VĂN XƯƠNG ĐẾ QUÂN
Có hai quan điểm xếp hạng khác nhau về “Văn Xương Đế Quân”, một cho là tinh danh (tên sao), một cho là thần danh (tên thần), nên trong dân gian xưng là “sao Văn Xương ” hoặc “ Thần Văn tinh ”.
- Văn Xương Đế Quân còn gọi là “Tử Đồng”, “Văn Xương Đế”, “Tế Thuận Vương”, “Anh Hiển Vương”, “Tử Đồng Phu Tử”, “Tử Đồng Đế Quân”, “Lôi Ứng Đế Quân”, tất cả những tôn danh trên đều liên quan đến những sự kiện đặc biệt của Văn Xương Tinh.
* Sách “Sử ký—Thiên quan thư” chép:
“Sao Khôi phò cho sáu sao Văn Xương, một gọi là Thượng tướng, hai gọi là Thứ tướng, ba gọi là Quí tướng, bốn gọi là Tư mệnh, năm gọi là Tư trung, sáu gọi là Tư lộc”. Trong “Tinh kinh” (sách nói về sao) có ghi:“Sáu sao Văn tinh có hình bán nguyệt, nằm ở phía trước sao Bắc Đẩu, mỗi sao có một tên”.
Chức năng của sáu sao Văn Xương là Thượng tướng chủ về uy vũ, thứ tướng chủ về tả hữu, quí tướng chủ về văn tự, tư mệnh chủ về tai ách, tư trung chủ về lý lẽ, tư lộc chủ về thưởng công phong quan. Sáu sao nầy chưởng quản về văn chương chữ nghĩa lợi lộc trong thiên hạ, cho nên từ xưa, học trò và nhân sĩ đều sùng bái.
* Văn Xương Đế Quân còn được coi là chủ quản về thi cử, mệnh vận, là vị thần trợ giúp cho người đọc sách, viết văn (văn sĩ). Khi cầu về thi cử thì đây là vị thần tối thắng. Việc thờ phụng Ngài đã có từ đời Châu, trải qua nhiều đời soạn ra nghi thức đã ghi chép vào “Sách thờ cúng” của triều đình.
*Văn Xương vốn là “tên nhóm sao”, chỉ cho nhóm sáu sao nằm phía trên sao Khôi. Thời xa xưa, các nhà Chiêm Tinh đã giải thích đó là sao tốt, rất quí hiển. Đạo giáo tôn xưng đó là vị Thần chủ về công danh, lộc vị nên gọi là “Văn Tinh”. Từ thời Tùy, Đường, việc khoa cử đã thịnh hành, sao văn Xương được người học, văn nhân tôn trọng lễ lạy cầu khấn, nên gọi là “Văn Xương”, nghĩa là Thần coi sóc “Căn bản về việc thi cử và ban phát tước lộc cho các quan văn võ”. Trong Đạo giáo, hai sao Văn Xương và Tử Đồng cùng chỉ về công danh lợi lộc nên về sau hai vị thần nầy được hơp lại thành một.
*Văn Xương Tinh được nói gọn là Văn Tinh, hoặc Văn Khúc Tinh, là sao chủ về văn chương chữ nghĩa, như trong thơ của Đỗ Phủ có viết:
“Bắc phong tùy sảng khí—Nam đẩu tỵ văn tinh” (gió bắc mang sảng khoái, sao nam kỵ Văn tinh). Lại trong “Đông quan tấu” (tâu về quan sát hướng đông): “Buổi sáng sớm quan sát thấy sao Văn Xương bị mờ ám, ắt là khoa trường thi cử xảy ra việc gì rồi”.
*Đến năm cảnh Thái đời nhà Minh, vua Cảnh Tông cho xây dựng một tòa miếu vũ thờ Văn Xương tại Bắc Kinh, mỗi năm vào ngày mùng ba tháng hai sai người cử hành tế lễ rất long trọng. Đời nhà Thanh cũng rất sùng bái thần Văn Xương, nên năm Gia Khánh thứ sáu, vua Nhân Tông dạy quan Lễ Bộ ghi tên vị thần Văn Xương vào “Sách thờ cúng”.
*Còn theo quan điểm xếp Văn Xương Đế Quân vào nhân thần, cũng có hai phái: một là “ Văn Xương Đế Quân ”, hai là “Ngũ văn xương” ( 5 vị chủ quản văn học ), gồm có: Quan Thánh Đế Quân (Văn Hành Đế), Phù Hữu Đế Quân (Lã Đồng Tân), Văn Khôi Phu Tử, Châu Hi (Châu Y tinh quân), Khôi Đẩu (Khôi tinh gia), tổng hợp lại gọi là “Ngũ văn xương” vậy.
*Sách “Vân cấp thất tiêm” viết:
“Vị thần quân Văn Xương tên tự là Tiên Thường, là lá “phù” của mệnh lệnh vua, là tư mệnh của trung ương. Ngài có thể điều khiển vận mệnh người khác, chủ về bổn mạng và năm sanh của con người, nắm giữ tuổi thọ của con người”. Niềm tin về Thần Văn Xương có nguồn gốc từ tín ngưỡng về chiêm tinh.
*Trong “Sở từ--Cửu ca” có nói đến “thiểu tư mệnh, tức để chỉ vị sao thứ tư (của sáu sao Văn Xương). Thời Chiến Quốc đã đưa vào danh mục thờ cúng”.
*Trong “Minh sử--Kê chí” chép:
“Tử Đồng Đế Quân, họ Trương tên Á Tử, ở núi Thất Khúc đất Thục (Tứ Xuyên), chết khi đánh giặc Sĩ Tấn. Được người đời lập Miếu thờ. Đời Đường phong làm “Anh Hiển Vương”. Trong Đạo giáo cho Tử Đồng là chủ về văn chương và lộc thực của con người. Đời Nguyên gia phong Đế Quân. Các trường học đều có thờ phượng Ngài”.
* Trong “Đài Loan huyện chí” và “Chương Hóa huyện chí” có ghi:
“Tử Đồng Đế Quân, họ Trương tên Á Tử, ở núi Thất Khúc đất Thục (Tứ Xuyên), chết khi đánh giặc Sĩ Tấn, miếu thờ ở huyện Tử Đồng phù Bảo Ninh. Đời Đường, Tống phong làm “Anh Hiển Vương”. Trong Đạo giáo cho rằng Tử Đồng Đế Quân chủ về văn chương chữ nghĩa và chức tước quan lộc của con người, nhưng không nói đến phong hiệu Đế Quân. Các trường học khắp nhân gian đều có thờ cúng Ngài”.
*Tóm lại, Văn Xương Đế Quân có tên là TRƯƠNG Á TỶ. Sinh vào đời nhà Đường ở Việt Tuyền, sau dời nhà đến Thất Khúc Sơn ở huyện Tử Đồng tỉnh Tứ Xuyên. Ngài tin tưởng vào Đạo giáo, có công quảng bá Đạo giáo rất lớn ở tỉnh Tứ Xuyên. Sau khi chết, mọi người kính ngưỡng đức hạnh và công lao của Ngài, xây dựng Miếu thờ ở núi Thất Khúc lấy tên là “Thanh Hư Quán” (miếu Thanh Hư). Trên văn bia khắc là “Tử Đồng Quân” nên nhân gian gọi là Thần Tử Đồng, được nhiều người cúng bái. Đời vua Huyền Tông và Hi Tông nhà Đường, khi chạy trốn đến Tứ Xuyên, dựa vào niềm tin của dân chúng, có phong cho Ngài làm “Tả Thừa Tướng” và sau là “Tế Thuận Vương”. Đến năm Diên Hựu thứ ba đời vua Nhân Tông nhà Nguyên (năm 1316) sắc phong làm “Phụ Nguyên Khai Hóa Văn Xương Tư Lộc Hoành Nhân Đế Quân”, nói gọn là “Văn Xương Đế Quân”. Trải qua nhiều đời phong tặng, nhưng đến lúc nầy (nhà Nguyên) mới thấy xuất hiện danh xưng “Đế Quân” lần đầu. Điều nầy có nghĩa là có sự kết hợp giữa tín ngưỡng về văn xương của dân gian và nhân vật Trương Á Tỷ làm một. Từ đó, Tử Đồng Đế Quân trở thành vị thần chủ quản về văn chương và học vấn. Được các vua triều đại nhà Đường hết sức đề cao, nên từ một vị thần ở địa phương Tứ Xuyên trở thành vị thần của cả nước, hợp nhất với Thần Văn Xương kể từ đó.
*Đời nhà Tống và đời nhà Nguyên, các đạo sĩ nương theo lòng tin của quần chúng mà chính thức tôn xưng Văn Xương Đế Quân thành một vị Tiên có chức năng cai quản về tuổi thọ, việc học hành và chức phận của con người. Thời xưa, việc ra làm quan đều là nhờ vào kết quả của việc học tập, nên khắp nơi trong nước, chỗ nào cũng xây dựng Miếu Thờ Ngài. Từ đời Minh trở đi, tại mỗi trường học đều có gian thờ và cúng tế Văn Xương Đế Quân. Đời nhà Thanh, đến sinh nhật của Ngài là mùng hai tháng ba âm lịch, có các quan thay mặt nhà vua đến Văn Xương Miếu (ở Bắc Kinh) để cúng tế trọng thể. Như vậy, khởi thủy của Văn Xương là từ Đạo giáo mà có, nhưng càng về sau lại càng đậm nét Nho giáo.
*Đời Nam Tống, các đạo sĩ mượn lời của Văn Xương Đế Quân làm thành sách “Văn Xương Đế Quân Âm Thiệp Văn” (bài văn của Văn Xương Đế Quân dạy về cõi âm). Đây là một quyển sách khuyên mọi người cố gắng hết sức để làm thiện tích đức, có tác dụng rất tốt và ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Đồng thời cũng có hai quyển khác là “Thái Thượng Cảm Ứng thiên” và “Quan Đế Giác Thế Chân Kinh’ (mượn lời của ông Quan Vũ để giáo hóa người), trở thành ba quyển “chân kinh” dạy thế nhân làm thiện.
*Văn Xương Đế Quân còn quản lý về việc thi cử, chủ về công danh lợi lộc cho sĩ tử, danh xưng sánh với Ngài Khổng Tử, được mọi người từ quan đến dân đều sùng bái. Ảnh hưởng của Ngài rất lớn và phổ biến rộng rãi trong sinh hoạt quần chúng, như là các hội quán của nhà in, nhà sách, cơ sở buôn bán các văn phòng phẩm, các nhà buôn … đều lấy tên là “Văn Xương Hội Quán”.
*Từ xưa, các vua đều lấy việc cúng tế Văn Xương Đế Quân làm một kỳ tế lễ quan trọng. Trong dân gian thì phàm những người có đi học, người đã đỗ tú tài, cống sinh, cử nhân … các trường học đều chuẩn bị phẩm vật cúng tế và “nguyên con trâu” mang đến Miếu văn Xương để cử hành nghi thức “Tam hiến lễ” mà cúng tế Ngài.
Nhiều đời, các quan sở tại đều có lời nhắc nhở những trường học trong địa phương phải chú ý đến việc thờ phượng và cúng kiến vị thần Văn Xương nầy.
*Trong “Hằng Xuân huyện chí” có ghi về Ngài như sau:
“Được đưa vào danh sách cúng tế là để đề cao tinh thần thông minh trí tuệ, đề cao việc học hành khoa cử cầu công danh của con người vậy”.
*Trong “Chương Hóa huyện chí” thì ghi:
“Nhiều đời truyền bá những lời dạy của Ngài ( Văn Xương Đế Quân ) như là: Âm Thiệp văn, Khuyến Hiếu văn, Hiếu kinh giải nghĩa …đều không trái với ý thánh nhân, nên được mọi người sùng kính, xem là loại sách “gối đầu giường”. Như thế, không phải chỉ là để mong cầu khoa cử công danh mà còn để cầu phúc lộc nữa”.
*Ngày thánh đản của Văn Xương Đế Quân là ngày mùng hai tháng ba âm lịch.
@by txiuqw4