sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

01. Lại nói về “những thứ dưới nước” - Phần 02

Lưu vực hai bên bờ những dòng sông lớn thường có nhiều oan hồn chưa siêu thoát vẫn đi đi về về dụ dỗ những người qua lại ngã xuống nước, đắm thuyền mà chết, oan hồn người chết lại tiếp tục quẩn quanh dụ dỗ, hãm hại những người qua sông khác, tạo thành cái vòng luẩn quẩn đầy oan nghiệt.

Cũng vẫn tác phẩm ấy, trong cuốn bốn có đoạn ghi:

Phàm là những người chết do hổ vồ, hay ngã nước thì linh hồn đều rất khó siêu thoát, họ thường vật vờ quanh quẩn tìm người thế mạng cho mình.

Sau này, hai chữ “giang trành” không còn được người đời sau sử dụng, thay vào đó họ nhắc nhiều đến những chữ “oan hồn chết đuối”. Điều này đại khái là chỉ những kẻ chết đuối nếu không tìm được người thế mạng thì sẽ không đầu thai thành người được. Trên thực tế, những oan hồn cần tìm người thế mạng không chỉ có ở quanh ao, hồ, sông nước mà ngay cả oan hồn chết đuối dưới giếng cũng cần tìm người thế thân. Trong Tiền thị tư chí của Tiền Thế Chiêu thời Nam Tống có đoạn viết:

Vào thời Thiệu Hưng, Ngô Sơn Hạ có một cái giếng lớn, mỗi năm đều có nhiều người rơi xuống giếng chết đuối. Thái úy Đổng Đức đã cùng nhân dân hào phóng quyên góp tiền của xây cất giếng, có thể dùng thùng lấy nước, giúp hạn chế nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, có người trước khi chết còn nghe thấy từ trong giếng vọng ra tiếng nói: “Các người luôn sợ hãi trước cái chết, chúng ta có khả năng cướp đi sinh mạng của các người bất cứ lúc nào.”

Câu nói cuối cùng đó thực chất chỉ là thủ pháp “vẽ rồng thêm mắt” của người viết, rất có thể là ảnh hưởng từ truyện Tiếu lâm hoặc trích từ Phật môn. Còn đối với câu chuyện về oan hồn chết đuối, trong những cuốn tiểu thuyết từ thời Tống đã nhiều lần đề cập đến, tác dụng giáo dục mà những câu chuyện đó mang lại chính là khuyên mọi người đặc biệt lưu ý khi qua lại những khu vực ven sông, nơi đã từng có người bị chết đuối, không những không nên lội nước mà tốt nhất là tránh xa khu vực đó một khoảng cách an toàn. Bài học có ý nghĩa cảnh báo đặc biệt với những ai sống trong khu vực nhiều sông, hồ, kênh, rạch.

Một khi những hồn ma đã tìm được người thế thân, họ sẽ ra sức tìm cách lôi kéo, dụ dỗ, hoặc sử dụng những trò lừa gạt, bịp bợm, hoặc dùng chính nhan sắc để mê hoặc. Người viết cố ý nhấn mạnh và đưa ra lời cảnh báo tới những gia đình sinh sống ở ven sông, vì trên thực tế, phần lớn những hồn ma chết đuối đều có liên quan tới những vụ án trên sông nước, cho nên những linh hồn ấy nếu chưa được siêu thoát chẳng khác gì lũ thổ phỉ chuyên gieo tội ác, hãm hại người vô tội. Trong Di kiên giáp chí, cuốn bốn Tưởng Bảo vong mẫu của Hồng Mại thời Nam Tống có đoạn kể lại một cách súc tích, khúc triết và đầy sống động về vấn đề này:

Phác Tưởng Bảo một mình một ngựa rong ruổi về quê, đang chìm đắm trong cảnh sắc thôn dã giữa đêm khuya tĩnh mịch, bỗng từ phía sau đi tới một giai nhân khoác trên mình bộ xiêm y trắng toát, cùng song hành đi tới bến nước trước mặt. Giai nhân mời mọc chàng cùng tắm tiên, nàng cầm vạt áo nhẹ nhàng cởi ra, rồi từ từ ngâm mình xuống nước. Bất chợt vang lên một tiếng gọi mơ hồ, ban đầu chỉ là những âm thanh vọng lại từ xa nghe không rõ, sau rõ dần, nghe ai oán như lời khóc mẹ. Trong lời than khóc có hàm ý răn đe: “Đồng hành giả phi hảo nhân, thiết bất khả dữ dục.”[11] Lời nói vừa dứt, Phác Tưởng Bảo vội vã lội vào bờ, phi ngựa chạy thẳng đến nhà dân gần đó. Khi trấn tĩnh ngoái đầu nhìn lại chỉ còn thấy chiếc áo trắng phất phơ, mập mờ rồi biến mất.

[11] Có nghĩa là: Người đi cùng không phải người tốt, tuyệt đối không nên tắm chung.

Câu chuyện nhằm đưa ra bài học đề cao cảnh giác, ý nghĩa của bài học này không chỉ có tác dụng đối với nhân dân sống ở những vùng sông nước, mà suy rộng ra ở những nơi như tụ điểm cờ bạc, lầu xanh cũng có hiện tượng “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” dưới nhiều dạng thức khác nhau. Như vậy có thể nói, tác dụng giáo dục của những câu chuyện ma quỷ là thiên biến vạn hóa, có thể áp dụng vào nhiều trường hợp khác nhau trong cuộc sống, tuy chưa thật đầy đủ nhưng cũng có thể bổ sung một cách phong phú và cụ thể hơn cho tư tưởng “thần giáo” theo quan niệm của dân gian.

Trong Tử bất ngữ của Viên Mai, cuốn ba, Thủy tiên điện có đoạn viết: Một chàng thư sinh, trên đường vào kinh hưởng bổng lộc vua ban, tình cờ gặp một người áo đen, người này đã dùng hết lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ chàng theo nàng ta xuống “điện Thủy tiên” dạo chơi vãn cảnh. Khi cánh cửa sơn son thiếp vàng mở ra, từ phía tây hồ nổi lên một cung điện uy nghi lộng lẫy, bên trong xuất hiện vô số các cung nữ với xiêm y lộng lẫy đang say sưa trong lời ca điệu múa. Người áo đen chỉ tay và nói: “Kia là chốn bồng lai tiên cảnh, chàng hãy cùng ta ở lại đây ngắm nhìn các mỹ nữ, thưởng nhạc họa thơ, cuộc sống như vậy chẳng phải vui vẻ lắm sao?” Câu chuyện này còn ngụ ý một lời khuyên sâu sắc gửi tới các bạn thanh niên trẻ tuổi không nên ham mê quá đà vào những trò ăn chơi nơi vũ trường, quán xá. Với ý nghĩa đó, câu chuyện đã vượt qua cả giới hạn bó hẹp của phạm vi “kể chuyện ma quỷ” mà vươn ra tầm xã hội, mang đến những bài học giáo dục thiết thực nhất. Những câu chuyện ma quỷ được ghi chép lại trong Hữu đài tiên quán bút ký có sử dụng rất nhiều yếu tố huyền ảo nhằm huyễn hoặc con người, chẳng khác nào dùng một tấm màn che nhiều màu sắc che khuất tầm nhìn của người khác, khiến họ không thể thấy được lối đi mà chỉ còn cách men theo những thanh vịn lan can chới với để qua cầu.

Từ những hành vi ma quỷ đó, có thể thấy đây đều là những âm mưu xấu xa nhằm hãm hại người khác để chuộc lợi về mình, vì thế cả “giang trành” và “ hổ trành”[12] đều chẳng kém gì lũ lừa gạt, đê hèn, bỉ ối, xấu xa... chúng đôi khi còn giống nhau ở ngay thủ đoạn và hành vi hại người. Như trong Tùng song mộng ngữ của Trương Hãn đã ghi lại trường hợp hai thư sinh bị chết đuối trên sông. Để mình có thể được đầu thai luân hồi vào kiếp khác, họ đành phải hóa thành hai kiều nữ chốn “thanh y” hòng dụ dỗ những chàng thư sinh tuấn tú đồng môn của mình. Cho nên, điều bị coi là “ích kỷ” ở đây thực chất lại là những mong muốn chính đáng, không có sự lựa chọn nào khác buộc họ phải sử dụng những thủ đoạn tàn ác đẫm máu, đó chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ của những hồn ma khát khao được luân hồi chuyển kiếp mà không còn cách nào. Thành thử suốt khoảng thời gian mấy chục năm trở về trước, một loạt những quy định nghiêm ngặt về “bạch phân chi ngũ” hóa ra đều là mong tìm được người thế mạng. Tuy nhiên, trong thời điểm đó cũng xuất hiện những hồn ma cao thượng, chịu chấp nhận số kiếp lưu đày khổ ải mà không cần thế thân. Câu chuyện của Vương Lục Lang trong Liêu trai chí dị chắc hẳn đã quá quen thuộc với mọi người, vì thương tình Vương Lục Lang mà Thiên đế đã ban cái chết cho một cô gái làm oan hồn thế thân cho chàng ta, nhưng thật không ngờ sau bao ngày tháng trông mong có được một vận may để đầu thai, siêu thoát, vậy mà đến lúc cần đưa ra quyết định, anh ta lại lựa chọn chấp nhận mãi mãi làm oan hồn lênh đênh chìm nổi trên mặt nước mà nhường lại cơ hội sống sót cho người con gái vô tội kia. (Câu chuyện này về sau còn được dùng để nói tới quan điểm về sự báo ứng ở đời, nhưng khi đưa vào “cảm ứng thiên bàng chứng” lại dùng để nói tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống). Một ví dụ khác trong Hữu đài tiên quán bút ký, cuốn sáu, có kể lại câu chuyện về một người chẳng may sa chân xuống nước mà chết đuối, mặc dù không giống hành động của Vương Lục Lang, nhưng nhân cách của anh ta cũng được xem là cao thượng, vì bắt đầu từ giây phút anh ta lìa khỏi thế gian và chìm dưới đáy nước, anh ta cũng không hề có ý định hại người hòng thế mạng cho mình, cho nên những hồn ma chết đuối ấy tất nhiên cũng được nhân dân coi thờ như những vị thần tốt bụng luôn bảo vệ cuộc sống của con người.

[12] Trong dân gian kể rằng hổ ăn thịt người, hồn người không biết đi đâu, lại theo con hổ, để đưa hổ về ăn thịt người khác, vì thế những kẻ giúp kẻ ác làm điều ác đều gọi là “trành”.

Đối với những hồn ma tìm cách hãm hại người vô tội để thế mạng một cách vô lý, Viên Mai, nhà thơ nổi tiếng đời Thanh cũng đưa ra nghi ngờ, trong Viết tiếp tử bất ngữ, cuốn ba, Đả phá quỷ lệ có đoạn viết:

Đêm khuya thanh vắng, chàng thư sinh họ Lý đang say sưa đọc sách bên dòng suối cạnh nhà, bỗng từ xa vẳng lại một giọng nói đầy ma mị: “Ngày mai sẽ có người qua sông, và thế thân cho ta.” Ngày hôm sau, quả nhiên có người qua sông, chàng thư sinh họ Lý bèn tìm cách ngăn anh ta lại.

Đêm về, hồn ma hôm trước tìm đến trách mắng: “Nhà ngươi cớ sao lại ngăn cản việc ta tìm người thế thân?” Chàng thư sinh họ Lý đáp: “Vạn vật đều có quy luật luân hồi, tại sao ngươi không chờ đợi đến kiếp luân hồi mà nhất nhất phải tìm người thế thân cho mình?” Hồn ma đáp lại: “Lệ thường dưới âm phủ trước nay đều như thế, ta cũng không thể làm khác. Ta đâu có được may mắn như người sống giữa chốn trần gian, đi học thì được cấp lương, được làm quan, chức quan còn trống tất nhiên sẽ có người được bổ khuyết, ngươi nghĩ xem như vậy chẳng phải là quá may mắn hay sao?” Chàng thư sinh họ Lý đáp: “Nói như ngươi thì quả là nhầm lẫn quá rồi! Học trò đi học được nhà vua cấp lương thảo, quan lại được hưởng bổng lộc vua ban, người dân trong thôn cùng xóm vắng ai nấy đều có phần, vậy thì chẳng thể nói là lãng phí, tất cả đều có định mức được quy định rõ ràng, không thể là việc làm tùy tiện, bất đắc, bất nhiên được. Hơn nữa cuộc sống giữa trần gian và địa phủ, giữa âm và dương vốn khác xa vời vợi, tự sinh tự diệt, mình làm mình hưởng, vì thế tạo hóa chỉ có công quản lý của cải và phân chia công bằng cho tất cả mọi người mà thôi.” Hồn ma lại hỏi: “Vậy với kẻ quân vương, hai chữ thịnh suy, thế ngôi thì giải thích làm sao?” Lý đáp: “Nhà ngươi còn hỏi tới chuyện thế ngôi sao? Các vương triều thay thế nhau là điều tất yếu của lịch sử, việc nhà ngươi đến để kéo ta làm người thế thân, lại còn hỏi ta về việc luân vương, thật chẳng khác nào mắng người trước mặt.” Hồn ma cười lớn, nhảy múa mà đi, từ đó không thấy quay lại nữa.

Viên Tử nói tới ma quỷ mà không tin ma quỷ, trong những câu chuyện cổ dân gian vẫn thường thấy có những cách hỏi vặn như vậy, qua đó hàm ẩn rất nhiều những kiến giải đặc sắc về cuộc sống, con người, về nhân tình thế thái. Ông đưa ra một ví dụ về chuyện ma quỷ ở thế giới địa phủ, nhưng từ chuyện cõi âm mà người ta có thể dễ dàng hình dung, liên tưởng tới cõi dương, đây là dụng ý lấy âm chỉ dương của người viết. Mục đích của câu chuyện không phải là chuyển luân vương mà là chính chúng ta, những con người đang sống trong thế giới hiện tại.

Nhưng tại sao chúng ta lại không có cơ sở khoa học lý giải điều này mà phải mượn cớ hồn ma đáng thương tự tìm đến phiền phức trong câu chuyện trên để gửi gắm suy nghĩ của mình? Quả thực, ngay cả những gợi dẫn từ trong câu chuyện dân gian, Viên Tử cũng mới chỉ đưa ra những gợi ý cho những nghiên cứu sau này. Khiêm nhường đưa ra cách lý giải xuất phát từ căn nguyên của câu chuyện này để gửi thông điệp cảnh báo tới mọi người nên tránh xa những mép nước nguy hiểm. Ngoài ra, thông qua câu chuyện này, người viết còn muốn đưa ra lời cảnh báo thứ hai, lời cảnh báo dành cho những ai có ý định nhảy sông tự tử, đừng coi thường mạng sống của mình, nói một cách khác chính là ông lên tiếng phản đối những suy nghĩ tiêu cực muốn tìm đến cái chết hòng trốn tránh cuộc đời. Tất nhiên, với những hồn ma tự vẫn như vậy ít nhiều có liên quan đến nguyên nhân do cuộc đời đưa đẩy.

Quả thực, những tài liệu nghiên cứu hiện có đã có thể phản ánh phần nào một cách chân thực hoàn cảnh lịch sử của thời đại. Những câu chuyện về “nịch quỷ cầu đại”[13] xuất hiện muộn nhất vào cuối đời Đường. Nếu so sánh với những câu chuyện về “ải quỷ cầu đại”[14] xuất hiện vào thời Nam Tống thì là xuất hiện sớm hơn mấy trăm năm. Từ những ảnh hưởng khách quan, có thể thấy, so với “ải quỷ”, “nịch quỷ” có tác động xấu, phá hoại và làm ô nhiễm môi trường sinh thái của chúng ta, vì thế đối với “nịch quỷ”, mọi người thường có thái độ phản cảm. Nói một cách mang tính chất thăm dò thì mặc dù trong lịch sử có nhiều người chết vì treo cổ hơn những người chết vì chết đuối, nhưng có vẻ như càng về sau này số vụ chết đuối ngày càng tăng. Vấn đề đặt ra là có nên nâng cao trình độ “thuyết phục” một bộ phận những người có suy nghĩ coi thường mạng sống muốn nhảy sông tự vẫn chuyển sang treo cổ tự vẫn? Về vấn đề này thật khó có thể đưa ra những con số thống kê chính xác, chúng tôi cũng chỉ xin dừng lại ở một vài suy nghĩ mang tính chủ quan như vậy.

[13] Hồn ma chết đuối tìm người thế thân.

[14] Hồn ma treo cổ tìm người thế thân.

Nói đi nói lại, dù sao đã dám cả gan đề cập đến những vấn đề này thì cần phải có thái độ dứt khoát, hoặc là làm hoặc là không. Một khi đã nhắc đến hồn ma chết đuối thì phải nói thêm về những linh hồn vì treo cổ tự tử mà chết. Trên đây đã nhắc tới “ải quỷ cầu đại”, thì cũng nên nói rõ hơn về chủ đề này.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx