Đức Di Lặc là một vị Phật thứ năm trong Hiền kiếp (Bốn vị Phật trong Hiền kiếp đã ra đời, kể ra sau đây: 1. Đức Cấu Lưu Tôn, 2. Đức Câu Na Hàm, 3. Đức Ca Diếp, 4. Đức Thích Ca Mâu Ni) để nối ngôi Phật Thích Ca, ra đời mà giáo hóa chúng sanh.
Nhưng số kiếp chưa đến, ngài còn ở trên cung trời Đâu Suất, thường hay hóa thân trong mười phương thế giới mà thuyết pháp độ sanh.
Khi ngài ứng tích tại Song Lâm, thì tên của ngài là: Phó Đại Sĩ, và lúc ngài hóa thân ở Nhạc Lâm, thì hiệu của ngài là Bố Đại Hòa Thượng.
Công việc hành tàng bước đường lai khứ trong hai khoảng chuyển sanh ấy, nào là lời phương tiện quyền xảo, nào là lời vi diệu pháp âm, làm cho người đời đều tỉnh giấc mộng mà quy đầu về chánh giáo.
Nay xin lược thuật sự tích lúc ngài hóa thân làm vị Bố Đại Hoà Thượng ra sau đây cho quý vị độc giả xem.
Đương thời kỳ nước Lương thuộc về đời Ngũ Quý, ngài ứng tích ở nơi Châu Minh, tại huyện Phụng Hóa, thân hình khác hơn người thế tục, trán thì nhăn, bụng thì lớn, và hình vóc mập mạp.
Lúc đó không ai biết tên họ của ngài, chỉ thấy ngài thường mang theo một cái túi vải mà thôi, nên mọi người kêu là Bố Đại Hòa Thượng.
Tánh ngài hay khôi hài và chỗ ăn và nằm ngày đêm không có nhất định, mà ngài đi đâu rồi cũng thấy trở về chùa Nhạc Lâm mà trú ngụ.
Mỗi khi đi đường, ngài thường cầm gậy tích trượng và mang cái túi bằng vải, không khi nào rời hai vật ấy ra khỏi mình, lại có 18 đứa con nít (là lục căn, lục trần, và lục thức) nhỏ thường đeo đuổi theo một bên mà diễu cợt làm cho ngài tức cười mãi mãi. Thường khi ngài đi vào chốn thôn quê hay là nơi đồng ruộng, hễ ai cho những vật gì, khi ngài ăn xong, còn dư lại bao nhiêu đều bỏ vào túi.
Lúc đi tới nơi chợ quán, thì ngài ngồi xuống, mở túi lấy những đồ ăn dư đưa lên, kêu mấy người đứng xung quanh mà nói rằng: "Các ngươi xem cói đó là cái gì?" Ngài nói rồi một giây lâu bỏ đồ ấy vô túi mà mang đi. Còn có khi ngài gặp thầy sa môn đi ngang qua, ngài ở sau vỗ lưng một cái, làm cho thầy sa môn giật mình, ngó lại mà hỏi rằng: "Hòa thượng làm cái gì vậy?"
Ngài liền giơ tay nói: "Ngươi cho ta xin một đồng tiền."
Thầy sa môn thấy vậy, bèn nói rằng: "Nếu tôi hỏi một điều mà hòa thượng nói đặng, thì tôi cho."
Ngài liền để cái túi xuống, chấp tay đứng một bên, rồi lấy túi mang trở lại mà lật đật quày quả đi liền. Một bửa kia, ngài đi vào trong đám đông người, có một ông tăng hỏi ngài rằng: "Hòa thượng ở trong đám đông người làm chi đó?"
Ngài trả lời rằng: "Ta đương đợi một người đến."
Ông tăng hỏi: "Hòa thượng đợi ai?"
Ngài bèn thò tay vào túi lấy một trái quít đưa cho ông tăng.
Ông vừa giơ tay ra lấy trái quít, ngài liền thục tay lại mà nói rằng: "Ngươi chẳng phải người ấy."
Lại có một bửa, ông tăng chợt thấy ngài đứng bên đường gần chợ, bèn hỏi rằng: "Hòa thượng ở đây làm chi?"
Ngài liền đáp rằng: "Ta đi hóa duyên."
Ông tăng thấy vậy mới nói rằng: "Hóa duyên ở đâu nơi ngã tư như vậy?"
Ngài trả lời: "Ngã tư chính là chỗ ta muốn hóa duyên."
Ông tăng vừa muốn hỏi chuyện nữa, thì ngài liền mang cái túi vải rồi cười ngất mà đi một hơi.
Có một khi ông Bạch Lộc Hòa Thượng gặp ngài, liền hỏi rằng: "Thế nào gọi là: cái túi vải?"
Ngài nghe hỏi liền để túi xuống, rồi khoanh tay mà đứng.
Ông Bạch Lộc Hoà Thượng lại hỏi rằng: "Công việc của cái túi vải ra làm sao?"
Ngài liền mang túi mà đi, không trả lờ chi hết.
Có một bửa kia, ông Bảo Phước Hòa Thượng gặp ngài hỏi rằng: "Thưa ngài! Duyên cớ tại sao mà xưa đức Tổ Sư ở bên Tây phương qua đây là có ý gì?"
Ngài nghe hỏi liền để cái túi vải xuống, rồi đứng tự nhiên.
Ông Bảo Phước Hòa Thượng lại hỏi nữa rằng: "Chỉ như vậy, hay là còn có cái gì nữa hay không?"
Ngài nghe hỏi như thế, bèn lấy túi vải mang trở lại mà đi, không hề trả lời.
Từ đó về sau, hễ ngài đi đến đâu, thì người ta tranh nhau mà chận đón và níu kéo, đặng mời ngài vào nhà, chớ không cho đi luôn. Bởi vậy cho nên trong các quán rượu và tiệm cơm, người người tha hồ ăn uống no say, không có chút gì nhàm chán, vì ngài vào đâu thì buôn bán đắt đến bội phần.
Lúc nào gặp trời mưa, thì tản sáng ngài ngủ dậy mang guốc cáo gót, đi ra nằm ngửa trên cái cầu to, co chân lại dựng hai bắp vế lên, thì ngày ấy nắng. Còn khi nào trời nắng, mà ngài mang đôi dép cỏ đi ra ngoài đường, ngày ấy trời lại mưa.
Thường bửa ngài hay tới nhà một nông phu kia mà ăn cơm. Có một hôm người vợ tên ấy thấy vậy nổi giận mà rầy rằng: "Đương lúc lo việc ruộng nương rộn ràng không xiết, mình có công đâu mà nuôi lão Hòa Thượng điên đó hoài."
Ngài nghe nói mấy lời ấy, liền đem cơm đổ dưới gốc cây dâu ở bên nhà rồi bỏ đi.
Cơm ấy tự nhiên hoàn lại trong nồi của người nông phu. Hai vợ chồng thấy vậy rất kinh, bèn cùng nhau đi kiếm ngài, rồi lạy lục mà xin sám hối.
Có một khi, đương buổi mùa hạ, khí trời nóng nực, ngài cởi quần áo để trên bờ mà xuống khe tắm.
Lũ trẻ khuấy chơi, bèn lén lại lấy cả quần áo. Đương lúc tắm, ngài thấy vậy thì lật đật để mình trần truồng mà rượt theo bọn con nít. Mấy người ở trên bờ xúm nhau lén coi, thì thấy âm tàng của ngài như trẻ nhỏ vậy.
Gần chỗ đó có tên Lục Sanh, nghề vẽ rất tinh xảo. Người ấy thấy ngài, bèn vẽ một bức tượng y hệt mà dán tại chùa, nơi vách nhà Đông.
Bửa nọ ngài đi ngang qua bên vách, thấy tượng ấy liền khạc nhổ rồi bỏ đi.
Khi ngài ở tại xứ Mân Trung, có một người cư sĩ họ Trần, thấy ngài làm nhiều việc kỳ thần, nên đãi ngài rất cẩn trọng.
Lúc ngài từ giã ông Trần cư sĩ mà đi qua xứ Lưỡng Chiết, ông muốn rõ tên họ ngài, bèn hỏi rằng: "Thưa Hòa Thượng! Xin cho tôi biết họ ngài là chi, sanh năm nào, tháng nào, ngày nào, giờ nào, và xuất gia đã bao lâu rồi."
Ngài đáp rằng: "Ta tỏ thiệt cho ngươi rõ rằng ta chính là họ Lý, sanh ngày mùng tám tháng hai. Ta chỉ biểu hiệu cái túi vải này mà để độ đời đó thôi. Vậy ngươi chớ tiết lộ cho ai biết."
Ông Trần cư sĩ nghe noi như vậy, bèn thưa rằng: "Hoà Thượng đi đâu, nếu có ai hỏi việc chi thì ngài trả lời làm sao cho hợp lý, chớ tùy thuận theo người thì không khỏi bàng nhân dị nghị tiếng thị phi."
Ngài bèn đáp một bài kệ rằng:
Ghét thương phải quấy biết bao là,
Xét nét lo lường giữ lấy ta;
Tâm để rỗng thông thường nhẫn nhục,
Bửa hằng thong thả phải tiêu ma;
Nếu người tri kỷ nên y phận,
Dẫu kẻ oan gia cũng cộng hòa;
Miễn tấm lòng này không quái ngại,
Tự nhiên chứng đặng Lục ba la
Ông Trần cư sĩ lại hỏi rằng: "Bạch Hòa Thượng! Ngài có pháp hiệu hay không?"
Ngài liền đọc bài kệ mà đáp rằng:
Ta có cái túi vải,
Rỗng rang không quái ngại;
Thâu vào Quan tự tại.
Ông Trần cư sĩ hỏi rằng: "Hòa thượng đi đây có đem đồ hành lý hay không?"
Ngài đáp bài kệ:
Bình bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa;
Mắt xanh xem người thế,
Mây trắng hỏi đường qua.
Ông Trần cư sĩ thưa: "Đệ tử rất ngu, biết làm sao cho đặng thấy tánh Phật."
Ngài bèn đáp bài kệ:
Phật tức tâm, tâm ấy là Phật, mười phương thế giới là linh vật;
Tung hoành diệu dụng biết bao nhiêu;
Cả thảy chẳng bằng tâm chân thật.
Ông Trần cư sĩ thưa rằng: "Hòa Thượng đi lần này nên ở nơi chùa, chớ đừng ở nhà thế gian."
Ngài bèn đáp bài kệ rằng:
Ta có nhà Tam Bảo,
Trong vốn không sắc tướng;
Chẳng cao cũng chẳng đê,
Không ngăn và không chướng;
Học vẫn khó làm bằng,
Cầu thì không thấy dạng;
Người trí biết rõ ràng,
Ngàn đời không tạo đặng;
Bốn môn bốn quả sanh,
Mười phương đều cúng dường.
Ông Trần cư sĩ nghe bài kệ lấy làm lạ, liền đảnh lễ ngài mà thưa rằng: "Xin Hòa Thượng ở nán lại một đêm mà dùng cơm chay với tôi, đặng tỏ dấu đệ tử hết lòng cung kính, xin ngài từ bi mà hạ cố."
Đêm ấy ngài ở lại nhà Trần cư sĩ. Đến khi đi, thì ngài viết một bài kệ dán nơi cửa.
Ta có một thân Phật,
Có ai đặng tướng tất;
Chẳng vẽ cũng chẳng tô,
Không chạm cũng không khắc;
Chẳng có chút đất bùn,
Không phải màu thể sắc;
Thợ vẽ, vẽ không xong,
Kẻ trộm, trộm chẳng mất;
Thể tướng vốn tự nhiên,
Thanh tịnh trong vặc vặc;
Tuy là có một thân,
Phân đến ngàn trăm ức.
Khi ngài đi đến quận Tứ Minh, ngài thường giao du với ông Tưởng Tôn Bá một cách rất thân mật, ngài có khuyên bảo ông mỗi ngày trì niệm câu chú: Ma ha bát nhã ba la mật đa. Vì vậy người ta đều kêu ông Tưởng Tôn Bá là Ma Ha cư sĩ.
Có một ngày nọ, ông Ma Ha cư sĩ cùng ngài đồng tắm dưới khe Trường Đinh. Khi ngài đưa lưng bảo ông Ma Ha kỳ dùm, thì ông thấy nơi lưng ngài có bốn con mắt rực rỡ chói lòa, bèn lấy làm kinh dị vô cùng. Ông liền đảnh lễ ngài mà nói rằng: "Hòa Thượng quả là một vị Phật tái thế!"
Ngài liền khoát tay bảo nhỏ rằng: "Ngươi chớ nói tiết lộ. Ta cùng ngươi ở với nhau đã ba bốn năm nay, vốn là có nhân duyên rất lớn, rồi đây ta sẽ từ biệt ngươi mà đi. Vậy ngươi chớ buồn rầu thương nhớ."
Ngài nói rồi, bèn về nhà ông Ma Ha cư sĩ mà hỏi rằng: "Ý ngươi có muốn giàu sang hay không?"
Ông Ma Ha cư sĩ thưa rằng: "Sự giàu sang như lùm mây nổi, như giấc chiêm bao, có cái gì là bền chắc chắn đâu, nên tôi nguyện làm sao cho con cháu tôi đời đời được miên viễn mà thôi."
Ngài bèn lấy cái túi của ngài thọc tay vào móc ra một cái túi nhỏ, một cái hộp, và một sợi dây, liền đưa cho ông Ma Ha cư sĩ mà nói rằng: "Ta cho ngươi mấy vật này mà từ biệt. Song ta căn dặn ngươi phải giữ gìn cho kỹ càng mà làm biểu tín những việc hậu vận của nhà ngươi."
Ông Ma Ha cư sĩ vâng lãnh mấy món ấy mà chẳng rõ được là ý gì. Cách vài bữa sau ngài trở lại nhà ông mà hỏi rằng: "Nhà ngươi có hiểu được ý ta hay không?"
Ông thưa rằng: "Thưa ngài, đệ tử thiệt chẳng rõ."
Ngài nói rằng: "Đó là ta muốn con cháu nhà ngươi ngày sau cũng như mấy vật của ta cho đó vậy."
Nói rồi ngài bèn từ giã mà đi liền.
Đến sau, quả nhiên con cháu của ông Ma Ha cư sĩ được vinh hoa phú quý, hưởng lộc nước đời đời. Đó là mấy vật của ngài cho có hiệu nghiệm như vậy.
Nhằm ngày mùng 3 tháng 3, năm thứ ba, niên hiệu Trịnh Minh, ngài không tật bệnh gì cả, ngồi trên bàn thạch, gần nơi mái chùa Nhạc Lâm mà nhập diệt.
Nhắc lại khi ngài chưa nhập diệt, có ông Trấn Đình trưởng thấy ngài hay khôi hài không lo sự gì cả, nên mỗi lần gặp ngài thì buông lời cấu nhục rồi giựt cái túi vải mà đốt.
Hễ bửa nay đốt rồi, thì qua ngày sau ông Trấn Đình trưởng cũng thấy ngài mang cái túi ấy như cũ. Ông nổi giận đốt cháy rụi luôn đến ba lần, cũng vẫn thấy ngài còn mang cái túi vải đó.
Từ đó về sau, ông Trấn Đình trưởng lấy làm lạ, nên đem lòng khâm phục ngài, không dám khinh dễ nữa.
Khi ngài nhập diệt, thì ông Trấn Đình trương lo mua quan quách mà tẩm liệm thi hài, là cố ý chuộc lỗi của ông ngày trước. Nhưng đến chừng đi chôn, thì người khiêng rất đông, mà cái quan tài lên không nổi.
Trong bọn ấy có một người họ Đồng, ngày thường tỏ lòng tôn kính ngài một cách rất trọng hậu, nên thấy việc linh hiển như vậy, liền vội vã mua cái quan tài khác, rồi liệm thi hài của ngài lại. Đến khi khiêng đi, thì số người cũng bấy nhiêu đó, mà khiêng nhẹ phơi phới như bông. Ai nấy thấy vậy cũng đều kinh sợ và cung kính.
Lúc đó các người trong quận thiết lập ra một hội rất lớn, xây tháp cho ngài ở nơi núi Phong Sơn. Núi ấy toàn là đá lởm chởm, hòn cao, hòn thấp, trong mấy hang đá đều là chỗ di tích của ngài còn lưu truyền lại, nào là chỗ để tích trượng, nào là chỗ để bình bát, v.v...
Những chỗ sâu, chỗ cạn, chỗ lớn, chỗ nhỏ, hình tượng giống như cái bình bát, đều có nước đầy hoài, dẫu cho trời đại hạn đi nữa, thì cũng chẳng có lúc nào khô kiệt.
Thiệt là nhiều việc anh linh hiển hách vô cùng!
Hồi đời lục Triều, đức Di Lặc lại ứng tích làm phó đại sĩ ở tại chùa Song Lâm một thời kỳ nữa.
Khi ngài ra mắt Lương Võ Đế, vua liền hỏi ngài rằng: "Xin Đại Sĩ cắt nghĩa cho quả nhân nghe làm sao kêu là Đạo?"
Ngài liền bạch rằng: "Tâm thiệt là đạo. Tôi xin chứng nghiệm như vầy, thì bệ hạ đủ hiểu.
Khi bệ hạ chưa lên ngự tại điện này, trong tâm lúc ban đầu chưa khởi niệm, bổn trí vẫn tự nhiên mà được diệu tịnh quang huy, sáng suốt hiện buổi nay, rực rỡ đến thuở trước, và đầy lấp tất cả cõi Thái Hư, cái tịnh quang ấy muôn đời không sanh, vĩnh kiếp không diệt, chẳng phải thánh mà cũng chẳng phải phàm, không thúc phược mà cũng không giải thoát.
Đó là tâm thể rất mầu nhiệm và rất vắng lặng. Ngoài cái tâm không có đạo gì riêng khác, và ngoài đạo cũng không có tâm nào phân biệt nữa, vì thế cho nên mới gọi Tâm là đạo."
Vua Võ Đế lại hỏi nữa rằng: "Vậy chớ Đại Sĩ có tôn ai làm thầy hay không?"
Ngài bạch rằng: "Thầy thì không có ai là thầy của bần đạo, còn tôn thì bần đạo cũng không có tôn ai, đến việc tùng sự, thì cũng không có tùng sự với người nào cả."
Vua Võ Đế nghe ngài nói như vậy, thì biết là một vị Bồ Tát lâm phàm, nên càng tôn trọng ngài một cách rất đặc biệt.
Đoạn ngài lại thưa với vua rằng: "Bệ Hạ ngày nay mà đặng hưởng điều tôn vinh như vậy, nguyên nhân cũng là một vị Bồ Tát hạ trần mà cứu thế.
Vậy xin Bệ Hạ phải mở thông ý địa, nên tự lượng nơi mình, tâm để cho thanh tịnh, đừng trước nhiễm vật gì, lấy đó làm căn bản, cần nhất phải dùng chỗ hư linh làm cơ sở, lấy sự vô tướng làm nguyên nhân, nguyện vọng chí thành cầu cho đạt tới chỗ Niết Bàn mà làm cực quả.
Nếu Bệ Hạ thi thố những phương pháp trị quốc, thì phải dùng chánh pháp mà sửa trị trong thế gian, và thi hành những điều nhân đức, đặng làm cho lê dân cảm hóa.
Trong triều thì trọng dụng những người hiền tài mà trừ khử mấy kẻ cưu lòng gian nịnh, còn ngoài thì thi nhân chánh đến kẻ quan quả, cô độc, bỏ những hình phạt trừng trị nặng nề, và ban chánh lịnh cho có nghiêm minh trật tự. Nếu Bệ Hạ trị vì trong thiên hạ, thi nhân bố đức được như thế, thì kẻ xe người gần đều gội nhuần ơn đức vô cùng vô tận. Chừng đó việc can qua phải dứt, mà trong đội ngũ lại ninh bình, thì ngôi trời được hùng tráng mà an hưởng cuộc thái bình. Nếu chánh sách thi thố được công hiệu như thế, thì Bệ Hạ thiên cơ đã thần diệu, lại còn nối ngôi quốc tổ được lâu dài nữa. Đó là bần đạo hy vọng sao cho Bệ Hạ được như vậy."
Có một ngày kia, ông Lưu Trung Thừa ngồi tại chỗ trạm dịch với ngài, thoạt thấy có Thánh giá vừa đến, liền lật đật đứng dậy làm lễ, còn ngài ngồi yên lặng một chỗ.
Khi Thánh giá quá khỏi rồi, ông Lưu Trung Thừa bèn hỏi ngài rằng: "Theo ý tôi tưởng, ngài chẳng chịu làm tôi với Thiên tử, không muốn làm bạn với Chư hầu, cớ sao mà lại ngã mạn như vậy, xin ngài nói cho tôi rõ."
Ngài liền đáp rằng: "Để bần đạo giải cho ông rõ. Phàm việc kính mà biểu lộ ra hình tướng, thì không có tánh kính, còn bề ngoài chẳng cử động sự kính về lễ nghe tham bái, thì thiệt trong tâm có ẩn điều kính vô giá. Bần đạo thấy Thánh giá mà động thân, thì pháp địa tự nhiên cũng rúng động. Hễ pháp địa rúng động, thì tất cả các pháp cũng chẳng an nhẫn, nếu các pháp chẳng an nhẫn, tức là không có kính, nên bần đạo vẫn ngồi tự nhiên là vậy đó."
Ông Lưu Trung Thừa nghe ngài nói như thế, thì rất kính phục.
Vua Lương Võ Đế biết ngài là một vị Bồ Tát tái lai, nên thiết lập một chỗ pháp hội rất nghiêm trang, rồi thỉnh ngài lên diễn kinh cho bá tánh nghe.
Khi trần thiết xong rồi, ngài lên ngồi trên pháp tòa, lẳng lặng làm thinh được giây phút, chớ không nói một lời chi cả.
Trong đám người đến nghe kinh đó, có một vị Thái tử thấy vậy mới hỏi ngài rằng: "Thưa ngài! Đáng lẽ chỗ chư thiên nhân cưu hội đây, ngài phải giảng giải cho mọi người rõ thấu lẽ chân chánh của Phật, đặng nhờ đó mà tu học mới phải, cớ sao ngài làm thinh mà không biện luận nghĩa lý chi, lại vội xuống pháp tọa như vậy."
Ngài liền trả lời rằng: "Phàm việc gì nói hay là nín, đều thuộc về Phật sự cả. Như thế có phải làm đúng theo Phật lý hay không? Vậy mà ông còn buộc tôi nói năng làm chi nữa."
Thái tử nghe mấy lời bèn làm thinh, trong lòng càng khâm phục ngài vô cùng.
Cách ít lâu, ngài ra mắt vua, rồi quỳ xuống mà tâu rằng: "Muôn tâu Bệ Hạ! Bần đạo có như ý bửu châu và thanh tịnh giải thoát, chiếu diệu rõ rệt đến mười phương. Nếu Bệ Hạ chịu thọ lãnh mấy vật ấy, thì có ngày sẽ chứng đến quả Bồ Đề. Vả lại các pháp chẳng phải có, mà cũng chẳng phải không, phàm vật gì thuộc về hữu tình đồng quy nơi thiệt tế. Các việc trong thế gian đều là bức tranh huyễn hoá, rốt cuộc rồi hoàn về chỗ không, cũng ví như trăm sông tuy phân ra muôn dòng ngàn mạch, nhưng tóm lại cũng chảy về biển.
Pháp thế gian và phát xuất thế gian cũng chẳng qua là ý chân như. Vì lý chân như thiệt không có sanh và không có diệt, nên không có Niết Bàn, tam thế cũng bình đẳng, mười phương đều thanh tịnh. Nếu lấy phần thanh tịnh bình đẳng ấy làm sự nhiêu ích cho các giống hữu tình, thì được đồng lên bờ giác ngạn.
Nếu chỗ sắp đặt phương pháp đặng như thế, thì cuộc trị bình trong thiên hạ sẽ hóa ra cảnh giới trang nghiêm. Đó là Bệ Hạ dùng diệu pháp mà tế độ nơi đời, được như vậy thì khác nào như một vị Từ Bi Vương tái thế."
Vua Lương Võ Đế nghe mấy lời của ngài biện giải, càng thêm tôn sùng kính trọng hơn nữa.
Khi ngài ở tại chùa Song Lâm, thấy kinh tạng chứa đầy, ngài biểu mấy đạo chúng đem từng cuốn mà tả ra. Bổn ý của ngài muốn khiến cho kẻ sơ địa phàm phu nhờ công đức chuyển kinh đó mà đạt tới nơi chánh chân của Phật.
Bởi vậy trong thiên hạ, duy có chỗ Song Lâm, thì Thiên Long thường ủng hộ, nên kinh tạng được toàn bổn mà lưu truyền đời sau.
Thoạt một ngày kia, có một làn định quang kim túc của đức Thích Ca, mùi thơm bát ngát, từ phương Đông bay đến mà nhớm nơi mình của ngài.
Bỗng nhiên có tiếng xướng rằng: "Phó Đại Sĩ xuất hiện ra đây, là thay thế cho đức Thích Ca mà thuyết pháp, ngồi trên chỗ Long Hoa thắng hội mà chỉ rõ cái bổn nguyện từ mẫn của đức Văn Thù và xiển dương huệ tập phổ thế của đức Quán Âm."
Rõ ràng ngài cũng như bậc y vương, đại thí những lương phương diệu tể mà điều trị tất cả bịnh vô minh phiền não. Thiệt là ngài có công phu rất lớn mà nhiều phương pháp khởi tử siêu sanh.
Có một bữa kia, khí trời nóng nực, ngài ra ngoài gành biển mà hóng mát, dòm thấy dưới mé có một vùng quanh co theo bờ, và dân cư tại đó chỉ làm được ruộng muối mà thôi. Hễ đến thời tiết mùa thu, thì nước biển tràn lên lênh láng, không thể nào mà ngăn cản cho đặng.
Ngài thấy vậy, liền nói với những người bổn xứ rằng: "Bần đạo muốn làm sao cho chỗ này thành ra ruộng tốt, để cho bá tánh cày cấy đặng nhờ đó mà an cư lạc nghiệp."
Dân chúng nghe mấy lời ấy, đều cười rộ lên mà nói rằng: "Ông này thiệt điên cuồng! Thuở nay thiền biển mà ai làm thành ruộng cho đặng bao giờ?"
Ngài thấy dân chúng không đem lòng tin, liền lấy bao đựng cát đem chất xây giáp vòng như vách luỹ mà bao ngạn luôn bãi cát ấy.
Lạ thay! Trọn một vùng bờ đê của ngài làm đó, cách ít lâu cứng cũng như đá vậy, ngăn được ngọn nước thủy triều ngoài biển, không thế nào chảy vô được nữa, nhưng hồi ngài làm đó có chia ra ba chặng, để ngừa khi trời hạn và nước lụt.
Đến sau, nội trong khu đất ấy đều thành ra ruộng cả, ước chừng hơn hai ngày mẫu, thường năm cày cấy đặng mùa luôn luôn. Dân cư trong xứ mỗi năm gặt lúa rồi, trích ra một phần ba để cung cấp cho tăng đồ trong các chùa lân cận, mua chim cá mà phóng sanh, và làm nhiều việc phước thiện khác nữa.
Hiện nay mấy cái bờ bằng cát của ngài làm đó hằng bền chắc, không có hư rã chút nào.
Thiệt là linh cảm thay chỗ di tích của bậc Đại Thánh ngày xưa! Cho nên dân cư ở dọc theo mé biển ấy đều được phong y túc thực luôn luôn, cùng nhau lập chùa thờ ngài và truy tặng ruộng ấy là Phước Điền.
Sau ngài qua phía Nam núi Phong Sơn mà chỉ điểm những chỗ ẩn tích nơi thâm khê cùng cốc, rồi mấy nơi ấy lần lần trở nên phong cảnh rất thiên nhiên và nét xuân quang bốn mùa đều xuất sắc.
Bữa nọ, ngài đi chơi tới xứ Bắc thượng, chợt thấy một người đương sửa soạn làm thịt loài súc.
Ngài lật đật chạy lại can rằng: "Bần đạo xin tỏ cho nhà ngươi nghe. Tất cả loài súc sanh, nguyên nhân cũng là người thế gian, chớ không phải khác đâu, vì tạo ác nghiệp rất nặng nề, nên nay phải chịu khổ quả như vậy. Thoảng như mình là điều phước thiện mà một đời chẳng được giàu sang, thì cũng còn có ngày trông giải thoát, chớ tạo nghiệp sát sanh như vậy, thì ngày sau khó tránh khỏi luân hồi khổ thú.
Bần đạo nguyện sao nhà ngươi hồi tâm tự lượng, đem tấm lòng nhân từ mà dung thứ những loài động vật, vì nó cũng đủ cả Phật tánh và cũng biết ham sống sợ chết như ta vậy.
Những người có nhân hằng lấy con mắt từ mà quán xét, xem vạn vật với ta đồng một thể, và muôn tượng với ta đồng một gốc. Nếu tấm lòng nhân ái được như thế, thì chẳng những trọn đức từ bi lợi vật một thuở mà thôi, lại nhiều kiếp được trường thọ là khác nữa."
Người ấy nghe ngài phân giải như vậy, liền tỏ ngộ và chung thân không dám sát sanh loài động vật nữa.
Lại có một khi, ngài đương đi ngoài đường, tình cờ gặp một người nông phu vừa cột một con trâu, đặng tính bề làm thịt.
Ngài đi hối hả lại can rằng: "Phàm ở đời, có nhân thì có quả, không có sai chạy mảy nào, đó là lẻ cố nhiên như vậy. Hễ giết loài vật, thì có ngày chúng nó cũng giết lại, vậy mà trong đời có ai biết sợ sệt đâu, non dao rừng kiếm với vạc dầu ở chốn âm ty, để trừng trị những người tạo ác nghiệp như ngươi vậy, thì đời kiếp nào mà trông phần giải thoát cho đặng."
Người nông phu nghe ngài nói như thế, liền cúi đầu đảnh lễ và nguyện trọn đời không dám tái phạm nữa.
Ngài thường đi chơi ngoài đồng, bữa nọ lại gặp một ông sa di hỏi ngài rằng: "Thưa Đại Sĩ! Làm thế nào mà hàng phục được vọng tâm của mình?"
Ngài nghe hỏi, liền trả lời rằng: "Tâm là vật gì đâu mà ông phải tìm cho uổng công phu. Vả lại vọng tâm thiệt không có căn bản, hễ buông nó ra thì không thấy dấu tích gì là vọng. Bởi bị các duyên đeo đuổi lăng xăng, nên mới thành ra vọng niệm như vậy. Nếu nhất chân của ta đặng yên tịnh rồi, thì toàn thể như phóng ra khắp cả pháp giới và bốn thể vẫn tự nhiên mà rõ rệt. Chừng đó, dẫu cho bụi trần cấu cũng không có thế nào mà che lấp cho đặng, thì có vật chi đâu mà ngươi gọi rằng điều phục."
Ông sa di nghe ngài biện bạch như thế, vùng tỏ ngộ và tôn kính vô cùng, rồi đảnh lễ mà từ giã.
Cách ít lâu ngài đi chơi, chợt thấy một ông sa môn còn nhiễm theo tục trần, cứ khu trục trong trường mộng ảo.
Ngài bèn đón lại mà chỉ dụ rằng: "Bần đạo coi ông vốn thiệt là Phật. Lẽ nào ông tự độ lấy mình, đặng mong có ngày chứng đặng quả vô sanh pháp nhẫn, cớ sao ông lại còn yểm trợ theo thói phàm tình, đành che lấp bổn lai diện mục như vậy.
Bây giờ ông phải bỏ các duyên cấu trược, mà giũ sạch những thói tà phong, gắng sức công phu mà suy tìm trong tâm thể vô sanh, thì có ngày sẽ đạt tới chỗ diệu minh chân tánh. Nếu ông hồi quang phản chiếu cho toàn thủy toàn chung rồi, sẽ đặng vô ngại viên thông.
Bần đạo ao ước làm sao cho ông được như thế, thì có khác nào một vị La hán xuất trần, nếu chẳng vậy thì cũng là một vị Khuất sát trượng phu. Chớ cách hành động như ông đó, thì đã không có ích cho mình, mà lại uổng công xuất thế học đạo vô vi, đến chung quy cũng còn lăn lộn trong đường lục đạo, biết chừng nào mà thoát ra khỏi đặng vòng sanh tử. Như vậy có khổ hay không?"
Ông sa môn nhờ ngài điểm hóa, nên liền tỏ ngộ lý chân thừa. Từ đó về sau, ông càng lo tu học, không còn nhiễm nữa.
Thiệt cách phô tế của ngài không khác nào một ông lương y, đã điều trị không biết bao nhiêu là chứng trầm kha phế tật, rõ ràng một hột minh châu có thể chỉ sắt hóa nên vàng, một lời pháp ngữ có thể đổi người phàm trở nên bậc thánh.
Bởi vậy cho nên ngài thường dùng những phương pháp thiền định rất giản dị mà độ thoát tất cả chúng sanh qua khỏi sông mê bể khổ, dẫn dụ người đời ra khỏi nhà lửa đường mờ.
Ngài lại chẳng nên sự cấu nhục của thế tình, cứ xen lẫn trong chốn trần lao, mà thi hành những sự lợi ích cho hạng người còn sống say thác ngủ. Vì vậy cho nên trong tám phương hồ hải, chỗ nào cũng là chỗ viên giác đạo tràng của ngài thế thác cả.
Còn đối với thập loại chúng sanh, thì ngài càng đem lòng quyến luyến như con một cha, như người một nhà, không phân biệt nhân ngã, và không biện luận Bắc Nam, vì tất cả chúng sanh thảy đều đủ chân như diệu tánh như ngài vậy, nhưng vị bị màn vô minh che lấp, nên phải trì trục tròng vòng khổ hải sầu thành đó thôi.
Ngài thường đối với quần chúng mà nói rằng: "Muôn tượng chỉ bao la, song một mảy trần chẳng lập, nhất chân trong pháp giới, trăm hạnh đều phân vân. Tuy vậy chớ không lọt ra ngoài vòng như chí lý, cho nên động tịnh đều là pháp tham thiền, nếu một niệm mà được khế chân, thì sẽ có ngày mau lên bờ bỉ ngạn."
Đó là lời pháp ngữ của ngài phát ra những lý mầu nhiệm của thiền gia, để bủa khắp chốn mê đồ, đặng mở rộng những nghĩa huyền tôn trong tâm địa, trước là thâu thập những người có lợi căn, sau là thức tỉnh số người còn độn trí. Thiệt công phu của ngài đến vô lượng vô biên, lòng phổ tế trong đời cũng vô cùng vô tận
Đến đời Lương, nhằm khoảng vua Quân Vương trị vì, niên hiệu Trinh Minh, năm thứ hai, ngày mùng 3 tháng 3, ngài đối trước chúng nhân mà nói rằng: "Qua năm tới đây, cũng ngày này và tháng này, thì ta đem trái Di Lặc mà cúng dường cho đại chúng."
Quả nhiên qua năm sau, cũng trong ngày ấy và tháng ấy, đại chúng thấy ngài ngồi kiết già trên bàn thạch, gần bên chùa Song Lâm mà nhập diệt. Ai nấy thảy đều kinh dị và than thở vô cùng.
Trong đại chúng mới hiệp lực cùng nhau kết khám mà để thi hài của ngài, rồi làm một tòa bửu tháp rất tôn trọng, ngoài ngạch bia có khắc hiệu là: Định Ứng Tháp.
Hiện nay tại chỗ bửu tháp ấy, tuy trải mấy phen tang thương biến đổi, mà công trình vẫn còn đồ sộ như xưa, thánh tích nguy nga, xa trông vọi vọi, bốn mùa người đàn việt tới lui chẳng ngớt, một phương trời chuông trống rất oai nghiêm.
Đức Di Lặc tuy chưa đến thời kỳ xuất thế, nhưng tấm lòng từ bi vô hạn đối với tất cả quần sanh, đôi phen tùy theo cơ duyên thục thác mà ứng tích nơi đời, đặng nêu bày lẽ chánh tôn định huệ, cố ý nhiếp trì những hạng người đương chìm đắm nơi sông ái hà, và ra công phổ độ những kẻ bị chới với giữa dòng khổ hải.
Thiệt công đức của ngài không có bút mực nào mà mô tả ra cho hết đặng.
Từ ấy chí nhẫn nay, có trên ngàn năm mà phước điền của ngài còn lưu trụ các điện đại hùng, thiện quả vẫn còn bủa khắp nơi trong thế giới.
Chẳng những mười phương đảnh lễ tôn sùng ngài mà thôi, cho đến sáu chữ "Nam Mô Di Lặc Tôn Phật" thì người thường một lòng trì niệm, chẳng có chút nào biến đổi cả.
Nói tóm lại, đức Di Lặc còn nhiều số kiếp nữa mới xuất hiện ra đời để nối ngôi cho đức Thích Ca mà làm một vị Phật thứ năm trong Hiền kiếp, đặng đại chuyển pháp luân mà tế độ muôn loài và phổ lợi trong sa giới.
Nhưng ngặt vì chúng sanh chưa rõ lẽ thiện chân, cứ vọng tưởng những việc huyễn hoặc, mà đành chịu sa chìm vào nơi khổ hải và tự mình chuốc lấy nẻo luân hồi.
Chớ chư Phật tuy đã nhập diệt rồi, song Tam Bảo còn lưu trụ khắp cõi nhân gian, nếu ai hết lòng tinh tấn vui theo mà thọ trì, thì cũng như Phật đương trụ thế vậy.
Tiếc thay! Người đời trí cạn chướng sâu và tội nhiều phước ít, cho nên đối diện ngôi Tam Bảo coi như cách xa ngàn dặm.
Vì nguyên nhân của chúng sanh như thế, nên bất đắc dĩ ngài mới ứng tích nhiều thời kỳ, đặng hóa độ các kẻ phàm loại trong nhân gian đó thôi.
@by txiuqw4