sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

4. Kế Hoạch Marsall. Sự Kiện Ở Bungari Và Tiệp Khắc Những Năm 1946 - 1948

Thoạt đầu lãnh đạo Liên Xô nghiêm túc xem xét sự tham gia của Liên Xô vào “kế hoạch Marsall”. Tôi nhớ cuộc gặp của mình với Vetrov trợ lý của Molotov trước chuyến đi của ông sang Paris vối Molotov để tham gia thương thuyết về tương lai châu Âu. Đó là năm 1947. Vetrov bạn cũ của tôi từ thời còn làm việc tại Riga năm 1940, kể với tôi rằng đường lối của ta xây dựng trên sự hợp tác với các đồng minh phương Tây trong hiện thực hoá “kế hoạch Marsall”, trước tiên là hồi sinh nền công nghiệp bị huỷ hoại bởi chiến tranh tại Ucraina, Beloruxia và Leningrad.

Bất ngờ đường lối chính trị thay đổi đột ngột. Tôi được mời đến Ủy ban thông tấn. Vưsinxky, quyền chủ tịch uỷ ban khi Molotov vắng mặt, và Fedotov phó của ông thông báo rằng, nhận được thông tin quan trọng từ điệp viên mật danh “Stuart” (đó là Donalt Maklin). Vốn là bí thư thứ nhất sứ quán Anh tại Mỹ và thực hiện trách nhiệm chánh văn phòng sứ quán, Maklin tiếp xúc được với thư từ bí mật đặc biệt. Trong tin báo khẳng định: mục đích của “kế hoạch Marsall” là xác lập sự thống trị kinh tế của Mỹ ở châu Âu.

Tổ chức kinh tế thế giới về phục hồi công nghiệp châu Âu sẽ nằm dưới sự kiểm soát của tư bản Mỹ. Nguồn thông tin này không phải là ai khác mà chính ngoại trưởng Anh Ernest Bevin. Kế hoạch này tiên liệu trước sự khác biệt trong phát triển kinh tế của các nước Đông và Tây Âu.

Nói chung giá trị của D.Maklin đối với các đường lối đối ngoại là lớn hơn hẳn rất nhiều so với các tài liệu đến từ Filby. Filby có giá trị đặc biệt đối với các chiến dịch của cơ quan an ninh, bởi các số liệu của ông cho phép chặt đứt một loạt hoạt động lớn của tình báo Anh và Mỹ ở Anbani và Tây Ucraina năm 1951.

Vưsinxky muốn không chậm trễ báo cáo về tin này với Stalin. Thế nhưng, ông cần biết chắc độ tin cậy của điệp viên mà từ đó thông tin phát đi, thêm nữa không chỉ trong chính Maklin mà cả trong các điệp viên khác thuộc nhóm Cambrige - Filby, Berges, Kernkross và Blant. Vưsinxky e ngại rằng những người này bị bôi nhọ bởi các mối liên hệ trong quá khứ với Orlov. Nhỡ đâu giờ đây họ chơi trò hai mặt?

Vưsinxky hỏi tôi. Tôi đáp rằng tôi chịu trách nhiệm về những chỉ thị tôi ký, nhưng về công việc của Maklin tôi chỉ có tin tức đến năm 1939, còn từ 1942 tôi không có báo cáo nào về ông ta.

Cuối cuộc nói chuyện tôi nhắc Vưsinxky nhớ là chính Stalin ra lệnh để NKVD không tìm kiếm Orlov ở nước ngoài và không săn đuổi gia đình ông ta. Sau sự nhắc nhở đó Vưsixnky có vẻ tin rằng không có cơ sở để nghi ngờ, mà nghĩa là nên báo cáo về tin tức với Stalin. Nếu thông tin của Maklin thiếu chính xác thì Vưsinxky hiểu là có thể phủi tay, viện tối lệnh của Stalin để Orlov yên. Ngoài ra, cuộc nói chuyện của chúng tôi diễn ra trước Fedotov người có thể dùng làm nhân chứng chống lại tôi, nếu thông tin của Maklin là giả.

Trong thông báo cũng nói rằng “kế hoạch Marsall” tiên liệu việc Đức ngừng trả bồi thường chiến tranh. Điều đó lập tức làm lãnh đạo Liên Xô cảnh giác, bởi vào thời ấy bồi thường chiến tranh về thực chất là nguồn duy nhất của các phương tiện nước ngoài để hồi phục nền kinh tế quốc dân bị chiến tranh tàn phá.

Tại Yalta và Postdam các bên đã đi đến thỏa thuận rằng nước Đức sẽ trả bồi thường chiến tranh bằng các thiết bị, máy cái công nghiệp và máy móc, xe hơi, xe tải và vật liệu xây dựng một cách đều đặn - trong vòng 5 năm. Sự cung ứng này là đặc biệt quan trọng cho công nghiệp hoá chất và chế tạo máy đang cần hiện đại hóa. Thêm nữa việc sử dụng các cung ứng ở Liên Xô không chịu sự kiểm soát quốc tế, điều đó có nghĩa là chúng ta có quyền sử dụng chúng cho bất cứ mục đích gì.

Theo “kế hoạch Marsall” hiện thực hoá tất cả các đề án trợ giúp kinh tế của nước ngoài phải nằm dưới sự kiểm soát quốc tế, thực tế là của Mỹ. Kế hoạch này có thể chấp nhận được nếu nó là sự bổ sung cho sự chuyển đều đặn bồi thường chiến tranh từ Đức và Phần Lan. Thông báo nhận từ Maklin rõ ràng cho thấy chính phủ Mỹ và Anh muốn nhờ “kế hoạch Marsall” đình chỉ bồi thường chiến tranh cho Liên Xô và các nước Đông Âu và cho sự giúp đỡ quốc tế dựa trên không phải hiệp định hai bên mà trên sự kiểm soát quốc tế.

Điều này là tuyệt đối không chấp nhận được, nó cản trở sự kiểm soát của chúng ta đối với Đông Âu. Mà điều đó có nghĩa rằng các ĐCS đã tự khẳng định ở Rumani, Bungari, Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungari sẽ mất đi những đòn bẩy của quyền lực. Rất đáng nhớ, một năm rưỡi sau khi “kế hoạch Marsall” bị gạt bỏ, hệ thống đa đảng ở Đông Âu bị thủ tiêu với sự tham gia tích cực của chúng ta.

Theo chỉ thị của Stalin, Vưsikxky gửi mật mã cho Molotov ở Paris khái quát thông tin của Maklin. Dựa trên thông tin này, Stalin đề nghị Molotov phát biểu chống lại việc hiện thực hoá “kế hoạch Marsall” tại Đông Âu.

Sự đối kháng được tiến hành bằng những cách khác nhau. Thí dụ, riêng Vưsinxky tiến hành đàm phán với vua Rumani Mikhai về việc ông từ chối sang ở Mexico với các đảm bảo. Chúng ta cũng tặng ông huân chương “Chiến thắng”, chính phủ Rumani xác lập chi phí suốt đời cho ông.

Những sự kiện ở Ba Lan những năm 1946 - 1947 phát triển căng thẳng đối với các quyền lợi đối ngoại của Liên Xô. Con át chủ bài của giới lãnh đạo Ba Lan thân với Liên Xô là vấn đề về biên giới mới, về những vùng đất chuyển cho Ba Lan từ nước Đức theo các thoả thuận của Liên Xô, Anh và Mỹ ở Postdam năm 1946. Chúng ta đã ủng hộ về kỹ thuật và tổ chức cho chính phủ Berut trong tiến trình chiến dịch bầu cử. Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Xelivanovxky mấy lần sang Ba Lan với một nhóm lớn cán bộ kỹ thuật- tác chiến đứng đầu là Cục trưởng Cục kỹ thuật tác chiến Palkin.

Theo tuyến cơ quan tình báo và phá hoại được gửi sang Ba Lan nhóm tác chiến đứng đầu là Anh hùng Liên Xô đại tá Mirkovxky. Nó có giúp đỡ thiết thực cho cơ quan an ninh Ba Lan trong cuộc đấu tranh với các đơn vị du kích tàn quân Kraiova và trong tổ chức chiến dịch thông tin giả chống lại tình báo Anh và Mỹ vẫn tiếp tục cho đến tận năm 1952.

Tình hình hiếm có đã hình thành ở Bungari. Trong thời gian chiến tranh tôi thường gặp Georgi Dimitrov người đứng đầu Quốc tế cộng sản cho đến khi nó được giải thể năm 1943. Trong một năm ông là trưởng ban quốc tế của BCHTƯ ĐCS Liên Xô. Năm 1944 khi Dimitrov trở về Bungari, ông cho phép Nữ hoàng và con trai bà, thái tử, khi rời đất nước đem theo toàn bộ tài sản gia đình. Biết mối de dọa của các giới quân chủ lưu vong, Dimitrov quyết định thủ tiêu toàn bộ phái đối lập chính trị: các nhân vật chủ chốt của nghị viện cũ và chính quyền nhà vua Bungari bị thanh trừng và bị thủ tiêu. Kết quả hành động này là Dimitrov trở thành nhà lãnh đạo cộng sản duy nhất ở Đông Âu không có tổ chức đối lập giữa giới lưu vong cạnh tranh quyền lực một cách thực tế. Những người thừa kế Dimitrov lợi dụng thành quả của tình huống này được hơn 30 năm. Tướng Ivan Vinarov một trong những lãnh đạo tình báo Bungari, làm việc dưới sự chỉ đạo của tôi trong Tổng cục 4 thời chiến tranh, muộn hơn khi chúng tôi gặp nhau vào những năm 70 ở Moskva đã nói: chúng tôi sử dụng kinh nghiệm của các anh và đã tiêu diệt tất cả những kẻ đối lập trước khi chúng kịp chạy sang phương Tây.

Mặc dù thế, tình thế ở Bungari đôi khi rất căng thẳng. Vào những ngày khủng hoảng chính trị gay gắt năm 1947 chúng tôi chuyển cho Dimitrov một nhóm cán bộ của cơ quan đặc biệt đứng đầu là đại tá Xtudnikov. Nhiệm vụ của họ là giúp cơ quan an ninh Bungari vô hiệu hoá và khi cần thì gạt bỏ các đối thủ chính trị của Dimitrov. Đứng đầu sự phối hợp trực tiếp các hành động của cơ quan đặc chúng ta và Bungari là thành viên ban lãnh đạo Bungari Tservenkov cũng là người họ hàng của Dimitrov.

Tình hình ở Tiệp Khắc có khác. Nhóm trưởng của chúng ta ở Praha Borix Rưbkin đến cuối 1947 đã tạo lập một mạng lưới bí mật hoạt động dưới vỏ bọc hãng xuất nhập khẩu chế tác kim hoàn, sử dụng nó như cơ sở cho mọi chiến dịch phá hoại có thể ở Tây Âu và Cận Đông. Sản phẩm kim hoàn Tiệp nổi tiếng khắp thế giới, điều đó làm giảm nhẹ cho Rưbkin nhiệm vụ thành lập các hãng con tại những thủ đô Tây Âu và Cận Đông. Trong nhiệm vụ của Rưbkin có việc sử dụng phong trào người Kurd chống vua Iran và các nhà cầm quyền Iraq, vua Feixal II và thủ tướng Nuri Xaid. Cuối năm 1947 Rưbkin chết trong một vụ tai nạn xe hơi ở Praha, nhưng đến lúc đó nhóm của ông đã bắt đầu hoạt động tích cực.

Năm 1948 trước khi chuyển chính quyền từ tay Benes sang tay Klement Gotvald, Molotov gọi tôi vào văn phòng Kremli và ra lệnh đi sang Praha và, tổ chức gặp kín với Benes, đề nghị ông ta rời khỏi chức vụ khi chuyển chính quyền cho Gotvald, thủ lĩnh của ĐCS Tiệp Khắc. Để nhắc Benes về các liên hệ chặt chẽ không chính thức của ông với Kremli, tôi phải đưa ra giấy biên nhận 10.000 đôla do thư ký của ông ký năm 1938, số tiền ấy cần cho Benes và người của ông ta để đi sang Anh. Trong trường hợp ngược lại tôi phải nói với ông ta rằng chúng ta sẽ tìm ra biện pháp làm rò rỉ thông tin về hoàn cảnh chạy trốn của ông ta khỏi đất nước và về tài trợ tài chính cho ông ta, về hiệp ước cộng tác ngầm của tình báo Tiệp và Liên Xô ký năm 1935 tại Moskva, về hiệp định bí mật chuyển Ucraina Karpat cho chúng ta và về sự tham gia của chính Benes trong việc chuẩn bị bạo động năm 1938 và việc ám sát thủ tướng Nam Tư.

Molotov nhấn mạnh rằng tôi không được uỷ quyền tiến hành bất cứ thương thuyết nào về các vấn đề chính trị Tiệp Khắc: nhiệm vụ của tôi chỉ là truyền đạt những điều kiện của chúng ta, cho phép Benes tự lựa chọn giải pháp thực hiện. Molotov nhắc lại các chỉ dẫn rất rành rọt và nhìn chăm chắm vào mắt tôi qua kính một tròng. Tôi trả lời rằng một nhiệm vụ tế nhị như vậy phù hợp hơn Zubov, nhóm trưởng của chúng tôi ở Praha những năm trước chiến tranh, người bị Stalin và Molotov có thời đã nhốt vào tù vì rằng năm 1938 ông đã thông báo về tính không hiện thực của kế hoạch Benes dựa vào những kẻ đáng ngờ ở Belgrad và, hơn nữa, đã không cho họ tiền. Đáp lại Molotov nói tôi phải thực hiện nhiệm vụ với những phương cách do chính tôi cân nhắc. Rõ ràng ông ta không muốn nhận về mình trách nhiệm, ông ta chỉ cần kết quả. Tôi phải rời Praha sau 12 giờ, không đợi lời đáp của Benes.

Cùng với Zubov (từ tháng 9 - 1946 Zubov đã nghỉ hưu; sau khi ra tù ông đã trở thành phế nhân: đi khập khiễng chống gậy) chúng tôi đi tàu hoả sang Praha tháng 1 - 1948, nhưng không dừng ở sứ quán mà ở tại một khách sạn khiêm tốn nơi chúng tôi tự giới thiệu là thành viên của một đoàn thương mại Xô viết. Binh đoàn chúng ta gồm 400 người mặc đồ dân sự đã có mặt ở Praha. Nhóm này được chuyển ngầm sang để giúp đỡ và bảo vệ Gotvald.

Các đại diện Xô viết chính thức đã gây áp lực cho Benes, chúng tôi lại còn phải thêm phần của mình. Zubov nhờ các mối liên hệ cũ đã gặp Benes 15 phút tại dinh thự ông ta. Theo chỉ dẫn Zubov nói với Benes rằng không chờ câu trả lời, mà chỉ truyền đạt một thông điệp không chính thức. Benes có vẻ như bị đánh gục, cố làm tất cả những gì có thể để tránh sự bùng nổ vũ lực và rối loạn ở Tiệp Khắc.

Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi lên tàu Praha- Moskva. Khi tàu vừa qua biên giới, tôi lập tức, lợi dụng các kênh liên lạc của tỉnh uỷ địa phương gửi mật mã cho Molotov và bản sao cho Abakumov bộ trưởng an ninh lúc đó: “Sư tử đã được tiếp và chuyển thông điệp” (Sư tử là mật danh của Zubov). Sau một tháng Benes nhường dây cương lãnh đạo cho Gotvald.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx