Bước đi lên đáng sợ, từ mấy tiếng đồng hồ, cứ luôn luôn thay đổi màu sắc khiến cho Guynplên hoa cả mắt, và đã dẫn nó đến Uynxo, giờ đây lại đưa nó trở lại Luân đôn.
Những thực tế huyền ảo cứ nối tiếp nhau trước mắt nó không gián đoạn.
Chẳng có cách nào lẩn tránh được cả. Thực tế này vừa buông nó ra, thực tế kia lại bắt giữ nó lại.
Nó không có thì giờ để kịp thở nữa.
Ai đã từng thấy người là trò tung hứng là đã được nhìn thấy số phận. Những vật tung rơi đó, hết tung lên rồi lại rơi xuống, là những con người nằm trong tay số phận.
Vật tung rơi là thứ đồ chơi.
Ngay chiều hôm ấy, Guynplên ở tại một nơi rất kỳ lạ.
Nó ngồi trên một chiếc ghế dài có hình hoa huệ.
Ngoài bộ áo lụa, nó khoác một chiếc áo dài nhung đỏ lót lụa trắng, có lông chồn trắng, trên vai đính hai giải lông chồn trắng thêu kim tuyến.
Xung quanh nó, những người đủ mọi lứa tuổi, trẻ có, già có, cũng ngồi như nó, trên hoa huệ, cũng khoác áo đỏ và công chồn trắng như nó.
Trước mặt, một số người khác đang quỳ gối. Nhóm này mặc áo lụa đen. Một số trong những người quì gối đang viết.
Đối điện với nó, cách xa một tí, nó thấy có mấy bực thềm, một cái bục, một long đình, một huy chương to lấp lánh giữa một con sư tử và một con kỳ lân; dưới long đình, trên cái bục, trên bực thềm cao nhất, tựa lưng vào chiếc huy chương, là một chiếc ghế bành thếp vàng có hình vương miện. Đấy là một cái ngai.
Ngai của Đại Anh quốc.
Guynplên, bản thân là nguyên lão, đang ngồi trong nguyên lão nghị viện Anh quốc.
Guynplên đã được đưa vào nghị viện nguyên lão bằng cách nào? Chúng ta hãy nói ngay điều đó.
Suốt ngày từ sáng đến chiều, từ Uynxơ đến Luân đôn, từ Corlêon-Lotglơ đến Oexminxtơ-Hon, là cả một cuộc đi hết bực thang này đến bực thang khác. Mỗi bực thang lại thêm một lần choáng váng mới.
Từ Uynxo nó được đưa đi trong những chiếc xe của nữ hoàng, với đoàn hộ tống đúng nghi thức dành cho một vị nguyên lão.
Đội vệ binh danh dự giống hệt đội vệ binh đứng gác.
Ngày hôm ấy, trên con đường từ Uynxo đến Luân đôn, dân chúng dọc bờ sông trông thấy một đoàn quí tộc ân cấp của nhà vua phi ngựa theo hai chiếc xe trạm lộng lẫy kiểu hoàng gia. Viên hoàng môn quan đũa đen ngồi trong xe thứ nhất, tay cầm chiếc đũa. Trong xe thứ hai, người ta nhận thấy một chiếc mũ lông chim trắng đổ bóng kín cả một khuôn mặt. Ai đi qua thế? Một hoàng thân chăng? Một tù nhân chăng.
Đó chính là Guynplên.
Nom có vẻ như một kẻ bị dẫn tới tháp Luân Đôn[131], nếu không phải là một người được đưa đến nguyên lão nghị viện.
Nữ hoàng đã khéo sắp đặt mọi việc. Vì đây là người chồng tương lai của cô em, nên nữ hoàng đã cho một đoàn hộ tống riêng của mình.
Viên tuỳ tùng của hoàng môn quan đũa đen cưỡi ngựa dẫn dầu đoàn.
Trong xe của hoàng môn quan đũa đen, trên chiếc ghế phu, có một cái gối bằng dạ ngân tuyến. Trên gối này đặt một cái cặp đen đóng hình vương miện.
Đến Brenfo, trạm cuối cùng trước khi đến Luân Đôn, hai chiếc xe và đoàn hộ tống dừng lại.
Một cỗ xe bốn bánh bằng đồi mồi đóng bốn ngựa đang túc trực, phía sau có bốn tên hầu, phía trước có hai kỵ mã, và một người đánh xe đội tóc giả. Bánh xe, kệ để đồ, càng xe, toàn bộ trang bị trên xe đều mạ vàng. Đàn ngựa đều thắng yên cương bằng bạc.
Chiếc xe dạ hội này hình dáng oai nghiêm và kỳ lạ, đáng được long trọng có mặt trong số năm mươi mốt cỗ xe nổi tiếng mà Rubô đã để lại cho ta những bức tranh.
Hoàng môn quan đũa đen bước xuống xe, viên tuỳ tùng của y cũng xuống ngựa.
Viên tuỳ tùng bê cái gối dạ ngân tuyến ra khỏi chiếc ghế phu, trên để cái cặp in hình vương miện. Hắn bưng cái gối bằng cả hai tay, và đứng sau lưng hoàng môn quan.
Hoàng môn quan đũa đen mở cửa chiếc xe tứ mã, không người, rồi mở cửa xe của Guynplên. Hai mắt nhìn xuống, y kính cẩn mời Guynplên sang ngồi vào chiếc xe tứ mã.
Guynplên xuống xe trạm rồi bước lên cỗ xe tứ mã.
Hoàng môn quan cầm đũa và viên tuỳ tùng bưng gối cũng bước lên theo, ngồi xuống cái ghế dài thấp dành cho tiểu đồng trong những xe lễ tân ngày xưa.
Phía trong xe chăng xa-tanh trắng và hàng Binsơ với những riềm, những quả găng bạc. Trần xe có trang trí huy chương.
Số kỵ mã của hai chiếc xe trạm vừa bỏ lại đều bận y phục quân nhà vua. Còn tên đánh xe: cánh kỵ mã và quân hầu của cỗ xe tứ mã lại vận chế phục khác, rất lộng lẫy.
Guynplên, qua chuyến mộng du làm nó thất đảm, nhận thấy đám đầy tớ rực rỡ đó liền hỏi hoàng môn quan đũa đen.
- Bọn quân hầu nào thế?
Viên hoàng môn quan đũa đen đáp:
- Bẩm huân tước, quân hầu của ngài.
Hôm ấy, nghị viện nguyên lão họp vào buổi tối.
Curia erat serena[132] theo như các biên bản cũ. Ở nước Anh nghị trường sẵn lòng sinh hoạt ban đêm. Người ta được biết có lần Sêridan mở đầu bài diễn văn vào lúc nửa đêm và kết thúc nó vào lúc mặt trời mọc.
Hai chục xe chạm đi không, trở lại Uynxo; cỗ xe tứ mã có Guynplên ngồi, tiến về hướng Luân đôn.
Cỗ xe đồi mồi tứ mã đi bước một từ Brenfi về Luân đôn. Tư thế bộ tóc giả của tên đánh xe đòi hỏi phải vậy. Nhìn vẻ mặt long trọng của tên đánh xe, Guynplên cũng lây dáng nghiêm trang.
Vả lại những sự chậm trễ đó đều có vẻ như được tính toán. Chốc nữa ta sẽ thấy được lý do có lẽ xác đáng.
Trời chưa tối, nhưng cũng sắp rồi, khi cỗ xe đồi mồi dừng lại trước cổng Hoàng Cung, một cái cổng thấp, nặng nề, giữa hai tháp con dẫn từ Hoaitơ Hon sang Oextminxtơ.
Đoàn quí tộc ân cấp cưỡi ngựa vây quanh cỗ xe tứ mã.
Một tên tòng bộc, đứng phía sau nhảy xuống đường.
Viên hoàng môn quan đũa đen, có tên tuỳ tùng bưng gối theo sau, bước ra khỏi xe và tâu với Guynplên:
- Bẩm huân tước, kính mời huân tước xuống xe. Xin huân tước cứ để mũ trên đầu.
Trong chiếc áo khoác đi đường. Guynplên vẫn mặc chiếc áo lụa hôm qua. Nó không có kiếm.
Nó để áo khoác lại trên xe.
Dưới mái vòm dành cho xe cộ của cổng Hoàng Cung có một cái cửa ngang nhỏ được tôn cao thêm nhờ mấy bậc cấp.
Trong nghi thức trang nghiêm, đi trước là dấu hiệu tôn kính. Viên hoàng môn quan đũa đen đi trước, sau lưng có tay tuỳ tùng.
Guynplên bước theo sau.
Tất cả bước lên bậc cấp và đi qua cái cửa ngang.
Một lúc sau, họ đứng trong một căn phòng tròn, rộng, giữa có cột trụ; đây là phần dưới một tháp con, thuộc tầng dưới cùng, lấy ánh sáng qua những lỗ hẹp hình cung nhọn như những khe nhỏ trong hậu tầm, và ngay giữa trưa cũng rất tối. Đôi khi cảnh thiếu ánh sáng lại tôn thêm vẻ trang nghiêm. Bóng tối vốn uy nghiêm.
Trong căn phòng này có mười ba người đang đứng nghiêm. Phía trước ba, hàng thứ nhì sáu, phía sau bốn.
Trong số ba người đứng đầu, một anh mặc áo nhung đỏ, hai anh kia cũng mặc áo đỏ nhưng bằng xa-tanh. Cả ba đều có huy hiệu Anh quốc đeo trên vai.
Sáu anh đứng ở hàng thứ hai mặc áo cồn bằng hàng vân trắng, mỗi anh có một huy hiệu khác nhau trên ngực.
Bốn anh đứng phía sau đều mặc áo vân đen khác hẳn nhau, người thứ nhất bởi chiếc áo choàng xanh lam, người thứ nhì bởi chiếc huy hiệu thánh Giorgiơ đỏ ở bụng, người thứ ba bởi hai thánh giá đỏ sẫm trên ngực và trên lưng, người thứ tư bởi cái cổ lông đen, gọi là da xabenlin. Tất cả đều đội tóc giả, không mũ, hông đeo kiếm.
Vì tranh tối tranh sáng nên rất khó nhận ra mặt họ.
Mà họ cũng không thể trông thấy Guynplên.
Lão hoàng môn quan đũa đen giơ chiếc đũa lên và nói:
- Bẩm huân tước Fecmên Clăngsacli, nam tước Clăngsacli và Hâncơvin, hạ thần, hoàng môn quan đũa đen, đệ nhất quan chức phòng xuất tịch, xin phép được chuyển giao lãnh chúa lại cho Giarơchie, vụ trưởng vụ lễ nghi Anh quốc.
Nhân vật mặc áo nhung, để những người khác đứng lại sau, cúi sát đất chào Guynplên và nói:
- Bẩm huân tước Fecmên Clăngsacli, thần, Giarơchie, vụ trưởng vụ lễ nghi. Thần là quan chức do công tước Norphon, bá tước nguyên soái thế tập, sáng lập và gia phong. Thần đã tuyên thệ trung thành với nhà vua, và các nguyên lão và các hiệp sĩ dòng Giarơchie. Ngày gia phong của thần, ngày thần được bá tước - nguyên soái Anh quốc rót lên đầu một chén rượu, thần đã trịnh trọng hứa giúp đỡ giới quý tộc, tránh giao du với những kẻ thành tích bất hảo, tha thứ chứ không khiển trách những người quý phái, cứu giúp các quả phụ và các trinh nữ. Chính thần chịu trọng trách chu tất tang nghi cho các nguyên lão và chăm lo bảo vệ huy hiệu của các nguyên lão. Thần đến chờ đợi sự sai khiến của lãnh chúa.
Người thứ nhất trong hai người mặc áo xa-tanh gập người xuống chào và nói:
- Bẩm huân tước, thần là Claren, vụ phó vụ lễ nghi Anh quốc. Thần là quan chức phụ trách mai táng các quý tộc dưới hàng nguyên lão. Thần đến chờ đợi sự sai bảo của lãnh chúa.
Người mặc áo xa-tanh kia cúi chào và nói:
-Bẩm huân tước, thần là Noroa, vụ phó thứ hai vụ lễ nghi Anh quốc. Thần đến chờ đợi sự sai bảo của lãnh chúa.
Sáu người ở hàng thứ hai, đứng im và không nghiêng mình, tiến lên một bước.
Người thứ nhất bên phải Guynplên nói:
- Bẩm huân tước, lũ thần, sáu trợ lý lễ nghi Anh quốc. Thần là York.
Rồi mỗi truyền lệnh sứ tức trợ lý lễ nghi lần lượt lên tiếng, và tự xưng danh.
- Thần là Lancat.
- Thần là Lysơmông.
- Thần là Sextơ.
- Thần là Xômơxet.
- Thần là Uynxo.
Những huy hiệu trên ngực họ là huy hiệu các lãnh địa và thành phố họ mang tên.
Bốn người mặc áo đen, đứng sau các truyền lệnh sứ, đều đứng im.
Vụ trưởng vụ lễ nghi Giarơchie đưa ngón tay chỉ họ cho Guynplên và nói:
- Bẩm huân tước, đây là bốn nhân viên trong vụ lễ nghi.
- Áo xanh.
Người khoác áo choàng xanh cúi đầu chào.
- Rồng Đỏ.
Người mang huy chương Thánh Giorgiơ cúi chào.
- Thập tự Đỏ.
Người mang chữ thập đỏ cúi chào.
- Cửa hậu trường.
Người khoác lông xabenlin cúi chào.
Theo hiệu lệnh của vụ trưởng vụ lễ nghi, nhân viên thứ nhất, Áo Xanh, tiến lên, đỡ từ tay viên tuỳ tùng của hoàng môn quan chiếc gối dạ ngân tuyến và cái cặp có hình vương miện.
Vụ trưởng vụ lễ nghi nói với hoàng môn quan đũa đen:
- Lễ tất. Tôi xin lĩnh nhận ngài lãnh chúa.
Những thủ tục này khác tiếp theo thuộc về nghi lễ cổ xưa trước thời Hăngry VIII, mà nữ hoàng Anh cố gắng phục hồi trong một thời gian. Ngày nay tất cả những việc trên đây không còn gì nữa. Tuy vậy nghị viện nguyên lão vẫn tưởng mình bất di bất dịch; và nếu những gì xa xưa còn tồn tại ở một nơi nào đó, thì chính là những điểm trên đây. Tuy vậy nó cũng có thay đổi. E Pur si muovel.
Chẳng hạn cái may pole, tức là cái cột tháng Năm mà thành phố Luân Đôn vẫn trồng trên đường các vị nguyên lão đi đến nghị viện, thì nay ra sao? Cột cuối cùng còn thấy được trồng vào năm 1713. Từ đó "may pole" đã biến mất. Lạc hậu.
Bề ngoài vẫn bất động; thực tế có thay đổi. Chẳng hạn như danh hiệu: Anbơmaclơ. Tưởng chừng nó vĩnh cửu. Vậy mà đã có mười gia đình mang danh hiệu đó.
Ôđô, Mađơvin, Bêtuyn, Plăngtagiơnê, Bôsăng, Monk.
Với danh hiệu Lixextơ đã nối tiếp năm tên khác nhau, Bônông, Bnivô, Đulây, Xitnây, Côkơ. Với Lincôn, sáu. Với Pembrôk, bảy, vân vân. Gia đình thay đổi, nhưng danh hiệu vẫn giữ nguyên. Nhà viết sử hời hợt tưởng đâu là bất di bất dịch. Thực sự chẳng có gì trường cửu cả. Con người chỉ có thể là sóng. Chính nhân loại mới là nước.
Giới quý tộc tự hào về điểm mà phụ nữ vẫn lấy làm xấu hổ là tuổi già, nhưng cả phụ nữ lẫn quý tộc đều ảo tưởng mình vẫn trẻ mãi. Có lẽ nghị viện nguyên lão sẽ không bao giờ nhận ra mình qua điều ta vừa đọc tự đây và điều ta sắp đọc, gần giống như người đàn bà đẹp ngày xưa không muốn có nếp nhăn. Gương soi là một tên bị cáo già; nó hay vào hùa.
Tất cả nhiệm vụ của nhà viết sử là làm sao cho giống.
Viên vụ trưởng vụ lễ nghi nói với Guynplên.
- Xin huân tước vui lòng theo tôi.
Y nói thêm:
- Người ta sẽ chào ngài. Ngài chỉ cần khẽ hất vành mũ lên thôi. Sau đó, đoàn tiến thành hàng về phía một cái cửa ở cuối phòng tròn.
Lão hoàng môn quan đũa đen dẫn đầu.
Rồi đến anh Áo Xanh bưng gối; rồi đến vụ trưởng vụ lễ nghi; sau vụ trưởng vụ lễ nghi là Guynplên mũ vẫn đội trên đầu.
Các vụ phó vụ lễ nghi, truyền lệnh sử, nhân viên vụ lễ nghi, đứng lại trong căn phòng tròn.
Guynplên, trước mặt có lão hoàng môn quan đũa đen, sau lưng có vụ trưởng vụ lễ nghi, đi từ phòng nọ sang phòng kia, theo một hành trình ngày nay không thể nào tìm ra được, vì toà nhà cũ của nghị viện Anh quốc đã bị phá huỷ.[133] Ngoài các phòng, nó còn đi qua căn phòng quốc vụ viện kiểu gôtic, nơi xảy ra cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Ciăc đệ Nhị và Monmoath, nơi đã chứng kiến việc người cháu hèn nhát quỳ gối vô ích trước mặt ông chú độc ác.
Quanh căn phòng này, treo thành hàng trên tường, theo thứ tự năm, cùng với tên và huy hiệu, chín bức chân dung toàn thân của những nguyên lão cũ. Huân tước Nauxlađrông 1305. Huân tước Balion 1306. Huân tước Môngbêgon 1357. Huân tước Tibôtô 1372. Huân tước Zusơ Côno 1615. Huân tước Bla Aqua, không có niên hiệu. Huân tước Haren và Xơrê, bá tước Bloa, không có niên hiệu.
Trời đã về đêm, trong hành lang từng quãng từng quãng lại có đèn. Những ngọn đèn chùm bằng đồng cắm nến sáp ong đều thắp sáng trong các phòng, nom tương tự như các gian bên của nhà thờ.
Ở đấy chỉ có mặt những người cần thiết.
Trong một phòng khác có ngài Philip Xaiđenham quang vinh, lãnh chúa Etmun Bêcân Xuyphôn, người thừa kế của ngài Nicôla, và được phong primus harone- torum Anglioe[134]. Sau lưng ngài Etmun có cung thủ riêng mang bộ súng hỏa mai và tuỳ tùng mang huy hiệu Uynxtơ, vì các tòng nam tước sinh ra đã là người bảo vệ lãnh địa Uynxtơ ở Iêclăng.
Trong một phòng khác có vị quốc khố đại thần, kèm thêm bốn vị chủ nhiệm tài khoản và hai đại diện của huân tước thị vệ đại thần, có nhiệm vụ phân bổ thuế thân. Lại thêm trưởng ban tiền tệ, trên bàn tay xoè có một đồng livrơ xteclinh dập máy như các đồng pao. Cả tám nhân vật này đều kính cẩn chào vị huân tước.
Tại chỗ bước vào du lang có trải một chiếc chiếu, dẫn từ hạ nghị viện sang thượng nghị viện, Guynplên được ngài Tômax Manxen Macgam chào, ông này là kiểm soát viên tại cung nữ hoàng, và đại biểu nghị viện của Glamorgan; và tại chỗ ra lại được một đoàn đại biểu chào, đoàn "một trên hai" này thay mặt cho các nam tước Năm Hải-cảng[135] sắp hàng bốn, bên phải bên trái, vì Năm Hải-cảng thành tám. Uynliam Asbơham chào thay cho Haxtinh, Mathiu Aimo thay cho Đuvrơ, Giôdiax Bơcsét thay cho Xanđuysơ, ngài Philip Botơlơ thay cho Haith, Gion Briuvơ thay cho Niu Râmnê, Eđua Xaothuen thay cho thành phố Rai, Giêm Hay thay cho thành phố Vinsenxi, và Giorgiơ Nêlo thay cho thành phố Xipho.
Guynplên sắp chào lại thì vụ trưởng vụ lễ nghi khẽ nhắc nghi thức.
- Bẩm huân tước, chỉ vành mũ thôi.
Guynplên vội làm đúng lời hướng dẫn.
Nó vào đến phòng họa; ở đây không có tranh vẽ, ngoài mấy bức ảnh thánh, trong số đó có thánh Eđua, dưới những vòm cửa sổ dài hình cung nhọn bị mặt sàn cắt đôi phía dưới là Oetminxtơ-Hon[136] phía trên là phòng họa.
Bên này bức rào chắn bằng gỗ ngăn đôi phòng họa, có ba vị quốc vụ khanh, những nhân vật quan trọng. Vị thứ nhất có chức quyền tại miền nam Anh quốc, xứ Iêclăng và các thuộc địa, thêm các nước Pháp, Ý, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Vị thứ nhì lãnh đạo miền bắc Anh quốc và giám sát các nước Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan và Moxcôvi. Vị thứ ba người Êcôx, lãnh trách nhiệm xứ Êcôx. Hai vị trên là người Anh. Một trong hai vị là ngài Rôbơc Haclây tôn kính, đại biểu nghị viện của thành phố Niu Ratno. Một đại biểu Êcôx, ngài Mungô Graham, có họ với công tước Môngtơrô, cũng có mặt. Tất cả đều im lặng chào Guynplên.
Guynplên khẽ chạm mũ.
Người gác rào chắn nhấc thanh gỗ có bản lề mở lối vào phía sau phòng hoạ, ở đấy có chiếc bàn dài trải thảm màu xanh lá cây, dành riêng cho các vị huân tước.
Trên bàn đặt một giá đèn chùm tháp nến sáng trưng.
Guynplên trước mặt có hoàng môn quan đũa đen, Áo Xanh và Giarôchie, bước vào gian phòng riêng này.
Người gác chắn, sau khi Guynplên đi qua, lại đóng lối vào.
Vụ trưởng vụ lễ nghi vừa qua khỏi chắn liền dừng lại.
Phòng hoạ rộng thênh thang.
Cuối phòng, đứng dưới cái vương huy giữ hai cửa sổ, có hai ông già vận nhung phục đỏ với hai giải lông chồn trắng viền vạch vàng ở vai, và đội mũ lông chim trắng trên bộ tóc giả. Qua tà áo thấy rõ chiếc áo lụa và cái đốc kiếm của họ.
Sau lưng hai ông già, một người mặc áo vân đen đứng đực như phỗng, tay giơ cao một cái chuỳ vàng to phía trên có đầu sư tử đội vương miện.
Đấy là viên hộ pháp cầm chuỳ của các nguyên lão Anh quốc.
Sư tử là biểu trưng của các vị. Et les lions ce sont les Barons et li Per, theo biên niên sử viết tay của Bectơrăng Đuy Ghexcơlanh.
Vụ trưởng vụ lễ nghi chỉ cho Guynplên hai nhân vật mặc nhung phục và khẽ rỉ tai;
- Bẩm huân tước, hai vị này ngang hàng với huân tước. Ngài đáp lễ đúng như họ chào ngài. Hai vị huân tước hiện diện này là hai nam tước và là người đỡ đầu cho ngài, do huân tước tư pháp đại thần chỉ định. Hai vị rất già và hầu như mù. Chính họ sẽ tiến dẫn huân tước vào nguyên lão nghị viện. Vị thứ nhất là Saclơx Vinmê, huân tước Phitoantơ, lãnh chúa thứ sáu ở dãy ghế nam tước, vị thứ hai Ôguytơx Arânđen, huân tước Arânđen Tơrerix, lãnh chúa thứ ba mươi sáu trên hàng ghế nam tước.
Vụ trưởng vụ lễ nghi tiến một bước về phía hai ông già và cất cao giọng:
- Fecmên Clăngsacli, nam tước Clăngsacli, nam tước Hâncơvin, kiêm hầu tước Corlêon xứ Xixin, nguyên lão vương quốc, kính chào quí vị lãnh chúa.
Hai vị huân tước nhấc mũ ra, đưa thẳng cánh tay lên trên đầu rồi đội lại.
Guynplên cũng chào lại đúng theo kiểu đó.
Viên hoàng môn quan đũa đen lại tiến lên, rồi đến Áo Xanh, rồi Giarơchie.
Viên hộ pháp đến đứng ngay trước mặt Guynplên, hai vị huân tước đứng hai bên, huân tước Phitoantơ bên phải, huân tước Arânđen Tơrerix bên trái. Huân tước Arânđen gầy còm và nhiều tuổi hơn. Ông ta mất vào năm sau, để lại tước vị nguyên lão nghị viện cho người cháu tên là Gion, vị thành niên Tước đại thần này cũng chấm dứt vào năm 1768.
Đoàn người rồi khỏi phòng hoạ, bước vào một hành lang toàn trụ vuông. Ở đây, từ trụ nọ sang trụ kia, xen kẽ có lính cầm thương của nước Anh và lính cầm kích xứ Êcôx đứng canh.
Lính cầm kích người Êcôx là đoàn quân tuyệt vời chân đất xứng đáng đương đầu sau này với Fôngtơroa, với kỵ binh Pháp và với những giáp binh nhà vua mà đại tá của họ nói: Thưa các tiên sinh, các ngài hãy giữ chặt lấy mũ, chúng tôi sắp hân hạnh được tấn công.
Vị chỉ huy lính cầm thương và vị chỉ huy lính cầm kích cùng vung kiếm chào Guynplên và hai vị huân tước đỡ đầu. Còn cánh lính thì tốp chào bằng thương tốp chào bằng kích.
Cuối hành lang lấp loáng một cái cửa lớn, hai cánh rực rỡ như hai tấm vàng lá.
Hai bên cửa có hai người đứng im như phỗng. Qua chế phục của họ có thể nhận ra đấy là lính canh cửa.
Trước khi đến cái cửa ấy, hành lang rộng ra và có một giao điểm tròn lồng kính.
Tại giao điểm này, một nhân vật uy nghiêm, nhờ tấm áo rộng và bộ tóc giả, ngồi trên một chiếc ghế bành lưng tựa rất rộng. Đó là Uynliam Caopơ, huân tước tư pháp đại thần của Anh quốc.
Tàn tật hơn nhà vua là một ưu điểm. Uynliam Caopơ cận thị. Nữ hoàng Anh cũng thế nhưng có kém hơn. Tật phải nhìn gần này của Unyliham Caopơ rất vừa lòng tật cận thị của nữ hoàng, nên ông được nữ hoàng chọn làm tư pháp đại thần và người bảo vệ lương tâm của triều đình.
Uynliam Caopơ có môi trên mỏng môi dưới dầy, dấu hiệu của sự phúc hậu nửa vời.
Giao điểm lồng kính được soi sáng bằng một ngọn đèn treo ở trần.
Huân tước tư pháp đại thần, nghiêm nghị trong chiếc ghế bành cao, bên phải có một cái bàn với viên thư ký hoàng gia, bên trái có một cái bàn với viên thư ký nghị viện.
Trước mặt mỗi viên thư ký đều đặt một quyển sổ mở sẵn và một nghiên mực.
Viên hộ pháp cầm cái chuỳ có vương miện đứng sau chiếc ghế bành của tư pháp đại thần. Thêm viên cầm đuôi áo và viên cầm túi tiền đội tóc giả dài. Tất cả những chức vụ đó hiện nay vẫn còn.
Trên chiếc bàn con cạnh ghế bành có một cây kiếm đốc bằng vàng, bao và dây đeo bằng nhung màu lửa.
Một quan chức đứng sau lưng viên thư ký hoàng gia, hai tay nâng một tấm áo mở sẵn, đấy là tấm áo đăng quang.
Một quan chức khác đứng sau lưng viên thư ký nghị viện cũng nâng một tấm áo mở rộng, đấy là tấm áo nghị viện.
Hai tấm áo ấy, bằng nhung đỏ, lót lụa trắng với hai giải lông chồn trắng có vạch vàng ở vai, đều giống nhau, trừ mỗi một điểm là giải lồng chồn trắng ở chiếc áo đăng quang có to bản hơn.
Một quan chức thứ ba là viên "thủ thư" bưng một mảnh da vuông xứ Flăngđrơ trên để quyển sổ đỏ, một thứ sổ con bọc da dê đỏ, trong có danh sách các đại thần và các công xã, thêm những trang trắng và một cây bút chì theo tục lệ được giao lại cho mỗi đại biểu mới vào nghị viện.
Đoàn người, đi sau cùng là Guynplên bước giữa hai đại thần đỡ đầu, dừng chân trước chiếc ghế bành của huân tước tư pháp đại thần.
Hai vị huân tước đỡ đầu bỏ mũ ra. Guynplên cũng làm theo họ.
Vụ trưởng vụ lễ nghi liền đón từ tay Áo Xanh chiếc gối dạ ngân tuyến rồi sụp quì xuống, dâng chiếc cặp đen để trên gối lên lãnh chúa tư pháp đại thần.
Vị huân tước tư pháp đại thần cầm chiếc cặp, trao cho viên thư ký nghị viện. Viên thư ký bước tới, kính cẩn đón chiếc cặp rồi trở về chỗ, ngồi xuống.
Hắn mở cặp ra, đứng dậy.
Trong cặp có hai chiếu chỉ như thường lệ, chứng thư nhà vua gửi thượng nghị viện và lệnh tham dự gửi cho vị tân nguyên lão.
Viên thư ký đứng kính cẩn, thong thả đọc to hai bản chiếu chỉ.
Lệnh tham dự thông đạt cho huân tước Fecmên Clăngsacli, kết thúc bằng những kinh ngữ quen thuộc:
"Chúng tôi nghiêm lệnh cho ngài, vì lòng tôn kính và trung thuận ngài phải có đối với chúng tôi, đích thân đến nhận ngôi vị bên cạnh các chủ giáo và các vị nguyên lão họp tại nghị viện chúng tôi ở Oexminxtơ, để cho biết ý kiến của ngài về các vấn đề của vương quốc và của nhà thờ, với tất cả danh dự và lương tâm".
Chiếu chỉ đọc xong huân tước tư pháp đại thần liền cao giọng:
- Dấu hiệu quy thuận đối với triều đình. Huân tước Fecmên Clăngsacli, ngài có chịu từ bỏ sự hóa thể[137] sự tôn thờ các thánh và việc dự lưx misa không?
Guynplên nghiêng mình.
- Đã quy thuận - huân tước tư pháp đại thần nói.
Và viên thư ký nghị viện đáp lại:
- Lãnh chúa đã tuyên thệ.
Huân tước tư pháp đại thần thêm:
- Huân tước Fecmên Clăngsacli, ngài có thể an toạ.
- Lễ tất - hai vị đỡ đầu cùng nói.
Vụ trưởng vụ lễ nghi liền đứng dậy, cầm thanh kiếm trên chiếc bàn con, và cài khóa dây đeo kiếm quanh người Guynplên.
"Sau đó - theo lời các hiến chương cũ của Normăngđi - vị nguyên lão cầm thanh kiếm của mình, bước lên hàng ghế cao và tham dự phiên họp".
Guynplên chợt nghe có tiếng người nói phía sau lưng:
- Thần xin khoác áo nghị viện cho lãnh chúa.
Đồng thời viên chức cầm áo vừa nói đó liền khoác áo và thắt sợi dây đen của giải lông chồn trắng vào cổ cho Guynplên.
Lúc này, với tấm áo đỏ trên lưng và thanh kiếm vàng bên cạnh, Guynplên giống hệt hai vị huân tước bên phải và bên trái. Viên thủ thư liền trình quyển sổ đỏ và bỏ nó vào túi áo trong cho Guynplên.
Vụ trưởng vụ lễ nghi rỉ tai:
- Bẩm huân tước, lúc vào, ngài sẽ chào vương kỷ.
Vương kỷ tức là cái ngai.
Trong khi ấy hai viên thư ký, người nào bàn ấy, bên này viết vào sổ hoàng gia, bên kia viết vào sổ nghị viện.
- Cả hai, kẻ trước người sau, viên thư ký hoàng gia trước, đưa sổ đến trình huân tước tư pháp đại thần.
Ký vào sổ xong, huân tước tư pháp đại thần đứng lên:
- Huân tước Fecmên Clăngsacli, nam tước Clăngsacli, nam tước Hâncơvin, kiêm hầu tước Corlêon nước Ý, rất hoan nghênh việc ngài có mặt bên cạnh các nguyên lão, những huân tước tinh thần và thế tục của Đại Anh quốc.
Hai vị đỡ đầu của Guynplên khẽ chạm vào vai của Guynplên.
Cái cửa vàng to ở cuối hành lang bỗng mở rộng cả hai cánh.
Đấy là cửa bước vào nghị viện nguyên lão của Anh quốc.
Từ lúc Guynplên, đi giữa một đoàn người khác, trông thấy mở ra trước mắt cánh cửa sắt của nhà lao Xaothuak, chưa trôi qua hết ba mươi sáu tiếng đồng hồ.
Những đám mây trên đầu ấy đã trôi nhanh khủng khiếp; những đám mây làm nên sự kiện; nhanh như một đợt tấn công.
Việc tạo ra một tước vị bình đẳng với vua, gọi là tầng lớp nguyên lão, vào những thời đại man rợ là một hư chế hữu ích. Ở nước Pháp và nước Anh, phương sách chính trị thô sơ này đã đưa lại kết quả khác nhau. Ở Pháp, nguyên lão nghị viện là một ông vua giả; ở Anh, đấy là một ông hoàng thật. Không to bằng ở Pháp nhưng thực chất hơn. Có thể nói: nhỏ hơn nhưng tồi tệ hơn.
Tầng lớp nguyên lão nghị viện bắt nguồn từ nước Pháp, vào thời kỳ nào thì không chắc chắn lắm, theo tục truyền thì dưới thời Saclơma; theo lịch sử thì dưới thời Rôbe-Anh-minh. Lịch sử cũng chẳng chính xác gì hơn tục truyền, Favanh viết: "Vua nước Pháp muốn lôi kéo các bậc quyền quý trong nước bằng tước vị cao sang là nguyên lão, như thể họ bình đẳng với mình".
Tầng lớp nguyên lão nghị viện đã nhanh chóng tách ra làm đôi và từ nước Pháp sang nước Anh.
Tầng lớp nguyên lão nghị viện Anh là một sự kiện lớn và gần như một điều quan trọng. Trước nó đã có tước Wlttenagemot[138] của người Xacxơ[139], tước Thane của người Đan Mạch và Vavasseur[140] của người Normăngđi hoà lẫn vào nhau thành tước nam, Nam tước cũng đồng từ với vir, tiếng Tây Ban Nha dịch là varon và có nghĩa rất hay, là người. Ngay từ năm 1075 các nam tước đã ra ngoài với vua. Mà sao lại khéo chọn vua! Với Ghiôm-Chiến-thắng[141], năm 1086 họ đặt nền tảng cho chế độ phong kiến: nền tảng đó là quyển Doomsday-book, "Sổ phán xét cuối cùng”. Dưới triều Giăng-Vô-thổ, xung đột,giới lãnh chúa Pháp ra vẻ kiêu ngạo với nước Anh và giới nguyên lão Pháp đòi vua nước Anh phải ra trước vành móng ngựa của mình. Các nam tước Anh phẫn nộ.
Ngày lễ đăng quang của Philip Oguyxt, với tư cách công tước xứ Normăngđi, vua nước Anh cầm lá cờ vuông đi đầu và công tước Gllyen lá cờ thứ hai, chống lại vị vua chư hầu đó của nước ngoài, cuộc "chiến tranh lãnh chúa" bùng nổ. Các nam tước buộc vị vua khốn khổ Giăng phải ban hành Đại hiến chương[142] mở đầu cho nguyên lão nghị viện. Giáo hoàng can thiệp hộ nhà vua và rút phép thông công các huân tước, năm ấy là năm 1215, và giáo hoàng là Inôxăng-đệ-tam, người thảo ra bản Veni Sanete Spiritus và gửi cho Giăng-Vô-thổ bốn đức tính cơ bản dưới hình thức bốn vòng xích vàng. Các huân tước vẫn không chịu. Một cuộc chống đối quyết liệt dai đẳng trải suốt nhiều thế hệ. Pembrốc chống lại.
Năm 1248 là năm của các "Tạm ước Ôcxfơc". Hai mươi bốn nam tước hạn chế nhà vua, tranh cãi với vua, và gọi mỗi lãnh địa một hiệp sĩ để tham gia vào cuộc tranh chấp mở rộng. Buổi lê minh của các công xã, Về sau, các huân tước lấy thêm một đô thị hai công dân và mỗi thị trấn hai thị dân. Do đó đến thời Êlizabeth, các nguyên lão là người xét xử vấn đề hiệu lực của các cuộc bầu cử công xã. Từ quyền tài phán của họ sinh ra ngạn ngữ: "Các đại biểu chỉ định phải được 3P: sine Prece, sine Pretio, sine Poculo[143]." Điều đó không ngăn cản có những thị trấn thối nát. Năm 1293 vua nước Anh vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của pháp đình nguyên lão nước Pháp, và Philip Lơ Ben đã đòi Êđua-đệ-Nhất ra trước toà án của mình, Êđua-đệ-Nhất là vị vua đã hạ lệnh cho con trai luộc mình sau khi mình chết và đem xương mình ra trận. Trước những chuyện ngông cuồng như vậy của vua, các huân tước cảm thấy cần phải củng cố nghị viện: họ chia nó ra thành hai viện: Thượng viện và Hạ viện. Các huân tước ngang nhiên chiếm giữ ưu thế.
Nếu có một đại biểu công xã nào dám láo xược phát biểu bất lợi cho nguyên lão nghị viện, người ta sẽ đòi hắn ra trước vành móng ngựa để nhận sự trừng phạt và đôi khi tống hắn vào tù (trong bầu cử cũng có sự phân biệt như thế). Tại nguyên lão nghị viện, bầu từng người một, bắt đầu từ vị nam tước cuối cùng gọi là "em út".
Khi được gọi đến tên, mỗi vị nguyên lão trả lời bằng lòng hay không bằng lòng. Tại các công xã, bầu chung, cả bầy, bằng có hoặc không. Công xã buộc tội, nguyên lão xét xử. Do khinh rẻ con số, các nguyên lão ủy quyền cho các công xã việc giám sát bàn cờ[144], về sau các công xã sẽ lợi dụng cho đó; gọi như thế, theo một số người, tức là giám sát tấm thảm trải bàn tượng trưng một bàn cờ, và theo một số người khác, tức là giám sát những ngăn kéo của một cái tủ cũ, phía sau một rào sắt, kho tàng các vua nước Anh để trong đó. Từ cuối thế kỷ thứ mười ba, bắt đầu có sổ Niên Thư "Year book".Trong cuộc chiến tranh Hai Bông Hồng, người ta cảm thấy trọng lượng của các huân tước, lúc ngả sang phía Gion Đơ Gôn, công tước Lancax, lúc ngả sang phía Etmun, công tước York.
Uot Tôlơ, các Lola, Varvic, người Chế tạo ra vua, toàn bộ nền vô chính phủ mẹ này, đẻ ra phong trào giải phóng, đều thú nhận hoặc bí mật lấy nền phong kiến nước Anh làm điểm tựa. Các huân tước ghen tị với nhà vua, một cách hữu ích; ghen tị tức là giám sát; họ khoanh tròn sáng kiến của nhà vua lại, thu hẹp những trường hợp đại nghịch, xúi giục những Risac giả chống lại Hăngri-đệ-Tứ đứng ra làm trọng tài, xét xử vấn đề ba vương miện giữa công tước York với Macgorit Ăngiu, và khi cần thì cất quân và có những trận chiến.
Sriuxblun, Tlukexbluri, Xanh-Anh-băng, lúc bại lúc thắng. Vào thế kỷ thứ mười ba, họ đã có được chiến thắng Livơ, và đã đuổi ra khỏi đất nước bốn anh em nhà vua, con hoang của Izaben và bá tước La Macsơ, cả bốn đều cho vay lãi, và họ lôi giáo dân qua tay bọn Do Thái; vừa là những hoàng thân, vừa là lũ lừa đảo, việc đó về sau cũng có thấy lại, nhưng vào thời ấy ít được tán thưởng.
Cho đến thế kỷ thứ mười lăm người ta vẫn thấy vai trò công tước Normăngđi trong vua nước Anh, và các văn nghị viện vẫn viết bằng tiếng Pháp. Từ Hăngri VII trở đi, theo ý kiến của các huân tước, mới viết bằng tiếng Anh. Nước Anh thuộc xứ Brơtan dưới thời Ute Penđragơn, thuộc La Mã dưới thời Xêđa, thuộc Xăcxơ dưới thời Thất Quốc[145], thuộc Đan Mạch dưới thời Haron, thuộc Normăngđi sau Ghiôm, trở thành Anh Cát Lợi nhờ vào các huân tước. Sau đó nó trở thành nước theo giáo phái Anh quốc. Có được tôn giáo của mình tại nước mình là một sức mạnh lớn. Một giáo hoàng nước ngoài thường bòn rút cuộc sống quốc gia, La Mêcơ[146] là một con thuồng luồng. Năm 1534, Luân Đôn trục xuất La Mã, giới nguyên lão tán thành cuộc cải cách và các huân tước thừa nhận Lute[147], đòn trả đũa việc rút phép thông công năm 1215. Việc này hợp ý Hăngri VIII, nhưng về nhiều phương diện khác, các huân tước lại gây trở ngại cho ông. Nguyên lão nghị viện trước mắt Hăngri VIII khác nào con chó dữ trước một con gấu. Khi mà Wolsey[148] mạo danh White-Hall của quốc gia, và khi Hăngri VIII mạo danh White-Hall của Wolsey, thì ai rầy la? Bốn huân tước là Đacxi đo Sisexte, Xên-Gion Đơ Blexô và (hai tên người Normăngđi) Mungioi và Muntigon. Nhà vua tiếm đoạt. Giới quý tộc lấn quyền. Quyền thừa kế bao hàm tính chất bất khả lung lạc; do đó mà sinh ra sự bất phục tùng của các huân tước, Ngay cả đối với Êlizabeth[149], các nam tước cũng không chịu ngồi yên. Do đó mà có những cực hình của Đuyaram. Chiếc váy tàn bạo ấy vấy đầy máu. Một chiếc lồng váy [150] trong đó có một cái thớt xử trảm đó là Êlizabet, Êlizabet tìm cách họp nghị viện thật ít, và thu hẹp nghị viện nguyên lão lại chỉ còn sáu mươi lăm vị, trong đó có có một hầu tước là Oexminxtơ, và không có lấy một công tước nào cả. Vả lại các vua nước Pháp cùng ghen tị như thế và cũng dùng kiểu loại trừ ấy. Dưới thời Hăngri đệ Tam chỉ còn có tám lãnh địa công tước, và nhà vua rất khó chịu về việc nam tước Đơ Măngtơ, nam tước Đơ Cuxi, nam tước Đơ Culôngmiê, nam tước Đơ Satônơp, Timơr, nam tước Đơ La Phe Tacdơnoa, nam tước Đơ Mortan và một số khác nữa, vẫn giữ tước vị nguyên lão nước Pháp, ở Anh, nhà vua vui lòng để mặc cho giới nguyên lão tàn tạ dần dần.
Dưới thời nữ hoàng Anh, chỉ đơn cử một ví dụ thôi, những việc tàn lụi từ thế kỷ thứ mười hai rốt cuộc đã đạt đến một tổng số năm trăm sáu mươi nhăm tước thế tộc bị huỷ bỏ. Cuộc chiến tranh Bông Hồng đã mở đầu cuộc tuyệt diệt các công tước mà sau đó Mari Tuyđo đã hoàn thành bằng những nhát rìu. Như vậy là chặt đầu giới quý tộc. Chặt công tước tức là chặt đầu. Cố nhiên đây là một đường lối chính trị hay, nhưng tha hóa vẫn hơn chặt. Điều đó Giăc đệ Nhất cảm thấy. Ông phục hồi công quốc. Ông phong tước công cho vị sủng thần của ông là Vilie, người đã gọi ông là con lợn(1). Đổi công tước phong kiến thành công tước nịnh thần, việc này sẽ phát triển tràn lan. Sáclơ đệ Nhị sẽ phong cho hai ả nhân tình là Bachơ Đơ Xaohămtơn và Luyđơ Đơ Kêrueil làm nữ công tước. Dưới thời nữ hoàng Anh sẽ có hai mươi lăm công tước trong đó có ba người nước ngoài, Cơmbơdan, Kembntgiơ và Sanbec.
Nhưng biện pháp đó của triều đình do Giăc đệ Nhất phát minh có đạt kết quả gì không? Không. Nguyên lão nghị viện cảm thấy mình bị âm mưu đó uy hiếp bèn nổi giận. Nó nổi giận chống lại Sáclơ đệ Nhất người nhân tiện mà nói có lẽ có hơi nhúng tay vào việc giết bố như Mari Đơ Mêđixit có hơi nhúng tay vào việc giết chồng. Đoạn tuyệt giữa Sác lơ đệ Nhất và giới nguyên lão. Các huân tước dưới thời Giắc đệ Nhất đã đòi cá nhân Bêcơn ra trước vành móng ngựa của mình về tội hối lộ, thì dưới thời Sáclơ đệ Nhất lại truy tố cá nhân Xtapho về tội phản nghịch. Trước kia họ kết án Bêcơn, nay họ kết án Stapho. Một người mất danh dự, một người mất mạng. Sáclơ đệ Nhất đã bị chặt đầu lần thứ nhất qua Stapho. Các huân tước tiếp tay cho các công xã. Nhà vua triệu tập nghị viện đến Ôcxfơc, cách mạng triệu tập nghị viện đến Luân Đôn; bốn mươi ba vị nguyên lão đi với nhà vua, hai mươi hai vị đi với nền cộng hoà. Từ việc thừa nhận vai trò dân chúng này của các huân tước nảy ra bản dự án quyền hạn phác thảo những nhân quyền của chúng ta, đó là cái bóng lờ mờ mà cách mạng Pháp từ tương lai sâu thẳm hắt lên cách mạng Anh.
Đấy là những công lao. Vô tình, cứ cho là thế. Và được trả bằng giá đắt, vì giới nguyên lão này là một loại ký sinh trùng khổng lồ, nhưng đáng kể. Sự nghiệp chuyên chế của Luy XI, của Risơliơ và của Luy XIV, việc xây dựng một quốc vương A Rập, việc bóp bẹp được ngộ nhận như sự bình đẳng, trận đòn đánh bằng vương trượng, quần chúng bị san phẳng bằng lối hạ thấp. Cái công trình Thổ Nhĩ Kỳ làm tại nước Pháp ấy, ở nước Anh các huân tước đã ngăn chặn lại. Họ đã dùng chế độ quý tộc là một bức tường, bên này kiềm chế nhà vua, bên kia che chở nhân dân. Họ chuộc lại cái tội ngạo mạn đối với nhân dân bằng thái độ xấc xược đối với nhà vua.
Ximông, bá tước Đơ Lêxetơ nói với Hăngry đệ Tam: "Đức vua, Người đã nói dối." Các huân tước buộc nhà vua phải khuất phục; họ xúc phạm nhà vua ở điểm yếu, ở việc săn bắn bằng chó. Bất cứ huân tước nào, đi qua một vườn ngự uyển, cũng có quyền bắn một con hươu tại đấy. Huân tước xem cung vua như nhà của mình. Vua, được dự chi tại Tháp Luân Đôn[151] với giá biểu của mình, không hơn gì một nguyên lão, mỗi tuần mười hai livrơ xtecling, trả cho nghị viện nguyên lão. Hơn thế nữa nhà vua bị mất ngôi, việc đó người ta nợ nhà vua. Các huân tước đã truất ngôi Giăng Vô Thổ, giáng chức Êđua Đệ Nhị, phế bỏ Risa đệ Nhị, tước quyền Hăng-ri VI và dã làm cho Cromoen trở thành hiện thực. Trong Sác lơ đệ Nhất dã có Luy XIV; nhờ Cromoen ông ta đã mang tính chất tiềm tàng. Vả lại, nhân thể nói luôn, bản thân Cromoen, không một sử gia nào để ý việc này, cũng muốn vươn lên tầng lớp nguyên lão; vì vậy mà y lấy Êlizabet BuôcSiê, dòng dõi và thừa kế của một Crômoen, huân tước BuôcSiê, mà tước thế tập đã tắt năm 1471, và của một Buôcsiê, huân tước Rôbơxa, mà tước thế tập đã tắt năm 1429. Tham dự vào sự phát triển đáng sợ của các sự kiện, Crômoen nhận thấy thống trị bằng con đường phế truất nhà vua nhanh hơn con đường đòi hỏi quyền nguyên lão, Nghi lễ của các huân tước đôi khi độc ác, thường đụng chạm đến nhà vua. Hai tên cầm kiếm ở Tháp Luân Đôn, vai mang rìu, đứng bên phải và bên trái vị nguyên lão bị kết tội phải ra trước vành móng ngựa, cũng dành cho cả nhà vua cũng như cho bất cứ một vị huân tước nào. Suốt năm thế kỷ nghị viện nguyên lão cũ đã có một kế hoạch, và cứ làm như thế không hề thay đổi. Người ta đếm những ngày vui chơi giải trí và những ngày nhu nhược của nó, chẳng hạn như cái lúc kỳ lạ nó bị cám dỗ bởi chiếc thuyền buồm lớn chở đầy phó-mát, giăm-bông và rượu Hy Lạp do Giuyn đệ Nhị gửi cho. Giới quý tộc Anh lo lắng, kiêu ngạo, cứng rắn, chăm chú, đa nghi một cách yêu nước.
Chính nó, vào cuối thế kỷ thứ mười bảy, bằng văn kiện thứ mười, năm 1694, đã tước của thị trấn Xtôcbrit, ở Xaohamtơn, cái quyền cử đại biểu vào nghị viện, và buộc các công xã phải huỷ bỏ cuộc bầu cử của thị trấn này vì có sự gian lận của giáo hoàng. Nó dã buộc Giăc, công tước York phải tuyên thệ, và khi Giăc từ chối, nó đã gạt ông ra khỏi ngai vàng. Tuy nhiên ông ta vẫn trị vì, nhưng cuối cùng các huân tước đã lại tóm được ông ta và đuổi hẳn. Chế độ quý tộc này, trong thời gian dài của nó, đã có một bản năng tiến bộ nào đó. Một đôi chút ánh sáng đáng khen cũng đã thường xuyên phát ra, trừ giai đoạn cuối, tức là hiện nay, Dưới triều đại Giăc đệ Nhị, nó giữ lại ở hạ nghị viện tỉ lệ ba năm bốn mươi sáu tư sản đối lại chín mươi hai hiệp sĩ, mười sáu nam tước lễ phong của Năm Hải Cảng cộng thừa đủ cân bằng với năm mươi công dân của hai mươi lăm thành phố. Bản thân rất hay cám dỗ và rất ích kỷ, chế độ quý tộc này đặc biệt vô tư trong một số trường hợp. Người ta thường xét đoán nó quá khắt khe. Lịch sử thường chỉ đánh giá tốt các công xã; điều đó còn phải tranh luận. Chúng tôi nghĩ vai trò huân tước rất lớn. Chế độ đại tộc là đường lối độc lập ở trạng thái man rợ, nhưng vẫn là độc lập. Cứ xem như Ba Lan; trên danh nghĩa là vương quốc, thực tế là nước cộng hoà. Các nguyên lão nước Anh luôn luôn đặt ngai vàng trong vòng ngờ vực và phải giám thị. Trong nhiều trường hợp, hơn cả các công xã, các huân tước cũng biết làm phật ý. Họ làm cho nhà vua thất bại.
Chẳng hạn như năm 1694, năm đáng lưu ý, các nghị viện ba năm một khóa, bị các công xã bác bỏ vì Ghi-ôm đệ Tam không ưa họ, lại được các nguyên lão bầu. Ghi-ôm đệ Tam phẫn nộ bèn tước bỏ của bá tước Binh toà lâu đài Penđêmx, ' và của hầu tước Morđôn tất cả mọi chức trách. Nghị viện nguyên lão là chế độ cộng hòa Vơni trong lòng vương chế nước Anh. Mục đích của nó là biến nhà vua thành một vị đại thống lãnh, nó làm nhỏ bé nhà vua bao nhiêu thì lại làm cho quốc gia lớn mạnh lên bấy nhiêu.
Nhà vua hiểu như thế và căm thù tầng lớp nguyên lão. Cả hai bên đều tìm cách làm suy yếu lẫn nhau. Những sự giảm sút ấy có lợi cho nhân dân và làm cho nhân dân lớn mạnh thêm. Hai lực lượng mù quáng, chế độ quân chủ và chế độ đại tộc, không nhận thấy mình đang làm lợi cho một lực lượng thứ ba, chế độ dân chủ.
Thế kỷ trước, triều đình mừng rỡ biết bao khi treo cổ được nguyên lão là vị huân tước Ferơ!
Tuy vậy cũng chỉ treo cổ ông ta bằng một sợi dây tơ. Lễ độ.
Nếu là một nguyên lão nước Pháp, người ta đã không treo cổ. Nhận xét kiêu hãnh của quận công Kisơliơ. Đồng ý. Người ta đã chặt đầu. Lễ độ cấp cao hơn.
Môngmôrenxi-Tăngcarvin thường ký: Nguyên lão nghị viện nước Pháp và nước Anh, thế là gạt tầng lớp nguyên lão Anh quốc xuống hàng thứ nhì. Các nguyên lão nghị viện nước Pháp cao quý hơn và kém quyền thế hơn, chú trọng thứ bậc hơn quyền hành, thích ngôi thứ hơn quyền lực. Giữa họ và các huân tước nước Anh có chút khác biệt ngăn cách tính hư vinh với thói kiêu ngạo.
Đối với các nguyên lão nghị viện nước Pháp, đi trước các hoàng thân nước ngoài, dẫn đầu các bậc quyền quý Tây Ban Nha, đứng trên các nhà quý tộc Vơni, lấp ngồi vào các hàng ghế dưới của nghị viện các thống chế nước Pháp, nguyên soái và đô đốc nước Pháp, dù đó là bá tước Tulơzơ hay con trai Luy XIV, phân biệt giữa các nam công quốc và các nữ công quốc, giữ quãng cách giữa một bá tước lãnh địa đơn thuần như Aemanhắe hoặc Anbret và một bá tước lãnh địa của nguyên lão nghị viện như Evrơ, có quyền mang trong một số trường hợp huy chương xanh hoặc huy chương kim dương mao ở tuổi hai mươi lăm, làm công tước Tơlermoi, vị nguyên lão xưa nhất bên cạnh nhà vua, bằng vai với công tước Uze, vị nguyên lão lâu năm nhất trong nghị viện đòi xe mình phải có một số tiểu đồng và ngựa ngang với một cử tri, được Thủ tướng gọi là đức ông, tranh luận xem công tước Menơ có đứng trong hàng nguyên lão như bá tước ở từ năm 1458 không, đi qua gian đại sảnh theo chiều chéo góc hay theo chiều cạnh, đó là vấn đề quan trọng.
Đối với các huân tước Anh, vấn đề quan trọng lại là chứng thư hàng hải, là lời tuyên thệ, là việc châu Âu trưng mộ lính phục vụ cho nước Anh, là việc thống từ các biểu, là chuyện trục xuất dòng họ Xtuyua, là chiến tranh với nước Pháp. Bên này trước hết là triều nghi; bên kia trước hết là quyền lực. Các nguyên lão Anh quốc nắm cái mồi, các nguyên lão Pháp quốc nắm cái bóng.
Nói tóm lại, nghị viện nguyên lão của Anh là một điểm xuất phát; về mặt văn minh thế là rất quan trọng.
Nó có vinh dự mở đầu cho một quốc gia. Nó là hiện thân đầu tiên của sự thống nhất một dân tộc. Sự chống đối kiểu Anh, cái sức mạnh tối tăm quyền năng vô hạn đó đã phát sinh trong nghị viện nguyên lão. Các nam tước, bằng một loại hành động bạo ngược đối với nhà vua, đã sơ phác ra vấn đề phế vị cuối cùng. Nghị viện nguyên lão ngày nay cũng hơi ngạc nhiên và buồn rầu về cái việc mà nó đã làm một cách miễn cưỡng và không hay biết. Hơn nữa điều đó lại không thể bãi bỏ được. Nhượng bộ là gì? Là hoàn trả. Và điều đó không phải các quốc gia không biết. Nhà vua nói: Ta ban. Nhân dân nói: Ta thu hồi. Nghị viện nguyên lão tưởng mình đã sáng tạo ra đặc quyền của nguyên lão, nhưng nó đã sản sinh ra quyền công dân. Chế độ quý tộc, con diều hâu đó, đã ấp cái trứng chim ưng là nền tự do.
Ngày nay cái trứng đã vỡ, con chim ưng bay lượn, con diều hâu dã chết.
Chế độ quý tộc hấp hối. Nước Anh lớn lên.
Nhưng chúng ta nên công bằng đối với chế độ quý tộc. Nó đã giữ thế cân bằng với chế độ quân chủ; nó là đối trọng. Nó là vật chướng ngại trước nền độc tài; nó đã là cái rào chắn. Chúng ta hãy cảm ơn nó, và cứ chôn vùi nó.
3. CĂN PHÒNG CŨ.
Cạnh tu viện Oetminxtơ có một toà lâu đài cổ kiểu Normăngđi bị đốt cháy dưới thời Hăngri VIII. Nay nó chỉ còn hai cánh, Ê-đua VI đặt nghị viện nguyên lão vào một cánh, và nghị viện công xã vào một cánh.
Cả hai cánh, cả hai phòng ngày nay đều không còn; người ta đã xây dựng lại tất cả.
Nhưng chúng tôi đã nói và cần phải nhấn mạnh, nghị viện nguyên lão ngày nay và nghị viện nguyên lão ngày xưa không giống nhau tí nào. Người ta đã phá huỷ lâu đài cũ, như thế là đã phần nào phá bỏ cái tục lệ cũ, những nhát cuốc bổ vào các công trình kiến trúc vĩ đại đều ảnh hưởng trở lại vào các tập quán và các hiến chương. Một hòn đá cũ không bao giờ rơi xuống mà không cuốn theo một điều luật cũ. Cứ đặt thượng nghị viện của một phòng hình vuông vào một phòng hình tròn, nó sẽ khác ngay. Lớp vỏ ngoài thay đổi làm biến dạng con sò bên trong.
Nếu muốn bảo tồn một vật gì cũ, của con người hay của thần thánh, luật pháp hay tín điều, quý tộc hay tăng lữ, thì chớ làm lại mới bất cứ một điều gì, cả cái hề ngoài cũng thế. Cùng lắm chỉ thêm chi tiết. Chẳng hạn, phái Giêduyt là một chi tiết thêm vào đạo Thiên chúa. Đối với các công trình xây dựng, cũng nên xử xự giống như khi sử xự với các thể chế.
Bóng tối phải nằm trong hoang tàn. Cái sức mạnh già cỗi không được thoải mái trong những ngôi nhà mới trang trí. Đối với các thể chế rách rưới, phải có những lâu đài rêu phong.
Giới thiệu nội thất của phòng nghị viện nguyên lão ngày xưa tức là giới thiệu một cái gì đó xa lạ. Lịch sử là đêm tối. Trong lịch sử không có hậu cảnh, ánh sáng giảm dần và bóng tối lập tức xâm chiếm tất cả những gì không còn ở phía trước sân khấu. Trang trí cất di, là xóa sạch, là quên hết. Quá khứ đồng nghĩa với “không biết”.
Khi là pháp đình, các nguyên lão họp trong gian đại sảnh Oetminxtơ, còn khi là thượng nghị viện lập pháp thì họp trong một phòng đặc biệt gọi là "Nhà Nguyên lão", “House of the lords”.
Ngoài toà án nguyên lão Anh quốc, chỉ họp khi nào nhà vua triệu tập, có hai toà án lớn của nước Anh, dưới toà án nguyên lão, nhưng trên mọi cấp tài phán khác họp tại phòng đại sảnh Oetminxtơ. Hai tòa án này đóng trong hai gian kề nhau, ở đầu trên căn phòng này. Tòa án thứ nhất là Cao đẳng pháp viện mà nhà vua buộc phải chủ toạ; tòa án thứ hai là Pháp viện của Bộ tư pháp do tư pháp đại thần chủ toạ. Một bên là tòa án công lý, một bên là tòa án khoan hồng. Chính tư pháp đại thần kiến nghị, nhà vua ân xá; thỉnh thoảng thôi. Hai tòa án này hiện nay vẫn còn, chuyên giải thích pháp chế và phần nào uốn nắn lại nó; nghệ thuật của quan toà là bào gọt bộ luật thành án lệ. Một cái nghề trong đó đức công bình tuỳ nghi xoay xở. Pháp chế được chế tạo và áp dụng giữa chốn tôn nghiêm đó, phòng đại sảnh Oetmilltơ. Phòng này có một mái vòm kiểu giẻ gai mà mạng nhện không sao bám được; trong pháp luật đã có khá nhiều mạng nhện rồi.
Họp tòa án và họp nghị viện là hai việc khác nhau. Tính chất nhị nguyên này hợp thành quyền lực tối cao. Hội nghị kéo dài, bắt đầu ngày 3 tháng 11 năm 1640, cảm thấy nhu cầu cách mạng của thanh gươm hai lưỡi này. Vì vậy nó tự tuyên bố, với tư cách một nghị viện nguyên lão, có cả quyền tư pháp lẫn quyền lập pháp.
Hai quyền này có từ thuở rất xa xưa trong nghị viện nguyên lão. Chúng tôi vừa nói, là quan toà, các nguyên lão chiếm Oetminxtơ-Hôn; là nhà lập pháp, họ có một phòng khác.
Căn phòng khác này, nói cho đúng là viện nguyên lão, dài và hẹp. Nó chỉ được chiếu sáng nhờ bốn cửa sổ khoét sâu vào tầng nóc, và nhận ánh sáng qua mái, thêm ở phía trên long đình, một cửa mắt bò có sáu tấm kính với màn che; ban đêm không có ánh sáng nào khác ngoài mười hai giá đèn chùm nhỏ thắp nến gắn trên tường. Phòng thượng nghị viện của Vơni còn không được thắp sáng bằng thế. Giống cú vọ quyền uy rất mực này ưa thích đôi chút bóng tối.
Trên căn phòng nơi các vị huân tước ngồi họp khum khum một vòm cao đa diện và có những hõm nhỏ mạ vàng. Phòng công xã chỉ có một cái trần bằng; trong các công trình xây dựng thời quân chủ mọi thứ đều mang một ý nghĩa, ở một đầu căn phòng dài của các vị nguyên lão là cửa ra vào: đầu kia, đối diện là cái ngai vua. Cách cửa vài bước là bức rào chắn, một đường cắt ngang, một thứ biên giới, đánh dấu chỗ chấm dứt nhân dân và nơi bắt đầu giới quý tộc. Bên phải ngai là một lò sưởi, trên mặt có huy hiệu, phô bày hai bức trạm trổ bông cẩm thạch, một bức tượng trưng chiến thắng Câtvôn đánh vào quân Brơtan năm 572, một bức tượng trưng bản đồ thị trấn Đânltêbơn, thị trấn này chỉ có bốn đường phố, song song với bốn phần của thế giới. Ba bực cấp tôn cao cho cái ngai. Ngai vua được gọi là “Vương kỷ”. Trên hai bức tường đối diện, chăng dài thành những bức tranh liên hoàn, một tấm thảm rộng do Ehzabet tặng các vị nguyên lão, và mô tả toàn bộ cuộc phiêu lưu của hải quân Tây Ban Nha, từ lúc nó rời khỏi Tây Ban Nha cho đến lúc bị đắm trước nước Anh. Những phần nổi của tàu thuyền đều dệt bằng kim tuyến và ngân tuyến, vì thời gian đã xám xịt. Tựa vào bức thảm này, từng quãng từng quãng lại bị những ngọn đèn chùm gắn vào tường làm gián đoạn, bên phải có ba hàng ghế dài dành cho các giám mục, bên trái có ba hàng ghế dài dành cho các công tước, hầu tước và bá tước sắp theo hình bực thang và cách nhau bằng những bực lên xuống. Các công tước ngồi trên ba ghế ở đoạn thứ nhất, các hầu tước, trên ba ghế ở đoạn thứ hai; các bá tước trên ba ghế ở đoạn thứ ba.
Ghế của tử tước xếp vuông góc, nhìn thẳng vào ngai, và phía sau, giữa các tử tước và cái rào chắn, có hai ghế dành cho các nam tước. Trên chiếc ghế dài cao, bên phải ngai, là hai tổng giám mục, Cantơbiuri và York; trên chiếc ghế giữa, ba giám mục, Luân Đôn, Duyaram và Vinsexte; các giám mục khác ngồi trên ghế phía dưới. Giữa tổng giám mục Cantơbiuri và các giám mục có sự khác biệt rất lớn, ở chỗ ông là giám mục do quyền uy Chúa, còn các vị khác chỉ là do Chúa cho phép. Bên phải ngai, ta thấy một chiếc ghế dựa dành cho hoàng thân xứ Galơ, và bên trái, những chiếc ghế xếp dành cho các vương công tước, và sau số ghế xếp này có mấy bục dành cho các nguyên lão vị thành niên chưa được tham dự nghị viện. Khắp nơi nhan nhản hình hoa huệ; và huy hiệu nước Anh to tướng trên bốn bức tường, trên đầu các vị nguyên lão cũng như trên đầu nhà vua.
Con trai các vị nguyên lão và những người thừa kế tham dự các cuộc tranh luận, đứng sau ngai vua, giữa long đình và bức tường, Chiếc ngai vua ở cuối phòng và ở ba mặt phòng, ba dãy ghế dài dành cho các vị nguyên lão, để chừa ra một ô vuông rộng. Trong ô vuông này, trên trải tấm quốc thảm mang huy hiệu Anh quốc, có bốn cái đệm len; một cái trước ngai để vị tư pháp đại thần ngồi giữa kim đầu trượng và quốc ấn, một cái trước mặt các giám mục để các quan toà cố vấn quốc gia ngồi, chỉ dự thính chứ không được phát biểu, một cái trước mặt các công tước, hầu tước và bá tước để các quốc vụ khanh ngồi, một cái trước mặt các tử tước và nam tước để cho hai viên phó thư ký quỳ viết. Ở giữa ô vuông có một chiếc bàn rộng phủ da, đầy những hồ sơ, sổ cái, sổ thu nhập với những lọ mực to bằng vàng bằng bạc và những ngọn đuốc cao ở bốn góc. Các nguyên lão tham dự hội nghị theo thứ tự niên đại người nào theo ngày tháng thụ tước của người nấy. Họ ngồi theo tước vị và, trong tước vị, theo thâm niên. Hoàng môn quan đũa đen đứng ở chỗ rào chắn, tay cầm chiếc đũa. Bên trong cửa, viên tuỳ tùng của hoàng môn quan, và bên ngoài cửa là viên mõ, có nhiệm vụ khai mạc các phiên toà với tiếng: Oyez[152] bằng tiếng Pháp, rao ba lần, trịnh trọng nhấn mạnh vào âm tiết đầu. Bên cạnh viên mõ, là viên đội cầm kim đầu trượng của tư pháp đại thần.
Trong các buổi lễ của triều đình, các vị nguyên lão thế quyền đội mũ miện, còn các vị nguyên lão giáo quyền đội mũ chủ giáo. Các tổng giám mục đội mũ chủ giáo có thêm miện công tước, và các giám mục ngồi sau các tử tước, đội mũ chủ giáo có thêm tortin của nam tước. Điểm nhận xét kỳ quặc và là một bài học, cái ô vuông hình thành bởi ngai vua, các giám mục và các nam tước, và trong đó có các pháp quan quì gối, chính là nghị viện cũ của nước Pháp qua hai chủng tộc đầu tiên. Cùng một vẻ quyền uy ở Pháp và ở Anh. Trong truyện De ordina- tione sacri palatu[153], năm 858, Hinmar đã tả nghị viện nguyên lão hợp ở Oetmmxtơ vào thế kỷ mười tám. Một biên bản kỳ quặc làm trước chín trăm năm. Lịch sử là gì? Một tiếng vang của quá khứ trong tương lai. Một phản ảnh của tương lai dựa trên quá khứ.
Nghị viện bảy năm mới phải họp một lần.
Các huân tước thảo luận bí mật, cửa đóng kín. Các công xã họp công khai. Dường như việc có nhiều người biết là dấu hiệu của hèn kém.
Số lượng huân tước, không hạn chế. Phong thêm huân tước, là sự đe doạ của vương quyền. Biện pháp cai trị. Vào đầu thế kỷ thứ mười tám, nghị viện nguyên lão đã đạt con số rất cao. Từ đó nó còn phình thêm nữa.
Làm loãng giai cấp quí tộc là một đường lối chính trị. Có lẽ Êlizabet đã phạm sai lầm khi cô đúc tầng lớp nguyên lão lại còn sáu mươi lăm huân tước, Tầng lớp huân tước càng vắng ít thì càng hùng mạnh. Trong các hội đồng càng nhiều thành viên thì càng ít đầu óc. Giắc đệ Nhị đã cảm thấy thế nên mới đưa con số thượng nghị viện lên đến một trăm tám mươi tám huân tước; một trăm tám mươi sáu nếu giảm bớt hai nữ công tước của khuê phòng nhà vua, Porxmot và Clevơlan. Thời nữ hoàng Anh, tổng số huân tước kể cả giám mục lên đến hai trăm linh bảy.
Không kể công tước Câmbơclan, chồng nữ hoàng, có hai mươi lăm công tước; người thứ nhất Norfon, không dự họp vì theo công giáo, và người cuối cùng, Kembrit, hoàng thân khu vực bầu cử Hanôvrơ, được dự họp mặc dù là người ngoại quốc, Uynsextơ được xem như hầu tước Anh quốc đầu tiên và duy nhất, cũng như Axtorga hầu tước duy nhất của Tây Ban Nha, vắng mặt, vì ông thuộc phái Giacôbit[154], nên có năm hầu tước, người thứ nhất là Đecby và người cuối cùng Hecvê, vì là nam tước cuối cùng nên huân tước Hecvê được gọi là "em út" của nghị viện, Đecby, dưới thời Giắc đệ Nhị, đứng sau Ôcxfơc, Sribiury và Kent, chỉ là người thứ ba, đến thời nữ hoàng Anh trở thành bá tước thứ nhất. Tên của hai vị tư pháp đại thần đã biến mất trên danh sách các nam tước, Verulan mà lịch sử tìm ra Bêcơn và Oem mà lịch sử tìm ra, Jepfrê Bêcơn và Jepfrê là những cái tên mù mịt khác nhau. Năm 1715, số hai mươi sáu giám mục chỉ còn hai mươi lăm, ghế của Sextơ khuyết. Trong hàng ngũ giám mục một số là lãnh chúa rất lớn; như Uynliam Tanbô, giám mục Ocxfơc, trưởng chi tân giáo của dòng họ ông. Các người khác đều là những vị tiến sĩ tài ba, như Gion Sarp, tổng giám mục York, nguyên niên trưởng Noruyc, nhà thơ -Tômax Xprat, giám mục Rôsextơ, con người hiền lành có máu động kinh, và vị giám mục Lincon khi chết là tổng giám mục Cantơbiury, Uêcơ, đối thủ của Bôtxuyên.
Trong những dịp quan trọng, và lúc nào đón nhận chiếu chỉ nhà vua gửi cho thượng nghị viện, toàn bộ đám đông uy nghiêm ấy mặc áo dài, đội tóc giả, chụp mũ chủ giáo hoặc mũ lông chim, lại lóp ngóp sắp thành hàng dài, chất thành bực cao, trong căn phòng nguyên lão dọc theo những bức tường, trên đó thấp thoáng cơn bão táp tiêu diệt hạm đội Tây Ban Nha. Xin hiểu ngầm: bão táp theo hiệu lệnh của nước Anh.
Toàn bộ nghi lễ nhận chức của Guynplên, từ khi bước qua cổng Hoàng cung cho đến lúc tuyên thệ tại giao điểm lồng kính, đều diễn ra trong một cảnh tranh tối tranh sáng.
Huân tước Uynliam Caopơ nhất thiết không cho phép cung cấp cho mình, tể tướng Anh quốc, những chi tiết quá rõ ràng về việc biến dạng của vị huân tước trẻ Fecnên Clăngsacli; ông cho rằng cương vị của ông đâu phải để biết việc một nguyên lão không được đẹp mã, và ông cảm thấy mình sút kém uy thế khi một cấp dưới dám cả gan đưa đến cho mình những tin tức loại đó.
Chắc chắn một thường dân rất thích thú khi nói: hoàng thân ấy gù lưng. Vậy thì dị dạng đối với một huân tước là một chuyện xúc phạm. Khi nữ hoàng vừa nói với ông mấy lời, huân tước tể tướng chỉ đáp: Lãnh chúa bao giờ cũng có bộ mặt lãnh chúa. Trên những bản khẩu cung mà chắc ông phải kiểm tra và chứng nhận, ông đã hiểu đại khái. Do đó có những việc phải đề phòng.
Bộ mặt của vị tân huân tước có thể, lúc vị này bước vào nghị viện, gây đôi chút xôn xao. Cần phải ngăn ngừa việc đó. Huân tước tể tướng đã đề ra một số biện pháp. Hết sức ít sự kiện, đó là ý nghĩ bất di bất dịch và phương châm hành động của nhưng nhân vật đúng đắn. Tính chất trang nghiêm rất ghét những chuyện rắc rối. Cần làm sao để việc chấp nhận Guynplên không gặp trở ngại, cũng như việc thừa nhận bất cứ một người thừa kế tước nguyên lão nào khác.
Vì vậy mà huân tước tể tướng đã ấn định việc đón tiếp huân tước Fecmên Clăngsacli vào một phiên họp tối. Tể tướng vốn là người gác cửa, Quodammodo ostiar- ius[155] như các hiến chương Normăngđi nói, Januarum cancellorumque potestasm[156] như Tectuyhêng nói, ông có thể cử hành nghi lễ bên ngoài nghị viện, trên ngưỡng cửa, và huân tước Uulia Caopơ đã sử dụng quyền hạn của mình khi thực hiện tại giao điểm lồng kính những thủ tục gia phong cho huân tước Fecmên Clăngsacli. Hơn nữa, ông còn tiến hành trước giờ, để vị tân nguyên lão bước vào nghị viện trước cả lúc khai mạc phiên họp.
Còn việc gia phong cho một nguyên lão ở ngưỡng cửa, và bên ngoài nghị viện nữa, thì đã có những tiền lệ. Vì nam tước thế tập đầu tiên sáng tạo theo chập chiếu chứng thư, là Gion Đơ Bôsăng, Đơ Honcatxơn, do Risac đệ Nhị phong năm 1387, nam tước Đơ Kitđeminxtơ, đã được đón tiếp theo cách ấy. Vả lại tái diễn tiền lệ này, huân tước tể tướng tự tạo cho chính mình một vấn đề khó xử làm trở ngại cho ông không đầy hai năm sau, lúc tử tước Niuhêvân được vào nghị viện nguyên lão.
Cận thị, như chúng tôi đã nói, huân tước Uyliam Cao pơ chỉ trông thấy lờ mờ vẻ dị dạng của Guynplên; hai vị huân tước đỡ dầu thì chẳng thấy tí gì. Đây là hai ông già gần như mù.
Huân tước tể tướng đã dụng tâm chọn họ.
Hơn thế nữa, huân tước tể tướng vì chỉ nhìn thấy tầm vóc và phong thái đường hoàng của Guynplên, còn nhận xét Guynplên có "bộ mặt rất khả quan".
Chúng tôi xin thêm rằng Backinphêdrô, vốn là một tên gian hùng, am hiểu tường tận và quyết tâm phải thành công trong âm mưu của mình, nên trong các công văn của hắn, trước mặt huân tước tể tướng đã phần nào giảm nhẹ chuyện dị dạng của huân tước Fecmên Clăngsacli, bằng cách nhấn mạnh chi tiết Guynplên có thể tùy tiện bỏ hẳn vẻ cười và làm cho bộ mặt méo mó trở lại nghiêm nghị. Có thể Backinphêđrô còn phóng đại thêm khả năng đó nữa. Vả lại, về phương diện quý tộc, việc ấy có hề gì? Uynliam Caopơ chẳng phải là luật gia tác giả câu châm ngôn này sao: ở nước Anh việc phục hồi một vị nguyên lão còn quan trọng hơn việc phục hồi một nhà vua? Tất nhiên vẻ đẹp và phẩm cách con người không thể tách rời nhau, thật bực mình khi một huân tước bị giả mạo, và đây là một sự lăng nhục của tình cờ; nhưng chúng ta cần nhấn mạnh điểm đó, việc ấy có giảm bớt gì về quyền lợi? Huân tước tể tướng đã có ý đề phòng, như vậy là đúng, nhưng nói chung đụng hay không thì ai có thể ngăn cấm một vị nguyên lão bước vào nghị viện nguyên lão? Giới quý tộc và vương quyền lại không cao hơn cả sự dị dạng và sự tàn tật hay sao?
Trong cái gia đình đã tàn tạ năm 1347, của dòng họ Cunin ngày xưa, các bá tước Đơ Busăng, chẳng phải cũng có một tiếng kêu dã thú di truyền như bản thân tước thế khanh sao, đến nỗi cứ nghe tiếng rống là người ta nhận ra các nguyên lão xứ Êcôx. Những vết máu ghê tởm trên mặt có ngăn cản Xêđa Borgya làm công tước Đơ Valăngtinoa không? Đôi mắt mù có ngăn cản Giăng Đơ Luyxemhua làm vua xứ Bôêm không? Cái lưng gù có ngăn cản Risac đệ Tam làm vua nước Anh không? Xét kỹ thực chất sự việc, tàn tật và vẻ xấu mà được chấp nhận một cách dửng dưng cao đạo, không những không phản đối tính chất cao quý: mà còn khẳng định và chứng minh nó nữa. Giới quí tộc có một ánh sáng uy nghiêm mà dị dạng không thể nào làm lu mờ. Đó là một mặt khác của vấn đề, và không phải là mặt nhỏ hơn.
Như đã thấy, không gì có thể ngăn trở việc chấp nhận Guynplên, và những dè dặt khôn ngoan của huân tước tể tướng, bổ ích về mặt thấp kém của chiến thuật, là chuyện xa hoa về mặt hơn hẳn của nguyên tắc quí tộc.
Lúc mấy tên lính canh đã mở cái cửa to hai cánh trước mặt Guynplên, trong phòng chỉ mới có mấy vị huân tước. Hầu hết các vị này đều già. Trong các cuộc họp, mấy ông già bao giờ cũng đến đúng giờ: cũng như bên cạnh phụ nữ họ đều là những người ưa săn đón. Trên ghế công tước chỉ thấy hai vị, một vị bạc phơ, một vị hoa râm, là Tômax Ôxborn, công tước Đơ Litz, và Sombec, con trai của ngài Sombec người Đức do dòng dõi, người Pháp do cái gậy thống chế, và người Anh do thế tập; vị này bị sắc lệnh Năngtơ đuổi sau khi tham chiến chống nước Anh với tư cách là người Pháp, lại tham chiến chống nước Pháp với tư cách là người Anh.
Trên ghế huân tước giáo quyền, chỉ có tổng giám mục Cantơbiury, chủ giáo trưởng anh quốc, ngồi trên cùng; và ở dưới là vị tiến sĩ Ximon Patric, giám mục Đêli, đang chuyện trò với Evơlin Pieromông, hầu tước Đơ Đorsextơ; ông này đang giải thích cho giám mục biết chỗ khác nhau giữa một bức luỹ đắp bằng đất sọt với một đoạn thành nối liền hai pháo đài, và giữa hàng rào cọc gỗ là một hàng cọc đóng trước lều để che chở cho trại, còn cọc đóng quanh móng cầu là một vòng cọc nhọn phía dưới lan can một pháo đài để ngăn cản quân vây thành trèo lên và những kẻ bị bao vây trốn thoát. Còn vị hầu tước thì hướng dẫn cho giám mục cách đóng cọc để bảo vệ một đồn lẻ, phải đóng lút một nửa xuống đất và để chừa một nửa ra ngoài, Tômax Tinơ, Tử tước Uêmot, đến gần một giá đèn và xem xét một tấm bản đồ của người kiến trúc sư của ông để làm cho khu vườn Long Lit của ông tại Uynsai, một bãi cỏ gọi là "bồn cỏ bàn cờ" có những ô cỏ vuông xen với những ô vuông cát vàng, cát đỏ, vỏ hến và than vụn. Ở ghế tử tước thì lẫn lộn có một số huân tước gia, Etxêc, Otxunxten, Piririn, Ôxbor, Uynliam Zuylexten, bá tước Đơ Rôsfor, với một số huân tước trẻ thuộc phe đảng không đội tóc giả, đang vây quanh Praixơ Đêverơ, tử tước Hirifor, và đang tranh luận về vấn đề xem lấy ô-rô gây nôn bỏ vào nước sôi có thành trà uống không. - Gần gần thế, - Ôxborn nói. - Hoàn toàn là trà,- Etxêc nói. Câu chuyện ấy được Paolex Xen Gion nghe rất chăm chú; ông này là anh em họ của Bolinbrôc mà sau này Vonte phần nào là học trò, vì Vonte bắt đầu học với cha Pcrê: cuối cùng lại học với Bolinbrôc.
Ở ghế hầu tước, Tômax Đơ Grê, hầu tước Đơ Kent, huân tước cận thần của nữ hoàng, cam đoan với Rôbơe Bectai, hầu tước Đơ Linxê, huân tước cận thần Anh quốc, rằng chính hai người Pháp tị nạn, ông Locôc trước làm cố vấn tại nghị viện Pari, và ông Ravơnen, một người quý phái xứ Brơtan, đã trúng số độc đắc trong cuộc sổ xố của nước Anh năm 1694. Bá tước Đuymơ đọc một quyển sách nhan đề “Linh nghiệm kỳ lạ về những lời đoán của thầy bói”, Gion Căngben, bá tước Đơ Grinnuych, nổi tiếng về cái cằm dài, và vui tính và tuổi tám mươi bảy, đang viết thư cho nhân tình. Huân tước Săngđô đang gọt giũa móng tay. Vì phiên họp sắp đến là phiên họp của triều đình có đại diện nhà vua, nên hai người phụ canh cửa đặt trước ngai một cái ghế dài nhung mầu lửa. Vị trưởng ban tổ chức, sacrorum scriniorunl magiste, ngồi trên cái bao len thứ nhì, ông này lúc ấy ở cái nhà cũ của những người Do Thái ly khai. Trên cái bao thứ tư, hai viên phó thư ký quỳ gối đang giở xem các quyển sổ cái.
Trong lúc huân tước tể tướng ngồi xuống cái bao len thứ nhất thì các quan chức nghị viện thu xếp chỗ, một số đã ngồi, một số đang đứng, tổng giám mục Cantobiury đứng lên đọc kinh, và phiên họp bắt đầu.
Guynplên đã vào được một lúc mà không ai để ý; chiếc ghế dài thứ nhì của nam tước, chỗ ngồi của Guynplên, sát với rào chắn, nên nó chỉ phải đi có vài bước. Hai vị huân tước đỡ đầu ngồi bên phải và bên trái nó, thành thử gần như che khuất sự có mặt của người mới đến.
Không ai được báo trước cả, viên thư ký nghị viên đã đọc khẽ, và có thể nói là thì thầm mọi thứ giấy tờ liên quan đến vị huân tước mới, còn huân tước tể tướng thì dã tuyên bố việc công nhận Guynplên giữa tình trạng mà trong các báo cáo gọi là "không chú ý chung". Mọi người đều nói chuyện. Trong phòng cứ ầm ầm, giữa lúc ấy các cuộc họp làm tất cả mọi việc mập mờ, mà sau đó đôi khi họ phải ngạc nhiên.
Guynplên ngồi im lặng, đầu trần, giữa hai vị nguyên lão già, huân tước Fltoantơ và huân tước Arânđen.
Theo dặn dò của vụ trưởng vụ lễ nghi, lại được hai huân tước đỡ đầu nhắc lại, lúc vào Guynplên đã chào chiếc "vương kỷ ".
Như vậy là xong.
Nó thành huân tước.
Chốn cao sang đó, mà suốt đời nó đã nhìn thấy thầy Uyêcxuyt của nó hãi hùng cúi rạp dưới ánh sáng chói lọi, cái đỉnh núi thần kỳ đó đang ở dưới chân nó.
Nó đang ngồi giữa nơi vừa rực rỡ vừa tối tăm của nước Anh.
Đỉnh cao ngàn xưa của ngọn núi phong kiến mà suốt sáu thế kỷ châu Âu và lịch sử vẫn nhìn ngắm. Hào quang hãi hùng của một thế giới đầy tăm tối.
Nó đã bước vào giữa vầng hào quang ấy. Một nước bước không thể nào lùi chân được.
Guynplên đang ở đấy như ở trong nhà của nó.
Trong nhà của nó, trên ghế của nó, cũng y hệt nhà vua trên ngai của vua.
Nó đang ở đó, và từ nay không gì có thể làm cho nó không ở đó.
Vành vương miện nó nhìn thấy dưới long đình kia là anh em với vành vương miện của nó. Nó là nguyên lão của chiếc ngai vàng kia.
Trước mặt nhà vua, nó là lãnh chúa. Kém hơn, nhưng tương tự.
Hôm qua nó còn là gì? Phường tuồng, Hôm nay nó là gì? Hoàng thân.
Hôm qua, chẳng là gì hết. Hôm nay, tất cả.
Cuộc chạm trán đột ngột của khốn cùng với quyền uy, cuộc gặp gỡ mặt đối mặt trong một số phận, và thình lình trở thành hai nửa của một lương tâm.
Hai bóng ma, bỉ cực và thái lai, cùng chiếm lĩnh một tâm hồn, bên nào cũng cố lôi kéo phần thắng về mình. Bi đát thay cuộc giành giật một trí tuệ, một ý chí, một khối óc, giữa hai anh em thù địch là con ma bần cùng và con ma giàu có, Aben và Caanh[157] trong một con người.
Các hàng ghế nghị viện kín dần. Các huân tước lục tục kéo đến. Chương trình nghị sự có việc bỏ phiếu dự án tăng thêm mười vạn livrơ xteclinh vào thuế phí của Giorgiơ Đan Mạch, công tước Đơ Cơmboclan, chồng của nữ hoàng. Ngoài ra, còn được thông báo một số dự án linh tinh mà nữ hoàng đã ưng thuận, sắp được các vị khâm sai có quyền hạn và trách nhiệm phê chuẩn đệ trình nghị viện, thành thử phiên họp trở thành phiên họp triều đình, Các vị nguyên lão đều khoác áo nghị viện ra ngoài triều phục hoặc thường phục, Chiếc áo này tương tự áo Guynplên mặc, đối với tất cả mọi người đều giống nhau, không kể khoản các công tước có năm giải lông chồn trắng viền vàng, các hầu tước bốn, các bá tước và tử tước ba, và các nam tước hai. Các huân tước cứ từng tốp từng tốp bước vào. Họ đã gặp nhau trong hành lang, họ nói tiếp những câu chuyện bỏ dở. Một số đến một mình. Y phục đều trang nghiêm nhưng thái độ thì không; ngôn ngữ cũng không. Tất cả mọi người lúc vào đều cúi chào ngai vua.
Các nguyên lão ùn lại, Đoàn tên tuổi oai vệ này diễu qua hầu như không theo nghi thức, vì vắng mặt công chúng. Lêxextơ đi vào và bắt tay Lisơfin; rồi Saclox Morđon, bá tước Đơ Pitơborup và Đơ Monmao, bạn của Lêkơ theo sáng kiến của Lôckơ ông ta đã đề nghị đúc lại tiền; rồi Saclox Căngben bá tước Đơ Luđun, lắng tai nghe Phunk Grêvin, huân tước Bruk; rồi Đơmơ, bá tước Đơ Caenacvon; rồi Rôbơc Xâttơn, nam tước Levinhtơn, con của Lêxinhtơn, người đã khuyên Saclơ đệ Nhị đuổi Grêgônô Lêti, vị sử quan khá dại dột muốn trở thành sử gia; rồi Tômax Benlaxydơ, tử tước Fanconboc, ông già đẹp lão; và cùng đi với nhau ba anh em họ Haova. Haova, bá tước Xtafo. Haova, bá tước Đơ Xtapfo, rồi Gion Lôvơlêx, nam tước Lôvơlêx, mà tước thế tập tàn lụi năm 1736 giúp cho Risacxơn đưa Lôvơlêx vào sổ của mình và tạo ra một kiểu mẫu dưới cái tên đó.
Tất cả những nhân vật ấy, mỗi người mỗi vẻ đều nổi tiếng trên trường chính trị hoặc trong chiến tranh, và nhiều người còn làm vẻ vang cho nước Anh, đang cười cười nói nói. Cứ y như lịch sử mặc áo thường.
Không đầy nửa giờ, phòng họp đã gần đông đủ. Đơn giản thôi, vì phiên họp của triều đình. Điều kém phần đơn giản hơn là tính chất nhộn nhịp của các câu chuyện trao đổi. Phòng họp, ban nãy vật vờ như thế, lúc này ồn ào như ong vỡ tổ. Chính mấy ngài huân tước đến muộn thức tỉnh nó dậy. Họ mang chuyện mới lạ đến. Điều kỳ quặc là những vị nguyên lão có mặt trong phòng lúc khai mạc phiên họp, đều không hay biết tí gì về những việc đã xảy ra, còn nhưng vị không có mặt lúc ấy lại tỏ tường mọi việc.
Nhiều vị huân tước từ Uynxo tới.
Từ mấy tiếng đồng hồ, câu chuyện ly kỳ về Guynplên đã bị tiết lộ. Bí mật là một tấm lưới, đứt một mặt là toàn bộ rách bung. Ngay từ sáng, do những việc tình cờ xẩy đến trên đây, toàn bộ câu chuyện về việc tìm thấy một tước nguyên lão trên sâu khấu hát rong và về một tên múa rối được công nhận là huân tước, đã vở lỡ tại Uynxo trong các gia đình hoàng tộc. Các hoàng thân nói về chuyện ấy, rồi quân hầu đầy tớ nói. Từ cung đình sự kiện lan ra thành phố. Các sự kiện cũng có trọng lực và ở đây có thể áp dụng định luật bình phương vận tốc.
Chúng rơi vào công chúng và đi sâu vào công chúng nhanh một cách chưa từng thấy. Bảy giờ, ở Luân Đôn không ai hay biết chuyện này. Tám giờ, Guynplên là đầu đề câu chuyện của cả thành phố. Chỉ có mấy vị huân tước đúng giờ là không hay biết sự việc vì không ở thành phố, nơi người ta thường kể lại mọi chuyện, và vì đang ở trong phòng họp nơi họ chẳng nhận thấy gì cả.
Thế là bình tĩnh ngồi trên ghế, họ bị những vị mới đến xúc động quá gọi giật.
- Thế nào? - Franxit Brao, tử tước Maolêcut, hỏi hầu tước Dersextơ.
- Cái gì kia?
- Có lý nào lại thế nhỉ?
- Cái gì kia?
- Thằng Cười.
- Thằng Cười là cái gì?
- Thế ngài không biết Thằng Cười sao?
- Không.
- Nó là một thằng hề. Một thằng nhỏ chợ phiên. Một cái mặt kỳ quái, mà người ta vẫn bỏ ra hai xu để đi xem. Một tên múa rối.
- Rồi sao nữa?
- Ngài vừa đón tiếp hắn như một nguyên lão Anh quốc.
- Thưa ngài huân tước Maotêcut, Thằng Cười chính là ngài.
- Tôi không cười, thưa ngài huân tước Đorsextơ.
Nói xong, tử tước Maotêcut ra hiệu cho viên thư ký nghị viện. Anh này bỏ bao len đứng dậy và xác nhận với các ngài quý tộc sự việc công nhận vị tân nguyên lão.
Với mọi chi tiết.
- Ra thế, ra thế, ra thế. - Huân tước Đorsextơ nói. - Chả là tôi mải tiếp chuyện giám mục Êli.
Bá tước trẻ Anexlê đến gần huân tước già Ơrê, vị này chỉ còn sống được hai năm vì ông ta sẽ chết vào năm 1707.
- Huân tước Ơrê?
- Huân tước Anexlê?
- Ngài có được biết huân tưới Linơx Clăngsacli không?
- Một người ngày xưa. Có.
- Ông ta chết tại Thuỵ Sĩ phải không?
- Đúng. Chúng tôi có họ hàng với ông ta.
- Ông ta thuộc phái cộng hoà dưới triều đại Cromoen, và vẫn theo phái cộng hoà dưới triều đại Saclơ đệ Nhị nữa phải không?
- Cộng hoà à? Đâu phải, ông ta bất mãn. Đó là một chuyện tranh chấp riêng giữa nhà vua với ông ta. Tôi được một nguồn tin chắc chắn cho biết rằng huân tước Clăngsacli có thể đã quy phục nếu cho ông ta cái cương vị tể tướng của huân tước Haiđơ.
- Huân tước Ơrê, ngài làm tôi ngạc nhiên đấy. Người ta bảo huân tước Clăngsacli là một con người quân tử kia mà.
- Một con người quân tử! Có quân tử thật sao? Ông bạn trẻ ơi, làm gì có hiền nhân quân tử.
- Thế Catông?
- Ngài tin vào Catông ư, thưa ngài!
- Thế Arixtiđ[158]?
- Người ta dã lưu đày ông ta là phải!
- Thế còn Tômax Moro[159].
- Người ta đã cắt cổ ông ta là đúng.
- Thế theo ý kiến ngài, huân tước Clăngsacli?
- Cũng thuộc loại ấy thôi. Vả lại một con người ở lại chỗ lưu đày thì lố bịch thật.
- Ông ta chết ở đấy.
- Một con người đầy tham vọng không được như ý- Ôi! Hỏi rằng tôi có biết ông ta không?! Biết quá đi chứ. Tôi là bạn thân của ông ta mà.
- Huân tước Ơrê, ngài có biết việc ông ta lấy vợ ở Thuỵ Sĩ không?
- Tôi có biết sơ sơ.
- Và qua cuộc tình duyên đó, ông ta được một người con hợp pháp.
- Phải, đứa con đó chết rồi.
- Nó còn sống.
- Sống?
- Sống.
- Vô lý.
- Thật đấy. Đã được xác minh. Đã được chứng nhận. Đã dược phê chuẩn. Đã được đăng ký.
- Thế thì đứa con trai ấy sẽ thừa hưởng tước vị nguyên lão của Clăngsacli.
- Nó sẽ không thừa hưởng đâu.
- Sao thế?
- Vì nó dã thừa hưởng rồi. Đã xong hết rồi.
- Xong hết rồi?
- Huân tước Ơrê: mời ngài ngoảnh đầu lại.Y ngồi sau lưng ngài, trên ghế nam tước kia kìa.
Huân tước Ơrê ngoảnh lại; nhưng khuôn mặt Guynplên đã theo mốt mới rồi. Y không đội tóc giả.
Grantam đến bên Côlơpêppơ.
- Có anh chết đứng rồi!
- Ai thế?
- Đêvit Điry Moa.
- Sao vậy?
- Hắn không còn là nguyên lão nữa.
- Tại sao vậy?
Và Hery Ôverkec, bá tước Đơ Grantam, kể cho Gion nam tước Côlơpeppe, toàn bộ "giai thoại" cái chai nổi đưa đến cho bộ hải quân, tờ giấy da của bọn com- prasicôx, bản "Jussu regis" có Jepfrê áp ký, cuộc đối chất trong hầm hình sự Xaothouak, việc huân tước tể tướng và nữ hoàng chấp thuận tất cả những sự việc ấy, việc tuyên thệ tại giao điểm lồng kính và cuối cùng việc công nhận huân tước Fecmên Clăngsacli lúc mở đầu phiên họp, và cả hai người đều cố gắng để nhận ra, giữa huân tước Fitxoantơ và huân tước Arânđen, khuôn mặt được nói rất nhiều của vị tân huân tước, nhưng cũng chẳng đạt kết quả gì hơn huân tước Ơrê và huân tước Anexlê.
Vả lại Guynplên, hoặc do tình cờ, hoặc do sự sắp xếp của các vị đỡ đầu có huân tước tể tướng báo trước, được xếp ngồi vào chỗ khá tối để tránh khỏi sự tò mò.
- Đâu? Y đâu?
Đó là tiếng thốt của tất cả mọi người khi mới đến, nhưng chẳng ai có thể nhìn thấy rõ Guynplên cả. Một số đã trông thấy Guyplên tại Hộp Xanh, tò mò một cách háo hức nhưng cũng hoài công. Cũng như đôi khi người ta khôn ngoan bao vây một cô gái giữa một tốp các bà goá phụ, Guynplên cứ như bị bọc giữa đám huân tước già tàn tật và thờ ơ. Mấy ngài hiền lành bị bệnh thống phong thường ít quan tâm đến chuyện người khác.
Họ truyền tay nhau những bản sao bức thư ngắn ngủi, khẳng định là chính nữ công tước Giôzian cho chị là nữ hoàng, trả lời mệnh lệnh triều đình buộc mình phải lấy vị tân nguyên lão, người thừa kế hợp pháp dòng họ Clăngsacli, huân tước Fecmên, Bức thư ấy như sau:
"Kính tâu hoàng hậu.
Tiện muội cũng muốn như thế. Tiện muội sẽ có thể được huân tước Đêvit Điry Moa làm nhân tình"
đã ký: Giôzian.
Mảnh giấy ấy thật hay giả, được hoan nghênh nhiệt liệt.
Một huân tước trẻ, Saclơx Ôkêhamtơn, nam tước Mêhun trong nhóm không đội tóc giả, khoái trá đọc đi đọc lại mảnh giấy. Lêvix Đơ Đurax, bá tước Đơ Fevơsam, người Anh có đầu óc Pháp, nhìn Môhun và mỉm cười.
- Vậy thì. - Huân tước Môhun nói bô bô. - Đúng là người đàn bà mà tôi khoái được lấy làm vợ rồi.
Các vị ngồi cạnh hai huân tước được nghe những câu đối thoại sau đây giữa Đurax và Môhun:
- Lấy nữ công tước Giôzian làm vợ sao, huân tước Môhun?
- Chứ sao lại không?
- Đồ mắc dịch!
- Hạnh phúc lắm!
- Thế thì đông quá!
- Thế dễ từ xưa đến giờ không đông?
- Huân tước Môhun, ngài nói có lý lắm. Về khoản phụ nữ, tất cả chúng ta đều hưởng thừa của nhau. Ai là người đã được hưởng đầu tiên?
- Có lẽ là Ađam (Ađam là ông tổ của loài người, theo Kinh Thánh).
- Cũng không đúng.
- Xét cho cùng, là Xa tăng!
- Ông bạn thân mến ơi, - Lêvix Đơ Đurax kết luận. - Ađam chỉ là một kẻ cho mượn tên thôi. Một anh chàng bị lừa đáng thương hại. Y khoác cái vai người. Đàn ông đã được quỷ tạo ra cho đàn bà.
Hugô Sonlê, bá tước Đơ Sonlê, luật gia có tiếng, được Natanaen Criu, ngồi ở ghế các giám mục hỏi, Criu hai lần nguyên lão, nguyên lão thế quyền vì là nam tước Criu và nguyên lão giáo quyền vì là giám mục Đuyram.
- Lẽ nào lại thế. - Criu nói.
- Có hợp pháp không? - Sonlê hỏi.
- Việc gia phong người mới đến này tiến hành ngoài nghị viện. - Giám mục lại nói tiếp, - nhưng người ta khẳng định là đã có nhiều tiền lệ.
- Phải, Huân tước Bôsăng dưới thời Risac đệ Nhị. Huân tước Sơnê dưới thời Elizabet.
- Và huân tước Broghm dưới thời Cromoen.
- Cromoen không hề kể.
- Ngài nghĩ thế nào về toàn bộ vấn đề này.
- Nhiều chuyện tinh tinh lắm.
- Này ngài bá tước Đơ Sonlê, anh chàng Fecmên Clăngsaeli sẽ đứng ở hàng nào trong nghị viện?
- Huân tước giám mục, việc gián đoạn của phái cộng hoà đã xáo trộn các hàng ngũ cũ, Clăngsacli ngày nay thuộc giới nguyên lão giữa Bacna và Xêmơ, như vậy là trường hợp phát biểu ý kiến luân phiên, huân tước Fecmên Clăngsacli sẽ là người nói thứ tám.
- Lạ thật! Một tên hát rong đầu đường xó chợ!
- Thưa huân tước giám mục, bản thân sự kiện không khiến tôi ngạc nhiên tí nào. Những chuyện như thế vẫn thường xảy ra. Có nhiều chuyện còn kinh ngạc hơn nữa. Cuộc chiến tranh Hai Bông Hồng chẳng đã được báo trước bởi hiện tượng khô cạn đột ngột của sông Uzơ ở Betfo ngày mồng một tháng giêng năm 1399 là gì?
Vậy nếu một con sông có thể khô cạn, thì một người quý tộc cũng có thể rơi vào hoàn cảnh thấp hèn lắm chứ. Uyluvx vua xứ Itacơ, ngày xưa làm đủ mọi nghề. Fecmên Clăngsacli vẫn là huân tước dưới cái vỏ phường tuồng bên ngoài. Sự hèn kém của tấm áo đâu có chạm đến tính chất cao quý của giòng máu, nhưng việc tuyên thệ và gia phong ngoài phiên họp, mặc dù, được xem như hợp pháp vẫn có thể gây lên những chuyện dị nghị. Tôi tán thành ý kiến phải thống nhất về vấn đề xem sau này có cuộc trao đổi nhà nước với huân tước tể tướng không. Trong vài tuần nữa ta sẽ thấy những việc phải làm.
Và giám mục nói thêm:
- Cũng thế thôi. Đây là một chuyện lạ kỳ chưa từng thấy từ bá tước Giexbôdux.
Guynplên, Thằng Cười, quán Tacaxtơ, Hộp Xanh.Hồng hoang chiến bại, Thuỵ Sĩ, Sidông, bọn compra- sicôx, cuộc lưu đày, việc cắt xẻo, nền cộng hoà, Jepfrê. Giắc đệ Nhị, chữ Jussu regis, cái chai được mở tại bộ Hải quân, ông bố, huân tước Linơx, đứa con hợp pháp, huân tước Fecmên, người con hoang, huân tước Đêvit, những xung đột có thể nổ ra, nữ công tước Glôzian, huân tước tể tướng, nữ hoàng, tất cả những chuyện ấy chạy hết ghế nọ sang ghế kia. Tiếng thì thầm như một vệt thuốc nổ. Người ta bàn qua tán lại các chi tiết. Tất cả câu chuyện này tạo thành tiếng thì thào râm ran của nghị viện. Guynplên, đang ở dưới cái đáy giếng mơ màng, cũng mang máng nghe thấy tiếng vo ve đó mà không biết rằng nó liên quan đến mình.
Tuy nhiên nó cũng chăm chú một cách khác thường, nhưng chăm chú vào chiều sâu chứ không chăm chú vào bề mặt. Chú ý quá lại hóa ra tự cô lập.
Tiếng rì rầm trong nghị viện vẫn không làm cho cuộc họp bị đình trệ. Cũng như lớp bụi sau lưng đoàn quân không thể ngăn cản bước đi của nó. Các quan toà, trong thượng nghị viện, họ là những người tham dự chỉ nói khi nào được hỏi đến, đã yên vị trên bao len thứ nhì và ba vị quốc vụ khanh đã ngồi trên bao len thứ ba. Các vị nguyên lão thế tập kéo vào ô của mình. Cả ở ngoài và ở trong, phía sau ngai vua, Các nguyên lão vị thành niên đều ngồi trên bục dành riêng cho họ. Năm 1705, số huân tước trẻ tuổi này không kém mười hai người: Huntinđơn, Lincôn, Đorxet, Vacvic, Bat, Bơlintơn, Đecvenoatơ, số kiếp phải gặp một cái chết bi đát, Lôngin, Lênxđên, Đulê, Va, và Cactorc, làm thành một đám lau nhau tám bá tước, hai tử tước và hai nam tước.
Trong phòng, trên ba tầng ghế dài, huân tước nào ngồi vào chỗ nấy. Hầu hết các giám mục đều có mặt. Số công tước rất đông, bắt đầu là Saclơx Xemua, công tước Đơ Xômơxét, và kết thúc là Glorghơ Ôgutuyt, hoàng thân cử tri Hanôvrơ, công tước Đơ Kembritgiơ, người cuối cùng theo niên đại, do đó là người cuối cùng theo hàng ngũ. Tất cả đều ngồi thứ tự, theo ngôi thứ; Cavenđis, công tước Divonsai, có người ông ở Hacđuych đã che chở cho tám mươi hai tuổi già của Hôpbơ: Lenôx, công tước Đơ Rismông; ba anh em Fit Roa: công tước Saohamtơn, công tước Grapton, và công tước Northơmhoclan, Bơtlơ, công tước Ormông; Xômoxet, công tước Bôfo, Bôclec, công tước Xên Anbãng; Paolet, công tước Bentơn; Ôxbơrn, công tước Litz; Vriôtêxlê Rơtxen, công tước Betfo, lấy khẩu hiệu và châm ngôn là Che sara sara, nghĩa là Chấp nhận sự kiện: Sepfin, công tước Bockingam; Manơ,,công tước Rutlan và các người khác. Cả Haova, công tước Norfôn, cả Tanbô, công tước Sribiury, đều không tham dự vì theo đạo Thiên Chúa; cả Socsin, công tước Macbôrô - ông Manbruc của chúng ta - đang chiến đấu và lúc ấy đang đánh nhau với nước Pháp. Như vậy là không có các công tước xứ Êcôx.
Quinxbơry, Môngrô và Rôxbuôc mãi năm 1707 mới dược gia nhập.
Thình lình phòng họp sáng rực. Bốn tên canh cửa đưa vào và đặt hai bên ngai vua bốn chân đèn cao đầy nến. Ngai vua được chiếu sáng như thế hiện ra trong một màu đỏ chói rực. Bỏ trống, nhưng uy nghiêm. Giá có thêm nữ hoàng ngồi vào cũng chẳng tôn thêm mấy tí.
Viên hoàng môn quan đũa đen bước vào, giơ cao chiếc đũa và nói:
- Các ngài khâm sai của nữ hoàng.
Tất cả mọi tiếng ồn ào bỗng lặng hẳn.
Một viên thư ký đội tóc giả và mặc áo thụng quét đất xuất hiện ở cửa lớn, tay bưng một chiếc gối thêu hoa huệ, trên đặt một số giấy tờ. Đấy là các bản dự án, ở mỗi bản dự án lại có một con tơ tết treo lủng lẳng một hòn bi hay một quả bóng con[160] đôi khi bằng vàng, vì vậy ở Anh người ra gọi luật pháp là bill, và ở La Mã là bulle.
Ba người mặc áo nguyên lão, đầu đội mũ lông chim bước theo sau viên thư ký.
Những người này là khâm sai của nữ hoàng, vị thứ nhất, huân tước quốc khố đại thần nước Anh, Gôđêphin; vị thứ hai, huân tước chủ tịch hội đồng, Pembrôc; vị thứ ba, huân tước chưởng ấn, Niucatxon.
Các ngài đi, người trước người sau, theo ngôi thứ, không phải của tước vị mà của chức trách, Gôđêphin đi đầu, Niucatxon cuối cùng mặc dầu là công tước.
Họ đến bên chiếc ghế dài đặt trước ngai, cung kính cúi chào vương kỷ, bỏ mũ ra rồi lại đội vào, đoạn ngồi lên ghế.
Huân tước tể tướng nhìn hoàng môn quan đũa đen và nói:
- Truyền các công xã ra trước pháp đình.
Hoàng môn quan đũa đen bước ra.
Viên thư ký, vốn là một thư ký của nghị viện nguyên lão, đặt lên bàn, trong ô vuông các bao len, chiếc gối trên có các bản dự án.
Gián đoạn kéo dài mấy phút. Hai tên canh cửa đặt trước cửa rào chắn một cái ghế đẩu ba bực. Chiếc ghế đẩu này bọc nhung mầu hồng nhạt trên đóng đinh mạ vàng theo hình hoa huệ.
Cái cửa lớn, đã đóng, lại mở ra, và có tiếng rao to:
- Các công xã trung thành của Anh quốc.
Đấy là tiếng hoàng môn quan đũa đen giới thiệu nửa kia của nghị viện.
Các huân tước liền đội mũ lên.
Các thành viên công xã bước vào, dẫn đầu là vị chủ tịch hạ viện, tất cả đều để đầu trần.
Họ dừng lại trước rào chắn. Họ mặc thường phục, phần đông áo đen, đeo kiếm.
Chủ tịch hạ viện, ngài Gion Xmit rất tôn kính, kỵ sĩ, ủy viên của thị trấn Ăngđôvơ, bước lên chiếc ghế đẩu để giữa rào chắn. Vị diễn giả của công xã mặc một chiếc áo thụng quét đất bằng sa-tanh đen, ống tay rộng và xẻ, thêm vạch ngang kim tuyến ở trước ngực và sau lưng, nhưng kém huân tước tể tướng bộ tóc giả, ông ta cũng đường bệ, nhưng thấp kém hơn.
Tất cả các thành viên công xã, diễn giả và ủy viên, đều phải chờ, đứng thẳng, đầu trần, trước mặt các vị nguyên lão ngồi và dội mũ.
Người ta nhận thấy trong công xã có vị trưởng ban tư pháp của Sextơ là Giôdep Glêkin, thêm ba đình lại luật sư của nhà vua là Hupơ, Pôvix và Packe, và Giêm Môngtagu, chuyên trách về nguyện vọng và viên tổng chưởng lý Ximông Harcua. Ngoài mấy vị tòng nam tước và hiệp sĩ, chín huân tước lễ nghi là Hactlnhtơn, Uynxo, Vutxtôc, Morđôn, Grambai, Xcuđêmo Fit-hacđinh, Haiđơ và Bersơlây, toàn con các nguyên lão và thừa kế nguyên lão, tất cả số còn lại đều thuộc các tầng lớp nhân dân. Một thứ quần chúng tối tăm im lặng.
Khi tiếng chân của cả đoàn người mới vào này vừa dứt, vị mõ toà đũa đen, đứng ở cửa nói:
- Xin lắng nghe!
Viên thư ký triều đình đứng dậy, Hắn cầm lên, mở ra và đọc tờ giấy da thứ nhất đặt trên chiếc gối. Đây là một đạo dụ của nữ hoàng cử ba uỷ viên thay mặt cho nữ hoàng tại nghị viện, với quyền hạn phê chuẩn các dự án.
- Đó là, - Đến đây viên thư ký cao giọng- Xitnê, bá tước Đơ Gôđônphin.
Viên thư ký cúi chào Gôđônphin. Huân tước Gôđônphin khẽ nâng mũ. Viên thư ký tiếp:
- …Tômax Ecbe, bá tước Đơ Pemhrôe và Đơ Môngômery.
Viên thư ký cúi chào huân tước Pembrôc. Huân tước Pembrôc khẽ chạm mũ. Viên thư ký lại đọc:
- … Gion Holix, công tước Đơ Niucatxơn.
Viên thư ký cúi chào huân tước Niucatxơn. Huân tước Niucatxơn khẽ gật đầu.
Viên thư ký triều đình lại ngồi xuống. Viên thư ký nghị viện liền đứng lên. Viên phó thư ký, từ nãy giờ vẫn quì, đứng lên phía sau. Cả hai nhìn thẳng vào ngai vua và ngoảnh lưng lại các công xã.
Trên gối có năm bản dự án. Năm bản dự án này đã được các công xã bỏ phiếu và các huân tước tán thành, đang chờ sự phê chuẩn của nhà nước.
Viên thư ký nghị viện đọc dự án thứ nhất.
Đây là một văn kiện của công xã, đưa vào ngân sách nhà nước những khoản trang trí biệt cung Hamtơn Cort của nữ hoàng lên đến một triệu xteclinh.
Đọc xong, viên thư ký kính cẩn chào ngai vua. Viên phó thư ký cũng cúi chào theo, kính cẩn hơn nữa, đoạn hơi ngoảnh đầu lại các công xã, nói:
- Nữ hoàng chấp nhận hảo ý của quí vị và muốn như vậy.
Viên thư ký đọc sang dự án thứ nhì.
Đây là một đạo luật phạt tù và phạt vạ kẻ nào trốn tránh binh dịch. Binh dịch (đoàn quân muốn điều đi đâu tuỳ ý) là đoàn binh thành thị phục vụ không lương và dưới triều Êlizabet, lúc sắp có vụ hạm đội Tây Ban Nha, đã cung cấp một trăm tám mươi lăm nghìn tay súng và bốn vạn kỵ binh.
Hai viên thư ký lại cúi chào chiếc vương kỷ một lần nữa; sau đó viên phó thư ký, nghiêng mình, nói với hạ nghị viện:
- Nữ hoàng muốn như vậy.
Dự án thứ ba tăng thuế thập phân và thánh lộc của toà giám mục Lisfin và Côventơry, một trong những giáo phận giàu nhất của nước Anh, cấp một niên-kim cho nhà thờ lớn, thêm số tu sĩ, mở rộng nhà ở của tu viện trưởng và các khoản lợi tức "để bổ sung, như đoạn mở đầu nói, cho các khoản cần thiết của tôn giáo chúng ta".
Dự án thứ tư thêm vào ngân sách các thứ thuế mới, một vào giấy vân, một vào xe tứ mã cho thuê qui định có tám trăm chiếc ở Luân-đôn và đánh thuế mỗi chiếc năm mươi hai livrơ một năm, một vào các trạng sư, biện lý và khẩn nguyện, mỗi người bốn mươi tám livrơ một năm, một vào da thuộc "mặc dầu, như đoạn mở đầu nói, có đơn kêu của các thợ da", một vào xà phòng, "mặc dầu có yêu cầu của thành phố Exote và Đivonsai là nơi sản xuất nhiều vải chéo và dạ", một vào rượu mỗi thùng bốn senlinh, một vào bột, một vào đại mạch và hốt bố, và tái lập trong bốn năm, các nhu cầu nhà nước, như đoạn mở đầu nói, "phải được đặt trên các gián nghị của thương mại", thuế trọng tải từ sáu livrơ mỗi tấn đối với các tàu thuyền từ phương Tây tới, đến mười tám livrơ đối với các tàu thuyền từ phương Đông tới. Cuối cùng ban dự án, tuyên bố khoản thuế thân thông thường năm nay đã thu xong vẫn không đủ, kết thúc bằng một phụ thu chung trên toàn vương quốc, cứ mỗi đầu người vốn senlinh hoặc bốn mươi tám xu, với ghi chú kẻ nào từ chối những tuyên thệ mới đối với chính quyền sẽ phải trả phạt gấp đôi. Dự án thứ năm cấm nhận vào nhà thương bệnh nhân nào lúc vào không đóng một xteclinh để trường hợp chết, trả tiền chôn cất. Ba dự án cuối cùng, cũng như hai dự án đầu tiên, đều lần lượt được phê chuẩn thành những điều luật, bằng một cái chào ngai vua và bằng mấy tiếng "Nữ hoàng muốn như vậy", nói qua vai với các công xã.
Đoạn viên phó thư ký lại quì gối trước bao len thứ tư và vị huân tước tể tướng nói:
- Xin tuân hành như vương ý.
Câu này kết thúc phiên họp triều đình.
Chủ tịch hạ viện, gập đôi người trước tể tướng, vừa bước giật lùi xuống khỏi ghế đẩu vừa sửa lại vạt áo sau; các đại biểu công xã cúi chào sát đất và, trong lúc thượng nghị viện không chú ý đến tất cả những bái chào đó, vẫn tiếp tục chương trình nghị sự bị gián đoạn, hạ nghị viện đi ra
Các cửa lại đóng vào, hoàng môn quan đũa đen lại trở vào; các huân tước khâm sai rời chiếc ghế danh dự đến ngồi ở đầu chiếc ghế công tước, vào chỗ dành cho chức vị của họ, và huân tước tể tướng lên tiếng.
- Thưa quí vị huân tước, tử nhiều ngày nay nghị viện thảo luận về dự án tăng thêm mười vạn livrơ xteclinh khoản dự trữ hàng năm của đức điện hạ nữ hoàng phu quân, việc tranh luận đã xong và đã bế mạc, chúng ta sẽ đi vào biểu quyết. Việc biểu quyết theo tục lệ sẽ bắt đầu từ vị em út trên ghế nam tước. Mỗi vị huân tước khi nghe gọi đến tên, sẽ đứng dậy và trả lời đồng ý hay không đồng ý, và sẽ được tự do trình bày lý do biểu quyết của mình nếu thấy cần thiết. Thư ký, xướng danh biểu quyết.
Viên thư ký nghị viện đứng lên, mở một quyển sổ khổ đôi rộng, để cao trên cái yên sách thếp vàng đấy là quyển sổ Nguyên lão.
Vị em út nghị viện thời kỳ ấy là huân tước Gion Hecvê, được phong nam tước và nguyên lão năm 1703, do đó sinh ra các hầu tước Brixton.
Viên thư ký gọi :
- Huân tước Gion, nam tước Hecvê.
Một ông già đội tóc giả màu vàng hoe đứng lên và nói:
- Đồng ý.
Đoạn ngồi xuống.
Viên phó thư ký ghi vào sổ ý kiến biểu quyết.
Viên thư ký tiếp tục :
- Huân tước Franxix Xêmua, nam tước Conuê Kilutac.
- Đồng ý.
Một người trai trẻ lịch sự có bộ mặt kiềm đồng vừa nói lí nhí vừa hơi nhổm dậy, y không ngờ rằng mình là ông của các hầu tước Ecfor.
- Huân tước Gion Livixon, nam tước Gôvơ. - Viên thư ký lại xướng.
Vị nam tước này, sẽ là tiên tổ các công tước Xinthơlan đứng dậy và vừa nói vừa ngồi xuống lại:
- Đồng ý.
Viên thư ký tiếp tục:
- Huân tước Hinigiơ Fina, nam tước Ghecnơxê.
Ông tổ các bá tước Êlơfo, không kém phần trẻ trung và lịch sự hơn ông tổ các hầu tước Ecfor, chứng minh câu châm ngôn Aperto vivere voto[161] của mình bằng lời tán thành thật to:
- Đồng ý. - Ông hét lên.
Trong lúc ông ta ngồi xuống, viên thư ký gọi vị nam tước thứ năm:
- Huân tước Gion, nam tước Granvm.
- Đồng ý.
Huân tước Cranvin Pothơrit đáp, chưa đứng hẳn lên đã lại ngồi thụp ngay xuống. Tước thế khanh không tương lai của ông này sẽ tắt vào năm 1709.
Viên thư ký chuyển sang vị thứ sáu.
- Huân tước Saclơx Maotêghiu, bá tước Halifăc.
- Đồng ý.huân tước Halifăc nói, ông này mang tước hiệu của cái tên Xavin đã tắt, và sau này cái tên Maotêghiu sẽ phải tắt, Maotêghiu khác hẳn Mongtagu và Maotêcut.
Huân tước Halifăe còn nói thêm:
- Hoàng thân Giorgiơ được hưởng một niên bổng với tư cách là nữ hoàng phu quân; ngài còn một niên bổng khác với tư cách hoàng thân xứ Đan Mạch, một niên bổng khác với tư cách công tước Cơmbơclan, và một niên bổng khác với tư cách huân tước thượng tướng hải quân Anh quốc và xứ Iếclăng, nhưng với tư cách đại nguyên soái ngài lại không có. Đấy là một điều bất công. Vì lợi ích nhân dân Anh, cần phải chấm dứt tình trạng bất hợp lý đó.
Đoạn, huân tước Halifăc ca ngợi đạo Thiên Chúa, chê bài giáo hội La Mã, và biểu quyết về khoản tiền ngự dụng.
Sau khi huân tước Halifăc ngồi xuống, viên thư ký tiếp tục:
- Huân tước Crixtôp, nam tước Bacna.
Huân tước Bacna, thuỷ tổ của công tước Clevơlan, đứng lên khi nghe gọi tên mình.
- Đồng ý.
Và ông ta thong thả ngồi xuống, vì chiếc lá sen đăng ten trước ngực của ông ta đáng được chú ý. Vả lại huân tước Bacna là một vị quý tộc chững chạc, một võ quan dũng cảm.
Trong khi huân tước Bacna ngồi xuống, viên thư ký thường chỉ đọc theo thói quen, bỗng hơi ngập ngừng. Y sửa lại mục kỉnh và cúi xuống quyển sổ, chăm chú hơn, rồi ngẩng đầu lên, y nói.
- Huân tước Fecmên Clăngsacli, nam tước Clăngsacli và Hâncơvm.
Guynplên đứng lên.nói:
- Không đồng ý.
Tất cả bao nhiều cái đầu đều quay phắt lại.
Guynplên đang đứng. Những cây nến đặt hai bên ngai vua chiếu sáng rực bộ mặt Guynplên, làm nó nổi bật lên giữa gian phòng tối, như một cái mặt nạ trên nền khói.
Guynplên đã cố gắng, ta còn nhớ là quá lắm nó vẫn cố gắng được, tập trung ý chí như khi cần để dạy hổ. Trong giây lát nó đã lấy được vẻ nghiêm trang cho cái mồm tai hại trên mặt nó. Lúc này, nó không cười.
Nhưng không thể kéo dài mãi. Những việc làm trái ngược với cái gì đã thành quy tắc, hay định mệnh của ta, đều ngắn ngủi. Đôi khi nước biển chống lại quy luật dẫn lực, phồng lên thành cây nước và tạo nên một ngọn núi, nhưng với điều kiện phải đổ xuống lại. Cuộc phấn đấu ấy là cuộc phấn đấu của Guynplên. Trong giây phút mà nó cảm thấy là trang nghiêm, với một nỗ lực phi thường của ý chí, nhưng không lâu hơn thời gian một tia chớp, nó đã tự phủ lên trán tấm mạng đen tối của tâm hồn nó; nó đã chặn đứng nụ cười nan y của nó; nó đã rút mất nét vui khỏi bộ mặt mà người ta đã khắc tạo cho nó, lúc này chỉ thấy là nó khủng khiếp.
- Anh chàng kia là ai? - Mọi người đều thốt lên.
Một rung động không tả chạy qua tất cả các ghế. Mớ tóc rậm rì kia, những cái hốc đen ngòm dưới cặp lông mày kia, vẻ nhìn sâu sắc của đôi mắt không ai thấy kia, cái đầu dữ tợn pha trộn một cách gớm guốc cả bóng tối và ánh sáng kia, thật là kinh dị. Thật vượt quá mọi điều tưởng tượng. Nói đến Guynplên bao nhiêu cũng không đủ, phải nhìn nó mới thấy phi thường. Những ai dè trước cũng không thể ngờ đến. Ta thử tưởng tượng, trên ngọn núi dành riêng cho thần linh, giữa hội hoa đăng của một đêm trăng thanh gió mát, tất cả các đấng quyền uy đang quy tụ, thình lình bộ mặt của Prômêtê, bị diều hâu mổ nát, xuất hiện ở chân trời như một vầng trăng đẫm máu, Ôlempơ[162], còn hình ảnh nào hơn! Già trẻ, đều há hốc nhìn Guynplên.
Một ông già, được toàn thể nghị viện kính nể, đã từng trông thấy nhiều người, nhiều thứ, và được chỉ định làm công tước Tômax, bá tước Uacton, hoảng hốt đứng dậy.
- Thế là nghĩa thế nào? - Ông ta hét lên - Ai đã đưa anh chàng kia vào nghị viện? Tống cổ nó ra ngoài.
Và ngạo mạn nói thẳng vào mặt Guynplên:
- Anh là ai? Anh từ đâu ra?
Guynplên đáp luôn:
- Từ vực thẳm.
Và khoanh hai tay lại, nó nhìn các vị huân tước.
- Tôi là ai à? Tôi là khốn cùng. Thưa quí vị huân tước, tôi đang có điều muốn nói với các ngài.
Một cơn rùng rợn và một phút im lặng, Guynplên lên tiếp tục.
- Thưa quí vị huân tước, quí vị ở trên cao. Tốt lắm! Phải tin tưởng rằng Chúa có lý của Chúa khi an bài như vậy. Các ngài sống trong quyền thế, giàu sang, vui sướng, các ngài có mặt trời bất di bất dịch trên thiên định của mình, các ngài có quyền hành vô tận, các ngài hưởng lạc không cần chia sẻ, các ngài mặc sức quên hết người khác. Được. Nhưng vẫn có một cái gì đó bên dưới các ngài. Có lẽ bên trên cũng nên. Thưa quí vị huân tước, tôi đến đây để báo cho quí vị một điều: còn có loài người nữa đấy.
Các nghị viện cũng giống như trẻ con; đối với họ các sự việc xảy ra là những hộp đồ chơi giật mình mà họ vừa sợ lại vừa thích. Hình như đôi khi có một chiếc lò xo bật, và một con quỉ bỗng bắn ra khỏi lỗ, ở nước Pháp Miraboo[163] là như thế, bản thân ông cũng dị dạng. Lúc này Guynplên cảm thấy trong mình có một sự lớn mạnh lạ thường. Một nhóm người ngồi nghe ta nói là một thứ đế ba chân. Có thể nói ta đang đứng trên đỉnh các tâm hồn. Dưới gót là cảnh rung động của tâm can con người. Guynplên không còn là con người tối hôm trước, trong một giây lát đã hầu như nhỏ mọn. Nhưng lớp khói trong cuộc đi lên đột ngột ấy đã làm cho nó hoang mang, nay đã loãng nhẹ và trở thành trong suốt; và nơi mà Guynplên đã say sưa vì kiêu hãnh thì giờ đây nó thấy có một trọng trách. Cái thoạt đầu đã làm nó thấp kém, lúc này đang nâng cao nó lên. Nó đang được một trong những tia chớp lớn phát ra từ nghĩa vụ chiếu sáng. Từ bốn phía xung quanh Guynplên, người ta la hét:
- Lắng tai mà nghe! Lắng tai mà nghe!
Trong khi ấy, nhăn nhó, siêu phàm, nó vẫn giữ được trên bộ mặt nét co giật nghiêm nghị và bi đát mà dưới đó cái cười cứ lồng lộn như một con ngựa rừng sắp xổng. Nó nói tiếp:
- Tôi là kẻ từ vực sâu đến. Thưa quí vị huân tước, các ngài là những bậc quyền quý, những kẻ giàu sang. Nguy hiểm đấy. Các ngài lợi dụng đêm tối. Nhưng hãy coi chừng, có một sức mạnh lớn là bình minh. Là bình minh không thể nào bị đánh bại. Nó sẽ đến. Nó đang đến. Trong nó có cái tia sáng không thể nào ngăn chặn nổi. Và ai sẽ ngăn chặn không cho cái súng ấy hất tung vầng dương lên giữa bầu trời? Mặt trời là luật pháp. Còn các ngài, các ngài là đặc quyền. Các ngài hãy run sợ. Người chủ nhà chính thức sẽ gõ cửa. Ai đẻ ra đặc quyền? Tình cờ. Và con nó là ai? Lộng hành. Tình cờ cũng như lộng hành đều không vững chắc đâu. Cả hai đều có một ngày mai chẳng ra gì. Tôi đến đây để báo trước cho quí vị. Tôi đến để tố giác hạnh phúc của các ngài. Nó dựa trên tai hoạ của người khác. Các ngài có tất cả, mà cái tất cả đó lại do cái chẳng-có-gì của những người khác hợp thành.
Thưa quí vị huân tước, tôi là người trạng sư thất vọng, tôi đang biện hộ cho vụ kiện đã thua. Nhưng vụ kiện ấy, rồi Chúa sẽ thắng.
Tôi chẳng là gì cả, tôi chỉ là một tiếng nói. Loài người là một cái miệng, mà tôi là tiếng kêu. Các ngài sẽ nghe tôi nói. Tôi đến mở ra trước mắt các ngài, những nguyên lão Anh quốc, những toà án lớn của nhân dân, vị chúa tể, mà lại là kẻ bị hành hình, người bị xử phạt, mà lại là vị quan toà. Những điều tôi phải nói đang đè nặng trên người tôi. Bắt đầu từ đâu đây? Tôi cũng không biết. Tôi đã thu lượm bài cãi lớn lao tản mạn của tôi trong cái đống đau thương khổng lồ phân tán. Làm gì với nó bây giờ? Nó đè nặng trên người tôi, và tôi cứ hất tung nó ra trước mặt. Điều này tôi có nhìn thấy trước không? Không. Các ngài ngạc nhiên ư?
Tôi cũng thế. Hôm qua tôi là một thằng múa rối, hôm nay tôi là một huân tước. Trò chơi thật sâu sắc. Của ai? Của vô định. Tất cả chúng ta hãy nên run sợ. Thưa quí vị huân tước, tất cả trời xanh đứng về phía các ngài. Từ vũ trụ bao la ấy, các ngài chỉ thấy toàn hội hè. Các ngài nên biết rằng còn có bóng tối. Đứng giữa các ngài, tôi tên là huân tước Fecmên Clăngsaeli, nhưng tên thật của tôi là Guynplên, một cái tên của kẻ nghèo. Tôi là một kẻ khốn cùng do một nhà vua cắt ra trên tấm vải của các bậc quyền quí, theo ý thích của nhà vua.
Đấy, câu chuyện của tôi là như thế. Nhiều người trong quí vị được biết bố tôi, vậy mà tôi vẫn không biết. Bố tôi gần gũi với các ngài về mặt giai cấp phong kiến, còn tôi lại dính líu với bố tôi về mặt bị ngược đãi. Việc Chúa đã làm rất tốt. Tôi đã bị quẳng xuống vực thẳm. Nhằm mục đích gì? Để tôi được nhìn thấy đáy vực. Tôi là một tên thợ lặn, và tôi mò lên được ngọc trai chân lý. Tôi nói, vì tôi biết. Thưa quí vị huân tước các ngài sẽ nghe tôi nói.
Tôi đã được trải qua. Tôi đã từng nhìn thấy. Không, thưa các ngài sung sướng, đau khổ không phải là một danh từ suông đâu. Tôi đã lớn lên trong nghèo nàn; tôi đã run rẩy với mùa đông; đói khát, tôi đã nếm mùi; khinh miệt, tôi đã chịu đựng; dịch hạch, tôi đã từng mắc phải; tủi nhục, tôi đã từng uống cạn. Tôi sẽ mửa nó ra trước mặt các ngài, cái bãi nôn gồm mọi thứ cùng khổ ấy sẽ bắn vào chân các ngài và sẽ bốc cháy. Tôi đã do dự trước khi để người ta lôi kéo đến cái chỗ tôi đang đứng đây vì tôi còn nhiều nhiệm vụ ở nơi khác. Và trái tim của tôi không phải ở chốn này. Những gì diễn biến trong lòng tôi không liên quan đến các ngài; khi con người mà các ngài gọi là hoàng môn quan đũa đen đến tìm tôi theo lệnh người đàn bà mà các ngài gọi là nữ hoàng, có lúc tôi đã định từ chối. Nhưng hình như bàn tay tối tăm của Chúa cứ đẩy tôi đến đây và tôi đã nghe theo. Tôi cảm thấy phải đến với các ngài. Vì đâu? Vì những quần manh áo rách của tôi hôm qua. Chính để cất tiếng nói giữa những kẻ no nê phè phỡn mà Chúa đã đặt tôi lẫn với những người đói khát. Ôi! Các ngài hãy biết xót thương?
Ôi! Cái thế giới bất hạnh này mà các ngài vẫn tưởng là chính mình, các ngài không biết nó đâu; vì quá cao nên các ngài chỉ đứng ở ngoài; tôi, tôi sẽ nói để các ngài rõ nó thế nào, kinh nghiệm tôi có đủ. Tôi từ dưới sức ép đến đây. Tôi có thể nói là các ngài nặng như thế nào.
Hỡi các vị chủ nhân, các ngài là gì, các ngài có biết không? Các ngài làm gì, các ngài có thấy không? Không.
Ôi! Tất cả đều hãi hùng. Một đêm, một đêm bão táp phong ba, còn bé tí, bị bỏ rơi, côi cút, một mình giữa trời đất bao la, tôi đã bước chân vào cái chốn tối tăm mà các ngài gọi là xã hội. Điều thứ nhất tôi thấy là luật pháp, dưới hình thức một cái giá treo cổ, điều thứ nhì là cảnh giàu sang, cảnh giàu sang của các ngài, dưới hình dạng một người đàn bà chết rét và chết đói; điều thứ ba là tương lai, dưới hình dạng một em bé hấp hối; điều thứ tư là cái thiện, cái chân, và cái công bằng, dưới bộ mặt một người lang thang chỉ có mỗi một con sói làm bạn đường và tri kỷ.
Đến đây Guynplên, đau đớn xúc động, cảm thấy thổn thức trào lên cuống họng, nên bỗng dưng, ôi khủng khiếp, nó bật ra tiếng cười. Tức thì tiếng cười lan đi. Một đám mây lướt qua toàn thể hội nghị; nó có thể nổ tung thành hãi hùng, nhưng nó lại nổ ra thành vui nhộn. Tiếng cười, thác loạn bùng nổ đó, chiếm hết cả phòng. Cảnh đế vương không đòi hỏi gì hơn là được pha trò. Đấy là cách họ trả thù cái trang nghiêm của họ.
Tiếng cười của vua chúa cũng giống tiếng cười của thần linh; nó luôn luôn mang chút ít tàn bạo. Các huân tước bắt đầu vui nhộn. Nhạo báng càng mài sắc thêm tiếng cười. Họ vỗ tay xung quanh người nói, họ nhục mạ nó. Một loạt thán từ khoái trá tới tấp tấn công nó, một trận mưa đá vui cười mà làm thương tổn.
- Hoan hô, Guynplên!
- Hoan hô Thằng Cười!
- Hoan hô cái mõm thú của Hộp Xanh!
- Hoan hô cái thủ lợn rừng của cánh đồng Tarinhxô!
- Mày đến làm trò cho chúng tao xem. Hay lắm! Cứ ba hoa liến thoắng nữa đi!
- Đúng là tên pha trò cự phách!
- Nhưng cái tên súc sinh kia, nó có cười không thế!
- Chào anh múa rối!
- Chào huân tước Hề! Cứ hô hào khoẻ vào!
- Một nguyên lão Anh quốc đấy!
- Tiếp tục nữa đi!
- Không, không!
- Cứ! Cứ!
Huân tước tể tướng cảm thấy khá khó chịu.
Một vị huân tước điếc đặc, Giêm Bơtlơ, công tước Ormoong, đưa bàn tay lên tai làm ống nghe, hỏi Saclox Bôcle, công tước Xanh Anbăng:
- Nó biểu quyết thế nào?
Xanh Anbăng đáp :
- Không đồng ý.
- Trời ơi. - Ormông nói - Tôi biết mà. Với cái mặt ấy!
Quần chúng mà sổ lồng, hội nghị là quần chúng - thì phải bắt giữ ngay nó lại. Hùng biện là một cái hàm thiếc! Hàm thiếc mà gãy thì thính giả nổi xung và đá hậu cho đến khi quật ngã được diễn giả. Thính giả vốn ghét diễn giả. Điều ấy ít khi người ta biết rõ. Dường như bám chặt vào dây cương vừa là một phương sách, vừa không phải. Bất cứ diễn giả nào cũng thử nó. Đấy là bản năng, Guynplên cũng thử.
Nó quan sát hồi lâu những người đang cười kia, và hét to:
- Như vậy là các ngài lăng mạ cùng khổ đấy. Quí vị nguyên lão Anh quốc, xin im lặng cho, các ngài thẩm phán, xin hãy nghe lời tôi biện hộ. Ôi! tôi van xin các ngài, các ngài hãy biết xót thương? Thương ai? Thương bản thân các ngài. Ai đang lâm nguy? Chính các ngài.
Các ngài không thấy mình đang ở trên một cái cân, bên này là quyền uy, bên kia là trách nhiệm của các ngài sao? Chúa đang cân các ngài đấy. Ôi! các ngài chớ cười.
Hãy ngẫm nghĩ cho kỹ. Chiếc cân đang dập dình, đấy là sự run sợ của lương tâm. Các ngài không phải độc ác. Các ngài là những con người như mọi người khác, không tốt lành hơn, cũng không xấu xa hơn. Các ngài tưởng mình là thần thánh, các ngài cứ thử ốm xem, rồi hãy nhìn cái tính thần linh của các ngài run rẩy trong cơn sốt. Chúng ta đều như nhau cả thôi. Tôi đang nói với những đầu óc lương thiện, ở đây có những đầu óc như thế, tôi đang nói với những trí tuệ cao cả, có những trí tuệ như thế đấy; tôi đang nói với những tâm hồn cao thượng, có những tâm hồn như thế đấy. Các ngài là bố, là con và là anh em, vậy thì các ngài đã từng cảm động. Trong các ngài, ai sáng nay đã đứng nhìn cháu mình tỉnh dậy, đó là người tốt. Trái tim con người đều giống nhau. Nhân loại chỉ là một trái tim chứ chẳng phải gì khác. Giữa kẻ đè nén và người bị đè nén, chỉ có sự khác biệt về chỗ đứng. Chân các ngài dẫm lên đầu người khác, đấy không phải lỗi của các ngài. Đấy là lỗi ở cái tháp Baben của xã hội. Một công trình xây dựng hỏng, hoàn toàn xiêu vẹo. Tầng nọ chồng chéo tầng kia.
Hãy lắng tai mà nghe, tôi sẽ nói các ngài rõ. Ôi! Các ngài có thế lực thì các ngài nên bác ái; các ngài quyền cao chức trọng thì các ngài nên hiền lành. Giá các ngài biết tôi đã thấy những gì! Than ôi ! Ở dưới, đau khổ biết chừng nào! Loài người đang sống trong ngục tối. Biết bao kiếp doạ đầy, biết bao người vô tội! Ánh sáng thiếu, không khí thiếu, đạo đức thiếu, người ta không hy vọng; và, điều khủng khiếp, người ta vẫn chờ đợi. Các ngài hãy tìm hiểu những nỗi thống khổ đó. Có những người sống trong cái chết. Có những cháu gái bắt đầu bán mình lúc lên tám và kết thúc ở tuổi hai mươi bằng cảnh già. Còn những cảnh khắc nghiệt của tra tấn thì thật khủng khiếp. Tôi nói hơi hỗn độn một tí, và không lựa chọn. Tôi cứ nói những gì chợt đến trong đầu óc tôi. Mới hôm qua thôi, tôi, kẻ hiện đứng đây, tôi được thấy một người bị trói trần truồng, với những tảng đá nặng đè trên bụng, đang thở hắt ra, giữa lúc tra tấn.
Điều ấy các ngài có biết không? Không. Nếu các ngài biết những gì đang xảy ra, không một ai trong các ngài dám sung sướng cả. Ai đã từng đến Niucatxơnon Tainơ? Trong các hầm mỏ có những người nhá than để cho đầy dạ dày và để đánh lừa cái đói. Đây này, trong lãnh địa Lancaxtrơ, vì đói nghèo mà Ripbonsextơ từ một thành phố đã trở thành làng quê. Tôi không thấy hoàng thân Ginrgiơ nước Đan Mạch cần phải có thêm mười vạn ghinê. Tôi thấy tốt hơn nên nhập vào bệnh viện người ốm bần cùng, mà không bắt anh ta phải trả trước tiền mai táng. Ở Cacnavơn, tại Tơretmo cũng như tại Torethisan, cảnh dân nghèo kiệt quệ thật khủng khiếp.
Ở Xtratro vì thiếu tiền người ta không thể làm cạn các đầm lầy. Toàn vùng Lancasai, các xí nghiệp dạ đều đóng cửa. Khắp nơi thất nghiệp. Các ngài có biết rằng dân đánh cá mòi ở Haclêc phải ăn cỏ những khi không đánh được cá không? Các ngài có biết ở Bocton Lêzơ còn có những người hủi bị săn lùng không? Và nếu họ ra khỏi chòi là bị chết không? Ở Emhiury, thành phố mà một trong các ngài làm huân tước, thường xuyên có nạn đói. Tại Penkritglơ ở Côventơry, nơi các ngài vừa cấp cho nhà thờ lớn và làm giàu cho ngài giám mục, trong các lều lán người ta không có giường nằm, phải đào lỗ trong đất để đặt trẻ con, thành thử lẽ ra bắt đầu nằm trong nôi, thì chúng lại bắt đầu nằm trong mộ. Những chuyện ấy tôi đã trông thấy cả. Thưa quí vị huân tước, những khoản thuế các ngài đang biểu quyết, các ngài có biết ai trả không? Những người đang thở hắt ra. Than ôi! các ngài lầm đấy. Các ngài đi sai đường. Các ngài tăng cảnh nghèo đói của người đói nghèo để thêm cảnh sang giàu cho kẻ giầu sang. Lẽ ra phải làm ngược lại.
Sao, lẽ nào lại lấy của người lao động để cho kẻ ăn không ngồi rồi, lấy của người rách rưới để cho kẻ no say thừa mứa, lấy của người bần cùng để cho vua chúa!
Phải, trong huyết quản tôi có dòng máu cộng hoà cũ. Tôi ghê tởm cái đó. Những ông vua ấy, tôi ghét cay ghét đắng họ! Còn đàn bà thì trơ tráo! Người ta có kể cho tôi nghe một câu chuyện thật buồn thảm. Ôi! Tôi căm thù tên Saclơ đệ Nhị! Một người đàn bà từng được bố tôi yêu dấu đã hiến thân cho tên vua ấy, trong khi bố tôi bỏ xác tại chốn lưu đày, ôi con đĩ rạc! Saclơ đệ Nhị, Giắc đệ Nhị; sau một tên vô dụng, lại một thằng gian ác! Có gì trong kẻ làm vua một con người, một kẻ ốm yếu, gầy còm chỉ biết đại tiện, tiểu tiện, và tàn tật. Vua thì làm được trò gì? Cái vương quyền ăn hại đấy, các ngài cứ lo tọng vỗ cho nó béo. Con giun đất ấy, các ngài nuôi dưỡng nó thành trăn to. Con sán ấy, các ngài biến nó thành con rồng. Hãy tha thứ cho người nghèo! Các ngài bày ra sưu cao thuế nặng để lợi cho nhà vua, Hãy để ý đến những luật pháp mà các ngài ban bố. Hãy chú ý đến bầy kiến đau khổ mà các ngài đang giày xéo. Hãy trông xuống. Hãy nhìn xuống chân các ngài. Hỡi các ngài quyền cao chức cả, còn có những người nhỏ bé đấy! Các ngài hãy biết xót thương! Đúng! Thương lấy các ngài vì quần chúng đang hấp hối, và khi chết thì lớp dưới làm chết lớp trên. Chết là một chuyện ngừng tắt không trừ một ai hết. Khi đêm tối ập xuống thì chẳng ai giữ được góc sáng của mình. Các ngài có ích kỷ không? Các ngài hãy cứu vớt người khác. Chiếc tàu đắm không chừa một hành khách nào cả. Không làm gì có chuyện đắm tàu đối với người này mà lại không nhận chìm kẻ khác. Ôi các ngài phải biết rằng vực sâu dành cho tất cả.
Tiếng cười càng to, không sao giữ nổi. Vả lại để làm vui cho một cuộc hội nghị, chỉ cần những lời nói kia có đôi điểm cuồng ngông. Khôi hài trên mặt, bi đát trong tâm, còn đau khổ nào nhục nhã hơn, còn phẫn nộ nào sâu sắc bằng. Trong lòng Guynplên đang như vậy đấy. Lời nói của nó muốn tác động phía này, bộ mặt nó lại tác động phía khác; hoàn cảnh thật ghê rợn. Giọng nói của nó bỗng rít lên the thé:
- Những con người kia, họ vui cười thích thú! Tốt lắm. Châm biếm đối diện với lâm chung. Tiếng cười nhạo báng lăng mạ tiếng kêu rên. Họ quyền uy vô hạn mà! Rất có thể lắm. Được. Rồi xem. Ôi! Ta là một kẻ cùng hàng ngũ với họ. Hỡi những ai nghèo khổ ta cũng cùng tầng lớp với các người. Một tên vua đã bán ta, một dân nghèo đã đón nhận ta. Ai đã cắt xẻo ta. Một tên vua. Ai chữa chạy và nuôi nấng ta. Một người chết đói.
Ta là huân tước Clăngsacli nhưng ta vẫn là Guynplên.
Ta nguồn gốc quyền quý, nhưng ta thuộc tầng lớp hèn mọn. Ta sống giữa những kẻ hưởng thụ và cùng với những người đau khổ. Ôi! Xã hội này giả dối. Rồi một ngày kia xã hội thật sẽ đến. Lúc ấy sẽ không còn quí tộc, mà sẽ có những con người tự do. Sẽ không còn ai là chủ nữa, mà chỉ có những người cha. Đấy là tương lai.
Không còn quì lạy, không còn thấp hèn, không còn dốt nát, không còn người ngựa, không còn nịnh thần, không còn đầy tớ, không còn vua chúa, đấy là ánh sáng! Trong khi chờ đợi, có ta đây. Ta có một quyền hạn, ta phải sử dụng nó. Có phải là quyền hạn không. Không, nếu ta sử dụng nó cho riêng ta. Phải, nếu ta sử dụng nó vì tất cả mọi người. Ta sẽ nói với các huân tước, vì ta là một huân tước. Hỡi các người anh em ở tầng lớp dưới, ta sẽ nói với họ về cảnh trần trụi xơ xác của anh em. Ta sẽ đứng thẳng người với nắm áo quần rách mướp của nhân dân trong tay, ta sẽ vung cái cùng khổ của nô lệ vào mặt những ông chủ; là kẻ được ưu đãi và kiêu căng, họ sẽ không thể trút bỏ được hình ảnh những người bất hạnh, là những ông hoàng bà chúa, họ sẽ không thể thoát được cảnh đau xót nhức nhối của người nghèo và mặc xác nếu có chấy có rận, và càng hay nếu chấy rận rơi xuống đầu sư tử!
Nói đến đây, Guynplên ngoảnh lại phía các viên phó thư ký đang quì gối viết, trên bao len thứ tư.
- Những người đang quì kia là thế nào? Các người làm gì đấy? Đứng lên, các anh là những con người.
Tiếng gọi đột ngột ấy, đối với những kẻ dưới mà một huân tước không được cả phép nhìn, làm mọi người vui nhộn đến tột độ. Chỗ này hoan hô, chỗ kia reo hò! Từ vỗ tay chuyển sang dậm chân. Tưởng như đang ngồi trong nhà hát Hộp Xanh. Chỉ khác là ở Hộp Xanh tiếng cười hoan nghênh Guynplên, còn ở đây tiếng cười lại tiêu diệt nó. Giết chết, đó là cố gắng lố bịch. Tiếng cười của con người đôi khi làm hết sức mình để sát hại.
Tiếng cười đã trở thành một hành vi bạo ngược. Những lời nhạo báng trút xuống như mưa. Trong các cuộc hội nghị, ngu xuẩn thường làm ra vẻ tài trí. Tiếng cười nhạo báng khôn khéo và ngu si của họ gạt bỏ sự việc chứ không nghiên cứu, và đáng lý phải giải quyết thì lại bài xích các vấn đề. Một sự kiện xảy ra là một dấu hỏi. Cười nó là cười điều bí ẩn. Con nhân sư, không cười, đứng sau lưng.
Có nhiều tiếng gào thét mâu thuẫn nhau:
- Thôi! Thôi!
- Nữa đi! Nữa đi!
Uynliam Facmơ, nam tước Lemxte, hắt vào mặt Guynplên lời nhục mạ của Rix-Quinê đối với Sêcxpia:
- Histrio! Mama![164]
Huân tước Vôgan, con người ưa lên giọng kẻ cả, ngồi thứ hai mươi chín trên ghế nam tước, gào to:
- Thế là chúng ta lại trở về cái thời đại súc vật ba hoa lải nhải rồi, Một cái hàm thú cất tiếng giữa bao nhiêu miệng người.
- Chúng ta hãy lắng nghe con lừa Balaam nói - huân tước Yacmao thêm luôn.
Huân tước Yacmao có vẻ sắc sảo linh lợi với cái mũi tròn và cái mồm méo xệch.Tên phản loạn Linơx đã bị trừng trị trong mồ, thằng con là hình phạt của thằng bố. Gion Hóp, giám mục Lisfin và Côvơntơry, mà Guynplên đã đả động đến khoản thánh lộc, lên tiếng. Nó nói dối, huân tước Sonlây, luật gia lập pháp khẳng định. Cái mà nó gọi là tra tấn, chính là hình phạt mạnh và cứng, một hình phạt rất tốt, ở nước Anh không hề có tra tấn.
Tômax Venvor, nam tước Rêby, gọi ngài tể tướng:
- Huân tước tể tướng, bế mạc phiên họp đi thôi?
Lớp huân tước trẻ hét:
- Không ? Không ! Không ! Cứ để nó nói tiếp ! Nó làm vui cho chúng ta mà ? Hura ! ếp! ếp ! ếp '
Vui thích của họ trở thành điên cuồng. Đặc biệt có bốn người, vừa cười ngặt nghẽo vừa tức tối cực độ. Đấy là Lorenx Halđơ, bá tước Rôsextơ, Tômax Tơptơn, bá tước Tanê, tử tước Hattơn và công tước Môđgtagu.
- Vào cũi ngay, Guynplên?- Rôsextơ nói.
- Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo! - Tanê hét.
Tử tước Hattơn móc ở túi ra một penny vút cho Guynplên.
Còn Gion Căngben, bá tước Grinuych, Xavagiơ, bá tước Rivơ, Tomxơn, nam tước Hêvơsam, Oarinhtơn, Excric, Ronlextơn, Rokingam, Cactơrê, Lăngđên, Banextơ Mênh, Hânxđơn, Caeancvơn, Cavendls, Bơchnhtơn, Rôbơc Đacxy, bá tước Honđơnex, Ong Uynxơ, bá tước Plalmao, thì vỗ tay hoan nghênh.
Đây là cảnh huyên náo của thủ đô âm phủ hoặc của đền thờ vĩ nhân, trong đó tiếng nói của Guynplên đã bị át mất. Người ta chỉ nhận được hai tiếng: Coi chừng!
Ranph, công tước Môngtagu, vừa ở Ocxfoc ra và hãy còn lún phún lớp ria măng, từ hàng ghế công tước bước xuống khỏi chỗ y ngồi, chỗ thứ mưới chín, và đến đứng khoanh tay trước mặt Guynplên. Lưỡi dao có chỗ sắc nhất thì trong giọng nói cũng có âm sắc cay độc nhất.
Môngtagu chọn âm sắc đó và, cười khẩy vào mũi Guynplên, hắn hỏi to:
- Mày nói cái gì?
- Ta tiên đoán. - Guynplên đáp.
Tiếng cười lại bùng lên. Và dưới tiếng cười đó là sự tức giận trầm lắng kéo dài. Một trong số các nguyên lão vị thành niên, Lalonen Granxin, bá tước Đorxê và Mitđơnxêc, đứng hẳn lên trên ghế, không cười, trang nghiêm đáng mặt một nhà lập pháp tương lai và, chẳng nói chẳng rằng, nhún vai nhìn Guynplên với bộ mặt non choẹt mười hai tuổi. Thấy vậy giám mục Xên-asap liền cúi sát vào tai giám mục xên Đêvit ngồi cạnh, rồi vừa nói vừa chỉ Guynplên:
- Đấy là thằng điên? - và vừa chỉ thằng bé - Kia là quân tử!
Từ cái mớ hổ lốn cười nói nhạo báng ấy nổi lên những tiếng hét rất hỗn tạp:
- Đồ mật tổ ong bầu!
- Chuyện gì mà lạ kỳ thế. Một sự thoá mạ Nghị viện. Một con người thế kia quả là một biệt lệ kỳ quan. Nhục nhã! Nhục nhã!
- Bế mạc phiên họp thôi.
- Không, cứ để nó nói hết!
- Nói đi, thằng hề!
Huân tước Lêvix đơ Đuyrax, hai tay chống nạnh, hét to:
- Ôi, không còn gì khoái trá bằng cười! Sướng cho cái lá lách của tôi quá! Tôi đề nghị lấy biểu quyết lời cảm tạ sau đây: Nguyên lão nghị viện có lời cảm ơn Hộp Xanh.
Guynplên, ta còn nhớ, đã ước mơ một cảnh đón tiếp khác thế.
Ai đã từng trèo một cái dốc cát dựng đứng dễ sụt, trên một vực sâu thăm thẳm, ai đã từng cảm thấy dưới bàn tay mình, dưới ngón tay mình, dưới khuỷu tay mình, dưới đầu gối mình, dưới bàn chân mình, cứ tuồn tuột biến mất cái điểm tựa, ai là người đáng lý tiến dần trên cái dốc cheo leo ương ngạnh nhưng lại tụt xuống, nơm nớp lo bị trôi tuột, đáng lẽ trèo lên lại lún xuống, đáng lẽ đi lên lại tụt xuống, càng cố hướng tới đỉnh lại càng tăng thêm khả năng chìm ngập, và cứ mỗi bước định thoát khỏi tai hoạ lại càng thấy nguy khốn thêm một ít nữa, ai đã thấy vực sâu khủng khiếp đến gần, và đã có trong xương tủy cảm giác ớn lạnh rùng rợn khi rơi xuống, phía dưới là cái mõm rộng hoác, người ấy đã gặp phải những điều Guynplên đang gặp.
Nó cảm thấy con đường đi lên của nó đang sụt lở dưới chân, và thính giả của nó là một vực thẳm.
Bao giờ cũng có một người nói lên được cái từ bao hàm đủ mọi ý. Huân tước Xcacđơn diễn đạt thành một tiếng thét cảm nghĩ của toàn thể hội nghị.
- Con quái vật kia nó đến đây làm gì?
Guynplên thẳng ngươi lên, luống cuống, giận sôi lên, toàn thân run bần tật, Nó nhìn hằm hằm vào toàn thể mọi người.
- Tôi đến đây làm gì à? Tôi đến để gieo rắc hãi hùng. Các ngài bảo tôi là con quái vật ư? Không, tôi là quần chúng nhân dân. Tôi mà là biệt lệ à? Không, tôi là toàn thể mọi người. Chính các ngài mới là biệt lệ. Các ngài là hão huyền, còn tôi là thực tế. Tôi là Con Người. Tôi là Thằng Cười khủng khiếp. Cười cái gì? Cười các ngài. Cười bản thân. Cười tất cả. Cái cười của nó là gì? Là tội ác của các ngài, là cực hình của nó. Tội ác ấy, nó quẳng vào mặt các ngài; cực hình ấy nó nhổ vào mặt các ngài. Tôi cười, có nghĩa là: Tôi khóc.
Guynplên dừng lại. Mọi người im lặng. Tiếng cười vẫn tiếp tục nhưng khẽ thôi. Guynplên có thể cho đấy là một thái độ chăm chú mới. Nó lấy lại hơi và nói tiếp:
- Cái cười trên trán tôi đây, chính một nhà vua đã đặt nó lên đấy. Cái cười ấy biểu thị nỗi đau khổ của toàn dân. Cái cười ấy có nghĩa là căm thù, là im lặng bắt buộc, là phẫn nộ, là thất vọng. Cái cười ấy là một sản phẩm của tra tấn. Cái cười đó là một cái cười của vũ lực. Nếu Sa-tăng có cái cười ấy thì cái cười ấy sẽ kết tội Chúa. Nhưng vĩnh cửu có bao giờ giống những gì có thể bị diệt vong; vì nó tuyệt đối, nên có công minh; và Chúa trời rất ghét những việc làm của vua chúa. Hừ! Các người bảo tôi là một biệt lệ! Tôi là một biểu tượng. Hỡi những kẻ ngu ngốc quyền uy rất mực là các ngài, hãy mở to mắt ra. Tôi là hiện thân của tất cả. Tôi tượng trưng cho nhân loại đúng như Chúa đã sáng tạo nên. Con người là một kẻ bị tùng xẻo. Điều người ta đã làm đối với tôi, người ta cũng đã làm đối với nhân loại. Người ta đã bóp méo luật pháp, công lý, sự thật, lẽ phải, trí tuệ của nhân loại, cũng như đã làm biến dạng đôi mắt, cánh mũi và hai tai của tôi. Cũng như đối với tôi, họ đã đổ vào lòng nhân loại một đống bùn phẫn nộ, đau thương và đeo lên mặt nhân loại một cái mặt nạ thỏa mãn. Nơi nào ngón tay của Chúa đặt lên, nơi ấy móng vuốt của nhà vua đều cắm xuống. Một sự chồng xếp thật kỳ quặc. Các ngài giám mục, các vị nguyên lão và các bậc hoàng thân, nhân dân là người đau khổ sâu sắc luôn cười vui trên mặt. Các ngài huân tước, tôi nói để các ngài rõ, nhân dân chính là tôi. Hôm nay các ngài áp bức họ, hôm nay các ngài la ó tôi. Nhưng tương lai là cảnh băng tan núi lở buồn thảm. Cái bề ngoài rắn chắc sẽ bị chìm ngập. Một tiếng răng rắc, thế là xong hết. Sẽ đến giờ phút mà một biến động phá tan sự đè nén của các ngài, một tiếng gầm sẽ đáp lại những tiếng hò hét của các ngài. Giờ phút ấy đã đến rồi – cha ơi, cha đã sống trong giờ phút ấy – giờ phút ấy của Chúa đã đến, và mang tên là Chế độ Cộng hòa. Người ta đã trục xuất nó, nhưng rồi nó sẽ trở lại. Trong khi chờ đợi, các ngài hãy nhớ rằng cái xâu vua chúa vũ trang bằng kiếm đã bị Cromoen vũ trang bằng rìu làm cho gián đoạn. Các ngài hãy run sợ đi. Những giải pháp cứng rắn đang đến gần, những móng tay bị cắt cụt đang mọc lại, những cái lưỡi bị cắt đang vút bổng, trở thành những ngọn lửa tung bay đến những vùng u minh tối tăm, và gào thét trong chốn vô biên; những người đói khát đang nhe những hàm răng thất nghiệp, những thiên đường xây dựng trên địa ngục đang ngả nghiêng, người ta đang đau khổ, người ta đang đau khổ, người ta đang đau khổ, và cái ở trên đang nghiêng ngả, cái ở dưới đang hé mở, bóng tối đòi hỏi trở thành ánh sáng, người bị đoạ đầy tranh giành với kẻ được ân phúc, chính nhân dân đang đến. Tôi bảo với các ngài như thế, chính con người đang đi lên, chính giờ phút cuối cùng đang bắt đầu, chính đấy là bình minh đỏ rực của tai hoạ, và đấy là những gì chứa đựng trong cái cười này, cái cười mà các ngài đang chế giễu. Luân Đôn là một nơi hội hè lên miên không dứt. Được. Nước Anh luôn luôn là cảnh tung hô. Phải.
Nhưng các ngài hãy nghe tôi nói đây: Tất cả những gì các ngài trông thấy đều là tôi. Các ngài có hội hè, đấy là tiếng cười của tôi. Các ngài có những cuộc vui công cộng, đấy là tiếng cười của tôi. Các ngài có những đám cưới, những lễ thụ chức, những dịp đăng quang, đấy là tiếng cười của tôi. Các ngài có những ngày sinh hoàng tử, đấy là tiếng cười của tôi. Dưới chân, các ngài có sấm sét, đấy là tiếng cười của tôi.
Làm sao chịu đựng nổi những lời như vậy! Tiếng cười lại bắt đầu, lần này dữ dội hơn. Trong tất cả các loại nham thạch mà mồm con người, cái miệng núi lửa ấy phun ra, thứ nóng rát nhất là vui nhộn, gây đau khổ một cách vui vẻ, không đám đông nào tránh khỏi cái bệnh lây lan ấy. Không phải thứ hành quyết nào cũng đều diễn ra trên đoạn đầu đài, con người khi tụ tập lại, dù là đám đông quần chúng hay hội nghị, đều có một tên đao phủ đứng giữa, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng, đấy là lối nói châm chọc. Không cực hình nào có thể so sánh với cực hình của kẻ khốn khổ đáng buồn cười. Cực hình ấy, Guynplên đang chịu đựng. Trò vui nhộn, trên người nó, như đá ném, như đạn xuyên tới tấp. Nó là đồ chơi, là hình nhân, là cái đầu Thổ Nhĩ Kỳ, là bia bắn.
Người ta nhảy cẫng lên, người ta la hét bix, bix[165] người ta xô đẩy nhau. Người ta dậm chân. Người ta túm lấy lá sen của nhau. Tính chất trang nghiêm của địa điểm, màu đỏ áo thụng, vẻ trong trắng của những giải lông chồn, những bộ tóc giả đồ sộ, đều không làm gì nổi.
Huân tước cười, giám mục cười, thẩm phán cười. Hàng ghế ông già hết nhăn nhó, hàng ghế trẻ con ôm bụng. Tổng giám mục Cantơbiury hích tổng giám mục York, Henry Côngtơn, hai tay ôm chặt mạng mỡ. Huân tước tể tướng nhìn xuống, có lẽ để che dấu nụ cười. Và ở chỗ rào chắn, bức tượng tôn nghiêm, hoàng môn quan đũa đen, cười.
Guynplên, tái mét, đã khoanh tay lại; đứng giữa tất cả những bộ mặt kia, trẻ có, già có, toe toét nét vui nhộn của Hôme, trong cơn lốc vỗ tay dậm chân và reo hò ấy, bên cạnh cuồng điên hài hước mà nó là trung tâm kia, giữa sự bộc lộ hoan hỉ cùng cực ấy, giữa không khí hớn hở rộng khắp ấy, nó cảm thấy lòng nó giá lạnh như mồ ma. Thế là hết. Nó không còn đủ sức để làm chủ bộ mặt đang phản bội nó, cũng như đám thính giả đang sỉ nhục nó. Chưa bao giờ định luật muôn đời không tránh khỏi, tính hài hước gắn chặt với tính bi hùng, tiếng cười vang theo tiếng rống, sự nhại đùa cười trên lưng thất vọng, cái nghịch nghĩa giữa bề ngoài và sự thực, lại nổ ra khủng khiếp hơn thế. Chưa bao giờ một ánh sáng le lói soi rọi vào chỗ tối tăm sâu thẳm của con người lại thê thảm rùng rợn hơn.
Guynplên tham gia vào cảnh tan vỡ hoàn toàn của số phận nó bằng một tràng cười ha hả. Điểm không phương cứu chữa là đấy. Ngã xuống còn đứng dậy nổi, nhưng bị dẫm nát thì không tài nào đứng dậy được. Lối nhạo báng phi lý và tột cùng đang bóp nát nó thành cát bụi. Từ nay không thể làm gì nữa. Mọi việc đều tuỳ thuộc môi trường. Cái làm nên chiến thắng ở Hộp Xanh lại là thất bại và tai ương ở nghị viện nguyên lão. Ở kia là hò reo, ở đây lại là chửi rủa. Nó cảm thấy một cái gì như bề trái chiếc mặt nạ của nó. Bên này, chiếc mặt nạ có cảm tình của dân chúng tiếp nhận Guynplên, bên kia, sự căm hờn của lớp người cao quý gạt bỏ huân tước Fecmên Clăngsacli. Một bên là lực hút, một bên là sức đẩy cả hai đều kéo nó vào bóng tối. Nó tự cảm thấy như bị đánh trộm. Số kiếp thường gặp những miếng đòn phản bội. Sau này tất cả sẽ sáng tỏ, nhưng trong lúc chờ đợi thì vận mệnh là cạm bẫy và con người luôn luôn rơi vào những cái bẫy mới. Nó những tưởng đi hết, tiếng cười kia lại đón tiếp nó; việc hiển thánh thường có những kết quả thật rùng rợn. Có một từ ngữ buồn thảm là giã rượu. Bi đát thay điều khôn ngoan rút ra được sau khi giã rượu. Bị vây bọc giữa cơn bão táp vui nhộn và độc ác ấy. Guynplên ngẫm nghĩ.
Cái cười điên loạn bao giờ cũng được buông lỏng. Một cuộc hội nghị vui nhộn là chiếc la bàn hỏng. Người ta không còn biết đi dâu, cũng không biết đang làm gì nữa. Đành phải bế mạc phiên họp.
Huân tước tể tướng" biết trước sự việc", liền hoãn việc biểu quyết tiếp sang hôm sau. Nghị viện chia tay nhau. Các huân tước cúi chào chiếc vương kỷ rồi đi ra. Tiếng cười vẫn kéo dài rồi tắt dần trong các hàng lang. Các cuộc họp, ngoài những cửa chính thức, qua các thảm thêu, góc tường, ngách cột, vẫn có đủ loại cửa kín đáo để giải tán, y như một cái vại rút hết nước qua các kẽ nứt. Trong chốc lát căn phòng đã vắng ngắt. Rất nhanh và gần như không có chuyển tiếp. Nhưng nơi ồn ào nhộn nhịp ấy lập tức trở lại yên tĩnh.
Trạng thái chìm đắm trong mơ màng thường dẫn đi xa, và do nghĩ ngợi quá, cuối cùng người ta như lạc đến một hành tinh khác. Guynplên thình lình như tỉnh giấc.
Nó đứng một mình. Căn phòng trống rỗng. Từ nãy nó không thấy cả việc phiên họp đã bế mạc. Tất cả các nguyên lão đã biến mất, cả hai vị đỡ đầu của nó. Chỉ lác đác đây đó vài ba quan chức thấp kém của nghị viện, chờ "ngài lãnh chúa" ra về, để trải bọc ghế và tắt đèn.
Như một cái máy, nó đội mũ lên đầu, rời khỏi ghế, và đi về phía cái cửa lớn mở ra du lang. Đúng lúc nó bước qua chỗ rào chắn, một tên gác cửa cởi bỏ cho nó chiếc áo nguyên lão. Việc ấy nó hầu như không cảm thấy. Lát sau nó đã ở trong du lang.
Những người phục vụ có mặt ở đấy ngạc nhiên nhận thấy vị huân tước đi ra mà không chào ngai vua.
Trong du lang chẳng có người nào nữa. Guynplên đi ngang qua giao điểm, ở đây người ta đã bỏ hết bàn, hết ghế bành, và chẳng còn tí dấu vết gì về việc gia phong của nó. Những cây đèn nến và các ngọn đèn chùm cách quãng hướng dẫn lối ra. Nhờ dãy ánh sáng ấy, nó có thể dễ dàng tìm ra, trong loạt phòng khách và du lang, con đường nó đã cùng đến với vụ trưởng vụ lễ nghi và viên hoàng môn quan đũa đen. Nó chẳng gặp một ai cả, chỉ đây đó một huân tước già cả chậm chạp, bước đi nặng nhọc và ngoảnh lưng lại. Thình lình, trong cảnh tĩnh mịch, của tất cả những căn phòng vắng vẻ rộng lớn ấy, có tiếng nói oang oang không rõ lắm, vẳng đến tai Guynplên, một thứ ồn ào của đêm khuya, lạc lõng giữa một nơi như vậy. Nó bèn đi về hướng có tiếng, và đột nhiên đứng giữa một tiền sảnh rộng thênh thang, ánh sáng yếu ớt; đấy là một trong các lối ra của nghị viện. Tại đây thấy có một cái cửa kính rộng, mở toang, mấy bực cấp, một số quân hầu và đèn đuốc; bên ngoài, một bãi rộng, mấy chiếc xe tứ mã chờ dưới chân tam cấp. Chính từ đấy vẳng tới những tiếng nó vừa nghe được. Bên trong cửa, dưới ngọn đèn lồng của gian tiền sảnh, có một đám người nói năng ầm ĩ, vung chân múa tay. Trong bóng tối chập chờn, Guynplên tiến đến gần.
Họ đang cãi nhau. Bên này có mười, mười hai huân tước trẻ muốn đi ra, bên kia một người, đầu cũng đội mũ, đứng thẳng, trán ngẩng cao, đang chắn lối họ.
Người ấy là ai? Tom-Jim-Jack.
Một số trong các huân tước kia vẫn còn khoác áo nguyên lão; một số khác đã trút bỏ áo nghị viện và mặc thường phục.
Tom-Jim-Jack đội mũ lông chim, không phải màu trắng như các nguyên lão, nhưng xanh lục và lốm đốm da cam; từ đầu đến chân toàn đường thêu và vạch ngang, với hàng lô ruy-băng, đăng-ten, ở cổ, ở ống tay; tay trái y run run mân mê cái đốc kiếm đeo lủng lẳng, vỏ kiếm và dây đeo đều có gắn mỏ neo đô đốc.
Chính y đang nói, đang quát vào mặt cánh huân tước trẻ tuổi. Đây là những gì Guynplên nghe được:
- Tôi đã nói rằng các người hèn lắm. Các người muốn tôi rút lui câu nói của tôi. Được. Các người không phải là đồ hèn. Các người là đồ ngu vậy. Tất cả các người câu kết với nhau chống lại một kẻ. Như thế không phải hèn nhát: Vâng. Vậy thì là ngu xuẩn, ở đây già thì điếc tai, trai trẻ thì điếc trí tuệ. Tôi ít nhiều cũng thuộc tầng lớp các người, để nói lên sự thật cho các người nghe. Cái thằng mới đến kỳ quặc thật đấy, và nó đã tuôn ra một mớ điên rồ, tôi đồng ý thế; nhưng trong cái mớ điên rồ ấy có những việc đúng. Hỗn độn, khó tiêu, vụng về; đồng ý? Nó lặp di lặp lại quá nhiều mấy tiếng: "các ngài có biết không, các ngài có biết không"; nhưng một kẻ hôm qua còn là thằng hề chợ phiên thì không bắt buộc phải nói năng như Arixtôt và như tiến sĩ Ginbec Bơnet, giám mục Xarom. Chấy rận, sư tử, lời quát tháo viên phó thư ký, tất cả những chuyện ấy đều khiếm nhã. Nhưng có ai phản đối ý kiến các người đâu. Đấy là một lời hô hào rồ dại, không mạch lạc, quàng xiên nhưng đây đó có những sự việc có thật. Nói như thế đã là nhiều rồi, khi không phải nghề của người ta, tôi muốn được thấy các người nói thử xem! Điều nó kể về những người hủi ở Boctơn Lêzơ không thể chối cãi được rồi, vả lại nó không phải là người đầu tiên nói những điều ngu dại. Cuối cùng tôi, thưa quí vị huân tước, tôi không ưa cái kiểu lấy thịt đè người, cái tính của tôi vẫn thế, và tôi xin phép các người được phép phẫn nộ. Các người đã làm tôi không vừa lòng, tôi rất bực về chuyện ấy. Tôi, tôi không tin Chúa lắm, nhưng khi nào Chúa làm điều tốt thì tôi tin vào Chúa, việc này không phải ngày nào Chúa cũng làm. Cho nên tôi cảm ơn Chúa, đấng từ bi bác ái, nếu thật tình có Chúa, đã lôi từ đáy cuộc tồn tại thấp hèn này ra vị nguyên lão Anh quốc kia, đã trả lại gia tài cho người thừa kế kia và, không bận tâm xem điều ấy có ảnh hưởng gì đến công chuyện của tôi hay không. Tôi rất thích được thấy đột nhiên con mọt đất biến thành đại bàng và Guynplên trở thành Clăngsacli. Thưa quí huân tước, tôi cấm các vị phản đối ý kiến của tôi. Tôi rất tiếc là Lêvix Đơ Đuyrat không có ở đây. Tôi sẽ vui lòng sỉ vả y. Thưa quí vị huân tước, Fecmên Clăngsacli đã là huân tước và quí vị đã là những tên hát rong. Còn cái miệng cười của nó, đâu phải lỗi của nó. Các vị đã chế giễu cái cười ấy. Không ai cười một tai họa cả. Các vị là những thằng ngu. Những thằng ngu độc ác. Nếu các vị tưởng người ta không thể cười các vị, thì các vị lầm to; các vị xấu lắm, và các vị ăn mặc nhố nhăng lắm. Này huân tước Hevosam, hôm vừa rồi ta được thấy ả nhân tình của ngươi, thật là gớm ghiếc. Nữ công tước mà cứ như con khỉ cái. Thưa các ông hay cười hay nhạo, tôi xin nhắc lại, tôi rất muốn được nhìn các ông thử nói liền một lúc bốn chữ xem. Chán vạn kẻ liến thoắng, nhưng rất ít người biết nói lên lời. Các vị cứ tưởng mình biết được dăm ba điều vì các vị đã lê đũng quần vô công rỗi nghề của mình tại Ôcxfơc hay tại Kembritgiơ và vì trước khi làm nguyên lão Anh quốc trên ghế của Oetxminxtơ- Hơn, các vị đã là những con lừa trên ghế trường trung học Gônơvin và Cayut? Tôi, tôi đứng đây, và tôi muốn được nhìn thẳng mặt các vị. Các vị vừa tỏ ra vô liêm sỉ đối với vị tân huân tước ấy. Một con quái vật, cứ cho là thế đi. Nhưng lại bị vứt vào giữa một lũ súc sinh. Tôi thích được làm hắn ta hơn là làm các vị. Tôi không có quyền phát biểu, nhưng tôi có quyền là một người quí tộc. Cái vẻ mặt vui nhộn của các vị làm tôi chán ngấy. Mỗi khi không vừa ý, tôi thường đi lên núi Penđơnhin hái cỏ mây, giống cỏ thường giáng sấm sét xuống đầu người hái. Vì vậy tôi đã đến chỗ các vị ở lối cửa ra. Chuyện trò là bổ ích, và chúng ta có những việc cần thanh toán với nhau. Các vị có biết chính bản thân tôi cũng đang khao khát muốn gặp các vị không? Thưa quí vị huân tước, tôi đang quyết tâm giết một vài người trong số các vị đây, tất cả các vị có mặt đây, Tômax Tơptơn, bá tước Tanê; Xavagiơ, bá tước Rivơ, Salơx Xpenxơ, bá tước Xanđơlan, Lorenx Haiđơ, bá tước Rôsextơ, các vị nam tước, Grê Rolextơn, Kêry Hânxđơn, Excric, Rockingan; mày, Cáctorê; mày, Rôbơc Đacxi, bá tước Honđơnex; mày Uynliam, tử tước Hantơn; và mày, Ranph, công tước Môngtagu, và tất cả những kẻ nào muốn, ta, Đêvit Đây Mua, một chiến sĩ hải quân, ta thách các người, ta kêu gọi các người, ta ra lệnh cho các người phải tìm gấp người phò tá và nhân chứng đi, ta đang chờ đợi các người, mặt đối mặt, ngực đối ngực. Chiều nay, ngay bây giờ, ngày mai, ban ngày, ban đêm, giữa ánh mặt trời, dưới ánh đuốc, lúc nào, theo cách nào các người cho là thích hợp, tại bất cứ địa điểm nào có đủ cho cho hai ngọn kiếm, và các người lên soát lại súng ngắn, xem lại mũi kiếm của các người, vì ta có ý định làm cho cái ghế nguyên lão của các người bỏ trống đấy. Ogơn Cavendls, hãy lo liệu và hãy nghĩ đến câu châm ngôn của nhà ngươi Cavendo tutus[166]. Macmađluc Lanđên, nhà ngươi nên bắt chước ông tổ Gânđên của nhà ngươi, cho khiêng theo một chiếc quan tài. Glorgio Binh, bá tước Oannhtơn, nhà ngươi sẽ không được thấy lại lãnh địa tướng quốc Sextơ và cái mê hồn cung của nhà ngươi làm theo kiểu Cơret và những tháp cao ở Đunham Matxi đâu. Còn huân tước Vêgam, nó còn trẻ con quá, quen ăn nói lỗ mãng, và quá già để chịu trách nhiệm về lời nói, về những lời nói của nó, ta sẽ hỏi chuyện cháu nó là Risac Vêgam, đại biểu công xã thị trấn Menênet. Còn nhà ngươi, Gion Cangben, bá tước Grinuych, ta sẽ giết chết nhà ngươi như Ason giết Matax, nhưng đường hoàng chứ không phải từ sau lưng, vì ta quen đưa ngực ra chứ không đưa lưng ta cho mũi kiếm. Thưa quí vị lãnh chúa, ta đã nói hết. Bây giờ, nếu các người thấy cần, thì cứ việc dùng bùa, dùng ngải, hãy đi hỏi các mụ bói bài tây, hay xoa lên người các thứ bùa quỷ hoặc đeo ảnh Đức Bà Đồng Trinh vào cổ, ta cũng sẽ đánh nhau với các người, bất chấp việc các người có được ban phúc hay bị nguyền rủa, và ta sẽ không cần bảo sờ xem các người có đeo bùa trên người hay không. Đứng dưới đất hay ngồi trên lưng ngựa, Ngay giữa ngã tư, nếu các người muốn, tại Piccadyly hay ở Sêrinh Crôx, và người ta sẽ cạy bỏ nền đường cho chúng ta gặp nhau như trước kia người ta đã cạy bỏ nền sân cung điện Luvrơ cho Đơ Ghizơ và Đơ Baxompie đấu kiếm. Tất cả các người có nghe rõ không? Ta cần đến tất cả các người. Ngủ đi, bá tước Caenacvon, ta sẽ cho ngươi nuốt lưỡi kiếm của ta đến tận đốc, như Maron đã cho Lilơ Marivô nuốt; sau đó huân tước ạ, chúng ta sẽ xem nhà ngươi có còn cười nữa không. Còn nhà ngươi, Bơclin- htơn, với cái tuổi mười bảy, ngươi có cái vẻ một cô gái, nhà ngươi sẽ được chọn giữa các bãi cỏ toà nhà của ngươi ở Mitđơnxêc và ngôi vườn xinh đẹp của ngươi ở Lonđexbơ tại Yorsai để làm nơi chôn cất. Ta báo cho các người biết là ta không ưa ai hỗn láo trước mặt ta. Và thưa quý vị huân tước, tôi sẽ trừng phạt các vị. Ta thấy việc các người phỉ báng huân tước Fecmên Clăngsacli là không tốt. Y còn giá trị hơn các người nhiều. Là Clăngsacli, y có dòng máu quý tộc mà các người có, là Guynplên, y có trí tuệ mà các người không có. Ta lấy lý tưởng của y làm lý tưởng của ta, ta xem xỉ nhục của y là xỉ nhục của ta, và lấy việc nhạo báng của các người làm điều phẫn nộ của ta. Rồi chúng ta xem ai sẽ sống để thoát khỏi việc này, vì ta thách các người thái quá đấy, các người có nghe rõ không, dùng bất cứ loại vũ khí nào mà các người ưa thích; bởi vì các người vừa là kẻ thô lỗ, vừa là quý tộc, nên ta phải tuỳ theo tước vị các người mà thách thức và ta dành cho các người tất cả mọi lối mà con người vẫn dùng để giết nhau, từ thanh kiếm như các bậc vương giả cho đến quyền Anh như bọn thô lỗ.
Trước những lời phẫn nộ như nước tát vào mặt ấy, toàn thể cánh huân tước trẻ kiêu ngạo chỉ mỉm cười đáp.
- Đồng ý thôi. - Họ nói.
- Ta chọn súng lục. - Bơclinhtơn nói.
- Tôi, - Excrie nói - lối chiến đấu cũ không cho người ngoài xem, bằng trùy và dao găm.
- Ta thì, - Onđonex nói - song đao, một dài một ngắn, ngực trần, và giáp lá cà.
Huân tước Đêvit, bá tước Tanê nói:
- Nhà người là dân Êcôx. Ta dùng trường kiếm.
- Ta thì kiếm thường. - Rôkingam nói.
- Ta, - công tước Railph nói - ta thích chơi quyền Anh. Cao quý hơn.
Guynplên bước ngay ra khỏi bóng tối.
Nó tiến đến bên người mà từ trước đến nay nó vẫn gọi là Tom-Jim-Jack, và lúc này nó bắt đầu thoáng thấy có một cái gì khác.
- Tôi cảm ơn ngài, - nó nói- nhưng việc này xin để mặc tôi.
Tất cả bấy nhiêu cái đầu đều ngoảnh phắt lại.
Guynplên tiến lên. Nó cảm thấy bị đẩy tới phía người mà nó nghe gọi là huân tước Đêvit, lại là người bênh vực nó, và có lẽ còn hơn thế nữa. Huân tước Đêvit lùi ngay lại.
- Kìa! - Huân tước Đêvit nói, - hóa ra là ông! Ông có ở đây! Hay lắm tôi cũng đang có chuyện cần nói với ông. Ban nãy ông có nói đến một người đàn bà, sau khi yêu huân tước Linơx Clăngsacli, đã yêu vua Saclơ đệ Nhị.
- Đúng thế.
- Thưa ông, ông đã lăng mạ mẹ tôi.
- Mẹ ông? - Guynplên thốt lên - Nếu thế thì tôi đoán ra rồi, chúng ta là...
- Anh em. - Huân tước Đêvit đáp - Và y giáng cho Guynplên một cái tát.
- Chúng ta là anh em, - y nói tiếp- như vậy là ta có thể đánh nhau lắm. Người ta chỉ đánh nhau với kẻ ngang hàng. Còn ai ngang hàng với mình hơn là anh em mình. Tôi sẽ gửi nhân chứng tới gặp ông. Ngày mai, chúng ta sẽ cắt cổ nhau.
@by txiuqw4