Có nữ tử tù xin cán bộ trại giam đừng liệm nằm sấp sau khi bị thi hành án. Bởi, họ sợ liệm sấp mặt thì không siêu thoát và ngày cúng giỗ không về được…
Theo thông tin trên tờ An ninh thế giới, trong thời gian chờ chết, hầu hết các tử tù đều âm thầm tự chuẩn bị cho một “cuộc ra đi”. Một số tử tù cẩn thận tự chuẩn bị cho mình áo trắng (coi như áo liệm), chuẩn bị găng tay, tất chân (loại bằng nilon) để sau này giữ được nguyên vẹn xương khi bốc mộ. Có người thì ngày ngày viết nhật ký vào lớp trong của chiếc áo khoác để sau này khi đi rồi còn có cái gì đó để lại cho gia đình.
Trong những ngày cuối đời, tử tù Nguyễn Thị Hoa (quê Sa Mấn – Điện Biên) chủ yếu bói bài Tây xem ngày mai đã đến lượt mình chưa, rồi đọc kinh cầu nguyện, chắp tay trước ngực hàng giờ để khấn vái.
“Phạm nhân tử hình luôn ý thức được đến lúc họ phải ra đi. Vì vậy, họ chuẩn bị cho mình rất kỹ, từ tất tay, tất chân, thậm chí cả son phấn nếu là phụ nữ. Khi bị gọi dậy để chuẩn bị làm thủ tục thi hành án, họ tắm táp sạch sẽ và cẩn thận, nhưng có khi lại quên tất cả mọi thứ đã chuẩn bị”. Báo An ninh Hải Phòng viết.
Nguồn trên cũng thuật lại trường hợp nữ tử tù xin cán bộ trại giam đừng liệm nằm sấp sau khi bị thi hành án. Bởi, họ sợ liệm sấp mặt thì không siêu thoát và ngày cúng giỗ không về được. Một số tử tù khác thì thường bàn nhau rôm rả là khi chết xuống âm phủ làm nghề gì, nào là mở quán cà phê, sửa xe… Thế nhưng vẫn có người nói xuống đấy nếu có hàng trắng thì lại buôn…
Tử tù Nguyễn Công Dụng (tức Nguyễn Tiến Công, 49 tuổi ở xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) thì nhất quyết từ chối gặp mặt khi vợ con đến thăm nuôi theo quy định, kể cả vào những ngày trong buồng biệt giam. Sau đó, khi nhận quà tiếp tế và những lời hỏi thăm của vợ từ quản giáo, tử tù này lại ôm mắt khóc rưng rức. Trước khi chết, Dụng viết một bức thư gửi về nhà cho vợ con để mong được tha thứ. Tờ Pháp luật & Xã hội đưa tin.
Tử tù Lê Xuân Trường (xóm Chợ, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) thì tranh thủ từng giờ, từng phút còn tồn tại trên cõi đờ để viết lại cho con những dòng nhật ký. Báo An ninh Hải Phòng viết: “Trường nhớ như in từng câu chữ viết ra trong tất cả 1.680 trang nhật ký. Đó là những điều hay, lẽ phải, Trường mong muốn con mình sẽ làm theo. Trường cũng không hề giấu diếm, sẵn sàng thú nhận, kể lại tất cả tội lỗi của mình đã gây ra những mong con hiểu và tha thứ… Sau mỗi lần xin được của cán bộ tờ giấy, để tiết kiệm, Trường phải viết chữ thật nhỏ, không để thưa dòng”.
Trong những ngày ở buồng biệt giam chờ thi hành án, tâm lý, hành động của các tử tù luôn có những thay đổi khó lường. Có tử tù liên tục bỏ bữa, lại có tử tù tìm cách tự sát…Đại úy Lê Trung Hà, quản giáo trại tạm giam số 1 của công an Hà Nội, người trực tiếp trông coi tử tù Nguyễn Đức Nghĩa cũng đã chia sẻ trên tờ Tri thức trực tuyến: “Điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu”.
(Theo Tri Thức)
@by txiuqw4