Nửa đêm không sợ quỷ gõ cửa
1
Từ một vài câu chuyện được nhắc tới ở các chương trước, chúng ta có thể thấy âm sai đi bắt người mặc dù giữ chức vụ thấp nhất trong quan phủ, nhưng đôi khi cũng có quyền tạo ra sự sinh tử. Nếu có thể bắt tay với bọn họ thì khi thời khắc sinh tử đến họ có thể tha mạng cho bạn. Những cực đoan xảy ra trong nha môn trên nhân gian thực sự cũng xuất hiện dưới âm phủ, chỉ vì mọi người không chịu từ bỏ chút hy vọng cuối cùng về người nắm giữa chính nghĩa, do đó luôn tưởng tượng rằng Diêm Vương phán quan khi xử án bao giờ cũng công bằng hơn những quan phủ trên nhân gian, vì vậy những thói quen xấu, làm ăn gian lận đều bị đổ tội lên đầu âm sai. Cái gì mà “Diêm Vương bảo ngươi canh ba phải chết, ai dám giữ đến canh năm”? Đấy chỉ là cách nói khuếch trương quyền lực của Diêm Vương mà thôi, và coi thường quyền thực thi mệnh lệnh của sai dịch. Trên thực tế, trong giai đoạn bắt hồn, những kẻ được sai đi bắt hồn trong tay nắm giữ một nửa quyền chủ động, chỉ cần thực hiện đúng pháp luật, đừng nói là cách biệt giữa canh ba và canh năm, mà có rời thêm ba tháng, năm tháng nữa cũng chẳng phải chuyện to tát gì, thậm chí tha cho người đó trong lần đi bắt bớ này cũng là việc trong tầm tay.
Đương nhiên, kiểu làm việc lộng quyền này không phải chỉ làm suông, làm không, hoặc sẽ xem xét tới tình người, một kiểu giống như được nhắc tới ở chương trước, hoặc là phải trả tiền duyên. Tiền duyên đương nhiên là chỉ tiền tài, người xưa có câu: “Tay không không vào được cửa công.” Chỉ cần bạn đi kiện thì dù bạn là nguyên cáo hay bị cáo, không chi tiền chắc chắn không thành, chi ít tiền cũng không có tác dụng, quyền tiền giao dịch chính là phải nhìn tiền để đưa ra quyết định.
Chỉ cần đáp ứng đầy đủ về vật chất cho âm sai thì họ dám thả cả vong hồn đáng lẽ ra phải bị bắt, tha cho người đó quay về dương gian lắm. Trong quyển bốn cuốn Sưu thần hậu ký do Đào Tiềm viết có kể câu chuyện về một người tên là Lý Trừ người Tương Dương, bị mắc dịch bệnh (một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh thời đó) mà chết, cha và vợ anh ta ngồi giữ xác trong phòng. Cho tới nửa đêm canh ba, Lý Trừ đột nhiên ngồi dậy, túm lấy cánh tay vợ, tuốt cái vòng đeo tay bằng vàng ở cổ tay chị ta, cha anh ta cũng giúp sức, cuối cùng kéo được chiếc vòng ra. Anh ta cầm chiếc vòng trong tay, sau đó lại chết ngay lập tức. Người vợ đoán chắc chắn sẽ có điều gì đó xảy ra tiếp theo, nên ngồi bên chờ. Quả nhiên khi trời sáng, đầu Lý Trừ ấm dần, anh ta từ từ sống lại. Lý Trừ liền nói, khi anh ta bị âm sai bắt đi, thấy người bạn cùng bị bắt lấy vàng bạc trang sức trên người mang ra đổi mà được thả về, liền nghĩ ngay đến chiếc vòng tay bằng vàng của vợ, nên đã thương lượng với âm sai cho quay về trần gian lấy, âm sai đồng ý, thế nên mới có chuyện sống lại để tuốt lấy chiếc vòng. Mặc dù Lý Trừ đã giao chiếc vòng vàng cho âm sai dưới âm phủ rồi, nhưng trên dương gian chiếc vòng vẫn còn ở nguyên chỗ cũ, có điều vợ anh ta không bao giờ còn dám đeo nó nữa, đành tìm chỗ chôn đi.
Đi kiện cáo dưới âm phủ, dù cho có lý cũng phải bỏ tiền ra. Trong truyện Thành Hoàng giết quỷ không được phép thành tiệm[91] ở quyển ba Tử bất ngữ do Viên Mai viết, kể về một người phụ nữ được ác quỷ tôn sùng, chồng chị ta dùng dao chém quỷ, làm nó bị thương ở trán, rồi lại dùng súng bắn nó bị thương ở vai. Không ngờ ác quỷ này hung ác khác thường, nhất định đòi lấy mạng người phụ nữ kia. Chồng chị ta và nhạc phụ liền viết cáo trạng, ra miếu Thành Hoàng đốt. Tối đó người phụ nữ nằm mơ thấy có hai công sai, cầm theo lệnh bài đòi chị ta nghe phán, thẳng thắn ra giá, nói: “Vụ án này, ta đảm bảo nhà ngươi sẽ thắng, nhưng phải đốt hai nghìn tiền giấy cho ta. Nếu ngươi vẫn chê nhiều, thì âm gian chỉ cần hai mươi lượng bạc. Cái này không phải ta hưởng một mình, mà dùng để chạy chọt cho ngươi thôi.”
[91] Tiệm là quỷ sau khi chết. Người mê tín thường cho rằng, người chết làm ma, ma chết làm tiệm.
Cách vòi vĩnh công khai thế này tốt nhất là đưa ra một cái giá cụ thể, khiến hai bên đều vui vẻ. Sợ nhất là những món tiền không rõ ràng, cứ lặng lẽ giày vò, hành hạ bạn, cuối cùng bạn phải cầu xin người ta nhận tiền, thế mới gọi là thất đức.
Trong truyện Minh ty, quyển một cuốn Túy trà chí quái của Lý Khánh Thần người đời Thanh, kể về người ở tên Lý mỗ trong một gia đình giàu có, vì rất biết lựa thuyền theo gió nên được nhà chủ yêu quý. Còn một người ở già khác tên Ân mỗ không hiểu việc, dần dần bị nhà chủ ghét, cuối cùng bị đuổi đi. Ân mỗ trong lòng không phục, buồn bã mà chết, xuống âm gian, viết giấy tố cáo gửi đến Thành Hoàng nói mình bị Lý mỗ hại chết. Hôm ấy Lý mỗ vừa ra ngoài, liền gặp hai vị công sai đứng ngay bên cửa, dùng dây thừng thòng vào cổ anh ta, kéo đến miếu Thành Hoàng. Vào miếu Lý mỗ mới biết, một ngôi miếu bình thường thấy không lớn lắm nay đã biến thành một nha môn rộng rãi, thư sứ, nha dịch đi đi lại lại, rất náo nhiệt. Nhưng hai tên công sai đó không giải anh ta lên công đường mà nhốt vào một căn phòng nhỏ tối thui, khóa cửa, trong phòng tối đen như mực, không phân biệt được ngày đêm, không biết bao lâu sau, vừa đói vừa khát, buồn bã ưu phiền, tiều tụy không sao kể xiết. Lúc này mới thấy cửa được mở ra, hai tên quỷ sai đó nói: “Đại lão gia hai ngày nay không có thời gian thẩm vấn ngươi, ngươi quay về đi”, sau đó liền đuổi anh ta ra khỏi nha môn. Anh ta tìm đường quay về, tới cửa nhà, vẫn may sống sót, hỏi người nhà, mới biết ngày hôm đó anh ta đột nhiên ngã nhào trước cổng, hơi thở yếu ớt, được người ta dìu vào nhà, tới hôm nay đã chết được ba hôm rồi. Lý mỗ như vừa được chữa khỏi bệnh, rất nhiều ngày sau mới hồi phục lại được, nhưng vừa xuống giường đi được vài bước, hai tên cẩu sai nhân đó lại đến. Tất cả lại diễn ra y như cũ, vẫn là bị nhốt trong căn phòng tối đó ba ngày, rồi lại được thả về. Cứ thế kéo dài phải nửa tháng, đi đi về về giữa âm và dương, anh ta cũng thuộc cả đường xuống địa phủ, còn bộ dạng thì chẳng thể phân biệt được là ma hay người nữa. Đến lúc này, anh ta mới như bừng tỉnh, thì ra nha môn ở âm ti và nhân gian không khác gì nhau, hai tên quỷ sai kia muốn vòi tiền. Anh ta mua mười dây tiền giấy, đốt xuống, hai tên quỷ sai lập tức trở thành bạn, vụ án cũng đã được phán quyết xong, khi quyết định được đưa xuống, ghi là Ân mỗ đã vu cáo, Lý mỗ vô tội được thả về.
Nếu số tiền hối lộ đủ nhiều thì có thể kết giao được với những người bạn rất có thế lực. Trong Bác dị ký do Trần Ngao người đời Đường có ghi chép lại một chuyện: “Một minh sử xin Lý Toàn Chất dụng cụ mài chiếc sừng tê giác, Lý Toàn Chất liền nhờ người vẽ một cái rồi đốt cho minh sử đó kèm theo cả tiền giấy. Thế là minh sử báo mộng, cảm tạ nói: “Được tặng đĩa mài, thật hổ thẹn thay, vì không có gì đáp lễ. Nhiên công bình sinh sẽ chết do tai nạn nước, nhưng khi gặp nguy hiểm, ta nhất định nghĩ cách.” Lý Toàn Chất vốn chết vì nước, nhưng lại có một minh sử cứu hộ kịp thời nên anh ta thoát được kiếp nạn ấy. Đấy chính là hành động ngang nhiên tiết lộ cơ mật của minh phủ, để giúp người sống thoát khỏi cảnh bị âm sai truy đuổi. Nhưng những lời hứa kiểu này, độ rủi ro quá cao, chẳng qua cũng chỉ là một phút lỡ miệng, chưa chắc đã thực hiện đến cùng, điều đó được chứng minh bằng việc Lý Toàn Chất không sống được tới ngày hôm nay. Đương nhiên cũng có một khả năng là, minh sử này bị Sâm La điện khuyên nhủ hồi tâm, cái ô bảo vệ không còn hiệu lực, hợp đồng miệng bị hủy bỏ.
Vì vậy không thể hoàn toàn tin vào những lời hứa của minh sử, có kẻ sau khi đạt được thứ mình cần rồi, thực ra ân huệ chẳng xác thực, chỉ là kéo dài thời gian đến bắt hồn đi thôi. Những chuyện này có lẽ thường xuyên xảy ra ở những nơi cửa công rồi. Quyển một tập Tây dương tạp trở của Đoạn Thành Thức người đời Đường viết về một thiếu niên độc ác tên Lý Hòa Tử. Người này thường xuyên ăn trộm chó mèo của người khác nuôi về thịt ăn, cuối cùng hơn bốn trăm sáu mươi con chó, con mèo cùng liên minh lại viết đơn kiện hắn ta dưới âm phủ. Lý Hòa Tử mời hai tên quỷ sai tới bắt hắn ta vào quán ăn, quỷ sai biết án này nặng, không dám làm trái quy tắc, nên chịu khát nhịn đói không vào quán. Lý Hòa Tử lại kéo bằng được bọn họ vào quán rượu, gọi chín bát rượu, hắn ta uống ba bát, sáu bát còn lại vờ để sang một bên. Hai quỷ sai bất lực, cuối cùng không thoát được cám dỗ, liền nói: “Ăn đồ hối lộ rồi. Đã nhận được ơn cho được say, đành thay ngươi xin giảm án vậy. Ngươi hãy chuẩn bị bốn mươi vạn tiền, trưa ngày mai bọn ta tới lấy, kéo dài tuổi thọ cho ngươi thêm ba năm nữa.” Sau khi hai quỷ đi rồi, Lý Hòa Tử vẫn còn muốn tiếp tục hưởng thụ sáu bát rượu còn lại, uống một hớp, không ngờ vị nhạt như nước, thậm chí lạnh buốt cả răng. Hắn ta vội chạy về nhà bán đồ đạc mua tiền giấy, đúng kỳ hạn gửi xuống cho minh sử. Nhưng ba ngày sau, Lý Hòa Tử vẫn phải chết. Thì ra, “ba năm theo lời quỷ nói là ba ngày trên nhân gian.”
Chỉ có thể sống thêm ba ngày thì số tiền hắn ta đốt quả đã vô ích, nhưng có người khẳng định có tiền là mua được sự xê dịch của quỷ, nhưng không ngờ quỷ cũng có quyền hạn của mình, hy vọng quá cao thì kết quả sẽ là quỷ nhận tiền trước, rồi tới bắt người sau.
Trong Kiến vấn lục của Từ Nhạc người đời Thanh viết về một phú ông, sau khi ốm chết bị một con quỷ mặt xanh bắt đi, ông ta ai oán nói: “Tài sản nhà ta quá nửa nằm trong tiệm cầm đồ, giờ có vài việc vẫn chưa giải quyết xong, kéo dài cho ta vài ngày nữa, sau khi xong việc, ta có chết cũng không hận.” Quỷ mặt xanh trả lời: “Hãy đốt tiền bạc cho ta, ta sẽ cho nhà ngươi thêm mấy ngày”, phú ông đồng ý và được sống lại. Đếm đúng số lượng quỷ mặt xanh yêu cầu, đốt cho nó, sau khi lo liệu xong xuôi mọi việc, đến giờ lại chết. Phú ông quen mùi, lại nói với quỷ: “Con trai ta là tú tài, sắp đến kỳ thi hương rồi, nếu cho ta sống đến khi nó thi xong ba kỳ thi, được nhìn thấy nó áo gấm về làng, ngươi hãy ra giá đi.” Quỷ đưa ra một con số và lần này thì gấp đôi lần trước, phú ông đồng ý, liền được sống lại, đốt tiền đúng hẹn. Đến ngày Mười lăm tháng Tám, kỳ thi hương cuối cùng kết thúc, đêm đó phú ông mở tiệc đãi khách, ngay giữa bữa tiệc rượu, phú ông tắc thở mà chết. Lần này quỷ mặt xanh còn mang theo mấy tên quỷ nữa cùng đến, nói: “Con trai ông lần này không đỗ, tối nay ông phải đi cùng chúng tôi rồi. Nhưng nếu ông chịu chi cho chúng tôi nhiều hơn một chút, chúng tôi sẽ nghĩ cách giúp ông đi cửa sau, để con trai ông được làm cử nhân, đồng thời tha cho ông qua kiếp nạn này. Ông thấy thế nào?” Phú ông đương nhiên đồng ý ngay, có bao nhiêu tiền bạc liền bỏ ra hết, thế là lại được sống lại. Đến ngày công bố bảng vàng, con trai ông ta quả nhiên đỗ cử nhân, ông lão vui mấy ngày liền. Nhưng không lâu sau, quan về điều tra việc gian lận trong thi cử, con trai ông ta không những bị tước danh hiệu cử nhân, mà còn bị giam vào nhà lao. Ông lão trên đường vào thăm con, giữa đường tự nhiên lăn ra chết.
Chiêu cuối cùng của quỷ mặt xanh có chút tàn nhẫn, nhưng cũng là vì nó nhìn rõ được sự tham lam vô độ của lão tài chủ, ngoài ra cũng khiến lão ta được vui vẻ mấy ngày, không thể nói là số tiền bỏ ra không xứng đáng được. Sợ nhất là mấy kẻ ham tiền đó chỉ nghĩ cách moi tiền, có được tiền rồi liền quên luôn việc mình đã hứa thì còn tệ hơn. Trong Quảng dị ký có một chuyện, từ câu chuyện này chúng ta có thể thấy sự phủ bại và hỗn loạn trong quan trường dưới âm gian cũng không kém gì trên dương gian. Cáo Trừng, võ sĩ người Kinh Triệu sau khi bị âm sai bắt nhầm, liền đến một cơ quan dưới âm phủ gọi là “nơi tiếp nhận những vụ án oan khuất” để tố cáo. Trung thừa hỏi: “Ngươi có oan khuất gì?” Cáo Trừng đáp: “Số tôi vẫn chưa tận, người bắt tôi lại không mang theo lệnh bắt, cứ thế ép tôi đi bằng được.” Vị trung thừa này đòi tiền hối lộ là năm trăm nghìn. Cáo Trừng đồng ý, trung thừa liền phán: “Bị bắt bừa, thực tế chưa tới số”, sau khi phán xong liền thả ra, sai người đưa Cáo Trừng đến chỗ đại phụ thông phán, vị thông phán giữ cửa này cũng đòi tiền Cáo Trừng. Cuối cùng được thả ra, nhưng lại không trả Cáo Trừng về dương gian, kết quả là âm phủ không nhận mà dương gian cũng không thể về, “không biết đi đâu, lang thang phiêu bạt”. May mà gặp được người em rể đã chết, mới đưa Cáo Trừng quay lại dương gian, nếu không thì sẽ trở thành một con “quỷ lang thang” ba giới không nhận, “ba trăm năm cũng không thể hóa kiếp”.
Tôi cho rằng cơ quan thẩm lý này cũng cấu kết với lũ quỷ tốt rồi. Ngươi lên dương thế bắt người, ta ở âm gian mở một nơi gọi là thụ lý án oan để moi tiền, sau khi có tiền rồi sẽ chia cho quỷ tốt một ít. Vì muốn moi tiền mà tạo ra oán an đã đủ thấy vô sỉ rồi, lại còn có thể treo biển tiếp nhận những vụ án oan để kiếm tiền nữa. Giống như trong Hà đông ký do Tiết Ngư Tư người đời Đường viết, có một tên âm sai vì muốn kiếm tiền, mà đang yên đang lành đi bắt sinh hồn, sau đó nói: “Ngươi vẫn chưa tới lúc chết, ta có thể thả ngươi, nhưng phải cho ta hai nghìn quan tiền.” Tôi thấy tên quỷ sai dùng hình thức bỉ ổi này còn đáng ghê tởm hơn cả vị quan chuyên “xử án oan” kia.
@by txiuqw4