sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

07. Cừu nhị quỷ - Phần 04

4

Thi cử đối với những người trí thức chính là “long môn”, vượt qua được thì thân phận sẽ trở nên cao quý gấp bội lần, còn ở mức độ nhất định nào đó thì chế độ thi cử thực sự đem lại cho sĩ tử nghèo một cơ hội tốt để đổi đời. Chuyện những thư sinh nghèo sau khi đỗ đạt làm quan vô tình bạc nghĩa làm cho người khác rất chú ý. Đến trường thi xuất hiện ma báo thù, đại đa số hồn ma báo thù đều vì sự vô tình bạc nghĩa giữa vợ chồng, người yêu, bạn bè với nhau. Vào trường thi, bạn bè thân thích của thí sinh kỳ vọng anh ta bao nhiêu thì kẻ thù và oan gia của anh ta nguyền rủa sâu nặng bấy nhiêu. Lấy chuyện của người để đoán chuyện ma, giờ đây, tự nhiên hồn ma và thí sinh có liên quan đến chuyện ân oán và hận thù, tình tiết này thực sự cũng vô cùng hấp dẫn. Trường thi lúc này lại là nơi lý tưởng cho việc trả thù hay báo ân, báo oán.

Nhưng việc báo ân, báo oán của ma cũng có giới hạn, nó không được vượt quá phạm vi cho phép xảy ra sự cố trên trường thi. Dựa theo nguyên tắc này mà có mấy cách báo thù dưới đây. Cách thứ nhất, “trục trường”, nghĩa là tìm cách khiến cho thí sinh không thể làm bài một cách bình thường rồi bị đuổi giữa chừng. Có lẽ đây là hình thức trừng phạt nhẹ nhàng nhất. Trong đó, để thực hiện có một cách gọn nhẹ nhất thì oan hồn ma quỷ bất giác hiện hình trong lúc thi, khiến cho thí sinh chột dạ, sợ sệt mà tự hiểu rằng, nếu càng gắng gượng thì sẽ càng làm cho sự việc trở nên to tát, biết điều thì hãy tự mình rời khỏi trường thi. Thí sinh kín đáo trốn chạy như vậy mục đích để có thể tránh khỏi hình phạt nghiêm khắc hơn. Mà mục đích của oan hồn cũng chỉ mong cho kẻ thù không thành tài nên nếu mục đích đạt được rồi thì dễ dàng bỏ qua. Đó cũng là một cách trừng phạt khoan hồng, độ lượng nhất rồi.

Có trường hợp khác lại có chút dứt khoát hơn. Chưa gặp ma đã tính nước chuồn. Dực quynh bại biên của Thang Dụng Trung, quyển một, Khoa trường ẩn sự[153] có ghi chép lại nhiều điều lạ lùng xảy đến trong trường thi: Khoa Canh Thân, thí sinh nọ ở Tô Châu vào phòng thi, quân hào hỏi anh ta họ gì, liền đáp họ Trương, quân hào vui mừng nói: “Tôi đoán chắc khoa thi năm nay ông nhất định sẽ đỗ đạt. Tối qua tôi nằm mơ thấy một người con gái cũng ngồi ở phòng này, tay cầm một cành hoa quế, tôi hỏi vì sao thì cô ta nói, đợi người đàn ông họ Trương đến. Nay ông mang họ Trương, lại ngồi đúng vào chỗ đó, nhất định sẽ đỗ điểm cao.” Trương mỗ nghe xong, vẻ mặt vô cùng hoảng hốt, sợ hãi chạy ra khỏi phòng thi.

Có trường hợp oan hồn cho thí sinh vào phòng thấp, sau đó nhập vào, tự nói địa chỉ nhà và kể chuyện xấu xa của chính bản thân họ để bôi nhọ thanh danh và làm mất danh tiếng. Bắc đông viên bút lục sơ biên, cuốn ba ghi chép chuyện xảy ra ở trường thi Giang Nam năm Bính Ngọ Càn Long[154]: “Khi vừa phát đề thi xong, một sĩ tử liền không ngớt cất cao giọng hát, rồi bỗng nhiên dán đề thi thứ nhất lên bảng: “Hồn phách phiêu bạt đã bao năm rồi, hôm nay gặp nhau trước cửa phòng thi. Lúc đầu còn cho rằng đó là lương duyên, nhưng sau sao anh lỡ ra tay làm mất hết công danh của tôi?” Hát xong để đề thi ở đó rồi lảo đảo đi ra ngoài. Cùng sách Tục biên[155], quyển năm ghi chép câu chuyện về cuộc thi Hương năm đó: Có một sĩ tử bỗng nhiên dang tay như ôm đàn tì bà, cất lên bài hát dân ca Mãn giang công[156], vừa hát vừa trêu ghẹo xung quanh. Hát xong bỗng nhiên khóc nức nở và than vãn những chuyện buồn khổ của chính mình. Cuối cùng lấy giấy thi lau nước mắt, ngủ say mê mệt, sáng sớm hôm sau đi ra với bộ dạng thật thảm hại.

Một cách nữa là làm bẩn bài thi. Thí sinh làm bẩn, rách hoặc mất bài thi, khiến cho anh ta mất công làm bài mà chẳng có kết quả gì, đây cũng là một hình thức trừng phạt rất khoan hồng. Độn trai ngẫu bút[157] của Từ Côn viết về việc mà chính bản thân tác giả đã trải qua: “Thời Khang Hy, năm Tân Mão, ở trường thi Giang Nam có một thí sinh làm xong bài thi, sau đó anh ta đi vệ sinh, khi vào không thấy bài thi của mình đâu nữa. Một lát sau, ở công đường có truyền dụ nói: “Đường Tự Hào bị mất bài thi, nay bài thi lại từ trên trời rơi xuống phía tây của trường thi, nhưng đã bị rách làm hai rồi.” Thí sinh này yêu cầu thay giấy thi để làm lại, nhưng một vị giám khảo đã từ chối anh ta, và nói: “Trong chuyện này ắt có quỷ thần, có thay bài thi cũng không có tác dụng gì đâu.”

[153] Nghĩa là: sự việc bí ẩn trong trường thi.

[154] Năm Bính Ngọ Càn Long tức năm 1786.

[155] Nghĩa là: biên soạn tiếp.

[156] Nghĩa là: giang sơn màu đỏ.

[157] Nghĩa là: viết về việc từ chối ăn chay.

Cuốn thứ hai trong Dạ đàm tùy lục của Nhàn Trai Thị có viết về một kỳ thi Hương: “Có một vị tú tài say sưa làm văn, làm đến giữa đêm tự nhiên gặp một người vén rèm cửa đi vào. Người này mặc quan phục thời cổ, mặt mũi rất kỳ dị. Tú tài chợt giật mình, ngây người ra, người đó liền chìa tay ra và nói: “Ta là thần minh hiển linh. Tổ tông của nhà ngươi có tích âm đức, vì thế môn thi này nhà ngươi nhất định sẽ đỗ với thành tích cao, ngươi hãy viết một chữ vào lòng bàn tay ta, khi điền vào bảng (danh sách niêm yết) sẽ lấy chữ này để kiểm chứng.” Vị tú tài này vô cùng mừng rỡ, liền cầm bút, mài mực đen đậm rồi vẽ lên tay người đó một chữ “khôi” rất to. Vừa viết xong đã không nhìn thấy bàn tay đó đâu nữa, cũng không thấy bóng dáng của vị thần minh kia đâu, mà chỉ thấy một chữ “khôi” ở trên bài thi của mình, màu vừa đen vừa đậm, thấm đẫm cả trang giấy. Và tất nhiên, vị đó không phải thần minh gì cả, chỉ là oan hồn giả mạo mà thôi.”

Một cách kỳ lạ khác đó là hiện tượng thí sinh bỗng nhiên phát điên. Oan hồn hiện hình hoặc nhập vào người làm cho các thí sinh đang thi thì phát điên, phát cuồng, những chuyện như thế này ở trong trường thi cũng không ít. Cuốn thứ năm trong Bắc Đông Viên bút ký sơ biên viết thời Càn Long, năm Kỷ Hợi, trong kỳ thi Hương chỉ có một trường thi mà có đến ba người bị điên.

Người thứ nhất sau khi bước vào trường thi, phát đề thi xong, tự nhiên phát điên chạy vào trong thành, gặp người liền đọ sức quyết liệt. Một người khác sau khi nhận giấy làm bài, bước vào phòng thi, đột nhiên nổi cơn điên mà kêu rằng: “Tôi chỉ có thể viết tờ trình lên, có người muốn hãm hại, ép tôi làm điều gian dối!” Còn một người khác, bỗng dưng nổi cơn điên loạn, hét ầm ĩ: “Tìm kiếm anh đã năm năm, hôm nay gặp được, anh không được đi nơi nào khác.” Liền sau đó anh ta chạy ra ngoài, tự tìm đến cái chết mà không ai có thể ngăn cản được.

Sự khắc nghiệt nhất của việc trả thù chính là lấy mạng đền mạng. Ma báo thù sẽ lấy mạng người ở trường thi và cái oán độc này chắc chắn sẽ rất sâu nặng. Nhưng những kiểu lấy mạng ở trường thi thường núp dưới những hình thức như thí sinh tự sát hoặc bạo bệnh mà chết. Theo thống kê các con số được ghi chép lại, việc người tự sát tại trường thi nhiều hơn việc treo cổ tự vẫn, tuy có người nói rằng đó là bị oan quỷ hại chết sau đó giả dạng dưới hình thức tự thắt cổ chết, nhưng cái này chưa đủ cơ sở để thuyết phục người khác. Mà trong truyền thuyết viết về oan quỷ chính là “ải quỷ” cũng có rất nhiều, ví như Dư mạc ngẫu đàm tiết lục của Tôn Đàn có viết về một cuộc thi vào mùa thu ở Hồ Nam, sau khi các sĩ tử vào trường thi, nửa đêm bỗng từ đâu đó vang lên bài thơ tuyệt cú. Mà điều lạ lùng là những câu thơ lại từ miệng của một cô gái đọc lên, và câu thơ cuối cùng: “Kim dạ nguyệt minh nhân tĩnh hậu, thanh linh nhất bức kết tàn sinh.”[158] Quả nhiên là oan hồn của “ải quỷ” hiển linh. Ngoài ra, các thí sinh khi vào phòng thi thường mang theo con dao nhỏ, vì thế việc tự kết liễu đời mình cũng là điều dễ dàng thực hiện được. Trong cuốn Bàng biếm hiên trực ngôn của Tiền Thuật có viết: Vào năm Đinh Mậu, kỳ thi Hương ở Nam Kinh có đến hơn bốn mươi người chết, trong đó có ba trường hợp có thể nói là rất kỳ lạ, được ghi lại dưới đây:

[158] Nghĩa là: đêm nay trăng sáng, sau khi người tĩnh tâm lại, đã kết thúc cuộc sống tàn khốc này bằng một đoạn vải màu xanh.

Có một thí sinh ở Dương Châu, vào đêm mồng Tám, khi tất cả mọi người đang tập trung ở bên ngoài thì chỉ có một mình anh ta đi vào phòng ngủ. Đêm đã về khuya, mọi người nghe thấy trong phòng phát ra tiếng động lạ và nhìn thấy thí sinh này vén rèm cửa chạy ra ngoài, tay mang theo chiếc bát vỡ, rồi dùng các mảnh sành để rạch bụng, máu chảy thành suối, tay anh ta nắm lấy ngũ tạng của mình và gục xuống, nghiêm giọng nói: “Không tin, nhìn tim tôi!”, nói xong anh ta ngã xuống đất và chết.

Cái chết tuy rất thảm hại nhưng theo lão nô đi với thí sinh này nói, người huynh đệ của anh ta chết sớm, để lại cô nhi quả phụ, người này vì muốn chiếm tài sản nên đã ép chết em dâu mình, giết chết đứa cháu tội nghiệp, vì vậy có tội thì phải chịu tội.

Những kiểu bị oan hồn lấy mạng, ngoài những người vong ân bội nghĩa còn có một lượng lớn những người làm việc ác như cưỡng bức, cho vay nặng lãi, chiễm lĩnh tài sản, ruộng vườn của người khác, buôn bán thuốc phiện... Lương Cung Thần vào năm Canh Thân tham gia ứng thi. Số là bên cạnh có người thắt cổ chết trong nhà vệ sinh, trước khi chết đã tự viết vào bài thi của mình: “Dao bút giết người có ba, đồng tính luyến ái là một, mời đại nhân thực thi chính pháp.” Thật là một người chết không đủ để che đậy tội lỗi, mà trời bắt chết, thì rõ ràng mặt mũi phải úp xuống đất!

Oan hồn đòi mạng quả nhiên là giả, nhưng điều tra về cái chết của những người này lại tìm ra được rất nhiều chuyện xấu xa, đó là những thu hoạch ngoài ý muốn. Từ đó chúng ta có thể thấy, các lão gia lợi dụng chức vụ của mình ở địa phương để làm những việc thất đức. Vì thế, cách nói về oán quỷ trong trường thi cũng không phải là không có ý nghĩa.

Đương nhiên, người chết ở trong trường thi không phải ai ai cũng là kẻ ác. Trước khi bước vào phòng thi, thí sinh phải chuẩn bị kỹ tâm lý, chỉ hy vọng gặp được đề thi mà mình đã cố công chuẩn bị kỹ càng. Đến khi phát đề thi thì tất cả đều ngỡ ngàng, thất vọng, bao nhiêu hy vọng, chờ đợi từ ba năm nay bây giờ đã trở thành con số không, cơ hội tiếp theo phải khổ sở, chờ đợi thêm ba năm nữa. Như Lưu Thanh Viên từng nói: “Vào lúc đó, gặp nhiều đề thi không được như ý thì tự nhủ với lòng mình, năm nay chắc sẽ không đỗ, có trăm cái cần phải suy nghĩ, hoặc là lo có thù không thể trả, hoặc đói rét, hoặc bị người thân, bạn bè cười chê, hoặc bị chủ nợ đòi, hoặc bị người khác bắt nạt... Có bao nhiêu cái cần phải lo lắng, suy nghĩ, cách nghĩ ngắn nhất của người đần độn, phong hàn, vất vả, mệt nhọc và bệnh tật là tìm đến cái chết cũng là điều hợp tình hợp lý!”

Vậy ở đoạn trước thuật lại sự việc tại các trường thi như vậy, khi nói về ma quỷ thì không thể không nhắc đến quỷ chính thức ở trường thi, nó có tên gọi là “khoa trường quỷ”. Những con ma đó đều là do “phong hàn lao tụy” hoặc các thí sinh tự tìm con đường ngắn nhất để giải thoát cho mình là chết ở trường thi. Trong Vô thường và Nữ điếu của Lỗ Tấn có hai lần nhắc đến điều này: “Trong phòng tối ở sau đại điện của miếu Thành Hoàng hoặc miếu Đông Nhạc, ở nơi đã biểu diễn kịch Mục Liên, “khoa trường quỷ”, “điêu tử quỷ”[159], “yêm tử quỷ”[160] và “diệt tử quỷ”[161] xếp cùng với nhau, có thể xem như là những hồn ma vô tội. Dân chúng là những người hiền lương, trong mắt họ, những người thuộc tầng lớp thấp kém của xã hội mà cố gắng vượt lên số phận nhưng lại chết ở trường thi, thì đều đáng được cảm thông. Tuy có những người sau khi vượt lên số phận, đối với bản thân cũng chẳng được lợi ích gì, nhưng có một vài việc làm cho người ta lo lắng, những hồn ma của điêu tử, yêm tử, diệt tử, trành tử đều cần tìm người thế thân cho mình, “khoa trường quỷ” cùng nhóm với bọn họ, có phải cũng cần đến trường thi để tìm người thế thân? Nếu đúng như vậy, những phiền phức có thể còn lớn hơn rất nhiều![162]

P/S: Lá thư trả lời đầu tiên của Viên Tử Tài gửi cho Dương Lạp Hồ

[159] Nghĩa là: ma thắt cổ chết.

[160] Nghĩa là: ma chết chìm.

[161] Nghĩa là: ma ngã mà chết.

[162] Quách Trắc Vân sống ở thời cận đại, trong Đồng linh kế chí,cuốn sáu viết: “Sĩ tử chết tại Tỏa viên, thi thể không được đi ra từ “long môn”, giá dây đỡ để không, để lộ ra ngoài, gọi là đánh thái bình. Sau đó linh hồn không tiêu tan hoặc vẫn lưu lại nơi đó và chịu cảnh khổ cực trong mưa gió.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx