Nhớ đến bức thư, chàng không yên tâm. Chàng quay xuống dốc trở vào sân. Lão quét lá thấy cậu học trò thơ thẩn ra chiều tìm kiếm cái gì thì hỏi:
- Cậu đã đánh mất vật gì ?
- Dạ, không ạ!
-Cái nghề quét lớp quét sân này thường cho tôi những chiếc chìa khoá. Nhiều cô cậu đã cạy rương cạy tủ rồi mới tìm được. Tôi đã nộp tất cả cho ông giám thị. Hiện giờ chắc ông có cả chùm như chùm chìa khoá của một ông tài phú. Cậu lên đó mà xin lại.
- Dạ, cháu không mất chìa khoá ạ.! Nhưng cụ có thấy miếng giấy nào thì đừng bỏ. Dạ, giấy...ấy mà ! Chắc cháu đánh rơi bên ...gốc vú sữa !
Lão già sành tâm lý nhưng làm bộ hỏi lảng:
- Bài vở gì của cậu phải không ?
- Dạ !
- Thế thì tôi để đằng cuối dãy nhà, ngay ngoài thềm kia kìa.
Minh hấp tấp đến, xốc bừa những tập vở đủ cỡ, nhưng không gặp miếng giấy mà chàng muốn tìm.
Thấy Minh trở lại với vẻ mặt hớt hải, lão già nói ngay:
- Nếu cậu không tìm được thì đến cái thùng sắt sau hè, tôi vừa gom một mớ trút vào đó.
Minh không có tí hy vọng nào ở cái thùng nên trở vào phòng ngủ. Gặp bạn nào chàng cũng hỏi có thấy "miếng giấy " của chàng không ? Chẳng ai biết giấy gì. Thì may có kẻ mách nước một cách chắc chắn:
- Mày đi xuống nhà tắm tìm anh bồi Đông. Anh ta giặt áo quần thường moi túi để tìm xu cắc lẻ.
Minh tất tả chạy đi tìm anh bồi Đông. Anh ta đang đứng trước đống quần áo vun như núi. Bọt xà phòng trắng phếu bao phủ cả bàn giặt.
- Anh Đông! Anh có thấy miếng giấy gì trong túi áo tôi không ?
- Số của cậu là bao nhiêu ?
- 385, thêu chỉ xanh, ủa chỉ tím !
- Tôi không nhớ có hay không ? Nhưng cậu mất hồi nào?
- Mới hồi sáng đây thôi.
- Vậy thì chắc không có rồi. Vì đây là quần áo tôi nhận hôm qua. Ngày mốt tôi mới nhận đồ cũ và phát đồ mới...Mà giấy lộn thì thiếu gì, tôi ném hết cả rồi cậu à !
Minh càng thất vọng. Chàng vào phòng lục lọi khắp trong rương trong tủ, bới tung cả mền mùng nhưng vẫn không thấy. Thật là đại hoạ. Bỗng chàng cười một mình: không có bức thư nào hết ! Mình mới dự định thôi chớ chưa viết! Cũng như Balzac vậy mà! Ông ta đang viết ở trong phòng, bỗng có một người bạn đến thăm, ông mở cửa và nắm vai bạn khóc oà: "Bạn có gặp cô Marie ở đâu không?" "Không!" - "Nó chết rồi!" Người bạn ngớ ra không biết cô Marie nào. Thì ra đó chỉ là nhân vật trong truyện của ông đang viết...Mộng và thực lẫn lộn nhau cũng thường, nhưng đó là chuyện của các thì sĩ chớ mình là học trò khổ, mộng quái gì mà mơ! Chàng chạy ra sân xoa tay nói với lão già:
- Cháu tìm được rồi cụ ạ!
- À thế hả ? Giấy gì vậy cậu?
- À, cái vé cải lương, ủa à...Cái vé xem đá banh!
- Hèn gì cậu tìm dữ vậy.
Minh tự cho mình cái giả thuyết "lá thư chưa viết " và cố tìm sự yên tâm hoàn toàn với nó.
- Ê, lên sân vận động chơi! Nãy giờ mày đi đâu?
Minh nhận ra Bền mặc áo may ô mới, đang xách đôi giày đá banh, Bền là cầu thủ của đội tỉnh. Bền đá banh ten nít nổi tiếng đến con gái cũng mê từ hồi còn ở trường tiểu học. Các bậc đàn anh từng xem cũng khen Bền nức nở. Bây giờ Bền đã lên chân giày, đặc biệt là Bền đứng ở vị trí nào cũng xuất sắc.
Chiều nay Bền đi dượt để đá trong lễ kỷ niệm nữ thánh Jeanne d Arc, Bền lôi tay Minh:
- Kỳ này đội tỉnh mình đá với hội tuyển A Nam kỳ ! Lên sân coi tao tập !
Hai đứa cùng rảo bước. Bền trỏ lên tấm băng đơ rôn căng ngang đường gió bọc căng với hàng chữ đỏ phập phồng: "Grandes Matches de football. Bếntre contre Hội Tuyển Nam kỳ "
Minh la lên:
- Đụng với họ có mà lấy thúng hốt em ơi!
- Họ chấp mình 5 trái.
- Nghĩa là sao ?
- Nếu họ ăn 5-0 kể như huề. 6-1, 7-2 cũng tức là...huề luôn. Còn nếu 5-1 thì coi là mình thắng.
- Tại sao vậy? Nói lại cho rõ coi nào cầu thủ!
- Nghĩa là cứ vào trận đá thì bảng số đã ghi sẵn Bentre:5, Hội Tuyển Nam Kỳ:0
Minh gật gù:
- Vậy thì mình ăn trùm ! Mới vô đã bỏ túi trước 5 trái mà không thắng nữa thì đem câu sấu cho xong!
- Giỡn hoài mậy !
- Họ chấp 5 trái trước mà mình không ăn à ?
- Không chắc đây !- Bền lắc đầu và tiếp...Họ vừa mới thủ hoà với đội Nam Hoa. Nam Hoa là đội tuyển Ba Tàu lừng danh Á Châu biết không? Trận này mà mình thủ hoà cũng là giỏi rồi - Bền tiếp - Cho mày hay là họ xuống đây chỉ có nửa đội thôi. Tức là chỉ có sáu, bảy chiến tướng của đội A, còn các cầu thủ khác thi thuộc đội Ba, hoặc mượn thêm của Etoiles Gia- Định hoặc AJS (thanh niên thể thao).
- Bảy chiến tướng đó là ai ? - Minh cũng thích đá bóng nên tò mò hỏi tới.
- Gôn là Tư, hậu vệ là Cúi và Nàng Bạch Tuyết...
- Đàn bà mà đứng hậu vệ, ai dám tấn công ?
- Không phải ! Đó là anh Tây Mariniques Coréa, vì hắn ta đen thui, nhưng cười thì lòi hàm răng trắng hếu ra nên khán giả đặt cho cái tên là nàng Bạch Tuyết chớ không phải là đàn bà đá bóng. Kế đó hàng trung vệ chỉ có Trương tấn Bửu thôi. Nhưng ông này là tay rất lợi hại được mệnh danh là "Lý Huệ Đường Việt Nam " và máy phát bóng "
- Tại sao?
- Là vì Lý Huệ Đường của đội Nam Hoa có cú pho sập vách tường. Anh ta đá penalty thẳng giữa "gôn", thủ môn nào dám bắt thì bay luôn vô lưới và hộc máu tại trận.
- Còn tại sao là máy phát bóng
- Ông Bửu đá y như để. Hễ ổng được banh thì hàng tiền đạo cứ cắm đầu chạy qua vùng đất bạn. Banh sẽ rơi ngay chân. Cứ thế mà lừa hoặc đá tới.
- Hàng tiền đạo của đội tuyển có những tay nào ?
- Guichard góc mặt. Mỹ I I (gọi là Mỹ đơ) trung phong. Paccini inter trái, Emile Quang inter phải. Góc trái không rõ là ai đứng.
- Bên mình có đủ chiến tướng không?
- Đủ chớ. Qúy thủ môn, Tưng, Xệ, Xủng, Long...
- Mày chạy đâu ?
- Anh Lợi ở Mỹ Lồng chạy góc phải, tao góc trái.
Chuyện vừa đến đây thì hai người đến cổng sân vận động. Dù bữa nay chỉ là trận đá thử để chủ hội banh coi chân coi cẳng cầu thủ, nhưng khán giả mộ điệu cũng tới đông nườm nượp. Vài cô cậu ở trường Minh Châu tới hoan hô Bền:
- Bravo máy chặt góc
- Bravo máy chém pê nan ty
Bền mang giày vớ, buộc dây chắc chắn sửa sọan vào sân cỏ. Chợt thấy Bền, thầy Năm Lắm chủ hội banh vẫy tay. Bền bước tới, thầy Năm vỗ vai và nói ngay:
- Ê !Bữa đó mày đi trung phong nghe nhỏ !
Bền bật ngữa, kêu lên:
- Úy! Thầy định cho em chết gấp sao thầy ?
- Gì mà chết !
- Em đi trung phong thì gặp Cúi và Nàng Bạch Tuyết. Họ sẽ đập em chết dẹp như cái bánh tráng đó thầy !
- Tao vớiông Cò quyết định rồi. Ngoài mày ra không có ai khác.
Bền chỉ đồng ý tam với ông chủ hội rồi chạy vô sân.
Ông Cò đỡ đầu hội banh cũng vừa đến. Thầy Năm trình bày kế hoạch và sự bố trí cầu thủ cho ông nghe.
Ông hơi ngạc nhiên về vị trí của Bền trong trận đấu tới, ông hỏi:
- Nó lên đá giày được bao lâu rồi ?
- Dạ, chừng hai năm!
- Nó bao nhiêu tuổi ?
- Da....
- Ồ! Tài không đợi tuổi! - Ông buột miệng dùng câu nói trong vở kịch Le Cid - Hỏi coi nó muốn vô lính tôi như cai Xệ, bếp Xủng, lính Long không?
- Dạ, nó học năm thứ tư trường Minh Châu!
Ông Cò lắc đầu:
- Vậy chắc nó không chịu đâu. Chỉ mấy thằng dốt mới đầu quân với tôi thôi !
Bền thấy Minh đứng bơ vơ bèn chạy ra và bảo:
- Mày lại pít xin kiạ..đọc sách!
- Ở đó có thư viện à ? Vậy lâu nay tao không hay !
- À ờ...Cứ vô đó thì biết. Có đủ hết. Chờ tao đá mãn trận rồi về, tao chỉ nhà con nhỏ Emilie cho mà tới ! - Nói xong Bền quay vút vào sân.
Minh lững thững đi vào vòng rào của hồ tắm. Nước xanh ngăn ngắt. Nắng chiếu lấp lánh trên những mảng da thịt nõn nà hồng tươi của những nàng tiên cá. Họ đập nước trửng giỡn nghịch ngợm với nhau. Đại đa số là người Pháp. Người bản xứ không xem đây là sự biểu hiện nền văn minh nên không thấy ai đến chia sẻ cái nền ấy!
Các nàng tiên ngây thơ và những mụ sồn sồn làm bộ ngây thơ thay nhao leo lên tấm ván nhún ưỡn ẹo phô trương sắc đẹp, da dẻ, tay chân và những gì họ vừa muốn che kín lại vừa muốn phô ra, in như những nàng minh tinh uốn dẻo của gánh xiếc Tạ Duy Hiển mới vừa đến đây biểu diễn. Họ đâm đầu xuống nước như những kẻ thất tình đi tự tử mà biết chắc rằng mình không bao giờ chết vì ở trên bờ đang có những cặp mắt rực lửa rọi vào và sẵn sáng cứu vớt những đó hường nhan bạc mệnh giả kia, nên họ cứ việc nhào tòm tòm kẻ trước người sau xuống hồ nước.
Minh thấy những chiếc áo tắm sao mà chói chang màu sắc làm hoa cả mắt. Chiếc nào cũng mang những dòng chữ rất hãi hùng. Một cô ở góc hồ mặc chiếc áp màu thiên thanh mang dòng chữ: !"Oui, avancez s.v.p" (xin vâng, mời anh tiến tới). Một cô tóc bạch kim có cặp đùi mập mạp lại thách thức:" Hãy thử xem thì mới biết rõ". Cô bên cạnh vừa đi vừa nhún nhảy thì lại thơ mộng hơn: "Anh là hoàng tử của lòng em". Ôi, áo với chả quần. Thà đừng mặc cho được việc. Mặc làm gì cho thêm khổ tâm các vị phó nháy. Minh đã từng được Bền lén cho mượn những quyển sách cấm ngặt của nhà trường. Minh đọc và tưởng tượng sự cọ sát da thịt trong những cảnh làm tình được mô tả rất hiện thực mê ly, nhưng hôm nay thì Minh hơi ngượng khi đứng trước những hình tượng sống bằng xương bằng thịt. Cô Nina hay Nõn nà gì đó mang trên cái bộ ngực căng rướn của cô một lời tuyên chiến với các đấng mày râu:" Em muốn ngủ với anh đêm nay" Minh phát sợ trước sự trống trải của nền văn minh mẫu quốc. Minh vụt nghĩ, nếu bất thần bắt gặp Emilie vào đây và cũng trương cái nền..ấy trên người nàng thì không biết chàng nghĩ sao?
Quanh htềm hồ lát gạch bôn càng có nhiều sự phô trương hơn. Bỗng Minh quay mặt và suýt bật cườ. Một bà đầm với bộ đùi xệu xạo và mảng ngực thỗn thện từ trong phòng thay đồ đi ra ì ạch tiến lên tấm ván nhún nhún oặt lên gập xuống. Minh thót ruột sợ tấm ván gãy đôi, thì ắt phải kêu xe cấp cứu. Bỗng bà hụt chân. Cả cây thịt rới xuống nước một cách vô mỹ thuật như một bao cát bị ném bỏ.
Minh vừa chán mắt thì Bền đến. Chàng trung phong thở hồng hộc:
- Đọc hết sá... ách chưa mày?
- Có sách quái gì đâu mậy!
- Chỉ một trang đó thôi. Và mỗi trang chỉ có một câu ...hí...hí...
- Sách của mày chớ không phải của tao !
- Thì tao muốn mày nghiên cứu đó chớ !
- Nghiên cứu ?!
- Hình học trên mặt phẳng và trong không gian nữa! Cả đại số học. Đấy, mầy thấy chưa. Tất cả mọi "phương ...trình", cái nào cũng chỉ trình ra có ba ẩn số thôi! Và...hà...hà...lại còn vật lý học nữa kia!
- Vật lý gì đâu thằng quỷ ?
- Sự phì mình lên của những vật thể...khi bị chất nóng đốt. "la dilatation des corps"...
- Thôi về đi.
Bền lại cười:
- Để khoan tao đọc sá...ách tí đã...Mà tao đố mày đứng thẳng lên đi thử tao coi!...Chờ tao lên tremblai bay vài phát giải nhiệt rồi về nhà, ra cầu tàu ăn phở tái Bắc ! Ủa, mà quên, tao thấy hình như "ẻn" ở đằng bức tường nhảy chướng ngại vật kia kìa. Mày có muốn chiêm ngưỡng cặp chân vàng của nó không?
- Mày đừng có đặt chuyện mãi tao mệt lắm rồi Bền ơi!
- Nó đang tập nhảy saut à mouton (nhảy trừu). Mày muốn nhảy nó, hay nó nhảy mày ? Ủa, thiệt mà, đây là một môn nhảy vừa luyện sức khoẻ vừa tập tánh can đảm. Mày không nhớ tụi mình đã từng học nhảy từ ở trường làng cơ à ?
- Khép cái mõm mày lại cho tao nhớ.
Bền chỉ cười mơn trớn rồi tiếp:
- Hay là mày muốn "appui en avant " ? Môn này hơi mệt nghe mậy ? Xin lỗi nhe! Tao nói đùa như vậy chắc mày sợ làm méo mó cái cục thiêng liêng của mày chớ gì ! Tao đã đọc nhiều tiểu thuyết Tây lẫn Ta, tao thấy người Pháp đánh giá cái sự đó rất...thường, ví như đói ăn khát uống vậy thôi. Trái lại người mình coi nó rất thiêng liêng cáo tít trên mây xanh. Theo tao thì cả hai dều nhìn sai cho nên đặt vị trí của nó cũng sai bét. Đúng nhất là phải cộng lại chia đôi thì mới tìm ra nơi để đặt nó vào.
Bền nói xong, không đợi Minh phản ứng, chạy vào phòng thay đồ tắm rồi trở ra nhanh nhẹn nhảy xuống hồ té nước vào mấy cô đầm, đuổi bắt, đụng chạm họ một cách vừa táo bạo vừa khả ái làm cho họ thích thú hơn là phật ý.
Cô tóc màu hạt giẻ hỏi:
- Anh là cầu thủ hả?
- Phải!
Cô tóc bạch kim hỏi:
- Anh học với bà Pottier phải không?
- Đúng!
- Bà ấy dạy giỏi nhưng cho điểm quá khắt khe.
- Bà chỉ khe khắt với học trò 1ère và 2ème, lên tới 3ème và 4ème thì bà rộng rãi hơn! Cô học 2ème hả ?
- Vâng, cả hai chúng tôi đều học 2ème.
- Vậy là...Minh ơi! Lại đây, lại đây. Hai cô là bạn của Emilie hả ?
- Vâng.
- Cô có cho Emilie cọp bài không?
- Híhí...Tụi em cóp của nó thì có! Cả luận Pháp văn cũng thế !
- Tại sao kỳ vậy?
- Không hiểu! Chỉ biết là tuần nào bà Pottier cũng đem bài của nó ra làm bài mẫu. Nó được 12, 13 điểm còn chúng em luôn luôn dưới 10.
- Các cô học kém ở ban thành chung, nhưng lên ban tú tài các cô lại vượt chúng tôi.
- Tại sao vậy?
- Vì chúng tôi trút hết trí óc ở ban Thành Chung rồi. Các cô xem, có mấy người ở lớp cô lên đây chơi vào buổi chiều. Họ Ở nhà gạo bài. - Bền trỏ Minh vừa tới mép hồ e dè nhìn xuống nước - Như ông bạn 4ème của tôi kia., tôi lôi mãi mới chịu buông sách lên đây coi tôi đá...Hai cô bạn của Emilie nè mày!
- Chào hai cô!
Minh miễn cưỡng buông câu xã giao. Còn Bền nhanh nhẩu một cách nịnh đầm:
- Xin lỗi, chúng tôi đang hân hạnh được nói chuyện với những người đẹp nào đây?
- Em là Yvonne, còn bạn em là Thérèse! - Yvonne tiếp - Emilie vừa học giỏi lại vừa đẹp.
- Các cô cũng đẹp chứ!
- Không bằng Emilie.
- Emilie có xứng với anh bạn tôi không? - Bền hất hàm về phía Minh.
- Xứng! Xứng lắm! - Cả hai cô đầm cùng nhí nhảnh reo lên và cười tán thưởng.
Bền buột miệng:
- Vậy nhờ hai cô giúp một việc được không?
- Được chớ! Mà chuyện gì?
- Đưa giùm thơ của bạn tôi cho Emilei! - Bền nói thình lình, Minh không ngăn kịp.
- Tại sao phải nhờ người khác? - Yvonne dẩu môi.
- Bí mật! - Bền bị Minh phản đối nhưng vẫn tiếp- Nhớ nhé, ngày mai tôi sẽ đến nhờ.
- A! Tôi biết rồi! - Yvonne kêu lên- Bí mậ! Bí mật !
Thérèse hỏi Minh:
- Bí mật mà lai. nhờ người khác, không sợ họ biết ? - rồi tỏ ra lanh lợi - Viết thư là khi nào không gặp được nhau kia, còn đằng này anh và Emilie gặp nhau hằng ngày mà!
Minh đỏ mặt tía tai, nhưng Bền bình tĩnh:
- Có khi nói tiện hơn viết. Có khi viết tiện hơn nói. Bạn tôi viết hay hơn nói. Trong trường hợp này bạn tôi muốn dùng thư hơn là nói trực tiếp. Lá thư chỉ mang một chữ thôi.
Yvonne vỗ tay cười ngặt nghẹo:
- Biết rồi! Cái chữ dễ nói nhất và cũng khó nói nhất. Dễ mà khó, khó mà dễ, phải không? Do đó anh bạn phải viết chớ gì! Bộ anh bạn chưa nói tiếng đó với ai lần nào sao?
- Chắc là chưa!
- Thì cứ nói đi cho nó quen! - Yvonne lém lỉnh - Anh muốn nói tiếng đó với Emilie thì chính anh phải nói với nó, chớ còn tôi nói một trăm lần cũng không có nghĩa gì.
- Cứ nói giùm đi !- Bền gắt yêu.
- Nói thế nào? - Yvonne hất hàm - Bảo em nói thế nào em nói thế nấy!
-"Anh yêu em!! - Bền đáp.
- Ừ, anh yêu em! Anh yêu em thật không? - Yvonne nhìn bền và lặp lại.
- Em yêu anh! - Bền tiếp.
- Em yêu anh! Em yêu anh thật đấy!
Bền cứ nói và hai cô đầm vừa lập lại vừa té nước vào nhau. Yvonne bảo:
- Anh dạy em nói bằng tiếng Việt Nam đi!
@by txiuqw4