Thái Thượng Lão Quân
Lão Tử tức Thái Thượng Lão Quân, họ Lý tên Nhĩ, tự là Bá Dương, hiệu Lão Đam, là một vị tư tưởng gia nổi tiếng vào những năm cuối thời đại Xuân Thu. Trong Đạo Giáo, được tôn là vị Tổ sáng lập nên tín đồ xưng Ngài là “Đạo Đức Thiên Tôn”, “Thái Thượng Lão Lý Quân”, “Thái Thượng Đạo Tổ”, “Vô Cực Lão Tổ”, “Tam Thanh Đạo Tổ”, “Lão Quân Gia”, “Vô Cực Chí Tôn”, “Vô Cực Thánh Tổ. Ngài sanh ngày mười lăm tháng hai năm Canh Thìn, tức năm thứ mười đời vua U Vương nhà Châu (Chu), người ở lý (xóm ấp) Khúc Nhân, làng Lại, huyện Khổ, thuộc nước Sở. (hiện nay là Lộc Ấp (鹿邑) thuộc tỉnh Hà Nam-NT)
*Chú thích:
Đây là dịch theo nguyên tác nầy, còn tiểu sử của Ngài vẫn còn nhiều tranh cãi, mong quí vị lưu ý cho—NT)
*Truyền thuyết xuất sanh của Lão Tử hết sức thần kỳ. Theo các sách của Đạo giáo, Ngài đã có mặt từ thời viễn cổ rất xa trải qua nhiều lần của “chu kỳ tám mươi mốt vạn năm” (?) rồi (810.000 năm), đời nầy thác thai vào Huyền Diệu Ngọc Nữ, bà mang thai suốt 81 năm, vào giờ Mão ngày rằm tháng hai Ngài đã từ hông của bà sanh ra ở nước Sở. Vì mang thai quá lâu, nên lúc sanh Ngài ra thì đầu tóc đã bạc phơ, nên có tên là “Lão Tử” (đứa trẻ đầu bạc”. Ngài ra đời dưới gốc một cây lý, vừa sanh ra đã biết nói, chỉ cây lý mà bảo rằng:- “Lý, chính là họ của ta đó”.
*Theo một truyền thuyết khác thì Lão Tử sanh ra đầu đã bạc mà có hiệu là Lão Tử, chính là hóa thân của Nguyên Thủy Thiên Vương thành Thần Bảo Quân để tế độ các thiên thần, chư Tiên phải nghe lệnh Ngài. Đời Châu Văn Vương thì Ngài làm “quan giữ kho” của nhà vua. Đến đời Vũ Vương được thăng chức Trụ Hạ. Về sau, thấy nước Châu ngày càng suy vi, nên đến đời Chiêu Vương, Ngài từ quan về ở ẩn. Ngài là nhà tư tưởng lớn thời kỳ cuối đời Xuân Thu, được Đạo giáo tôn làm Tổ Sư khai sáng của đạo Lão.
*Ở Bắc Lộc núi Chung Nam tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc có một cái đài Lâu Quan nổi tiếng mà truyền thuyết là nơi giảng kinh của Thái Thượng Lão Quân ngày xưa. Đài Lâu Quan nầy ở nơi có phong cảnh rất đẹp, dựa lưng vào núi nhìn ra dòng nước, được người xưng tặng là “ Động thiên phước địa”. Đây là thánh địa của Đạo giáo, lịch sử nói rằng đài Lâu Quan nầy đã có từ lâu hơn 2.500 năm trước.Đời nhà Châu, vị “Quan Giữ Ải” tên là Doãn Hỉ ở cửa ải Hàm Cốc đã cho dựng ở đây một cái đài bằng tranh cỏ, gọi là “Thảo Lâu Quán”, để quan sát theo dõi tinh tú trên trời. Truyền thuyết nầy nói rằng, lúc Lão Tử tuổi già từ quan cỡi thanh ngưu đi ngang qua cửa Hàm Cốc, vị quan giữ thành Doãn Hỉ, là người ham tu đạo, sở học rất giỏi về tinh tú thiên văn, biết Lão Tử là vị thoái quan ẩn sĩ, nên khẩn khoản xin Ngài viết sách để lưu lại cho đời sau. Do đó, Lão Tử viết bộ sách năm ngàn chữ, gọi là sách “Lão Tử” hay còn gọi là “Đạo Đức Kinh”.
* Thái Thượng Lão Quân đã viết mười hai bộ kinh điển, nổi tiếng hơn cả là “Tây Thăng Kinh”, “Hóa Hồ Kinh”, “Đạo Đức Kinh” v.v…mà trong đó, quyển “Đạo Đức Kinh” được xem là quí giá nhất, đã xuất bản in ấn hàng triệu quyển trên thế giới hiện nay. “Đạo Đức Kinh” có 81 chương, chia thành hai quyển thượng, hạ. Trong sách nầy, Lão Tử cho rằng, vũ trụ vạn vật có một cái gốc chung mà Ngài gọi là “ĐẠO” hoặc “VÔ”, nói rộng là những triết lý “Đạo pháp tự nhiên” và “Thanh tĩnh vô vi” hay “Trường Sanh Cửu Thị”, là những giáo lý giáo nghĩa căn bản của đạo Lão. Vấn đề mà Ngài quan tâm bàn đến là:- làm sao để xóa bỏ những tranh chấp trong xã hội, làm thế nào để cuộc sống con người được an ổn hạnh phúc. Từ đó, Ngài đề ra pháp thực hành là, con người nên sống theo cái tính tự nhiên và tính tự phát của “Đạo”, nhờ vậy mà ngăn ngừa được những tai hại của chiến tranh, trở lại được với tâm cảnh và hình thái sinh hoạt “chân thành vốn sẵn” của loài người, đạt kết quả là thiên hạ sẽ “vô vi nhi trị” (vô vi mà an thiên hạ).
Trong bá gia chư tử thời Tiên Tần, Lão Tử là vị được xem là đứng đầu trong hệ thống các luận thuật về “nguồn gốc vũ trụ”. Ngài lấy “ĐẠO” làm căn bản khởi nguyên của vũ trụ. Lý thuyết ấy được xem là nền tảng cơ bản cho các học giả đời sau ứng dụng và phát triển, nó trở thành một nền triết học mang tính “mẫu mực” cho đất nước chúng ta (Trung Quốc) đến tận ngày nay.
*Lão Tử được đương thời xem là tinh hoa ưu tú. Sử sách có ghi lại mẫu chuyện hết sức tiêu biểu là, đức Khổng Phu Tử đã đến tham vấn Lão Tử về “LỄ”.
(Xem phần phụ lục ở sau)
Học thuyết về “Đạo” của Lão Tử được các triết gia sau thời Xuân Thu Chiến Quốc vận dụng và truyền bá mạnh mẽ. Trong số những người kế thừa, có Ngài Trang Tử là nổi bật nhất. Sau thời Đông Hán, có một số vị truyền nhân của Phật giáo và một số phương sĩ của tôn giáo ngoại lai có uy tín lớn, đã đem tư tưởng học thuyết của Lão Tử pha trộn với những tín điều, nghi thức của Vu Thần Giáo (đạo đồng bóng trạng cốt) làm thành một tôn giáo mới gọi là “Đạo giáo”.
*Cuối thời Đông Hán, có nhân vật Trương Đạo Lăng sáng lập ra phái “Ngũ đẩu mễ” (nghĩa là năm lít gạo, gọi tên theo việc người muốn gia nhập vào phái nầy phải đóng góp năm lít gạo). Ông Lăng nói rằng đã được chính Thái Thượng Lão Quân chỉ dạy. Do đó, Lão Tử từ chỗ là Thủy Tổ của “Lão (Đạo) giáo” một cách danh chính ngôn thuận bị Trương Đạo Lăng biến thành “Đại Tôn” (giáo chủ) của một tôn giáo thế gian và tôn xưng Ngài thành Lão Quân hay Thái Thượng Lão Quân. Danh xưng nầy xuất hiện lần đầu trong quyển “Lão Tử tưởng nhĩ chú” của Trương Đạo Lăng và sau thời Bắc Ngụy, đã phổ biến mạnh mẽ trong quần chúng dân gian.
*Đầu tiên thì Lão Tử là vị thần tối cao trong Đạo giáo, nhưng từ sau thời Lục Triều, đã bị giáng cấp xuống hàng thứ ba (ở Thái Thanh Cung), đứng sau Thượng Thanh Cung Nguyên Thủy Thiên Tôn và Ngọc Thanh Cung NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ. Ba vị nầy được tôn xưng là “TAM THANH” của Đạo giáo.
*Năm Càn Phong thứ nhất đời Đường Cao Tông phong Lão Quân là “Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế” và bắt mọi người từ thứ dân đến quan lại chư hầu đều phải học “Đạo Đức Kinh”, thậm chí lấy Đạo Đức Kinh làm nội dung chính trong các kỳ thi lớn trong triều đình.
*Đời Tống Chân Tông gia phong Lão Quân làm “Thái Thượng Lão Quân Hỗn Nguyên Thượng Đức Hoàng Đế Lão Tử”.
*Đời Đường Minh Hoàng (tức Lý Long Cơ) năm Thiên Bảo thứ 13 gia phong LQ làm “Đại Đạo Kim Khuyết Huyền Nguyên Thiên Hoàng Đại Đế” và xuống lệnh cho các Châu, Huyện phải lập Miếu Thờ Huyền Nguyên Hoàng Đế. Ngoài ra vua Minh Hoàng còn cho xây dựng Thái Thanh Cung rộng 800 mẫu (mẫu ta) để thờ LQ, ngày nay vẫn còn điện chính do đời nhà Thanh trùng tu. Trong điện có tượng LQ thếp vàng cao hơn một trượng, hai bên là hai hàng đại đệ tử như là:- Nam Hoa Chân Nhân (Trang Tử), Vô Thượng Chân Nhân (Doãn Hỉ) v.v…
*Như vậy, gốc từ chỗ Lão Tử là một vị ẩn sĩ vô danh, được người biết đến qua học thuyết “vô vi”. Học thuyết nầy nhanh chóng được phổ biến rộng rãi, kèm theo những truyền thuyết có tính chất “thần thánh hóa” mà thành ảnh hưởng mạnh mẽ như ngày nay. Thêm nữa, Miếu Thờ Ngài hầu hết đều tọa lạc ở những nơi biệt lập, có phong cảnh sơn thủy hữu tình theo quan niệm thanh tĩnh vô vi của Ngài, đã tạo sự thu hút số lượng rất lớn du khách và người hâm mộ đến tham quan ngày càng đông.
Thành tố “Đạo” đầu tiên là lý thuyết mấu chốt của tín ngưỡng Đạo giáo, đã được phát triển thành “Ông Tiên đắc đạo—Trường sanh bất lão”. Đây là cảnh giới cao nhất của sự chứng đắc trong Đạo giáo mà tất cả tín đồ mong mỏi đạt được.
Lại có một cung điện khác là “Đâu Suất Cung” mô phỏng theo “Đâu Suất Thiên Cung” (tưởng tượng) mà xây dựng. Truyền thuyết nói, Đâu Suất Thiên Cung là nơi ở của Thái Thượng Lão Quân. Trong Đâu Suất Cung, thờ tòa “Tam Thánh” là:- Thái Thượng Lão Quân, Tổ sư Lữ Thuần Dương và Tổ sư Khưu Trường Xuân.
*hầu hết những Miếu thờ nơi khác thì thờ tượng Lão Tử nơi Tam Thanh Điện. Gọi là Tam Thanh tức có ba tòa Ngọc, Thượng và Thái Thanh để thờ ba vị NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thái Thượng Lão Quân.
*Do vì Đạo giáo có dạy về cách “luyện tiên đan” Và “diên hống (cống)” (nước miếng tiên) để trưởng dưỡng “hỏa hầu” (thuật ngữ của Tiên gia), nên trong dân gian đã chọn Thái Thượng Lão Quân, ông chủ của “lò bát quái”, làm “LÔ THẦN” (thần lò bếp) hoặc “DIÊU (Dao) THẦN” (thần lò nung ngói gạch gốm sứ). Từ đó, những ngành nghề hiện nay có liên quan đến “lò, bếp, nấu nung, luyện cán…) đều thờ Thái Thượng Lão Quân làm Tổ Sư, với ý là nhờ vào oai lực của LQ để trấn yểm hạn chế bớt sự tác động của Thái Tuế.
*Theo “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, thì niên đại về Lão Tử là ở vào thời kỳ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, tồn tại trên dưới 100 năm.
Từ khi Lão Tử được tôn xưng là Thái Thượng Lão Quân, Ngài đã trở thành một vị vua chí cao vô thượng của cõi trời, thống lãnh cả hai ban thần thánh là “Đạo” và “Đức” với danh hiệu tôn quí “Thái Thượng Hỗn Nguyên Đạo Đức Thiên Tôn” hoặc “Hoàng Lão Quân.
*Ngày vía của đức Thái Thượng Lão Quân là ngày rằm tháng hai âm lịch.
-------------------------------------------------------
(Ở Thanh Nguyên Sơn, Tuyền Châu, có một thạch tượng đức LQ, chạm khắc đời Tống, cao 5,63 m, ngang 8,01 m, sâu 6,85 m, chiếm diện tích 55 mét vuông.)
*PHỤ LỤC:
Khổng Tử đến Chu, muốn hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử nói:
- Những người ông nói đều tan xương nát thịt cả rồi, chỉ còn lời nói của họ thôi ( Khổng Tử chủ trương theo lễ nghi của các vua đời trước. Lão Tử bác lại ý kiến đó). Vả lại, người quân tử gặp thời thì xe ngựa nghênh ngang; không gặp thời thì như cỏ bồng xoay chuyển. Tôi nghe nói: “Người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến người ta thấy dường như không có hàng, người quân tử có đức tốt thì diện mạo dường như ngu si” (Hai câu này đều trong Đạo Đức Kinh ). Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo cùng cái lòng ham muốn nhiều, cái vẻ hăm hở cùng cái chí tham lam đi. Những cái ấy đều không có ích gì cho ông. Tôi chỉ bảo ông có thế thôi.
Khổng Tử ra đi, bảo học trò:
- Con chim, ta biết nó biết bay; con cá ta biết nó biết lội; con thú, ta biết nó biết chạy. Đối với loài chạy, thì ta có thể dùng lưới để săn; đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt; đối với loài bay thì ta có thể dùng tên bắn; đến như con rồng cưỡi mây cưỡi gió lên trời, ta không sao biết được! Hôm nay gặp Lão Tử, ông ta có lẽ là con rồng chăng?
Lão Tử trau dồi đạo đức, học thuyết của ông cốt ở chỗ giấu mình, kín tiếng. Ông ở nhà Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy bèn bỏ đi. Đến cửa quan, quan coi cửa là Doãn Hỷ nói:
- Ông sắp đi ẩn rồi, hãy gắng vì ta mà làm sách.
Rồi Lão Tử bèn làm sách,gồm hai thiên: thượng, hạ, nói về ý nghĩa của “đạo” và “đức” hơn năm nghìn chữ. Đoạn ra đi, không ai biết chết như thế nào.
@by txiuqw4