sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thuyền Con Trên Biển Cả.

Bão tuyết là một trong những chuyện còn mới lạ trên biển. Đó là khí tượng mù mịt nhất; mù mịt trong mọi ý nghĩ của từ ngữ. Đó là một hỗn hợp của sương mù và bão, và đến nay con người vẫn chưa hiểu rõ hiện tượng này làm. Vì vậy mà còn nhiều tai họa.

Người ta muốn giải thích tất cả bằng gió và nước.

Nhưng trong không khí có một sức mạnh không phải là nước, và trong nước có một sức mạnh không phải là sóng. Sức mạnh này, trong không khí cũng như trong nước vẫn là một, là cái khí âm dương trong trời đất.

Không khí và nước là hai khối lỏng, gần đồng nhất, hoà lẫn vào nhau do sự ngưng tụ và sự giãn nở, y hết thở là uống; khí âm dương riêng lẻ thuộc về thể lỏng. Gió và sóng chỉ đẩy từng lúc, tưng đợt, còn khí âm dương là một dòng chảy liên tục. Nhờ mây trời ta thấy được gió, nhờ bọt nước ta thấy được sóng, nhưng khí âm dương thì không thể thế được.

Tuy nhiên thỉnh thoảng nó cũng lên tiếng; ta đây. Cái Ta đây là một tiếng sét.

Bão tuyết đặt ra một vấn đề tương tự như sương mù khô. Nếu có thể giải thích được hiện tượng Calina[56] của người Tây Ban Nha và hiện tượng quobar của người Êtiôpia thì chắc chắn việc giải thích ấy phải dựa vào sự quan sát chăm chú từ khí.

Không khí âm dương, một số lớn hiện tượng vẫn còn bí hiểm. Nói cho cùng, chính những thay đổi vận tốc của gió, trong bão táp chuyển từ ba bộ một giây thành hai trăm hai mươi bộ, là nguyên nhân những biến thể của sóng đi từ ba tấc lúc biển lặng, đến ba mươi sáu bộ lúc biển nổi giận; nói cho cùng, cái thế thổi ngang của gió, dù đang lúc giông bão, giúp ta hiểu tại sao một ngọn sóng cao ba mươi bộ lại có thể dài tới một nghìn năm trăm bộ; nhưng tại sao sóng Thái Bình Dương gần Châu Mỹ lại bốn lần cao hơn sóng ở gần Châu Á, nghĩa là ở phía tây cao hơn ở phía đông; tại sao trên Đại Tây Dương lại ngược lại; tại sao ở vùng xích đạo, giữa biển lại cao hơn hết; do đâu mà có sự di chuyển cái bướu của đại dương? Chỉ có từ lực, kết hợp với sự chuyển động của quả đất và sức hút của tinh tú mới giải thích được.

Ta đã chẳng phải viện đến hiện tượng phức tạp bí mật ấy để giải thích một dao động của gió xuất phát từ phía tây đi, chẳng hạn từ đông nam lên đông bắc, rồi đột ngột trở về cung theo vòng tròn to đó, từ đông bắc xuống đông nam, làm một vòng tròn kỳ diệu năm trăm sáu mươi độ trong ba mươi sáu giờ đồng hồ là gì? Đó là hiện tượng mở đầu của trận bão tuyết ngày 17 tháng ba năm 1867.

Những sóng bão của Châu Úc cao đến tám mươi bộ; đó là vì gần địa cực. Bão ở những vĩ tuyến ấy do gió quần thì ít mà do hiện tượng phóng điện liên tục ngầm dưới biển nhiều hơn; năm 1866 hoạt động của đường dây cáp xuyên Đại Tây Dương thường xuyên bị rối loạn mỗi ngày hai tiếng, từ giữa trưa đến hai giờ, bởi một thứ sốt cách quãng. Từ một số hợp lực và một số phân lực nảy sinh ra những hiện tượng, buộc người đi biển phải tính toán nếu không thì bị đắm ngay. Ngày mà ngành hàng hải vẫn dựa vào thói quen, trở thành một môn toán học ngày mà người ta tìm hiểu chẳng hạn vì sao tại những vùng chúng ta ở, đôi khi gió nóng lại từ phương bắc thổi tới và gió lạnh lại từ phương nam thổi lên, ngày mà người ta hiểu rằng nhiệt độ tụt theo tỷ lệ thuận với chiều sâu đại dương, ngày mà người ta luôn luôn ý thức rằng quả đất là một khối nam châm to được phân cực trong vũ trụ bao la, có hai trục, một trục quay và một trục của khí âm dương, cắt nhau ở trung tâm quả đất, rằng các từ cực xoay quanh các địa cực, bao giờ những người liều bỏ cuộc sống sẽ liều một cách khoa học, bao giờ người ta vượt biển trên sự bất ổn định được nghiên cứu kỹ, bao giờ thuyền trưởng là một nhà khí tượng học, bao giờ hoa tiêu là một nhà hóa học, lúc ấy biết bao tai hoạ sẽ được tránh khỏi. Biển cả mang nặng tính chất nước bao nhiêu thì cũng mang đầy đủ từ tính bấy nhiêu, một đại dương của nhiều lực trôi nổi xa lạ, trong đại dương của sóng cả; có thể nói là theo dòng nước cuốn. Chỉ nhìn thấy trong biển cả một khối nước, mà không thấy biển cả; biển cả vừa là một sự đi lại của chất lỏng vừa là sự lên xuống của chất nước; những lực hút làm cho nó phức tạp có lẽ hơn cả những trận cuồng phong; lực dính phân tủ thể hiện, cùng với các hiện tượng khác bởi lực mao dẫn, rất nhỏ đối với chúng ta tham dự trong đại dương vào cái vĩ đại của những khoảng mênh mông; và sóng lực lúc thì giúp ta, lúc thì cản trở sóng không khí và sóng luật về thủy lực học; vì cái nọ lồng vào cái kia. Không có ngành học nào khó hơn, quả thật thế, và mờ mịt hơn; nó gần với kinh nghiệm luận cũng như khoa thiên văn gần với khoa chiêm tinh. Tuy nhiên không có ngành học đó thì không có ngành hàng hải.

Bây giờ, ta qua điểm khác.

Một trong những hợp chất đáng sợ nhất của biển cả là bão tuyết. Bão tuyết, chủ yếu mang tính chất từ lực. Địa cực tạo ra nó như tạo ra bình minh bắc cực; địa cực nằm trong lớp sương mù ấy cũng như nằm trong màn ánh sáng kia; và trong bông tuyết cũng như trong vằn lửa có thể trông thấy được khí âm dương.

Bão tuyết là những cơn co giật và mê sảng của biển cả. Có những lúc biển cả nhức đầu sổ mũi. Có thể xem bão táp như những thứ bệnh. Có thứ chết ngườỉ có thứ không; người ta qua khỏi bệnh này, không qua khỏi bệnh kia. Bão tuyết thông thường được xem như chết người. Jarabila, một trong số hoa tiêu của Magienlăng[57], gọi nó là “một đám mây thoát từ khía cạnh xấu của quỉ sứ[58]”. Xuyêckuph nói: Loại bão ấy khủng khiếp lắm.

Nhưng nhà hàng hải Tây Ban Nha ngày xưa gọi loại bão tuyết này là lanevada khi còn là bông tuyết, và là lahelada khi thành mưa đá. Theo họ nói thì trên trời có cả giơi rơi xuống cùng với tuyết. Bão tuyết là đặc điểm của những vĩ tuyến gần đại cực Tuy nhiên đôi khi chúng cũng trườn bò, hầu như có thể nói là chúng đổ xuống đến tận những vùng khí hậu của ta, tàn phá vốn hay xen lẫn với những tình cờ của không khí.

Như ta đã thấy, con thuyền Matutina lúc rời Porlan đã quyết tâm lao vào chỗ may rủi nhất của đêm trường mà một cơn bão gần đang tăng thêm phần nguy hiểm. Nó đã lao vào chốn hiểm nghèo với một khí thế liều lĩnh bi đát. Tuy nhiên ta cần nhấn mạnh sự cảnh cáo đã không nhằm sai nó.

Chiếc thuyền còn ở trong vịnh Porlan thì biển còn ít động; sóng hầu như lặng. Mặc dù đại dương có ngả sang màu nâu, trời vẫn sáng. Gió chỉ thổi nhẹ vào thuyền. Chiếc thuyền cố men theo vách biển, đó là tấm binh phong tốt của nó.

Có tất cả mười người trên chiếc xuồng Bixcay, ba thuỷ thủ và bảy hành khách, trong đó hai phụ nữ. Nhờ ánh sáng của biển cả, vì vào lúc hoàng hôn ngoài khơi bao giờ cũng bừng sáng, lúc này có thể trông thấy rõ nét tất cả mọi gương mặt. Vả lại không phải trốn tránh nữa, không ngại ngùng nữa, ai cũng được tự do đi lại, cười nói, phô mặt, vì ra đi là giải thoát.

Nổi bật nhất là tính chất ô hợp của nhóm người. Cánh phụ nữ thì khó đoán được tuổi; cuộc sống lang thang thường làm cho con người ta chóng già và đói rách là nét nhăn trên mặt. Một mụ thuộc dân Baxcơ miền Nam nước Pháp; mụ kia, mụ đeo tràng hạt to, là dân Iêclăng. Họ có vẻ mặt dửng dưng của những người cùng khổ. Lúc xuống thuyền họ ngồi cạnh nhau trên mấy cái hòm ở chân cột buồm. Lúc này họ đang gẫu chuyện; như chúng tôi đã nói, tiếng Iêclăng và tiếng Baxcơ là hai ngôn ngữ cùng gốc. Tóc mụ người Baxcơ xức nước hành và hoắc hương. Chủ thuyền người Baxcơ ghipuquăng; một thuỷ thủ người Baxcơ triền bắc Pirênê[59] tên người Baxcơ triền nam, nghĩa là cùng xứ, mặc dù tên thứ nhất là người Pháp, tên thứ nhì là người Tây Ban Nha. Người Baxcơ không bao giờ công nhận có Tổ quốc chính thức. Mimadre se llama montanna, “mẹ tôi tên là núi”, Zalarơx nói. Trong năm tên đàn ông đi theo hai mụ kia, một tên người Pháp miền Lăngơđôc, một tên người Pháp miền Prôvăng, một tên gốc thành phố Giên; một lão già, người đội mũ dạ không có lỗ dắt tẩu, hình như là dân Đức; tên thứ năm, thủ lĩnh, người Baxcơ miền Bixcarôx. Chính tên này, lúc em bé sắp nhảy xuống thuyền, đã dùng gót hất tấm ván cầu xuống biển. Hắn lực lưỡng, nhanh như cắt, ta còn nhớ, đầy ren, rua và những mảnh trang kim khiến bộ cách rách rưới hoá ra rực rỡ, không thể đứng yên chỗ, lúc cúi xuống, lúc ngẩng lên, đi đi lại lại từ đầu này thuyền đến đầu kia, như lo lắng giữa việc hắn vừa làm và điều sắp xảy ra.

Tên thủ lĩnh này, cùng viên chủ thuyền và hai tay thuỷ thủ, cả bốn đều người Baxcơ, lúc nói tiếng Baxcơ, lúc nói tiếng Tây Ban Nha, lúc nói tiếng Pháp, vì ba ngôn ngữ này đều phổ biến trên hai triền núi Pirênê.

Vả lại, trừ hai mụ kia, tất cả đều nói lơ lớ tiếng Pháp, vốn là tiếng gốc lóng của bọn người này. Từ thời ấy tiếng Pháp bắt đầu được các dân tộc chọn làm trung gian giữa miền bắc quá nhiều phụ âm và miền nam quá nhiều nguyên âm. Ở Châu Âu thương mại dùng tiếng Pháp; trộm cắp cũng thế. Người ta còn nhớ Gibby, tên trộm của Luân đôn, hiểu được Cactut.

Chiếc thuyền, thuộc loại thuyền buồm nhẹ, đi rất nhanh; tuy nhiên, mỗi người, thêm hành trang, vẫn quá nặng đối với chiếc xuồng mẫu yếu ớt như thế.

Việc chiếc thuyền này cứu vớt bọn người kia không đòi hỏi nhất thiết cánh thủ thủ phải cùng hội với bọn kia. Chỉ cần chủ thuyền là một vascongado[60], và tên đầu đảng cũng là một kẻ như thế. Tương trợ trong giống người này là một bổn phận, không chấp nhận biết lệ.

Người Baxcơ, chúng tôi vừa nói, không phải là dân Tây Ban Nha, cũng không phải là dân Pháp, hắn là người Baxcơ, luôn luôn và ở tất cả mọi nơi hắn phải cứu giúp dân Baxcơ. Tình huynh đệ Pirênê vốn như vậy.

Suốt thời gian chiếc thuyền còn trong vịnh, bầu trời tuy có âm u vẫn không xấu lắm, khiến bọn đảo tẩu phải lo ngại. Rủ nhau đi trốn, giờ đây thoát được, thôi thì mặc sức vui nhộn. Đứa này cười, đứa kia hát. Tiếng cười khô khan nhưng tự do; giọng hát khe khẽ nhưng vô tư lự.

Tên người Lănggơđôc luôn luôn gào to; caougaguo! “Cõi tiên!” là tột cùng của sự thích thú kiểu nacbone. Hắn là một tay thủy thủ nửa vời, một thổ dân làng vạn chài Gruytxăng trên triền nam Cláp, thạo đi sông hơn đi biển, nhưng quen chèo pê-rít-xoa trên hồ Bagiơ, và quen kéo thuyền cá trên cát mặn ở Xanhtơ Luyxi. Hắn thuộc lớp người đội mũ đỏ không vành[61], làm dấu thánh giá lăng nhăng kiểu Tây Ban Nha, uống rượu da dê, tu nước túi da, cạo dăm bông, qùi gối để bổ báng Chúa và vừa khấn khứa thánh bảo trợ và hăm doạ; Đại thánh hãy ban cho tôi những gì tôi cầu xin, nếu không, tôi sẽ ném đá vào đầu Thánh, “Ou té fég un pic”.

Hắn có thể, khi cần, tiếp sức đắc lực với toàn thể thuỷ thủ. Tên Prôvăng, đứng trong khoang lương thực, đang nhóm ngọn lửa than bùn dưới cái nồi sắt và đang nấu món xúp.

Món xúp này là một món hầm trong đó cá thay cho thịt, lại được tên Prôvăng cho thêm đỗ trắng, mỡ thái quân cờ, và ít quả ớt đỏ, đó là những khoảng ngươi ăn tạp-pí-lù nhượng bộ người ăn món olla podrida[62]. Một bao thực phẩm, mở tung, để bên cạnh. Hắn đã thắp ngay trên đầu, một ngọn đèn kính, lúc la lúc lắc ở cái móc trên trần kho lương thực. Bên cạnh, ở một cái móc khác, con chim bói cá chỉ hướng gió, đang đung đưa. Hồi ấy dân chúng mê tín cho rằng chim bói cá chết, treo mỏ, bao giờ cũng xoay ngực về phía gió.

Vừa để ý nấu món xúp tên Prôvăng thỉnh thoảng lại đưa bầu rượu lên mồm tu một hơi. Đây là loại bầu có bao mây, to, bẹp, có quai, người ta thường đeo bằng dây bên cạnh và gọi là “bầu hông”. Giữa mỗi ngụm hắn lại nhấm nhẳng một đoạn của một bài hát nông thôn mà chủ để chẳng có gì hết; một con đường trũng, một bờ rào; trên cánh đồng, qua một lỗ hổng trong bụi cây người ta thấy cái bóng ngả dài của một chiếc xe và một con ngựa lúc chiều tà, và thỉnh thoảng trên bờ rào ẩn hiện một cái đầu đinh ba xốc đầy rơm rạ. Chẳng cần gì hơn đối với một bài hát.

Mỗi lần ra đi, tùy điều vương vấn trong tâm trạng hay trong đầu óc, là một lần thanh thản hay phiền muộn. Tất cả mọi người đều có vẻ như trút được gánh nặng, trừ một nhân vật, đấy là lão già trong nhóm, người đội mũ không có tẩu thuốc.

Lão già này, có vẻ là người Đức hơn cả, mặc dù lão có một bộ mặt không rõ thuộc nước nào, hói đầu, và hói đến mức tưởng như nhẵn thín. Mỗi lần đi ngang trước tượng Đức Bà Đồng Trinh ở mũi thuyền, lão lại bỏ cái mũ dạ ra, và người ta thấy được những mạch máu càng phồng, lão suy, trên sọ. Lão quấn một loại áo chùng đã sờn và rách thủng, bằng vải chéo nâu Đorsextơ, chỉ che giấu được phần nào cái áo nịt vừa bó vừa chật, và có khuy móc kín đến tận cổ như áo thầy tu. Hai bàn tay thò ra ngoài tà áo và chắp lại một cách tự nhiên do thói quen cầu nguyện. Có thể nói lão ta có vẻ mặt tái nhợt; vì diện mạo chủ yếu là một thứ phản quang, và cho rằng ý nghĩ không có màu sắc là sai. Vẻ mặt này tất nhiên là bề ngoài của một tâm trạng lạ lùng là hợp thành của nhiều mâu thuẫn, một số mang sắc thiện, một số lẫn mẩu ác, và đối với nhà quan sát là biểu hiện một cái gì gần như nhân hậu có thể rơi xuống dưới chân hổ hoặc vượt lên trên con người. Tâm hồn vẫn có những hình thái ô hợp như thế. Trên khuôn mặt này có cái gì rất khó phân tích. Bí mật ở đây đạt đến chỗ trừu tượng. Người ta hiểu con người này đã từng biết tiền vị của cái ác là sự tính toán, và dư vị là số không. Trong nét thản nhiên của lão có lẽ chỉ bề ngoài thôi, có in dấu vết của hai vẻ sắt đá, vẻ sắt đá của con tim, đặc điểm của tên đao phủ, và vẻ sắt đá của đầu óc, đặc điểm của viên quan lại. Có thể khẳng định, vì cái quái đản cũng có kiểu hoàn chỉnh của nó, rằng đối với lão mọi việc đều có khả năng, kể cả xúc động. Nhà bác học nào cũng có phần giống xác chết; con người này là một nhà bác học. Chỉ nhìn thấy lão người ta đã đoán ngay ra cái khoa học in dấu trên cử chỉ và trong những nếp áo của lão. Đó là một bộ mặt hoá thạch mà vẻ nghiêm trang lại trái ngược với vẻ linh hoạt đầy nếp nhăn của con người thông thạo nhiều thứ tiếng đến nỗi hoá ra nhăn nhở. Tuy vậy vẫn nghiêm nghị, chẳng có gì giả dối nhưng chẳng có gì là vô liêm sỉ.

Một con người mơ mộng bi đát. Đây là con người mà tội ác đã bắt phải trầm tư. Lão có cặp lông mày của một tay buôn xì gà đã biến đổi vì vẻ nhìn của một vị tổng giám mục. Mái tóc thưa thớt hoa râm của lão bạc trắng ở hai bên thái dương. Người ta cảm thấy ở lão con người theo đạo Thiên chúa bị các thuyết định mệnh Thổ Như Kỳ biến thành phức tạp. Bệnh thống phong nổi cục làm biến dạng những ngón tay gầy guộc; vóc người cao nhẳng của lão nom rất buồn cười; lão có bàn chân thuỷ thủ. Lão bước thong thả trên boong, không nhìn một ai vẻ tự tin và nham hiểm.

Hai con ngươi lão mơ hồ đầy cái ánh đăm chiêu của một tâm hồn chăm chú nhìn bóng tối, và phụ thuộc vào những lúc lương tâm trỗi dậy. Chốc chốc tên đầu đảng, hấp tấp, nhanh nhẹn, đi theo những hình chữ chi gấp trên thuyền, lại đến nói vào tai lão. Lão già chỉ gật hay lắc đầu để trả lời. Có thể nói đấy là tia chớp hỏi ý kiến trời đêm.

Trên thuyền có hai người đăm chiêu lão già đó và viên chủ thuyền mà ta không nên lẫn lộn với tên đầu đảng; viên chủ thuyền đăm chiêu vì biển cả, lão già đăm chiêu vì điềm trời. Một bên không rời mắt khỏi sóng nước, một bên dán mắt giảm sát trời mây. Luồng nước là mối lo âu của viên chủ thuyền, lão già dường như ngờ vực thiên đỉnh. Lão rình đón tinh tú qua tất cả các khoảng trời mây.

Giây phút này trời vẫn sáng, một số sao bắt đầu lấm tấm le lói trên màn trời trong.

Chân trời thật khác thường. Sương mù ở đây luôn luôn biến đổi.

Trên mặt đất có nhiều sương hơn và trên biển cả nhiều mây hơn.

Ngay trước lúc ra khỏi vịnh Porlan viên chủ thuyền luôn luôn lo ngại về sóng nước đã lập tức lưu tâm tỉ mỉ đến mọi công việc. Y trông chờ ra khỏi mũi vịnh. Y kiểm tra lại dây lèo, dây chằng, dây trục xem có tốt không, đó là những công việc phỏng xa của một người đang định làm những chuyện liều lĩnh về tốc độ.

Thuyền hơi chúi mũi, hơn đàng lái đến gần năm mươi phân, đấy là nhược điểm của nó.

Viên chủ thuyền luôn luôn hết xem la bàn lại cầm com pa, và ngắm qua ống kính các vật trên bờ để xác định chiều gió. Thoạt tiên là một thứ gió hiu hiu thổi ngang; y không có vẻ gì khó chịu về ngọn gió này mặc dù có chệch hướng đi mất độ năm sáu vạch. Y tranh thủ đích thân nắm lấy cần lái, có vẻ như chỉ tin ở mình để khỏi phí hoài sức lực, hiệu quả của bánh lái được duy trì nhờ khéo rẽ nước nhanh.

Thuyền đi càng nhanh khác biệt giữa độ lệch thật sự và độ lệch theo mắt thấy càng lớn, chiếc thuyền hình như hướng nhiều về gốc gió hơn trên thực tế. Thuyền không gặp gió xiên và đi không thật đúng hướng, nhưng người ta chỉ biết được độ lệch thật sự khi gặp gió phía sau. Nếu thấy trên mây có những vết dài châu đầu vào một điểm ở chân trời điểm đó là gốc gió; nhưng chiều hôm ấy có nhiều gió quá, và chiều gió thật mơ hồ; vì vậy tay chủ thuyền không tin vào những ảo giác của chiếc thuyền.

Y vừa rụt rè vừa táo bạo trong tay lái, y lựa theo chiều gió, chú ý những lúc có thay đổi đột ngột, thận trọng khi chệch hướng, không để cho thuyền lao nhanh, quan sát khi thuyền trôi, ghi nhận những lúc tay lái khẽ giật, để mắt đến mọi trường hợp chuyển động, đến những lúc tốc độ rẽ nước không đều, đến những cây gỗ trôi giạt, luôn luôn giữ cách bờ biển đang men theo độ một phần tư góc gió vì sợ xảy ra sự biến, và nhất là giữ cho góc độ giữa chong chóng chỉ gió và sống thuyền được to hơn góc độ của buồm, vì góc độ chỉ trên la bàn luôn luôn đáng ngờ, do la bàn bé quá. Mắt y luôn luôn cúi gằm, quan sát tất cả mọi hình dạng của mặt nước.

Tuy vậy cũng có lần y ngước mắt nhìn khoảng không và cố nhận ra ba ngôi sao trong chòm Thần Nông; mấy ngôi sao đó được gọi là ba vị đạo sĩ, và những hoa tiêu Tây Ban Nha ngày xưa có một tục ngữ cổ: Ai trông thấy ba vị đạo sĩ thì không xa Chúa lắm.

Đúng lúc viên chủ thuyền nhìn trời thì ở đầu thuyền đằng kia lão già cũng lầu bầu một mình.

- Đến giảng đường Vệ binh, và cả sao Tâm cũng chẳng thấy đâu, mặc dầu nó đỏ như thế. Không nhìn rõ một ngôi nào hết.

Những tên chạy trốn khác chẳng có vẻ gì lo lắng cả.

Tuy nhiên khi giây phút vui nhộn đầu tiên của cuộc đào tẩu đã qua, cũng phải nhận thấy là mình đang ở trên biển vào tiết tháng giêng và gió bắc lạnh buốt.

Không thể nào ngồi trong cabin, quá chật lại ngổn ngang hành lý và bao bị. Hành lý của hành khách, và bao bị của thuỷ thủ, vì đâu phải thuyền đi chơi mà là thuyền buôn lậu. Hành khách đành phải ngồi trên boong; điều nhẫn nhục cũng dễ đối với cánh du cư này. Những thói quen sống ngoài trời khiến bọn lang thang cũng dễ thu xếp; ban đêm, trăng sao là bạn bầu của họ; và cái rét giúp cho họ dễ ngủ và đôi khi dễ chết nữa.

Vả lại đêm hôm ấy, như ta vừa thấy vắng bóng trăng sao.

Tên Lănggơdôc và tên gốc thành phố Giên, vừa chờ bữa ăn tối vừa ngồi thu lu bên cạnh mấy mụ ở chân cột buồm, dưới mấy tấm vải che hàng mà cánh thuỷ thủ vứt cho họ.

Lão già hói đứng phía trước trơ trơ như tượng gỗ và như không biết rét là gì.

Viên chủ thuyền, từ chỗ cần lái y đang đứng, cất tiếng gọi khàn khàn gần giống tiếng hót của thứ chim bên Mỹ gọi là Con Kêu than; nghe tiếng hót đó tên đầu đảng vội đến gần và viên chủ thuyền bảo thẳng hắn: Etcheco jaìina! Hai tiếng Baxcơ này có nghĩa là “anh nông dân miền núi”, đối với cánh Pirênê thời xưa ấy, là một lời mở đầu long trọng và ra lệnh chú ý.

Rồi viên chủ thuyền đưa ngón tay chỉ lão già cho hắn, và câu chuyện giữa hai người tiếp tục bằng tiếng Tây Ban Nha hơi sai văn phạm vì là tiếng Tây Ban Nha miền núi. Sau đấy là những câu hỏi và câu trả lời:

- Etcheco jaiina, que es este hombre?

- Un hombre.

- Que lenguas habla?

- Todas.

- Que cosas sabe?

- Todas.

- Qual pais?

- Ningun, y todos.

Qual Dios?

- Dios.

- Como le llamas?

- El Tonto.

- Como dices que le llamas?

- El Sabio.

- En vuestre tropa, que esta?

- Esta lo que esta.

- El gefe?

- No.

- Pues, que esta?

- La alma[63]

Tên đầu đảng và viên chủ thuyền buông nhau, mỗi người trở về với tư tưởng của mình, và chỉ lát sau con thuyền Matutina ra khỏi vịnh.

Biển khởi bắt đầu dao động mạnh.

Giữa những quãng cách của bọt sóng, biển cả có cái vẻ ngoài nhờn nhờn; sóng nước, nhìn nghiêng nghiêng tít tắp, trong ánh chiều hôm, giống như những vũng mật đắng. Đây đó một ngọn sóng, bềnh bồng sát mặt nước, phô ra những vết rạn và những ngôi sao như một tấm kính bị ném đá. Giữa những ngôi sao ấy, trong một lỗ xoáy, lung linh một điểm lân tinh, gần giống tia phản quang nham hiểm của ánh sáng vừa biến mất trong con ngươi những con cú mèo.

Thuyền Matutina, hiên ngang và như một nhà bơi lội dũng cảm, vượt qua quãng lăn tăn dễ sợ của bãi Sămbua. Bãi Sămbua, một chướng ngại vật ngầm ở cửa vịnh Prolan, không phải là một cái đập, mà là một hý trường. Một rạp xiếc bằng cát dưới nước, những bậc ghế do những vòng sóng tạc đẽo nên, một đấu trường tròn, đối xứng, cao như một Yungfrau nhưng chìm dưới nước, một Côlizê[64] của đại dương mà người thợ lặn thoáng nhìn thấy qua lớp nước lung linh của vực xoáy trong đó là bãi Sămbua. Giống giao long thường đánh nhau ở đấy, lũ quái vật lấy đấy làm chỗ gặp nhau, theo truyền thuyết, ở đáy cái phễu khổng lồ, có những xác tàu bị con nhện kếch xù Krakeh, còn gọi là con cá-núi, bắt và nhận chìm. Bóng đen khủng khiếp của biển cả là như vậy.

Những hiện thực ma quái ấy, mà con người không hay biết đến, biểu hiện lên mặt nước như một chút sóng lăn tăn.

Hồi thế kỷ mười chín, bãi Lămbua bị huỷ hoại. Cái đập chắn sóng mới xây dựng đã phá đổ và cắt khúc công trình kiến trúc ngầm vĩ đại này vì sóng hồi dữ quá, cũng như cái đập bảo hộ xây dựng ở Croazi năm 1760 đã làm thay đổi giờ thuỷ triều đến mười lăm phút. Vậy mà thuỷ triều vốn vĩnh cừu; nhưng vĩnh cửu lại tuân theo con người nhiều hơn ta tưởng.

Lão già mà tên đầu đảng trước gọi là Thằng Điên, sau gọi là Nhà Hiền Triết, không rời khỏi mũi thuyền nữa. Từ lúc qua khỏi bãi Sămbua, lão chăm chú hết nhìn trời lại nhìn đại dương. Lão nhìn xuống chán lại nhìn lên; lão quan sát kỹ nhất hướng đông bắc.

Viên chủ thuyền giao cần lái cho một thuỷ thủ, rồi bước qua đống dây cáp, đi xuyên từ lái đến mũi, và tới bên con người đứng ở mũi thuyền.

Y đến cạnh lão già nhưng không đến thẳng trước mặt. Y hơi đứng cách đằng sau, khuỷu tay áp sát sườn, hai bàn tay cách nhau, đầu cúi cúi trên vai, mắt mở to, lông mày dướn cao, nhếch mép mỉm cười, đấy là cử chỉ tò mò lửng lơ giữa châm biếm và kính trọng.

Lão già, hoặc do đôi khi quen nói một mình hoặc do cảm thấy có người sau lưng thúc lão phải nói, liền bắt đầu vừa độc thoại, vừa ngắm nhìn trời biển.

- Kinh tuyến mà ta định ngược thẳng lên, trong thế kỷ này được đánh dấu bằng bốn ngôi sao, Bắc đẩu, ghế Thiên hậu, đầu Tiên nữ, và sao Angiênip, ở trong chòm Phi Mã. Nhưng chẳng thấy sao nào cả.

Những lời đó cứ tự động nối tiếp nhau; dồn dập, gần như trào ra chứ không phải do lão nói lên. Chúng trôi ra khỏi mồm lão và tan biến mất. Độc thoại là khói cua những ngọn lửa bên trong trí tuệ.

Viên chủ thuyền cắt ngang:

- Thưa ngài.

Lão già, có lẽ hơi nặng tai đồng thời đang mải trầm tư, vẫn tiếp tục:

- Chẳng có mấy sao, lại quá nhiều gió. Gió luôn luôn rời khỏi hướng đi để quật vào bờ. Nó quật thẳng vào bờ.

Vì đất liền nóng hơn biển cả. Không khí trong bờ nhẹ Hơn. Gió lạnh và nặng của biển cả xô vào đất liền để thay thế nó. Bởi vậy trong khoảng trời rộng gió thổi vào đất liền từ khắp mọi phía. Vậy cần phải đivát thật dài giữa vĩ tuyến áng chừng và vĩ tuyến trên bản đồ. Khi vĩ tuyến quan sát không khác vĩ tuyến bản đồ quá ba phân giác trên mười dặm, và quá bốn phân giác trên mươi dặm, thì đang đi đúng đường.

Viên chủ thuyền cúi chào, nhưng lão già vẫn không trông thấy y. Con người ấy, hầu như khoác áo trường đại học Ôcxfơc hay Gơtinh, vẫn không thay đổi thế ngồi kiêu ngạo ngang ngạnh của mình. Lão quan sát biển cả theo kiểu người từng trải sóng nước và con người. Lão nghiên cứu sóng, nhưng gần như lão xin đến lượt mình được nói trong tiếng ầm ầm của sóng, và dạy cho sóng một điều gì đó. Trong lão vừa có ông đồ gàn vừa có ông thầy đoán mộng. Lão có cái vẻ của nhà thông thải dởm về đáy biển.

Lão tiếp tục bản độc thoại, có lẽ làm ra cũng để nói cho người khác nghe.

- Cũng có thể chống đỡ được, nếu có một bánh xe chứ không phải một cái cần gỗ. Với tốc độ bốn dặm một giờ, một sức mạnh ba mươi livrơ[65] đè lên bánh xe có thể tạo nên ba mươi vạn livrơ kết quả vào hướng đi. Và hơn thế nữa vì có những trường hợp người ta quay luôn thêm hai vòng.

Viên chủ thuyền cúi chào lần thứ hai và nói:

- Thưa ngài

Mắt lão già nhìn chòng chọc vào y. Cái đầu quay mà người không nhúc nhích.

- Gọi tôi là tiến sĩ.

- Thưa ngài tiến sĩ, tôi là chủ thuyền.

- Được - lão “tiến sĩ” đáp.

Lão tiến sĩ, từ đây ta gọi lão như thế, dường như đồng ý đối thoại:

- Ông chủ, ông có ke Anh 45 độ không?

- Không.

- Không có ke Anh, ông không thể tiến về phía trước, cũng không thể tiến về phía sau.

- Người Baxcơ - viên chủ thuyền đáp lại - đã từng tiến trước khi có người Anh.

- Phải coi chừng gió đấy.

- Tôi giảm dần tốc độ khi cần.

Ông đã đo vận tốc thuyền rồi chứ?

- Vâng.

- Lúc nào?

- Ban nãy.

- Bằng cách nào?

- Bằng máy lôsơ[66]

- Ông có chú ý đến mặt gỗ máy lôsơ đấy chứ?

- Vâng.

- Đồng hồ cát vẫn đổ đúng ba mươi giây?

- Vâng.

- Ông có chắc cát không làm mòn cái lỗ giữa hai ống không?

- Chắc.

- Ông đã thử lại đồng hồ cát bằng chuyển động của một hòn đạn súng hoả mai treo.

- Ở đầu một sợi dây bẹp, bóc ở vỏ gai ngâm kỹ chứ gì? Không có gì phải nghi ngờ cả.

- Ông có vuốt sáp vào sợi dây, phòng nó dài ra không?

- Có.

- Ông có thử lại máy lôsơ không?

- Tôi đã thử lại đông hồ cát bằng viên đạn súng hỏa mai và thử lại máy lôsơ bằng viên đạn đại bác.

- Viên đạn đại bác của ông đường kính bao nhiêu?

- Một piê[67].

- Nặng đấy.

- Đấy là một viên đạn cũ của chiến thuyền cũ, chiếc la Casse de Pargrand.

- Của Hải quân Tây Ban Nha?

- Vâng.

- Và nó chở được sáu trăm lính, năm mươi bảy thuỷ thủ và hai mươi đại bác?

- Điều ấy thì vụ đắm thuyền biết.

- Ông làm thế nào để đo sức nước đập vào viên đạn đại bác?

- Bằng một lực kế Đức.

- Ông có xét đến mức nước đẩy vào sợi dây treo viên đạn đấy chứ?

- Vâng.

- Kết quả ra sao?

- Sức nước đập là một trăm bảy mươi livrơ.

- Nghĩa là thuyền mỗi giờ đi được bốn dặm Pháp?

- Và ba dặm Hà Lan.

- Nhưng đó chỉ là thặng dư của một vận tốc rẽ nước trên vận tốc biển.

- Hẳn rồi.

- Ông đi về đâu?

- Đến một cái tiểu loan mà tôi biết, nằm giữa Lôyôla và Xanh Xêbaxchiêng.

- Đặt gấp vào vĩ tuyến của nơi đến.

- Vâng. Cố chệch hết sức ít.

- Coi chừng gió và nguồn nước. Cái trước kích thích cái sau đấy.

- Trai dores[68].

- Không được chửi bậy. Biển cả hiểu đấy. Không được chửi gì hết. Cứ biết quan sát thôi.

- Tôi đã quan sát và đang quan sát. Thuỷ triều lúc này đang chống lại gió; nhưng chốc nữa, lúc nó chạy cùng với gió thì chúng ta sẽ nguy to.

- Ông có bản đồ không?

- Không. Biển này thì không có.

- Thế ông đi mò?

- Đâu. Tôi có la bàn.

- La bàn là một mắt. Bản đồ là mắt nữa.

- Anh chột vẫn nhìn thấy.

- Ông làm thế nào để đo gốc độ của hướng thuyền và sóng thuyền.

- Tôi có compa thiên sai, và tôi lại đoán thêm.

- Đoán là tốt; biết thì tốt hơn.

- Crixtôp[69] cũng đoán.

- Lúc có sương mù và khi hoa gió quay lung tung thì không còn biết dựa vào đâu mà định hướng gió, thế là cuối cùng chẳng có điểm ước chừng mà cũng chẳng có điểm sửa đổi. Một con lừa có bản đồ vẫn hơn một lão thầy bói với sấm ngữ của lão.

- Chưa có sương mù trong gió bấc, và tôi không thấy có lý do gì phải báo động.

- Thuyền bè là những con ruồi trên tấm mạng nhện của biển cả.

- Hiện giờ tất cả trong gió và sóng đều khá tốt.

- Những chấm đen lung linh trên sóng, đó là những con người trên đại dương.

- Tôi chẳng thấy có điều gì xấu trong đêm nay cả.

- Có thể xảy đến một điều bí ẩn mà ông khó thoát được.

- Đến giờ phút này mọi việc đều tốt.

Mắt lão tiến sĩ nhìn chằm chằm vào hướng đông bắc.

Viên chủ thuyền tiếp tục:

- Cứ đến vịnh Gaxcôn là tôi bảo lãnh hết. A! Còn gì nữa, ở đấy là nhà tôi. Cái vịnh Gaxcôn của tôi, tôi nắm chắc nó mà. Nó là một cái chậu thường hay nổi giận, nhưng ở đấy tôi biết rõ tất cả những mực nước cao và tất cả những ưu điểm của đáy; bùn trước Xan Xiprianô, vỏ sò trước Xizac, cát ở mũi Pêna, cuội ở Bucô Mimizăng, 133 và tôi biết mầu sắc của tất cả mọi thứ cuội.

Viên chủ thuyền ngừng nói; lão tiến sĩ không thèm nghe y nữa.

Lão nhìn ngắm phía đông bắc. Trên bộ mặt giá lạnh đó có một cái gì ký lạ.

Tất cả hãi hùng có thể có được trên một cái mặt nạ bằng đá đều biểu hiện trên đó. Miệng lão để thoát ra hai tiếng:

- Tốt lắm.

Con ngươi của lão bỗng hoàn toàn trở thành như con ngươi cú vọ, tròn xoe, nở to ra vì kinh ngạc khi quan sát một điểm nhỏ trong không trung.

Lão nói thêm.

- Đúng thế. Còn tôi, tôi đồng ý.

Viên chủ thuyền nhìn lão.

Lão tiến sĩ lại nói tiếp, với bản thân hay với một con người nào đó trong vực thẳm.

Tôi nói phải. Lão nín lặng, mắt mỗi lúc một mở to thêm để nhìn thật chăm chú vào điểm lão trông thấy, và nói tiếp:

- Nó từ xa đến, nhưng nó biết việc nó phải làm.

Khoảng trời mà mắt và trí óc lão tiến sĩ tập trung Vào, đối diện với phía mặt trời lặn, được soi sáng bởi ánh chiều tà bao la nên cũng gần như bởi ánh ngày. Khoảng trời đó rất nhỏ hẹp và xung quanh có những mảnh hơi nước xam xám toàn màu xanh lơ, nhưng một thứ xanh lơ gần sắc chì hơn sắc thiên thanh.

Lão tiến sĩ ngoảnh hẳn về phía biển cả và từ lúc này không nhìn viên chủ thuyền nữa, đưa ngón trỏ chỉ vào khoảng trời và nói:

- Ông chủ, ông thấy không?

- Gì cơ?

- Cái kia.

- Kia kìa. Một chút xanh lơ. Vâng.

- Gì thế?

- Một khoảng trời.

Đối với những ai lên trời - lão tiến sĩ nói. Còn đối với ai không lên đó lại là việc khác.

Và lão nhấn mạnh những lời bí hiểm trên đây bằng một vẻ nhìn chìm đắm vào bóng tối.

Im lặng một lúc.

Viên chủ thuyền, nghĩ đến hai cái tên mà tay thủ lĩnh gắn cho con người kia, liền tự đặt câu hỏi: Một thằng điên? Hay một nhà hiền triết???Ngón tay trỏ xương xương và cứng đờ của lão tiến sĩ vẫn như dừng lại chỉ về cái góc xanh lơ đùng đục của chân trời.

Viên chủ thuyền nhìn kỹ khoảng trời xanh đó.

- Đúng - y lầu bầu - không phải trời xanh, mà là mây.

- Mây xanh nguy hại hơn mây đen - lão tiến sĩ nói. Và lão tiếp thêm:

- Đó là mây tuyết.

- La nube de la niene - viên chủ thuyền nói, như tìm hiểu rõ hơn bằng cách tự dịch lại câu nói trên.

- Ông có biết thế nào là mây tuyết không? - lão tiến sĩ hỏi.

- Không.

- Chốc nữa ông sẽ biết.

Viên chủ thuyền lại nhìn kỹ chân trời.

Vừa quan sát vầng mây, viên chủ thuyền vừa nói khẽ:

- Một tháng gió to, một tháng mưa rền, giêng kho, hai khóc, tất cả mù đông của người Axtuyri chúng ta là thế. Mưa của chúng ta nóng. Chúng ta chỉ có mây ở trên núi. Coi chừng tuyết lở? Tuyết lở thì tuyết có cần biết gì đâu; tuyết lở là con thú dữ.

- Và cây nước là con quái vật - lão tiến sĩ nói.

Nghĩ một lúc, lão tiếp thêm:

- Kia nó đến kia rồi.

Lão lại nói:

- Nhiều gió cùng hoành hành một lúc. Một ngọn gió to từ hướng tây, và một ngọn gió rất chậm từ hướng đông.

- Ngọn gió kia là tên giả dối - viên chủ thuyền nói.

Đám mây xanh lớn dần.

- Nếu tuyết - lão tiến sĩ tiếp - đáng sợ khi nó từ trên núi lao xuống thì thử nghĩ xem nó thế nào khi nó từ đại cực đổ về Mắt lão mờ đục. Đám mây đường như to dần trên mặt lão cùng như đang to dần ở chân trời. Lão lại nói tiếp với một âm sắc mơ màng:

- Mỗi giây mỗi phút đều góp phần để làm nên một giờ, ý trời đang hé mở.

Viên chủ thuyền lại thầm đặt cho mình câu hỏi:

- Một thằng điên chăng?

- Ông chủ - lão tiến sĩ lên tiếng, con người luôn luôn xoáy chặt vào đám mây - ông có đi nhiều trên biển Măngsơ[70] không?

Viên chủ thuyền đáp:

- Hôm nay là lần đầu tiên.

Lão tiến sĩ bị đám mây xanh thu hút và, như miếng bọt biển chỉ hút nước có chừng, lão cũng chỉ lo âu có hạn, nghe câu trả lời của viên chủ thuyền, tỏ ra thương hại nhưng không quá một cái nhún vai khẽ:

- Sao thế?

- Bẩm ngài tiến sự tôi chỉ quen đi Iêclăng thôi. Tôi thường đi từ Phôngtarabi đến Blek-Hacbua hoặc Akin, đó là hai hòn đảo. Đôi khi tôi cũng có đến Brasipun, một hải giác của xứ Galơ. Nhưng bao giờ tôi cũng lái qua các đảo Xinli. Tôi không biết biển này.

- Nghiêm trọng đấy. Tai hoạ cho kẻ nào chỉ mới biết bập bẹ đại dương. Biển Măngsơ là một biển cần phải đọc thông thuộc kỹ. Nó là một con nhân sư[71]. Phải coi chừng đáy biển.

- Chúng ta đang ở trong vùng hai mươi lăm sải nước.

- Phải đến cho được chỗ năm mươi lăm sải, nằm ở phía mặt trời lặn, và phải tránh chỗ hai mươi sải ở phía mặt trời mọc.

- Dọc đường chúng tôi sẽ đo mức nước.

- Biển Măngsơ không giống như biển khác. Thuỷ triều dâng cao đến năm mươi bộ đầu tháng, cuối tháng và chỉ hai mươi bộ chỗ nước đứng. Ở đấy, nước rút không phải là triều xuống và triều xuống không có nghĩa là triều lui. Hừ! Tôi thấy ông có vẻ hoang mang thật rồi.

- Đêm nay chúng ta sẽ đo.

- Muốn đo phải đứng lại mà ông lại không thể đứng lại.

- Tại sao?

- Tại gió.

- Chúng tôi sẽ cố.

- Gió to là một lưỡi gươm nhọn thúc vào cạnh sườn.

- Chúng tôi sẽ đo, thưa ngài tiến sĩ.

- Ông không thể chỉ giơ sườn ra một cách khinh suất.

- Tin tưởng vào Chúa.

- Hãy dè dặt trong lời nói. Chớ có nhẹ dạ nói đến cái tên dễ nổi giận.

- Tôi sẽ đo, tôi bảo với ngài thế.

- Nên khiêm tốn. Lát nữa ông sẽ bị gió tát vào mặt cho xem.

- Tôi muốn nói là tôi sẽ cố gắng đo nước.

- Sức nước không cho hòn chì chìm xuống và dây sẽ đứt. Hừ! Ông mới đến vùng này lần đâu tiên mà?

- Lần đầu tiên.

- Vậy thì, trường hợp này, ông chủ, ông hãy lắng nghe.

Giọng nói của hai từ lắng nghe oai nghiêm đến nỗi viên chủ thuyền phải cúi chào.

- Thưa ngài tiến sĩ, tôi xin lắng nghe.

- Kéo buồm mạn trái lên và đi sát vào bờ mạn phải.

- Ngài muốn nói sao?

- Dóng mũi theo hướng tây.

- Caramba!

- Dóng mũi theo hướng tây.

- Không thể được.

- Tùy ý ông. Điều tôi bảo với ông, là vì những người khác. Còn tôi, tôi chấp nhận.

- Nhưng thưa ngài tiến sĩ dóng mũi theo hướng Tây.

- Vâng, thưa ông chủ.

- Gió ngược mà!

- Vâng, thưa ông chủ.

- Thuyền chồm như quỷ sứ!

- Lựa lời khác. Vâng. thưa ông chủ.

- Thuyền đang cưỡi lưng ngựa.

- Vâng, thưa ông chủ.

- E cột buồm gãy mất!

- Có lẽ.

- Ngài muốn tôi lái về phía tây!

- Phải.

- Tôi chịu thôi.

- Thế thì ông cứ vật lộn với biển cả như ý ông muốn.

- Phải chờ cho gió trở đã.

- Gió sẽ không trở suốt đêm nay.

- Tại sao?

- Đây là một quệt gió dài một nghìn hai trăm dặm.

- Đi ngược con gió đó ư! Không thể được.

- Dóng mũi theo hướng tây, tôi bảo ông!

- Tôi xin cố gắng. Nhưng dù sao chúng ta cũng sẽ chệch hướng.

- Nguy hiểm đấy.

- Gió bấc đuổi ta sang đông.

- Chớ đi sang đông.

- Tại sao?

- Ông chủ, ông có biết hôm nay cái chết của chúng ta tên là gì không?

- Không.

- Cái chết tên là phía đông.

- Tôi sẽ lái sang phía tây.

Lần này lão tiến sĩ nhìn viên chủ thuyền, và nhìn bằng cặp mắt xoáy mạnh như cắm một tư tưởng vào óc. Lão quay hẳn người về phía viên chủ thuyền và thong thả, từng tiếng, từng tiếng một, nói lên những lời sau đây:

- Nếu đêm nay đứng giữa biển khơi mà chúng ta nghe có tiếng chuông thì thuyền đi đứt.

Viên chủ thuyền kinh ngạc, nhìn chằm chằm lão già.

- Ngài định nói sao?

Lão tiến sĩ không đáp. Vẻ nhìn của lão từ nãy giờ thô lỗ, lúc này đã thụt lại. Mắt lão nhìn vào trong. Hình như lão không nhận thấy câu hỏi ngạc nhiên của viên chủ thuyền. Lão chỉ chăm chú vào những gì lão đang lắng nghe bên trong. Môi lão bất giác thốt lên mấy lời sau đây, nhỏ nhẹ như một tiếng thì thầm:

- Đã đến lúc để cho những linh hồn đen tối được rửa sạch.

Viên chủ thuyền bĩu môi rất ý nghĩa khiến cái mũi cúi sát xuống với cả phía dưới mặt.

- Thằng điên hơn là nhà hiền triết - hẳn lầu bầu.

Rồi hắn lảng xa.

Tuy vậy hắn vẫn hướng mũi thuyền về phía tây.

Nhưng sóng gió cứ lớn dần.

Đủ mọi kiểu căng phồng làm biến dạng lớp sương Mù, đồng thời làm giãn nở tất cả các điểm ở chân trời, y như có những cái mồm vô hình thổi căng những túi da của bão táp. Hình dáng mây trở nên đáng lo ngại.

Đám mây xanh chiếm lĩnh toàn bộ nền trời. Bây giờ, ở phía tây cũng như ở phía đông, đều thấy có mây xanh.

Nó tiến ngược chiều gió bấc. Gió trời vẫn hay có những mâu thuẫn như vậy.

Biển cả vừa lúc nãy có vảy bay giờ lại có da. Con rồng ấy vốn như thế. Không phải cá sấu nữa, mà là trăn. Lớp da mầu chì bẩn thỉu, có vẻ dày dặn, nhăn nhúm, nặng nề. Trên mặt, sóng biển sủi tăm từng đám từng đám như những thứ ung nhọt tròn tròn rồi bục vỡ.

Bọt nước y hệt một loại phong hủi.

Chính vào lúc ấy chiếc thuyền, mà từ xa em bé bị bỏ rơi còn nhìn thấy đã thắp ngọn đèn hiệu của nó lên.

Mười lăm phút trôi qua.

Viên chủ thuyền đưa mắt nhìn lão tiến sĩ. Lão không ngồi trên boong nữa.

Ngay lúc viên chủ thuyền vừa bỏ đi, lão tiến sĩ đã cúi gập cái thân hình hom hem của lão dưới tấm áo khoác mặc trong nhà và bước vào cabin. Tại đây, lão ngồi cạnh bếp lò, trên một thanh gỗ; lão rút ở túi ra một lọ mực bằng da và một cái ví bằng da dê, lão móc ở ví ra một tờ giấy gập tư cũ kỹ, vấy bẩn, ố vàng; lão mở tờ giấy ra, lấy một cây bút trong túi lọ mực, trải ví lên đầu gối, trải tờ giấy lên ví, và dưới ánh đèn soi sáng tên đầu bếp, lão bắt đầu viết trên mặt sau tờ giấy. Sóng biển lắc dữ quá làm trở ngại. Lão tiến sĩ viết rất lâu.

Vừa viết, lão vừa để ý nhìn cái bầu rượu mà anh chàng Prôvăng mỗi lần thêm ớt vào món xúp lại tu, như để hỏi ý kiến về việc cho thêm gia vị.

Lão tiến sĩ để ý đến cái bầu không phải vì nó đựng rượu mà vì một cái tên đan trên nền vỏ mây, bằng cói đỏ luồn giữa mây trắng. Trong buồng khá sáng nên có thể đọc được cái tên đó.

Lão tiến sĩ, dùng tay, đánh vần khe khẽ:

- Acquanon.

Rồi lão nói với tên đầu bếp:

- Tôi chưa để ý đến cái bầu này. Có phải trước nó của Acquanon không?

- Acquanon, thằng bạn đáng thương của chúng tôi ấy ư? - tên đầu bếp hỏi - Đúng đấy.

Lão tiến sĩ nói tiếp:

- Acquanon, người Flamăng xứ Flăngđrơ phải không?

- Phải.

- Hiện đang bị tù chứ gì?

- Phải.

- Trong vọng lầu Satam?

- Bầu rượu của nó đấy - tên đầu bếp trả lời - nó là bạn thân của tôi. Tôi cất giữ cái bầu để tưởng nhớ tới nó. Ôi, bao giờ thì chúng tôi mới lại gặp nó? Phải, cái bầu hông của nó đấy.

Lão tiến sĩ lại cầm bút và lại chật vật viết những dòng chữ hơi ngòng ngoèo trên mảnh giấy. Chắc hẳn lão cũng có ý muốn viết cho thật rõ ràng dễ đọc. Mặc dầu thuyền chòng chành và tuổi tác làm run tay, lão cũng hoàn thành được điều lão muốn viết.

Vừa kịp thời, vì thình lình biển đánh một cái rất mạnh. Một đợt sóng dữ chụp lên chiếc thuyền và người ta cảm thấy sắp mở đầu lớp vũ khúc hãi hùng của thuyền bè đón tiếp phong ba.

Lão tiến sĩ đứng dậy, đến cạnh bếp lò, mỗi lần sóng giật lão lại khuỵu gối một cách thông minh, cố hơ vào ngọn lửa cạnh nồi những dòng chữ vừa viết xong, gập tư giấy bỏ vào ví, rồi bỏ ví và lọ mực vào túi.

Bếp không phải là phòng tồi nhất trong cách sắp xếp nội thất tài tình của chiếc thuyền, nó rất riêng biệt. Tuy nhiên cái nồi vẫn đung đưa. Tên Prôvăng đứng trông chừng.

- Xúp cá đấy - hắn nói.

- Để cho cá nó ăn - lão tiến sĩ đáp.

Nói xong lão quay lên boong.

Suốt thời gian mỗi lúc một thêm bận tâm đó; lão tiến sĩ điểm qua toàn bộ tình thế, giá có người nào ở gần lão thì đã được nghe những lời sau đây thoát ra từ môi lão:

- Lắc dọc nhiều quá, mà lắc ngang lại không có mấy.

Bị cái công việc đen tối của trí óc thức tỉnh, lão tiến sĩ ngồi soát lại tư tưởng như một người thợ mỏ lần xuống giếng sâu.

Tuy trầm tư nhưng lão không phút nào sao nhãng việc quan sát biển cả. Quan sát biển cả là giây phút mơ màng.

Cực hình tối tăm của sông nước lúc nào cũng quằn quại, sắp bắt đầu. Một tiếng than thở thoát ra từ khắp mặt biển. Những việc chuẩn bị buồn thảm mơ hồ, đang được tiến hành trong cảnh trời nước mông mênh. Lão tiến sĩ quan sát những cái trước mắt và không để sót một chi tiết nào cả. Vả lại trong vẻ nhìn của lão chẳng có một tí gì gọi là thưởng ngoạn. Không ai thưởng ngoạn địa ngục.

Một cuộc chấn động rộng khắp hãy còn ngấm ngầm, nhưng đã rõ nét trong xáo động của trời mây sóng nước, làm rõ thêm và ngày càng làm mạnh thêm sức gió, hơi nước và sóng biển. Không gì đương nhiên và phi lý như đại dương. Tính chất phân tán luôn luôn gắn liền với uy lực của nó, và là một trong những yếu tố của sự rộng lớn đó. Lúc nào sóng nước cũng ủng hộ và chống lại. Nó chỉ tự thắt để rồi tự cởi. Phía này sóng tấn công, phía kia sóng giải thoát. Không có ảo ảnh nào như sóng nước.

Làm sao vẽ nổi những chỗ nhấp nhô liên tiếp thật thật hư hư, những thung lũng, nhưng võng nằm, những lồng ngực vỡ, những hình phác thảo ấy? Làm sao diễn tả được những chỗ bọt nước dồn dập, lẫn lộn cả núi non và mộng ảnh. Cái không tả nổi ở ngay đó, ở khắp mọi nơi, trong chỗ rách, trong chỗ nhăn, trong lo âu, trong mâu thuẫn, trong ánh sáng chập chờn, trong những giải mây buông thõng, trong những mái vòm luôn luôn sụp đổ, trong tan rã hoàn toàn và trong đổ vỡ thảm thê của toàn bộ cảnh thác loạn này.

Gió bấc vừa chuyển sang chính bắc. Trong thế hung hăng nó rất thuận và rất cần cho việc rời khỏi đất Anh, đến nỗi viên chủ thuyền Matutina quyết định giương hết buồm lên. Chiếc thuyền lẩn trốn vào bọt sóng, như phi nước đại dong hết buồm, gió đằng sau chồm từ ngọn sóng này sang ngọn sóng khác, điên loạn và vui vẻ.

Bọn tẩu thoát, hớn hở, cười ha hả. Chúng vỗ tay hoan nghênh sóng, nước, gió trời, buồm lái, tốc độ, cuộc trốn chạy, tương lai còn chưa rõ. Lão tiến sĩ dường như không nhìn thấy họ, vẫn trầm ngâm suy nghĩ.

Bao ánh ngày còn lại đã bị che khuất hết.

Phút giây đó là phút giây mà em bé chăm chú đứng trên vách biển xa lạ mất hút chiếc thuyền. Cho đến lúc ấy, mắt nó vẫn chằm chằm và như dán vào chiếc thuyền. Cái nhìn ấy có tham dự gì vào số mệnh không? Khi quãng cách xóa nhòa chiếc thuyền và khi không nhìn thấy gì nữa, em bé liền xăm xăm đi về phía bắc, trong lúc chiếc thuyền đi về phía nam.

Tất cả chìm sâu vào đêm tối.

Về phía họ, những người trên thuyền, hân hoan vô hạn nhìn mảnh đất thù địch lùi xa sau lưng và bé dần mãi. Vòng cung tối đen của đại dương cứ từ từ cong lên, làm mỏng dần trong ánh hoàng hôn Porlan, Puyêcbêc, Tinsan, Kimorit hai Matorave, những dải vách núi mờ trong sương và bờ biển lốm đốm hải đăng.

Nước Anh mất hẳn. Xung quanh bọn người đào tẩu chỉ còn lại biển cả.

Thình lình trời đêm bỗng tối khủng khỉếp.

Không còn cảnh bát ngát nữa, cũng không còn khoảng không nữa; bầu trời là một khối đen ngòm khép kín trên chiếc thuyền con. Tuyết bắt đầu sa chầm chậm.

Một ít bông tuyết xuất hiện. Tưởng như đấy là những hồn ma. Không còn thấy tí gì trong trường đua của gió lộng nữa. Người ta tự cảm thấy bị bỏ mặc. Tất cả những gì có thể có được đều ở đó, đều là cạm bẫy.

Ở chỗ chúng ta, hiện tượng địa cực rồng lấy nước thường mở đầu bằng cảnh tối sầm như vậy của hang động.

Một đám mây rất to, mờ đục, tương tự phía dưới một con giao long, đè nặng lên biển cả, và có những chỗ cái bụng tím bầm đó lại dán chặt với sóng nước. Một vài chỗ dán chặt đó giống hệt những cái túi thủng, bơm phồng biển lên, xì hơi ra rồi lại hút đầy nước vào. Những điểm hút như vậy làm dâng lên đây đó trên mặt sóng những cột bọt hình chóp nón.

Cơn bão phương bắc ập lên chiếc thuyền con, chiếc thuyền con xông vào gió bão. Gió và thuyền lao bổ vào nhau như để lăng mạ nhau.

Trong cuộc chạm trán mở đầu điên loạn này, không một lá buồm đại nào cuốn lại, không một lá buồm tam giác nào hạ xuống, không một mép buồm nào bị gấp, cuộc đào tẩu là một cơn mê sảng khủng khiếp. Cột buồm kêu răng rắc, oằn ra phía sau như sợ hãi.

Ở bắc cầu chúng ta, gió cuốn thường xoay từ trái sang phải, cùng chiều với kim đồng hồ, di chuyển đôi khi mỗi giờ đến sáu mươi hải lý. Mặc dầu nằm ở trung tâm lực đẩy xoay tròn mạnh mẽ đó, chiếc thuyền con xử sự như đứng giữa vùng bán nguyệt thuận gió, không lo gì khác ngoài việc đứng vững trước sóng và hướng mũi vào ngọn gió trước mặt, đồng thời đón ngọn gió lúc ấy ở bên mạn phải để tránh những ngọn gió sau lưng và thổi xiên. Sự khôn ngoan nửa chừng đó chẳng ích gì nếu gặp phải gió trở liên tục. Trong vùng không thể tới được, gió thổi ào ào rất mạnh.

Không gì có thể so sánh với tiếng gầm rú của vực Sâu. Đó là âm thanh dã thú vô biên của trời đất. Cái mà chúng ta gọi là vật chất, cái cơ thể không thăm dò được, cái hợp chất của những năng lượng không đo nổi, trong đó đôi khi người ta nhận ra một chút ý đồ rất nhỏ không thể thấy khiến phải rùng mình, cái vũ trụ mù quáng tối tăm ấy, vị Thần Vũ trụ không hiểu nổi ấy, có một tiếng kêu, một tiếng kêu kỳ lạ, kéo dài, dai dẳng, liên tục, không bằng tiếng nói nhưng lạ hơn tiếng sét. Tiếng hét đó là cuồng phong. Các âm thanh khác như câu hát, lời ru, tiếng kêu, giọng nói, thường thoát ra từ tổ chim, từ ổ trứng, từ những cuộc giao hợp, từ những buổi tân hôn, từ những căn nhà ấm, còn âm thanh này là cây nước, thoát ra từ cái Không nhưng lại là Tất cả. Những tiếng khác tiêu biểu cho linh hồn vũ trụ; tiếng này tiêu biểu cho quái vật. Đó là giống dị hình đang gào rống. Đó là cái không rõ, được cái mập mờ nói hộ. Thật là bi đát và khủng khiếp. Những tiếng ầm ầm đó đối đáp nhau ngay trên đầu và bên ngoài con người. Chúng dâng cao hạ thấp nhấp nhô, tạo nên những đợt sóng tiếng động, làm tất cả mọi sự bất ngờ hung dữ đối với trí óc, có lúc nổ ngay bên tai ta như tiếng kèn đồng nhức óc, có lúc ồ ồ khản đặc xa xăm; tiếng ồn ào choáng ngợp giống như một ngôn ngữ, mà quả thật là một thứ ngôn ngữ, đó là cố gắng của trời đất để nói lên, đó là tiếng bập bẹ của diệu huyền. Trong tiếng oa oa đó biểu lộ mơ hồ tất cả những gì mà cảnh hồi hộp rộng lớn tối tăm phải hứng nhận, chịu đựng, đau khổ, chấp nhận và vứt bỏ. Thường khi nó mất trí, nó như một cơn đau ác tính, thế mà chỉ là cơn động kinh thông thường chứ không phải chuyện sử dụng sức mạnh; người ta tưởng được xem một cảnh đổ nhào của đại ác vào chốn vô biên. Có lúc thoáng thấy sự đòi quyền uy của vật chất, không biết manh tâm nào đó muốn đòi lại cảnh hỗn mang với tạo hoá. Có lúc lại là tiếng than van, không trung rên rỉ và tự minh oan, một cái gì như trần gian được biện hộ; người ta tưởng vũ trụ là một vụ kiện cáo; người ta nghe người ta cố nắm được lý lẽ, cân nhắc cái phải cái trái đáng sợ; tiếng rên siết của bóng tối đó dai dẳng như phép tam đoạn-luận. Tư duy hoang mang cực độ, lý do tồn tại của những chuyện thần thoại và cả các thuyết đa thần là ở đó. Thêm vào nỗi hãi hùng của những tiếng thì thầm vĩ đại ấy, là những hình dáng phi phàm mơ hồ, là những khe vực lồng lộn trên mây, là những quái vật của Diêm vương hầu như được xác nhận. Không một khủng khiếp nào sánh kịp những tiếng thổn thức đó, những tiếng cười đó những tiếng đổ vỡ êm dịu đó, những câu hỏi và trả lời rối rắm đó, những tiếng gọi thủ hạ không quen biết đó.

Con người không biết sẽ ra sao trước câu thần chú rùng rợn đó. Nó cúi gập trước sự bí hiểm của những âm điệu khắc nghiệt đó. Có điều gì ẩn ý? Chúng nghĩa là gì? Chúng đe doạ ai? Chúng van xin ai? Dường như đây là một cảnh đứt xích xổ lồng. Là tiếng gào thét của khe sâu gửi vực thẳm, của không khí gửi nước nguồn, của gió trời gửi sóng biển, của mưa ngàn gửi cho rừng núi, của đỉnh trời gửi cho lòng đất, của ngàn sao gửi cho bọt sóng, là rọ mõm đứt tung của vực thẳm, tất cả cảnh náo động ấy bị mối bất hoà bí mật nào đó với những lương tâm độc ác làm cho thêm phức tạp.

Cảnh ồn ào của đêm tối cũng không kém phần sâu thẳm hơn cảnh im lặng của nó. Người ta cảm thấy trong ấy có sự phẫn nộ của vô định.

Đêm tối là một sự có mặt. Có mặt của ai? Và lại giữa đêm trường và tăm tối phải phân biệt.

Trong đêm trường có cái tuyệt đối; trong tăm tối có cái phức tạp. Ngữ pháp, kiểu luận lý ấy, không chấp nhận số ít cho tăm tối. Đêm trường chỉ có một, tăm tối thì nhiều.

Lớp sương mù ấy của bí mật đêm trường là cảnh phân tán, cảnh nhất thời, cảnh sụp đổ, cảnh bi thảm.

Người ta không nhìn thấy đấy nữa, người ta cảm thấy cái thực tế kia.

Trong bóng tối vô biên và vô định, có một cái gì đó hay một người nào đó, sống động; nhưng cái sống động đó lại nằm trong cái chết của chúng ta. Sau bước đường trần gian của ta, khi bóng tối đó đối với chúng ta trở thành ánh sáng, cuộc sống bên kia cuộc sống của chúng ta sẽ tóm chặt chúng ta. Trong khi chờ đợi, hình như nó đang sờ nắm chúng ta. Tăm tối là một áp lực. Đêm trường là một thứ xâm chiếm linh hồn chúng ta. Có những giờ phút ghê tởm và trọng đại mà chúng ta cảm thấy cái ở phía sau bức tường phần mộ lấn át chúng ta.

Không bao giờ vô định lại hiển nhiên như trong bão biển. Hãi hùng lúc ấy lại có thêm chất kỳ quặc. Kẻ chặn đứng hành động con người, vị thần Hô phong Hoán vũ thời xưa, nắm trong tay, để nhào nặn sự kiện theo ý riêng, cái nguyên tố không vững chắc, cái rời rạc vô cùng, cái sức mạnh tản mạn không thành kiến. Bí mật đó, tức là bão táp, luôn luôn tiếp nhận và thi hành không biết những thay đổi nào của ý chí, bề ngoài hay thực tế.

Các nhà thơ của mọi thời đại đã gọi đó là giây phút bất thường của sóng nước.

Nhưng làm gì có giây phút bất thường.

Những điều kinh ngạc mà chúng ta thường đặt tên trong thiên nhiên là chuyện bất thường, và trong vận mệnh là ngẫu nhiên, điều là những mẩu định luật cảm đoán được.

Đặc điểm của bão tuyết là đêm tối. Vẻ ngoài thông thường của thiên nhiên trong giông bão là đất liền hoặc biển cả tối mù, bầu trời xám xịt, nay bị đảo lộn; bầu trời chợt tối đen, đại dương bóng trắng xoá. Bên dưới, bọt nước, bên trên u minh. Một chân trời khói bủa, một thiên đỉnh phù tang. Bão táp giống như phía trong một toà nhà thờ lớn căng vải. Nhưng không có đèn đuốc trong toà nhà thờ lớn đó. Không có đèn Xanh-Elmơ với những đầu sóng, không có tàn lửa, không có lân tinh, chỉ có bóng tối mênh mông. Cuồng phong địa cực khác cuồng phong nhiệt đới ở chỗ một bên thắp cháy tất cả mọi nguồn sáng, còn một bên dập tắt hết thảy. Trần gian đột nhiên trở thành một cái vòm hầm ngầm. Từ chỗ tối đen đó một thứ bụi cát lấm tấm nhợt nhạt rơi xuống lơ lửng giữa bầu trời và biển cả. Những chấm đó là những bông tuyết, trôi trượt, lang thang, bềnh bồng.

Một thứ gì như nước mắt của một tấm khăn liệm sắp sống dậy và cử động. Thêm vào cảnh gieo rắc đó là một ngọn gió bấc điên cuồng. Một khối đen ngòm nát tan thành bụi trắng, tên hung dữ đứng trong bóng tối, tất cả ồn ào mà mộ địa có thể có được, một cơn phong ba dưới một cái nhà táng, bão tuyết là như vậy đấy.

Bên dưới, đại đương rung chuyển, phủ lên những vực sâu khủng khiếp không lường.

Trong gió địa cực, vốn có điện, bông tuyết lập tức trở thành những hạt mưa đá và không khí bỗng tràn ngập những viên đạn từ đâu bắn tới. Nước nổ lách tách như bị liên thanh quạt.

Không có tiếng sét. Trong cơn bão bắc cực chớp cũng im lặng. Đôi khi người ta bảo mèo “gào” thì với loại chớp đó cũng có thể nói như vậy. Nó là một kiểu nhe răng dọa nạt nghiệt ngã lạ lùng Bão tuyết là thứ bão mù và câm.

Khi nó đã đi qua, thường thường thuyền bè cũng mù và thuỷ thủ cũng câm. Ra khỏi một vực sâu như thế là điều rất khó. Tuy nhiên người ta sẽ nhầm nếu cho rằng chuyện đắm tàu tuyệt đối không thể tránh được. Những ngư dân Đan Mạch ở Đicxô và Balêzin, những người đánh cá voi đen. Hiêcnơ đi đến eo biển Berinh tìm hiểu cửa Sông mỏ đồng, Huytxân, Mắckenzi. Văngcuvơ, Rôx, Đuymông Đuyêcvin, đã gặp ngay tại địa cực những trận bão tuyết khốc liệt nhất và đã thoát khỏi.

Chiếc thuyền con đã gặp phải loại bão như thế và đã giương hết buồm, đắc chí xông thẳng. Điên cuồng chống với cuồng điên. Lúc Môngômeri thoát khỏi Ruăng, lao chiếc thuyền của ông như bay vào dãy núi chắn ngang sông Xen ở Bui, ông ta cũng liều lĩnh đúng thế.

Thuyền Matutina băng băng lao tới. Lúc căng buồm, có lúc so với mặt nước thuyền nghiêng đến mười lăm độ, một góc độ đáng sợ, nhưng cái sống bè bè của nó rất tốt, dán chặt xuống nước như nhựa đường. Sống thuyền chống chịu với bão giật. Chiếc đèn lồng vẫn soi sáng phía trước. Mây đẩy gió, kéo lê cả khối u trên đại dương, co hẹp và gặm dần biển cả xung quanh chiếc thuyền. Không một bóng hải âu. Không một cánh én biển. Chỉ có tuyết vả tuyết. Hiện trường của sóng rất hẹp và đáng sợ. Chỉ thấy ba hay bốn ngọn sóng, dài vô tận.

Chốc chốc một tia chớp dài mầu đồng đỏ loé hiện sau những tầng lớp tối om của chân trời và thiên đỉnh.

Vệt dài đỏ tươi đó cho thấy cảnh hãi hùng của trời mây.

Vực sâu thình lình đỏ rực, trên đó thoáng nổi lên những tiền cảnh của mây và những hình ảnh trời nước đảo lộn mất hút vào chốn xa xăm, giúp ta thấy được đại dương trên toàn cảnh. Trên cái nền lửa đó, bông tuyết trở thành mầu đen, tưởng như đó là những cánh bướm đen trong một lò lửa rực. Rồi tất cả lại tắt ngấm.

Tiếng nổ đầu tiên vừa dứt, ngọn cuồng phong, vẫn đuổi theo chiếc thuyền con, liền cất giọng trầm đều rống lên. Đấy là đợt gầm đáng sợ khi ầm vang lặng bớt.

Không có gì đáng ngại bằng cuộc độc thoại của bão táp.

Tiếng rì rầm buồn thảm đó giống hệt giây phút tạm ngừng của những lực lượng chiến đấu bí mật, và báo hiệu một đợt rình đợi trong vô định.

Chiếc thuyền con vẫn điên cuồng lao tới. Nhất là hai lá buồm đại phải làm một nhiệm vụ khủng khiếp. Trời biển đều đen như mực, với những tia bọt bắn cao hơn cột buồm. Chốc chốc những tảng nước lại lao qua boong tàu như một trận hồng thuỷ, và mỗi lần thuyền chòng chành, bao nhiêu lỗ thả neo, lúc của mạn phải lúc của mạn trái, trở thành bấy nhiều cái mồm há hốc, lại mửa bọt sóng trả về cho biển cả. Đàn bà vào nấp trong cabin, nhưng đàn ông ở lại hết trên boong. Tuyết vẫn cuốn xoáy bưng lấy mắt. Sóng nước lại khạc nhổ thêm vào.

Tất cả đều lồng lộn điên cuồng.

Đúng lúc ấy tên đầu đảng đứng phía sau trên khoang lái, một tay bám vào dây chằng, một tay giật chiếc khăn quấn đầu ra vẫy trong ánh đèn lồng, kiêu căng thoả mãn, nét mặt tự đắc, tóc tai rõ khiếp, say sưa vì tất cả cái bóng đen kia, hét to:

- Chúng ta tự do rồi!

- Tự do! Tự do! Tự do! tốp người đào tẩu cùng nhắc lại.

Tất cả bọn, tay nắm chặt những dụng cụ trên thuyền, đều đứng thẳng dậy trên boong.

- Hura[73] - tên đầu đảng hét to.

Và cả bọn cùng hét vang trong bão táp:

- Hura!

Tiếng hò reo vừa tắt trong sóng gió ào ào thì một giọng nói oai nghiêm vang động nổi lên ở đầu thuyền đằng kia.

- Im lặng!

Tất cả mấy cái đầu đều quay lại.

Họ vừa nhận ra giọng nói của lão tiến sĩ. Bóng tối dày đặc lão tiến sĩ tựa lưng vào cột buồm, nó lẫn với dáng vóc gầy guộc của lão nên người ta không nhìn thấy lão.

Giọng nói lại cất lên.

- Hãy lắng tai mà nghe!

Tất cả mọi người đều im lặng.

Lúc ấy, trong tăm tối, rõ ràng có tiếng chuông thánh thót tiếng một.

Viên chủ thuyền vẫn cầm cần lái, cười phá lên.

- Có tiếng chuông? Hay lắm! Chúng ta đang rẽ neo bên trái. Tiếng chuông chứng minh cái gì? Rằng đất liền ở bên phải chúng ta.

Giọng nói rắn rỏi thong thả của lão tiến sĩ đáp lại:

- Đất liền không ở bên phải các người đâu.

- Có! viên chủ thuyền quát lên.

- Không.

- Nhưng tiếng chuông từ đất liền đến.

- Tiếng chuông ấy - lão tiến sĩ nói - từ biển cả lại.

Những con người liều lĩnh kia rợn cả tóc gáy. Bộ mặt hung dữ của hai mụ đàn bà hiện ra trong cái ô vuông ở nắp cabin, như hai con quỉ hiện hồn. Lão tiến sĩ bước tới một bước, bóng dáng lênh khênh của lão tách khỏi cột buồm. Tiếng chuông lại thánh thót trong đêm tối.

Lão tiến sĩ nói tiếp:

- Giữa biển khơi, nửa đường giữa Porlan và quần đảo Măngsơ có một cái phao hiệu, neo bằng xích sắt vào đáy biển và nổi là là trên mặt nước. Trên phao có gắn một giá sắt, ở gióng ngang giá sắt có treo một cái chuông. Lúc nào gió to, sóng biển đu đưa cái phao, thế là chuông rung. Chính các người đang nghe tiếng chuông đó.

Lão tiến sĩ để cho một đợt gió bấc đi qua, chờ cho tiếng chuông nổi lên lại, rồi nói tiếp:

- Trong cơn bão, lúc gió tây bắc thổi, mà nghe tiếng chuông tức là thôi rồi. Vì sao? Vì nếu các người nghe được tiếng chuông tức là nhờ có gió đưa nó đến. Thế mà gió thì từ phía tây đến và bãi ngầm ôrinhi lại ở phía đông. Các người chỉ nghe được tiếng chuông khi đứng giữa phao và bãi ngầm. Gió đang đẩy các người vào đúng bãi ngầm đó. Các người đang ở phía bất lợi của phao. Nếu ở.phía thuận thì các người đã đứng giữa biển khơi, nước cả, trên đường an toàn, và đã không được nghe tiếng chuông. Gió đã không mang tiếng chuông đến cho các người. Các người đã đi cạnh phao mà không biết có gió ở đấy. Chúng ta đã đi chệch hướng rồi. Tiếng chuông đó chính là tiếng cấp báo tầu thuyền sắp đắm. Bây giờ các người hãy suy tính đi?

Trong lúc lão tiến sĩ nói, thì gặp lúc gió bấc hơi dịu, chuông lắng xuống, gõ rất thong thả, từng tiếng, từng tiếng một, và tiếng thánh thót cách quãng đó dường như xác nhận lời nói của lão già. Văng vẳng như tiếng chuông cầu nguyện của vực sâu.

Tất cả mọi người đều lắng nghe, hồi hộp, lúc giọng nói này, lúc tiếng chuông kia.

Viên chủ thuyền vẫn cầm cần lái, cười phá lên.

- Có tiếng chuông? Hay lắm! Chúng ta đang rẽ neo bên trái. Tiếng chuông chứng minh cái gì? Rằng đất liền ở bên phải chúng ta.

Giọng nói rắn rỏi thong thả của lão tiến sĩ đáp lại:

- Đất liền không ở bên phải các người đâu.

- Có! viên chủ thuyền quát lên.

- Không.

- Nhưng tiếng chuông từ đất liền đến.

- Tiếng chuông ấy - lão tiến sĩ nói - từ biển cả lại.

Những con người liều lĩnh kia rợn cả tóc gáy. Bộ mặt hung dữ của hai mụ đàn bà hiện ra trong cái ô vuông ở nắp cabin, như hai con quỉ hiện hồn. Lão tiến sĩ bước tới một bước, bóng dáng lênh khênh của lão tách khỏi cột buồm. Tiếng chuông lại thánh thót trong đêm tối.

Lão tiến sĩ nói tiếp:

- Giữa biển khơi, nửa đường giữa Porlan và quần đảo Măngsơ có một cái phao hiệu, neo bằng xích sắt vào đáy biển và nổi là là trên mặt nước. Trên phao có gắn một giá sắt, ở gióng ngang giá sắt có treo một cái chuông. Lúc nào gió to, sóng biển đu đưa cái phao, thế là chuông rung. Chính các người đang nghe tiếng chuông đó.

Lão tiến sĩ để cho một đợt gió bấc đi qua, chờ cho tiếng chuông nổi lên lại, rồi nói tiếp:

- Trong cơn bão, lúc gió tây bắc thổi, mà nghe tiếng chuông tức là thôi rồi. Vì sao? Vì nếu các người nghe được tiếng chuông tức là nhờ có gió đưa nó đến. Thế mà gió thì từ phía tây đến và bãi ngầm ôrinhi lại ở phía đông. Các người chỉ nghe được tiếng chuông khi đứng giữa phao và bãi ngầm. Gió đang đẩy các người vào đúng bãi ngầm đó. Các người đang ở phía bất lợi của phao. Nếu ở.phía thuận thì các người đã đứng giữa biển khơi, nước cả, trên đường an toàn, và đã không được nghe tiếng chuông. Gió đã không mang tiếng chuông đến cho các người. Các người đã đi cạnh phao mà không biết có gió ở đấy. Chúng ta đã đi chệch hướng rồi. Tiếng chuông đó chính là tiếng cấp báo tầu thuyền sắp đắm. Bây giờ các người hãy suy tính đi?

Trong lúc lão tiến sĩ nói, thì gặp lúc gió bấc hơi dịu, chuông lắng xuống, gõ rất thong thả, từng tiếng, từng tiếng một, và tiếng thánh thót cách quãng đó dường như xác nhận lời nói của lão già. Văng vẳng như tiếng chuông cầu nguyện của vực sâu.

Tất cả mọi người đều lắng nghe, hồi hộp, lúc giọng nói này, lúc tiếng chuông kia.

Trong khi ấy viên chủ thuyền đã cầm lấy cái loa.

- Cargate todo, hombrres[74]. Nới nút lèo ra, kéo trục buồm xuống, hạ tất cả trên buồm thấp xuống! Nắm chắc, hướng tây! Lại ra khơi thôi! Hướng thẳng vào phao! Hướng đúng tiếng chuông! Ở đấy có biển khơi. Chưa phải hoàn toàn thất vọng đâu.

- Thử xem - lão tiến sĩ nói.

Nhân đây chúng tôi cần nói là cái phao chuông ấy, một thứ tháp chuông ngoài biển, đã bị bỏ đi năm 1802. Những nhà hàng hải già còn nhớ đã có lần nghe được tiếng chuông ấy. Nó báo trước, nhưng hơi muộn.

Lệnh của viên chủ thuyền được thi hành lập tức. Tên Lăngođốc là một thủy thủ thứ ba. Tất cả đều bắt tay vào. Không phải chỉ hạ buồm, người ta cuốn luôn buồm vào cột; siết chặt tất cả dây trên thuyền lại, thắt nút lèo mũi, lèo đáy và lèo giữa; ngoắc dây buồm phụ vào dây quai chèo vì như thế nó có thể dùng làm thừng chằng buồm ngang; ốp thêm cột buồm, đóng thêm lá chắn vào cửa thuyền, đó là một lối bịt kín thuyền bè.

Thao tác tuy thực hiện có hỗn độn nhưng không phải vì thế mà chuệch choạc. Chiếc thuyền con lại bớt nguy ngập. Nhưng thuyền cuốn hết mọi thứ, càng nhỏ lại bao nhiêu thì không khí và nước càng lồng lộn dữ dội bấy nhiêu. Sóng đạt gần đến chiều cao ở địa cực.

Cuồng phong như một tên đao phủ vội vã, bắt đầu phanh xác chiếc thuyền. Trong chớp mắt diễn ra một cuộc giằng xé khủng khiếp, buồm đứt hết dây mép, cạp thuyền bị phá bằng, gỗ bị bạt tung, dây chằng bị giật đứt, cột buồm gãy gập, tất cả những thứ gì gẫy nát đều bay tung té. Các dây cáp to đứt hết, mặc dầu múi buộc dài đến bốn sải. Sức căng của từ trường, đặc điểm của bão tuyết, khiến cho thừng chão càng dễ đứt. Chúng đứt vì gió bao nhiêu, thì cũng đứt vì khí âm dương bấy nhiêu. Nhiều sợi xích nhẩy ra khỏi ròng ròng không hoạt động được nữa. Phía trước má thuyền, phía sau, hông thuyền, đều oằn xuống trước những áp lực quá mạnh. Một ngọn sóng bốc mất la bàn, mang theo cả hộp.

Một ngọn sóng khác cuốn băng chiếc canô treo ở cột buồm cái, theo phong tục kỳ lạ của người axtuyri. Một ngọn sóng khác cuốn phăng Đức bà ở mũi thuyền và chiếc đèn lồng.

Chỉ còn mỗi cần lái.

Người ta vội thay thế chiếc đèn hiệu bằng một cái vỏ lựu đạn to nhét đầy bùi nhùi và nhựa đường đốt sáng treo ở khoang mũi.

Cột buồm gãy đôi, tua tủa những mẩu giẻ rách bay phần phật, những dây nhợ, ròng ròng và trục buồm, làm cho sàn thuyền ngổn ngang. Lúc đổ, nó đã làm gãy đôi một mảng mạn thuyền bên phải.

Viên chủ thuyền vẫn luôn luôn đứng ở cần lái, hét to:

- Chừng nào còn lái được là vẫn chưa tuyệt vọng. Phần thuyền ngập nước vẫn tốt nguyên. Rìu! Rìu! Hất cột buồm xuống biển? Giải toả mặt boong.

Thủy thủ cũng như hành khách đều say sưa chiến đấu quyết liệt. Chỉ cần mấy nhát rìu. Người ta hất cột buồm qua mạn thuyền. Sàn tàu quang hẳn.

- Bây giờ - viên chủ thuyền nói tiếp - lấy dây buồm buộc tôi vào cần lái.

Người ta trói ngay y vào càng.

Trong lúc được quấn chặt, y cười ha hả, và hét vang với biển cả.

- Rống lên, mụ già kia! Rống to lên! Tao đã từng gặp nhiều trường hợp tệ hại hơn thế này ở mũi Masisacô.

Và khi đã bị trói gô, hắn liền túm chặt cái càng trong tay với niềm vui kỳ dị do hiểm nghèo truyền tiếp.

- Mọi việc đều tốt đẹp, các bạn ạ! Hoan hô Đức bà Bugơlê! Lái sang phía tây!

Một ngọn sóng ngang, rất to, kéo đến đổ ầm ầm xuống phía sau. Trong bão táp luôn luôn có loại sóng cọp, thứ sóng hung dữ và quyết định: Nó đến đúng lúc, bò bò hồi lâu như dán sát bụng trên biển, rồi chồm dậy, rống to, rít lên ập xuống chiếc thuyền lâm nguy và xé tan nó ra từng mảnh. Bọt sóng như nuốt chửng, phủ kín cả đuôi thuyền Matutina; trong cuộc hỗn chiến giữa sóng nước và đêm trường nghe rõ có tiếng tan vỡ răng rắc. Lúc sóng nước tiêu tan, lúc đuôi thuyền lại xuất hiện, thì không còn chủ thuyền, không còn cần lái nữa.

Tất cả đã bị giật phăng.

Cần lái và con người vừa được trói chặt vào đấy đã đi theo sóng biển trong cái mớ hỗn độn gầm hý của bão táp.

Tên đầu đảng nhìn trừng trừng vào bóng tối và hét to:

- Te burlas de nosotros?[75] Đáp lại tiếng phản kháng đó, một tiếng khác tiếp luôn:

- Vứt neo xuống! Cứu lấy ông chủ.

Người ta chạy đến bên trục tời. Người ta thả neo xuống. Thuyền Bixcay chỉ có một neo. Làm như thế chỉ mất toi neo. Đáy biển toàn đá, mà sóng nước lại điên cuồng. Dây cáp đứt phăng như sợi tóc.

Neo mắc kẹt dưới đáy biển.

Cả mũi thuyền chỉ còn lại có vị thiên thần nhìn qua ống kính.

Từ lúc đó, chiếc thuyền con chỉ là một mảnh lều trôi dạt. Thuyền Matutina đã hết phương cứu vãn. Chiếc thuyền vừa mới đây như được chắp cánh và gần như khủng khiếp trong cuộc chạy đua, lúc này đã hoàn toàn tê liệt. Tất cả mọi thứ đều đứt gãy, sai lệch. Nó ngoan ngoãn vâng lời, cứng đờ và thụ động, tuân theo những sự điên cuồng kỳ quặc của sóng nước. Trong có vài phút, một người cụt cả tay chân thay thế một con đại bàng, điều ấy chỉ thấy ở biển cả. Tiếng thở rốc của không gian mỗi lúc một thêm quái đản. Bão táp là một lồng phổi đáng sợ. Nó không ngừng tăng thêm phần thê thảm cho cái không sắc thái, cho màu đen. Cái chuông giữa biển vẫn rền vang một cách tuyệt vọng như một bàn tay hung thần rung lắc.

Thuyền Matutina mặc cho sóng nước cuốn trôi; mặc cái nút chai cũng rập rình như thế; nó không lướt bằng chèo lái nữa; nó bồng bềnh tưởng chừng lúc nào cũng sẵn sàng ngửa bụng như một con cá chết. Thoát được khỏi nguy cơ đó, chính là nhờ cái vỏ thuyền còn tốt, hoàn toàn không ngấm nước. Không một tấm ván lót nào dưới ngấn nước bục ra cả. Không có khe hở, không có lỗ thủng, và không một giọt nước nào lọt vào hầm thuyền. Đó là điều hết sức may mắn vì bơm đã hỏng, không dùng được nữa. Chiếc thuyền con múa nhảy nom thật duyên dáng trong cơn lo sợ sóng nước. Boong thuyền quằn quại như người muốn mửa. Tưởng chừng như nó đang cố sức để hất tung mấy người bị đắm ra ngoài. Họ đờ đẫn bám chặt vào thừng chão, và cạp thuyền, và xà ngang, và các đầu nút, roi thừng, vào những chỗ vỡ giữa mép thuyền mà các đầu đinh cào nát cả bàn tay, vào ván lót lòng thuyền bị uốn cong, vào tất cả những chỗ lồi lõm hư nát thảm hại. Thỉnh thoảng họ lại lắng tai. Tiếng chuông mỗi lúc một nhỏ dần. Hình như nó cũng hấp hối. Tiếng thánh thót của nó chỉ còn là một tiếng rên rỉ cách quãng. Rồi tiếng rên đó tắt hẳn. Họ đang ở đâu? Họ đang cách cái phao bao xa? Chuông rung đã làm họ sợ hãi, chuông lặng lại làm cho họ hãi hùng. Gió tây bắc khiến họ phải đi theo một con đường có lẽ không thể cứu thoát. Họ cảm thấy bị lôi cuốn bởi một hơi thở cuồng loạn. Tấm mảng trôi dạt chạy vun vút trong đêm đen. Một tốc độ mù quáng, không còn gì dễ sợ hơn. Họ cảm thấy vực sâu ngay trước mặt, ngay dưới chân, ngay trên đầu. Không phải chạy nữa mà là rơi.

Thình lình trong tiếng ồn ào vĩ đại của tuyết mù, một điểm đỏ xuất hiện.

- Hải đăng! - những người đắm thuyền cùng reo lên.

Đúng, đúng là ngọn hải đăng Caxkê.

Ở thế kỷ mười chín, hải đăng là một hình trụ, chóp xây bằng gạch, trên có máy chiếu sáng, hoàn toàn khoa học. Đặc biệt ngọn hải đăng Caxkê ngày nay gồm ba ngọn tháp màu trắng, đỡ ba cái lầu thắp sáng. Ba nhà lửa ấy xoay chuyển trên một hệ thống bánh xe đồng hồ chính xác đến mức người gác, quan sát hải đăng từ ngoài khơi, bao giờ cũng đi đúng mười bước trên boong tàu lúc đèn sáng và hai mươi lăm bước lúc đèn bị che khuất. Mặt phẳng giao tiêu và vòng xoay của cái trống bát giác gồm tám thấu kính đơn rộng nhiều ngấn và trên dưới lại có hai loạt vòng chiết quang được tính toán kỹ; hệ thống răng bảo đảm chống được gió biển bằng những lớp kính dầy một ly, tuy vậy có lúc vẫn bị vỡ vì chim ưng biển lao vào, đó là giống bướm to của những ngọn đèn khổng lồ kia. Ngôi nhà chứa đựng, chống đỡ và lắp gắn bộ máy kia cũng được tính toán rất kỹ. Mọi thứ ở đấy đều đơn giản, ăn khớp, trần trụi, chính xác, đâu vào đấy. Một ngọn hải đăng là một con số. Ở thế kỷ mười bảy, hải đăng như một chùm lông cắm trên đất liền bên bờ biển. Kiến trúc của một tháp hải đăng thật cầu kỳ tráng lệ. Chỗ nào cũng ban công, bao lơn, tháp nhỏ, hốc con, chuồng chim, hoa gió. Toàn là mặt quỷ, tượng người, hoa lá, trôn ốc, chạm nổi, tượng to, tượng nhỏ, vỏ đạn khắc chữ. Pax in belle[76] ngọn hải đăng Eđixton ghi thế. Nhân thể chúng ta cần nhận xét, lời tuyên bố hòa bình này không phải lúc nào cũng tước được vũ khí của biển cả. Uyxtanlê cũng nhắc lại lời ấy trên ngọn hải đăng do ông bỏ tiền ra xây ở một nơi rất hiểm nghèo, trước Playmơt. Tháp hải đăng làm xong ông đứng vào trong, cho bão táp thử nghiệm. Bão đến và cuốn mất ngọn hải đăng Uyxtanlê. Vả lại những công trình xây dựng quá đáng ấy là mục tiêu cho cuồng phong từ bốn phía giống như những tướng lĩnh lấp lánh huy chương ở trận tiền thu hút tên đạn vào thân. Ngoài những trò cầu kỳ về đá gạch, lại còn những kiểu cách bằng sắt, bằng đồng, bằng gỗ; các ổ khóa đều chạm trổ, kèo, xà đều nổi bật. Khắp nơi, ở mặt bên của ngọn hải đăng, nhô ra, gắn vào tường xen lẫn với những hình chạm trổ kiểu ả rập, đủ loại máy móc, có ích và bỏ đi như tời, pa lăng, ròng rọc, đối trọng, thang, cần cẩu, phao cứu. Trên đỉnh, xung quanh ngọn lửa, có những ổ khóa rất tinh vi đỡ những chân nến bằng sắt, trên đó cắm những khúc cáp dăm nhựa thông, đấy là những cái bấc cháy dai dẳng không một ngọn gió nào thổi tắt được.

Và từ trên xuống dưới tháp còn có thêm cờ biển, cờ hiệu, cờ lệnh, cờ nhỏ, cờ to, cờ đuôi nheo, leo dần từng cán cờ, từng tầng một, kết hợp tất cả các dấu hiệu, tất cả các kiểu ngang tàng nghịch ngợm, lên đến tận cái lồng ánh sáng của ngọn hải đăng và trong bão táp tạo thành một cuộc nổi loạn của giẻ rách xung quanh quang cảnh rực cháy kia. Sự trâng tráo ấy của ánh sáng bên bờ vực thẳm, giống như một thách thức, thúc giục những người đắm thuyền phải hăng hái liều lĩnh.

Những ngọn hải đăng Caxkê hoàn toàn không thuộc loại đó.

Thời kỳ ấy nó chỉ là một ngọn hải đăng già nua, man rợ, đúng như vua Hăngri đệ Nhất đã cho xây sau khi mất chiếc Blăngsơ Nep[77], một thứ dàn lửa cháy trong lưới sắt trên một hòn núi, một đống lửa hồng sau một rào sắt và một mái tóc lửa trong gió lộng.

Từ thế kỷ mười hai, việc bổ khuyết duy nhất cho ngọn hải đăng đó là một cái bễ lò rèn vận hành bằng một thứ dây móc sắt có tạ bằng đá, lắp thêm vào cái lồng lửa năm 1610.

Đối với những loại hải đăng cổ xưa ấy, trò phiêu lưu của chim biển bi đát hơn đối với những hải đăng hiện nay. Chim chóc xô tới, vì ánh sáng thu hút, lao vào và rơi xuống đống lửa hồng, người ta thấy chúng nhảy nhót qua những linh hồn đen tối dãy chết trong cái địa ngục đó; và đôi lúc chúng lại rơi ra ngoài cái lồng đỏ, rớt xuống núi đá, bốc khói, khập khiễng, mù lòa, như những con ruồi cháy dở bên ngoài một ngọn đèn.

Đối với một chiếc tàu đang lúc diễn tập, có đầy đủ thiết bị, và lại dễ vận dụng cho hoa tiêu thì hải đăng Caxkê không có tác dụng; nó quát to; coi chừng! Nó báo hiệu có đá ngầm. Đối với một chiếc tàu lâm nạn, nó chỉ gây khủng khiếp. Vỏ tàu, bị tê liệt và bất động, không có sức chống đỡ với sóng nước lồng lộn điên cuồng, không có tài tự vệ chống áp lực của gió, như cá không vây, như chim không cánh, chỉ còn biết lao đến nơi nào gió bão đẩy tới ngọn hải đăng chỉ cho nó thấy chốn tận cùng, báo hiệu cho nó nơi mất tích, soi sáng cho nó chỗ chôn vùi. Nó là ngọn nến trên phần mộ.

Soi sáng cánh cửa tàn khốc, báo trước điều không tránh khỏi, còn nước châm biếm nào bi dát hơn.

Sự nhạo báng bí mật ấy, thêm vào cảnh đắm thuyền những con người khốn khổ trên thuyền Matutina hiểu ngay tức khắc. Ngọn hải đăng xuất hiện thoạt tiên khiến phấn khởi, sau lại làm cho họ buồn rầu. Không làm cách nào được, không liều cách nào được. Những điều nói về vua chúa đều có thể áp dụng cho sóng nước.

Con người là thần dân của vua chúa, con người là mồi để vua chúa xâu xé. Tất cả những gì vua chúa mê sảng, người ta đều phải chịu đựng. Ngọn gió tây bắc thổi bạt chiếc thuyền con vào bãi Caxkê. Họ đành phải đến đó.

Không có cách nào khác. Họ trôi giạt rất nhanh vào bãi ngầm. Họ cảm thấy đáy biển như trồi lên; giá thả được một cái máy đo cho tử tế thì nó đã chỉ không quá ba bốn sải nước. Đoàn người bị đắm lắng nghe tiếng sóng hút ầm ầm vào những chỗ nước ngầm gặp các mỏm núi dưới sâu. Họ nhận thấy dưới ngọn hải đăng, giữa hai phiến hoa cương sắc cạnh như một nhát chém tối đen, có cái eo biển của cái cảng nhỏ man rợ có lẽ chứa đầy xương người và xác tàu. Đó là một miệng hang hơn một lối vào cảng. Họ nghe tiếng nổ lách tách của giàn lửa cao trong lồng sắt, một sắc đỏ hung tàn soi sáng phong ba, lửa hồng gặp mưa đá làm rối loạn lớp sương mù, mây đen giao chiến với khói đỏ, rắn chống cự với rắn, than hồng tung bay trong gió lộng, bông tuyết như trốn chạy trước sức tấn công của tàn lửa tung toé. Những mỏm ngầm lúc đầu còn lờ mờ giờ đây hiện lên rõ nét trước mắt ngổn ngang núi đá với những đỉnh nhọn, những chỏm sắt và sống núi. Các góc cạnh hằn lên với những đường nét đỏ rực, còn các mặt nghiêng thì với những cầu trượt loáng máu. Họ càng tới gần, khu vực đá ngầm càng nổi lên rõ rệt, và cao dần, ghê rợn.

Một mụ, cái mụ người Iêchlăng, hốt hoảng lần tràng hạt.

Thiếu tên chủ thuyền hoa tiêu, còn tên đầu đảng vốn là thuyền trưởng. Dân Baxcơ ai cũng biết leo núi và đi biển. Họ rất dũng cảm trước tai biến, và rất tháo vát trong thảm họa.

Đến nơi rồi, sắp đụng vào rồi. Thình lình họ tới sát ngọn núi to phía bắc Caxkê đến nỗi nó che khuất cả ngọn hải đăng. Họ chỉ còn nhìn thấy núi và ánh sáng phía sau nữa thôi. Ngọn núi sừng sững trong sương mù giống hệt một người đàn bà to cao, mặc đồ đen, đầu đội mũ lửa.

Ngọn núi ít người tới lui này tên là Bibơle. Nó chống vào phía bắc bãi ngầm, còn một đỉnh khác, ngọn Êtăcô Ghimê, chống vào phía nam.

Tên đầu đảng nhìn ngọn Bibơle và hét to:

- Cần một người tình nguyện để buộc một sợi cáp nhỏ vào đá ngầm! Đây có ai biết bơi không?

Không ai trả lời. Trên thuyền chẳng có ai biết bơi kể cả thủy thủ; điểm thiếu sót này thế mà lại rất phổ biến của dân miền biển.

Một thanh gỗ ốp gần rời khỏi mạn, đu đưa ở cạp thuyền. Tên đầu đảng vội nắm chặt lấy nó bằng cả hai tay và nói:

- Giúp tôi nào.

Người ta tháo thanh gỗ ốp ra. Thế là có thể sử dụng nó theo ý muốn. Từ một vật để tự vệ nó trở thành một vật tấn công. Đó là một cái sà dài, toàn bằng gỗ sồi lõi, tốt và chắc, có thể dùng làm dụng cụ tấn công và điểm tựa; gặp vật nặng nó là đòn bẩy, gặp thành trì nó là phi thê[78].

- Chuẩn bị! - Tên đầu đảng hô to.

Họ đứng hàng sáu, gò người bên cái cột buồm gãy, tay ôm thanh gỗ chìa ra ngoài cạp thuyền và lăm lăm như một ngọn mác trước sườn tảng đá ngầm.

Thao tác thật nguy hiểm. Thúc vào núi, một việc làm hết sức táo bạo. Sáu con người đó có thể bị hất tung xuống nước vì sức giật.

Đó là những hình thái khác nhau trong cuộc chiến đấu với bão táp. Sau cuồng phong là đá ngầm; sau gió bão là đá hoa cương. Hết đối mặt với cái không sao tóm bắt được, lại vấp phải cái không gì lay chuyển nổi.

Có những phút giây tóc người bạc trắng.

Đá ngầm và thuyền sắp xáp lại gần nhau.

Một mỏm núi là một tội nhân sắp bị hành hình. Đá ngầm vẫn chờ đợi.

Một ngọn sóng ào ào xô đến. Nó chấm dứt giây phút đợi chờ. Nó bốc phăng chiếc thuyền từ dưới, nâng bổng lên, đung đưa một lúc như cái máy phóng đá đung đưa hòn đạn.

- Chắc vào - Tên đầu đảng hét - Nó chỉ là hòn núi chúng ta là con người.

Thanh gỗ đứng im. Sáu con người với thanh gỗ chỉ là một. Những con xỏ trên thanh gỗ cày vào nách, nhưng họ không cảm thấy đau.

Con sóng ném chiếc thuyền vào ngọn núi.

Cuộc đụng độ diễn ra.

Nó diễn ra dưới một đám bọt nước, không có hình dạng, che lấp hết mọi diễn biến.

Khi đám mây đổ xuống biển, khi sóng nước lại rời xa vách núi, sáu người lăn lông lốc trên sàn thuyền; nhưng thuyền Matutina thì vun vút chạy trốn dọc theo ngọn đá ngầm. Thanh sà đã đứng vững và tạo ra một chuyển hướng. Trong mấy giây đồng hồ, ngọn sóng được buông lỏng cứ thế lướt đi, Caxkê nằm lại phía sau chiếc thuyền con. Thuyền Matutina lúc này đã thoát khỏi tai nạn trước mắt.

Sự việc như thế thường xảy ra luôn. Chính một cú thúc, thẳng bằng cột buồm vào vách biển đã cứu Vut đơ Lacgô ở cửa sông Tê. Trong vùng biển hiểm trở quanh mũi Uyntơtơn, và dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Hamitơn, chính nhờ một cú đòn bẩy tương tự vào ngọn núi Branođu - Um rùng rợn mà tàu Royan - Mari thoát khỏi đắm, mặc dầu nó chỉ là một chiến hạm hạng nhì kiểu Êcôx. Sóng biển là một sức mạnh bị phân giải đột ngột đến nỗi những cách tránh né lại dễ dàng, ít ra thì cũng có thể thực hiện được, ngay cả trong những trường hợp đụng độ dữ dội nhất. Trong bão táp có cái mặt hung thú; phong ba là con bò mộng, và người ta có thể lừa phỉnh nó.

Cố chuyển từ đường cát tuyến sang đường tiếp tuyến, toàn bộ bí quyết tránh đắm là ở đó.

Thanh gỗ ốp đã giúp con thuyền trong việc ấy. Nó đã làm nhiệm vụ của mái chèo: nó đã thay thế tay lái.

Nhưng một khi thủ đoạn giải thoát thực hiện xong, người ta không thể diễn lại. Thanh sà rơi xuống biển. Thời gian đụng độ làm nó bung ra khỏi tay mấy người đàn ông, văng qua mạn thuyền, và mất tăm trong sóng nước. Tháo gỡ một thanh sà khác tức là phá toang cả sườn tàu.

Phong ba lại cuốn chiếc Matutina đi. Tức thì bãi Caxkê giống như một vật trở ngại vô ích ở chân trời.

Không gì có vẻ ngỡ ngàng lúng túng như một tảng đá ngầm ở trường hợp như thế. Trong thiên nhiên, trong vô định, nơi cái hữu hình bị cái vô hình làm cho thêm phức tạp, có những hình dáng cau có bất động dường như tức giận vì một miếng mồi phải nhả.

Bãi Caxkê trong lúc thuyền Matutina trốn chạy là như vậy.

Ngọn hải đăng lùi dần, tái mét xanh nhợt, rồi biến mất.

Cảnh tắt ngấm đó thật buồn thảm. Những lớp sương mù chồng chất lên màu lửa rực trở thành khuếch tán. Sức phát quang loãng ra trong bao la ẩm ướt. Ngọn lửa bềnh bồng, chống cự, chúi xuống, mất hẳn hình dạng. Tưởng chừng như bị chết đuối. Dàn lửa, trở thành hoa đèn, lúc này chỉ còn là một ánh lửa bập bùng, le lói, mơ hồ . Xung quanh một vùng ánh sáng tan chảy rộng dần. Tưởng như ánh sáng bị đè bẹp trên nền trời đêm.

Tiếng chuông, ban nãy là một mối đe dọa đã lặng; ngọn hải đăng, ban nãy là một mối đe dọa đã tiêu tan .Thế mà khi hai mối đe doạ ấy đã biến mất, lại càng khủng khiếp hơn. Một bên là tiếng nói, một bên là bó đuốc. Chúng có một cái gì của con người. Mất chúng rồi, chỉ còn vực thẳm.

Chiếc thuyền con lại chìm ngập trong bóng tối mù mịt vô biên.

Thoát khỏi bãi Caxkê, thuyền Matutina lại cưỡi hết ngọn sóng này đến ngọn sóng khác. Nghĩ ngợi đấy, nhưng trong tình trạng hỗn mang. Bị gió xô qua đẩy lại, bị sóng giằng giật lôi kéo, bốc lên đè xuống đủ kiểu, nó tuân theo tất cả những dồn dập điên cuồng của ngọn nước. Nó không rình rập theo chiều dọc nữa, đó là dấu hiệu đáng lo ngại của một chiếc thuyền trong giờ phút hấp hối. Những vật trôi giạt chỉ chòng chành theo chiều ngang. Rập rình chiều dọc là cảnh quằn quại trong chiến đấu. Chỉ tay lái mới có thể chịu được gió ngược.

Trong bão táp và nhất là trong hiện tượng tuyết sa, biển cả và đêm tối cuối cùng hoà lẫn vào nhau, kết quyện làm một và chỉ thành một thứ khói. Sương mù, lốc xoáy, gió thổi. trôi theo mọi hướng, không một điểm tựa, không nơi căn cứ, không phút nghỉ ngơi, luôn luôn bắt đầu trở lại, hết lỗ hổng này đến lỗ hổng khác, chẳng thấy chân trời đâu cả, một kiểu giật lùi thăm thẳm, chiếc thuyền con bồng bềnh trong đó.

Thoát khỏi bãi Caxkê, tránh được bãi ngầm, đối với lũ người bị đắm đã là một chiến thắng rồi. Nhưng là một sự kinh hoàng. Họ không dám reo hò; ở biển khơi không ai phạm những dại dột như thế hai lần. Khiêu khích cái khôn dò là điều nghiêm trọng.

Đẩy lùi được đá ngầm là đã hoàn thành được việc phi thường. Họ ngơ ngác. Tuy vậy, dần dần họ cũng trở lại hy vọng. Những ảo ảnh không chìm không đắm được của tâm hồn đều như vậy. Không có nguy khốn nào, ngay trong giây phút hiểm nghèo nhất, trong chốn tận cùng của nó, lại không nhìn thấy sáng lên niềm hy vọng khó tả. Những con người bất hạnh kia không đòi hỏi gì hơn là tự nhận rằng mình đã được cứu thoát. Trong thâm tâm họ đang lắp bắp điều đó.

Nhưng thình lình trong đêm tối bỗng lù lù một vật to lớn khủng khiếp. Bên mạn trái nổi lên, rõ mồn một trên nền sương mù, một khối mờ đục cao ngất, sừng sững, vuông góc, một ngọn tháp vuông của vực thẳm.

Họ há hốc mồm ra nhìn.

Gió đang ào ào đẩy họ tới đó. Họ không biết đấy là gì. Chính là hòn Ortasơ.

Lại đá ngầm. Sau Caxkê đến Ortasơ. Bão táp đâu phải là nghệ sĩ, nó vốn tàn bạo, quyền lực vô cùng, và không thay đổi thủ đoạn.

Tăm tối không biết kiệt quệ. Nó không bao giờ hết cạm bẫy và phản trắc. Con người chóng hết phương tiện. Con người tự tiêu hoa, chứ vực thẳm thì không.

Lũ người đắm thuyền ngoảnh nhìn tên đầu đảng, niềm hy vọng của họ. Hắn chỉ có thể nhún vai, một thái độ khinh bỉ buồn rầu của bất lực.

Ortasơ là một phiến đá lát nằm giữa đại dương.

Tảng ngầm Ortasơ, nguyên một khối, dày dạn với bốn bề sóng nước, nhô thẳng lên tám mươi bộ cao. Sóng to và tàu thuyền gặp nó đều tan vỡ. Là một khối lập phương bất di bất dịch, nó cản đứng những cạnh thẳng của nó vào những đường cong lượn ngoằn ngoèo vô tận của biển cả.

Ban đêm nó sừng sững như một cái thớt khổng lồ đặt trên những nếp nhăn của một tấm thảm đen to. Trong bão táp nó chờ đợi nhát rìu là sấm sét.

Nhưng trong bão tuyết lại không bao giờ có sét. Đúng, chiếc thuyền đã có vải bịt mắt; bao nhiêu tăm tối đều bưng lấy mắt nó. Nó sẵn sàng như một tội nhân đón chịu cực hình. Còn sét, một cái chết nhanh chóng, thì đừng hòng hy vọng đến điều đó.

Matutina chỉ là một chiếc thuyền mắc cạn, bồng bềnh, lúc này đang hướng tới tảng đá đó như ban nãy nó đã đi, tới tảng đá kia. Những con người bất hạnh, đã một lúc tưởng được cứu thoát giờ đây lại hồi hộp lo lắng. Cảnh đắm thuyền mà họ đã bỏ lại phía sau, giờ đây lại hiện ra trước mắt. Đá ngầm lại từ đáy biển nhô lên. Chẳng có gì xong, chẳng có gì hết.

Caxkê như một cái khuôn bánh nghìn ô. Ortasơ như một bức thành cao ngất. Đắm ở Caxkê thì bị rách tả tơi, đắm ở Ortasơ thì bị nghiền nát vụn.

Tuy vậy vẫn còn một điểm may mắn.

Trên những mặt phẳng, mà Ortasơ là một, sóng không hơn gì đạn cối nó không nẩy thia lia. Nó thu hẹp vào thế giản đơn. Sóng xô vào rồi sóng lại rút ra! Sóng đến thì mạnh sóng hồi thì êm.

Trong những trường hợp như vậy, vấn đề sống chết được đặt ra như sau: nếu sóng đến dẫn thuyền tới sát nút, nó sẽ quật thuyền vào núi vỡ tan và thuyền sẽ không còn nữa; nếu sóng êm trở về trước khi thuyền chạm núi, nó sẽ kéo thuyền ra, vậy là thuyền thoát nạn.

Nỗi lo sợ thật thương tâm. Lũ người lâm nạn nhìn thấy trong bóng tối chập chờn ngọn sóng to quyết định đang tiến đến trước mặt. Nó sắp kéo họ đi đâu? Nếu sóng quật vào thuyền, họ sẽ bị cuốn lăn vào núi và tan xương. Nếu sóng luồn xuống đáy thuyền.

Ngọn sóng lòn qua đáy thuyền.

Họ thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng họ sẽ gặp cái gì trở lại đây? Ngọn sóng nhào sẽ làm gì họ đây.

Ngọn sóng nhào cuốn họ ra.

Mấy phút sau thuyền Matutina đã ở ngoài tầm nước của bãi ngầm. Ortasơ cũng khuất dần như Caxkê đã mờ khuất.

Đó là chiến thắng thứ hai. Lần thứ hai chiếc thuyền con đã sắp đắm đến nơi và đã lùi lại đúng lúc.

Trong khi ấy một đợt mù dày đặc đã ập xuống những con người bất hạnh đang trôi dạt. Họ không biết họ đang ở đâu. Họ chỉ nhìn thấy lờ mờ vài tầm[80] quanh thuyền. Mặc dầu mưa đá ào ào buộc tất cả họ phải cúi đầu, mấy mụ cũng nhất định không chịu xuống cabin.

Không một kẻ thất vọng nào lại không muốn chết đắm giữa trời. Họ gần cái chết đến nỗi thấy có trần trên đầu là thấy mở đầu cho cỗ áo quan.

Sóng, mỗi lúc một căng phồng, đã ngắn hẳn lại. Sóng ứ là dấu hiệu của tắc nghẹn; trong sương mù, có những quầng nước báo hiệu có một eo biển. Đúng thế, họ không biết đấy thôi, họ đang men theo Ôrinhi. Giữa Caxkê với Ortasơ ở phía tây, với Ôrinhi ở phía đông, đều bị thắt lại, bị ngăn chặn, và chỗ nào biển khó chịu thì chỗ đó gây nên bão táp. Biển cũng đau đớn như mọi thứ khác; chỗ nào biển đau thì biển nổi giận. Eo biển ấy rất dễ sợ.

Thuyền Matutina đang nằm trong eo biển đó.

Ta hãy tưởng tượng ở dưới một cái mu rùa to như Haiđơ Pae[81] hay Săng-Êlidê[82], mà mỗi rãnh là một hũng sâu và mỗi chỗ bướu là một chỏm núi. Hướng tiếp cận mặt tây Ôrinhi như thế đấy. Biển cả trùm lên và che kín cái bẫy đắm tàu đó. Trên cái mu toàn đá ngầm đó, sóng bị xé nhỏ, nhảy nhót và sủi bọt. Khi yên tĩnh là tiếng róc rách; trong giông tố là cảnh hỗn mang.

Hiện tượng phức tạp mới này, những người đắm thuyền nhận thấy mà không tự giải thích nổi. Rồi đột nhiên họ hiểu ra. Một khoảng trời nhợt nhạt xuất hiện trên thiên đỉnh, một chút mờ xanh tản mạn trên biển cả, cái màu xanh nhợt đó để lộ ra ở mạn bên trái một cái đập chắn ngang phía đông, và gió đuổi thuyền đi đang ào ào thổi vào đó. Cái đập ấy là Ôrinhi.

Là gì? Họ run bần bật.

Họ còn run hơn nữa nếu có tiếng trả lời họ: Ôrinhi.

Không một hòn đảo nào được bảo vệ để chống con người thâm nhập như Ôrinhi. Dưới nước và trên mặt nước, nó có một đội bảo vệ hung dữ, mà Ortasơ chính là tên lính gác. Phía Tây, Buyru, Xôtơriô, Anfrôc, Niangơlơ, Eôngđuy Crôc, LêJuymenm, La Gơrôx, La Clăngkơ, Lêzêkilông, Lơ Vrăc, La Fôx Malie; phía đông Xôkê, Ômmôm, Flôrô, La Brinobote, La Kexlanh, Crôkơlihu, La Fuôcsơ, Lơxô, Noa Puy, Cupi, Crbuy[83]. Tất cả lũ quái vật ấy là gì? Những con giao long, phải không? Phải, thuộc loại đá ngầm.

Một trong những hòn đá tên là Buyt, như để chỉ rõ là mọi cuộc hành trình đều kết thúc tại đấy[84].

Loại đá ngầm nằm ngổn ngang đó nhờ có nước và đêm tối hoá ra đơn giản, hiện ra trước mắt đám người lâm nạn dưới hình thức một giải dài tối om đơn giản, một thứ vạch đen ở chân trời.

Chìm đắm là chỗ tận cùng của bất lực. Gần đất liền mà không đến được đất liền, nổi lềnh bềnh mà lại không chèo không lái được, đặt chân lên một vật có vẻ chắc chắn mà lại mong manh, cùng một lúc tràn đầy sức sống và chết chóc, là tù nhân giữa trời biển bao la, bị bao vây giữa trời mây và biển cả, mang trên người cả cái vô cùng như một hầm tối, quanh mình là gió lộng và sóng nước mông mênh vì bị tóm chặt, trói gô, liệt vị, cái cảnh hành hạ đó khiến phải sừng sờ và phẫn nộ. Tưởng như thấp thoáng ở đó có nụ cười chế nhạo của người chiến sĩ không ai tới gần được. Cái giam giữ anh chính lại là cái tháo bỏ cho chim cá được tự do bay lội. Cái đó hình như chẳng là gì hết mà lại là tất cả, phải phụ thuộc vào lớp không khí mà người ta làm vẩn đục bằng mồm, phải phụ thuộc vào làn nước mà người ta có thể vốc trong lòng bàn tay. Hãy múc đầy cốc thứ bão táp đó, nó chỉ là một mớ đắng cay. Ngụm nước, đó là sự ghê tởm; sóng biển, đó là sự tuyệt diệt. Hạt cát trong sa mạc, chút bọt sóng của đại dương là những hình ảnh choáng ngợp; toàn năng không cần che giấu hạt nguyên tử của mình, nó lấy cái yếu làm sức mạnh, nó lấp đầy hư không bằng cái toàn thể của nó, và cái lớp vô biên nghiền nát anh bằng chính cái nhỏ vô cùng. Chính bằng những giọt nước mà đại dương bóp nát anh.

Con người tự cảm thấy mình là một thứ đồ chơi.

Đồ chơi, ôi từ ngữ đó sao mà khủng khiếp!

Thuyền Matutina ở phía trên Ôrinhi một tí, đó là điểm thuận lợi; nhưng trôi giạt đến mũi bắc thì rất nguy hại. Ngọn gió bấc tây bắc, như một cánh cung căng thẳng buông một mũi tên, bắn chiếc thuyền vào mũi bắc. Ở chỗ cái mũi ấy, ở bên này cảng Corbơlê một tí, có cái mà thuỷ thủ quẩn đảo Normăngđi gọi là “Con khỉ”.

Con khỉ - swinge - là một dòng nước thuộc loại hung dữ. Một tràng phễu ở đáy biển tạo thành một chuỗi xoáy trong sóng nước. Cái này buông ra, cái kia tóm lại. Một con thuyền, bị khỉ tóm, cứ thế lăn từ xoáy ốc này sang xoáy ốc khác cho đến khi một mỏm núi nhọn phá toang vỏ thuyền. Lúc ấy chiếc thuyền vỡ dừng lại, phía sau nhô lên khỏi sóng, phía trước chúi xuống, vực thẳm kết thúc vòng quay, phía sau chìm nghỉm và tất cả khép lại.

Một đám bọt sóng loang rộng và trôi lềnh bềnh, trên mặt sóng chỉ còn thấy đây đó mấy cái bong bóng, từ những hơi thở tắc nghẹn dưới nước nổi lên.

Trong toàn bộ biển Măngsơ, ba con khỉ nguy hiểm nhất là con khỉ ở gần bãi cát nổi tiếng Gơcđơlơ Xen, con khỉ ở Giocxây giữa Pinhonê và mũi Noamông, và con khỉ Ôrinhi.

Một hoa tiêu địa phương, giá có mặt trên thuyền Matutina, đã báo hiệu cho những người bị đắm về nguy cơ mới này. Thiếu hoa tiêu, họ có bản năng; trong những hoàn cảnh cuối cùng, vẫn có nhãn quan thứ hai. Bọt nước quằn quại bắn lên rất cao, bay dọc theo bờ, trong cảnh phá phách điên cuồng của gió. Đó là những thứ con khỉ khạc nhổ ra. Biết bao thuyền bè đã mất tích trong cái ổ phục kích này. Không biết ở đó có gì, họ cứ hãi hùng tiến lại gần.

Làm thế nào để vượt qua mũi này? Không có cách nào cả.

Cũng như ban nãy họ đã thấy xuất hiện Caxkê, rồi xuất hiện Ortasơ, giờ đây họ lại thấy nhô lên cái đỉnh Ôrinhi, toàn núi đá cao.

Giống hệt những tên khổng lồ, hết tên nọ đến tên kia. Một loạt trận quyết chiến rùng rợn.

Sarip và Xinla[85] chỉ mới hai; Caxkê, Ortasơ và Ôrinhi những ba.

Lại vẫn hiện tượng đá ngầm đầy dẫy chân trời với vẻ đơn điệu vĩ đại của vực thẳm. Những trận chiến ngoài đại dương bao giờ cũng lặp đi lặp lại một cách oai hùng như những trận chiến của Hôme[86].

Họ càng đến gần thì mỗi đợt sóng lại tăng thêm hai mươi khuỷu[87] vào cái mũi đá được khuếch đại khủng khiếp trong sương mù. Việc giảm dần quãng cách dường như không thể nào tránh khỏi. Họ đang men đến gần con khỉ. Ngọn sóng đầu tiên tóm được họ sẽ cuốn băng họ đi. Một con sóng nữa là hết cả.

Thình lình chiếc thuyền con bị hất lùi ra sau như bị một quả đấm của khổng lồ. Ngọn sóng hồi lồng lộn dưới lòng thuyền lật nhào nó, vứt trả vật trôi giạt vào cái bờm bọt nước. Nhờ sức đẩy đó, thuyền Matutina rời khỏi vịnh Ôrinhi. Thứ đồ chơi trẻ con đó của thần chết lại ra khơi.

Nhờ đâu có sự cứu thoát đó.

Nhờ gió.

Luồng gió của phong ba vừa chuyển hướng.

Sóng nước đã đùa giỡn với họ, bây giờ đến lượt gió. Họ đã tự gỡ ra khỏi Caxkê; nhưng trước Ortasơ sóng hồi đã dắt dẫn kịch biến; trước Ôrinhi là gió bấc. Gió đã đột ngột trở từ hướng bắc xuống hướng nam.

Gió tây nam đã tiếp theo sau gió tây bắc.

Triều lưu là gió quện trong nước; gió là triều lưu quện trong không khí; hai sức mạnh đó vừa mới đối chọi nhau, và gió đã giở chứng cướp mất mồi của triều lưu.

Những hành vi thô bạo của đại dương vẫn tối tăm. Có lẽ chúng vẫn thường xuyên như thế. Đã nằm trong tay chúng thì không thể hy vọng, mà cũng không thể thất vọng. Chúng thắt rồi chúng lại mở. Đại dương đùa bỡn. Tất cả mọi cung bực của tàn bạo dã thủ đều có trong biển cả nham hiểm mà Jăng Bar gọi là “tên đần độn”. Đó là cái cào cấu cố tình, cách quãng bằng những cái tát khẽ. Đôi khi bão táp chỉ đánh đắm qua loa, đôi khi nó lại làm rất chu đáo; hầu như có thể nói là nó vuốt ve mơn trớn cái trò đánh đắm. Biển cả có thừa thời gian. Những kẻ đang hấp hối nhận rõ điều ấy.

Phải nói rằng đôi khi những việc trì hoãn cực hình đó lại báo hiệu sự giải thoát. Những trường hợp như thế hiếm thôi. Dù sao kẻ hấp hối cũng vẫn dễ tin vào sự thoát nạn, bão táp chỉ hơi bớt đe doạ là đủ, họ tự khẳng định đã thoát khỏi nguy cơ, sau khi tưởng bị chôn vùi họ lại tin chắc vào việc hồi sinh, họ cuống cuồng đón nhận cái chưa nắm trong tay, tất cả những gì vận rủi chứa đựng đã tiêu tan hết, hiển nhiên là thế, họ tự nhận là thoả mãn, là đã thoát nạn, họ xem như sạch nợ với Chúa. Chớ có vội trao giấy biên nhận cho Đấng Vô danh.

Gió tây nam bắt đầu bằng một cơn lốc xoáy. Người bị đắm bao giờ cũng chỉ có những kẻ cứu vớt cáu kỉnh. Thuyền Matutina bị cuốn ra khỏi một cách thô bạo nhờ những thứ còn lại trên thuyền, y như một người chết bị túm tóc lôi đi. Giống như việc phóng thích mà Tibe ban cho, sau khi hãm hiếp. Gió lại đối xử tàn bạo với những kẻ được nó cứu thoát. Nó làm ơn một cách giận dữ. Đó là sự cứu vớt không có lòng thương xót.

Mảnh rểu, trong sự ngược đãi mang tính giải thoát này, tan rã hoàn toàn.

Những hạt mưa đá, to và cứng đến mức có thể nhồi vào súng thần công được, rơi ầm ầm lên thuyền.

Mỗi lần sóng giật, những hạt mưa đá lại lăn trên mặt boong như những hòn bi.

Chiếc thuyền con, hầu như đứng giữa, mất hết hình dạng dưới những lớp sóng nhào và những lớp bọt tan.

Trên thuyền người nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân. Mạnh ai bám được vào đâu thì bám. Sau mỗi lần sóng biển trào lên thuyền, họ lại ngạc nhiên thấy vẫn còn đầy đủ. Nhiều người toạc cả mặt vì bị dăm gỗ quất.

Cũng may thất vọng có những nắm tay vững chắc.

Trong hãi hùng bàn tay con trẻ thường bấu chặt như tay khổng lồ. Lo lắng thường biến ngón tay phụ nữ thành gọng kìm chắc. Một thiếu nữ sợ hãi có lẽ với những móng tay hồng có thể cấu thủng được cả sắt. Họ bấu vào nhau, túm lấy nhau, giữ chặt lấy nhau. Nhưng tất cả các ngọn sóng đều làm cho họ kinh hoàng, sợ bị quét băng.

Thình lình họ thấy nhẹ hẳn người.

Phong ba vừa dừng hẳn.

Trong không khí không còn gió tây nam, cũng chẳng còn gió tây bắc. Tiếng kèn của không trung đã lặng. Cây nước từ trên trời nhô ra không thu nhỏ trước, không chuyển dần, cứ như chui tuột xuống vực thẳm. Không biết nó ở đâu nữa. Bông tuyết bỗng thay thế mưa đá. Tuyết lại bắt đầu rơi thong thả.

Không còn sóng cuộn. Mặt biển phẳng lì.

Những đợt ngừng tắt đột ngột ấy là đặc điểm của bão tuyết. Luồng điện đã hết, tất cả đều lắng xuống. Kể cả sóng nước vốn hay xáo động khá lâu trong những trận bão bình thường. Ở đây hoàn toàn không thế. Không có phút phẫn nộ nào kéo dài trong nước. Như một người lao động sau một lúc mệt nhọc, sóng lặng ngay tức khắc, điều đó hầu như mâu thuẫn với những định luật của tĩnh lực học, nhưng không làm cho các hoa tiêu lão luyện ngạc nhiên, vì họ biết cả những gì bất ngờ đều có trong biển cả.

Hiện tượng này cũng xảy ra, nhưng rất hiếm, cả trong những trận bão táp thông thường. Cho nên ngày nay, trong trận phong ba đáng ghi nhớ hôm 27 tháng 7 năm 1867, ở Giecxê, sau mười bốn tiếng đồng hồ lồng lộn, gió bỗng lặng hẳn.

Sau mấy phút, xung quanh chiếc thuyền con chỉ có mặt nước lặng lờ.

Đồng thời, vì giai đoạn cuối thường giống giai đoạn đầu, người ta không nhìn thấy gì nữa. Tất cả những cái có thể nhìn thấy trong cơn quằn quại của mây khí tượng đều trở lại mù mịt, những bóng dáng xanh nhợt đều tan ra, loãng ra tản mạn, và cái mầu tối sẫm của bao la từ bốn phía cứ tiến gần đến con thuyền. Bức tường đêm đó, sự bao quanh đó, cái bên trong hình ống đó mà đường kính cứ từng phút từng phút thu hẹp dần, bao bọc lấy thuyền Matutina, và từ từ, ác hiểm như một núi băng khép lại, cứ nhỏ dần một cách khủng khiếp. Trên thiên đỉnh chẳng có gì hết, một cái vung sương mù, một bức rào. Chiếc thuyền con như nằm trong đáy giếng của vực thẳm.

Trong cái giếng ấy, một vũng chì nước đó là biển cả. Nước không xao xuyến nữa. Một trạng thái bất động thảm đạm. Đại dương có bao giờ hung ác hơn hồ ao.

Tất cả đều tĩnh mịch, lắng đọng, mù quáng.

Sự im lặng của vạn vật có lẽ là tính lầm lì.

Những tiếng róc rách cuối cùng trườn theo cạp thuyền. Mặt boong nằm ngang với độ nghiêng không đáng kể. Một đôi chỗ nứt vỡ khẽ rung rung. Cái vỏ lựu đạn, dùng làm kèn hiệu, trong đó bùi nhùi cháy lẫn với nhựa đường, không đung đưa ở cột buồm cái nữa; và cũng không bắn những giọt lửa xuống biển nữa. Những gì còn lại của hơi thở trong mây trời không phát ra tiếng động nữa. Tuyết rơi mau, mềm mại, hơi chênh chếch. Không còn nghe tiếng bọt nước của một mỏm đá ngầm nào cả. Cảnh thanh bình của tăm tối.

Giây phút nghỉ ngơi này, sau những cơn phẫn nộ và cao điểm vừa qua, đối với những kẻ khốn khổ đã bị dồn dập quá nhiều, là một hạnh phúc khó tả. Họ thấy hình như họ không còn bị hành hạ nữa. Họ thoáng thấy xung quanh và trên đầu họ có một sự đồng tình để cứu thoát họ. Họ lại tin tưởng. Tất cả những gì ban nãy lồng lộn điên cuồng thì bây giờ yên tĩnh. Họ thấy như đó là một hiệp ước hòa bình đã được ký kết. Những lồng ngực khốn khổ của họ căng phồng lên. Họ có thể buông mẩu dây hay mảnh ván đang cầm trong tay ra, nhổm dậy, vươn mình, đứng thẳng đi lại cử động. Họ cảm thấy yên tâm một cách khó nói. Trong chốn sâu kín tối tăm, có những hiệu quả thiên đường như vậy, chuẩn bị cho một cái gì khác. Rõ ràng là họ đã dứt khoát thoát khỏi cuồng phong, thoát khỏi bọt sóng, thoát khỏi gió dập, thoát khỏi những sự điên khùng, họ đã được giải thoát.

Từ lúc này họ có đủ mọi may mắn cho bản thân. Trong ba bốn tiếng đồng hồ nữa, mặt trời sẽ mọc, một chiếc thuyền nào đó đi qua sẽ trông thấy và thế là họ sẽ được cứu vớt. Phút gay go nhất đã qua. Họ đang trở lại với cuộc đời. Điều quan trọng là đã đứng vững được trên mặt nước cho đến lúc hết bão.

Họ tự nhủ: lần này thế là hết.

Thình lình họ nhận thấy quả là hết thật.

Một trong số thuỷ thủ, tay người Baxcơ miền bắc, tên là Galđizum, đi xuống khoang để tìm dây cáp, trở lên nói:

Khoang đầy ắp.

Đầy gì? Tên đầu đảng hỏi.

- Nước - người thuỷ thủ đáp Tên đầu đảng hét to:

- Thế nghĩa là thế nào?

- Thế nghĩa là - Galđizum nói tiếp - trong nửa giờ nữa, chúng ta sẽ chìm nghỉm.

Ở sống thuyền có một kẽ nứt. Nước cứ theo đó rò Vào. Từ lúc nào? Điều đó không ai có thể nói được. Có phải lúc đến gần hòn Caxkê không? Có phải lúc đứng trước Ortaso không? Có phải lúc nước róc rách ở bãi ngầm phía tây Ôrinhi không? Có lẽ đúng nhất vì họ đã chạm vào Con khỉ. Họ đã nhận một cú thúc ngầm của lợn lòi. Giữa cơn cuồng phong lồng lộn quăng quật, họ đã không nhận thấy cú húc. Trong cơn sài uốn ván con người không cảm thấy mũi tiêm.

Tay thuỷ thủ kia, anh chàng người Baxcơ miền nam tên là Avê Maria, cũng lần xuống khoang, trở lên và nói:

Nước trong khoang cao đến hai varo.

Quãng sáu piê[88]

- Đúng.

- Phải một người đưa chúng tôi vào - tên đầu đảng lại nói.

- Chúng tôi không có hoa tiêu - Galđizun nói.

- Mày cầm lấy cần lái đi.

- Làm gì còn cần lái.

- Ta làm tạm một cái với thanh xà nào vậy. Lấy Đinh. Lấy búa. Lấy dụng cụ ra đây mau!

- Thùng thợ mộc đã rơi xuống nước rồi. Không còn dụng cụ nữa.

- Dù sao thì cũng phải chèo lái chứ, đi bất cứ đâu!

- Chúng tôi không còn tay lái nữa.

- Canô đâu? Ta cứ nhảy xuống canô. Ta chèo!

- Chúng tôi không còn canô nữa.

- Ta chèo mảng vậy.

- Chúng tôi không còn bơi chèo.

- Thế thì dùng buồm.

- Chúng tôi không còn buồm, không còn cột buồm.

- Ta lấy thanh gỗ ốp làm cột buồm, lấy bạt che hàng làm buồm. Phải thoát khỏi đây chứ! Cứ phó mặc cho gió!

- Làm gì còn gió.

Quả thật gió đã rời bỏ họ. Bão táp đã đi rồí, và việc ra đi ấy, họ những tưởng cứu thoát họ, lại dẫn họ vào chỗ chết. Ngọn gió tây nam, giá còn sẽ điên cuồng đẩy họ tới một bến bờ nào đó, sẽ thẳng lỗ rò về tốc độ, có lẽ sẽ đưa họ đến một bãi cát nào thuận tiện, và giạt họ lên bờ trước khi họ bị chìm nghỉm. Bão cuốn nhanh có thể đưa họ đặt chân lên đất liền. Không có gió, không còn một hy vọng nào nữa. Họ sẽ chết vì thiếu phong ba.

Hoàn cảnh tối hậu hiện ra.

Gió, mưa đá, cuồng phong, cuốn lốc, là những đấu thủ vô trật tự mà người ta có thể chiến thắng được.

Không có vũ khí vẫn có thể thắng được bão táp. Người ta có nhiều lối đánh trả kẻ hùng hổ lúc nào cũng sơ hở, vận động nhầm, thường đánh hụt. Nhưng chống lại kẻ bình tĩnh thì chịu. Không có chỗ mấu nào để có thể tóm được.

Gió là một kiểu tấn công của người Côzắc; cứ giữ cho vững, tự nó khắc phân tán. Bình tĩnh là gọng kìm của đao phủ.

Nước không vội vã, nhưng không lúc nào ngừng, lại nặng và không ngăn giữ được, cứ dâng lên trong khoang, mà nước càng lên thì thuyền càng xuống. Sự việc đó tiến rất chậm.

Những con người bị đắm thuyền Matutina cảm thấy dưới chân cứ hé mở dần dần cái tai biến vô vọng nhất, cái tai biến đần độn vô tình. Tính thực tế lặng lẽ và thảm đạm của sự việc vô ý thức đó nắm chắc lấy họ.

Không khí không dao động, biển cả không xao xuyến.

Bất động là cái không thể van nài. Việc nuốt chửng lặng lặng làm họ tiêu tan dần dần. Qua lớp nước dày; câm lặng, không giận dữ, không say mê, không muốn thế, không biết thế, không có lợi gì trong đó, cái trung tâm ác nghiệt của quả đất cứ cuốn hút họ. Hãi hùng, cứ thảnh thơi, quện lẫn với họ. Đây không còn là cái mõm toang hoác của ngọn nước, là cái hàm đôi của gió trời và sóng biển đe doạ một cách hung dữ, là cái nhếch miệng của con rồng lấy nước, là con sóng đòi ăn đang sùi bọt mép; dưới những con người khốn khổ kia, đây là cái miệng ngáp đen ngòm nào đó không biết của vô biên. Họ tự cảm thấy đang bước vào một nơi sâu thẳm thanh bình là cái chết. Phần mép thuyền con nhô lên trên mặt nước cứ mỏng dần, có thế thôi. Có thể tính được đến phút nào thì nó sẽ biến mất. Điều này trái ngược hẳn với lối nhận chìm của thuỷ triều. Nước không dâng lên phía họ, mà họ lại đi dần xuống nước. Việc đào mồ của họ do họ tiến hành. Trọng lượng của họ là người đào huyệt.

Họ bị hành quyết không phải bởi luật pháp của con người, mà vì qui luật của vạn vật.

Tuyết cứ rơi, và do mảng thuyền không chòng chành nữa, nên thứ xơ trắng xoá đó hình thành một lớp khăn trải trên sàn tàu và phủ kín thuyền như một tấm vải liệm.

Khoang thuyền ngày càng nặng. Không có cách nào khắc phục lỗ rò. Họ không có cả xẻng múc, vả lại nếu có cũng tạm bợ và không sử dụng được vì thuyền có boong. Phải tìm cách soi sáng; họ thắp ba bốn ngọn đuốc, cắm bừa vào những lỗ thủng, Galđizun mang đến mấy cái xô cũ bằng da; họ định múc cạn khoang thuyền và làm theo lối dây chuyền; nhưng xô không dùng được nữa, da chiếc này bục chỉ, đáy chiếc kia thủng lỗ, nên dọc đường nước chảy hết. Thế chênh lệch thật là hài hước, giữa phần nhận và chỗ trả, một tấn nước tuôn vào một cốc nước múc ra. Không có cách nào khác có hiệu quả. Một kiểu chi tiêu của anh chàng keo kiệt định một xu, xu một, tiêu xài cho hết một triệu.

Tên đầu đảng nói:

- Ta làm cho nhẹ bớt mảng đi.

Trong cơn bão họ có buộc mấy cái thùng trên boong. Chúng vẫn bị cột chặt vào chân cột buồm. Họ vội tháo bỏ dây và lăn số thùng xuống nước qua một chỗ vỡ của cạp thuyền. Trong số đó có một thùng của mụ người Baxcơ, mụ ta không nén được tiếng thở dài;

- Ôi! cái áo choàng mới, lót gấm đỏ của tôi! Ôi! mấy đôi bít tất đăng-ten bằng vỏ phong của tôi! Ôi! đôi hoa tai bằng bạc để tôi đi lễ thánh Đức Bà!

Sàn thuyền đã dọn sạch, còn cái buồng con. Ở đây rất ngổn ngang. Ta còn nhớ, nó chứa các thứ hành lý của hành khách và những balô của cánh thuỷ thủ.

Họ lôi hành lý ra và vứt hết các của đó qua chỗ mép thuyền vỡ.

Họ kéo balô lên và đẩy tất xuống đại dương.

Việc dọn quang cái buồng con thế là xong. Đèn, sà gỗ, thùng gỗ, bao bị, thùng chậu đựng nước ngọt, cái nồi đầy xúp, tất cả đều tung hê xuống nước hết. Họ vặn những đai ốc của cái lò sắt tắt ngấm từ lâu, họ tháo lò ra, lăn nó trên mặt sàn, kéo nó đến tận chỗ mép vỡ, vứt nó ra khỏi thuyền.

Họ quẳng xuống nước tất cả những gì có thể giành giật ra được của lớp ván lót, ván cạp, của dây chằng và của các thứ thuyền cụ bị giập vỡ.

Chốc chốc tên đầu đảng lại cầm một ngọn đuốc đưa qua đưa lại trên những con số chỉ mức nước, sơn ở mũi thuyền, để xem tai hoạ đã tới đâu rồi.

18. PHƯƠNG KẾ TỐI HẬU

Tấm mảng, sau khi được giảm nhẹ, chìm có hơi chậm hơn nhưng vẫn cứ chìm.

Hoàn cảnh tuyệt vọng không còn phương kế gì nữa, cũng không có cách trì hoãn nữa. Họ đã dùng đến sách cuối cùng rồi.

- Còn gì vứt được xuống biển nữa không? - tên đầu đảng hét to.

Lão tiến sĩ, không được ai nghĩ đến nữa, từ một góc nóc cabin bước ra và nói:

- Có.

- Cái gì - tên đầu đảng hỏi.

Lão tiến sĩ đáp:

- Tội ác của chúng ta.

Mọi người đều rùng mình và tất cả đều rống lên.

- Amen.

Lão tiến sĩ, đứng yên, mặt tái nhợt, chỉ một ngón tay lên trời và nói:

- Quì xuống.

Tất cả lảo đảo, chuẩn bị quì gối.

Lão tiến sĩ nói tiếp:

- Hãy vứt bỏ tội ác của chúng ta xuống biển. Chúng nặng trĩu trên người chúng ta. Chính vì vậy mà thuyền chìm. Chúng ta đừng nên nghĩ đến chuyện thoát khỏi đây nữa, mà hãy nghĩ đến việc cứu rỗi linh hồn. Nhất là cái tội ác cuối cùng của chúng ta, cái tội ác mà chúng ta vừa gây nên, hay để nói cho đúng hơn, thêm vào ban nãy, hỡi những con người khốn khổ đang lắng nghe ta nói, nó đoạ đày chúng ta. Định thách thức vực thẳm khi đã dụng tâm để lại sau lưng một tội ác, là một hành vi vô đạo láo xược. Chống lại một trẻ thơ tức là chống lại Chúa. Ta biết là buộc phải ra đi, nhưng việc đó dẫn đến cảnh trầm luân không thể tránh khỏi. Bão táp đã đến vì nó được bóng tối báo cho biết hành vi của chúng ta. Tốt thôi. Tuy nhiên, các người đừng luyến tiếc gì hết. Đây kia không xa lắm, trong cảnh tối tăm này, chúng ta có những bãi cát Vôđovin và mũi Hugơ. Đó là nước Pháp. Chỉ có một chỗ ẩn náu được, nước Tây Ban Nha. Đối với chúng ta nước Pháp cũng không kém nguy hiểm hơn nước Anh. Chúng ta có thoát khỏi biển khơi thì cũng chỉ để kết thúc trên giá treo cổ. Hoặc chết treo, hoặc chết chìm, chúng ta không có cách lựa chọn nào khác. Chúa đã chọn giùm chúng ta. Chúng ta hãy biết ơn Chúa. Người đã ban cho chúng ta nấm mồ để rửa sạch. Hỡi các người anh em, điều không thể tránh khỏi đã kia rồi. Các người hãy nghĩ rằng chính chúng ta ban nãy đã làm hết sức mình để gửi lên trời cao một kẻ là đứa bé đó; và chính lúc này, lúc ta đang nói đây, có lẽ trên đầu chúng ta có một linh hồn đang tố cáo chúng ta trước một vị quan tòa nhìn thẳng chúng ta. Chúng ta hãy lợi dụng cái án treo cuối cùng. Nếu còn có thể, chúng ta hãy cố gắng đền bù tội lỗi của chúng ta, trong chừng mực tùy thuộc chúng ta. Nếu đứa bé sống sót, chúng ta hãy cứu giúp nó. Nếu nó chết, chúng ta hãy cố làm cho nó tha thứ chúng ta. Chúng ta hãy cất bỏ cái tội đại ác trên đầu. Chúng ta hãy trút bỏ cái gánh nặng ấy khỏi lương tâm. Chúng ta hãy cố sao cho linh hồn chúng ta khỏi bị chìm ngập trước Chúa Trời, vì đó mới là nạn đắm khủng khiếp. Thể xác dành cho cá, linh hồn dành cho ma quỉ. Các người hay thương lấy các người. Quì xuống, ta bảo với các người như vậy. Lòng hối hận là con thuyền không chìm đắm. Các người không còn la bàn nữa sao? Sai lầm. Các người có kinh cầu nguyện.

Những con sói dữ kia bỗng trở thành cừu non. Những thay đổi đó hiện rõ trong lo sợ. Có trường hợp hổ báo liếm thánh giá. Khi cánh cửa đen ngòm hé mở, tin cũng khó, mà không tin cũng không được. Những hình thức khác nhau về tôn giáo mà con người thử phác hoạ, dù không hoàn chỉnh đến mấy, ngay cả khi tín ngưỡng không thành hình, ngay cả khi đường viền ngoài của giáo điều không khớp tí nào với những nét đặc biệt của vĩnh cứu cảm đoán, thì vào giây phút lâm chung vẫn có một chút rung động của linh hồn. Sau cuộc sống có một cái gì đó bắt đầu, áp lực đó đè lên giờ phút lâm chung.

Hấp hối là một kỳ hạn. Vào giây phút cuối cùng này, người ta cảm thấy trách nhiệm mơ hồ đè lên người. Việc đã qua làm phức tạp thêm điều sẽ tới. Quá khứ quay trở lại và đi sâu vào tương lai. Chốn đã tường cũng như chỗ chưa biết trở thành vực thẳm, và hai vực sâu ấy, một nơi người ta phạm tội lỗi, một nơi người ta được chờ đợi, hòa lẫn ánh phản quang với nhau. Chính sự kết quyện đó của hai vực thẳm khiến cho kẻ hấp hối phải hãi hùng.

Họ đã tiêu phí lần cuối cùng niềm hy vọng trong cuộc sống. Vì vậy mà họ quay lại phía kia. Họ chỉ còn tìm may rủi trong bóng tối đó thôi. Họ hiểu như vậy. Đó là một lóe sáng ảm đạm, tiếp ngay bằng một nỗi hãi hùng mới. Điều chợt hiểu trong phút giây hấp hối giống cái thấy được trong tia chớp. Tất cả, rồi thẳng có gì hết. Người ta thấy rồi người ta không thấy nữa. Sau khi chết, mắt lại mở ra, và cái trước đây là tia chớp sẽ trở thành mặt trời.

Họ gào to với lão tiến sĩ:

- Ngài! Ngài! Chỉ còn có ngài. Chúng tôi xin nghe theo ngài. Phải làm gì đây? Ngài nói đi!

Lão tiến sĩ đáp:

- Vấn đề là phải đi qua cái vực thắm vô định và tới cho được bờ bên kia cuộc sống, nó ở phía bên kia nấm mồ. Là người biết nhiều nhất nên tôi nặng tội nhất. Các người nên nhường boong thuyền cho kẻ mang nặng nhất.

Lão nói thêm:

- Hiểu biết đè nặng lương tâm.

Rồi lão lại nói:

- Chúng ta cỏn bao nhiêu thời gian nữa?

Galđizun nhìn vào vạch đo mức nước và đáp:

Hơn mười lăm phút một tí.

- Tốt - lão tiến sĩ nói.

Cái mái thấp lè tè của nắp cabin, chỗ lão đang chống khuỷu tay làm thành một thứ bàn. Lão tiến sĩ moi ở túi lọ mực, cái bút và cái ví rồi rút ra một tờ giấy da, vẫn tờ giấy lão đã viết ở mặt trái, mấy giờ trước, độ hai mươi dòng ngoằn ngoèo chi chít.

- Cho ánh sáng đây - lão nói.

Tuyết rơi như bọt thác, đã lần lượt làm tắt hết các bó đuốc. Chỉ còn có một bó. Avê Maria rút nó lên cầm chặt trong tay và đến đứng bên cạnh lão tiến sĩ.

Lão tiến sĩ lại bỏ ví vào túi, đặt lên nắp cabin cái bút và lọ mực, giở tờ giấy da ra và nói:

- Các người nghe đây.

Thế là, giữa biển cả, trên cái cầu nối thu hẹp đó, một thứ sàn rung rinh của mộ địa, bắt đầu giọng đọc trang nghiêm của lão tiến sĩ được toàn bộ bóng tối dường như lắng nghe. Tất cả những con người bị kết án kia cúi đầu xung quanh lão, ánh sáng đỏ rực của ngọn đuốc càng tăng vẻ tái mét của họ. Những điều lão tiến sĩ đọc, viết bằng tiếng Anh. Từng lúc, khi một trong những con mắt thảm hại kia có vẻ như yêu cầu một điều giải thích, lão tiến sĩ lại dừng và nhắc lại, hoặc bằng tiếng Pháp, hoặc bằng tiếng Tây Ban Nha, hoặc bằng tiếng Baxcơ, hoặc bằng tiếng Ý, đoạn văn lão vừa đọc xong. Có tiếng nức nở nghẹn ngào và tiếng đấm ngực thình thịch. Tấm mảng tiếp tục chìm dần.

Đọc xong, lão tiến sĩ đặt tờ giấy lên nóc cabin, cầm lấy bút và trên lề trắng chừa ở dưới chỗ đã viết, lão ký:

TIẾN SĨ GIECNAĐU GIEXTÊMUNĐÊ.

Rồi ngoảnh lại phía mấy người kia, lão nói:

- Đến đây, rồi ký vào.

Mụ người Baxcơ đến gần, cầm bút và ký Axunxi ông.

Mụ chuyển bút cho mụ người Iêclăng. Mụ này không biết viết, làm một dấu chữ thập.

Lão tiến sĩ, viết vào cạnh dấu chữ thập:

BACBARA FECMOA, ở đảo Tirip, trong Ebuyđơ.

Rồi lão chìa bút cho viên đầu đảng.

Tên thủ lĩnh ký GAIĐORA, Captan[89].

Tên người Giên, dưới tên thủ lĩnh, ký Giăngirat.

Tên Lăngơđốc ký GIĂNG CATUÔCZƠ, tức Nacbone.

Tên Prôvăng ký LUYC PIE CAPGARUP, nhà tù Mahông.

Dưới những chữ ký đó, lão tiến sĩ chú thích thêm:

- Trong ba thủy thủ, người chủ thuyền đã bị sóng hất xuống biển, chỉ còn hai, và đã ký.

Hai thủy thủ ghi tên dưới câu chú thích đó; tay Baxcơ miền Bắc ký GALĐIZUN. Tay Baxcơ miền nam ký AVE MARIA, ăn trộm. Đoạn lão tiến sĩ nói:

- Capgarup.

- Có - tên Provăng nói.

- Anh có cái bầu rượu của Acquanen phải không?

- Vâng. Đưa nó cho tôi.

Capgarup uống nốt ngụm rượu cuối cùng và đưa cái bầu cho lão tiến sĩ.

Nước tràn vào khoang càng mạnh. Tấm mảng càng lún sâu xuống biển cả. Các mép boong chênh chếch bị phủ một lớp sóng mỏng, cứ lấn dần, cứ lớn dần.

Tất cả đều tập hợp trên phần thuyền vểnh cong.

Lão tiến sĩ hơ khô mực chữ ký trước ngọn lửa đuốc, gập tờ giấy lại cho nhỏ hơn đường kính cổ bầu, và nhét nó vào trong bầu rượu.

Lão quát:

- Nút.

- Tôi không biết nó đâu rồi - Gapgarup nói.

- Có mẩu thừng đây - Giăc Catuôzơ nói.

Lão tiến sĩ nút bầu rượu với mẩu thừng và nói:

- Lấy ít nhựa đường.

Galđizun đi tới phía trước, ấn một nắm bùi nhùi vào cái vỏ lựu đạn, làm nó tắt ngấm; hắn tháo khỏi khoang mũi và đưa đến cho lão tiến sĩ cái vỏ lựu đạn vẫn đầy đến một nửa nhựa đường nóng sôi.

Lão tiến sĩ nhúng cổ bầu vào nhựa đường rồi rút ra.

Bầu rượu, đựng tờ giấy da có chữ ký của tất cả mọi người, như vậy là được nút kỹ và gắn nhựa đường.

- Xong - lão tiến sĩ nói.

Từ tất cả mấy cái miệng kia thoát ra, ấp úng mơ hồ, bằng một thứ ngôn ngữ, tiếng lao xao ảm đạm của hầm mộ.

Xin được như nguyện:

- Mea Culpa![90] - Asi Sea![91].

- Aro rai[92].

- A men!

Người ta có cảm giác như, trước sự từ chối hãi hùng của thượng đế không muốn nghe, đấy là những giọng nói buồn bã của Baben[93] đang tung tán vào tăm tối.

Lão tiến sĩ ngoảnh lưng lại các bạn đồng phạm tội ác và đồng cảnh hoạn nạn, bước mấy bước về phía mạn thuyền. Đến mép mảng lão nhìn vào cõi vô biên và nói bằng một giọng âm thầm sâu sắc:

- Bis du bei mir[94].

Chắc hẳn lão nói với bóng ma nào đó.

Tấm mảng vẫn chìm dần.

Sau lưng lão tiến sĩ, tất cả mọi người đều trầm ngâm. Cầu nguyện là việc bất đắc dĩ. Họ không cúi đầu, họ gập cả người lại. Trong ăn năn hối lỗi của họ có cái gì miễn cưỡng. Họ khuất phục như một mảnh buồm thiếu gió rủ xuống, và lũ người dữ tợn kia, dần dần, chắp tay và đập trán, tỏ thái độ khác nhau, nhưng đau khổ ê chề, phó mặc cho Chúa một cách tuyệt vọng. Không rõ một ánh sáng đáng tôn kính nào đó, từ vực thẳm đến, đang rạng dần trên những bộ mặt gian ác kia.

Lão tiến sĩ trở lại với họ. Mặc dù quá khứ của lão thế nào đi nữa, trước lúc kết thúc lão già này cũng vĩ đại. Cảnh im lặng bao la không nói hết xung quanh làm lão bận tâm, nhưng không làm lão bối rối. Đó là con người không bị bất ngờ.

Trong lão có sự hãi hùng bình tĩnh. Trên gương mặt lão là vẻ uy nghiêm của Chúa Trời được thấu hiểu.

Tên cướp già và trầm tư này có cái tư thế của một vị giáo hoàng mà không biết.

Lão nói:

- Chú ý.

Lão quan sát trời biển hồi lâu rồi nói thêm:

- Bây giờ chúng ta sẽ chết.

Rồi lão cầm lấy bó đuốc từ tay Avê Maria, lắc lắc.

Một ngọn lửa bắn ra, bay vào đêm tối.

Lão tiến sĩ quăng bó đuốc xuống biển.

Bó đuốc tắt ngấm. Mọi nguồn sáng đều tan biến. Chỉ còn bóng tối mông mênh vô định. Một cái gì như nấm mồ khép kín.

Trong cảnh mù mịt đó vang lên tiếng lão tiến sĩ:

- Chúng ta hãy cầu nguyện đi.

Tất cả mọi người đều quì xuống. Họ quì gối không phải trên tuyết nữa, mà trong nước.

Họ chỉ còn có mấy phút.

Chỉ một mình lão tiến sĩ vẫn đứng.

Những bông tuyết dừng lại trên người lão, lốm đốm như những vì sao, như những giọt lệ trắng, khiến lão hiện rõ trên nền trời đêm. Tưởng như đó là pho tượng biết nói của u minh.

Lão tiến sĩ làm dấu thánh giá, và cất tiếng, trong khi dưới chân lão đang bắt đầu cái dao động, gần như không nhận thấy, báo hiệu giây phút một mảnh rều sắp chìm nghỉm.

Lão nói:

- Pater noster qui es in Coelis.

Tên Prôvăng nhắc lại bằng tiếng Pháp:

- Lạy Cha chúng con ở trên trời.

Mụ Iêclăng láy lại bằng tiếng xứ Galơ, được mụ người Baxcơ hiểu.

- Ar nathair ata neamh.

Lão tiến sĩ tiếp:

- Sancti ficetur nemen tuum.

Chúng con nguyện danh Cha cả sáng - tên Prôvăng nói.

- Naomhthar hainm - mụ Iêclăng nói.

- Adveniat regnum tuum - lão tiến sĩ tiếp.

- Nước Cha trị đến - tên Provăng nói.

- Tigeadh de rioghachd - mụ Iêclăng nói.

Nước đã lên đến vai người quì gối rồi Lão tiến sĩ lại đọc:

- Fiat voluntas tua.

- Vâng ý cha - tên Prôvăng ấp úng.

Mụ Iêclăng và mụ người Baxcơ rống lên

- Beuntar do thoil ar an Hhalàmb!

- Sicut in coclo, et in terra - lão tiến sĩ nói.

Không giọng nói nào đáp lại lão.

Lão nhắm mắt. Tất cả mọi cái đầu đã ở dưới nước.

Không một ai đứng dậy. Họ đã cam chịu chết đắm trong tư thế quì gối.

Lão tiến sĩ đưa tay phải ra cầm lấy cái bầu rượu mà lão đã đặt trên mui, và giơ lên trên đầu.

Tấm mảng chìm hẳn.

Vừa chìm xuống, lão tiến sĩ vừa lầm rầm nốt đoạn cuối bài kinh.

Nửa người trên của lão còn ở ngoài nước một lúc, rồi đầu lão, rồi chỉ còn cánh tay cầm cái bầu như đưa cho cõi vô biên nhìn.

Cánh tay biến mất. Biển sâu không gợn tăm hơn một thùng dầu. Tuyết vẫn tiếp tục rơi.

Một vật gì đó nổi lềnh bềnh và theo sóng nước đi vào bóng tối. Đó là cái bầu rượu có nhựa đường nhờ có lớp vỏ mây nâng lên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx