Cần nhấn mạnh rằng việc làm quen của các bác học ta với những công trình khoa học của - Oppengeimer, Fermi, Stsilard có ý nghĩa quan trọng để triển khai rộng công việc về bom nguyên tử. Tôi muôn lưu ý là thông tin này đến với chúng ta bằng con đường bí mật mà họ có biết. Tôi nhớ, qua “Robert” và “Giám đốc trù bị”, như cách gọi Los Alamos trong danh sách, chúng ta đã nhận được 5 báo cáo tổng hợp bí mật về tiến trình chế tạo bom nguyên tử.
Tài liệu tương tự được chuyển không chỉ cho chúng ta mà còn cho các bác học Thuỵ Điển. Theo tin tình báo của ta, chính phủ Thuỵ Điển có thông tin chi tiết về bom nguyên tử vào năm 1945- 1946. Người Thuỵ Điển khước từ chế tạo vũ khí riêng cho mình vì quá tốn kém. Nhưng có khá đủ cứ liệu cho thấy người Thuỵ Điển cũng như chúng ta nhận được thông tin về bom nguyên tử, nói riêng, cả từ Bor sau khi ông từ giã Los Alamos.
Chúng ta được thông tin không chỉ về các soạn thảo kỹ thuật của chương trình nguyên tử mà còn biết về các mâu thuẫn và cạnh tranh giữa các nhà bác học và chuyên gia làm việc ở Los Alamos, về quan hệ căng thẳng của các bác học với Grovs - giám đốc đề án. Đặc biệt chúng ta lưu ý thông tin về sự bất đồng ý kiến nghiêm trọng của tướng Grovs và Stsilard. Grovs nổi điên vì phong cách làm việc của Stsilard và việc ông từ chối tuân thủ chế độ bảo mật và kỷ luật quân sự. Mâu thuẫn với viên tướng trở thành trò tiêu khiển của Stsilard. Grovs không tin ông và cho sự tham gia của ông vào đề án là mạo hiểm. Thậm chí ông ta còn định gạt bỏ ông khỏi công việc bất chấp Stsilard có đóng góp khổng lồ vào thực hiện phản ứng dây chuyền hạt nhân uran đầu tiên trên thế giới.
Oppengeimer, theo lời Kheifets, là người có tầm tư duy xa rộng, lường trước những khả năng cũng như hiểm hoạ khổng lồ của việc sử dụng năng lượng nguyên tử. Chúng ta biết ông vẫn là nhân vật đầy quyền uy ở Mỹ sau chiến tranh, vì thế chúng ta nhất thiết che giấu cẩn thận các tiếp xúc với ông và giới thân cận của ông. Chúng ta hiểu rằng sự tiếp cận Oppengeimer và những bác học danh tiếng khác phải dựa trên sự thiết lập các liên hệ bằng hữu chứ không phải trên sự cộng tác tình báo, và nhiệm vụ của chúng ta là sử dụng cái tình huống, rằng Oppengeimer, Bor và Fermi là những kẻ đầy tín niệm chống lại bạo lực. Họ cho rằng chỉ có thể ngăn chặn chiến tranh hạt nhân bằng cách tạo ra sự cân bằng lực lượng trên thế giới, theo ý họ, nó có thể ảnh hưởng tận gốc tới tình hình thế giới và thay đổi tiến trình lịch sử.
Tôi thực kinh ngạc là quan điểm của nhiều nhà vật lý danh tiếng nhất của phương Tây và của các nhà bác học Xô viết lại trùng hợp. Như tôi đã viết, năm 1943 Vernadxky hoàn toàn chân thành đề nghị Stalin xin chính phủ Anh và Mỹ chia xẻ với chúng ta thông tin về các nghiên cứu nguyên tử và phối hợp để chế tạo bom nguyên tử. Ioffe, Kapitsa, Nils Bor cũng có những quan điểm như thế.
Sau cuộc trò chuyện với Oppengeimer, hẳn Bor biết về sự rò rỉ thông tin đến các nhà bác học Xô viết và Thuỵ Điển, đã gặp tổng thống Roosevelt và cố thuyết phục ông ta về tính cấp thiết chia xẻ với người Nga các bí mật của đề án Manhattan để đẩy nhanh công việc chế tạo bom. Các nguồn của ta ở Anh báo rằng Bor không chỉ đề nghị với tổng thống Roosevelt, mà theo uỷ thác của ông ta, trở về Anh và cố thuyết phục chính phủ Anh về tính cấp thiết của bước làm đó. Churchill bị kinh hoàng vì đề nghị này và ra lệnh có các biện pháp ngăn chặn tiếp xúc của Bor với người Nga.
Vợ chồng Zarubin, bất kể những kết quả đạt được trong công tác, đã không sống lâu ở Washington. Điều đó xảy ra không vì lỗi của họ và không do sự tích cực của FBI. Một trong những thuộc cấp của Zarubin, cán bộ mạng điệp viên NKVD ở sứ quán, trung tá Mironov gửi thư cho Stalin buộc tội Zarubin cộng tác với các cơ quan đặc biệt Mỹ. Trong thư Mironov chỉ ra - ông ta theo dõi Zarubin - những ngày và giờ các cuộc gặp gỡ của Zarubin với điệp viên và các nguồn thông tin, gọi đó là tiếp xúc với những đại diện của FBI. Để kiểm tra lời cáo buộc vợ chồng Zarubin bị gọi về Moskva. Mất gần nửa năm. Người ta xác định rằng các cuộc gặp gỡ đều được phép của Trung tâm và thông tin quý giá Zarubin nhận được, không ném lên ông chút nghi ngờ nào. Mironov bị triệu về từ Washington và bị bắt giữ theo cáo tội vu khống. Thế nhưng khi ông ta ra trước toà, ông ta có chứng nhận bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Ông ta bị sa thải và được chuyển vào bệnh viện tâm thần.
Năm 1943 Trung tâm phê chuẩn quyết định sử dụng các kênh bí mật lập mối tiếp xúc với các bác học nguyên tử. Nhóm trưởng tình báo của ta Vaxilevxky ở Mexico được giao lãnh đạo trực tiếp các hoạt động. Sau khi vợ chồng Zarubin về nước, Vaxilevxky đôi khi đi thăm Washington, nhưng không dừng lại lâu ở đó để khỏi gây sự chú ý của phản gián Mỹ.
Tôi nhớ, Vaxilevxky kể với tôi cái lần ông đến Washington năm 1944, một phần là cần gửi về Trung tâm các tài liệu nhận được từ Fermi, nhưng thật khủng khiếp khi ông biết rằng nhân viên mật mã vắng mặt. Ngày hôm sau cảnh sát Mỹ đưa nhân viên mật mã về sứ quán, sau khi nhặt được anh ta trong một quán bar nơi anh ta đã uống say đến bất tỉnh. Vaxilevxky ngay lập tức quyết định không dùng sứ quán ở Washington để chuyển những tin tức đặc biệt quan trọng. Năm 1945 vì thành công trong tiếp xúc với Fermi ở Mỹ, Vaxilevxky được cử làm phó của tôi tại Cục “X”. Gần hai năm ông lãnh đạo Cục khoa học- kỹ thuật của NKVD, còn sau đó ở Uỷ ban thông tấn - cơ quan tình báo trung tâm tồn tại từ 1947 đến 1951. Vaxilevxky bị sa thải năm 1947 - trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của chiến dịch chống Do Thái mới bắt đầu. Tháng 4 đến tháng 6- 1953 ông lại bắt đầu làm việc trong bộ máy, nhưng lại bị sa thải - giờ đây bị giảm biên chế như một người “bị nghi ngờ”. Vaxilevxky mất năm 1979.
Chúng tôi nắm được mô tả thiết kế quả bom nguyên tử đầu tiên vào tháng 1- 1945. Mạng điệp viên ta ở Mỹ báo rằng người Mỹ cần tối thiểu 3 năm và tối đa 5 năm để chế tạo một kho vũ khí nguyên tử đáng kể. Trong thông báo này cũng nói rằng vụ nổ hai quả bom đầu có thể sẽ thực hiện sau 2- 3 tháng.
Trong khi đó tình báo ta hoạt động tích cực hơn và chúng tôi nhận được lượng thông tin khá lớn về đề án Manhattan và về các kế hoạch sử dụng các vỉa quặng uran ở Bỉ, Côngô, Tiệp Khắc, Úc và trên đảo Madagascar. Tình báo quân đội đã lọt được vào hãng Canada thành lập một tổ hợp đặc biệt về chế biến quặng uran. Nhóm trưởng tình báo quân đội “Molier”, chính là phó lãnh sự ở New York Mikhailov, thông báo về công việc của phòng thí nghiệm ở Berkeley, gần San Francisco phân tích quặng uran. Khoảng thời gian ấy Moravets, phụ trách tình báo của chính phủ Tiệp Khắc ở London cộng tác với chúng ta, thông tin rằng các cơ quan đặc biệt của Mỹ và Anh quan tâm đến sự nghiên cứu các mỏ quặng uran trong vùng núi Sudet. Ông ta tiếp cận được các tài liệu thương thuyết Anh - Tiệp về khai thác mỏ uran vào thời hậu chiến.
Với khả năng kết thúc chiến tranh đang đến gần, ở Liên Xô bắt đầu tiến hành kiếm tìm các mỏ uran.
Tháng 2 - 1945 chúng tôi nhận được thông tin và chiếm được các tài liệu của Đức về nguồn dự trữ uran chất lượng cao ở vùng Bukhovo - trong núi Rodovxk. Chúng ta đề nghị Dimitrov lúc đó đứng đầu chính phủ Bungari, và chính quyền Bungari đã cho chúng ta sự hiệp đồng trong việc tìm mỏ uran.
Sắc lệnh của GKO[9] số 7408 ngày 27- 1- 1945 với chữ ký của Stalin chỉ gửi cho Molotov và Beria. Tôi dẫn ra trọn vẹn:
“Tuyệt mật, quan trọng đặc biệt”
“1. Tổ chức ở Bungari việc tìm kiếm, trinh sát và khai thác quặng uran tại mỏ Goten và trong khu vực của nó, cũng như nghiên cứu địa chất các mỏ uran và khoáng chất đã rõ hoặc có thể có khác.
2. Giao cho Bộ Ngoại giao Liên Xô (đ/c Molotov) tiến hành thương lượng với chính phủ Bungari về thành lập hiệp hội Bun- Nga với ưu thế tài chính Liên Xô để tiến hành tìm kiếm, khảo sát và khai thác quặng uran tại mỏ uran Goten và ở khu vực của nó, cũng như tiến hành nghiên cứu địa chất các mỏ uran và khoáng chất khác đã rõ hoặc có thể phát hiện.
Các cuộc đàm phán với chính quyền Bungari và toàn bộ tài liệu về thành lập và tổ chức hiệp hội tiến hành, đặt tên mỏ là radi”.
Đứng đầu Hiệp hội địa chất Bun- Xô được thành lập là Sors - cán bộ tình báo, kỹ sư địa chất.
Quặng uran từ Bukhovo được sử dụng khi lò phản ứng nguyên tử đầu tiên hoạt động. Tại núi Sudet ở Tiệp Khắc quặng uran chất lượng thấp hơn nhiều, nhưng cũng được khai thác. Để điều phối các hoạt động tình báo và phản gián, Rogatnev, cán bộ tình báo giàu kinh nghiệm, cựu nhóm trưởng ở Italia được phái sang Tiệp Khắc.
Việc chuyên chở uran Bungari được chú trọng đặc biệt. Trực tiếp Dimitrov theo dõi việc thăm dò uran.
Chúng ta phái sang Bungari hơn 300 kỹ sư địa chất được triệu hồi cấp tốc từ quân đội: khu vực Bukhovo được canh giữ bởi các đơn vị nội vụ của NKVD. Thế nhưng nhanh chóng điệp viên của ta được rõ rằng các cơ quan đặc biệt Mỹ chuẩn bị hành động phá hoại với mục đích phá vỡ việc cung cấp uran cho Liên Xô và đồng thời nhằm xác định thời hạn chế tạo vũ khí hạt nhân ở Liên Xô. Người Mỹ thậm chí có ý đồ tổ chức bắt cóc Sors. Chúng tôi tiếp nhận biện pháp phản kích: Etingon chuyên trách việc tuyển lại các gián điệp Mỹ và vợ của họ bị bắt giữ nhờ mạng điệp viên là những người Thổ địa phương gần các mỏ uran, nhưng đã không thành công.
Từ Bukhovo mỗi tuần chuyển được khoảng một tấn rưỡi quặng uran. Những người làm việc tại các mỏ uran được đảm bảo các hướng dẫn và phương pháp của Mỹ về kỹ thuật khai thác và tính toán nó. Năm 1946 những mỏ uran lớn chất lượng cao hơn nhiều được phát hiện ở Liên Xô và lập tức bắt đầu khai thác. Thế nhưng việc khai thác khẩn trương ở Bukhovo vẫn tiếp tục: chúng ta muốn tạo cho ở người Mỹ ấn tượng rằng uran Bungari là cực kỳ cần thiết cho ta. Hiệp định được ký kết bởi Zaveniagin, phó của Beria, với chính phủ Bungari về khai thác và cung cấp uran, các hoạt động thông tin giả do Eitingon và một nhóm sĩ quan tổ chức, đã khẳng định tầm quan trọng việc khai thác uran này đối với chúng ta.
Tháng 3- 1945 chúng tôi gửi cho Beria báo cáo tổng quát về tiến triển thuận lợi công việc ở Mỹ về. Báo cáo mô tả chi tiết các trung tâm của Mỹ, là phòng thí nghiệm ở Los Alamos, các nhà máy ở Ok- Ridge, đưa ra một đánh giá tỉ mỉ hoạt động của hãng Keleks, công ty con của Kellok tại New York, nhấn mạnh công việc về bom nguyên tử được tiến hành bởi các hãng khổng lồ của Mỹ Jouns Construction, Dupon, Union karbet, Kemikl company và v.v. Thông tin cho biết chính phủ Mỹ chi 2 tỷ đôla để nghiên cứu và sản xuất vũ khí nguyên tử và tổng số chung có hơn 130.000 người tham gia đề án.
Ngoài ra, mạng điệp viên báo về nhóm người hạn chế công việc đang tiến hành; tiếp xúc với loại tài liệu theo lệnh của tổng thống Mỹ; về sự thành lập cơ quan phản gián, cảnh sát và các cơ quan khác trong giới hạn đề án; về việc rút khỏi các thư viện Mỹ tất cả những ấn phẩm công khai trước kia về nghiên cứu năng lượng nguyên tử; về sự thay đổi họ tên thật bằng các bí danh của các bác học và chuyên gia có quan hệ trực tiếp đến công việc tại các trung tâm nguyên tử; về sự bảo vệ những nhân vật có trách nhiệm, cũng như về các hoạt động tương tự khác.
Tháng 4- 1945 Kurtratov nhận được từ chúng tôi một tài liệu rất giá trị về các tính chất của thiết bị gây nổ hạt nhân, phương pháp kích hoạt bom nguyên tử và phương pháp từ trường tách hạt uran. Tài liệu này quan trọng đến mức ngay ngày hôm sau các cơ quan tình báo đã nhận được sự đánh giá của nó.
Kurtratov gửi báo cáo lên Stalin dựa trên cơ sở các tin tình báo.
12 ngày sau khi lắp ráp quả bom nguyên tử đầu tiên ở Los Alamos chúng tôi nhận được mô tả cấu trúc của nó từ Washington và New York. Bức điện đầu tiên đến Trung tâm ngày 13- 6, bức thứ hai ngày 4- 7- 1945. Có thể sau 5 năm người Mỹ đã giải mã được các bức điện này và chúng là cơ sở để gây áp lực với Fuchs để ông nhận tội gián điệp. Thế nhưng tôi không dám tin chắc, dù tôi khẳng định rằng các nguồn được chỉ ra trong bức điện, “Charles” và “Mlad” - chính là Fuchs và Pontekorvo.
Chúng tôi báo cáo với Beria rằng hai nguồn không liên quan đến nhau đã báo về vụ thử thiết bị hạt nhân sắp tới.
Sau trận ném bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagasaki công việc của chúng ta về chế tạo bom nguyên tử đã có một quy mô rộng. Vào thời gian ấy chúng ta nhận được từ Mỹ những tài liệu đặc biệt quý giá.
Một báo cáo chi tiết của Fuchs (Charles) được chuyển bằng đường ngoại giao sau khi ông gặp Garri Goldon người đưa tin của mình ngày 19- 9. Báo cáo gồm 33 trang văn bản với sự mô tả cấu trúc quả bom nguyên tử. Muộn hơn chúng tôi nhận được thông báo bổ sung về cấu tạo bom nguyên tử thông qua kênh liên lạc từ Kholla (Mlad) do Lona Koen chuyển. Đó là trình bày chi tiết một chương của báo cáo với chính phủ và thượng viện Mỹ về cấu tạo bom nguyên tử mà theo ý thức bảo mật đã bỏ qua trong công bố chính thức, - báo cáo của uỷ ban Smith đăng ngày 1- 8- 1945, chúng tôi biết rằng Oppengeimer và tướng Grovs đã chỉnh lý. Fuchs thông báo rằng Oppengeimer từ chối ký báo cáo do uỷ ban công bố bởi ông cho rằng đó là tin giả nhằm kìm giữ việc nghiên cứu nguyên tử ở những nước khác.
Trong số tài liệu chúng tôi nhận vào tháng 9- 10- 1945, có một số phần của báo cáo đã không có trong tổng kết của uỷ ban Smith và những tấm ảnh về bố trí các nhà máy ở Ok- Ridge. Chúng có giá trị đặc biệt vì chúng ta cũng bắt tay vào xây dựng công xưởng và đẩy nhanh công việc chế tạo lò phản ứng nguyên tử đầu tiên. Tôi nhớ lại báo cáo 12 trang của Xemenov về cấu tạo bom nguyên tử được Vaxilevxky ký và chuyển cho Beria và Stalin. Tài liệu này thực tế là cơ sở cho chương trình của 3- 4 năm tiếp theo.
Chất lượng và khối lượng thông tin nhận được từ các nguồn ở Mỹ và Anh là khá quan trọng để tổ chức và phát triển chương trình nguyên tử của ta. Những báo cáo chi tiết chứa số liệu về sử dụng các lò phản ứng nguyên tử đầu tiên, đặc thù về sản xuất bom nguyên tử và bom plutôn đóng vai trò trong sự tăng tốc công việc. Những số liệu quý giá về cấu trúc hệ thống các thiết bị điện từ kích hoạt và kích cỡ lượng uran và plutôn để phát nổ thiết bị hạt nhân; về nguyên lý tiếp xúc do Fuchs hình thành - kích hoạt nổ từ bên trong; số liệu về plutôn - 240, thiết bị ngòi nổ, thời gian và tính tuần tự các thao tác về sản xuất và lắp ráp bom và biện pháp đưa ngòi nổ có trong nó vào hoạt động. Nhận được các số liệu về xây dựng các nhà máy thanh lọc và tách hạt uran, điều rút ngắn khá nhiều thời gian để chế biến quặng uran, cũng như ghi chép thường nhật về vụ nổ thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên ở Mỹ vào tháng 7 - 1945.
Sau vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản Bộ chính trị và GKO phê chuẩn quyết định về tổ chức lại một cách thực sự công việc về năng lượng nguyên tử - vấn đề số 1. Để làm điều đó đã thành lập Uỷ ban đặc biệt của chính phủ với đặc quyển tối cao. Beria như Uỷ viên Bộ Chính trị và phó chủ tịch GKO được cử làm chủ tịch uỷ ban, Pervukhin - phó, tướng Makhnev - thư ký.
Tham gia uỷ ban có các uỷ viên Bộ Chính trị - Malenkov (Bí thư BCHTƯ Đảng, Trưởng ban tổ chức), Voznexenxky (Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước), các viện sĩ Kurtratov và Kapitsa; Bộ trưởng Bộ quân khí Vannikov, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Zaveniagin. Bộ máy công vụ của uỷ ban là Tổng cục 1 đặc biệt được thành lập trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Vannikov được cử làm Tổng cục trưởng, Zaveniagin được cử làm phó thứ nhất.
Thuộc uỷ ban đặc biệt có hội đồng khoa học- kỹ thuật,, chủ tịch của nó là Vannikov, phó chủ tịch - Ioffe. Cục “X” của tôi là bộ máy hoạt động được gọi là văn phòng 2 của uỷ ban.
Stalin đề nghị Ioffe và Kapitsa làm thành viên của Uỷ ban đặc biệt về vấn đề số 1. Thế nhưng Ioffe từ chối viện dẫn tuổi tác cao. Ông nói rằng sẽ có lợi hơn trong hội đồng khoa học- kỹ thuật. Chính Ioffe giới thiệu cử giáo sư Kurtratov giữ chức lãnh đạo khoa học của chương trình nguyên tử.
Tham gia vào các cuộc họp của uỷ ban đặc biệt, lần đầu tiên tôi ý thức được rằng quan hệ cá nhân của các thành viên chính phủ, tính tự thị của họ trong tiếp nhận các quyết định quốc gia quan trọng là có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Các bộ trưởng, thành viên của uỷ ban này, tìm mọi cách khẳng định địa vị của mình. Thường nảy ra những tranh luận nóng bỏng và những lý giải không hề đẹp mặt. Beria thành ra trọng tài và đòi hỏi sự thực hiện một cách vô điều kiện các chỉ thị của ban lãnh đạo.
Tôi đã từng quan sát sự cạnh tranh đang tăng giữa Kapitsa và Kurtratov trên các cuộc họp của uỷ ban đặc biệt. Kapitsa là một nhân cách vĩ đại, một nhà chiến lược tuyệt vời, một nhà tổ chức lớn của khoa học. Kapitsa có vai trò quan trọng trong tổ chức các công việc về vấn đề nguyên tử và thiết lập những tiếp xúc với các bác học phương Tây, nói riêng là giữa Terletsky với Bor, dĩ nhiên ông muốn cạnh tranh một vị trí lãnh đạo độc lập trong việc hiện thực hoá đề án nguyên tử.
Nhưng nhanh chóng quan hệ giữa Kapitsa, Beria và Voznexenxky bị xấu đi. Kapitsa đề nghị để Kurtratov tư vấn chỗ ông về đánh giá các kết quả công việc và các kết luận trước khi báo cáo tại các cuộc họp của Uỷ ban đặc biệt. Pervukhin ủng hộ Kapitsa, nhưng Beria và Voznexenxky không đồng ý. Beria đề nghị Kapitsa và Kurtratov đưa ra các đề xuất có khả năng chọn lựa với chính phủ. Hơn thế, Beria đề nghị Kapitsa trên cơ sở viện của mình phụ làm thử một loạt thử nghiệm của Kurtratov.
Kapitsa bực tức có nghĩa là rối loạn thực tế về vật lý lý thuyết ở Liên Xô.
Kapitsa viết cho Stalin rằng Beria và Voznexenxky không nghe ý kiến của các bác học, rằng chỉ có thể trao sự lãnh đạo cho các bác học về đề án nguyên tử. Sau một loạt cố gắng không thành nhằm đạt được sự ủng hộ của Stalin trong đụng độ này, Kapitsa nhanh chóng bị đưa ra khỏi thành phần Uỷ ban đặc biệt. Người ta để ông yên, nhưng không cho tiếp cận đến các nghiên cứu nguyên tử.
Thế nhưng trong một loạt công bố ở Anh và Mỹ những năm 1950 - 1960, Kapitsa tự giới thiệu như “người điều phối các công việc và thám sát về vũ khí nguyên tử”. Năm 1946, ông mời Einstein sang Liên Xô làm việc trong lĩnh vực vật lý “trong một đất nước tự do nhất cho sự sáng tạo”.
Điều đó gây nên một sự náo động trong các cơ quan đặc biệt Mỹ và sứ quán Mỹ ở Liên Xô. FBI đã tăng cường thăm dò Einstein, cho rằng ông dính với Kapitsa bởi những thoả thuận ngầm nào đó, mà vai trò Kapitsa trong đề án nguyên tử Xô viết năm 1946 người Mỹ chưa biết rõ.
Vào năm đầu tiên sau chiến tranh các chiến dịch tình báo về vấn đề nguyên tử có một đặc quyền đặc biệt. Tháng 12 - 1945 - Beria thôi giữ chức bộ trưởng nội vụ và chuyển từ Lubianka vào điện Kremli, vào văn phòng Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Các cuộc họp của uỷ ban đặc biệt về vấn đề nguyên tử cũng diễn ra trong Kremli, chứ không ở NKVD. Là phụ trách văn phòng 2 của uỷ ban, cán bộ bộ máy chính phủ, tôi nhận được thẻ vào Kremli bất cứ lúc nào.
27 – 12 - 1945 chúng tôi gửi cho Beria để xem xét tại cuộc họp của Uỷ ban đặc biệt chính phủ các tài liệu được dịch từ tiếng Anh về cấu tạo bom nguyên tử, các mẫu vỏ bom nhận từ mạng điệp viên an ninh và tình báo quân đội Các cuộc họp thường diễn ra trong phòng của Beria. Đó là những cuộc tranh luận nóng bỏng. Ngoài cãi nhau gay gắt về phân phối điện năng, Pervukhin tiếp tục những đòi hỏi đối với Voznexenxky về việc tăng cường quỹ kim loại màu cho nhu cầu của các xí nghiệp công nghiệp hoá chất sản xuất nhiên liệu nguyên tử. Tôi ngạc nhiên vì những phê phán lẫn nhau của các thành viên chính phủ. Beria can thiệp vào những vụ tranh cãi đó, kêu gọi Pervukhin và Voznexenxky giữ trật tự. Và lần đầu tiên tôi thấy trong cái cơ quan chính phủ đặc biệt này tất cả đều xem mình ngang hàng không phụ thuộc vào việc ai trong số họ là uỷ viên BCHTƯ hay uỷ viên Bộ Chính trị.
Cho đến khi bị bắt tôi đã giữ được quan hệ tốt với Vannilov và thư ký uỷ ban, tướng Makhnev. Họ là những người am hiểu ngành công nghiệp, có thể chỉ ra không nhầm lẫn, có thể giao cho nhà máy nào các đơn đặt hàng về để án nguyên tử.
Tôi thường ghé vào văn phòng của Makhnev. Không hiểu sao người ta cho rằng ông là tướng của NKVD, nhưng không phải thế. Một nhà tổ chức tuyệt vời sản xuất quân khí và bom nguyên tử, ông chưa bao giờ phục vụ trong cơ quan an ninh. Makhnev rất quan tâm thông tin về công việc các xí nghiệp, các hãng công nghiệp Mỹ tham gia vào chương trình nguyên tử. Chúng tôi thường nhận được thông tin này từ các nguồn công khai, theo tuyến TASS và đểu đặn lập các bản tổng quan về những chỉ số kinh tế và tiềm năng công nghệ rút ra từ các tạp chí khoa học- kỹ thuật về các hãng Mỹ chuyên trách những đơn đặt hàng riêng biệt của chính phủ liên quan với việc chế tạo bom nguyên tử.
Chỉ lúc ấy tôi mới hiểu, Beria thể hiện mối quan tâm như thế nào đến các vấn đề kinh tế và sự phát triển công nghiệp. Tôi biết rằng Beria như phó chủ tịch GKO trong những năm chiến tranh chịu trách nhiệm không những về hoạt động của các cơ quan đặc biệt, mà còn cả về sản xuất vũ khí đạn dược, công việc của liên hợp nhiên liệu- năng lượng. Đặc biệt ông quan tâm các vấn đề khai thác và chế biến dầu lửa. Theo sáng kiến của ông, Vannikov, Uxtinov và Baibakov (họ chưa đến tuổi 40) được cất nhắc vào những chức vụ cao - các bộ trưởng sản xuất quân khí, trang bị và công nghiệp dầu khí.
Beria vốn thô lỗ và hà khắc trong giao tiếp với thuộc cấp, nhưng có thể là người chú ý, lịch sự và giúp đỡ hàng ngày những người bận công việc quan trọng, bảo vệ những người này khỏi đủ loại mưu mô của cơ quan NKVD hay các cấp lãnh đạo Đảng. Ông thường xuyên cảnh báo các lãnh đạo xí nghiệp về trách nhiệm và ở ông có khả năng hiếm có cả gây nỗi sợ lẫn khích lệ mọi người làm việc. Tự nhiên thôi, đối với các giám đốc cơ sở công nghiệp ông phần nhiều được đồng nhất với sự hùng hậu của cơ quan an ninh. Tôi có cảm giác rằng Beria lấy được những phẩm chất ở Stalin - sự kiểm soát cứng rắn, sự đòi hỏi vô cùng cao và đồng thời là tạo ra không khí tự tin ở nhà lãnh đạo, rằng trong trường hợp thực hiện thành công nhiệm vụ được đề ra, anh sẽ đảm bảo có sự ủng hộ.
@by txiuqw4