Năm 1945 tôi gặp Harriman, đại sứ Mỹ ở Liên Xô. Buổi gặp gỡ đầu tiên là ở Bộ Ngoại giao: tôi được giới thiệu là Pavel Matveev, cán bộ ban thư ký của Molotov, chịu trách nhiệm về chuẩn bị kỹ thuật của hội nghị Yalta. Sau buổi gặp chính thức đầu tiên tôi mời Harriman ăn trưa tại Aragvi lúc ấy nổi tiếng với những món ăn Gruzia. Harriman có vẻ khoan khoái. Tôi đưa theo công tước Radzivill như phiên dịch của mình được giới thiệu với Harriman với tư cách nhà ái quốc Ba Lan đang sống lưu vong ở Moskva (trong khi đó ông là điệp viên trực thuộc Beria). Đối với Harriman và Radzivill đó là cuộc gặp gỡ của những người quen cũ. Harriman làm chủ một nhà máy hóa chất, nhà máy sứ, hai mỏ than và kẽm ở Ba Lan. Quan trọng hơn nữa là Radzivill và Harriman đồng sở hữu liên hợp than đá- thép nơi cần đến 40 nghìn công nhân. Ở tổ quốc mình Radzivill là một nhân vật chính trị khá nổi bật, vốn là nghị sĩ và chủ tịch uỷ ban hiến pháp về ngoại giao. Năm 1930 ông giúp Harriman mua được cổ phần một số xí nghiệp Ba Lan trong điều kiện cạnh tranh khá quyết liệt từ phía các doanh nhân Pháp và Bỉ.
Vào những năm 30 Beria đã chiêu mộ Radzivill và chuyển trở lại Đức. Cuối năm 1944 hay đầu 1945 tôi được thông báo: Radzivill bị bắt giữ và chuyển về Moskva; Beria ra lệnh sử dụng ông ta vào các tiếp xúc thăm dò vối người Mỹ ngay trước hội nghị Yalta. Vào thời gian ấy quan hệ của chúng ta với Ba Lan đang căng thẳng. Ủy ban thân cộng sản ở Lublin tuyên bố mình là chính phủ của đất nước để đối chọi với chính phủ Ba Lan lưu vong ở London. Chúng ta dự định lợi dụng Radzivill đế trấn an những người Ba Lan thân Anh. Các chính quyền Mỹ và Anh trong khi đó như chúng tôi rõ, bắt đầu điều tra chỗ cư trú của bí mật Radzivill.
Sự kiểm tra thông thường các quan hệ của ông ta trước chiến tranh cho chúng tôi thấy: Radzivill có quan hệ làm ăn với Harriman. Biết về điều đó, lập tức Beria ra lệnh về việc chuyển Radzivill từ Lubianka nơi đến lúc ấy ông ta đã kịp ngồi tù gần một tháng, tới căn hộ ở ngoại thành Moskva chịu sự giam giữ tại gia. Beria quyết định dùng Radzivill làm môi giới trong tiếp xúc với Harriman.
Trong bữa trưa tại Aragvi tôi dự định nói về sự chịu đựng của chúng ta liên quan tới các cha cố Gia tô giáo, Thanh giáo và Chính thống, thậm chí cả với những kẻ mà trong chiến tranh đã cộng tác với chính quyền Đức tại các lãnh thổ bị chiếm đóng. Tôi cũng định bàn bạc trong bữa ăn số phận của các linh mục nhà thờ Chính thống Nga và đoan chắc với Harriman rằng chính phủ Xô viết không truy nã các chức sắc Chính giáo.
Khi tôi nói về điều này, Harriman nhận xét rằng cuộc bầu cử Giáo chủ mới đây đã gây ấn tượng thuận lợi cho dư luận Mỹ. Chúng tôi chẳng bàn thêm được những vấn đề nào khác nữa bởi vì Harriman cảm thấy Radzivill nói chung không phải là một phiên dịch chính thức và đã bàn với ông ta mọi viễn cảnh kinh doanh có thể liên quan đến sự thành lập những xí nghiệp hợp tác ở Liên Xô sau chiến tranh. Theo lời Harriman, chiến bại của Đức có thể một cách logic dẫn tới việc hợp tác kinh tế Xô - Mỹ trở thành hiện thực. Chúng ta cần sự giúp đỡ kinh tế, vì thế chúng ta cho phép tư bản Mỹ vào để nâng lên nền kinh tế quốc dân bị chiến tranh hủy hoại. Harriman tính rằng phía Mỹ có thể kiếm lợi rất nhiều khi tham gia vào phục hồi nền kinh tế của chúng ta.
Tôi nói với đại sứ Mỹ rằng chúng ta cám ơn vì thông tin được chuyển cho chúng ta qua kênh ngoại giao về các tiếp xúc của những điệp viên Mỹ với những nhân vật được uỷ nhiệm đặc quyền của Gerdeler và của tướng Beck ở Thụy Sĩ. Người Mỹ công khai thông báo cho chúng ta những kế hoạch đưa nước Đức ra khỏi cuộc chiến. Tôi nhắc về việc chúng ta đã thông tin cho Văn phòng quốc gia Mỹ những tiếp xúc bí mật của chúng ta với người Phần Lan với mục đích ký kết hiệp ước hoà bình mà trong đó đóng vai trò trung gian là gia đình Vallenberg.
Cuối cùng tôi hỏi Harriman, người Mỹ chờ đợi gì từ hội nghị Yalta. Mục đích của tôi trong khi đó quy lại là để sớm chuẩn bị lập trường về những vấn đề tế nhị nhất mà người Mỹ sẽ đụng chạm đến. Thí dụ, tương lai của Ba Lan, các biên giới sau chiến tranh ở châu Âu hay số phận Nam Tư, Hy Lạp và Áo. Thế nhưng Harriman chưa sẵn sàng tới một cuộc trò chuyện tương tự. Tôi hiểu rằng ông cần chỉ dẫn. Ông quan tâm hơn việc Radziviil định ở lại Moskva bao lâu. Tôi cam đoan rằng Radzivill có thể tự do đi London, nhưng lại thích đi thẳng về Ba Lan hơn ngay khi đất nước thoát khỏi bọn Đức.
Harriman bất ngờ đặt câu hỏi về sự lôi kéo tư bản Do Thái để khôi phục nền kinh tế của chúng ta bị chiến tranh huỷ hoại. Nói riêng, ông cho biết các giới kinh doanh Mỹ ủng hộ ý tưởng sử dụng tư bản Do Thái để phục sinh tỉnh Gomel ở Beloruxia - nơi sinh sống của phần đông người Do Thái.
Tôi tìm mọi cách cố chuyển câu chuyện sang đề tài khoa học. Và thế, tôi khuyên Harriman chú ý đến các xử sự của con gái ông mà những trò phiêu lưu với đám trẻ ở Moskva có thể gây cho cô ta thiệt hại lớn: trong thành phố đủ loại du côn, điều không có gì lạ nếu tính đến những khó khăn của thời chiến. Những nhận xét của tôi được nói mềm mỏng, thân tình và cố ý nhấn mạnh rằng, tất nhiên chính phủ chúng ta sẽ cố không để có những hành động nào bôi nhọ thanh danh của chính Harriman cũng như gia đình ông. Trong khi đó tôi lưu ý đặc biệt rằng Harriman có được lòng kính trọng của lãnh đạo quốc gia chúng ta. Những ngăn ngừa này không hề là sự đe dọa lẫn ý đồ tống tiền nào đó. Ngược lại, mục đích của chúng ta là cho ông ta thấy không hề có những sự khiêu khích nào đối với ông ta. Cái sự kiện là chúng tôi bàn bạc với ông không chỉ những vấn đề ngoại giao mà còn những vấn đề hoàn toàn riêng tư, thêm nữa vấn đề lại khá tế nhị, chỉ cho thấy độ tin cậy của chúng ta. Nhưng Harriman không hề có phản ứng khi tôi thể hiện mối quan tâm về việc cung cấp vodka và trứng cá đen cho những hội nghị sắp tới ở Krưm.
Trò chuyện với Radzivill, Harriman nhấn mạnh rằng Yalta cần phải bật đèn xanh cho những khởi sự kinh doanh tương lai tại Đông Âu thời hậu chiến và ở Liên Xô. Giữ mạch trò chuyện tôi nói rằng ý nghĩa của việc Radzivill bí mật đến Moskva là để loại trừ đủ thứ tin đồn, dường như bạn của Goering sắp xuất hiện ở Thuỵ Điển hoặc Anh với tư cách người đưa tin của Hitler. Radzivill không những lập tức dịch những lời của tôi mà từ phía mình đã ủng hộ tôi, khẳng định ý định của mình xuất hiện ở châu Âu chỉ sau chiến tranh. Bởi nhẽ trong cuộc gặp gỡ, như một quan chức cao cấp của chính phủ, tôi nhân danh lãnh đạo đã tặng quà Harriman - một bộ đồ uống trà.
Cuộc trò chuyện của tôi với Harriman ở Aragvi, sau đó tại khách sạn Xô viết được ghi băng. Sau đó chúng tôi nghe băng ghi, cố tìm trong đó những nét bổ sung để xác lập chân dung tâm lý các thành viên phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Yalta. Điều này đối với Stalin còn quan trọng hơn những tin tình báo: khả năng thiết lập các tiếp xúc cá nhân với những người đứng đầu các phái đoàn phương Tây, Roosevelt và Churchill là điều quyết định. Và đích thực, những quan hệ cá nhân của các thủ lĩnh thế giới đóng vai trò khổng lồ khi bàn bạc và tiếp nhận các tài liệu tại hội nghị Yalta.
Tháng 11 - 1945 khi Stalin nghỉ ở Krưm, Harriman vô vọng cố gặp được ông để bàn bạc các kế hoạch hợp tác kinh tế và chính trị. Tôi nghe kể, ông ta đã đến gặp Molotov và thuyết phục ông ấy rằng ông là bạn của chúng ta, trong suốt mấy năm luôn bàn những vấn đề tế nhị với những nhân vật có chức quyền Xô viết và riêng với Stalin. Thế nhưng lần này Molotov hững hờ và quan cách. Điều đó có nghĩa là từ đây Harriman không còn là mối quan tâm đối với phía chúng ta và ông đã bị cấm tiếp cận với cấp cao nhất của chúng ta. Harriman rời Moskva vào cuối tháng 1 - 1946.
@by txiuqw4