sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương V - Thống Nhất Và Phân Chia Lần III

A. THỐNG NHẤT: BẮC TỐNG (960-1120)

1.Thống nhất đất đai

Thái Tổ (960-975)

Triệu Khuôn Dẫn lên ngôi, hiệu là Thái Tổ, đổi tên nước là Tống, đóng đô ở Biện Kinh tức Đại Lương (Khai Phong ngày nay).

Tổ tiên ông gốc ở phía nam Bắc Kinh ngày nay, nhiều đời làm tướng. Ông là ông vua duy nhất được quân lính đặt lên ngai vàng. Ông không phải là bậc anh hùng, cũng không có tài gì siêu quần, nhưng có nhiều đức quý, lương thiện, thành thực, thực tiễn, hiểu lòng người và biết mình.

Ông không đem quân đi đánh đuổi rợ Khiết Đan để thu hồi đất Vân, Yên ở miền Bắc vì biết việc đó khó, sức ông chưa đủ. Ông hãy làm một việc dễ trước đã, việc các nước ở miền Nam. Thời đó còn bảy nước . Năm 963 ông xuất quân đánh Kinh Nam, thừa thế diệt luôn Vu Bình. Năm sau, ông sai một viên tướng đánh Hậu Thục, thắng, rồi chuyển quân đánh Bắc Hán, nhưng Bắc Hán được nước Liêu (tức Khiết Đan) giúp sức,thấy khó nuốt, ông tạm "tha" cho, rút quân về đưa xuống miền Nam chiếm Nam Hán. Vua Nam Đường thấy vậy sợ, xin hàng. Rồi Nam Hải cung xin nộp cống, Ngô Việt xin thuần phục. Như vậy là cả miền Nam vào tay ông, chỉ còn Bắc Hán (ở miền Bắc) đến đời sau (Thái Tôn) mới dẹp được (979)

Thái Tôn (976-999) tuy diệt được Bắc Hán, nhưng không thu về được đất Vân, Yên, trái lại bị Liêu đánh bại, nhưng Liêu cũng chỉ quấy nhiễu ở miền Bắc thôi, chứ không dám tiến xa hơn.

Công việc thống nhất tuy chưa được hòan thành, nhưng tạm coi là yên. Đế quốc đời Tống không được mở mang thêm mà còn mất miền Hà Bắc (Vân, Yên) và miền Tây Hán (Vân Nam, Tây Khang), nhỏ hơn đời Đường vì bỏ hẳn miền Tây Vực mà tiến về Đông Nam, vừa phong phú vừa dễ chiếm hơn.

2. Củng cố nội bộ

Thu quyền chính trị về trung ương.

Triệu Khuông Dẫn đã tỏ ra thực tế, biết sức mình khi ông tạm " tha cho Bắc Hán". Khi đã chiếm được Nam Hán, những nước còn lại xin thuần phục rồi, ông lại tỏ ra thành thực, mà khéo léo, biết tâm ý các người đã cộng tác với ông, đặt một tiệc rượu mời Thạch Thủ Tín và Trương Thầm Kỳ, nửa tiệc ông đuổi tả hữu ra ngoài, nói với hai viên tướng đó: "Làm thiên tử khó khăn, chứ không vui sướng như tiết độ sứ. Trẫm thường ăn ngủ không yên. Thủ Tín hỏi vì sao, ông đáp: "Ngôi cao quý này ai mà không muốn?" Thủ Tín cuối đầu tâu: "Bệ hạ sao lại nghĩ thế? Mạng trời đã định, ai còn dám hai lòng?" Ông nói: "Hai khanh thì cố nhiên, còn bọn thủ hạ ai mà không ham phú quý? Một ngày kia, họ đem hoàng bào mặc vào cho khanh, khanh không muốn có được không?.....Trẫm muốn tình thân giữa chúng ta còn hoài để còn hưởng phú quý như bây giờ. Muốn vậy thì binh quyền của các khanh phải trở về quốc gia....Như vậy mới không còn lòng nghi ngờ lẫn nhau nữa."

Thế là các tiết độ sứ xin từ chức, giải trừ binh pháp hết. Để bù lại, ông tặng họ chức cao, bổng hậu trong hành chánh.

Bỏ sự các cứ của phiên trấn, giải nhiệm các tiết độ sứ, rồi ông đặt chức phán quan (văn quan) thay vào, chức đó coi cả việc quân chính và dân chính, nhưng việc gì cũng phải tâu về triều đình, lại đặt ra chức Chuyển vận sứ trông nom về tài chính, số thu được bao nhiêu, trừ số chi tiêu trong châu quận rồi phải nộp về triều đình, ông cũng hạn chế quyền hành pháp của các châu quận, bắt phải phúc trình lên bộ Hình xét, chứ không được tự ý xử tử bất kỳ ai.

Tổ chức lại quân đội.

Chia quân làm hai hàng, lựa những lính mạnh ở các châu quận đưa về kinh, gọi là cấm quân, còn lính già yếu ở địa phương gọi là sương quân, mỗi năm cho cấm quân và lính ở biên trấn thay đổi nhau một lần để các quan địa phương khỏi mua chuộc lòng binh lính mà gây thế lực, phép đó gọi là canh nhung.

Hơn nữa, Thái Tổ tuy là võ quan mà trọng văn hơn võ vì ông cho rằng võ quan dễ làm phản, ông ra lệnh võ quan cũng phải đọc sách Nho để hiểu đạo trị quốc. Sáng kiến đó rất mới.

Những biện pháp đó lập ngay lại được trật tự trong nước sau nửa thế kỷ hỗn loạn vì nạn hoành hành của bọn tiết độ sứ, nhưng về sau kết quả rất tai hại.

* Theo phép canh nhung, quân lính thay đổi luôn, không rõ hình thế địa phương, mà các văn thần ở các biên trấn không biết chỉ huy, do đó sức phòng vệ ở biên trấn sút kém:

* Quyền binh thu về trung ương cả, mà kinh đô (Biện Kinh) ở giữa đường Bắc Kinh và Nam Kinh ngày nay, nghĩa là khá xa phía Bắc và phía Tây, nơi các rợ thường quấy phá, như vậy mỗi khi nguy cấp, truyền tin về kinh rồi đợi lệnh của triều đình, mất nhiều thì giờ, thật bất lợi.

* Chính sách trọng văn kinh võ làm cho tinh thần chiến đấu sa sút.

* Quyền binh thu về trung ương cả, người tài năng ở các địa phương không có chỗ dùng, tập trung cả ở kinh đô, tranh giành nhau để được bổ dụng, rồi kết thành bè đãng để khuynh loát nhau.

Tóm lại là mắc cái lỗi "kiểu uốn quá chính", cây cong uốn cho ngay lại thì lại uốn quá, hóa hết ngay. Phân quyền hay tập quyền điều có ưu điểm và nhược điểm, cần nhất là người cầm đầu, có tài, sáng suốt, biết uyển chuyển thì nước mới mạnh được.

3.Ngoại Giao

Với Liêu

Ông vua thứ nhì nhà Tống - Thái Tôn- còn có chút tinh thần nhà tướng. Từ đời thứ 3 trở đi (Chân Tôn, Nhân Tôn....)Tống bắt đầu suy nhược, do hậu quả của chính sách trọng văn khinh võ, mà triều đình hiếu hoà tới cái mức chịu nuốt nhục, hạ mình trong việc ngoại giao với các rợ phương Bắc: Khiết Đan tức Liêu, Thát Bạt tức Tây Hạ.

Khi Tống Thái Tôn băng, con là Chân Tôn nối ngôi. Khiết Đan thời đó gần như Hán hoá, có chữ viết tựa như chữ Hán, có tổ chức, có quân đội, thường quấy phá phương Bắc. Năm 1004, họ xâm nhập chỉ cách kinh đô khoản 150 cây số, người Tống kinh hoảng. Quần thần xin dời đô, chỉ riêng tể tướng là Khấu Chuẩn một mực xin vua thân chinh. Chân Tôn phải nghe, đem quân tới Thiền Châu rồi lên thành, giương lọng vàng lên, quân Tống thấy vậy hâm hở hoan hô vạn tuế, tiếng vang xa mấy dặm, khí thế rất hăng. Lúc đó tướng Khiết Đan mới bị trúng nỏ chết, quân mất tinh thần, vua Khiết Đan xin nghị hoà. Tể tướng Khấu Chuẩn muốn bắt họ phải xưng thần và trả lại hai đất Yên, Vân mới cho hoà, nhưng Chân Tôn không nghe, sai sứ thương nghị với Khiết Đan, hai bên ước rằng:

* Biên giới hai nước y như trước khi có chiến tranh

* Tống tặng cho Liêu (Khiết Đan) mỗi năm 10 vạn lượng bạc, 20 vạn tấm lụa

* Hai nước trao đổi tù binh

* Vua Liêu gọi vua Tống bằng anh

Vậy là Tống tuy thắng mà hoá bại

Năm 1042 vua Liêu sai sứ sang đòi thêm đất. vua Tống lại phái tặng thêm cho Liêu 10 vạn lạng bạc và 10 vạn tấm lụa nữa.

Với Tây Hạ

Với Tây Hạ, Tống cũng chịu "nhũn" như vậy.Tây Hạ vốn là giống Thát Bạt, quy phục Trung Hoa từ đời Đường. Đời Tống Chân Tôn, họ biết dung hoà văn minh Trung Hoa và văn minh Thổ Phồn, cải cách chính trị, cường thịnh lên, đánh các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Tuy Viễn, hằng năm đem binh vào cướp phá biên giới. Sau vì tình hình trong nước không yên, vua Tây Hạ xin hoà, vua Nhân Tôn phong cho làm quốc vương và mỗi năm "cho" trà và bạc 25 vạn rưỡi lạng (1043). Vua Tống nghĩ rằng chịu nhũn như vậy đở tốn hơn là nuôi binh, mà lại được yên. Lầm lớn, yên ổn được mấy chục năm, tướng sĩ biến nhác, tinh thần suy nhược, mà các rợ thấy Tống chịu cống bạc, lụa để được an thân, càng ngày càng lấn hiếp. Nguyên nhân suy vong của Tống và của dân tộc Trung Hoa ở đó.

Liêu và Hạ vốn là dân tộc du mục, từ khi tiếp xúc với Trung Hoa hâm mộ văn hoá Trung Hoa, một số lớn ăn mặc như người Hán, họ lại phỏng theo chữ Hán mà tạo ra quốc tự cho họ. Họ cũng lập học hiệu, xin ngũ kinh, tứ thư, sách thuốc về dạy, cũng sùng bái Khổng Tử, dịch Luận ngữ, Chu Dịch.....Vài nhà viết sách bằng Hán Văn mà nổi danh, lần lần họ Hán hoá hết.

4.Kinh tế suy sụp - quốc khố rỗng không

Vua Cao Tổ khi mới cầm quyền cũng dùng ngay chính sách khuyến khích nông nghiệp, phân phát ruộng đất cho công thần, sĩ tộc và dân chúng như đời Đường.

Chính sách đó mới đầu có lợi cho dân, và kinh tế rất phát đạt, nhất là ở phương Nam, diện tích cày cấy tăng lên, dân số chỉ trong bốn chục năm tăng lên gấp hai rưỡi, số thuế thu được cũng tăng theo.

Nhưng vì những lẽ tôi đã dẫn ở trên, chỉ vài thế hệ sau, số dân lưu vong (vì bán đất, không còn ruộng để làm) tăng lên, mà điền sản của giới sĩ tộc mỗi ngày một rộng thêm, bọn này lại giỏi trốn thuế, nên chỉ bọn họ là giàu lớn còn dân chúng và quốc gia thì nghèo

Vua Cao Tổ được quân sỹ đặt lên ngai vàng nên thưởng công họ khá hậu( có người được cả mấy ngàn mẫu), hơn nữa, còn ban ân cho cả gia đình nội ngoại của họ(ân đó gọi là "ấm", tức phúc trạch) tuỳ theo chức tước của cha hay con lớn nhỏ mà thân nhân được hưởng nhiều hay ít, ví dụ cha làm quận công thì con được hưởng lộc vào hàng nào đó, hoặc con làm quận công thì dù không lãnh chức gì cũng được hưởng lộc vào hàng nào đó.

Mà lương quan lại thời đó, theo Eberhard, cao hơn đời Đường nhiều, mặc dù vẫn không đủ sống, vì vậy mà triều đình bán thêm ruộng và miễn thuế cho họ. Chính vì cái tệ trả lương cho quan lại rất thấp nên thời nào ở Trung Quốc cũng có nạn tham nhũng.

Cũng nên kể thêm số bạc, lụa, trà phải "cống" hàng năm cho Liêu và Tây Hạ, mặc dù theo Eberhard, số đó không là bao, chỉ bằng 2% ngân sách quốc gia thôi.

Nặng nhất là khoản quân phí. Tuy là kết nghĩa anh em với Liêu, Tây Hạ, nhưng vẫn phải đề phòng sự tráo trở của họ, nên không thể giảm số quân được. Trái lại, cứ phải tăng lên vì phép tổ chức lại quân đội của Cao Tôn, vì tinh thần chiến đấu của tướng sĩ sa sút, cho nên phải lấy lượng bù vào phẩm, nhưng mặc dù số quân tăng từ 380.000 lên tới 1.260.000, quân phí chiếm tới 25% ngân sách, mà phẩm càng ngày càng kém.

Các đời trước, nhân dân vẫn còn bổn phận đi lính mà không được công xá gì hết. Đời Tống có lệ trả lương cho quân lính, do đó quân lính có thói quen quá tuổi phục dịch rồi mà vẫn ở lì trong đội ngũ để lãnh lương. Phải trả lương cho họ mỗi ngày mỗi cao lên vì họ yêu sách mỗi ngày một nhiều, khi một đạo quân đổi chỗ, lính không chịu mang lấy đồ đạc của họ nữa, đòi có phu khiêng cho, phái họ đóng ở một đồn xa quê hương họ quá thì họ đòi phụ cấp. Do đó tốn kém rất nhiều nhưng không được kết quả gì cả.

Chi tiêu như vậy mà số thu nhập chỉ trông vào thuế ruộng. Nhưng giới đại điền chủ trốn thuế, còn nông dân bị thúc thuế, không đủ sức trả, phải bán ruộng đi nơi khác làm ăn, xin lãnh canh đất của điền chủ, và có nơi phải góp cho chủ trên 50% số lúa gặt được.

Cả nước chỉ có Thiểm Tây vì loạn lạc, các đại điền chủ bỏ đất, đi nơi khác hết - qua miền Đông, nhất là xuống miền Nam- chỉ còn lại những bần nông, làm ít mẫu ruộng và đóng thuế răm rắp cho triều đình vì không thể trốn thuế được. Do đó có hiện tượng lạ lùng này vô tiền khoán hậu trong lịch sử Trung Quốc, chỉ một tỉnh đó mà nộp cho triều đình được một phần tư số thuế tìm được trong cả nước. Vì vậy mà vua Tống phải cắn răng chịu nộp cho Tây Hạ 250.000 quan để cố giữ lấy tỉnh đó.

Không đủ tiền tiêu, triều đình phải đúc thêm tiền, như ngày nay người ta in giấy bạc. Nhờ kỹ nghệ đã bắt đầu phát triển, Trung Quốc khai thác thêm được nhiều mỏ bạc, đồng, sắt, năm 1050 so với năm 800, số bạc sản xuất được tăng lên gấp 13 lần, số đồng 8 lần, số sắt 14 lần. Nhưng phí tổn đúc tiền quá cao, gần bằng 75% giá trị của đồng tiền. Vả lại mỏ ở phương Nam, ló đúc ở phương Nam mà kinh đô thì ở phương Bắc, phí tổn chuyên chở về kinh đô trả lương cho quan lại, quân lính rất nặng. Do đó phải đúc thật nhiều, và ngân sách quốc gia trong 21 năm (từ 1000 đến 1021) từ 22.200.000 ngàn quan tăng lên 150.800.000 quan (theo Eberhard) một phần lớn vì lạm phát, đồng tiền mất giá.

Bọn con buôn được dịp làm giàu thêm. Còn bọn sĩ tộc, đại điền chủ càng thấy tiền mất giá càng đổ ra mua đất, điền địa của họ càng mở rộng thêm. Chỉ có triều đình là nghèo mạt.

Nghèo đến nỗi vua Nhân Tôn (1023-1063), con vua Chân Tôn, phải cần kiệm từng chút. Một đêm đói, thèm món thịt dê mà phải nhịn, để "đở một món tốn hao", lại bỏ hẳn cái lệ "quân vương không mặc áo giặt bao giờ", mà ở trong cung thường mặc áo vải giặt đi giặt lại. Có kẻ dâng ông hai mươi tám con hến bể, tính cả phí tổn chở chuyên thì mỗi con giá một ngàn đồng tiền (đồng tiền thời đó chắc đã phá giá), ông lắc đầu " gắp một con mà hao một ngàn đồng, ta chẳng kham nổi".

Một số đại thần cũng tốt như ông, như quan tư giám Phạm Trọng Yêm, một nhà nho có đức và một nhà văn nổi tiếng. Phạm không cho vợ con được mặc đồ tơ lụa, và mỗi bữa cơm chỉ dọn một món thịt, trừ khi có khách. Ông tìm mọi cách rút bớt các tiêu pha, tiết kiệm ngân quỹ, thấy thuộc viên kẻ nào bất tài thì ngoặc trên đầu họ một nét bút rồi bãi chức. Một viên đồng liêu thấy vậy, trách ông một nét bút mà làm cho cả gia đình người ta phải phát khóc. Phạm điềm nhiên đáp: "Thà một gia đình khóc, chẳng hơn là một nước mà khóc ư?" Rồi lại tiếp tục ngoặc, ngoặc nữa. Nhưng nguy cơ lớn quá, phương pháp tiết kiệm đó không đủ để cứu vãn được, khác chi một gáo nước đổ lên một bãi cát.

Nhân Tôn băng, Anh Tôn nối ngôi được 3 năm rồi cũng băng. Tới Thần Tôn (1065-1085). Ông vua này cũng tốt, biết lo việc nước và thương dân. Có lẽ chính vì nghèo mà nhà Tống được nhiều ông vua khá, nếu không có tài thì cũng có lòng, có tư cách, chỉ có vài ông xa xỉ, dâm đãng, không có một ông nào tàn bạo. Đời Bắc Tống là đời duy nhất trong lịch sử Trung Hoa không có cái hoạ ngoại thích và hoạn quan.

4. Cuộc biến pháp của Vương An Trạch.

Chỉ có mỗi một người, Vương An Trạch, là có sáng kiến và hùng tâm nghĩ tới việc biến pháp để cho quốc gia mau phú cường. Do một sự ngẫu hợp kỳ dị, trong lịch sử Trung Hoa đã có một người có chủ trương giống ông, sinh trước ông khoản ngàn năm mà cùng một họ với ông, Vương Mãng.

Đọc lịch sử đời Hán chúng ta thấy Võ đế đã thử biến pháp để cho nước mau giàu nhưng ông không kiên trì, bỏ nữa chừng. Rồi Vương Mãng biến pháp mạnh hơn, lâu hơn, có chương trình đàng hoàng mà thất bại. Bây giờ Vương An Trạch rút kinh nghiệm của người trước, tính toán kỹ hơn, có tổ chức hơn, có cả một đảng được vua cho phép hành động.

Họ Vương (1021-1086), tự là Giới Phủ, quê ở Giang Tây, rất thông minh, có tài mà cũng thật kỳ cục. Thiếu thời đã nổi tiếng. Chỉ đọc sách qua một lần là nhớ, mà đọc rất nhiều sách, thông cả bách gia chi tử, lại du lịch nhiều, từng trải lắm. Văn thơ hay, là một trong những "bát gia" (Tám nhà viết cổ văn hay nhất đời Đường và Tống) không ham phú quý, giàu tình cảm, thương người nghèo (một người thiếu tiền, phải đợ vợ làm nàng hầu cho vợ Vương lấy chín trăm đồng, Vương hay cho gọi chồng chị ta lại, bảo dắt vợ về và cứ giữ lấy số tiền). Say đắm lý tưởng, có chí lớn, có bản lĩnh cao, coi thường thế tục, tự tin lạ lùng. Suốt ngày đêm đọc sách suy tư trứ tác (khá nhiều), tìm cách cứu vãn quốc gia, không hề quan tâm tới đời sống hằng ngày chẳng nghĩ tới sự ăn mặc, tắm rửa, óc lúc nào cũng như ở trên mây, đãng trí lạ lùng: trong một bữa tiệc, chỉ gắp hoài một món đặt trước mặt mà không đụng tới các món khác, không thay quần áo nếu vợ không nhắc, mặt mày lem luốc vì cả tuần không rửa. Nhiều người ghét ông, cho là lập dị, giả dối.

Năm 1058, Vương dâng lên một bức thư trên vạn chữ cho Nhân Tôn đề nghị biến pháp để cứu vãn quốc gia vì tình hình rất đáng lo, địa chủ được hưởng nhiều quyền lợi quá, không phải nộp thuế, không phải phục dịch, còn dân chúng thì nghèo khổ, bị mọi sự áp bức, mà rợ Liêu, rợ Tây Hạ luôn luôn quấy phá, quốc khố rỗng không. Nhân Tôn thấy tính tình, cách ăn mặc của Vương kỳ cục, không ưa, không để ý đến bản quốc sách Vương dâng lên.

Mười năm sau, năm 1068, Vương đã 47 tuổi mới được Thần Tôn trọng tài bác học, phong làm hàn lâm học sỹ, khiêm chức thị giảng để hầu vua đọc sách, Thần Tôn mới 20 tuổi nhưng có nhiệt tâm cứu quốc, thường hỏi Vương về chính sách phú quốc cường binh. Lần lần Vương thuyết phục được Thần Tôn dùng tân pháp ông đề nghị, và năm 1069, Vương nhận ấn tể tướng để thi hành biến pháp.

Triều đình chia làm 2 phe, phe vua, Vương gọi là Tân Đảng, được vua tin nhưng ít có người tài, tận tâm, mà lại có nhiều kẻ vô lại như Lí Định, Đặng Oản.

Phe chống Vương gọi là Cựu Đảng, cầm đầu là Tư Mã Quang, cựu tể tướng, đại sứ gia, gồm nhiều nhà nho có tiếng tăm, có đức, có tài, tuy đôi khi hẹp hòi, thủ cựu như Âu Dương Tu, Hàn Kì, hai anh em họ Tô (Đông Pha, Tử Do), hai anh em họ Trình (Hạo, Di).

Nguồn lợi chính của Trung Hoa là nông sản, nên mới cầm quyền, Vương An Trạch khuyết trương ngay nông điền, thuỷ lợi, ông dùng những nhà chuyên môn chứ không dùng những ông cử, ông nghè, bổ làm thuỷ lợi quan, nên trong 7 năm, diện tích thuỷ lợi tăng lên 36 triệu mẫu(theo Tống Sử) mỗi mẫu vào khoảng 600 mét vuông.

Ông ghét bọn địa chủ lũng đoạn tài sản trong nước, một mặt đặt ra những cơ sở kinh doanh để thu lợi cho quốc gia, giảm cái lợi của đại địa chủ, đại thương gia, một mặt thay đổi chính sách thuế khoá cho được công bằng hơn, có lợi cho quốc khố hơn.

Ông dùng các biện pháp:

- Phép thanh miêu: mỗi năm 2 mùa, khi lúa còn xanh (thanh miêu), quan địa phương xem xét tình hình rồi lấy thóc trữ trong kho (gọi là thường bình sương) cho nông dân vay để chi dùng, tới ngày mùa, gặt hái xong, nông dân đong thóc trả lại cho nhà nước, thêm 2 ba phân lời mỗi tháng, địa chủ cho vay thì có khi lãi tới 20 phân mỗi tháng.

Như vậy, số thu nhập của triều đình tăng lên mỗi năm được 20-30% mà dân nghèo khỏi bị nạn bóc lột.

Chính sách đó rất đúng về lý thuyết mà thất bại khi đem ra thực hành vì kẻ thừa hành làm bậy. Muốn tỏ ra đắc lực, nhiều kẻ bắt buộc nông dân phải vay mặc dù họ không cần tiền, cần lúa. Có nơi nông dân nào cũng phải vay và trả ba chục phân lời trong ba tháng (từ khi lúc xanh cho tới ngày mùa), không trả nỗi thì bị tịch thu gia sản, bị giam cầm rồi thừa hành báo cáo láo, nào là dân chúng sung sướng, mang công triều đình, nào là họ tự nguyện xin vay và luôn luôn trả đủ.

Trái lại, nơi nào mất mùa, dân đói kém, đáng lẽ họ phải xuất lúa kho ra cho vay thì giữ lại, đem bán chợ đen, nộp chính phủ một ít, còn bao nhiêu bỏ túi. Thì ra bọn quan lại còn bóc lột hơn bọn điền chủ nữa, xưa cũng như nay.

Nên kẻ thêm một nguyên nhân thất bại nữa: sự phá hoại ngấm ngầm của bọn địa chủ mất cái lợi cho vay nặng lãi, chẳng hạn họ lấy lại ruộng không cho lĩnh canh nữa, nếu tá điền không vay lúa của họ mà vay của nhà nước.

- Phép thi dịch: Vương sáng lập ra một cơ quan coi việc buôn bán gọi là thi dịch, triều đình bỏ ra 5 triệu đồng và 30 triệu hộc lúa làm vốn. Hàng hoá nào mà vì đường giao thông trắc trở, tới nơi đã trái mùa, bán không được thì cơ quan thi dịch mua hết, trả cho người bán một giá phải chăng, không đến nỗi bị lỗ, nhà nước tích trữ hàng có lợi đợi lúc có giá sẽ bán ra lấy lời. Nếu thương nhân không muốn bán đứt cho chính phủ thì có thể gởi hàng ở thị dịch mà vay tiền, nửa năm là mười phân. Như vậy cũng là một cách giúp thương nhân, họ khỏi phải bán đổ bán tháo, hoắc phải vay lãi nặng hơn nhiều.

Biện pháp này bị Cựu đảng đã kích mạnh nhất, bảo rằng như vậy là nhà nước tranh lợi với dân-tức con buôn-tư nhân không sao tranh nổi sẽ phá sản. Vả lại chưa chắc vì có lợi cho nhà nước vì nhà nước phải dùng nhiều nhân viên, trả lương cho họ, mà họ không quen việc buôn bán, thiệt cho công quỹ, hoặc không siêng năng giữ gìn hàng hoá, có khi ăn cắp nữa, và mất mát hư hại. Lại thêm cái nạn cậy quyền cậy thế, thấy món nào có lợi thì mượn tên bà con, hoặc cho bọn tay chân mua để hưởng, món nào không lợi thì bắt chẹt các thương gia không có vây cánh phải mua. Cái tệ này mấy năm nay chúng ta điều thấy rõ. Và chúng ta sống 9 thế kỷ sau họ Vương.

-Phép quân thâu: dân khỏi phải nộp thuế bằng tiền mà nộp bằng sản vật, nhà nước cứ tính theo giá trung bình ở mỗi nơi mà thu, rồi bỏ vào thường bình sương, như vậy đến vụ nộp thuế, dân khỏi bán tháo bán đổ để đóng thuế. Nhưng mà bọn thừa hành không có lương tâm thì cũng dễ bóc lột dân bằng cách chê sản vật là xấu mà định giá quá thấp. Tệ đó ngày nay cũng không tránh khỏi.

-Phép mộ dịch: thời nào dân cung phải làm xâu (đào kinh đắp đường....)mà không được công xá gì cả, phải tự túc về ăn uống, chỉ nhà quan, nhà chùa, đàn bà, nhà độc đinh là được miễn dịch, như vậy bất công mà có hại cho sức sản xuất của dân vì có khi họ phải bỏ công việc đồng áng để phục dịch.

Vương đặt ra thứ tiên miễn dịch, người nào không làm mộ dịch thì nộp một số tiền để nhà nước mướn người làm thay cho, như vậy thêm công ăn việc làm cho một số dân thất nghiệp. Những người trước kia được miễn dịch, bây giờ phải nộp tiền trợ dịch.

Biện pháp này làm cho tài chính nhà nước thêm dồi dào mà lại có tình công bằng. Bọn phú hào được miễn dịch tự cho là bị thiệt thòi, phản đối.

-Phép phương điền quân thuế: đo lại ruộng đất cho đúng để đánh thuế cho công bằng.

- Phép bảo giáp: cứ 10 nhà hộp nhau thành một bảo, có bảo trưởng làm đầu. Nhà nào có hai nam đinh thì phải cho một nam đinh sung vào bảo giáp để luyện tập võ nghệ, sử dụng khí giới, thay phiên nhau phòng bị trộm cướp, khi có giặc thì chiến đấu được. Như vậy triều đình giảm được một phần ba số lính phải trả lương. Dĩ nhiên dân chúng, nhất là các nhà nho trong Cựu đảng không ưa chính sách Thương Ưởng, Tần Thuỷ Hoàng đó.

-Phép bảo mã: giao ngựa cho dân nuôi, mỗi hộ một con, để đến lúc chiến tranh thì có ngựa dùng, nuôi 2 con thì được miễn thuế nhưng ngựa chết thì phải bồi thường.

Hai phép cuối có mục đích cường binh, năm phép trên có mục đích phú quốc, hết thảy đều bắt người giàu phải gánh vác chung với dân về thuế má, quốc phòng......

Ngoài ra Vương còn thay đổi khoa cử. Đầu đời Đường, khoa cử tuy trọng thi phú, nhưng không khinh hẳn những môn kỹ thuật, chuyên môn: toán, luật, sử, thư pháp......Rồi lần lần, không rõ từ đời nào, khoa cử chỉ trọng riêng thi phú, và "kẻ sĩ chỉ đóng cửa học làm thơ, phú đến khi ra đời chẳng biết chút gì cả" Như vậy là khoa cử chỉ làm hại nhân tài thôi. Âu Dương Tu cũng đã thấy cái tệ đó nên khi làm chánh chủ khảo ra những đề tài thiết thực về cách trị nước và đề cao lối văn bình dị, giản minh, ghét lối văn sáo mà rỗng.

Vương An Trạch mạnh bạo hơn, mới đầu chỉ bỏ thi phú, vẫn còn dùng kinh nghĩa, văn sách để chọn kẻ sĩ, sau bãi bỏ hẳn khoa cử, lấy những kẻ sĩ ở trong học quán ra làm quan, học xá dạy nhiều môn thực dụng, chuyên khoa, ai giỏi về khoa nào thì sẽ được bổ dụng tuỳ theo khả năng. Ở thế kỷ IX cuộc cách mạng văn hoá đó thật lớn, nếu thành công thì có thể Trung Hoa đã tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trước phương tây rồi.

Vương còn có hùng tâm như Vương Mãng, cùng với Lữ Huệ Khanh chú thích lại Kinh thi, kinh Thư, kinh Lễ (gọi là Tam kinh tân nghĩa) cho hợp với tân pháp, rồi dâng lên Thần Tôn để ban hành trong nước, các học quan phải theo bộ đó mà dạy, và khi thi thì theo bộ đó mà ra đề thi. Di nhiên các nhà Nho trong Cựu đảng cho là giải thích bậy. Chúng ta không biết Vương giải thích ra sao vì sau khi Vương chết, Tam kinh tân nghĩa không một bản nào được giữ lại.

6. Tân pháp thất bại - Hai đảng tranh nhau.

Tân pháp mới thi hành được 5 năm, thì bị Cựu đảng phản đối mạnh, đại điền chủ và thương gia ngầm phá, mà dân chúng ngày càng khổ hơn, từng đoàn đói rách bỏ quê hương, kéo nhau lên kinh đô xin ăn, vua Thần Tôn tuy vẫn tin Vương An Thạch, phải tạm ngưng chức ông (1074) mà vẫn giữ lại tay chân của Vương là Lữ Huệ Khanh, Tăng Bố.....nghĩa là chưa bỏ hẳn tân pháp, và năm sau lại phục chức cho Vương.

Trong lịch sử đông và tây, thời nào cũng vậy khi một nội các không được tin cậy thì người ta nghĩ đến việc lập một chiến công oanh liệt để làm chủ dư luận, gây lại uy tín. Vương không để cho lực lượng quốc gia được bồi dưỡng mạnh mẽ, năm 1075 vội đem quân đánh Tây Hạ, thắng được vài trận nhỏ, nhưng tiêu hao mất 60 vạn quân, và không biết bao nhiêu tiền của. Thần Tôn ôm mặt khóc bỏ ăn mấy ngày.

Liêu thừa cơ Trung Hoa bị tổn thương nặng, đòi cắt thêm đất, Vương cắn răng chịu khuất, cắt cho họ 700 dặm ở Hà Đông, phong trào phản đối nổi lên càng dữ.

Thất bại ở Bắc, Vương quay về phía Nam, muốn thôn tín Việt Nam. Triều đình ta (Lý Thân Tôn) ra tay trước. Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem 10 vạn quân chia làm hai đạo, một đạo đánh vào hai châu Khẩu, Liêm (Quảng Đông), một đạo đánh lên Ưng Châu (Quảng Tây), đại thắng, giết hại cả vạn quân Tàu. Năm sau Tống muốn phục thù, đem quân xâm lăng nước ta nữa. Lý Thường Kiệt lại thắng một trận oanh liệt, giết hơn một ngàn quân Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh ngày nay).

Sau trận đó, Vương bị cắt chức tể tướng, về vườn luôn. Tân pháp vẫn tiếp tục, nhưng kết quả càng tệ, Thần Tôn buồn rầu chết 1085. Năm sau, Vương An Thạch cũng chết.

Triết Tôn lên nối ngôi mới có 11 tuổi, Thái hoàng thái hậu (vợ của An Tôn, bà nội của Triết Tôn) thính chính, niên hiệu là Nguyên Hựu. Bà là người tốt, nhưng thủ cựu, bỏ tân pháp, dùng Tư Mã Hoang trong Cựu đảng làm tể tướng, nhưng cựu đảng uu4ng không cứu nguy được, mà chia làm ba phe khuynh loát nhau, phe của Trình Di, phe của Tô Thức (Tô Đông Pha) và phe của Lưu Chi.

Khi Triết Tôn trưởng thành, đích thân cầm quyền (1093), vốn ghét cựu đảng, lại dùng bọn Lữ Huệ Khanh, Chương Đôn.....Tư cách Triết Tôn đã tầm thường (hiếu sắc), mà bọn Lữ, Chương không lo việc nước, chỉ tìm cách diệt Cựu đảng, hoặc đày, hoặc giết các quan lớn nhỏ trong cựu đảng thời Nguyên Hựu, trước sau trên 800 người, hồ sơ trên 142 quyển. Mấy chục người tự tử để khỏi bị nhục. Thật là chưa từng thấy trong lịch sử Trung Hoa. Không còn tranh nhau về chính kiến như thời Vương An Thạch nữa, mà chỉ lo báo thù riêng thôi. Vì vậy, tân pháp càng thi hành thì nước càng nghèo, càng suy, triều đình càng chia rẽ.

Triết Tôn chết (1099), em là Huy Tôn lên, hoàng thái hậu thính chính. Bà là người tốt, dụng cựu đảng trở lại (Phạm Thuần Nhân......) và muốn điều hoà cả hai đảng mà không được. Huy Tôn có óc nghệ thuật, chữ đẹp, vẽ khéo(hoa điểu), dâm lạc dẫn theo chính sách của anh. Chương Đôn tiếp tục thanh trừng cựu đảng, năm 1103 sai dựng ở khắp nơi hàng trăm tấm bia khắc tên 309 người trong cựu đảng Nguyên Hựu mà người đứng đầu là Tô Đông Pha. Những người có tên trên bia sẽ vinh viễn bị nhục, hậu duệ dù mấy đời cũng không được làm quan, hoàng thất không được thông gia với bọn họ. Nhưng chỉ ba năm sau(1106), có lệnh huỷ bỏ các tấm bia đó khi tân pháp hoàn toàn thất bại, và hiện nay, ở trên các đỉnh núi cheo leo, có thể còn được vài tấm.

Trong thời quân chủ, lần này là lần duy nhất có hai chính đảng do vua chỉ định, thay nhau lên cầm quyền, mỗi đảng có một chính sách rõ rệt, trái ngược nhau.

Tân pháp của Vương An Thạch có màu sắc chủ nghĩa xã hội, là một thứ tư bản quốc gia, công bằng mà có thể làm cho nước mau mạnh. Theo nhiều học gia, nó thất bại do nhiều nguyên nhân:

-Dân chúng vốn sợ sự thay đổi vì có óc bảo thủ, họ ghét nhất là phép bảo giáp, bảo mã.

- Bị cựu đảng đã kích, nhất là đại địa chủ phá hoại, mà uy thế của hai giới đó rất mạnh.

- Tân pháp thi hành gấp quá, không chuẩn bị kỹ, không đào tạo đủ cán bộ, không kiểm soát được chặt chẽ, bọn thừa hành làm bậy và báo cáo láo, một mặt bóc lột dân chúng, một mặt che mắt triều đình, thành thử lợi cho quốc gia không bao nhiêu mà phí tổn về lương cho cán bộ rất nặng. Vương đã không tự lượng sức, đánh Tây Hạ mà tiêu hao quân lính, tiền bạc, sau lại thua Việt Nam, dân chúng càng thấy đảng của ông bất lực.

Theo tôi còn một nguyên nhân nữa, Trung Quốc thời đó đất đai quá rộng, tình hình quá suy nhược, tài của Vương không cứu vãn được. Ông lại quá tự tin, cố chấp, nên những người có uy tín không chịu hợp tác với ông, mà bọn tay chân của ông hầu hết là nịnh bợ, đầu cơ.

Vương mất rồi, lại trên 800 năm sau mới có cuộc cách mạng xã hội nữa, lần này là lần thứ tư, và có một chương trình hấp dẫn, một tổ chức tinh vi, một kỹ thuật hiệu nghiệm, hiện đã đứng vững được trên ba chục năm, đã thực hiện được một số công trình, nhưng dân vẫn nghèo khổ, có lẽ còn lâu mới đạt được mục đích.

7. Rợ Kim mạnh lên, chiếm trọn miền bắc Trung Quốc.

Cầm quyền đã trên 100 năm, nhà Tống chưa giải được hai cái hoạ Liêu và Tây Hạ thì lại thêm cái hoạ rợ Kim.

Ở hai miền thượng du Hắc Long Giang có một bộ lạc người Trung Hoa gọi là Nữ Chân (tên này chắc là phiên âm), cùng một bộ tộc với Mãn Châu. Họ lạc hậu, chất phát, chưa đúc được sắt, mà tính tình hung hãn. Thế kỷ XI họ lệ thuộc nước Liêu, qua thế kỷ XII họ mạnh lên, nhân vua Liêu vô đạo, họ cử binh đánh, chiếm được một phần đất của Liêu, năm 1125 đời Tống Huy Tôn, thủ lãnh của họ là A Cốt Đả xưng đế đổi quốc hiệu là Đại Kim.

Bấy giờ Liêu đương suy. Tống thừa cơ đánh thì tất thắng, vậy mà Huy Tôn nghe một hoạn quan là Đồng Hoán bài mưu, muốn mượn sức của Kim, sai sứ qua liên minh với Kim để diệt Liêu. Hai bên ước với nhau:

* Kim, Tống cùng tiến quân đánh Liêu, một bên từ Bắc, một bên từ Nam.

* Thành công rồi thì Tống lấy lại đất Vân, Yên mà Liêu đã chiếm từ đầu đời Tống, đất còn lại thuộc về Kim.

* Tống mỗi năm nộp cho Kim 200.000 lượng bạc và 300.000 tấm lụa.

Vua Kim dẫn ba đạo quân tiến vào đất Liêu, tới đâu thắng đấy một cách dễ dàng, trái lại quân Tống do Đồng Quán điều khiển (Tống hết tướng rồi ư?) Thua Liêu luôn mấy trận, sau đánh Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) cũng không xong. Quán phải xin Kim giúp sức. Kim hạ được Yên Kinh rồi hạ luôn mấy kinh đô nữa của Liêu. Vua Liêu mất nước rồi, muốn đầu Tống, nhưng giữa đường bị Kim bắt được. Liêu vong năm đó là năm 1125 cuối đời Huy Tôn.

Vậy là chỉ một mình Kim có công diệt Liêu, Kim viện lẽ đó để yêu sách thêm, bắt Tống mỗi năm phải nộp một triệu quan làm tiền thuế đất Yên Kinh, rồi mới chịu giao lại đất đó.

Sử gia trách nhà Tống đổi nước Liêu là kẻ hào hảo với mình trên trăm năm để kết thân với một nước mới hưng vượng, còn nhiều nhuệ khí. Vì vậy để rước thêm cái hoạ rợ Kim lớn hơn hoạ rợ Liêu nữa.

Hoạ xảy ra ngay tức thì. Tống chưa kịp nộp một triệu quan "thuê đất" thì Kim đã đem quân vào đánh, hãm Yên Kinh, Huy Tôn thấy nguy, mộ thêm quân, nhường ngôi cho thái tử, tức vua Khâm Tôn (1126). Dân chúng ở kinh đô phẫn uất đòi Huy Tôn phải giết Tướng quốc Thái Kinh và Đồng Quán vì đã làm cho quốc gia bị suy nhược, bại trận, bị xâm lược. Huy Tôn phải nghe, rồi trốn giặc xuống Giang Nam.

Chiếm Yên Kinh rồi, giặc Kim hãm Biện Kinh. Khâm Tôn muốn bỏ kinh đô trốn nữa. Lý Cương giữ chức binh bộ thị lang, khóc can, nguyện tử thủ xã tắc. Khâm Tôn phải ở lại. Lý Cương tận lực chống giữ kinh thành, nhưng rồi Khâm Tôn nghe lời tể tướng Lý Bang Ngạn, sai sứ cầu hoà. Người Kim đòi vàng 500 vạn lạng, bạc 5000 vạn lạng, lụa 100 vạn tấm, ngựa bò 1 vạn con, và cắt đất Hà Bắc ngày nay. Lại bắt vua Tống phải tôn vua Kim làm bác, gởi thân vương, tể tướng làm tin mới chịu hoà. Khâm Tôn phải chấp nhận hết, nhưng chỉ thâu góp của nhân dân được 20 vạn lạng vàng và 400 vạn lạng bạc thôi.

Dân chúng phẫn uất, quân cần vương nổi lên, do Diêu Bình Trọng thống suất, đánh trại quân Kim không thắng. Vua bãi chức Lý Cương để lấy lòng rợ Kim, nhưng mấy vạn dân quê do một thái học sinh (1) là Trần Đông cầm đầu đến tận cửa khuyết dâng thư xin dùng lại Cương, và mạt sát tể tướng Lý Bang Ngạn kẻ chủ hoà.

(1) Như học sinh Quốc tử giám đời sau.

Quân Kim vây Biện Kinh đã được một tháng, không đợi nổi đủ số vàng bạc, rút về hết. Huy Tôn trở về Biện Kinh. Ai cũng tưởng hoà nghị đã xong, trên dưới an lòng, không lo phòng bị nữa. Không ngờ, không đầy một năm, Kim lại đem quân hãm kinh thành. Vua Khâm Tôn phải ngự tới trại Kim xin hoà nữa. Kim đòi vàng 1.000 vạn lạng, bạc 2.000 vạn lạng, lụa 1.000 vạn tấm, nặng hơn gấp hai lần trước. Khâm Tôn không sao nộp đủ số được, phải đến nói lại. Kim bàn lập Trương Bang Xương (viên thiếu tể đã qua Kim làm con tin) làm Sở đế rồi bắt vua Khâm Tôn, thượng hoàng Huy Tôn, thái tử, các hậu phi và hoàng tộc, tất cả 3000 người, lại cướp vàng bạc, con gái trong thành đem về bắc (1127). Bọn họ vừa buồn, khổ, vừa không chịu được khí hậu miền Bắc, lần lần chết hết.

Chưa bao giờ dân tộc Trung Hoa bị nhục như vậy. Đời Bắc Tống tới đây chấm dứt.

Chúng ta thấy, rợ Kim tiến như vũ bão, trong có mấy năm chiếm được gần hết miền Bắc (chỉ trừ đất Tây Hạ) chưa có rợ nào thành công dễ dàng, mau như vậy. Nguyên nhân là đời Tống rất yếu về võ bị, nhất là dưới triều Huy Tôn, Khâm Tôn, từ vua tới đại thần điều khiếp nhược. Nhưng cũng có nhiều nhà ái quốc, nhất định chiến chứ không chịu hoà, như Lý Cương, Diêu Bình Trọng, Trần Đông (đời sau Nam Tống có Thục Thi còn anh hùng hơn nữa) và dân chúng đứng về phe họ, rất ghét rợ Kim, chúng ương ngạnh, tham lam, tàn bạo, tới đâu chỉ lo chiếm ruộng đất, cướp bóc của cải để hưởng. Bất kỳ người Kim nào cũng là công dân hạng nhất, được miễn mọi thứ thuế, chỉ phải tòng quân thôi. Chúng có quyền chiếm bao nhiêu đất thì chiếm, chẳng kể là đất công hay đất tư, thành thử chủ điền và nông dân Trung Hoa đều ghét chúng, lần lần toàn dân Trung Hoa đoàn kết thành một mặt trận duy nhất để chống Kim. Đó là nguyên nhân khiến cho Kim sau này sẽ sụp đổ rất mau.

Lại thêm, khi đã chiếm được Biện Kinh, chiếm được hết đất cát, của cải rồi, chúng tranh giaàh, chém giết lẫn nhau. Mà chúng cũng không như các rợ khác, thoả thuận với một phần dân Trung Hoa để được phần đó hợp tác với chúng. Trước sau, chúng chỉ là một bọn xâm lăng, một bọn cướp.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx