sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi 86 - Thử Trương Ôn, Tần Bật Khẩu Tranh

Hôm sau Khổng Minh xin Hậu Chúa cho Ðặng Chi làm sứ qua Ðông Ngô.

Hậu Chúa y tấu.

Còn Ðông Ngô, từ ngày Lục Tốn dẹp yên binh Ngụy thì được Tôn Quyền phong làm Phụ Quốc tướng quân, kiêm

lãnh Kinh Châu mục. Từ đó, Lục Tốn nắm hết binh quyền.

Tôn Quyền cải niên hiệu là Huỳnh Võ nguyên niên.

Trong lúc thương nghị bỗng có tin Tào Phi sai sứ đến.

Tôn Quyền cho vào.

Sứ tâu:

- Trước đây Tây Thục cầu cứu Ngụy, vì Ngụy chúa không rõ nên cứu ứng. Nay rất ân hận nên muốn dấy binh đánh Thục. Nếu Ðông Ngô đồng lòng sẽ chia đất làm hai.

Tôn Quyền chưa quyết, hỏi Trương Chiêu.

Trương Chiêu thưa:

- Lục Tốn rất cao kiến: Xin đại vương hỏi y mới được.

Tôn Quyền nghe theo, truyền gọi Lục Tốn.

Lục Tốn tâu:

- Khó mà dẹp Tào Phi. Nếu không theo y ắt mang thù hận. Nay cứ gắng mà chịu đỡ đi, để coi bốn đạo binh kia như thế nào. Nếu bốn đạo kia thắng, Tây Xuyên nguy, Gia Cát Lượng thất trận, thì ta sẽ phạt binh lấy Thành Ðô. Nếu bốn đạo kia bại sẽ tính kế khác.

Tôn Quyền nghe theo, bèn cho gọi Ngụy sứ vào nói:

- Quân mã chưa chỉnh đốn xong. Xin chọn ngày lành sẽ tấn binh.

Cách ít ngày có tin báo: Binh Tây Phiên gặp Mã Siêu không đánh mà lui. Còn Man Vương cũng bị Ngụy Diên dẹp

lui rồi. Phía Mạnh Ðạt kéo binh Thượng Dung đến nửa đường bỗng nhuốm bệnh đi không được. Riêng Tào Chơn bị Triệu Vân ngăn giữ nơi hiểm yếu. Tào Chơn đóng binh nơi Tà Cốc liệu bề thủ thẳng không nổi, cũng phải im binh.

Tôn Quyền nghe tin này thì nói:

- Lục Tốn thật là thần toán, nếu không ta đã làm liều mà gây oán với Thục nữa rồi!

Trong lúc bàn bạc có tin:

- Tây Thục sai Ðặng Chi đến!

Trương Chiêu nói:

- Ấy là kế thối binh của Khổng Minh, nên sai Ðặng Chi đến thuyết đó.

Tôn Quyền hỏi:

- Vậy phải xử sự ra sao?

Trương Chiêu thưa:

- Trước điện một vạc dầu lớn, dưới đốt lửa mạnh. Rồi để chừng một nghìn quân sĩ cao lớn cầm dao đứng hai bên điện. Sau dó dẫn Ðặng Chi vào. Chúa thượng cứ lấy tích Lịch Di Kỵ đi du thuyết nước Tề mà trách, để coi y đối đáp thế nào?

Tôn Quyền nghe lời sai quân sĩ làm y kế, rồi mới mời Ðặng Chi vào.

Chi vừa bước đến trước cung thấy binh sĩ cao lớn, cầm dao đứng hai bên điện, thì hiểu ý, không hề sợ sệt, cứ chậm rãi bước vào. Ðến trước điện lại thấy một vạc dầu đang sôi.

Ðặng Chi mỉm cười đến trước Tôn Quyền xá dài mà không lạy.

Tôn Quyền bèn nạt rằng:

- Sao ngươi không lạy?

Ðặng Chi đáp:

- Thiên sứ của Thượng Quốc chẳng lạy chúa của tiểu bang.

Tôn Quyền cả giận:

- Ngươi muốn bắt chước Lịch Sanh du khách nước Tề sao? Vậy phải nhảy vào vạc dầu cho mau!

Ðặng Chi cười:

- Ðông Ngô nhiều hiền sĩ, chăng ngờ lại sợ kẻ thư sinh như vậy!

Tôn Quyền càng giận, hỏi:

- Ta há sợ một đứa thất phu như ngươi sao?

Ðặng Chi đáp:

- Nếu không sợ Bá Miêu này, sao lại sợ nó đến thuyết mà bày bố như thế?

Tôn Quyền nói:

- Người làm thuyết khách cho Khổng Minh, muốn ta bỏ Ngụy theo Thục phải không?

Ðặng Chi thưa:

- Tôi chỉ là kẻ thư sinh nước Thục, vì sự lợi hại của Ngô mà đến giúp, cớ chi lại sợ đến như vậy?

Tôn Quyền nghe nói, bèn nạt quân sĩ lui ra, rỗi hỏi nhỏ:

- Chẳng hay việc lợi hại giữa Ngô và Thục như thế nào?

Ðặng Chi hỏi:

- Ý đại vương muốn giảng hòa với Ngụy hay Thục?

Tôn Quyền đáp:

- Ý ta muốn giảng hòa với Thục, e Thục chúa còn nhỏ, kiến thức hẹp nên không được thủy chung chăng?

Ðặng Chi thưa:

- Ðại vương là bực anh hào, Khổng Minh là bậc tuấn kiệt, Thục có Sơn Xuyên, Ngô có Tam Giang kiên cố. Nếu cùng hiệp nhau mà tới thì gom thâu thiên hạ, nếu lui thì giữ gìn ba chân vạc mà bảo thủ. Nay Ðại vương lại xưng thần với Ngụy, nếu trái thì đem binh đến đánh. Chừng ấy Thục thừa cơ tiếp ứng, chẳng hóa Ðông Ngô bị cô thế sao?

Tôn Quyền cười vui nói:

- Lời tiên sinh rất hợp ý ta. Nay ta muốn cùng Thục giao hòa. Phải chăng tiên sinh có thể giúp ta?

Ðặng Chi cười:

- Khi nãy muốn giết tôi cũng là Ðại vương, bây giờ nhờ tôi cũng lại Ðại vương. Nếu Ðại vương nghi ngờ thì sao mà thủ

tín với Thục được.

Tôn Quyền nói:

- Ý ta quyết đoán, tiên sinh chớ nghi!

Bèn gọi tướng sĩ đến mà nói:

- Ðất Thục có Ðặng Chi đi sứ mà không nhục vua, há bên Ngô không có ai dám vào đất Thục để đạt ý ta sao?

Vừa dứt lời thì Trương Ôn, tức Huệ Thu, bước ra thưa:

- Tôi xin đi.

Tôn Quyền nói:

- E khanh thấy Khổng Minh mà không đạt được ý ta.

Trương Ôn nói:

- Khổng Minh cũng là người, tôi cũng là người, há tôi lại sợ y sao?

Tôn Quyền cả mừng, bèn khiến Trương Ôn cùng Ðặng Chi vào Tây Thục.

Còn Khổng Minh đoán chắc Ðặng Chi đi sẽ thành công bèn tâu với Hậu chúa:

- Hễ Ðặng Chi thành công, ắt Ngô vương cũng sai sứ qua đáp lễ. Vậy bệ hạ cứ tiếp đại ân cần để sứ về Ngô tỏ mối giao hảo. Hễ Ngô Thục bang giao rồi, ta sẽ dẹp Nam Man. Hễ Phương Nam yên thì tính kế Bắc Ngụy. Trừ Ngụy rồi thì Ðông Ngô cũng chẳng bao lâu.

Hậu chúa nghe đồng ý. Xảy có tin báo: Ðông Ngô sai Trương Ôn theo Ðặng Chi vào Thục đáp lễ.

Hậu chúa truyền cho vô, Trương Ôn lấy làm đắc chí, thấy Hậu chúa bèn bước lên thi lễ.

Sau đó Hậu chúa truyền bày ngự yến mà đãi rất trọng.

Qua hôm sau Khổng Minh lại bày tiệc thết Trương Ôn.

Khi đang ăn Khổng Minh nói với Trương Ôn:

- Khi Tiên chúa còn, người không hòa với Ngô.Ðến Hậu chúa lại hâm mộ Ngô Vương, muốn bỏ hờn xưa hiệp nhau mà trừ Ngụy. Vậy nhờ Ðại Phu về tâu lại.

Ôn hứa chịu.

Ðang cuộc rượu, bỗng một người nghinh ngang bước vào, xá dài rồi ngồi vào bàn tiệc.

Trương Ôn lấy làm lạ, hỏi Khổng Minh:

- Người nào vậy?

Khổng minh đáp:

- Ðó là Tần Bật, tự là Tử Sắc, hiện giữ chức Học Sĩ tại đất Ích Châu.

Trương Ôn cười, nói:

- Danh xưng là học sĩ chẳng biết có thực học không?

Tần Bật bèn nghiêm mặt nói:

- Ở đất Thục, con nít ba tuổi còn được học, huống chi tôi.

Trương Ôn hỏi:

- Sở học của ông thế nào?

Tần Bật thao thao:

- Trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, Tam giáo, cửu lưu bách gia chư tử; những việc hưng phế xưa nay, những thánh kinh, hiện truyện không gì không đọc.

Trương Ôn lại hỏi:

- Thôi, tôi chỉ hỏi ông việc trên trời. Vậy chớ trời có đầu chăng?

Bật cười đáp:

- Có đầu.

Ôn hỏi gạn:

- Ðầu ở hướng nào?

Bật đáp:

- Ở hướng Tây, vì tụng kinh có câu: Nài quyền Tây cố. Lấy đó mà suy thì đầu ở hướng Tây.

Ôn lại hỏi:

- Trời có tai chăng?

Bật đáp:

- Có! Trời ở cao mà nghe được chỗ thấp. Kinh Thi có câu: Học minh cửu cao, thanh văn vu thiên.

Trương Ôn lại hỏi:

- Trời có chân chăng?

Bật đáp:

- Có. Kinh Thi có câu thiên bộ gian nan.

Ôn hỏi tiếp:

- Trời có họ chăng?

- Sao lại không? họ Lưu!

Ôn hỏi:

- Sao lại họ Lưu?

Bật đáp ngay:

- Thiên tử họ Lưu, nên tôi biết trời họ Lưu.

Tần Bật, lúc đó, đối đáp trôi như nước chảy, mây bay, ai nấy đều khâm phục.

Trương Ôn cũng hết lời hỏi gạn.

Bấy giờ Tần Bật mới hỏi lại Trương Ôn:

- Tiên sinh là danh sĩ Ðông Ngô đã lấy việc trời mà hỏi, ắt tiên sinh cũng rõ lẽ trên trời lắm chăng? Vậy xưa lúc hỗn độn, âm dương chưa định. Khí nhẹ nổi lên làm trời, khí nặng chìm xuống làm đất, đến khi Cung Công Thi đánh giặc

thua, va đầu vào núi Bất Châu, làm cho một cột trời bị gãy, đất lại khuyết, trời Nghiêng về phía Tây Bắc, đất sụp phía Ðông Nam. Như thế trời đã trong nhẹ, nổi lên, sao còn nghiêng phía Tây Bắc? Xin tiên sinh chỉ giáo.

Trương Ôn không đáp được, bèn ra khỏi bàn tiệc mà nói:

- Tôi không dè ở đất Thục có nhiều anh tài đến thế!

Khổng Minh sợ Ôn thẹn, bèn đỡ lời:

- Nhưng vạn sự nơi bàn tiệc đều là những điều đùa vui, đâu phải tài an bang định quốc?

Sau đó, Trương Ôn tạ từ Khổng Minh.

Khổng Minh lại khiến Ðặng Chi theo Trương Ôn sang đáp lễ.

Về đến Ðông Ngô, hai người vào bái yết Tôn Quyền, Ôn tâu:

- Hậu Chúa và Khổng Minh thật tâm giao hảo lâu dài cùng Chúa Thượng để chung lo diệt Ngụy.

Tôn Quyền cả mừng, thiết đãi Ðặng Chi rất hậu.

Sau đó, Ðặng Chi từ giã Ngô Vương về Thục.

Còn Tào Phi được tin Ngô Thục kết liên thì giận lắm, bèn triệu hết chư tướng lại lập kế.

Khi ấy Tào Nhơn và Giả Hủ đã chết rồi.

Tân Tỷ tâu:

- Nếu Ngô Thục liên kết e khó đánh, chi bằng cho quân đi khai khẩn đất hoang, trong 10 năm ắt binh lương sung túc mới lo việc lớn được.

Tào Phi nghe tâu cả giận nói:

- Chúng nó toan tính đánh ta nay mai, mà ta tính chuyện 10 năm nữa. Thiệt là kẻ hủ nho.

Tư Mã Ý tâu:

- Ðông Ngô chiếm sông Trường Giang, nếu ít thuyền thì khó qua. Vậy phải sắm nhiều thuyền đi theo ngả Thái Ðịnh vào sông Hoài, thẳng chiếm Nam Từ. Như vậy mới là kế hay.

Tào Phi y tấu, bèn truyền chỉ đóng thuyền lớn mỗi chiếc chứa 2 ngàn người, cả thảy chừng ba ngàn chiếc. Sau đó, sai Tào Chơn làm Tiền bộ tiên phong, Trương Liêu, Trương Hấp, Văn Sánh, Từ Quáng làm Ðại tướng, dẫn binh đi trước còn Hứa Chữ, Lữ Kiền giữa trung quân, Tào Hưu lo hiệp hậu, Lưu Hoa, Trương Tế làm tham mưu, nội ngày ấy khởi binh.

Lại phong Tư Mã Ý làm Thượng thơ Bộc Xa để ở lại Hứa Xương, lo việc quốc chánh.

Quân do thám về báo Ngô Vương:

- Tào Phi ngồi thuyền rồng ngự giá thân chinh, dẫn thảy lục quân hơn 30 vạn quyết đánh Giang Nam.

Tôn Quyền cả kinh, bèn nhóm chư tướng bày kế cự địch.

Cố Ung tâu:

- Nay Ngô đã hòa với Thục. Vậy viết thư xin Khổng Minh dấy binh Tây Thục đánh vào Trung Nguyên, còn mặt khác sai tướng đến Nam Từ chống giữ.

Tôn Quyền nói:

- Ta đã rõ kế ấy, song Lục Tốn đang trên Kinh Châu, chỗ ấy rất quan hệ còn trước mắt không ai dám ra sức. Vừa dứt lời thì Từ Thạnh bước ra, tâu:

- Tôi xin lãnh binh đi bắt Tào Phi.

Tôn Quyền cả mừng, nói:

- Nếu tướng quân đi phen này lòng ta mới an. Bèn phong Từ Thạnh làm đại Ðô đốc, quản thủ thủy bộ hơn 3 vạn dẫn đến Nam Từ cự địch.

Từ Thạnh vâng lệnh ra đi.

Lúc ấy, Tôn Thiều bước ra nói:

- Chúa Thượng ủy thác cho Ðại tướng bắt Tào Phi. Vậy nên phát binh cho sớm để chặn bắt địch, nếu đợi Tào Phi đến tôi e muộn. quá.

Từ Thạnh nói:

- Tào Phi thế mạnh, lại có danh tướng làm tiên phuông. Không nên khinh địch.Ta sẽ có cách phá nó.

Tôn Thiều thưa:

- Tôi có ba ngàn quân mã, lại thuộc đường nơi Quảng Lăng. Tôi nguyện quyết chiến với Tào Phi.

Từ Thạnh nhất định không nghe.

Tôn Thiều cứ nằng nặc xin đi.

Từ Thạch nạt lớn:

- Ta sẽ trị tội tướng nào không tuân lệnh!

Tôn Thiều nói:

- Chém thì chém, nhưng cho tôi ra đánh một trận đã. Từ Thạnh nạt tả hữu dẫn ra chém. Nhưng Tôn Quyền hay được bèn đến nơi mà cứu Tôn Thiều.

Thiều quì móp khóc:

-Tôi không tiếc mạng sống nhưng chỉ tiếc không được đi đánh Tào Phi.

Tôn Quyền bèn dẫn Tôn Thiều ra mắt Từ Thạnh mà rằng:

- Tôn Thiều vì khí quyết, trí dõng nên phạm đến quân pháp xin Ðô đốc hãy dung y một phen.

Từ Thạnh tâu:

- Tôi cũng vị tình mà tha tội tử cho đó, song nếu còn sơ suất nữa thì khó mà dung.

Tôn Quyền bèn khiến Tôn Thiều lạy tạ Từ Thạnh.

Tôn Thiều không chịu, lại quát lớn:

- Theo tôi, phải đem binh đánh Tào Phi thì tôi mới lạy, bằng không thà chịu chết chứ không phục.

Từ Thạnh nghe nói mặt hầm hầm.

Tôn Quyền nạt Tôn Thiều ra ra; nói:

- Nếu không có thằng ấy trong quân ngũ, cũng không hại gì cho Ngô. Nói xong trở về!

Ðêm ấy Từ Thạnh được tin báo:

- Tôn Thiều lén dẫn 3 ngàn quân sang sông rồi!

Từ Thạnh e ngại, bèn khiến Ðinh Phụng dẫn thêm quân qua sông tiếp ứng.

Còn Tào Phi, ngự giá đến Quản Lăng thì đạo binh tiên phuông đã đến dàn ra nơi mé sông rồi.

Quân thám thính về báo:

- Bên bờ phía Nam. Không thấy một bóng quân sĩ nào cả.

Tào Phi cười nói:

- Ðó là kế nghi binh của địch đó.

Nói rồi bèn khiến quân chèo thuyền ra giữa sông quan sát, thì không thấy tên địch nào cả, bèn quay lại hỏi:

- Ta nên qua sông chăng?

Lưu Hoa thưa:

- Phải nên đề phòng, việc binh hư hư thiệt thiệt, nên đợi vài ngày xem sao.

Tào Phi y kế, truyền quân đóng nơi mé sông nghỉ ngơi.

Ðêm ấy vòm trời tối đen, Tào Phi không thấy một bóng đèn đuốc thì làm lạ.

Các tướng đều nói:

- Chắc binh Ngô đã vỡ mật.

Tào Phi nghe nói chỉ mỉm cười.

Sáng hôm sau, sương mù vây bủa, đến lúc tan sương, thì thấy bên Giang Nam doanh trại đâu đó chỉnh tề.

Tào Phi thất kinh nói:

- Chỉ có một đêm mà doanh trại chỉnh tề. Thiệt lạ?

Binh Ngụy thấy trên thành binh mã rộn ràng thì cả sợ.

Tào Phi than:

- Dù ta có muôn ngàn binh sĩ cũng khó mà chiếm được. Nói chưa dứt thì bỗng có cuồng phong nổi lên, thuyền bè xao động. Tào Chơn vội sai Văn Sánh chèo thuyền ra cứu giá. Chính Văn Sánh nhảy xuống thuyền mà phò Tào Phi chạy trốn. Lúc ấy lại có tin báo:

- Trường An bị Triệu Vân đánh rất gắt.

Tào Phi thất kinh, hối quân sĩ lui về. Chúng quân mạnh ai nấy chạy. Phía sau binh Ngô rượt tới. Tào Phi phải bỏ hết đồ ngự dụng mà chạy. Thuyền rồng vừa lướt tới sông Hoài thì quân của Tôn Thiều ào ra đón đường.

Quân Ngụy chống không nổi chết cả phân nữa. Chư tướng phải ráng chống cự mới qua được sông Hoài.

Ði được ba mươi dặm thì gặp lửa bắt từ đầu gió cháy xuống.

Tào Phi cả kinh, vội nhảy xuống thuyền nhỏ mà vào bờ. Thuyền rồng cũng bị cháy rụi.

Tào Phi vừa lên ngựa thì gặp Ðinh Phụng, Trương Liêu giục ngựa đến đánh, bị Phụng bắn một mũi tên vào lưng, nhờ Từ Quáng cứu mới khỏi. Sau đó, cùng phò Tào Phi mà chạy. Binh sĩ hao vô kể.

Tôn Thiều, Ðinh Phụng thừa thế rượt theo cước ngựa và thuyền chiến.

Binh Ngụy đại bại, Từ Thạnh trốn thẳng được Tôn Quyền trọng thưởng. Còn Trương Liêu về đến Hứa Xương bị mũi tên nặng quá cũng chết luôn.

Nói về Triệu Vân mới đánh vài trận mà giết binh Ngụy quá nhiều. Bỗng có chiếu của Hậu chúa và thơ của Khổng Minh truyền phải lui binh về, để Mã Siêu giữ tại Dương Bình Quan, vì Nam Man đang khuấy rối ở Ích Châu.

Triệu Vân tuân lệnh.

Lúc ấy tại Thành Ðô, Khổng Minh đang chuẩn bị binh mã lo việc Nam chinh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx