sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi 107

Khương Duy thấy Tư Mã Sư rượt tới thì mắng rằng:

- Mi là thằng con nít sao dám đến đây mà múa may. Bèn đốc ngựa đến đánh. Tư Mã Sư chống cự một lát thua chạy dài. Khương Duy kéo quân vào thành đóng chặt cửa lại, rồi truyền cho quân sĩ bắn tứ phía. Binh Ngụy chết thôi vô kể. Tư Mã Sư cả kinh vội trốn chạy. Tại thành Cốc San, Cẩn An thấy viện binh không tới dẫn binh ra đầu Ngụy, còn Khương Duy kéo về Hớn Trung đồn binh. Tư Mã Sư trở về Lạc Dương. Lúc này Tư Mã Ý càng ngày càng lâm trọng bệnh, liệu thế không sống được bèn kêu con mà trối rằng:

- Cha phò Ngụy đã nhiều năm, làm đến Thái phó cũng đã tột cùng rồi. Người ta thường nghĩ cha có dị tâm. Vậy khi cha thác rồi, các con phải lo việc triều chánh. Phải cẩn thận răn dè. Nói được ít lời xong tắt thở. Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu vội thượng tâu lên Ngụy chúa. Ngụy chúa truyền chôn cất Tư Mã Ý rất hậu, lại phong Tư Mã Sư làm Ðại Tướng thống lãnh Thượng Thơ cơ mật, phong Tư Mã Chiêu làm Phiêu Kỵ tướng quân. Nói về Ðông Ngô, từ khi Tôn Quyền tức vị Ðế Vương, vì con chánh là Tôn Ðăng mất nên lập con thứ là Tôn Lượng lên làm Thái Tử. Tôn Lượng là con Nhan Phu Nhơn. Khi đó Gia Cát Cẩn và Lục Tốn đều chết cả, nên việc triều chính nằm trong tay Gia Cát Cách. Năm ấy, gió thổi mạnh, nước dâng cao, ai nấy đều sợ hãi. Tôn Quyền cũng từ đó phát bệnh nặng, liệu thế không xong được bèn gọi Gia Cát Cách và Lữ Ðại vào mà trối:

- Trẫm không còn sống được nữa, vậy các khanh hãy ráng giúp thái tử giữ gìn sự nghiệp này. Nói xong thì qua đời, lên nối ngôi được hai mươi bốn năm, thọ 71 tuổi. Khi Tôn Quyền chết rồi thì bọn Gia cát Cách tôn thái tử Tôn Lượng lên tức vị, cải niên hiệu là Ðại Hưng nguyên niên. Tôn hàm ân cho Tôn Quyền là lại hoàng đế. Tư Mã Sư nghe Tôn Quyền đã thác liền sửa soạn đánh Ngô. Lúc ấy Thượng thơ Phó Hà can rằng:

- Nước Ngô nhờ có sông Trường Giang hiểm trở, tiên đế nhiều phen chinh phạt mà không được, chi bằng bờ cõi ai nấy giữ thì hay hơn. Nhưng Tư Mã Sư không nghe cứ kéo binh đi đánh, bèn sai Vương Vĩnh, Hồ Tuân, Võ Khâu Kiệm mà dặn: Bên Ðông Ngô có quận Ðông Hưng ra quan trọng. Hễ lấy được quận ấy ắt việc sẽ thành. Rồi lại khiến Tư Mã Chiêu làm Ðại Ðô Ðốc, Hồ Tuân làm tiên phuông kéo tới Ðông Hưng. Gia Cát Cách hay tin bèn nhóm hết tướng lại luận bàn Ðinh Phụng nói:

- Quận Ðông Hưng là chỗ hiểm yếu của nước ta, nếu chỗ ấy mất thì Nam quận và Võ Vương đều phải thất Gia Cát Cách nói:

- Lời ấy rất hợp ý tôi, vậy ông phải dẫn một đạo thủy binh đến nơi ấy, còn tôi và Lữ Cừ, Dương Tu và Lưu Soán sẽ dẫn thủy binh và lục chiến đến sau tiếp ứng. Hễ nghe pháo lệnh thì cùng kéo ra đánh. Nói về binh Ngụy kéo đóng tại Từ Châu, Hồ Tuân bèn nói chư tướng ăn tiệc với nhau. Lúc ấy tiết đông lạnh lẽo, Tuân không dám ra khỏi trại cứ ngồi mà uống rượu. Bỗng có tin báo có vài chục chiến thuyền của Ðông Ngô kéo đến. Hồ Tuân nói:

- Sá gì ba chục chiếc ấy Bèn chẳng chịu đề phòng cứ ngồi mà uống rượu. Ðêm ấy Ðinh Phụng sai quân thám thính trại Ngụy, quân về phi báo:

- Hồ Tuân cả ngày uống rượu, không đề phòng chi hết. Ðinh Phụng cả mừng, khiến quân sĩ dùng dao ngắn, lội qua sông, nửa đêm xông vào trại Ngụy đánh giết. Quân Ngụy đại loạn đạp nhau mà chết. Hồ Tuân nghe bốn phía lửa dậy thì thất kinh vội lên ngựa thoát thân. Lúc ấy Tư Mã Chiêu, Vương Vinh, Vô Khâu Kiệm biết đạo binh đánh Ðông Hưng đại bại thì vội rút binh trở về. Trong khi biết rõ binh Ngụy đã rút, Gia Cát Cách bèn nói:

- Tư Mã Chiêu đại bại, ta nên thừa kế đánh vào Trung Nguyên cho mau. Nói rồi gửi thư sang Khương Duy yêu cầu đánh qua phía Bắc, hứa sẽ bình phân thiên hạ. Ðinh Phụng thừa:

- Nay binh Ngụy lấy Tân Thành làm căn cứ. Vậy phải chiếm cho được Tân Thành đã. Gia Cát Cách y kế .Tướng giữ ải là Trương Ðặc, nghe binh Ngô đến đánh bèn khiến quân cố thủ chẳng chịu giao chiến. Gia Cát Cách bèn khiến vây chặt bốn cửa thành, ngày đêm công phá, nhưng vì quân trên thành canh phòng quá ngặt nên qua một tháng mà vẫn không phá nổi. Khi ấy gặp tiết trời lạnh, binh Ngô bị bịnh rất nhiều. Các tướng thưa với Gia Cát Cách:

- Thời tiết quá lạnh, nên lui binh tốt hơn. Gia Cát Cách không nghe, cứ đốc quân công thành. Nhưng quân sĩ chẳng còn ai muốn đánh giặc nữa. Gia Cát Cánh túng thế phải lui binh. Trương Ðắc được tin binh Ngô đã lui, bèn xua quân rượt theo đánh giết. Binh Ngô chết thôi vô kể. Gia Cát Cách thu góp tàn quân về Ðông Ngô, trong lòng cả thẹn chẳng dám yết kiến Tôn Lượng. Ngô chúa thấy vậy ngự giá đến thăm. Bởi vậy triều thần rất sợ sệt. Gia Cát Cách lại khiến Châu An và Trương Uớc chấp chưởng Ngự Lâm Quân để làm nha trảo. Lúc ấy Tôn Tuấn đang chấp chưởng Ngự Lâm Quân thấy Gia Cát Cách đoạt quyền thì sanh nghi bèn tâu với Tôn Lượng:

- Tôi là Tôn tộc, nay Gia Cát Cách chiếm Ngự Lâm Quân e y có ý làm phản. Xin Bệ hạ hãy liệu thế trừ đi! Tôn Lượng nói:

- Trẫm cũng sợ y lắm. Vậy phải trừ cách sao? Tôn Tuấn tâu:

- Hãy bày yến tiệc rồi mời Gia Cát Cách đến, tôi sẽ ra tay cho Tôn Lượng y kế Gia Cát Cách được triệu mời, lên xe vào cung, rồi tả hữu ai nấy vào tiệc. Rượu được vài tuần, Ngô chúa kiếm chuyện đi trước, còn Tôn Tuấn bước xuống điện, cởi áo ngoài ra, tay cầm gươm bén hô lớn:

- Có chiếu chỉ của Thiên Tử truyền phải giết đứa phản tặc! Gia Cát Cách nghe nói thất kinh làm rớt chén rượu xuống đất, rồi vừa định cầm gươm thủ thế, đã bị chém bay đầu. Tôn Tuấn một mặt khiến đến bắt gia quyến Gia cát Cách, một mặt khiến đem thây Gia cát Cách bỏ ra ngoài thành. Chẳng bao lâu quân sĩ bắt được hết gia quyến Gia Cát Cách, Tôn Tuấn khiến chém hết đem chôn. Ngô chúa là Tôn Lượng phong Tôn Tuấn làm Thừa Tướng Ðại tướng quân, tổng đốc trong ngoài các việc quân cơ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx