt các nước nằm cạnh biên giới chúng ta chịu ảnh hưởng. Tư tưởng tuyên truyền từ trên về cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa trên toàn thế giới là màn khói của tư tưởng hộ được gợi lên để khẳng định Liên Xô trong vai một siêu cường có ảnh hưởng đến tất cả các sự kiện trên thế giới. Dù ngay từ đầu nó chỉ là một quan điểm, dần dần nó biến thành đường lối chính trị thực tiễn. Cái khả năng như thế đã mở ra trước nhà nước chúng ta lần đâu tiên sau Hiệp ước MolotovRibbentrop. Bởi từ đây, như các biên bản mật khẳng định, một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới đã thừa nhận các quyền lợi quốc tế của Liên Xô và mong muốn tự nhiên của nó là mở rộng biên giới của mình.

Sau câu chuyện với Gukaxov mà tôi đã kể, trước khi Latvia bị quân đội ta xâm chiếm, bất ngờ Beria gọi tôi lên và đề nghị tháp tùng ông đến trận bóng đá tại sân vận động Dinamo. Ông không đưa ra lời giải thích nào cả đó là mệnh lệnh. Hai đội chơi là Xpartac, đội công đoàn và Dinamo đội NKVD: những năm ấy mỗi trận gặp của hai đội này là một sự kiện lớn. Thoạt đầu tôi cho là Beria muốn để tôi có mặt trong thời gian ông trò chuyện với điệp viên trong nhà hàng. Nhà hàng nằm cạnh sân vận động và là nơi lý tưởng để gặp các điệp viên, bởi vì các ngăn phòng ở đây được trang bị thiết bị nghe trộm. Khi chúng tôi đến sân vận động và ra khỏi xe, tôi theo sau Beria ở một khoảng cách kính cẩn, bởi Kolubov, Tsanava, Maxlenikov lập tức tiến lại gần ông và các phó khác ngay đó đã quây lấy sếp. Thế nhưng, quay lại ông ra dấu cho tôi lại gần và đi bên cạnh và tôi đã lọt vào lô ghế VIP như thế. Beria giới thiệu tôi với Maxlenikov và các nhà hoạt động Đảng và nhà nước khác, cần phải nói rằng tôi cảm thấy thật khó xử. Suốt thời gian đó tôi ngồi lặng thinh, nhưng tự sự kiện có mặt của tôi trên khán đài đã cho Kruglov, Xerov, Tsanava và những người khác hiểu rằng đã đến lúc chấm dứt truyền bá tin đồn về các tiếp xúc, liên lạc đáng ngờ của tôi và về những tài liệu gì đó bôi nhọ thanh danh tôi có ở bộ phận điều tra. Họ cần phải tin chắc rằng từ nay tôi thuộc hạng những kẻ được tin cậy trong mắt giới lãnh đạo đất nước.

Tôi gặp may là tất cả các gặp gỡ của tôi với Beria tại nhà riêng đều thuần tuý công việc. Kể cả trường hợp khi tôi cùng với ông dự đám cưới người họ hàng của ông Vardo Makximalisvili, một cô gái Gruzia quyến rũ đang qua huấn luyện i tờ nghề tình báo dưới sự phụ trách của vợ tôi. Lan những tin đồn rằng cô là tình nhân của Beria khi còn là sinh viên khoa y ở Tbilixi, còn sau khi chuyển đến thủ đô ông lấy cô vào làm việc tại ban thư ký, sau đó sắp xếp để cô lấy một nhân viên NKVD, cũng người Gruzia. Tôi được mời đến đám cưới để ngắm kỹ cô và chồng cô và đánh giá phong thái xử sự (thí dụ, họ uống rượu có quá nhiều hay không), cần thiết như vậy là bởi cặp vợ chồng trẻ sắp được phái sang Paris để làm việc trong cộng đồng Gruzia lưu vong.

Sau một hay hai năm làm việc ở Paris Vardo trở về Moskva, nơi cô phục vụ trong ngành tình báo đến năm 1952. Năm 1952 cô bị bắt, bị khép tội là khi ở Paris, cô đã tham gia vào âm mưu chống lại nhà nước Xô viết được chuẩn bị bởi bọn Gruzia lưu vong dưới sự lãnh đạo của tổ chức người Megrel ở đây rõ ràng ám chỉ Beria, vốn là dân Megrel. Cô bị ném vào tù theo lệnh trực tiếp của Stalin, và cô ở trong đó đến khi ông chết năm 1953. Cô lập tức được phóng thích theo sắp xếp của Beria, nhưng sau khi ông ta bị diệt, cô lại bị bắt và ngồi tù hai năm. Ra khỏi nhà tù, cô trở lại với nghề y. Bổ sung vào danh mục những bất hạnh đổ xuống đầu cô cần thêm một sự kiện nữa. Năm 1939 hay 1940 Xô viết Moskva cấp cho vợ chồng cô căn hộ trước kia là của đạo diễn nhà hát nổi tiếng Vxevolod Meierkhold bị thanh trừng theo lệnh Stalin. Nhân tiện nói thêm, căn hộ này NKVD sử dụng làm điểm hẹn kín. Vào thời gian chiến dịch mới hạ bệ Stalin thời Gorbachov, người ta tìm đủ cách gây áp lực với Vardo, đòi cô giải phóng căn nhà. Xô viết Moskva khó khăn trục xuất cô khỏi nhà về mặt pháp lý, bởi nhẽ cô có các giấy tờ chứng tỏ rằng chính cô là nạn nhân của những vụ thanh trừng chính trị. Sau khi trên tivi, thực ra không chỉ rõ tên Vardo, chiếu cảnh về tình trạng căn hộ của Meierkhold, sự việc này bắt đầu có dư luận. Lúc ấy KGB, mong tránh một vụ scandal tai tiếng, đã tìm cho cô và gia đình một chỗ ở ngang bằng giá trị.

Hiệp ước MolotovRibbentrop còn có thêm một hậu quả đối với chúng ta sự sáp nhập Tây Ucraina. Sau khi các đạo quân Đức chiếm đóng Ba Lan, quân đội ta đã chiếm Galitsưn và Đông Ba Lan. Galitsưn luôn luôn là pháo đài của phong trào dân tộc chủ nghĩa Ucraina được nâng đỡ bởi các thủ lĩnh như Hitler và Canaris ở Đức, Benes ở Tiệp Khắc và thủ tướng liên bang Áo Engelbert Dollfuss. Thủ phủ Galitsưn Lơvov thành trung tâm cho người tỵ nạn tuôn về từ Ba Lan thoát khỏi các đạo quân Đức xâm chiếm.

Tình báo và phản gián Ba Lan chuyển đến Lơvov tất cả những tù nhân quan trọng nhất những người bị tình nghi chơi trò hai mặt trong thời kỳ đối kháng Đức Ba Lan những năm 30. Về những gì diễn ra ở Galitsưn tôi chỉ được biết vào tháng 10 1939, khi Hồng quân chiếm Lơvov. Bí thư thứ nhất ĐCS Ucraina Khrutsev và bộ trưởng nội vụ của ông ta Xerov đi đến đó để tiến hành tại chỗ chiến dịch Xô viết hoá Tây Ucraina. Vợ tôi được phái đi Lơvov cùng với Pavel Jurablev phụ trách tình báo hướng Đức. Tôi lo lắng: phân đội của cô chuyên trách các điệp viên Đức và các tổ chức bí mật của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina, mà ở Lơvov bối cảnh lại khác ở Ucraina Xô viết.

Tại Lơvov nền kinh tế tư bản với các cơ sở bán buôn bán lẻ trong tay tư nhân sắp sửa bị tiêu diệt trong tiến trình Xô viết hoá. Nhà thờ Ucraina có uy tín vô cùng to lớn, dân địa phương ủng hộ phong trào dân tộc chủ nghĩa Ucraina do người của Bandera đứng đầu. Theo thông tin của chúng tôi, OUN hoạt động khá tích cực và nắm lực lượng tương đối lớn. Ngoài ra, nó có kinh nghiệm hoạt động bí mật phong phú, mà than ôi, không có ở “êkíp” Xerov. Cơ quan phản gián của những kẻ dân tộc chủ nghĩa Ucraina biết cách khá nhanh chóng lần ra một số điểm hẹn mật của NKVD tại Lơvov. Phương pháp lần dấu của chúng cực kỳ đơn giản; chúng bắt đầu theo dõi toà nhà công an thành phố và tháp tùng mỗi một ai bước ra từ đó mặc thường phục và đi... ủng, dấu hiệu để lộ anh ta là quân nhân: các chiến sĩ Treka Ucraina, che quân phục dưới áo bành tô, lại quên đi điều vặt vãnh như là đôi giày... Họ rõ ràng không tính đến là ở Tây Ucraina chỉ có quân nhân mới đi ủng mà thôi, vả lại, họ biết, điều đó, bởi ở Ucraina Xô viết tất cả đều đi ủng, vì không thể đào đâu ra loại giày khác.

Sự đổ vỡ các điểm hẹn mật được báo cáo về Trung tâm, còn vợ tôi chuyển đến khách sạn “Trung tâm”, thoạt đầu dưới vỏ bọc người chạy loạn từ Varsava, sau đó tự xưng là nữ phóng viên báo Tin tức. Cô sử dụng rộng rãi kinh nghiệm công tác với dân tản cư Ba Lan ở Beloruxia vào những năm 20. Cô nói tiếng Ba Lan, và nhanh chóng thiết lập được quan hệ thân mật với một gia đình Do Thái Ba Lan từ Varsava. Cô giúp họ đi về Moskva, nơi chúng tôi đón họ, đưa tiền và gửi họ đi Mỹ với họ hàng. Chúng tôi thoả thuận rằng “các quan hệ thân thiện” sẽ được tiếp tục, nó có nghĩa là: trường hợp cần thiết cơ quan tình báo Xô viết sẽ có thể nhờ đến họ. Họ không biết rằng vợ tôi là cán bộ tác chiến, và đã đồng ý giữ liên lạc tiếp. Sau này, sau khi tôi bị bắt giữ, một khách du lịch từ Mỹ, người bà con của gia đình ấy khi đến Moskva năm 1960 đã cố gắng tìm kiếm vợ tôi trong toà soạn Tin tức, nơi, như Emma đã nói, cô làm phiên dịch. Họ gặp nhau khá thân tình, nhưng người ta không sử dụng người này vào mục đích tình báo.

Xerov và Khrusev coi thường cảnh báo của Jurablev, người cho rằng nên kiên trì đối với các thủ lĩnh và các nhà hoạt động văn hoá Ucraina địa phương. Nhiều người trong số họ nổi tiếng rộng khắp ở Praha, Vienne và Berlin. Và thế, Xerov bắt giữ KostLevitsky một thời là người đứng đầu Cộng hoà Nhân dân Ucraina độc lập. Khrusev báo ngay về vụ bắt bớ này với Stalin, nhấn mạnh công lao của mình trong việc vô hiệu hoá vị thủ tướng tiềm năng của chính phủ Ucraina lưu vong. KostLevitsky được dẫn độ từ Lơvov về Moskva và tống vào nhà giam. Lúc ấy ông ta đã ngoài tám mươi, và việc bắt ông già này đã làm tổn hại đến uy tín của chúng ta trong mắt giới trí thức Ucraina.

Hiệp ước MolotovRibbetrop đặt dấu chấm hết cho các kế hoạch của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina về sự thành lập cộng hoà Karpat Ucraina độc lập, theo các kế hoạch được Anh và Pháp tích cực ủng hộ năm 1938. Ý tưởng này bị phá vỡ bởi Benes, người đồng ý với Stalin trong việc Karpat Ucraina bao gồm cả một phần lãnh thổ thuộc Tiệp Khắc, sẽ được chuyển trọn vẹn cho Liên Xô. Konovalets, thủ lĩnh Ucraina duy nhất tiếp cận được Hitler và Goering, như đã rõ, đã bị thủ tiêu năm 1938 (có thời y là đại tá trong quân đội Áo và có phần nào sự kính trọng trong quốc xã). Các thủ lĩnh dân tộc chủ nghĩa khác tại Ucraina không có được những mối liên lạc cao đến thế với người Đức chủ yếu đó là những nhân viên tác chiến của Abwehr và Gestapo, và chính quyền Anh, Pháp không cho những người này quan trọng gì lắm và không đặt cược vào họ khi chiến tranh bùng lên. Vì thế tuyên bố của Khrusev là ông ta xé nát các kế hoạch của phương Tây thành lập chính phủ Ucraina lưu vong lâm thời khi bắt KostLevitsky, giản đơn là không đúng, và khi tôi được lệnh cho đánh giá vụ bắt giữ KostLevitsky ở Moskva quan trọng tới mức nào, trong báo cáo gửi Beria, sau đó được chuyển cho Molotov, tôi đã nhấn mạnh việc bắt giữ đó là không thể biện minh từ bất cứ quan điểm nào. Ngược lại, nên cho Galitsưn một quy chế đặc biệt nhằm vô hiệu hoá sự tuyên truyền chống Xô viết đang lan truyền, và nhất thiết trả tự do ngay cho KostLevitsky, xin lỗi ông ta và đưa ông ta về Lơvov. Điểu đó cần phải làm, lẽ đương nhiên, với điều kiện là ông ta, về phần mình, ủng hộ ý tưởng của chúng ta cử một phái đoàn đại diện có uy tín từ Tây Ucraina về Kiev và Moskva để thương thuyết về quy chế đặc biệt cho Galitsưn trong thành phần cộng hoà Ucraina Xô viết. Bằng cách đó thể hiện lòng trân trọng xứng đáng với các truyền thống của địa phương. Molotov đồng tình. KostLevitsky được tha và trở lại Lơvov trong một toa tàu đặc biệt.

Đề nghị này là sự đối kháng công khai đầu tiên của tôi với Khrusev và Xerov.

Theo văn bản giữa Molotov và Ribbetrop, Liên Xô không cản trở công dân Đức và những người Đức sống trên các lãnh thổ thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô di cư về Đức hay tới các vùng ảnh hưởng của Đức. Chúng tôi quyết định lợi dụng các điều kiện này.

Nhóm của đại uý Adamovich được phái đến Trernovets. Theo tôi, trong nó có Viliam Fiser vừa mới được đưa trở lại công tác sau khi bị tha thải năm 1938 vì quan hệ với Orlov. Về sau ông lấy tên là Rudolf Abel. Trernovets nằm cạnh đường biên giới giữa Bukovina (Galitsưn), và lãnh thổ Ba Lan bị Đức chiếm đóng. Nhóm phải dàn xếp các tiếp xúc với các điệp viên được chiêu mộ trong số người Đức, Ba Lan và Ucraina. Họ phải trụ lại ở nơi này như dân tỵ nạn tránh chế độ cộng sản, tìm sự bảo vệ tại các lãnh thổ do người Đức kiểm soát. Đại uý Admovich rời Moskva đi Trernovets, mang theo ảnh các điệp viên của ta ở Ba Lan và Đức, anh cần cho bốn điệp viên xem ảnh, vì cần phải biết những người này tại các buổi hẹn gặp sơ bộ đã ấn định trước ở Varsava, Dantzig (Gdanxk), Berlin và Krakov. Trên ảnh chụp các cán bộ của chúng ta hoạt động dưới vỏ bọc của các cơ quan ngoại giao, các đại diện thương mại hay hoạt động báo chí trong các thành phố này. Fiser còn có nhiệm vụ huấn luyện bốn điệp viên cơ sở cho liên lạc điện đài.

Thế nhưng sau khi Adamovich được Xerov tiếp, có thể, tại Trernovets, và thoả thuận về các điều kiện kỹ thuật cần thiết cho việc huấn luyện các điệp viên rồi, bất thần anh ta biến mất. Không tìm ra anh ta, Xerov chửi mắng Fiser và báo cáo về sự mất tích của Adamovich với Khrusev. Còn Fiser, dù là cán bộ của nhóm, không đoán ra những thủ đoạn bảo thủ và cho rằng nếu ông ta báo về hai ngày vắng mặt của Adamovich với NKVD địa phương rồi thì ông ta chẳng cần báo cáo về Moskva cho tôi. Các vị có thể tưởng tượng tâm trạng của tôi khi bị gọi vào văn phòng của Beria, người đã ra lệnh báo cáo về việc chiến dịch của Adamovich tiến triển ra sao. Ông đang nổi cơn thịnh nộ khi tôi không thể báo tin gì mới ngoài thông tin của tuần qua.

Điện thoại réo. Đó là Khrusev. Ông ta bắt đầu tức giận chỉ trích Beria rằng người ta phái đến chỗ ông ta những kẻ kém nghiệp vụ và phản bội can thiệp vào công việc của NKVD Ucraina. Theo lời ông ta, các cán bộ địa phường đủ sức tự tiến hành toàn bộ công việc cần thiết.

- Thằng cha Adamovich này của các anh là đồ đểu! ông ta hét lên trong ống nói. Hắn, theo thông tin của chúng tôi, đã chạy sang bọn Đức rồi!

Mạng liên lạc chính phủ cho tôi khả năng nghe những lời giận dữ của ông ta. Beria rõ ràng không muốn đáp lại giọng điệu thô lỗ như vậy trước sự có mặt của tôi, và trong khả năng có thể ông ta nói nhẹ nhàng:

- Nikita Xergeevich ạ, ở đây có thiếu tá Xudoplatov, phó chỉ huy tình báo của chúng ta. Tự anh ấy chịu trách nhiệm về chiến dịch của Adamovich. Anh có thể nhận được chỗ anh ấy lời đáp về bất cứ thắc mắc. Cầm ông nghe, tôi bắt đầu giải thích rằng Adamovich là một cán bộ giỏi, biết nhiều về Ba Lan. Nhưng Khrusev không thèm nghe lời giải thích của tôi và cắt ngang. Ông ta tin chắc rằng Adamovich đang ở chỗ bọn Đức và phải nhanh chóng tìm ra hoặc bắt cóc anh ta. Tiếp theo ông ta tuyên bố rằng sẽ bẽ gãy tôi nếu tiếp tục ương bướng, bao che cho những tên kẻ cướp và đểu cáng như KostLevitskv và Adamovich. Ông ta giận dữ ném ống nghe không chờ lời đáp của tôi.

Phản ứng của Beria là sự kìm nén.

- Sau hai ngày, ông ta nhấn từng lời, phải tìm ra Adamovich sống hoặc chết. Nếu anh ta sống, lập tức đưa ngay về Moskva, trong trường hợp không thi hành mệnh lệnh của Ủy viên Bộ Chính trị anh sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm, vì có tính đến các mối liên hệ của anh với kẻ thù của nhân dân trong lãnh đạo cơ quan tình báo cũ.

Tôi bước ra khỏi văn phòng với tâm hồn nặng trĩu. Sau mười phút điện thoại của tôi bắt đầu réo không ngừng. Phản gián, biên phòng, chỉ huy các quận công an NKVD Ucraina và Beloruxia tất cả đòi ảnh của Adarnovich. Theo chỉ thị riêng của Beria đã bắt đầu sự truy nã toàn liên bang. Qua hai ngày nhưng không sao lần ra dấu vết Adamovich. Tôi hiểu rằng tôi đang chờ những hiểm hoạ khó chịu. Thế nhưng vào thời điểm cuối tôi đã quyết định gọi điện thoại cho vợ của Adamovich đang sống ở Moskva. Theo các nguồn tin tôi có, trong cách xử sự của cô vào những ngày cuối không có gì đáng ngờ. Như tình cờ tôi hỏi cô trò chuyện với chồng mình lần cuối là bao giờ. Tôi thật kinh ngạc, cô cảm ơn tôi vì cú gọi này và nói rằng chồng cô hai ngày cuối này đang ở nhà anh ta bị chấn động thần kinh và các bác sĩ từ bệnh viện NKVD cấm anh ta dậy khỏi giường ít ra là trong mấy ngày. Tôi vội gọi ngay cho tướng Novikov, phụ trách y tế của NKVD, và ông ta khẳng định rằng mọi sự đều đúng như thế.

Cần miêu tả hay không sự nhẹ nhõm mà tôi đã trải? Báo cáo với Beria như thông thường vào cuối ngày, tôi báo rằng Adamovich đang ở Moskva.

- Bị giam chứ? - Beria hỏi.

- Không, - tôi đáp và bắt đầu giải thích tình huống. Chỉ có hai chúng tôi trong văn phòng. Ông ta thô lỗ mắng tôi, sử dụng những lời mà không bao giờ tôi ngờ nghe thấy từ một ủy viên Bộ Chính trị. Điên khùng, ông ta vẽ những vòng tròn trên văn phòng rộng lớn của mình, hét những tiếng chửi rủa tôi và Adamovich, gọi chúng tôi là lũ ăn tục nói phét, lũ ranh vô trách nhiệm làm hổ danh NKVD trong mắt giới lãnh đạo Đảng.

- Tại sao anh im lặng? - ông ta chằm chằm nhìn tôi, bất ngờ ngừng tràng chửi của mình.

Tôi đáp rằng đầu tôi đau khủng khiếp.

- Vậy thì - Beria ném ra, - về nhà đi.

Trước khi rời đi tôi đã ghi lệnh bắt Adamovich và ghé vào chỗ Merkulov để ký nó. Thế nhưng khi tôi giải thích với ông ta, ông ta cười vào mũi tôi và xé tờ giấy ngay trước mặt tôi. Vào thời điểm ấy đầu tôi đau không thể chịu nổi, và sĩ quan y tế NKVD đã chở tôi về nhà. Sáng hôm sau thư ký của Beria gọi điện thoại cho tôi, anh ta rất ngắn gọn và đầy vẻ công việc - bộ trưởng lệnh cho tôi ở nhà ba ngày để chữa bệnh, nói thêm rằng ông chủ gửi cho tôi chanh nhận được từ Gruzia. Các điều tra cho thấy: Adamovich, uống say tại nhà hàng ở nhà ga Trernovets, trong buồng vệ sinh đã dây vào một vụ ẩu đả và nhận một cú đánh mạnh vào đầu gây nên chấn động não. Trong trạng thái ấy anh ta còn ngồi lên được chuyến tàu Moskva, quên báo tin cho Fiser (Abel). Trong lúc đánh nhau những tấm ảnh mà anh ta cần cho bốn điệp viên của chúng ta xem, đã bị mất. Thực ra, sau đó chúng đã được các cán bộ NKVD Ucraina phát hiện ở nhà ga, họ cho rằng điệp viên Abwehr gây ra vụ ẩu đả khi cố bắt cóc Adamovich. Sự việc kết thúc là Adamovich bị đuổi khỏi NKVD và thoạt đầu người ta cất nhắc làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao Uzbekixtan, sau đó lên chức bộ trưởng. Tôi thấy anh ta một lần trong buổi diễn đầu tiên của nhà hát ở Moskva vào đầu những năm 50, nhưng chúng tôi đã không chào hỏi nhau.

Thật bất hạnh, mâu thuẫn của tôi với Xerov và Khrusev chưa chấm dứt ở đó. Xerov bị dính vào một vụ tình ái với ca sĩ opera Ba Lan Bandrovxka- Turxka. Tại Moskva ông ta tuyên bố rằng tự mình chiêu mộ bà ta. Tất cả rất khoái trá - ca sĩ nổi tiếng khắp châu Âu mà và trước chiến tranh thường đi lưu diễn ở Moskva và các thủ đô châu Âu khác.

Niềm hân hoan rồi cũng chóng qua: với sự đồng ý của Xerov bà ta đi sang Rumani, ở Bucarest bà ta thẳng thừng từ chối gặp trưởng nhóm điệp viên - cố vấn đại diện chính trị. Cả Khrusev, cả Beria lúc ấy đều nhận được thư từ các cán bộ NKVD Ucraina, khép Xerov vào tội chơi trò chim chuột.

Xerov bị gọi gấp về Moskva. Tôi đã có mặt tại văn phòng Beria vào lúc ông ta đề nghị Xerov giải thích các hành động của mình và trả lời cho sự buộc tội ông ta. Xerov nói rằng ông ta đã xin phép Khrusev về chuyện tình ái với Bandrovxka- Turxka, và điều đó được gợi nên bởi những đòi hỏi tác chiến. Beria cho phép ông ta gọi cho Khrusev, nhưng ông kia vừa nghe Xerov gọi, liền chửi ngay:

- Đồ chó đẻ, - ông ta quát vào ống nói, - muốn kéo ta vào các vụ tình ái để bôi nhọ hả? Hãy chuyển ống nghe cho đồng chí Beria!

Tôi nghe thấy Khrusev nói với Beria những lời sau:

- Lavrenti Pavlovich! Anh muốn làm gì với con chim miệng còn hơi sữa ấy thì làm! Nó chẳng có kinh nghiệm gì. Nếu cần thiết, hãy để nó lại chỗ làm việc cũ. Không hãy trừng phạt theo quy định. Chỉ đừng lôi tôi vào vụ này và vào các trò chơi của các anh với bọn lưu vong Ucraina.

Beria bắt đầu chửi Xerov không tiếc lời, dọa đuổi khỏi cơ quan, gọi anh ta là kẻ đĩ bợm, lăng mạ và hạ nhục đủ thứ. Nói thực, tôi thấy khó xử có mặt tại văn phòng lúc ấy. Sau đó bất ngờ Beria đề nghị Xerov thảo luận với tôi tìm cách thoát khỏi chuyện khó chịu này. Chúng tôi đi đến kết luận rằng Xerov không nên tìm cách liên lạc với Bandrovxka- Turxka. Việc bà ta sang Rumani là một sự kiện đáng buồn, bởi những buổi diễn của nữ ca sĩ ở Lơvov hay ở Moskva hẳn gây ảnh hưởng thuận lợi đên dư luận quần chúng ở Ba Lan và Tây Âu. Cuối năm 1939 và đầu năm 1940 nó có thể cho thấy ở Galitsưn tình hình là bình thường và khá yên ổn. Trong chuyện này việc trốn chạy của nữ ca sĩ là một đòn giáng vào thanh danh Khrusev, kẻ không ngừng khẳng định rằng Moskva chẳng có gì phải lo lắng, bởi sự Xô viết hoá của Tây Ucraina diễn ra thuận lợi, và sự ủng hộ quá trình này của các nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng của Ucraina và Ba Lan đã chứng minh điều đó.

Uy tín của Khrusev bị tổn thương cả trong kết quả của những vấn đề khác. Thí dụ, năm 1939 một trong những chỉ huy du kích của chúng ta, đại uý Prokopiuk trở về từ Tây Ban Nha. Một cán bộ tác chiến giàu kinh nghiệm, anh hoàn toàn phù hợp để được đề cử vào chức vụ phụ trách Cục NKVD Ucraina, chuẩn bị các cộng tác viên để tiến hành những chiến dịch du kích trong trường hợp chiến tranh với Ba Lan hay Đức. Nghe đề nghị của chúng tôi, lập tức Khrusev gọi cho Beria phản đối quyết liệt. Beria gọi Kruglov phó của mình về cán bộ và tôi đến, bởi chính tôi đã ký giới thiệu cho Prokopiuk. Sự phản đối của Khrusev năm 1938 về người anh của Prokopiuk, thành viên hội đồng bộ giáo dục Ucraina, đã bị xử bắn như “một gián điệp của Ba Lan”. Khrusev nghe Beria phê bình tôi và Kruglov, bởi vì chúng tôi cử đến Kiev một người dù giỏi trong nghiệp vụ nhưng không phù hợp đối với lãnh đạo đảng địa phương.

Người Khrusev cho là “phù hợp”, đó là Uxpenxky mà trước đây Khrusev đem theo về Ucraina với tư cách người đứng đầu NKVD. Ở Moskva ông ta lãnh đạo cục NKVD địa phương và làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Khrusev. Tại Ucraina Uxpenxky năm 1938 đã tiến hành những vụ thanh trừng mà kết quả là trong số thành viên trong BCHTƯ ĐCS Ucraina cũ - hơn 100 người - chỉ ba người không bị bắt.

Vừa đến Kiev, Uxpenxky gọi các cán bộ đến gặp và tuyên bố rằng không cho phép thái độ trung lập, tính mềm yếu và sự xét đoán dài dòng như trong thượng viện. Ai không muốn làm việc với ông ta, có thể đưa đơn. Tiện thể, một số bạn bè của vợ tôi đã làm thế, lợi dụng lời đề nghị này. Trước sự có mặt một đám đông thính giả, Uxpenxky đã ký chuyển họ sang quân dự bị hoặc đề cử hạ cấp chức vụ - ra ngoài phạm vi Ucraina. Uxpenxky chịu trách nhiệm về sự tra tấn và thanh trừng hàng loạt, trong khi Khrusev, một trong số ít uỷ viên Bộ Chính trị, trực tiếp tham gia cùng Uxpenxky vào các cuộc hỏi cung những người bị bắt.

Năm 1938 khi Ejov bị thất sủng và đã bắt đầu sự săn đuổi cán bộ Treka- "những kẻ phản bội", Uxpenxky mưu toan chạy ra nước ngoài. Ông ta vớ theo mấy quyển hộ chiếu trắng và lẩn mất, sau khi bày ra một vụ tự tử, nhưng thi thể “kẻ trầm mình" đã không được phát hiện. Khrusev hoảng loạn xin Stalin và Beria thông cáo truy nã Uxpenxky. Những cuộc kiếm tìm được tiến hành khá gấp rút, và nhanh chóng chúng tôi hiểu ra là vợ của Uxpenxky biết: ông ta ẩn trốn đâu đó. Bằng cách xử sự của mình bà ta không có ý bán đứng ông chồng, nhưng chúng tôi thấy rõ điều đó. Rốt cuộc ông ta ra tự thú ở Xibir sau khi nhận ra ở Omxk một nhóm đang theo dõi mình.

Từ bấy đến giờ mỗi khi nói về việc sử dụng ai đó trong số sĩ quan Ucraina, lãnh đạo chúng ta ngay đó viện dẫn vụ Uxpenxky, nhắc lại những lời Khrusev đã nói nhân việc này: “Không thể tin cậy ai trong số Treka đã làm việc với ông ta”.

Trong lúc hỏi cung Uxpenxky khai họ rất gần gũi với Khrusev, hai nhà kết thân, và tìm đủ cách thuyết phục tất cả rằng ông ta đơn giản chỉ là một người lính ngoan ngoãn của Đảng. Hành vi Uxpenxky đóng một vai trò nguy hại trong số phận vợ ông ta - bà bị bắt ba ngày sau khi ông ta đầu thú với chính quyền. Bị tuyên án tử hình vì giúp chồng trong việc tổ chức chạy trốn, bà đệ đơn xin tha, và ớ đây, như Kruglov kể với tôi, Khrusev đã can thiệp vào: ông ta đề nghị Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao bỏ đơn xin khoan hồng của bà.

Câu chuyện này gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Kruglov quá quen với thực tiễn công tác của BCHTƯ (trước NKVD ông công tác trong bộ máy BCHTƯ), khẳng định rằng các uỷ viên Bộ Chính trị có thể trực tiếp can thiệp vào sự quyết định số phận mọi người, đặc biệt là các thành viên những gia đình kẻ thù của nhân dân. Trong lưu trữ danh sách các bà vợ của những nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng, Hồng quân và NKVD bị kết án tử hình, tôi cũng đã tìm ra cả tên của vợ Uxpenxky. Án tử hình bà cũng như các bà vợ khác của những lãnh đạo bị thanh trừng, đầu tiên được phê chuẩn bởi cấp Đảng cao nhất.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx