sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tài Thần

Tài Thần

(ÔNG THẦN TÀI)

Danh hiệu 「 Thần Tài 」, xuất phát từ sách 《Tam Giáo Sưu Thần Đại Toàn 》.

Ngài mặc áo bào của quan, màu hoàng lim và màu đỏ, phủ hết thân mình. Mặt có nhiều phước khí, hòa ái, nở nụ cười hiền từ. Tay nắm vàng khối và ngọc như ý, hàm ý là mang về tài vận như ý. Đây là vị thần mà tất cả mọi người đều hoan nghênh, sùng bái.

Tục ngữ có câu:- “Hữu tiền năng quỷ thôi ma” (có tiền thì có thể bắt quỷ đẩy cối xay). Tiền tài tuy là vật ngoài thân, nhưng không có tiền thì chẳng làm được gì, trên đời chẳng ai lại mong muốn mình trở thành một tên “nghèo kiết xác” cả!

Lẽ dĩ nhiên, trên đời không ai sợ có tiền nhiều, mà chỉ sợ có ít mà thôi. Sự mong mỏi tìm cầu tiền bạc là nguyện vọng chung của tất cả loài người, từ người giàu đến người nghèo. Thần Tài mới đầu là một “Vật Thần” (thần đồ vật), nhưng sau vì nếu cho ai tiền bạc, là cho họ sự sinh hoạt tốt đẹp, nên trở thành “Thần nguyện vọng”, ngang hàng với các vị:- Hỉ, Quí, Thọ, Tử Thần. Tài Thần trở thành “Phước Thần” là vì vậy.

Sùng kính Thần Tài, có nghĩa là mong rằng thông qua việc cúng bái Thần Tài, Ngài sẽ phù hộ cho mình được phát tài lớn. Cũng dễ nhận ra rằng, những nơi có thờ Thần Tài thì càng ngày càng giàu thêm (do làm ăn phát đạt), nên người khác dễ đặt trọn niềm tin vào Ngài. Từ thành thị đến thôn quê, nơi nào cũng có sự hiện hữu của Ngài là điều tất yếu thôi!

*Thần Tài được chia ra làm hai hạng là “Văn Tài Thần” và “Vũ Tài Thần”.

Trong sự thờ cúng của dân gian chia ra như sau:-

-Văn Tài Thần: ba ông Phước, Lộc, Thọ--Hỉ Thần—Tài Thần—Tỉ Can—Phạm Lãi.

-Vũ Tài Thần: Quan Vũ—Triệu Công Minh

-Chính Tài Thần: Triệu Công Minh

-Thiên Tài Thần: Ngũ Lộ Tài Thần—Thổ Địa Công (thiên 偏 = lệch một bên)

I.- VĂN TÀI THẦN:

1./ Văn Xương Đế Quân:

Còn gọi là “Tử Đồng Đế Quân”, là thần Bắc Đẩu Tinh, một trong những tín ngưỡng về sao của người xưa.

* Sách “Lại ký—Thiên quan thư” chép:- “Sao Khôi phò cho sáu sao Văn Xương, một gọi là Thượng tướng, hai gọi là Thứ tướng, ba gọi là Quí tướng, bốn gọi là Tư mệnh, năm gọi là Tư trung, sáu gọi là Tư lộc”.

*Sách 《Lại Ký Sách / Tác ẩn 》chú giải Bắc Đẩu Thất Tinh là 「Văn Xương Cung 」hay 「Quí Tướng Tinh 」coi về văn tự, 「Tư Mệnh Tinh 」chưởng quản về tuổi thọ con người, 「Tư Trung Tinh 」chưởng quản tai hoạ của con người, 「Tư Lộc Tinh 」chưởng quản về tài bạch của con người. Do đó, “Văn Xương Đế Quân” không những chưởng quản về văn học mà còn đảm nhiệm chức năng “Tài Thần” nữa. Đến đời Đường thì chức năng về văn học đã chuyển hoàn toàn cho “Khôi Tinh Gia” (sao Khuê). Văn Xương Đế Quân thành ra đảm trách chức vụ “Văn Tài Thần”.

2./ Tài Bạch Tinh Quân:

Có thuyết cho rằng Tài Bạch là một trong 28 vì sao, chức trách của sao đó là “Tư Tài” (quản lý tiền), được cổ nhân sùng bái.

“Tài bạch Tinh Quân” còn gọi là “Tăng Phước Tài Thần” có hình tượng là một vị đại quan, mặt trắng, đầu đội mão Tể Tướng, có năm chòm râu dài. Mình mặc hồng bào, thắt dây lưng Ngọc Đái. Tay thường cầm bảng “Thiên Quan Tứ Phước”. Về lai lịch của Ngài là Tứ Phước thiên quan, thuộc về Tam Quan của Đạo Giáo, là chỗ mà sách Hồng Phạm gọi là Ngũ Phước “Nhất nhật thọ, nhị nhật phú” (ngày một thọ, ngày hai giàu). Còn trong các hình tượng về Tài Thần ở miền Bắc thường vẽ ông Thần Tài có thêm câu “Tăng Phước Tài Thần”.

-Có thuyết cho rằng Tài Bạch chính là Thái Bạch Kim Tinh, chuyên môn coi về tài lộc của nhân gian. Tướng mạo hiền hòa, mặc áo gấm thắt ngọc đái, tay cầm bảng “Chiêu tài tấn bửu”, tay cầm vàng khối. Có cầu tất có ứng, đây là sở vọng của tất cả thiện nam tín nữ. Khi cúng, phải đặt Văn Tài Thần quay mặt vô trong nhà, ý nói là “đưa tiền bạc vào cho người trong nhà”, nếu đặt sai (quay ra) thì tiền bạc sẽ theo ra ngoài hết!

3./ Phúc Lộc Thọ Tam Tinh:

Phúc tinh tượng trưng cho con trai con gái đều được thịnh vượng, có hòa khí tốt, hưởng phước lâu dài. Thọ tinh tượng trưng cho sức khỏe tốt và trường thọ, không đau không nạn. Lộc tinh thì mong cho chủ gia được thêm tài lộc, gia quan tấn tước, có cầu có ứng. Lẽ ra thì cầu tài chỉ cần thờ ông Lộc, nhưng vì xưa nay ba ông Phúc, Lộc, Thọ là một chỉnh thể, không tách ra được. vã lại, nếu được cả ba thứ phúc, lộc, thọ thì chẳng phải là quá tốt hay sao?

Cách cúng thì giống như cúng Tài Bạch Tinh Quân, tức là quay mặt vào nhà…

4./ Tỷ Can:

Trong 《Phong Thần Diễn Nghĩa 》:Tỷ Can là một trong ba vị trung thần hạng nhất của vua Trụ, bị Đát Kỷ mưu hại chết bằng cách bảo rằng phải cần “trái tim” người để làm thuốc cho vua. Khi Khương Tử Nha phong thần, nhận ra là ông Tỷ can không có trái tim tức là “vô tâm”. Mà đã vô tâm thì không có chuyện “tư tâm” (tâm riêng tư) cho mình, nên phong thêm chức vụ “Tài Thần”.

Trong dân gian lại có thêm truyền thuyết là vì xưa kia con cọp đen của Triệu Công Minh cỡi, đã dùng móng của nó moi bụng Tỷ Can để tìm trái tim, nên bụng của ông biến thành màu đen, cho nên Tỷ can không tâm chẳng thể làm việc bình thường, lúc có lúc không, khiến cho việc ban phát tiền bạc của ông cho con người không đều đặn, sanh ra có người giàu, có người nghèo là vậy!

4./ Phạm Lãi:

Trong 《Đông Chu Liệt Quốc Chí 》:Phạm Lãi đã giúp cho Việt Vương Câu Tiễn trung hưng phục quốc, nhưng ông cũng biết rằng, Câu Tiễn là người chỉ có thể “cùng chung hoạn nạn” chứ không thể “cùng chung phú quí”, nên gấp rút xin lui về dân. Sau đó, sang nước Tề để ẩn cư.

Phạm Lãi khisang nước tề, đã cải tên lại là “Chi Di Tử Bì”, cùng với con siêng năng làm việc nhiều năm trở thành người có tài sản thiên vạn. Vua tề vốn ngưỡng mộ ông, cho mời ông về triều làm Tể Tướng, nhưng ông quyết từ chối. Vì thế, ông lại phải bỏ hết tài sản tiền bạc mà chạy trốn nơi khác. Ông nhận thấy nơi mới đến có đường giao thông thuận lợi cho việc mua bán, nên kinh doanh thương nghiệp. Chẳng bao lâu trở thành một “đại phú gia” xưng là Đào Chu Công.

Phạm Lãi có khả năng làm ra tiền dễ dàng, nhưng lại không quá coi trọng đồng tiền, dám từ bỏ tài sản một cách không tiếc nuối. Như vậy, đối với ông thì vinh hoa phú quí chẳng phải là cứu cánh cho cuộc sống. Quan niệm nầy rất phù hợp với truyền thống “trọng nghĩa khinh tài” của người Trung Quốc. Do đó, Phạm Lãi được dân gian tôn xưng là “Văn Tài Thần”.

II.- Vũ Tài Thần :

1.-TRIỆU CÔNG MINH :

Còn gọi là “Trung Lộ Tài Thần”, ngày vía là rằm tháng ba âm lịch (ngày sinh)

Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” thuật lại, thì Khương Tử Nha không có phong cho Triệu Công Minh là Tài Thần mà phong làm 「Kim Long Như Ý Chính Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Quân 」, là Nguyên Soái, thống lãnh bốn vị tiên「Chiêu Bảo Thiên Tôn Tiêu Thăng 」,「Nạp Trân Thiên Tôn Tấn Bảo 」,「Chiêu Tài Sứ Giả Đặng Cửu Công 」,「Lợi Thị Tiên Quan Diêu Thiểu Tư 」

Những vị nầy có chức năng ban phước lộc và điều lành tốt cho những người trong giới buôn bán, vì có những tên “đẹp” như:- Chiêu Bảo, Nạp Trân, Chiêu Tài, Lợi Thị, là những thuật ngữ rất tốt đẹp cho công việc mua bán kinh doanh. Mà những vị nầy lại là thuộc hạ của Triệu Công Minh, tất nhiên ông phải được tôn xưng là đúng thôi!

Đến đời nhà Minh, ông Hứa Trọng Lâm có viết quyển sách, trong đó chính thức nêu lên Triệu Công Minh là Tài Thần của dân Trung Quốc. Điều nầy được mọi người chấp nhận, vì những tên của bốn vị thuộc hạ của ông rất phù hợp với lòng mong mỏi của mọi người:- “chiêu bảo (gọi vật quí), nạp trân (thu vật báu), chiêu tài (gọi tiền về), lợi thị (buôn bán có lời). Từ đó, dân gian tôn bốn vị tiên nầy cộng với thủ lãnh Triệu Công Minh thành năm người, gọi là “Ngũ Lộ tài Thần”.

Thêm nữa, dân gian cho rằng Triệu Công Minh bị bắn trúng con mắt và thủng tim mà chết, nên gọi là “Tài Thần Gia Vô Nhãn Vô Tâm” (Ông thần tài không có tim không có mắt, tức là người mù), vì thế mới có chuyện thực tế là, có người tốt mà không giàu, người giàu chưa hẳn đều tốt v.v..Lý luận nầy xem ra cũng có chút ít cơ sở vậy!

*Trong sách “Sưu Thần Ký”, Triệu Công Minh thuộc về Ôn Thần (thần gây bệnh ôn dịch), là một trong ba vị thiên thần xuống trần gian để coi sóc về tính mạng con người, nên tôn xưng là “Triệu Huyền Đàn”, “Triệu Nguyên Soái” hay”Triệu Tướng Quân”, chưởng quản “khí” ngũ phương của các vị thần.

Danh hiệu của Ngài có rất nhiều, như là:

「Cao Thượng Thần Tí Ngọc Phủ Đại Đô Đốc 、Ngũ Phương Tuần Sát Sứ 、Cửu Châu Xã Lệnh 、Đô Hạ Đề Điểm 、Trực Điện Đại Tương Quân 、Chủ Linh Lôi Đình Phó Nguyên Soái 、Bắc Cực Thị Ngự Sử 、Tam Giới Đại Đô Đốc 、ứng Nguyên Chiêu Liệt Hầu 、Học Sĩ Định Mệnh Thiết Trướng Sứ 、Nhị Thập Bát Tú Tổng Quản 、Thượng Thanh Chính Nhất Chi Đàn Phi Hổ Kim Luân Chấp Pháp Triệu Nguyên Soái 」.

*Ngoài ra, Triệu Công Minh còn được gọi là “Hàn Đan Gia” là một “Thần Lưu Manh” vì lúc còn trẻ, ông đã gây tạo không biết bao nhiêu là tội lỗi, làm những việc sái quấy không chừa gì cả. Về sau, ông hối cải ăn năn, muốn chuộc lại tội lỗi đã gây ra lâu nay. Ông cởi hết quần áo, tình nguyện vào đêm Nguyên Tiêu, để cho nhân dân đốt pháo trên thân ông tan nát, với tâm nguyện cầu mong cho làng xóm tránh khỏi những tai họa trong tương lai. Ông chịu chết như thế nên dân chúng cảm phục, tôn thờ ông làm thần.

2.- QUAN CÔNG:

Tên là Quan Vũ, hoặc tôn xưng là Quan Thánh Đế Quân hay Quan Thánh Đại Đế.

Sở dĩ, Ngài được nhân dân tôn thờ là nhờ trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã đề cao tinh thần trung hiếu tiết nghĩa của một võ tướng lừng danh. Thật ra thì giữa bản thân ông và tiền bạc chẳng có quan hệ gì đặc biệt lắm. Việc ông được ca tụng và thần thánh hóa là do sự trung trinh là chính, nói lên tinh thần cốt lõi của văn hóa Trung Quốc. Còn việc ông được gán ghép vào Tài Thần là do vào thời kỳ Minh Thanh, xã hội có nhiều thay đổi trong sinh hoạt, chủ nghĩa tư bản đã phát triển, một số Công Hội hoặc Thương Hội, Hành Hội đa số chọn Quan Công để thờ, vừa là Thần Bảo Hộ vừa là Thần Tài. Để hợp thức hóa, họ thành lập các hội quán mang tên “Hội Quán Quan Đế” hay “Hội Quán Thần Tài” để dễ quan hệ bàn bạc công việc làm ăn.Sở dĩ các hội quán nầy tồn tại và phát triển nhiều là do lúc trước chưa có những qui chế, qui ước nên mạnh ai nấy kinh doanh theo ý nghĩ sáng kiến của cá nhân, từ khi có Hội Quán, mới đề ra những nội qui thống nhất, tránh được sự cạnh tranh thiếu lành mạnh ngày trước. Đó là nguyên do chủ yếu của việc thờ Quan Công làm Tài Thần.

Ngoài ra, cũng có thuyết nói rằng, thưở sinh tiền, Quan Công rất giỏi việc điều hành quản lý tiền bạc, đã từng phát minh ra “Nhật Ký Thu Chi” cho việc sổ sách kế toán được rõ ràng chính xác. Nội dung nó gồm các khoản “Nguyên” (gốc), “Thu”, “Xuất”, “Tồn” ghi chép rõ ràng, cập nhật kịp thời. Vì thế, giới thương gia đời sau tôn Ngài làm Tài Thần là vậy.

*Thời cận đại, cộng đồng người Hoa ở hải ngoại rất tôn trọng và thờ kính Quan Công. Miếu thờ Ngài hiện diện khắp nơi có người Hoa trên thế giới. Thâm ý của họ là vì Ngài là đại biểu cho nguồn gốc văn hóa Trung Quốc, là vị Thần bảo Hộ của dân tộc, tượng trưng cho sự bảo tồn trật tự đạo đức xã hội. Sau hết, Ngài còn là Thần Tài bảo hộ cho việc làm ăn sinh sống của cộng đồng người Hoa ở ngoài nước.

III.- Thiên Tài Thần :

Còn gọi là “Tư Nghĩa”, vì là cách kiếm tiền ngoài con đường chính thống mà có, nên gọi là: “Thiên Tài” (tiền bạc lệch một bên). Gồm có:-

1.- Thổ Địa Công :

Việc thờ phụng “Thổ Địa Công” làm Thần Tài chủ yếu là do Ngài chưởng quản đất đai, phương tiện để sinh dưỡng muôn vật. Bởi vì, ngày xưa trong xã hội nông nghiệp thuần túy, con người ngày ngày ăn cơm xong là ra ruộng đất làm việc, lòng luôn mong mỏi được mùa vụ. Việc trúng hay thất vụ là quyền ban thưởng hay trừng phạt của Thổ Địa Công, nên phải thờ phụng Ngài để được phù hộ là lẽ tất nhiên. Sự báo đáp của nông dân đối với Ngài rất đậm đà tình cảm vừa kính trọng vừa thân thiết, thể hiện bằng hành động đem treo những “Thổ Địa Công Kim” (vàng khối bằng giấy tiền) la liệt ở ruộng vườn để cúng Thổ Địa. Mỗi năm hai lần vào Xuân Kỳ và Thu Báo (xem bài Thổ Địa Công).

*Ngày mùng hai tháng hai âm lịch là ngày đản sanh của Phước Đức Chính Thần, dân gian nơi nào cũng hết sức cầu bái cúng tế Ngài, nói lên ý nghĩa dân gian xem Ngài là vị Thần Tài hạng nhất rồi!

*Một ý khác nữa là, sở dĩ Thổ Địa được tôn là Thần tài là bởi vì niềm tin vào Ngài là vị “Phước Đức Chính Thần”, có thể mang lại sự bình an và “sinh ý hưng long” (mua may bàn đắt). Thương gia theo lệ, hàng tháng vào ngày mùng hai và mười sáu, sắm sửa bông trái để tự cúng tạ Ngài. Ý nghĩa việc cúng nầy là hai điều:- “Tố Nha” (làm mai mối rước khách) và “Nhạ Phước” (tiếp đón điều phước) do Thổ Địa Công ban cho. Từ nông chuyển qua thương, cũng vẫn giữ nguyên sự tôn kính Ngài là việc bình thường.

2.- Ngũ Lộ Tài Thần:

Trong dân gian có nhiều thuyết nói về Ngũ Lộ Tài Thần. Một thuyết nói Ngài tên là Hà Ngũ Lộ, một thuyết nói rằng Ngài là con thứ năm của Dã Vương triều đại nhà Lương hay Trần. Khi chết được phong làm “Ngũ Hiển Thần”, bị người đời đọc trại ra thành Ngũ Lộ Thần. Một thuyết khác thì nói, Ngũ Lộ Thần không phải là tên của một người, mà là tên hiệu chung cho cả năm người. Nói về năm người thì cũng có hai giả thuyết:

-một cho rằng tên của năm người là “Đỗ, Thượng, Hoa, Trần, Tôn”, là năm người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm.Ngày nọ năm người tình cờ gặp nhau ở Hàng Châu, rồi đốt hương kết làm anh em bạn bè nhau. Năm người nầy hợp tác làm ăn với nhau, đến Miếu Quan Âm cúng bái khẩn nguyện phù hộ, được đức Quan Âm giúp cho công việc làm ăn thuận lợi, nên về sau năm người xây dựng một ngôi Chùa Quan Âm đồ sộ để tạ ơn. Sau khi chết, năm người nầy được tôn làm “Ngũ Lộ Tài Thần”

-một thuyết khác nói rằng, tên của năm người là “Đường, Lưu, Trương, Cát, Lý”, lúc sinh tiền là năm tên “giang dương đại đạo” (cướp ở sông biển), nhưng lại đem số tiền cướp được phân phát hết cho dân nghèo các nơi. Sau khi chết, được nhân dân xây miếu thờ, xưng tụng năm người là “Ngũ Lộ Tài Thần” hay “Ngũ Hiển Tài Thần”.

*Có thuyết thì lấy Triệu Công Minh và bốn vị thủ hạ tôn làm “Ngũ Lộ Tài Thần” như trên đã nói.

*Trong dân gian lại tôn Ngũ Lộ Tài Thần là các vị:- Thổ Địa Công, Mã Vương Gia (hay Ngưu Vương Gia), Tiên Cô, Tài Thần và Định Phước Tao Quân.

3.- Lợi Thị Tiên Quan:

Trong tín ngưỡng về Thần tài của dân gian, thì “Lợi Thị Tài Thần” ít được lưu ý và không có nguồn gốc hay truyền thuyết nào đáng ghi. Nói về phương diện nầy, chúng ta cầ lưu ý nhiều đến các vị “Chính Tài Thần” hơn vì có nguồn gốc và lịch sử hay truyền thuyết, còn “Lợi Thị Tiên Quan” thì xếp vào “Thiên Tài Thần” thì không nhất định phải có lịch sử. Xét cho cùng, thuật ngữ “lợi thị” (Q Đ: lì-xì) là câu cửa miệng của mọi người, nhất là giới thương buôn đời Tống, Nguyên. Từ đó, biến thể dần thành ra “Lợi Thị Tài Thần” vậy thôi!

Từ “Tiên Quan” là thuật ngữ của Đạo Giáo, còn từ “Lợi Thị” có lẽ xuất phát từ câu ngạn ngữ “Lợi thị tam bội” (chợ lời gấp ba), rút lại là lợi thị mà thôi. Trải qua nhiều thời đại,dần dần dân gian đã nhân cách hóa và thần thánh hóa một “câu nói” thành ra nhân vật “lão bà” thành ra “Lợi Thế Bà Quan” (quan bà làm lợi cho đời). Đến đời Minh, tôn xưng “Lợi Thị Tiên Quan” thành “Diêu Nhiễu Ích” (tên người, họ Diêu là con cháu vua Thuấn) hay “Diêu Thiểu Tư”. Gần đây, thì được dân gian tưởng tượng vẽ ra hình để thờ. Đó là sự chuyển hóa tự nhiên của tính sùng bái “ngẫu tượng” lâu đời của người Trung Hoa vậy.

4.- Chiêu Tài Đồng Tử:

Theo tập tục cho rằng tiền thân của “Thiện Tài Đồng Tử” (phò đức Quan Âm) trong Phật Giáo, chính là “Chiêu Tài Đồng Tử”. Hai chữ “thiện tài” thực ra có nghĩa là “thiện ư lý tài” (khéo léo việc quản lý tiền bạc). Nhưng dân gian đã thế tục hóa dần, thành ra có liên hệ đến “Chiêu tài tiến bảo”.

Trong Kinh Phật chép:- “Khi Thiện Tài Đồng Tử sinh ra, trong phòng bổng nhiên xuất hiện nhiều đồ vật quí giá, vì hiện tượng đó nên đặt tên Thiện Tài. Nhân vật Thiện Tài nầy tuy có vô số đồ vật quí báu, nhưng ông ta sớm nhận ra muôn vật đều không, chỉ phát lời thệ nguyện tu thành Phật đạo. Trải qua ngàn cay muôn đắng của các cuộc thử nghiệm, ông đã thành Phật theo đúng nguyện vọng, là nhờ Phật Quan Âm giáo hóa thành Bồ Tát, hiện ra thân đồng tử, đứng ở bên trái của đức Quan Âm.

5.- Hắc Bạch Vô Thường:

Thế gian thường hay nói câu:- “Sanh không biết kỳ nhưng chết thì có thời hạn”. Quan niệm về Hắc Bạch Vô Thường là Hắc Vô Thường mặc áo đen, Bạch Vô Thường mặc áo trắng. Một khi nhìn thấy hai ông quỷ nầy thì chắc chắn dương số đã hết, chuẩn bị lo việc hậu sự là vừa!

Nhưng trong dân gian cũng có truyền tụng một giai thoại lý thú khác là, Hắc Bạch Vô Thường không hẳn hoàn toàn mang ý nghĩa chết chóc cho con người đâu, trái lại còn mang đến những lợi lộc “phi thường” là đàng khác. Họ bảo:- “Khi nhìn thấy hai vị Vô Thường nầy, cố gắng đừng sợ hãi, mà theo khẩn khoản năn nỉ xin cho kỳ được “bất cứ một vật gì”. Nếu được, thì chắc chắn về sau sẽ trở thành “đại phú quí”!

Không biết thực hư thế nào nhưng người ta lại thấy trên bàn thờ của những đoàn hát kịch nghệ, có thờ hai vị vô thường nầy chung với Thần Tài. Đặc biệt là trên mão của hai vị vô thường có viết câu “Nhất Kiến Sinh Tài” (một lần gặp là có tiền).

IV.- NHỮNG HÌNH TƯỢNG THẦN TÀI ĐANG ĐƯỢC THỜ PHỤNG:

1./HOÀNG TÀI THẦN:

Da có màu hoàng kim, tay phải cầm bảo châu, tay trái cầm “con chuột nhả ra ngọc báu” (thổ bảo mông thử), chân phải đạp nhẹ lên đống bảo vật ốc biển. Hiệu nghiệm là “Cầu tài liền được tài”.

2./BẠCH TÀI THẦN:

Mình mặc thiên y (áo trời), tay phải cầm châu báu, tay trái cầm “con chuột nhả ra ngọc báu” (thổ bảo mông thử). Cỡi con rồng xanh biếc. Người cúng lạy sẽ được thuận lợi trong việc cầu tài.

3./HẮC TÀI THẦN:

Tay phải cầm khí cụ tên “Ca ba lạt lô” (?), tay trái cầm “con chuột nhả ra ngọc báu” (thổ bảo mông thử). Chân phải co lại, chân trái duỗi thẳng, ngồi trên “mặt trăng có hình hoa sen”. Hiệu nghiệm về “cầu hoạnh tài”.

4./TÀI PHÚ THIÊN VƯƠNG:

Thân sắc vàng, mặc áo hoàng kim, đầu đội mão quí. Vai phải có mặt trời, vai trái có mặt trăng, có tài bảo vô tận. Tay phải cầm cây dù báu, tay trái cầm “con chuột nhả ra ngọc báu” (thổ bảo mông thử). Ngồi trên đầu con sư tử. Hiệu nghiệm là chuyển biến tài vận và sự nghiệp từ khó khăn trở thành thuận lợi.

V.- SỰ THẾ TỤC HÓA THẦN TÀI:

Tài Thần là một vị thần xuất hiện sau nhất của tín ngưỡng dân gian, bởi vì trong xã hội nông nghiệp xưa của Trung Quốc, nhu cầu về tiền bạc ít được cho là quan trọng. Cho nên trải qua thời gian dài, quan niệm về Thần Tài không nổi bật so với những vị Thần khác (như Thần Đất chẳng hạn). Đến cuối đời nhà Đường, mới thấy xuấ hiện hai hình tượng là “lộc mã” (ngựa lộc) và “tài mã” (ngựa tiền). Đời xưa người ta trọng về “lộc” nhiều hơn, bởi vì khi có được công danh hay quan tước, là có những bỗng lộc nhất định rồi. Như thế là tiền bạc đã nằm trong “lộc”.

Ngày nay, hai quan niệm về “tài” và “lộc” mới tách biệt ra. Và “tài” được xem trọng dần lên. Hình tượng “tài mã” đã nói lên sự thăng tiến về “tài” trong quan niệm quần chúng. Sau đời Minh thì Thần tài mới chính thức hiện diện trong danh sách các vị thần minh.

*Từ xưa đến nay, quan niệm dân gian đa số cho rằng “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (cách kiếm tiền của người quân tử là phải phù hợp với đạo đức). Hoặc mạnh hơn “Trọng nghĩa khinh lợi (tài)” (xem cái nghĩa nặng hơn cái lợi (tiền)) của những sĩ đại phu thường nói. Sở dĩ có sự thay đổi về quan điểm nhận thức đối với tiền, là vì xã hội đã biến chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp thương nghiệp. Phương thức sinh hoạt thay đổi dẫn đến quan niệm thay đổi là điều tất yếu. Từ coi trọng “Nông Thần” chuyển sang coi trọng “Tài Thần”. Sự kiện nầy chứng minh “hạ tầng kinh tế” chuyển đổi “thượng tầng tinh thần” là thế!

*Ngoài yếu tố thay đổi về phương thức kinh tế, tín ngưỡng về Tài Thần còn do thay đổi về sinh hoạt đời sống. Nhu cầu trao đổi về tiền trở nên cụ thể và phổ biến khắp mọi nơi, nảy sinh ra tín ngưỡng Tài Thần của tâm lý dân gian, không phải xuất phát từ tín ngưỡng tôn giáo như các vị thần khác.

*Quan niệm phong kiến truyền thống nêu lên giai tầng xã hội là “Sĩ, Nông, Công, Thương”, trong đó “Thương” được xếp sau chót. Điều đó cho thấy sự xếp loại giá trị về người làm nghề mua bán bị đánh giá thấp. Thuật ngữ “gian thương” không phải bây giờ mới có, mà đã hình thành từ thưở xa xưa rồi, thể hiện tính châm biếm mỉa mai nghề “thương” rất rõ.

*Giá trị cống hiến của tín ngưỡng về Thần Tài chỉ thực có giá trị khi mọi người hiểu thấu đáo về những nhân vật tiêu biểu của Tài Thần, đều là những người có đạo đức, có thiện tâm. Từ đó, xóa bỏ quan niệm “Vô gian bất thành thương” (không gian lận thì không thành mua bán).

Được vậy, chúng ta mới có được một xã hội mà sinh hoạt mậu dịch thương mại phát triển song song với đạo đức chân chính, với sự tiến bộ theo hướng tốt lành của con người.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx