sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Quất Ông Tơ Cái Trót

Quất ông Tơ kêu cái trót, ổng nhẩy tót lên ngọn bần.

Bảo ổng xe mối chỉ ba bốn lần, ổng hổng chịu xe.

(Ca dao miền Nam)

Leo được hai thang lầu, cả bọn hỏi Long:

- Sao có thang máy, lại bắt tụi tôi tập thể thao như vầy?

Long cười hề hề đáp:

- Thang máy ở đây ho lao. Một khi kia, chạy được nửa chừng thì nó ăn banh, báo hại hai thằng ký giả bạn của tôi, thằng Mập và thằng Ốm, đứng trong buồng thang gần rụt giò. Sốt ruột quá, chúng nó bèn nhảy qua cửa.

Quên nói rõ cho các bạn biết là thang máy ở đây gắn hồi đời Minh-Mạng, Tự-Đức gì đó lận, nên rất cổ lổ sĩ như các bạn thấy, cửa buồng là một hàng rào song ly sắt cao không khỏi đầu, vì thế mà chúng nó nhảy mới được, chớ thang máy tân thời, cửa bít bùng làm sao mà nhảy.

Ấy, chúng nó nhảy qua cửa. Thằng Ốm nhẹ nên nhảy trước, thằng Mập nhảy sau và nó mới nhảy nửa chừng thì thang máy lại chạy được. Thằng Mập suýt bị cắt đứt làm hai đoạn, nên từ đó nó mới đồn đãi ra, trong làng chúng tôi không thằng nào dám sử dụng thang máy ở đây nữa cả.

Khi sáu người lên tới sân thượng lộ thiên dùng làm tửu lâu thì cả bọn đều dừng chơn ngoài hành lang để thở hổn hển.

Long rất sợ thang máy của tửu lâu Thiên-Thai nầy, và lại càng sợ phải leo thang thường hơn. Nhưng lần nào có bạn ở tỉnh lên thủ đô thăm chàng, chàng đều đưa họ lên ăn ở đây, như đêm nay chẳng hạn, để lấy le với họ.

Số là ở đây, chàng có quen thân với mấy cô ca sĩ và hễ các cô mà đến trò chuyện với chàng thì bọn ở tỉnh phục lăn.

Quả đúng y như chàng tiên liệu. Họ vừa ngồi lại mỗi gã một ly huýt-ky chưa kịp nếm thì cô Băng-Trinh đã từ chiếc bàn riêng của các cô, đặt bên hông bục nhạc, thướt tha lướt đến bàn của họ.

- Kìa anh Long! Chà lâu đến dữ! Có gì lạ?

- Có tin cô Băng-Trinh sắp lấy chồng.

- Tin vịt của báo anh. À nầy, em mới chụp bức ảnh khá lắm, xin tặng anh. Cho mượn cây viết máy coi.

Thấy rõ cô ca sĩ cố ý đến đây chỉ để tặng ảnh vì cô ta cầm sẵn bức ảnh ấy trong tay, chớ không phải tình cờ gặp dịp mà nhớ đến nó.

Long là tổng thơ ký tòa soạn một tờ nhựt báo lớn nên Băng-Trinh bày cái trò tặng ảnh với hậu ý ảnh nàng được đăng báo, chỉ có thế thôi, chớ không ưa riêng gì Long.

Cô ca sĩ húy hoáy viết rồi trao ảnh cho Long. Chàng đọc: "Thân tặng, ký tên Băng-Trinh".

- Thân tặng ai mới được chớ?

- Thì tặng anh chớ còn tặng ai nữa.

- Anh có tên có họ, có biệt hiệu, chớ nào phải ở đất nẻ mà chui lên đâu?

- Ậy, nếu em để: "Thân tặng anh Long của em" thì liệu anh sẽ yên thân với chị Long hay không chớ?

Nghe nhắc đến vợ, Long giựt mình đánh thót một cái. Vì thế, cầm ảnh lên, chàng khen bậy một tiếng: "Đẹp! Đẹp ghê hồn" rồi trao cho bạn hữu, mong một thằng ngốc trong bọn sẽ âm thầm giữ lấy cho chàng đỡ khổ.

Là một cây huýt-ky xanh dờn, Long ba ngù một lát sau đó và quên mất bức ảnh, cũng quên tuốt cô ca sĩ nọ.

Băng-Trinh ca xong hai hiệp thì chạy rạp. Trước khi rút lui, nàng ghé qua bàn của Long và nói nho nhỏ: "Cho lên trang nhứt anh nhé!"

Long cười hề hề, cái cười bất hủ của chàng và nhừa nhựa hứa ăn trợt:

- Em đừng lo, để đó mặc anh. Anh lăng xê em mà.

- Đẩy cây thì liệu hồn.

Long ăn uống xong với bạn hữu, đưa họ về khách sạn rồi về tuốt nhà chàng chớ không đi chơi như đã định, vì chàng say mèm.

Sáng ra thức dậy hồi tám giờ rưỡi, chàng uống cà-phê sáng ở nhà và tới toà-soạn hồi chín giờ. Vừa bước vào cửa nhà báo, chàng nghe nhồn nhột ở ngực, sờ lên đó thì ngạc nhiên mà nghe trong túi sơ mi có cái gì cứng cứng như là một tấm danh thiếp, nhưng to bản hơn nhiều.

Chàng móc món ấy ra xem thì lặng người đi rất lâu, không phải ngạc nhiên vì bức ảnh mà bực mình vì tang vật đã nằm trong túi chàng trọn đêm rồi.

Thấy hình Băng-Trinh, chàng nhớ lại ngay tất cả mọi việc đã xảy ra trên tửu lâu Thiên-Thai.

Thì ra mấy thằng bạn ở tỉnh thật thà không dám cướp của chàng, của nợ ấy, và chúng nhét trả ảnh vào túi chàng lúc nào chàng không hay. "Ý a, ghê quá! Vợ mình nó hay soát túi, soát bóp, nếu nó thấy được bức ảnh khiêu gợi nầy thì chết với nó chớ chẳng chơi. Mà khổ, bây giờ làm sao? Xé bỏ thì cũng tội cho người tặng, mà cất thì chắc chắn không xong rồi. Đằng nào cũng chẳng được. Ới hơi, thật là của nợ!"

Cất ảnh trở vào chỗ cũ, Long đi tuốt vào phòng chàng để làm việc.

*

*

*

Thằng Ốm phụ trách trang trong, nên về trước thiên hạ, lúc đồng hồ chỉ mười một giờ. Hôm ấy trời lạnh quá nên nó mặc áo lớn. Vào tòa soạn một hơi nghe nực nó đã cổi áo ra máng sau lưng nó.

Nó xô ghế đứng dậy, lấy áo xỏ một tay vào thì một vạt áo nặng đập vào đùi nó. Nó nghe thấy cái gì cứng như một tấm danh thiếp, nhưng to bảng hơn, chạm vào da thịt nó.

Ngạc nhiên hết sức, vì nó không hề dùng túi áo lớn, nó thò tay vào đó mò thử và rút ra bức ảnh đã đi phiêu lưu suốt đêm nay.

Tần ngần, nó nhìn ảnh một lát rồi nói lớn lên:

- Mẽ, đứa nào rắn mắc, bộ muốn thắt họng tao sao chớ?

Trong tòa soạn bấy giờ có tám mạng, mạng nào cũng tinh nghịch một cây. Nhưng không hiểu sao, Ốm lại chỉ đích danh thủ phạm, có lẽ nhờ trực giác xui khiến:

- Anh Long à, chắc anh bỏ khăn cho tôi đây chớ gì?

Bỏ khăn là một trò chơi của trẻ con ở thôn quê, chúng nó ngồi thành vòng tròn, ngó mặt với nhau, một đứa chạy quanh cái vòng ấy và lén lén bỏ một cái khăn vò tròn sau lưng một đứa. Đứa bị bỏ mà hay được thì không sao, bằng không hay thì sẽ bị quất.

Long cười hề hề để im lặng nhận tội rồi giải thích:

- Nàng gởi cho mỗ để tặng bồ đó mà!

- Thôi đi tía, mỗ không có số đào hoa đâu. Vả lại ca sĩ mà mê ký giả nghèo là chuyện khó tin.

Long đành phải khai sự thật:

- Nói chơi với bồ chớ nó nhờ mỗ đăng ảnh nó. Nhưng mỗ lại tìm không được cớ để đăng. Một cô ca sĩ phải tài số dách, nổi danh ở Ba-Lê như Trần-Văn-Trạch hoặc vừa tự tử, vừa bị tạt át-xít, nói tóm lại phải có làm cái gì giựt gân hoặc động trời, mỗ mới đăng hình họ ở trang nhứt được, chớ khi khổng khi không, lấy lý do đâu để mỗ đăng.

Bồ phụ trách trang trong, cứ lấy tư cách làm văn nghệ thì đăng được ngay.

Thẳng Ốm mỉm cười:

- Đệ khát nước để huynh ăn mặn hả. Bộ huynh là ông nội người ta sao?

Thằng Mập đang có mặt, pha trò:

- Ăn mắm tôm.

Cả bọn cười rộ lên.

Thằng Ốm bước tới đặt ảnh lên bàn Long và nói:

- Trả của nợ.

- Đừng xấu bụng cha nội, vợ của cha nội không có ở chung thì cha nội cất bao lâu cũng được, đợi dịp tốt sẽ đăng.

- Nó hối lộ tía cái gì?

- Nó chỉ rua với mỗ trước mặt thiên hạ, thề không có ăn của đút.

- Khó tin lắm.

- Thôi mà! Đăng nha? Ba hiệp cà-phê Thanh-Thế nha?

- Nhứt định không.

- Xấu lắm.

- Không có cớ để đăng.

- Thì cứ đề: "Mỗi ngày giới thiệu một nữ ca sĩ tài hoa" là xong chớ gì.

- Đề tài cũ xì.

- Không yêu người đẹp à?

- Người đẹp thì yêu, nhưng không yêu ảnh.

Động từ "yêu" bỗng gợi cho thằng Ốm một ý nghĩ ngộ nghĩnh. Nó lấy ảnh lại, bỏ túi rồi làm bộ nói:

- Kỷ tố, kỷ tố mà, mậu pha mà! 1

Thằng Ốm vừa đi vừa cười đắc chí. Nó thả xuống Kim-Sơn và gặp thi sĩ Đằng-Giao đang ngồi uống cà-phê trên vỉa hè.

- Rua, sao dạo nầy không có thơ?

- Tịt hứng.

Ốm mỉm cười bí mật và hỏi:

- Nếu có hứng thì ra thơ chớ?

- Chắc chắn như vậy.

Thi sĩ Đằng-Giao không xấu trai lắm. Nhưng anh ta cố ý để tóc dài, đầu bù, không cạo râu và mặc sơ-mi nát, cho đậm vẻ phong trần.

Và cố ý hay bản tánh tự nhiên không rõ, anh ta cứ lờ đờ, mơ màng cả ngày, không trông thấy mọi vật, mọi việc chung quanh.

Nhờ thế mà cà rà một lát là thằng Ốm bỏ khăn cho anh ta một cách dễ dàng.

Bẳng đi ba hôm, Ốm không thấy Đằng-Giao lui tới toà soạn. Thường thì mỗi ngày hắn tạt qua đó một lần, nói vài ba câu chuyện, đưa một bài thơ mới sáng tác, lấy tiền nhuận bút một bài dịch hỏa tiễn để có lúi mà ăn cơm

- ừ, thơ không bán được thì phải sống bằng hỏa tiễn và bom nguyên tử vậy -.

Thằng Ốm đang sốt ruột muốn biết kết quả trò đùa của nó, và phản ứng của một nhà thơ lơ lửng trên mây xanh, xem ra thế nào, thì bỗng thấy Đằng-Giao lù lù xuất hiện.

Hắn tơ lơ mơ hơn bao giờ cả, đầu bù hơn, áo nát hơn ngày thường. Hắn đi thất thểu như một cái hình nộm được tay phù thủy nào dán bùa lên cho, có xác mà không hồn.

Hắn đến trước mặt thằng Ốm, kéo ghế ngồi mà không nói gì cả.

- Có gì lạ? Ốm hỏi.

- Anh có tin chuyện huyền hoặc không?

Ốm giả vờ nghiêm trang đáp:

- Vài truyện Liêu-Trai có thể tin được lắm.

- Chuyện của tôi giống "Bích-Câu Kỳ-Ngộ" chớ không giống Liêu-Trai.

Ốm làm bộ mừng rỡ nói:

- Hay! Kể nghe thử xem.

Bằng-Giao móc từ túi sơ-mi ra bức ảnh của Băng-Trinh và nói:

- Sắc nước hương trời, anh ơi!

- Quả đẹp thật. Lại thân tặng nữa! Tặng anh, chớ gì?

- Ai biết đâu.

- Ảnh nầy ở đâu mà

ra?

- Cái mới bí mật. Tôi ngủ một đêm thức dậy thì thấy nó nằm trong túi sơ-mi, chiếc sơ-mi kia, cái dơ mà tôi mặc ngủ luôn để rồi sáng thay ra để giặt. Tôi xem lại túi coi có sót đồng bạc nào trong đó hay không thì bắt gặp giai nhơn.

- Y như là một bàn tay thần thánh nào để nó vào đó.

- Hình như thế.

- Rất có thể là trong một lúc mơ một vị hoàng tử đẹp trai, nàng đề tặng ảnh, không biết rõ là tặng ai, vì nàng chưa yêu ai cả, nên không có tên người được tặng rồi tung ảnh lên không trung.

- Rồi ngọn gió thần rước ảnh đi, phóng vào túi anh chớ gì.

- Nếu quả như vậy là duyên tiền định rồi, và tôi là kẻ lượm trái cầu, lúc nàng gieo cầu.

- Rất có thể là như vậy.

Đằng-Giao rầu lòng thở dài và than:

- Bây giờ biết nàng ở đâu mà tìm. Nếu không kiếm được tung tích nàng, tôi khô héo tâm can đi anh à!

- Để tôi điều tra xem. Các anh phóng viên là thổ công Sài-gòn thì thế nào họ cũng biết một mỹ nhân kiều diễm vào bực nầy.

Thằng Ốm đã dặn dò cả tòa soạn, nên nãy giờ anh nào có mặt, cố mà nín. Anh nào tức cười quá, cầm giữ không được thì chạy đi tìm chỗ trốn để cười.

Ốm chưng bức ảnh ra rồi hỏi Mập đang ngồi đối diện:

- Ai đây bồ?

- Trời, đẹp ghê hồn! A, cô Băng-Trinh mà!

- Băng-Trinh là ai chớ, ai lại không biết đây là ảnh cô Băng-Trinh vì chữ ký rõ ràng lắm.

- Băng-Trinh là nữ ca sĩ ở tửu lâu Thiên-Thai và phòng trà Cống-Quỳnh.

- Vậy à? Có chồng chưa, hay có bồ hay không?

- Đã bảo Băng-Trinh mà còn hỏi.

Thằng Ốm day lại thấy Đằng-Giao đổi buồn ra niềm hy vọng tràn trề nơi mặt. Hắn nói với thi sĩ:

- Được rồi, tối nay hẹn nhau tại vỉa hè Kim-Sơn, tôi đưa anh lên đó.

Bằng-Giao lo lắng nói:

- Độ rày cháy túi.

- Được mà, tôi bao cho, hề gì. Sao, hổm nay si tình có đẻ được bài nào hay không?

- Rất nhiều.

- Đưa xem.

- Không được, những bài thơ nầy phải nguyên trinh

Ốm cười ha hả:

- Nguyên trinh để tặng nàng Băng-Trinh? Hay lắm!

Thi sĩ Đằng-Giao có mặt ở Kim-Sơn hồi bảy giờ. Chàng uống đến hai tách cà-phê, một tách trà đường mà bóng thằng Ốm không thấy đâu cả.

Mãi đến chín giờ nó mới lơn tơn đến nơi. Đằng-Giao đứng dậy như có lò xo bật, đẩy ghế kêu một cái rột và chạy lại níu thằg Ốm, quên trả tiền giải khát.

Ốm cười nói:

- Chú ba nhìn anh trân trân kia, chú sợ anh chạy mất.

Đằng-Giao vừa móc tiền ra, vừa hỏi:

- Sao đến trễ dữ vậy?

- Tám giờ bốn mươi lăm mới có ca hát, tới sớm làm gì. Còn Băng-Trinh thì chín giờ hơn mới tới phiên nàng,

Thằng Ốm cắn môi lại vì đã lỡ lời. Nó đã làm bộ không biết Băng-Trinh, sao lại thạo thời

dụng biểu của nàng. Nhưng gã si tình không hề nhận thấy chỗ ấy, trở lại bàn trả tiền rồi hai gã lên lầu do cửa tửu lâu ở cạnh đó.

Đây là lần đầu tiên mà Ðằng-Giao vào một tửu lâu có ca nhạc. Chàng thất vọng mà thấy một đực rựa đang hát bài Méc-xi-cô.

- Bữa nay không có Băng-Trinh à?

- Có lẽ nàng chưa đến, anh nhìn vào chỗ tối kia, bên hông bục nhạc, tìm nàng thử xem.

Dựa lan can sân lộ thiên, thấp thoáng bóng hồng, bóng vàng, bóng xanh, bóng rằn ri.

- Ai cũng đẹp cả, nhưng không biết có Băng-Trinh trong đó hay không, tôi chóa mắt nhìn không ra.

- Hình như là không.

Đực rựa ca xong đi vô. Hoạt náo viên loan báo nữ ca sĩ Thu-Mai.

Khi cô nầy xuất hiện, Ốm hỏi:

- Có hấp dẫn bằng Băng-Trinh hay không?

- Không, từ khi được ảnh nàng, tôi thấy không còn ai đẹp cả.

- Sao khi nãy lại chóa mắt?

- Chỉ chóa vậy thôi.

- A, Băng-Trinh đây rồi, Ốm chỉ tay về phía quầy tiền mà nói thế.

Ðằng-Giao day lại rồi há miệng, trố mắt mà nhìn.

Băng-Trinh đã cao giò lại đi giày y ta lông, và tóc uốn nhô lên thành ra dáng đi của nàng oai phuông lẫm liệt khiến Đằng-Giao khiếp vía.

Nàng mỉm cười chào người khách quen ngồi dựa đường đi của nàng mà nàng chợt thấy rồi hất mặt bước thẳng ra sau bục nhạc có che nóc, vừng vách, giống hệt như một đám hát hình múa rối của Triều-Châu trên vỉa hè Chợ-lớn.

- Người có bằng ảnh không? Ốm hỏi.

Đằng-Giao day lại, buồn rầu như cũ mà rằng:

- Đẹp hơn trong ảnh nhiều lắm. Nhưng nàng sang trọng quá sức.

- Hề gì nà! Anh là thi sĩ có tài thì còn hơn những kẻ đẹp trai thập bội. Cứ yêu đi, rồi sẽ được lọt vào mắt xanh của nàng.

- Mắt nàng xanh thiệt đó chớ anh?

- Ừ các nàng ưa sơn xanh lắm.

Băng-Trinh mới tới là đã ra trước máy vi âm liền ngay sau Thu-Mai.

Nàng ca bài gì mà trong đó có câu hỏi: "Anh ơi, có yêu không?" Khi nàng kêu gọi: "Anh ơi!" thì bọn đợt sống mới dưới nầy đáp: "Ơi!".

- Có yêu không?

- Có!

- Yêu ghê lắm!

- Yêu muốn chết đi lận!

Đằng-Giao bậm môi nói:

- Trời ơi, sao lại như vậy được?

- Ca hát chớ có phải thật đâu mà anh ghen. Chính anh, cũng có thể nói yêu bao nhiêu tùy thích của anh kia mà.

- Ai mà nói như vậy giữa đám đông cho được, kỳ quá. Yêu thì phải âm thầm chớ.

- Hay, thì anh cứ âm thầm mà yêu. Nhưng rồi cũng phải làm sao cho nàng biết là có anh trên đời nầy chớ, nhứt là biết rằng anh tha thiết yêu nàng. Anh phải la hét, nếu anh không có hoa để tặng nàng, không có xe để đưa nàng chạy rạp.

- Kỳ quá!

- Thì âm thầm vậy. Để lát nữa tôi mời nàng lại đây rồi giới thiệu anh nhé?

Đằng-Giao hoảng hốt vội ngăn:

- Không, không, đừng làm như vậy. Nàng sẽ biết.

- Biết gi?

- Biết tôi yêu nàng.

Thằng Ốm bật cười, nó cười ngả nghiêng ngả ngửa một hơi mới nói được:

- Thì chính vì để cho nàng biết thế, tôi mới...

- Không, tôi không bằng lòng anh làm như vậy đâu. Tôi yêu nàng nhưng chỉ muốn tình cờ hai đứa gặp gỡ nhau thôi, rồi nàng cảm mến tôi.

Anh giới thiệu thì còn thơ mộng gì nữa. Vả tôi tóc tai như thế nầy, người sang trọng làm sao cảm mến được.

- Bậy nà! Cảm ghê chớ. Đó là cái rách nên thơ của văn nghệ sĩ mà!

- Nhưng lại không tình cờ như trong các câu chuyện tình thơ mộng. Giới thiệu, có cái gì nhân tạo trong đó.

Một bàn trai trẻ viết giấy gởi lên Băng-Trinh và nàng ca tặng bàn ấy hài hát "Tiễn em".

Đằng-Giao bắt chợt được trò chơi ấy, và hình như một sáng kiến vừa nẩy ra trong trí chàng, chàng đòi về ngay.

Thằng Ốm trả tiền cái công som của nó và chai nước cam của thi sĩ rồi rút lui với người thơ. Lúc xuống thang, Ðằng-Giao căn dặn:

- Tối mai, anh đưa tôi đến đây một lần nữa nhé.

- Rất sẵn lòng miễn là phải đẻ thơ.

- Sẽ có.

Thằng Ốm là một tay mê thơ, khuyến khích thi sĩ cho hắn làm việc thôi, chớ nó chẳng lợi lộc gì mà đòi hỏi thơ. Thơ dở gởi về nhà báo hằng trăm bài mỗi ngày, nếu cần đăng thì nó không thiếu thơ đâu.

Đêm sau, hai gã lại lên Thiên Thai và khi Băng-Trinh đang ca, Ðằng-Giao nhờ bồi bàn trao lên nàng một tấm giấy.

- Yêu cầu bài hát nào đó? Sao lai dạn ra vậy? Thằng Ốm hỏi.

Ðằng-Giao khó chịu lắm và không đáp.

Băng-Trinh ca xong, vào buồng, tức là ra bàn riêng của các ca sĩ vì ở đây không có buồng. Nàng nhận mảnh giấy ấy đọc rồi châu mày. Đó là một bài thơ, đề "tặng cô Băng-Trinh với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ".

Dưới bài thơ ký tên "Một thi sĩ vô danh" và yêu cầu mỹ nhơn ngâm lên trước máy vi âm.

Băng-Trinh đọc sơ qua bài thơ, không hiểu gì cả. Nàng lại không biết ngâm thơ nên đành phụ lòng ông khách ẩn danh vậy. Nàng vò mảnh giấy chép thơ lại, toan vứt bỏ vào sọt rát thì chợt thấy thằng Ốm.

Băng-Trinh mỉm cười hóm hỉnh, mở xắc ra hốt một nắm kẹo Tây mà một bạn trai đã tặng nàng khi nãy, lúc đưa nàng tới đây, dùng giấy chép thơ để gói kẹo, rồi xâm xâm đi lại bàn của bọn thằng Ốm và thi sĩ Đằng-Giao.

Thấy mỹ nhơn nhìn ngay vào bàn mình. Đằng-Giao hoảng sợ và khi chắc chắn là nàng quyết tới đây, chàng toan đứng lên để chạy trốn. Nhưng đã trễ quá rồi, nàng tiên đã xuất hiện trước mặt họ, huy hoàng màu sắc và chiếc áo cổ hở của nàng làm cho Ðằng-Giao rụng rời.

- A, anh Ốm!

- A, người đẹp nay lại thèm chiếu cố đến Ốm đấy à? Sung sướng thay!

- Có món quà tặng anh đây.

- Gì thế?

- Kẹo.

- Hoan hô! Tôi rất hảo ngọt.

- Nghĩa đen hay nghĩa trắng?

- Nghĩa rằn ri Bi-cát-xô như áo của ai đó.

- À, Băng-Trinh có gởi tặng anh bức ảnh. Anh Long nói đã trao lại anh rồi chớ?

- Quả có được ảnh, nhưng không biết người đẹp tặng ai. Ốm nầy có tên, có họ, có biệt hiệu, chớ nào phải...

Thì ra Long trao nợ, lại khai tên kẻ lãnh nợ.

- Thôi đi, không sợ chị Ốm sanh giặc à? Đích thị là tặng anh chớ còn tặng ai.

Ốm bật cười. Đó là một bức ảnh công cộng, bảo tặng ai cũng trôi cả. Sắp sửa trở về buồng, Băng-Trinh dặn nho nhỏ: "Cho vào trang tân nhạc anh nhé!"

- Té ra anh cũng nhận được một? Đằng-Giao hỏi.

- Tôi muốn giới thiệu anh, nhưng sợ anh giận nên thôi, thằng Ốm đánh trống lấp, sợ Ðằng-Giao hỏi về bức ảnh tặng mà lòi chành.

Nó cố nuôi ảo mộng của chàng thi sĩ cho chàng sanh hứng để làm thơ, nên cứ trình bày Băng-Trinh thật là trinh bạch cả xác lẫn hồn.

Đêm ấy Đằng-Giao không đòi về. Trái lại thằng Ốm nghe mỏi, muốn rút lui, mà thi nhân cứ nằng nặc xin ngồi nán lại.

Khi Băng-Trinh hết phiên, lấy xắc để chạy rạp thì Ðằng-Giao tuyệt vọng trông thấy. Chàng mong mỏi bài thơ của cbàng được ngâm, nhưng người đẹp đã chẳng thèm biết đến tác phẩm mà chàng thức trọn bốn đêm để sáng tác.

Khuya lại về nhà, nằm đọc sách, thằng Ốm buồn miệng, và sực nhớ lại gói kẹo mà Băng-Trinh đã hối lộ nó. Nó ngồi dậy vói qua ghế, thọc tay vào túi quần để móc gói kẹo ra. Kẹo Tây ngon ghê và mỗi lần kẹo mòn, bên trong rượu tràn ra lưỡi nó, nó thích lắm. Thành thử nó nhai chớ không ngậm nữa, gói kẹo vì thế mà hết sạch trong nháy mắt.

Nó toan vò giấy gói để ném đi xa, làm biếng dậy vứt vào sọt rác mà bỏ bậy gần giường thì sợ kiến bu, bỗng nó thoáng thấy tuồng chữ quen.

Mở giấy đọc thì té ra đó là bài thơ mà Ðằng-Giao đã chép để tặng giai nhơn. Thi sĩ đã gò tuồng chữ cho thật đẹp, có vẽ hình chung quanh bài thơ nữa.

Thằng Ốm ngẩn ngơ rất lâu, ngậm ngùi thương cho số phận của không biết bao nhiêu tác phẩm văn nghệ mà các văn nghệ sĩ dưới trần này sáng tạo chỉ vì "Nàng" và để tặng "Nàng" nhưng "Nàng" lại không biết thưởng thức, xem nó như rơm như rác.

Thằng Ốm đưa tay áo lên quẹt nước mắt rồi đọc bài thơ bạc số ấy mà nó tin chắc là hay lằm. Bài thơ nhan là:

Tặng thơ

Tại sao em cứ bảo

Anh làm thơ tặng em?

Và thơ phải đăng báo

Cho mọi người cùng xem?

Để làm gì em nhỉ?

Chuyện tình yêu ngây thơ

Thì đây, anh xin hứa

Ca tình yêu muôn đời.

Nhưng dấu trong tim nhỏ

Hẹn không thốt nên lời

Tình yêu là tiếng nói

Bí mật sau làn môi.

Sao em lại cứ thích

Mang chuyện chúng mình ra

Tặng nhau trên mặt báo

Cho người biết chuyện ta?

Dầu cho mai có chết,

Dầu cho mai cô đơn,

Xin em chớ có buồn,

Vì không hề mất hết.

Những bài thơ tình ái

Của chúng mình yêu nhau

Lòng anh đầy ăm ắp

Đọc đến nghìn năm sau.

Vậy xin em đừng bảo

Anh làm thơ tặng em

Và thơ phải đăng báo

Cho mọi người cùng xem. 2

Mặc dầu tác giả của bài thơ phản đối việc phổ biến tình yêu, thằng Ốm cũng cứ cho đăng báo thi phẩm nầy như thường. Nó bôi lời đề tặng và thêm biệt hiệu của tác giả vào.

Bức ảnh có vận động mà không được ra mắt độc giả còn bài thơ muốn giấu lại bị công bố lên.

Đằng-Giao, thấy bài thơ thương mến nhứt trong đời thi sĩ của chàng trên mặt báo, hớt hơ hớt hãi chạy đến hỏi:

- Anh lấy đâu ra bài thơ nầy?

- Có giận không? Ốm sợ hãi hỏi lại.

- Không, tụi nó ngỡ tôi bịa, không biết tình yêu thầm lặng của tôi đâu.

- Chính nàng đã cho tôi, và yêu cầu tôi đăng.

- Vậy hả! Trời! Nếu thế thì...

- Thì nàng đã cảm anh rồi đó.

Đằng-Giao ngước mắt nhìn trần, rưng lệ hạnh phúc.

- Trời! Nàng đã cảm tôi! Làm thế nào bây giờ?

- Thì phải ra mặt chớ còn làm thế nào nữa.

- Không. Anh nói giúp giùm cho tôi anh nhé?

- Tôi không thạo làm mai-dong. Vả lại chuyện yêu đương phải chính đương sự hành động mới được chớ không thể giúp.

Đằng-Giao đến tòa soạn mỗi ngày hai bận để nhỏ to năn nỉ thằng Ốm trao lời tỏ tình của chàng với Băng-Trinh.

- Tại sao anh không làm lấy?

- Tôi lo gặp phải trường hợp Trương-Chi thì chắc tôi phải nhảy xuống lầu tự tử mất.

- Nếu tôi nói giúp thì rồi rốt cuộc anh cũng phải ra mặt. Không lẽ anh nhờ tôi yêu giúp anh.

- Không cần ra mặt. Miễn nàng ừ một tiếng là đủ cho tôi lắm rồi. Tôi sẽ sung sướng suốt đời với mối tình suông ấy, mối tình mà trong đó, nàng không hề thấy mặt người yêu lần nào. Nàng sẽ mơ tôi như mơ vị hoàng tử đẹp trai.

Thằng Ốm nhứt quyết từ chối, nó biết rằng không thể được và Đằng-Giao chỉ nên sống với mộng ảo thôi. Còn như mà cần tỏ tình để bị từ chối thì chính thi sĩ sẽ phải chịu đựng tủi nhục ấy cho chàng bị xúc động nhiều hầu đẻ thêm một thi phẩm tuyệt tác, có thể nhan là "Hậu Trương-Chi".

Đằng-Giao tức lắm, ngỡ thằng Ốm xấu bụng, toan để dành người đẹp cho nó.

Một buổi trưa kia, nghe chị hàng xóm hát ru con:

"Quất ông Tơ kêu cái trót, ổng nhảy tót lên ngọn bần, biểu ổng xe mối chỉ ba bốn lần, ổng hổng chịu xe."

Chàng nổi nóng, dông tuốt ra Sài-gòn, quyết tìm thằng Ốm để nện cho nó vài đấm như anh chàng si tình trong bài hát đã bạo hành với lão Tơ Hồng.

Gặp thằng Ốm vừa bước ra khỏi tiệm cà-phê Hưng-Sơn, đường Gia-Long, chàng thộp ngực

anh ký giả gầy ấy và sừng sộ nói:

- Anh để dành cho anh à? Vậy tặng cho anh quả đấm thôi sơn nầy rồi chia xẻ với người yêu.

Thôi sơn chỉ là một lối nói bóng bẩy của con nhà thơ thôi, nên thằng Ốm đỡ được quả đấm ấy, hơn thế, bắt được tay thi sĩ. Nó nói:

- Đừng có nóng. Tối nay tôi đưa lên trên ấy thì biết.

- Biết gì?

- Biết thơ của anh được nhạc sĩ Trần-Ai phổ nhạc. Nàng hát hổm nay và được thiên hạ hoan nghinh cùng khắp các trà thất.

Đằng-Giao sung sướng quá, nguôi giận ngay và tối đêm ấy họ kéo nhau lên Thiên-Thai. Thằng Ốm kéo bạn lại ngồi ở một góc xa, giải khát rồi thở dài mà rằng:

- Anh tưởng tôi muốn giành nàng chắc? Tôi làm gì mà dám yêu ca sĩ.

- Sao vậy?

- Phải đẹp trai số dách, hoặc có rất nhiều tiền. Tôi thiếu cả hai điều kiện ấy.

- Còn tôi?

- Anh ấy à? Lát nữa sẽ biết.

Giây lát sau, hoạt náo viên giới thiệu: "Thưa quí vị, quí vị vừa thưởng thức bản nhạc ngoại quốc "Coquin d'; Amour" do ca sĩ Việt-Ấn Kanasitabura trình bày; xin mời quí vị thưởng thức nhạc phẩm mới nhứt, "Tặng thơ" do nhạc sĩ Trần-Ai phổ nhạc theo một bài thơ và nữ ca sĩ Băng-Trinh trình bày. Đây, nữ ca sĩ Băng-Trinh."

Thì ra, rốt cuộc thơ chàng vẫn được cái miệng nhiều duyên của Băng-Trinh ngâm

- ca hay ngâm đối với chàng cũng thế thôi. Ðằng-Giao rùng mình vì cảm xúc. Chàng cảm nghe như người ngọc tiếp nhận trực tiếp cảm nghĩ của chàng và lập lại vì hoàn toàn đồng ý.

Nhưng thằng Ốm nói:

- Anh có chú ý đến điều gì hay không? Họ rao tên nhạc sĩ, họ rao tên ca sĩ mà không hề nói đến thi sĩ lần nào.

- Ờ, phải rồi, tôi quên mất điều đó. Vậy thì...

- Vậy thì nếu có một sự cảm thông thì ca sĩ cảm thông với nhạc sĩ chớ không phải với thi sĩ. Nhưng chính anh là nguồn gợi hứng.

- Trời ơi! Nàng có cảm tôi hay không, tôi không còn dám tin nữa.

- Nàng cảm người viết nhạc, nhưng anh đừng lo. Nàng không yêu nhạc sĩ Trần-Ai đâu, mặc dầu hắn rất đẹp trai.

Ðằng-Giao mừng rỡ muốn hỏi: "Nghĩa là nàng vẫn cứ còn Băng-Trinh, chưa yêu ai cả phải không?" nhưng không dám hỏi, sợ phải nghe thằng Ốm đính chánh thì chàng sẽ đau biết bao nhiêu.

Đêm nay Băng-Trinh ca có một hiệp thôi rồi chạy rạp. Nói cho đúng ra, nàng về nhà. Nàng không cần ca hát cho lắm, chỉ lai rai cho có mặt để giữ tiếng thôi.

Một thanh niên rất sang lên tới nơi vừa đúng lúc để đón người đẹp mà Đằng-Giao mơ ước hai tháng nay.

Chàng rụng rời nghe cả tòa nhà lầu nầy như sụp đổ dưới chơn chàng, và cố giữ lắm không thôi đã gục mặt lên bàn mà khóc. Mồ hôi nhỏ giọt, chàng hổn hển hỏi thằng Ốm:

- Nhạc sĩ Trần-Ái đó phải không?

- Không. Cái đẹp trai của Trần-Ai và thơ hay của anh, không thể ăn được, mà nàng cần sống. Đó là một nhà xuất nhập cảng.

- Trời ơi! Sống! Nhưng nàng có công ăn việc làm.

- Sống nào phải ăn cơm không mà thôi đâu. Đời bây giờ, món gì cũng mắc tiền. Tủ lạnh mắc tiền, nhà lầu còn mắc hơn, và cố nhiên tình yêu cũng phải mắc.

- Trời ơi!

- Có lẽ nàng yêu Trần-Ai, yêu trong tinh thần thôi nhưng mà nàng phải sống với nhà nhập cảng.

- Còn tôi?

- Anh? Anh sẽ vĩ đại vì số phận hẩm hiu của anh. Ba trăm năm sau, sẽ có những thiếu nữ học trò đọc thơ anh rồi rơi lệ thầm. Và các cô ấy lại yêu những cậu đẹp trai số dách hay nhiều tiền số dách.

Số phận của thi nhơn là yêu giùm cho người khác. Họ không biết yêu mà chỉ biết vật chất

thôi. Thi nhơn thiếu vật chất thì cố mà yêu giùm họ vậy.

Ðằng-Giao mặt hầm hầm muốn tống vào ngực thằng Ốm một thoi vì chính nó đã gây sự cho chàng phải đau khổ và bây giờ nó lại trắng trợn trình bày phận hẩm của chàng.

Trên bục nhạc, hoạt náo viên lại giới thiệu: "Đấy, nữ ca sĩ Lan-Thiên!"

Thình lình Ðằng-Giao hỏi:

- Cái cô Lan-Thiên nầy, cô ấy có băng trinh như nàng thơ của tôi hay không?

Rồi chàng cười dài, khiến thằng Ốm nghe ghê rợn cả người. Nó trả tiền rồi kéo Ðằng-Giao xuống lầu, vừa đi nó vừa an ủi:

- Thôi anh à, mỗi người một việc, mỗi kẻ một lạc thú. Họ hưởng con gái, còn anh, anh yêu mê man một người đẹp vô hình, và nhờ không bao giờ được, nên anh yêu cho tới bạc đầu, anh sẽ trẻ mãi trong khi lũ nó chán nản và già xụm đi.

Ai hơn ai thua?

Thằng Ốm nói đúng, nhưng ngẫm ra thật mỉa mai, khiến Ðằng-Giao tức giận hết sức. Nhà thơ thất tình giương oai nện lên lưng nó một cái như trời giáng rồi nói:

- Thót lên ngọn bần cho rảnh mắt tao!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx